Trong kia, trên đất liền, con gái tôi đã mất!

Ngày hết phép, anh trốn con ra đảo, đứa trẻ ba tuổi đã biết giận bố, nhưng vẫn cố nhổm dậy mỗi khi thấy một người mặc áo trắng mà nó cứ ngỡ là cha mình...

"Đảo là nhà, biển cả là quê hương"

Có thể, chúng ta đã rất quen thuộc với những khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích dán trên đường phố, kẻ trên tường, băng-rôn treo nơi công cộng vào những ngày lễ, những sự kiện trọng đại.

Ngay cả câu "Đảo là nhà, biển cả là quê hương" mà tôi gặp ở rất nhiều đảo, ở những đảo chìm vì không có diện tích, nó được kẻ mực đỏ lên trên thành bể bê-tông được xây để tích trữ nước ngọt, nước mưa; hay như ở đảo nổi An Bang, khẩu hiệu ấy được kẻ to đùng trên bức tường ban công tầng 3 của khu nhà chỉ huy...

Rõ ràng, nó là một khẩu hiệu. Thế nhưng, ở giữa biển khơi bao la, ở những nơi mà khi tôi đặt được đôi chân để đứng vững chãi trên mặt đất, sau một chặng hành trình dài trên tàu lắc lư theo sóng biển mới ra đến nơi, sau những trải nghiệm tự mình tìm cho mình, mới thấy, đấy không chỉ là khẩu hiệu. Nó là một mệnh lệnh thiêng liêng, là tình cảm thật xuất phát từ thẳm sâu trong cõi lòng mình.

Ánh mắt Trường Sa

Nó giống như cảm xúc trân trọng, tự hào trào dâng trong mỗi người chúng tôi, khi vừa mới trên canô "tăng bo" từ tàu lớn để lên đảo chìm còn nói cười rổn rảng, nhưng khi vừa chạm mắt hình ảnh người chiến sỹ nước da rám nắng, gương mặt cương nghị, tay bồng súng canh giữ biểu tượng chủ quyền Tổ quốc trên những đảo chìm, tự dưng, sống mũi cay xè...

Buổi chiều, chúng tôi quay lại đảo Trường Sa Lớn. Tôi dạo những bước chân chậm rãi và tự tin trên mảnh đất chủ quyền của Tổ quốc, giữa biển khơi lồng lộng gió biển.

Rừng phong ba chắn sóng ở những đảo nổi. Những dãy bàng vuông mơn mởn màu xanh bền bỉ đang trổ những chùm hoa của một mùa mới. Dưới những gốc cây, những đọt non căng tràn nhựa, vừa nhú ra khỏi cành đã thẳng tắp. Những rừng san hô quấn quýt quanh những đảo chìm...

Ở đảo xa, tôi thấy dường như, bất cứ cái gì cũng thẳng, không bao giờ nghiêng ngả, ngay cả đến cây cỏ.

Đó là Phương Anh, bé gái 5 tuổi hồn nhiên đùa vui cùng lũ trẻ ở Trường Sa Lớn. Con hồn nhiên, tự tin và hạnh phúc trên đảo quê hương. Con dẫn tôi về tận nhà để gặp mẹ - cô giáo trẻ đang cùng một lúc dạy các con từ lớp 1 đến lớp 5, và phụ trách luôn những con đang học lớp mầm, lớp chồi.

Nhà Phương Anh hôm nay bận rộn. Ba mẹ của con tíu tít cho bữa tiệc thôi nôi của bé Phương Nam. Mâm lễ cúng thôi nôi có 5 đĩa xôi, 5 bát chè kho bày trên bàn thờ gia tiên. Sư thầy Thích Ngộ Hạnh vừa từ đất liền ra Trường Sa Lớn được 4 ngày, đến tận nhà làm lễ. Một cuốn vở nhỏ, vài cây viết, nhiều món đồ chơi..., tất cả đều mới, được bày lên một chiếc mẹt tre. Tất cả đều ấp ủ những ước vọng cho bé Phương Nam hay ăn chóng lớn, mai này sẽ là một chàng trai Trường Sa ra trò!

Thượng uý Phạm Quốc Phương - Điểm trưởng Điểm đảo Tốc Tan C, người vừa có đứa con đầu lòng bị mất. Anh nói với chúng tôi: "Vẫn còn nhiều anh em có hoàn cảnh khó khăn hơn em, em cũng thường xuyên gọi điện động viên vợ và gia đình. Nỗi đau sẽ qua thôi..."

Mùi nhang thơm quấn quýt trong ngôi nhà hạnh phúc. Bên ngoài, sóng biển ầm ào như một bản nhạc nền. Cây đu đủ trước cửa quả sai nặng trĩu, tựa như một bức tranh Đông Hồ vẽ đàn lợn Âm Dương. Biết đâu, người nghệ sỹ dân gian của làng tranh Đông Hồ, nếu được ra đảo, cây đu đủ này sẽ gợi cho anh nhiều ý tưởng?

Đó là Thượng úy Phạm Quốc Phương, Điểm trưởng điểm Tốc Tan C, rắn rỏi và dong dỏng đen. Tôi lại được gặp ánh mắt Trường Sa, sáng long lanh và đầy nghị lực.

Trong sâu thẳm đôi mắt ấy, tôi bắt gặp một nỗi buồn, như con sóng ngụp lặn dưới lòng đại dương, đôi lúc lại nhô lên trên mặt biển.

Đôi môi của anh dường như vẫn còn nguyên một vết răng cắn chặt. Vết cắn làm đôi môi anh tứa máu, và vết thương vẫn chưa liền.

Chúng tôi chạm được con sóng ngầm đang được anh cất giấu trong lòng: đứa con đầu lòng ba tuổi của anh ngoài đất liền vừa mất vì một cơn bạo bệnh.

Anh nhận được tin dữ hơn một tuần trước nhưng không về được. Anh vẫn chốt trên đảo.

Trong báo cáo của anh với Đoàn công tác, phần đề xuất, anh chỉ xin cấp trên tăng cường thêm cho đảo các phương tiện, thiết bị tối tân hơn nữa, để Tốc Tan C có thể tăng thêm tầm nhìn, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vùng biển...

Trong một căn phòng nhỏ, chúng tôi, những nhà báo từ đất liền, chia sẻ cùng anh nỗi mất mát mà anh đang hứng chịu.

Trong lúc nhiều nhà báo không kìm được nước mắt, đôi mắt anh vẫn nhìn thẳng, dù giọng của anh có hơi lạc đi, cơ mặt giật giật trong khoảnh khắc. "Còn nhiều anh em có hoàn cảnh khó khăn hơn em, nhưng không ai rời vị trí cả. Em cũng đã động viên gia đình, sẽ cố gắng vượt qua nhanh nỗi đau này thôi...".

Anh tâm sự với chúng tôi như nói chuyện với những người đồng đội: đứa con bé bỏng của anh mắc căn bệnh hiểm nghèo. Vợ chồng anh đã chạy chữa cho con ở rất nhiều nơi; ngày hết phép, anh trốn con ra đảo, đứa trẻ ba tuổi đã biết giận bố, nhưng vẫn cố nhổm dậy mỗi khi thấy một người mặc áo trắng mà nó cứ ngỡ là cha mình...

Thương lắm, Trường Sa ơi!

Kiên Trung

VietnamNet

Tin nổi bật