Sẽ xây dựng các chính sách cho IoT, thành phố thông minh
(ICTPress) - IoT (Internet of Things) đang dần đi vào cuộc sống.
Tại hội thảo Chuyên đề “Thiết lập hệ sinh thái năng động, sáng tạo cho sự phát triển bền vững của hạ tầng băng rộng” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội, đại diện Hiệp hội Truyền thông số đã cho biết IoT là tương lai gần, không còn quá xa vời.
Cụ thể, ông Lâm Thanh, đại diện cho Hiệp hội đã cho biết Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao (đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM) đã chính thức phát động cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT (IoT Startup 2016) với chủ đề “Phát triển đô thị thông minh và Nâng cao chất lượng cuộc sống” ở TP. HCM. Chỉ 1 tuần sau Lễ phát động, ngay lập tức có 50 nhóm khởi nghiệp nộp hồ sơ về các ứng dụng đời thường, tập trung vào mảng y tế, nông nghiệp.
Có thể thấy IoT không còn là tương lai xa, mà các thiết bị IoT đang đi vào cuộc sống. Các đội nghiên cứu được tổ chức nhiều. Hiện có khoảng hơn có 1500 nhóm khởi nghiệp, trong đó có tới 90% nhóm khởi nghiệp thuộc lĩnh vực Viễn thông-CNTT. Nhiều nhóm startups “đổ xô” vào lĩnh vực này mà chưa rõ rủi ro thế nào và cũng bởi kỳ vọng có sự phát triển, ông Lâm Thanh cho biết thêm.
Theo đó, cần phải có chính sách cho IoT hay có những điều chỉnh theo các xu hướng công nghệ, kinh tế chia sẻ. Cơ chế, chính sách, văn bản về lĩnh vực ứng dụng, nội dung số cần chuyển theo hướng hậu kiểm thay cho tiền kiểm để phát huy tính sáng tạo của các doanh nghiệp, startups trong lĩnh vực nội dung, ứng dụng, ông Lâm Thanh kiến nghị.
Được biết mới đây tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Cục Tin học hóa đã kiến nghị một số công tác của Cục, trong đó có nghiên cứu triển khai đô thị thông minh (smartcity) và Internet của vạn vật (IoT) tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc đã cho biết thực hiện Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đã giao cho Cục Tin học hóa xây dựng tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh.
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đề nghị Cục Tin học hóa chủ động, phối hợp, đề xuất với Vụ Hợp tác quốc tế và các cơ quan trong Bộ tìm hiểu học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong vấn đề mới như đô thị thông minh, IoT.
Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước Quý I/2016 mới đây của Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa cũng đã được Lãnh đạo Bộ TT&TT giao nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy triển khai IoT ở Việt Nam.
HM