Trường Sa - chuyến đi cuộc đời của mỗi nhà báo
(ICTPress) - Từ ngày 19 đến 29/4/2012, đoàn nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) gồm các nhà báo từ Trung tâm Báo chí và Hợp tác Truyền thông quốc tế, Trung tâm Thông tin, Báo điện tử VietnamNet, Báo Bưu điện, Tạp chí CNTT&TT, Tạp chí Xã hội Thông tin, Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, Tập đoàn VNPT đã tham gia Đoàn công tác số 7 đi thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 năm 2012.
Nhà báo Trần Bình Tám tặng quà của đoàn cho quân và dân đảo Trường Sa lớn |
8 nhà báo ở 6 đơn vị đã “hành quân” vào phía Nam từ sáng sớm khi trời Hà Nội còn tối đen. Vào TP. Hồ Chí Minh 8 giờ sáng, chúng tôi được di chuyển về nhà khách Hải Quân số 1A Tôn Đức Thắng. Đầu giờ chiều, Bộ Tư lệnh Hải quân họp mặt toàn Đoàn gồm Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy ngoài nước, Hội Nhà văn Việt Nam, TP. Đà Nẵng, Tổng cục Biển và Hải đảo, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng…
Đúng lịch trình, 8 giờ sáng ngày 19/4, con tàu HQ 996 chở toàn bộ đoàn ra khơi. Hai ngày liên tục trên biển, 8 giờ sáng ngày 21/4, chúng tôi đến “thủ đô” của Trường Sa, Trường Sa lớn. Đón chúng tôi là các lực lượng và người dân trên đảo. Sau những cái bắt tay, những lời hỏi thăm, cả những cái ôm chầm ấm áp giữa đoàn với quân và dân trên đảo, cả đoàn tiến vào trung tâm đảo, đứng dưới ngọn cờ Tổ quốc. Cảm giác tự hào và thiêng liêng dâng trào khi đứng ở cột mốc chủ quyền ở Trường Sa lớn và xem diễu binh của các lực lượng trên đảo.
Mặc dù đã bắt đầu tác nghiệp từ khi đoàn lên tàu từ TP. HCM nhưng Trường Sa lớn được tính là ngày đầu tiên tác nghiệp chính thức. Từ thời điểm đó và liên tục những ngày sau đó là nhiều giờ liên tục tác nghiệp trong nắng nóng rát mặt và cả những trận mưa biển bất chợt. Từ tàu để ra được các đảo, đoàn công tác luôn ưu tiên các nhà báo đi chuyến cano đầu tiên vì vậy việc di chuyển đòi hỏi phải thật nhanh, chính xác khi từ tàu xuống cano, lên đảo và quay trở lại. Hai máy quay, các máy ảnh, đồ dùng của đoàn lúc nào cũng được bọc nilon lớn, chắc chắn, cẩn thận và sẵn sàng tác nghiệp ngay khi rời khỏi tàu. Trang phục của cả đoàn là áo phao màu cam rực rỡ, dép quai hậu, mũ cối… Để ghi chép lại tất cả, các nhà báo thường lên đảo đầu tiên, ra xuồng cuối cùng nhưng gương mặt ai cũng phấn khởi, rộn ràng nhưng quyến luyến, bịn rịn không muốn rời xa đảo.
Sẵn sàng tác nghiệp |
Ngọc Khôi, Phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, người ít tuổi nhất của đoàn, chia sẻ: “Tôi đã từng đọc qua rất nhiều tài liệu, xem rất nhiều hình ảnh về quần đảo Trường Sa và ước mơ trong đời có lần được đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Vì thế, khi được Liên chi hội nhà báo TT&TT tạo cơ hội, tôi đã chuẩn bị ngay hành trang để lên đường”.
“Được trực tiếp gặp quân dân trên các điểm đảo ở Trường Sa, nghe và thấy những câu chuyện đời thường nơi đảo xa, tôi cảm nhận những gì mình đã biết trước đây chỉ là một góc rất nhỏ so với thực tế từ chuyến đi này. Và với những câu chuyện đời thường đó, chính những người dân, những lính đảo Trường Sa đã giúp tôi trưởng thành hơn sau chuyến đi” - Ngọc Khôi nói thêm.
