Syndicate content

Tri thức chuyên ngành

4 yếu tố cốt lõi giúp nhà mạng cạnh tranh với OTT

(ICTPress) - Như chúng ta biết, xu hướng OTT đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi nhà mạng trên thế giới, từ nhỏ đến lớn nhất như China Mobile, AT&T hay Vodafone.

Do mức độ thâm nhập OTT vào cuộc sống tự nhiên và nhanh, nên một số nhà mạng chủ quan, nhận diện hời hợt và chậm chuyển mình ứng phó. Chỉ khi nguy cơ hiện rõ thì các nhà mạng mới bắt đầu tìm giải pháp.

Bài viết đề cập đến những yếu tố cốt lõi mà các nhà mạng lớn trên thế giới thường xây dựng và phát triển để cạnh tranh trước thay đổi môi trường kinh doanh, cụ thể cạnh tranh với xu hướng OTT.

Thực trạng nhà mạng quốc tế

Ảnh hưởng của "bão" OTT

Dự báo từ nhà mạng China Mobile thì đến năm 2018, doanh thu thoại và tin nhắn của họ có thể sẽ giảm xuống mức dưới 50%. Với dự báo này, những nhà mạng có cấu trúc doanh thu chủ yếu dựa vào thoại và nhắn tin sẽ khó khăn sâu trong thời gian tới và các nhà mạng cần nhanh chóng mở rộng lĩnh vực kinh doanh để bù đắp khoản doanh thu bị hao hụt. Hầu hết các nhà mạng lớn đều có các mảng doanh thu bù đắp, bên cạnh thoại và tin nhắn, các nhà mạng đã đầu tư vào lĩnh vực sức khỏe, y tế, giáo dục, quảng cáo, truyền hình, dịch vụ CNTT, tivi, thiết bị di động, M2M… Tuy nhiên, không thể làm tất cả cùng lúc mà phải hiểu rõ địa ngành để chọn cái nào phù hợp nhất đầu tư.

Ngoài ảnh hưởng mạnh về doanh thu, nhà mạng còn bị ảnh hưởng về vị thế kinh doanh. Trước đây, nhà mạng làm chủ thị trường Viễn thông, từ khách hàng, đối tác đến nhà cung ứng nội dung, thiết bị đều ở thế bị động khi liên kết với nhà mạng… thì nay nhà mạng đang dần thay đổi vị thế đúng mức hơn, cùng song hành với các bên hữu quan để tìm phương án phát triển bền vững.

Phản ứng của nhà mạng

Tùy vào đặc điểm của mỗi quốc gia mà nhà mạng có những phản ứng khác nhau. Nhìn chung các nhà mạng thường có khuynh hướng ngăn chặn các nguy cơ trước khi tìm giải pháp thích ứng và vượt qua. Ví dụ các nhà mạng Hàn Quốc, ban đầu cũng tận dụng sự hỗ trợ từ chính phủ để chặn các dịch vụ của KaKao-Talk, nhưng do việc chặn ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng nên họ buộc phải ngừng chặn và tìm giải pháp thích ứng với OTT. Hiện hầu hết các nhà mạng lớn như AT&T, Vodafone, China Mobile và SK Telecom đều tung các gói cước thích ứng với OTT.

Song song với phương pháp điều chỉnh gói cước, các nhà mạng cũng đưa ra các giải pháp "đáp trả" OTT bằng cách cùng liên minh xây dựng các nền tảng dịch vụ truyền thông hợp nhất đặc sắc. Điển hình là nền tảng RCS được hiện thực bởi hệ ứng dụng Joyn, cho phép người dùng có thể chat, chia sẻ nội dung và trao đổi mạng xã hội thuận tiện hơn các OTT đơn lẻ hiện nay. Nền tảng RCS/Joyn là một điển hình ứng phó tích cực của các nhà mạng, tuy nhiên yếu tố thời gian và sự hợp nhất sâu rộng giữa các nhà mạng ở quy mô toàn cầu sẽ quyết định tính hiệu quả của RCS.

