Những điểm lưu ý quan trọng về IoT trong viễn thông và điện năng
(ICTPress) - Internet of Things (IoT) là việc thiết kế và triển khai các hệ thống và giải pháp trên nền tảng Internet để tương tác với các môi trường vật lý.
Khi làm việc với IoT, các thiết bị có thể chia sẻ dữ liệu thông qua kết nối Internet, chứ không chỉ dựa vào việc kết nối tới một ứng dụng cụ thể trong môi trường mạng LAN hoặc Wide.
Lĩnh vực điện năng với các loại thiết bị đồng hồ đo, thiết bị cảm ứng mạng, thiết bị điện dân dụng, hộp năng lượng là mảng ứng dụng IoT nhiều nhất. Số thiết bị trong lĩnh vực này tăng từ 485 triệu năm 2013 dự kiến lên 1,53 tỉ năm 2020. Đây cũng chính là ngành tạo ra doanh thu lớn thứ hai sau ngành công nghiệp ô tô và vận tải. Một ví dụ điển hình của IoT hiện thu hút nhiều sự quan tâm chính là xe ô tô tự lái.
IoT mang lại ảnh hưởng sâu sắc trong tương lai bởi nó mang lại sự kết nối cho mọi đối tượng trên cơ sở những giá trị rất thông minh.
6 điểm quan trọng nhà khác thác viễn thông lưu ý về triển khai IoT
Trước sự phát triển của IoT, ông Jan Wassenius, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam đã chia sẻ 6 điểm quan trọng mà các nhà khai thác viễn thông cần lưu ý:
Thứ nhất, các nhà khai thác cần chuyển dịch từ vai trò cung cấp kết nối sang cung cấp giá trị: Thay vì việc bán SIM và các gói dịch vụ kết nối, cần phải thiết lập những quan hệ trên nền tảng giá trị mang lại cho người dùng, thậm chí có thể tính tới chiến lược sáp nhập hoặc mua lại các công ty khác.
Thứ hai, các nhà mạng nên tham gia vào ngành kinh doanh mới để ứng phó trước nguy cơ giảm doanh thu trung bình trên mỗi kết nối (ARPC), thiết lập các kênh phân phối và bán hàng mới để duy trì quan hệ với khách hàng doanh nghiệp và thị phần tại mảng M2M.
Thứ ba, sử dụng Big Data và Analytics là một cách hiệu quả để có những cơ sở đáng tin cậy cho những quyết định mang tính hệ thống đối với doanh nghiệp hoặc kinh doanh bán lẻ.
Thứ tư, sẵn sàng hỗ trợ các ứng dụng IoT đa dạng, bởi tương lai ngoài nhóm ứng dụng mang tính cơ bản thiết yếu trong doanh nghiệp sẽ xuất hiện nhóm ứng dụng mang tính thỏa mãn cá nhân người dùng như cảm ứng cá nhân, thiết bị ”đeo”.
Thứ năm, xây dựng mạng lưới với dung lượng và công suất phù hợp đáp ứng các dịch vụ IoT đòi hỏi băng thông lớn hơn và chất lượng dịch vụ cao hơn (như xem phim HD), trong đó có cả khía cạnh đảm bảo các thỏa thuận về roaming quốc tế để đảm bảo người dùng trải nghiệm liên tục mà không bị ảnh hưởng về chuyển dịch địa lý.
Thứ sáu, chú trọng tới vấn đề an ninh và tính cá nhân.
Hai ví dụ Việt Nam có thể tham khảo về triển khai IoT lĩnh vực điện năng
Estonia đề ra mục tiêu lắp đặt 625.000 đồng hồ thông minh trên toàn quốc gia. Không chỉ giải quyết những lo lắng của người dân về cách thức sử dụng dữ liệu từ mỗi hộ gia đình, giờ đây mỗi hộ gia đình có thể truy cập để đọc các thông số liên quan đến năng lượng tiêu thụ, chủ động điều chỉnh lượng sử dụng, thời điểm sử dụng một cách tự động và tiết kiệm chi phí.
Việc xây dựng hệ thống thông minh này làm thay đổi cấu trúc ngành quản lý năng lượng, vì số người hiểu biết về CNTT sẽ nhiều hơn số người cần có hiểu biết về điện năng lượng. Nhờ cách thức này, Estonia đã xây dựng được hệ thống mạng lưới quản lý tự động, theo dõi trên phương diện hộ gia đình, chủ động thông tin trong vấn đề quản lý, hoạch định chính sách, phát huy tính tự động hóa.
Tính tới thời điểm hiện tại, 50% số lượng thiết bị trên đã được lắp đặt và theo đúng tiến độ yêu cầu, dữ liệu phân tích được sử dụng để mang lại sự hài lòng cho khách hàng, hỗ trợ cho sự phân phối năng lượng hiệu quả trong tương lai.
Công ty này áp dụng LTE để kết nối hệ thống thông minh để tích hợp đảm bảo sự vận hành ổn định và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, cung cấp hệ thống đảm bảo an ninh và an toàn. Công ty này cũng sử dụng thiết kế mạng 4G để truyền tải dữ liệu giữa 12.000 thiết bị đo thông minh. Cách này giúp tiết kiệm nhờ tính quy mô về phạm vi triển khai từ thiết bị, module, tính năng cảm biến ở mọi nơi, tạo nền tảng nâng cấp tương lai khi cần mở rộng sau này.
Khác biệt và giống nhau giữa Machine-to-machine (M2M) và IoT:
M2M và IoT có điểm chung là đều kết nối thiết bị với mạng. Tuy nhiên, M2M thường liên quan tới các giải pháp cụ thể, chủ yếu là trong hệ thống đóng trong khi đó IoT mở rộng vai trò của Internet để cung cấp cách thức kết nối giữa hai vật. Sự chuyển dịch từ M2M sang IoT không chỉ từ kết quả của sự phát triển công nghệ mà chủ yếu ở khía cạnh quan niệm. M2M có quá trình lịch sử xuất phát từ giải quyết các vấn đề cụ thể, liên quan chủ yếu tới mong muốn tối ưu hóa dựa trên các thông tin sẵn có do các thiết bị kết nối cung cấp.
Trong khi đó, giải pháp IoT thì tối ưu cơ sở hạ tầng kết nối sẵn có, với tham vọng tạo ra những giá trị kinh doanh mới và đáp ứng chuỗi giá trị sáng tạo, liên kết với mạng di động, giải pháp đám mây, tạo ra những cơ hội doanh thu mới.
Minh Anh