Trưởng đoàn, nhà báo Trần Bình Tám lần thứ hai đi Trường Sa cho biết dường như mỗi nhà báo tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa trong chuyến đi này đều cảm thấy như không đủ thời gian, chạy đua với thời gian để kịp ghi chép lại tất cả. Từ trải nghiệm đặc biệt trong chuyến công tác lần này mỗi nhà báo ở từng cơ quan ngoài thời gian tác nghiệp, đã có thời gian trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm tác nghiệp, làm việc nhóm, hỗ trợ nhau và phát huy những ưu điểm của nhau. Trưởng đoàn Trần Bình Tám cho biết từ chuyến đi đầy ý nghĩa này, mỗi nhà báo sẽ phát huy nghiệp báo của mình hơn nữa trong tương lai.
Lê Trọng Hiếu, phóng viên quay phim Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, Tập đoàn VNPT xúc động chỉ nói 1 câu duy nhất khi tôi hỏi về ấn tượng nhất của Hiếu về chuyến đi lần này: “Đã là công dân Việt Nam, nếu có cơ hội hãy ra Trường Sa ít nhất 1 lần”.
Trong chuyến đi lần này, Ban Tổ chức đoàn công tác số 7 phát động một cuộc thi viết về Trường Sa cho toàn bộ các thành viên trong đoàn để kịp thời trao giải vào ngày cuối của chuyến đi. Tất cả các nhà báo TT&TT đã hưởng ứng với các bài viết khác nhau và hạn chót là ngày thứ 7 của chuyến đi. Kiên Trung, phóng viên Báo điện tử VietnamNet đã có 2 bài viết dài, trong đó có bài viết dài 6 trang đầy cảm động với tựa đề “Những pháo đài biển”.
Câu mở đầu bài viết của Trung làm tôi ấn tượng: Tôi năm nay 31 tuổi. Tôi được ra Trường Sa lần đầu tiên trong đời, sau rất nhiều ngày tháng ấp ủ. Cảm xúc của tôi như thế nào, có lẽ không nói các bạn cũng hiểu…
Tôi là người đầu tiên đọc bài báo của Trung và xúc động với những dòng: “Những con người Trường Sa tôi gặp, còn hơn cả những đồng bào ruột thịt. Mỗi con người Trường Sa tôi gặp, với tôi, mỗi người là một pháo đài, kiên trung, bền chắc đến lì lợm, như những cây pơ-mu khổng lồ mọc giữa biển khơi”.
Trung tiếp tục mạch “Những pháo đài biển” với chi tiết Thượng úy Phạm Quốc Phương, Điểm trưởng điểm Tốc Tan C.
“Đôi môi của anh dường như vẫn còn nguyên một vết răng cắn chặt. Vết cắn làm đôi môi anh tứa máu, và vết thương vẫn chưa liền.
Chúng tôi chạm được con sóng ngầm đang được anh cất giấu trong lòng: đứa con đầu lòng ba tuổi của anh ngoài đất liền vừa mất vì một cơn bạo bệnh.
Anh nhận được tin dữ hơn một tuần trước nhưng không về được. Anh vẫn chốt trên đảo.”
Phải nói thêm là để có những bài viết này, Trung khó khăn hơn những người khác trong đoàn là máy tính mang theo đã bị đứt cáp ngay ngày đầu tiên đến TP. Hồ Chí Minh.
Kiên Trung và Trọng Hiếu may mắn hơn cả đoàn là được đi nhiều hơn đoàn 1 đảo chìm - Đảo Đá Lát bởi Đảo chìm Đá Lát có không gian “eo hẹp” nên không thể đón tiếp cả đoàn công tác. Ngày cuối của chuyến đi, gió mạnh bất thường, các phóng viên nam trong cả đoàn cũng may mắn hơn 2 nhà báo nữ chúng tôi là được lên nhà dàn DK1. Tuy nhiên, nhờ có bộ đàm của tổ điều hành đoàn đi, chúng tôi cũng đã được giao lưu và trò chuyện với các chiến sỹ trên nhà dàn cao chót vót giữa biển khơi mà chỉ cách tàu vài chục mét.
Đạo diễn, quay phim Nguyễn Xuân Đại là người duy nhất quay được hình ảnh thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa trong không khí trang nghiêm, hào hùng giữa biển khơi từ boong tàu HQ 996. Để chuẩn bị ghi lại được hình ảnh đầy cảm động này, anh đã được các thuyền viên tàu HQ 996 chuẩn bị cano từ sáng sớm và cùng với hai thuyền viên lái cano, anh đã phải vòng đi vòng lại không biết bao nhiêu lần để ghi lại hình ảnh xúc động chỉ xuất hiện vài giây trong bộ phim dài khoảng nửa tiếng.