Thường các nhà mạng lớn rất chú trọng công tác R&D. Nhờ đầu tư bài bản vào R&D, nhà mạng rất linh hoạt và chủ động đưa yếu tố CNTT tích hợp hài hòa vào Viễn thông một cách nhanh chóng khi môi trường kinh doanh biến đổi. Nhờ vậy, họ có nhiều thuận lợi khi đối mặt với OTT. Họ nhanh chóng đưa ra nhiều nền tảng mới, mô hình kinh doanh mới và các dịch vụ độc đáo phù hợp bản địa kịp thời.

Giải pháp nào cho nhà mạng trong nước

Sự khác biệt và tương đồng giữa nhà mạng trong và ngoài nước

Cơ bản thì các nhà mạng trong nước cũng bị ảnh hưởng giống nhà mạng quốc tế, đều bị tụt giảm doanh thu thoại và tin nhắn. Đây là xu hướng toàn cầu!. Tuy nhiên, do đặc thù ngành ICT Việt Nam, nên mức độ ảnh hưởng của các nhà mạng trong nước có vẻ vẫn chưa đáng kể dù lượng thuê bao 3G đạt gần 20 triệu. Điều này cũng hơi ngạc nhiên!.

Vừa rồi, Apple đã tung nền tảng iOS 7 tích hợp tính năng thoại miễn phí. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy các tính năng cơ bản như gọi và nhắn tin sẽ được tích hợp sẵn vào các nền tảng (Android, iOS, Window Phone, Tizen) trong tương lai, khi đó người dùng sẽ không cần phải cài các ứng dụng riêng lẻ như Viber để gọi miễn phí. Xu hướng này ắt hẳn khiến doanh thu của nhà mạng trong nước tụt giảm nhanh hơn trong thời gian tới.

Có người đã hỏi tại sao nhà mạng Việt Nam không áp dụng cách tính cước giống nhà mạng nước ngoài (miễn phí thoại và tin nhắn, tính cước theo lưu lượng data)? Rất khó cho các nhà mạng trong nước nếu áp dụng cách tính cước theo data vì cấu trúc doanh thu của nhà mạng nước ta chủ yếu dựa vào thoại và tin nhắn. Ngoài ra, thói quen tiêu dùng data của người Việt chưa cao mà đa phần chỉ tập trung vào thoại, nhắn tin và duyệt Web, chất lượng data thấp nên khó kích thích nhu cầu sử dụng data và tốc độc 3G còn chập chờn… vì vậy nếu nhà mạng áp dụng cách tính cước theo data thì e doanh thu tụt giảm rất nhanh, doanh thu từ data chưa thể bù đắp kịp.

Nhà mạng cần gì để cạnh tranh với OTT?

Xu hướng di động bùng nổ, cùng sự phát triển nhanh của các công nghệ big data, cloud và mobility khiến môi trường kinh doanh hiện nay rất cạnh tranh và đa dạng. Nhà mạng cần bảo đảm chuyển mình đủ nhanh để kịp thích ứng với xu hướng mới. Đối thủ của nhà mạng giờ không chỉ có các nhà mạng cùng ngành, mà còn có nhà cung cấp dịch vụ OTT (Google, Facebook, Viber), nhà sản xuất thiết bị (Apple, Samsung) và cả các lập trình viên …

Quan sát, có thể nhận thấy có 4 yếu tố trọng yếu nền tảng mà các nhà mạng lớn trên thế giới thường có:

Về hạ tầng mạng lưới: năng lực mạng lưới là yếu tố cạnh tranh duy nhất mà chỉ nhà mạng mới có. Tuy nhiên, mạng lưới phải đủ rộng lớn và nhanh để đáp ứng nhu cầu data ngày càng tăng cao. Ngoài hạ tầng mạng Viễn thông, tùy vào chiến lược kinh doanh của mỗi nhà mạng mà họ cần thêm các Data Center, Call Center và Logistic tương ứng. Hạ tầng ICT là yếu tố nền tảng cốt lõi để có thể khai thác tốt xu hướng công nghệ Big Data, Cloud và Mobility.

Nổi bật cho năng lực này là nhà mạng AT&T, họ đã và đang triển khai mạng 4G, có khoảng 38 IDC khắp toàn cầu, và doanh thu năm 2012 khoảng 126 tỷ USD. Một số OTT cũng bắt đầu nghiên cứu giải quyết vấn đề hạ tầng mạng lưới cho mình, điển hình như dự án Google Loon, cho phép người dân toàn cầu kết nối WiFi miễn phí.

