Ghập ghềnh đường ra Trường Sa

(ICTPress) - Mặc dù được báo trước nhưng lần thứ 2 ra với đảo, với người Trường Sa trong lòng tôi vẫn tràn đầy cảm xúc.

Đứa con thứ hai của tôi có tên Trần Bách năm 2001 khi ấy chưa tròn 6 tuổi nhưng cu cậu rất thích những sự phân công của bố như kiểu bộ đội, rất thích những từ “tuân lệnh”, “rõ và hết”… Lần ấy cháu đi mẫu giáo lớn, mọi thư từ, chữ nghĩa của tôi viết cho vợ và các con đều thông qua mẹ và anh trai. Trước khi lên đường ra Trường Sa tôi ghi lại mấy dòng đại loại như sau: “Em và các con thân yêu! Vài tiếng nữa bố sẽ bay vào Nha Trang để đi công tác ở Đảo Trường Sa, vì mẹ đi làm, các con đi học nên bố gửi lại thư này phân công cho Minh và Bách: Đồng chí Minh là người đàn ông lớn nhất trong nhà (khi đó cháu 11 tuổi) phải đảm trách mọi công việc nặng nhọc, quán xuyến việc nhà cửa và giúp mẹ chăm em. Đồng chí Bách phải ngoan hơn, ăn ngủ đúng giờ và đi học đều, riêng mẹ hãy coi như bố vẫn còn ở bộ đội, mà bộ đội thì việc xa nhà là thường…”.

Mấy dòng ngắn ngủi ấy vợ tôi vẫn giữ trong tủ hơn 10 năm qua… Lần công tác này tôi chẳng phải lo như lần trước, từ việc chuẩn bị quần áo, chè thuốc, thẻ cào để làm quà tặng các chiến sỹ Trường Sa đều do Minh và Bách đảm nhiệm. Trước lúc lên đường tôi đã mất một đêm không ngủ, chuyện nhỏ thôi nhưng sao vẫn cảm thấy cay cay nơi sống mũi, nói ra thì thấy xấu hổ mà không nói thì không sao nuốt nổi cái cục đắng này. Chẳng là lúc nhận được giấy mời của Quân chủng Hải quân gửi cho đoàn nhà báo của Bộ, tôi có báo cáo lãnh đạo cơ quan và đặt vấn đề xin một chút kinh phí làm quà tặng cho các đảo. Thay bằng nhận được sự đồng tình chia sẻ, tôi chỉ nhận được cái lắc đầu và câu trả lời lạnh tanh: Làm gì có tiền và biết thanh toán vào đâu?…vv và vv… Thế là tôi bực, bực đến tím tái người. Buổi tối tôi bàn với vợ con, bố muốn có ít quà mang ra Trường Sa, vừa dứt lời vợ và các con tôi hỏi luôn: Bố cần những quà gì? Tôi trả lời: Nhiều lắm, nhưng bố chỉ muốn gọn nhẹ thôi, năm nay bố già rồi không khỏe như 10 năm trước nữa.

Hôm sau vợ con tôi sắm một túi quà và dặn rằng: Trong số 20 thẻ cào loại 100 nghìn đồng có 6 cái là của anh Thắng ở Thư viện Hà Nội gửi, anh ấy là lính công binh thời đánh Mỹ đấy, còn lại thuốc, chè, dao cạo… thì của nhà mình. Tôi thích cái từ “của nhà mình” nghe vừa yêu, vừa đoàn kết, nhưng rồi lại thoáng buồn khi làm phép so sánh giữa việc đề xuất với cơ quan và đề xuất với vợ con cùng một sự việc lại cho hai kết quả khác nhau…

Máy bay hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, mọi suy nghĩ trong tôi tan biến nhường chỗ cho sự háo hức với công việc sắp tới. Chiếc xe 16 chỗ ngồi của Quân chủng Hải quân ra tận sân bay đón chúng tôi về quân cảng. Sự hối hả bắt đầu từ đây…!

