Bữa tiệc thịnh soạn ở Trường Sa

Trong hành trình chuyến công tác Trường Sa của chúng tôi, sáng 19/4, cả đoàn lên tàu HQ 996 - con tàu sơn màu trắng đẹp đẽ và mạnh mẽ như một con tuấn mã giữa trùng khơi. Tàu rời cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), xuôi theo sông Sài Gòn đến biển Vũng Tàu, chặng hành trình hướng tới Trường Sa bắt đầu.

Vượt qua chừng 7-80 hải lý, những giàn khoan trên biển của mỏ Rồng, mỏ Bạch Hổ, mỏ Đại Hùng dần dần rời lại phía sau. Sóng nước bắt đầu mênh mông vượt tầm mắt. Thi thoảng, một vài cánh chim biển chao liệng phía xa, trông tựa như một chấm thiên thạch rồi lại hút tầm mắt.

Ngày 21/4, Trường Sa Lớn hiện ra trước mắt. Tàu của chúng tôi đã đến đây và neo lại từ đêm qua. Sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên bắt đầu hé rạng trên mặt biển, tiếng reo của một người dậy sớm chờ đón bình minh trên biển khi thấy đảo, đã đánh thức tất thảy mọi người.

Kế hoạch công tác của đoàn được Ban chỉ huy tàu thông báo trên loa: sẽ chọn một nhóm nhỏ chừng 30 đồng chí lên đảo Đá Lát, số còn lại lên đảo Trường Sa Lớn, buổi chiều, những người đi Đá Lát sẽ về Trường Sa Lớn tham gia giao lưu văn nghệ với các chiến sỹ và nhân dân trên đảo lớn.

Vì thông báo đó, thành ra một niềm háo hức, hồi hộp xen lẫn ganh tỵ chộn rộn trong mỗi người. Tôi may mắn có tên trong nhóm người ra Đá Lát...

Nụ cười Đá Lát

Nếu như Trường Sa lớn vững chãi như một chiến luỹ thì Đá Lát là một thành đồng. Chỉ có duy nhất một nhà kiên cố dựng trên đảo chìm, trông xa, Đá Lát như một hòn đá tảng dựng giữa biển khơi.

Khi cano bắt đầu tiến đến cầu tầu, các chiến sỹ trên đảo đã sắp thành một dãy chờ đón chúng tôi hồn hậu như đón một người thân trong gia đình trở về, sau nhiều ngày xa cách.

Trực gác là chiến sỹ Nguyễn Văn Phê - cậu trai trẻ người Ninh Thuận. Phê vừa bước sang tuổi 22, và mới ra đảo được gần 7 tháng.

Nước da sạm đen, dưới ánh nắng tràn ở Trường Sa, tôi thấy gương mặt, làn da... của Phê chuyển sang màu đen bóng, đen vạm vỡ và rắn rỏi. Phê đón tôi bằng nụ cười hồn hậu. Hàm răng trắng bóng của em càng khiến nước da thêm bánh mật.

Nụ cười của em xuất hiện rất nhanh, và cũng ngay sau đó được giấu đi nhường lại cho gương mặt nghiêm nghị. Em bồng súng nghiêm trang, bộ quân phục gọn ghẽ. Trông em đẹp như một tượng đài bên biểu tượng chủ quyền Tổ quốc. Nụ cười ấy đã gieo trong tôi đầy những thương yêu. Phê như chính người em trai ruột thịt của mình.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Phê

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, tôi ngồi trò chuyện với Phê, cũng là lúc em hết ca trực.

Khi mặc quần áo thường phục, cậu trai trẻ 22 tuổi lại trở về với em. Nụ cười ban nãy Phê "cất" đi, bây giờ lại thường trực. Tôi chợt nghĩ, nụ cười của em giống như một con sóng giữa lòng đại dương, sau một lúc ngụp lặn, bây giờ đã đến bờ.

Phê kể, trước khi vào lính Hải quân, em đã từng thi trường Sỹ quan Lục quân, với mơ ước được ra đảo. Thiếu điểm, em quyết định nộp đơn xin vào bộ đội, và được điều ra Đá Lát. Hành trang của cậu lính trẻ Nguyễn Văn Phê khi ra đảo có thêm một chồng sách. Em nói, em tranh thủ thời gian tự ôn thi, sau khi ra quân sẽ tiếp tục thi đại học, vẫn trường Sỹ quan Lục quân, và vẫn mơ ước được trở lại đảo Đá Lát làm nhiệm vụ.

