"Vườn treo Babilon"... giữa biển Đông

Bên cạnh những bãi cát vàng ươm, trông xa như một mảnh vỏ trai vàng óng nhô lên trên mặt biển, dưới sóng biển và nắng trời đẹp duyên dáng đến trữ tình... là những "vườn rau thanh niên" được các chiến sỹ chăm chút, nâng niu nhất mực.

Trong báo cáo của các đảo mà đoàn công tác ghé thăm, ngoài những nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn... còn có một nội dung quan trọng: kế hoạch, nhiệm vụ tăng gia sản xuất, "làm kinh tế" trên đảo!

Hai nội dung mà ở đảo nào chúng tôi cũng được nghe báo cáo, đó là sản lượng... cân hơi thịt chó (tính theo năm) và sản lượng rau xanh trồng tại chỗ trên đảo, nhất là ở các đảo chìm.

Thời điểm trước, theo "tiết lộ" của một sỹ quan trên đảo Đá Tây, còn có sản lượng đánh bắt hải sản biển, vì Hoàng Sa, Trường Sa là những ngư trường lớn ở biển Đông. Mấy năm gần đây, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ đạo cấm các đảo đánh cá biển nên tất cả các đảo "xoá sổ" tiêu chí này.

Rau xanh không chỉ là sản phẩm kinh tế, mà còn được coi như những tác phẩm nghệ thuật trên đảo.

Những bể nhựa có cùng diện tích chừng 40 x 60cm được Bộ Tư lệnh Hải quân trang bị cho các đảo để trồng rau xanh, (tuỳ theo quy mô, diện tích của mỗi đảo mà số lượng khác nhau) được xếp ngay ngắn và gọn ghẽ ở những vị trí thích hợp và thuận lợi, để vừa không ảnh hưởng đến việc bài trí thế trận tác chiến trên đảo, lại vừa tránh được nắng, gió biển ràn rạt quanh năm suốt tháng.

Những vườn rau xanh nhỏ bé và hiếm hoi ấy được che chắn bằng những thanh gỗ ván, những mảnh bao bì, bao ni-lông, mảnh vỡ của mạn thuyền hay thùng phuy, téc nước...

Ở đảo Đá Lát - đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân, hai khoảnh trồng rau nhỏ bé và khiêm tốn được bài trí ở hai bên "cửa chính" tính từ âu tầu cập xuồng. Có khoảng hơn chục chậu rau xanh như thế, chậu trồng rau muống, chậu rau dền, chậu rau mồng tơi, rau bầu đất..., tuỳ theo đặc tính mùa của mỗi loại rau.

Tất cả, các giống rau đều là hạt được mang từ đất liền ra, phân bón hữu cơ đóng bịch do Bộ Nông nghiệp sản xuất, đất trồng rau... cũng từ đất liền.

Những vườn treo trên đảo Phan Vinh B

Tác phẩm nghệ thuật của Trường Sa!

Đảo Đá Lát có lẽ là đảo chìm nhỏ nhất trong tất cả những đảo chúng tôi đặt chân. Nó chỉ có duy nhất một nhà kiên cố được dựng giữa biển khơi, trông xa tựa như một mảnh vỏ trấu ai đó để quên trên biển. Các chiến sỹ chốt ở đảo Đá Lát cũng chỉ có vỏn vẹn ngần ấy diện tích để ăn, ở, sinh hoạt.

Vì diện tích nhỏ nên cái gì ở Đá Lát cũng... nhỏ. Trưởng đảo, Thiếu tá Trương Văn Núi, trước là đảo phó đảo Tốc Tan C, anh mới được luân chuyển sang công tác ở đảo Đá Lát.

Núi người gầy, cao dong dỏng, và đen bóng, cười tươi rói. Khi tôi đã bắt đầu quen với nước da đen sạm của hầu hết các chiến sỹ trên các đảo, tự quan sát và "đúc rút" bằng thực tế những câu chuyện với họ, tôi "ngộ" ra một điều: theo "thâm niên" sống trên đảo, những người ở đảo lâu năm mới có được nước da đen bóng và... khó phai.

Trở lại chuyện về những chậu rau xanh trên đảo chìm Đá Lát: việc gieo trồng, ươm hạt, giữ đất... cho những chậu rau ấy là cả một kỳ công. Đảo nhỏ, diện tích sử dụng của đảo chỉ vỏn vẹn trong khu nhà kiên cố, vì bốn xung quanh, biển ầm ào ở sát "nách" nhà. Trung uý Lại Tất Hà, sinh năm 1980, quê Thái Bình, khẩu đội trưởng của điểm đảo Đá Lát kể chuyện: nhìn những vườn rau nhỏ bé như thế, nhưng nó cũng phải... di chuyển liên tục.

"Vườn rau" được đặt ở độ cao hơn 2 mét so với mặt biển; được che chắn hệt như trong đất liền che chắn hoa màu chạy bão. Anh Hà giải thích: đặt cao như vậy để tránh... sóng biển. Vị trí đặt các chậu rau cũng được lựa để tránh hướng gió, hướng nắng, không để nó chạm đến những cọng rau mong manh.