Bữa cơm đầu tiên được thưởng thức mang đậm chất bộ đội, tôi quen rồi nhưng nhiều đại biểu thì còn ngỡ ngàng, ngạc nhiên lắm. Buổi chiều họp mặt đoàn công tác, đồng chí Trưởng đoàn quán triệt toàn bộ nội dung chuyến đi. Ông căn dặn rất nhiều nhưng tựu trung lại là mỗi đại biểu phải làm hết sức mình để chuyến đi thu được kết quả tốt đẹp, để tình cảm và hình ảnh của các đại biểu đọng mãi trong lòng quân và dân Trường Sa… Tôi thích bài phát biểu của anh Đinh Gia Thật, Chuẩn Đô đốc - Phó Chính Ủy Quân chủng Hải quân. Anh nói ngắn gọn nhưng lượng thông tin thật đồ sộ, từ tình hình khu vực, bờ biển Việt Nam, tuyên truyền, chấp hành nội quy chuyến đi… Tất cả đều gấp gáp, hối hả và chính xác.

Sáng 19/4 tàu nhổ neo rời cảng, Sài Gòn nhìn từ con tàu HQ 996 đẹp quá, những ngôi nhà cao tầng, những thôn làng êm ả, những rừng đước, rừng tràm xanh mát mắt tạo cảm giác cho các đại biểu như đang xem một bộ phim hay…

Đêm đầu tiên trên biển mới thú vị làm sao! Trời cao và rất nhiều sao sáng. Nước biển đen sẫm thỉnh thoảng lại tung bọt trắng xóa mỗi khi có con sóng vỗ vào mạn tàu. Nhà báo - nhà quay phim Nguyễn Xuân Đại không nén được cảm xúc khi thốt lên: Đất nước mình đẹp thật anh nhỉ! Nói rồi Đại không bình luận thêm gì nữa, anh lặng lẽ nhìn biển, nhìn trời và có lẽ anh đang tự nghĩ về mình. Đứng trước biển bao giờ cũng vậy, ai cũng muốn tự vấn trước mênh mông biển cả.

Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Trưởng đoàn công tác Nguyễn  Hải Đường vui mừng gặp gỡ quân và dân đảo Trường Sa lớn

Thế là mọi ước ao đã trở thành hiện thực. Trường Sa đã hiện ra trước mắt chúng tôi đẹp như trong huyền thoại. Cảm giác một miền quê Việt Nam yên ả đã làm cho mọi người quên hết cả mệt nhọc và say sóng vì những nụ cười hồn hậu, những chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, nụ cười hồn nhiên của con trẻ và đặc biệt là nụ cười của người lính, các anh rắn rỏi, ý chí, nghị lực và trách nhiệm. Họ không nói gì về mình, nhưng lòng tin, lòng khâm phục của chúng tôi đối với các anh là vô tận. Bất chợt tôi thoáng nghe một tiếng chuông chùa, còn đang ngơ ngác ngó nghiêng thì một sỹ quan Hải quân nhanh nhảu giải thích: Đó là tiếng chuông của Chùa Trường Sa đấy! Chùa Trường Sa ư? Sao những từ đó nghe thân thương đến thế. Tôi thầm nghĩ đến thế hệ những người đi trước, thầm tự hào và cảm phục ý chí của dân tộc mình. Đất nước nằm bên bờ biển Đông đầy nắng gió, chịu biết bao gian nan thử thách của thiên nhiên và địch họa. Đất nước có Đảng, nhân dân và quân đội kiên cường yêu nước, có tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm… Và hôm nay, ở giữa Trường Sa, chúng tôi được nghe một tiếng chuông chùa, một tiếng quê hương sao lắng lòng đến thế.

“Vâng! Tổ Quốc Việt Nam phải là tất cả

Những núi cao, biển rộng, sông dài

Những nụ cười của em bé ngày mai

Đều mang nặng hồn mặn mòi của biển…”

Giữa trưa, Trường Sa đầy nắng. Sau cuộc gặp mặt vội vã, các đại biểu trong đoàn công tác tỏa đi thăm đảo, vui nhất là cảnh những cháu bé ôm quà chạy tung tăng khắp đảo, đứa nào cũng cười hít mắt và vui vẻ để các ông, các bác, các cô, các chú ôm vào lòng chụp hình lưu niệm.

