Để Lý Sơn thêm đẹp

Quốc Khánh năm nay lượng du khách đến với Lý Sơn khá đông nhưng chưa phải là lý tưởng so với tiềm năng của cụm đảo du lịch này.

Lý Sơn - một huyện đảo của Quảng Ngãi, đẹp thơ mộng với nét hoang sơ của biển xanh, cát trắng, nắng vàng và được mệnh danh là hòn đảo đẹp quanh năm nhờ đặc trưng thời tiết nơi đây.

Chúng tôi xuất phát từ Đà Nẵng, qua gần 3 giờ đồng hồ trải nghiệm vẻ đẹp của cung đường biển Đà Nẵng - Dung Quất để đến nhà ga cảng Sa Kỳ. Các anh bảo vệ ở đây hướng dẫn đỗ xe ô tô thật chu đáo, nhiệt tình nhưng du khách gửi xe phải gửi luôn cả chìa khóa cho nhân viên cảng mà chưa có giấy tờ xác nhận gửi xe. Anh bảo vệ giải thích là phải gửi chìa khóa để anh có thể di chuyển xe của chúng tôi sang chỗ khác khi buổi chiều khu vực này tàu về tập kết cá. Sau một hồi trao đổi, anh trông giữ xe cũng rút ra tờ giấy vàng ghi nhận là có nhận khoá xe rồi bỏ vô túi… của chính mình. Không chậm trễ được, chúng tôi tạm yên tâm ra đảo.

Trước đây, Lý Sơn được gọi là Cù lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây khoảng 25 - 30 triệu năm.

Với diện tích chỉ hơn 10 cây số vuông, dân số hiện nay khoảng 23.000 người. Người dân Lý Sơn sống chủ yếu nhờ vào đánh bắt hải sản và trồng tỏi. Huyện đảo được mệnh danh là "Vương quốc tỏi" vì sản phẩm tỏi có hương vị đặc biệt. Các hàm lượng chất có trong tỏi luôn cao hơn tỏi được trồng ở những nơi khác. Anh lái xe trên đảo tiết lộ với chúng tôi tỏi Lý Sơn ngon tuyệt là nhờ trên lớp đất người nông dân còn phủ lên lớp cát có lẫn khá nhiều xác san hô.

Vào nửa đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn tổ chức Hải đội Hoàng Sa lấy người từ Lý Sơn (trước đây gọi là xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi) ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Lực lượng đóng góp cho công việc này lớn nhất là dòng họ Phạm như các cụ Phạm Quang Ảnh, Phạm Văn Sinh, Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật (tức Phạm Văn Triều,1804-1854)… đã được sử sách lưu danh là những anh hùng có công lớn bảo vệ biển đảo Tổ quốc.

Từ tháng 9/2014 ở Lý Sơn đã được kéo cáp ngầm vượt biển cung cấp điện lưới quốc gia cho Đảo Lớn. Đến tháng 01/2016, Đảo Bé mới được chính thức cấp điện (cho 116 hộ dân). Mới đây nhất, đầu năm 2020, huyện Lý Sơn được sắp xếp lại chỉ còn các thôn trực thuộc huyện (giảm cấp xã).

Lý Sơn có bốn di tích quốc gia gồm đình làng An Vĩnh (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa), đình làng An Hải, Âm linh tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa - Trường Sa) và Chùa Hang. Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được tìm thấy trên đảo như suối Chình, xóm Ốc và đặc biệt là các dấu vết của văn hóa Chăm Pa. Ngoài ra, trên đảo còn có nhiều chùa, am.

Hiện nay, các điểm được tham quan nhiều nhất là Chùa Hang, Đình làng An Hải, Chùa Đục, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm linh tự, Cổng tò vò, Đảo Bé, Hang Cau, Nhà trưng bày bộ xương cá ông (được cho là lớn nhất Đông Nam Á), Cột cờ Thới Lới, Giếng Xó La và một số nhà cổ. Biển Lý Sơn tuyệt đẹp, trong xanh với những rặng san hô đủ sắc màu. Với thư viện điểm tham quan nhiều và hấp dẫn như vậy luôn gợi cho du khách thập phương niềm đam mê khám phá.

Chúng tôi cập bến cảng Lý Sơn và tìm ca nô sang Đảo Bé. Chủ ca nô nhận giá mỗi khách 140.000 đồng và giục chúng tôi phải đến ngay để ca nô chạy liền. Thế là hối hả chưa kịp sắp xếp hành lý tại khách sạn, chúng tôi vội đón taxi đến ca nô. Khi đến đó chị chủ lại tươi cười nói với chúng tôi mỗi người thêm 60.000 đồng nữa vì không đủ khách. Bạn tôi phân bua thì được nói rằng không muốn đi thì thôi đón xe về. Đến rồi thì nên đi nên mỗi người cũng quyết định rút 200.000 đồng để được đi hơn 10 phút ca nô.

Lý Sơn có điểm chung là tại tất cả các điểm tham quan đều không có bảng hướng dẫn, chỉ có bảng để số điện thoại của hướng dẫn viên. Chúng tôi thắc mắc với anh tài xế và được biết để hướng dẫn viên có cơ hội gặp khách du lịch! Vào tham quan bộ xương cá ông được anh lái xe cho biết đó là bộ xương lớn nhất Đông Nam Á. Một lần nữa gọi máy điện thoại hướng dẫn viên lại bận suốt.

Ở Lý Sơn, dường như rác thải cũng đang cần được quan tâm. Đi đâu cũng thấy rác, nhiều nhất là túi ni lông, sau đó là khẩu trang, các vật dụng cá nhân, chai nước… vương vãi. Tại Cổng tò vò có thùng lưới sắt chứa chai lon nhưng du khách vứt luôn tất cả vào đó, rồi sau đó tôi thấy có cụ già đến mở và cụ chỉ lấy các chai lọ, lon nước còn bỏ lại các thứ khác và tất nhiên là gió sẽ nhanh chóng đưa xuống biển. Vì vậy, để có tấm ảnh đẹp tại Cổng tò vò cũng khó vì túi ni lông cứ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, chúng tôi đành dọn dẹp để chụp được tấm hình không có túi ni lông.

Tối đến, chúng tôi được giới thiệu đến nhà hàng hải sản có tên là P.H. Chúng tôi chọn con cua huỳnh đế - đặc sản của Lý Sơn. Chủ quán thông báo 1kg có giá 1,2 triệu đồng nhưng khi được đề nghị cân lại thì chỉ còn 8,5 lạng. Sau đó thì được ghi chép vào tờ giấy và đưa vào bếp. Rồi chúng tôi lại tiếp tục chờ đợi để được thưởng thức.

Món ăn đã được bạn tôi hài hước là món đại phong của trạng bởi lúc tính tiền, con cua lại được tính 9 lạng và giá 1,3 triệu đồng/kg. Cua sau khi luộc chín dường như đã tăng ký và giá đã cao hơn cua sống! Bạn tôi lại ấm ức “nếu như lúc gọi món quay phim”.

Và cuối cùng, khi thanh toán khách sạn chúng tôi lại được tính chai nước miễn phí để dùng trong ngày là 45.000 đồng. Chúng tôi lại một lần nữa an ủi với nhau và tạm biệt Lý Sơn!

T. Quang 

Tin nổi bật