Xung quanh chỗ chúng tôi ngồi, nắng Trường Sa lùa từ bốn phía. Gió biển theo nắng ùa vào, thênh thênh và lồng lộng. Tôi cảm giác, nếu có một cái cây ở đây, những cơn gió biển sẽ rất nhanh bứt rụng hết lá...

Rời đảo. Nước biển rút cạn một ngấn sát mép bờ. Chiếc ca-nô đón đoàn bị chạm đáy. Không suy nghĩ, Phê ào xuống dưới biển, ghé vai đẩy mũi xuồng ra khỏi bãi đá kẹt. Chiếc chân vịt được giải thoát, tung bọt trắng xóa làm ướt gần hết phần ngực áo của em.

Chia tay bịn rịn và xúc động. Nụ cười đẹp đến thánh thiện của cậu trai trẻ tiễn chân khiến lòng tôi chung chiêng suốt quãng đường về. Đôi mắt xếch, khi cười những vệt nhăn bị kéo lên gần như che hết mắt, hàm răng trắng bóng của em bỗng dưng trở thành tâm điểm.

Quà quý đãi khách

Đảo Đá Tây B đón tôi khi "nụ cười Đá Lát" của Phê vẫn còn nguyên trong tâm trí. So với Đá Lát, Đá Tây B hoành tráng hơn rất nhiều.

Đá Tây B gồm 3 khu nhà san sát nhau, một khu chỉ huy, một khu dành cho đội vận hành xuồng, liền kề là tháp hải đăng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trông xa, cả ba khu nhà này giống như một quần thể, khi lại gần mới biết, đó là những khu nhà độc lập tách rời, được nối với nhau bằng một con đường công sự, hay là chưa đầy 5 phút chạy xuồng sang nhà "hàng xóm".

Vẫn nắng. Và gió biển thênh thang đến hào phóng. Những gương mặt rắn rỏi đầy tự tin và sức mạnh. Tôi đang được ngồi đối diện, trực tiếp trò chuyện cùng những người con của Trường Sa bằng xương bằng thịt.

Không có những lời kể về những khó khăn vật chất, những thiếu thốn tình cảm... Tôi thậm chí còn đỏ mặt vì mải mốt từ đất liền ra đảo chẳng kịp mang một chút quà gì tặng các chiến sỹ nơi đảo xa, trong khi các anh đón tiếp tôi bằng những thứ quý nhất mà các anh hàng ngày vẫn phải chắt chiu, tằn tiện.

Ba thau nước đầy để ngay cầu tầu, bên cạnh là ba bánh xà bông, ba chiếc khăn lau dành cho khách rửa tay, rửa mặt... sau một cuộc hành trình, dù ngắn cũng bị nước biển mặn dính vào người.

Trước khi ra đảo, tôi biết, nước ngọt ở Trường Sa, nhất là ở các đảo chìm, là thứ quý báu vô cùng.

Cường, người bạn đồng hương cùng tuổi với tôi, ra Đá Tây được gần một năm, được phân công nhiệm vụ phụ trách xuồng máy, tâm sự rất thật, rằng bạn ấy 5 ngày mới dám tắm nước ngọt một lần, mỗi lần hạn chế đến mức tối thiểu, chỉ dám tráng người bằng nước ngọt.

Gần khu bể chứa nước ngọt mà đảo nào cũng thiết kế giống nhau, có một đường ống nối thông với bể chứa nước thải ngọt. Một thau nước ngoài đảo được sử dụng tới 5 lần, lần cuối cùng chính là bể chứa này, và là nước để tưới rau trồng trong những chậu đất hiếm hoi được mang ra từ đất liền.

Sau câu chuyện của Cường, tôi bỗng thấy ba thau nước mà Đá Tây để trước cửa dành cho khách, nó chính là một bữa tiệc thịnh soạn chỉ dành cho khách quý.

Một cảm giác cay xè chạy dọc sống mũi. Ở đất liền, chính tôi là người vô tâm đã không biết bao lần quên không vặn vòi nước, để nước xối tràn sân...

Cường kể tôi nghe về người yêu học ngoài Hà Nội. Em vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, vừa bắt đầu một công việc mới. Đôi mắt Cường lấp lánh sau cặp kính cận lúc nào cũng nhòe nhoẹt vì mồ hôi và hơi nước phả vào. Bạn của tôi dự định sẽ tổ chức đám cưới trong đợt nghỉ phép tới...

Kiên Trung

VietnamNet

Tin nổi bật