Mẹ con cô giáo Bùi Thị Nhung

11h tôi vào thăm các nhà dân trên đảo. Nhà ai cũng có ti vi, tủ lạnh, có bàn thờ cụ kị, ông bà, cha mẹ và có dăm con gà, vài con chó, chậu rau xanh, có nhà trồng chuối đã cho ăn quả. Nói chung cuộc sống vật chất đã khá hơn nhiều, chỉ có điều làm thế nào để bà con yên tâm bám biển, bám đảo và ở lâu trên đảo. Đây thật sự là công việc không dễ để một sớm, một chiều có thể giải quyết được. Đối với người lính nhiệm vụ của họ cụ thể và rõ ràng, còn đối với các hộ dân, họ phải lo kế sinh nhai, lo cho tương lai con cái, lo tích góp để xây dựng việc nhà cửa… Chúng tôi đến thăm nhà cô giáo Bùi Thị Nhung đúng vào lúc anh chị đang làm lễ thôi nôi cho đứa con thứ hai, cháu bé được sinh ra ở hòn đảo nhỏ bé này. Công dân ấy phải được coi là ưu tú, chắc nhiều người sẽ phải ghen tị với nó bởi niềm kiêu hãnh tự hào. Có thể nói, cả nước này mấy ai được như cu Tý… Tôi tặng cháu bé chút tiền gọi là quà mừng sinh nhật. Bố mẹ cháu bé mừng vui lắm, họ nói rằng: Vợ chồng em không ngờ ngày sinh nhật của cu Tý lại đông vui như thế. Tôi hỏi cô giáo Nhung, chị đã dạy học ở đây hơn 4 năm rồi, nếu đảo yêu cầu thì chị có ở thêm không? Cả hai vợ chồng đều vui vẻ nói, chúng em sẽ ở và dạy học cho đến lúc nào có người ra thay anh ạ. Vậy là yên tâm rồi, Trường Sa đã và đang có những công dân ưu tú, đang ngày đêm bám biển, bám đảo để cùng với các chiến sỹ Hải quân giữ vững chủ quyền của biên giới quốc gia…

Buổi tối Trường Sa tổ chức giao lưu văn nghệ với đoàn công tác. Lần đi này khối văn nghệ hơi yếu, chưa có những tiết mục xuất sắc và gần gũi với biển, với đảo, phần giao lưu vẫn hơi bị dài khiến khán giả phải ngồi đợi. Dù sao thì anh Thật cũng sắp xếp khoa học rồi, khó có thể làm tốt hơn được nữa.

Đoàn trở về tàu lúc hơn 22h, ăn đêm và tắm rửa xong xuôi tôi vẫn không sao ngủ được. Hình ảnh của Trường Sa sau một ngày trải nghiệm lại ùa về, có biết bao điều mới lạ, bao điều học được, một ngày thật là bổ ích.

Hôm nay lên đảo Đá Tây, đảo chìm nhỏ bé nhưng bộ đội ở đây sinh hoạt rất sạch sẽ gọn gàng. Cái gì các anh cũng làm đẹp, từ mắc áo, giường nằm, chăn, màn, quần áo đến chậu rau, cây cảnh, vật nuôi… Tất cả đều được tính toán một cách chi li, khoa học. Tôi tâm sự với một chiến sỹ Hải quân quê ở Thanh Hóa, người lính có nước da đen cháy chỉ nở một nụ cười bẽn lẽn ấy rất ngại nói về bản thân mình, đặc biệt là những khó khăn gian khổ, sự thiếu thốn nước ngọt, rau xanh, thiếu tình cảm của người thân, của đất liền. Tôi có đem chuyện này nói với đồng chí Nguyễn Hải Đường - Trưởng đoàn công tác, ông tỏ ý chia sẻ và thật sự có những trăn trở nghĩ suy. Thử hỏi: Nếu một trong số chúng ta nằm trên các hòn đảo như Đá Tây, Thuyền Chài, An Bang hoặc nhà giàn nào đó vào một đêm bão lớn? Vâng! Chỉ một đêm thôi để tận mắt, tận tai nhìn và nghe sóng gào gió giật và khi ấy hoặc là chúng ta sợ hãi hoặc là chúng ta bình tĩnh vượt qua. Như vậy đã được xem là thành công… Còn những người lính Trường Sa, họ ở đây cả tháng, cả năm, trải qua cả một mùa giông bão. Đó mới chỉ là những khó khăn khắc nghiệt của thiên nhiên, còn địch họa thì lúc nào cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng. Vậy là người lính Trường Sa chẳng có lúc nào ngơi nghỉ, chẳng có nhiều thời gian để nghĩ về mình.