Ghi lại từng hình ảnh về Trường Sa |
Có những đảo, cả đoàn công tác số 7 phải chia làm 2 mũi đi 2 điểm đảo. Người làm báo thì luôn muốn ghi chép tất cả trong 1 chuyến đi đặc biệt thế này và may mắn là đoàn nhà báo TT&TT luôn được tham gia cả 2 tốp đi và như vậy chúng tôi có thông tin của các đảo trong hành trình để không phải tiếc nuối là không thể vào đảo.
Luôn là những người cuối cùng rời khỏi đảo |
Buổi tối ngày cuối trước khi về chúng tôi lại “họp đoàn” như những ngày trước đó nhưng hôm nay đặc biệt hơn đó là chúng tôi trao đổi, tổng hợp tất cả các thông tin mà mỗi thành viên đã có cơ hội trò chuyện, trao đổi với các chiến sỹ tại các điểm đảo đến thăm hay các hình ảnh về Trường Sa thân yêu.
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Hải Đường, Trưởng đoàn công tác số 7 một lần trò chuyện trên boong tàu đã cho tôi biết, ông đánh giá cao nhất các nhà báo tác nghiệp tại Trường Sa lần này vì những hoạt động không ngừng nghỉ kể cả khi các đoàn khác, thành viên khác trong đoàn đã nghỉ ngơi. Đặc biệt, ông cảm động khi biết các nhà báo TT&TT đã dành những phần tiền tiết kiệm cá nhân để trực tiếp trao tặng, giúp đỡ các chiến sỹ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như lực lượng không quân tại đảo Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Đá Lát, Tốc Tan, An Bang, nhà giàn DK1... và xây dựng chùa trên đảo Trường Sa lớn.
Cũng vào tối trước khi kết thúc chuyến công tác, nhà báo Trần Bình Tám được chúng tôi gọi với cái tên thân mật là "bố", như thường lệ ngồi viết nhật ký của hành trình và cho tôi xem một câu nhận xét về các nhà báo: “khen bao nhiêu cho các nhà báo trong chuyến đi lần này cũng là không đủ”.
Tổng kết chuyến đi, Đoàn công tác số 7 đã trao Kỷ niệm chương Trường Sa cho nhà báo Trần Bình Tám với hai lần đi Trường Sa và Huy hiệu chiến sỹ Trường Sa cho 8 nhà báo trong đoàn. Nhà báo Trần Bình Tám còn được trao tặng kỷ lục vì có nhiều tác phẩm viết nhiều về Trường Sa với hơn 10 tác phẩm báo chí. Các nhà báo Nguyễn Xuân Đại, Lê Trọng Hiếu, Nguyễn Kiên Trung, Nguyễn Lan Phương, Bùi Thị Hương Giang đã được đoàn công tác khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong chuyến công tác và có tác phẩm dự thi cuộc vận động sáng tác về Trường Sa thân yêu trên tàu HQ 996.
Còn nhiều nhiều nữa những câu chuyện, chi tiết tác nghiệp trong suốt chuyến đi này của cả đoàn nhưng kể ra thì rất dài nhưng tôi có thể nói đến thời điểm này, ngày cuối của chuyến công tác, là tôi vui mừng vì đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, an toàn, mạnh khỏe và có màu da “rắn rỏi”. Chúng tôi đã và đang truyền tải những tác phẩm báo chí về Trường Sa đến với bạn đọc và bạn xem truyền hình trong thời gian tới.
Nhân dịp này, đoàn công tác chân thành cảm ơn các đơn vị đã gửi tặng tiền, quà cho quân và dân huyện đảo Trường Sa: Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, Tập đoàn VNPT, Công ty Tem Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT, Chi đoàn Cục Tần số Vô tuyến điện, Chi đoàn Tạp chí Xã hội Thông tin, Chi đoàn Báo điện tử VNMedia, Chi đoàn Tạp chí CNTT&TT, Chi đoàn Tạp chí Toàn cảnh Sự kiện và Dư luận, Tạp chí Echip. Tổng tiền, quà các đơn vị và các cá nhân hảo tâm, các thành viên trong đoàn đóng góp tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa trị giá 25 triệu đồng.
Lan Phương