'Vườn treo Babylon'

Ở "quần đảo bão tố" - nơi sản sinh ra hàng trăm cơn bão lớn nhỏ mỗi năm, Hà kể, những ngày biển động, sóng to gió lớn, biển gầm gào đưa sóng lên cao tới vài mét. Những lúc như thế, điều lo lắng nhất là những "vườn rau... treo" bị sóng dập, nước biển mặn đánh cho te tua. Rau bầm dập không lên được, mà những chậu đất bị nhiễm mặn cũng không thể trồng rau trở lại.

Theo "chỉ tiêu" phân bổ: một chậu nhựa được cấp 2 bao tải đất/năm, một bịch giống rau, hai bịch phân hữu cơ. Tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể ở mỗi đảo, lượng nước ngọt phân bổ cho từng chậu rau cũng khác biệt.

Đá Lát có một quy tắc sử dụng nước ngọt thành "luật bất thành văn": một chậu nước ngọt ít nhất cũng có 5 lượt sử dụng, lượt cuối cùng được trữ lại để tưới rau, hai ngày một lần tưới, mỗi chậu được tưới hai xô nhỏ. Tắm: anh em ùa xuống biển, giặt giũ bằng nước biển, sau đó về... tráng một xô nước ngọt. Những trận mưa đột ngột ào xuống đảo là những trận "liên hoan nước ngọt" của các chiến sỹ: họ được tắm mưa, giặt quần áo bằng nước mưa, và những chậu rau cũng được hưởng bữa tiệc hào phóng của trời đất.

Rau trên đảo Trường Sa Đông

Khi những hạt rau được gieo xuống các chậu đất, khi những mầm rau bắt đầu nhu nhú, rồi theo thời gian vươn mạnh mẽ những đọt non, rồi thành hàng, thành hàng..., việc tỉa rau ăn cũng là... một bài toán.

Ở Đá Lát, đảo nhỏ nên số lượng anh em cũng ít hơn các đảo khác, nên nhiệm vụ của các chiến sỹ ở đây đều... kiêm nhiệm rất nhiều vai trò: ai cũng là anh nuôi, đầu bếp... cho cả đảo.

"Bài toán rau xanh" được phân bổ rất khoa học: mỗi tuần cố gắng có một, hai bữa rau xanh để... thay đổi vị, khi những củ cải khô, dưa chuột đóng hộp, quả thơm đóng hộp... đã được "xoay" hết cách chế biến cho đỡ nhàm chán.

Một nắm rau muống được chế biến thành món canh... không người lái; cách một tuần, khi chậu rau khác lại đến lứa hái, một nắm rau mồng tơi "cõng" một nồi nước đầy ắp làm canh, khi là gói bột tôm từ đất liền gửi ra, khi là vài chục con còng còng biển được chiến sỹ gom lại sau những lần đi tắm.

Ở đây, rau xanh được ví như một bữa hải sản mà những vùng không có biển luôn ao ước.

Đá Lát, Đá Tây, Tốc Tan C..., những điểm đảo chìm mà tôi đặt chân, những vườn rau xanh được thiết kế như những "vườn treo Babilon" là một điểm nhấn mới trong những gam màu quen thuộc.

Còn hơn cả vai trò thực phẩm, những vườn rau xanh ở giữa biển đảo mênh mông này còn là thử thách của lòng kiên nhẫn, vì có những đảo, để gây dựng được một "vườn treo" như thế phải mất dăm ba lần, vì cứ khi rau vừa mới nhu nhú lại bị sóng biển quật đổ; lại đợi vài tháng sau, khi có tàu từ đất liền gửi "đất ngọt" ra, lại tiếp tục gây dựng một "vườn treo" mới.

Tôi gặp ở đảo Đá Tây B vài chậu ớt trồng trong phòng họp, trong phòng của đồng chí chỉ huy. Ở đảo Tốc Tan C, ngay trong phòng ở ngăn nắp của chiến sỹ Nguyễn Văn Quyết (quê Nam Định), nơi một hốc tường đón gió, một cây mồng tơi nhỏ trồng trong một chiếc lon sắt... Nó như một chậu cảnh trang trí trong phòng ở ở đất liền!

Về Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, An Bang, Phan Vinh B, những đảo nổi có diện tích gấp nhiều lần các đảo chìm, gặp những vườn rau kiên cố hơn, quy mô hơn, có cả những giàn bầu, giàn bí, giàn mướp, có cả khu chăn nuôi hệt như mô hình làm kinh tế VAC..., lại càng thêm khâm phục những "vườn rau treo" ở Đá Lát, Tốc Tan, Phan Vinh, Núi Le, Đá Tây...

Phải gọi đó là những vườn rau kiên cố, trong những pháo đài biển bất khuất giữa trùng khơi...

Kiên Trung

VietnamNet

Tin nổi bật