Các chiến sỹ ở đảo Trường Sa đông chờ đón đoàn công tác

Ở Trường Sa Đông, ngay phía chân cầu tàu có ba ngôi mộ khắc tên các liệt sỹ Hoàng Toàn Đỉnh quê Nam Định, Vũ Văn Tiến ở Mê Linh - Hà Nội và Lê Quang Thành ở Chương Mỹ - Hà Tây cũ. Các anh ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, mảnh đất các anh đang nằm là Trường Sa thân yêu, nơi có hàng cây tra và bàng vuông xanh tốt, có tiếng sóng biển Đông dào dạt, có tình đồng chí, đồng đội vẫn hàng ngày ra thăm và kể chuyện cho các anh nghe… Thương lắm các anh ơi! Những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự bình yên của biển đảo Tổ quốc. Một đại biểu vỗ vai tôi nói nhỏ, liệt sỹ phải hy sinh trong thời bình thật sự là cay đắng…

Nắng chiều trên Trường Sa Đông vẫn rực rỡ, chúng tôi ra cầu tàu để xuống xuồng ra tàu lớn, không ai nói với ai nhưng tất cả mọi người đều hướng mắt về phía ba ngôi mộ. Xin kính chào các anh, xin tạm biệt Trường Sa Đông…

Suốt chặng đường hành quân tiếp theo, tôi và nhiều đại biểu vẫn trở trăn suy nghĩ. Lại nhớ đêm đầu tiên ra đảo, nhà quay phim Nguyễn Xuân Đại thốt lên lời khen: Đất nước mình đẹp quá! Vâng đất nước Việt Nam rất đẹp, con người Việt Nam cần cù sáng tạo, tâm hồn người Việt Nam nhân hậu, thủy chung. Một dân tộc như thế sao cứ phải chịu những thương đau, mất mát… Có một điều mà mỗi người Việt Nam không được phép lãng quên đó là lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sỹ. Họ hy sinh để cho chúng ta được sống, hy sinh để cho dân tộc Việt Nam được trường tồn…

Chúng tôi vào Đảo Phan Vinh rất dễ dàng vì hôm nay biển lặng. Hòn đảo nổi này đang được các chiến sỹ nới rộng thêm, đây quả thật là một công trình đồ sộ, nó còn vất vả hơn gấp nhiều lần việc quai đê lấp biển. Thật là đã mắt vì mấy ngày hôm nay, lần nào lên các đảo nổi, đảo chìm cũng chỉ toen hoẻn mấy bước chân. Tôi gặp đội sửa chữa, bảo quản vũ khí, khí tài vừa ở đất liền ra, họ ở tạm trong một hầm pháo nên chẳng có bàn ghế gì. Chỉ có năm tấm phản gỗ nhỏ kê sát vào nhau. Năm sỹ quan chuyên nghiệp thì ở năm tỉnh khác nhau, một ông ở Quảng Bình, còn lại là Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên và Hà Tĩnh. Thiếu Úy chuyên nghiệp Nguyễn Thế Dương quê ở An Châu - Đông Hưng - Thái Bình có khuôn mặt hiền nhất, hỏi cái gì cũng xưng cháu. Dương kể đã có vợ và một con trai được hơn hai tuổi. Cô vợ đang theo học bằng hai Đại học Ngoại ngữ ở Hà Nội. Tôi hỏi Dương mỗi người một nơi như thế chắc là gặp nhiều khó khăn lắm? Anh chỉ mỉm cười và nói: Mọi việc đều nhờ cả vào ông bà. Câu chuyện tôi tâm sự với Dương rất dài, dài bởi vì tôi muốn tìm hiểu xem phía sau người lính là gì? Quê hương, bố mẹ, vợ con và dự định lâu dài của họ… Có vẻ Dương chưa nói thật lòng mình, anh đưa mắt nhìn ra phía biển. Tôi đành kết thúc câu chuyện bằng cách nhắc Dương - Hãy nói một câu gì đó với bố mẹ, với vợ và con đi! Dương nhìn vào ống kính máy quay phim nhưng anh không nói ngay được. Người lính ấy đã khóc, khóc một cách thầm kín không để cho nước mắt chảy ra. Tôi sợ Đại không phát hiện ra giây phút cảm động tột cùng của người lính đảo nên đưa mắt tìm anh. Nhưng tôi đã nhầm, Đại đã kịp ghi toàn bộ phút giây hiếm hoi và tràn đầy niềm kiêu hãnh ấy…

Sang Đảo Tốc Tan C, hòn đảo chìm có diện tích khoảng hơn 100m2 như một ngôi nhà ba tầng đứng giữa biển. Các cầu thang lên xuống dốc đứng chẳng khác nào cầu thang của các nhà trong phố cổ ở Hà Nội, chật hẹp và tù túng. Tôi gặp Thượng Úy Phạm Quốc Phương, anh là Điểm trưởng của Tốc Tan C. Phương giấu chúng tôi việc đứa con đầu lòng của anh vừa chết vì ung thư máu. Cháu bé 40 tháng tuổi đã biết nói, biết hát, trước ngày cháu mất, Phương còn nói chuyện với cháu qua điện thoại… Phương kể: Trước khi ra đảo em phải trốn cháu vì không chịu được ánh mắt của cháu nhìn em trong những ngày cháu đang nằm viện. Chúng tôi chia sẻ với Phương nỗi đau quá lớn này và tặng Phương chiếc điện thoại di động để tiện động viên vợ và gia đình. Phương vẫn đứng nghiêm trước đồng chí Trưởng đoàn và Chuẩn Đô đốc Quân chủng báo cáo tình hình hoạt động của đơn vị. Nước da đen sạm, gò má gồ cao, đôi mắt trũng sâu và thâm quầng nhưng vẫn ánh lên niềm tin mãnh liệt… Đồng chí Nguyễn Hải Đường, Đinh Gia Thật và các đồng chí trong đoàn quyên góp nhanh được 10 triệu đồng để giúp Phương và gia đình. Trong vòng tay tình cảm của đồng chí, đồng đội và các đại biểu, Phương cảm động nói: Ở ngoài đảo xa, trường hợp như em không phải là hiếm, nhiều đồng chí còn có hoàn cảnh khó khăn hơn đấy! Quả đúng như vậy! Khi đoàn chúng tôi đến nhà giàn DKI/14 lại chứng kiến một hoàn cảnh éo le hơn thế. Đó là Trung úy Trần Hữu Mạnh, quê Hải Dương mới vĩnh biệt người vợ thân yêu của mình sau thời gian dài chữa trị ung thư máu. Vợ anh ra đi để lại đứa con thơ dại… Và ngay lúc này, Mạnh vẫn đang thực hiện nhiệm vụ ở nhà giàn. Chia sẻ với khó khăn của Trung úy Mạnh, đoàn nhà báo chúng tôi quyên góp nhanh được 2,5 triệu đồng, trong đó có 500.000 đồng của Biên tập viên Diệp Anh để làm quà gửi tặng cho cháu bé. Lúc sắp rời nhà giàn, khi ngồi nói chuyện với mấy sỹ quan các anh nói: Ở đảo nổi, đảo chìm người lính còn có đất để bám, còn ở nhà giàn chỉ có trời trên đầu và biển dưới chân… Bất chợt tôi nhìn xuống lòng biển  bao la, chỉ có sóng còn gió giật, chỉ có những hiểm họa luôn rình rập ngày đêm… Tôi liên tưởng đến 8 chiến sỹ ở nhà giàn năm 1998 trong cơn bão số 8, một nhà giàn đã bị đổ và chìm sâu dưới lòng biển. Những khoảnh khắc cuối cùng của người lính nhà giàn còn giữ mãi trong tâm khảm của các chiến sỹ Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước. Đó là hình ảnh người chỉ huy nhà giàn nhường chiếc áo phao cho đồng đội, là tiếng nói cuối cùng của người chiến sỹ: “Vĩnh biệt đất liền”...

Câu chuyện và những kiến nghị của các anh hôm nay không phải là để nói về mình, nói về những khó khăn, gian khổ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Nó hoàn toàn đúng, hoàn toàn chân thật. Những khó khăn mà người lính nhà giàn nói riêng, của Quân chủng Hải quân nói chung đang phải đương đầu chưa phải một sớm, một chiều khắc phục được. Sự cố gắng của Đảng, Nhà nước và Quân đội cho đến nay thật đáng ghi nhận, các đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn đã được quan tâm và được đầu tư, trang bị tương đối đầy đủ và hiện đại.

Tuy vậy, cảm nhận của đoàn công tác số 7 khi ra với Trường Sa lần này thì thật là đặc biệt. Với đồng chí Nguyễn Hải Đường, người có tuổi đời khá cao, nhưng ông không bỏ một biển, đảo nào, kể cả nhà giàn DKI/14 là nơi rất khó khăn cho việc lên xuống. Sâu sát, lắng nghe, chia sẻ và kịp thời đưa ra ý kiến chỉ đạo chính là phong cách của đồng chí Trưởng đoàn. Âm thầm, cần mẫn và sâu lắng là tính cách của Phó ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ. Ông đã bật khóc khi chứng kiến những khó khăn, những nỗi đau của từng người lính đảo. Tôi nhớ mãi lời tâm sự rất chân thực của đồng chí Phó ban: “Cứ mỗi lần lên đảo và trở về tàu là lại thêm cảm xúc… Thậm chí khi về tàu tôi chỉ rửa qua người chứ không dám tắm. Cứ nghĩ đến nước ngọt trên các đảo còn thiếu mình lại như có lỗi…”.

Nhà quay phim trẻ Nguyễn Thanh Tùng ở VTV5 lại có sự tự vấn với chính mình, anh nói: “Chuyến đi này con thấy mình tự lớn lên nhiều bố ạ…”. Vâng, đó chỉ là những cảm nhận, ghi nhận và tự nhận về chuyến thăm đảo của một số đại biểu trong đoàn công tác số 7. Vẫn còn nhiều lắm những tình cảm, những suy nghĩ trăn trở, lo toan… đã được các đại biểu mang theo về đất liền. Giờ phút chia tay Trường Sa thật là xúc động. Tôi chợt nhớ mấy vần thơ viết vội hôm chia tay ở nhà giàn DKI/14:

“Trường Sa ơi! Nhà giàn ơi!

Mai chia tay rồi em nhớ

Dáng hình cháy nắng da anh

Nhớ bát canh nước nhiều rau ít

Nhớ những chiều mù mịt bão giông

Biển vẫn cứ mênh mông

Đảo nhỏ thiếu tiếng cười con gái

Chậu hoa trước nhà anh gieo hạt cải…”

Ấn tượng về Trường Sa, về nhà giàn là màu da đen sạm và nụ cười đầy răng trắng xóa của những người lính Hải quân. Về những chậu rau “kiên cố” được che chắn cẩn thận để giữ được màu xanh thương nhớ của đất liền… và nhớ nhất vẫn là những gương mặt cương nghị, những cái bắt tay chặt cứng, những câu dặn dò ngắn gọn gửi vào đất liền: Xin hãy tin ở chúng tôi, những người lính Hải quân và nhân dân huyện, đảo Trường Sa nguyện giữ trọn lời thề - “Chỉ biết còn người là còn đảo”.

Trần Bình Tám

// Mới cập nhật
// Tin đã đăng
Tin nổi bật