Về năng lực R&D: nghiên cứu và làm chủ công nghệ là một trong những yếu tố then chốt giúp mở rộng và tăng trưởng doanh thu bền vững. Không đầu tư bài bản R&D, đồng nghĩa với hạn chế trong việc cung ứng dịch vụ sản phẩm mới, độc đáo đến người tiêu dùng kịp thời.

Minh chứng điển hình về đầu tư R&D là nhà mạng China Mobile. Ngay từ năm 2010, China Mobile đã làm chủ và tự triển khai dự án “Big Cloud” ở cấp quốc gia với năng lực Cloud đáp ứng lên đến 5.000 chip và 3.000 TB.

Về năng lực quản trị: các nhà mạng lớn nhất hiện nay đều có hệ thống quản trị hiện đại. Với hệ thống CNTT hiện đại, họ nhanh chóng nhận biết được xu hướng kinh doanh thay đổi, rủi ro trong ngoài tổ chức để kịp thời điều chỉnh cải tiến kinh doanh phù hợp. Việc ứng dụng CNTT tốt, còn giúp tăng cường khả năng quản trị minh bạch, tự động hóa bán buôn và kiểm soát tốt mọi hoạt động chi phí, đầu tư mua sắm.

China Mobile, AT&T và Vodafone đều là những nhà mạng đại chúng hàng đầu thế giới, họ luôn hướng đến sự minh bạch trong quản trị.

Về trách nhiệm xã hội cộng đồng: muốn phát triển lớn mạnh và bền vững, phải biết lấy cộng động và xã hội là nguồn cội cho sự phát triển. Nhà mạng chỉ thật sự trường tồn nếu biết đặt quyền lợi khách hàng lên trên quyền lợi của chính mình, biết dựa vào chính cộng đồng xã hội để làm tiền đề cho sự phát triển.

Ví dụ, nhà mạng AT&T tạo điều kiện hỗ trợ việc làm cho những người lính hoàn thành nghĩa vụ. Hay nhà mạng China Mobile ưu tiên đô thị hóa nông thôn, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người khuyết tật và vùng xâu vùng xa.

Nếu xây dựng và duy trì tốt 4 yếu tố nền tảng trên, các nhà mạng sẽ tự nhận biết được nên cần làm gì để kiến tạo những giá trị cạnh tranh mới khi môi trường kinh doanh thay đổi.

Phạm Văn Việt - VietPace

Tại sao máy tính chạy chậm dần theo thời gian

(ICTPress) - Một trong những điều bực mình nhất về máy tính là khi máy tính của bạn cứ chậm dần theo thời gian.

Điều này có thể bắt đầu xảy ra vào những năm sau khi bạn mua một chiếc PC, nhưng đôi khi lại xảy ra chỉ vài tháng sau khi mua.

Vì tất cả chúng ta đều sử dụng các máy tính của mình cho các nhiệm vụ và hoạt động khác nhau, không có một lý do riêng nào định nghĩa chính xác tại sao điều này xảy ra.

Vấn đề là khi bạn mua một máy tính mới và thúc máy tính hoạt động quá nhanh. Đó là bởi vì máy chưa có gì lưu bên trong.

Dù bạn có sở hữu một chiếc PC hay Mac, theo thời gian bạn tải tệp về, cài đặt phần mềm và lướt Internet, máy tính của bạn đầy lên với các tệp, “ngốn” đi các nguồn lực hệ thống.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều vấn đề khác đóng góp vào việc làm máy tính chạy chậm hơn. Một số nguyên nhân đã được tìm hiểu.

Chuyên gia công nghệ Rachel làm việc cho cửa hàng sửa chữa của Apple ở New York đã trao đổi là lỗi phần mềm và phần cứng là hai lý do tại sao máy tính của bạn chạy chậm dần theo thời gian.

Lỗi có thể do rất nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là các lỗi ở hệ điều hành, dữ liệu RAM bị lỗi, tĩnh điện (từ thảm hay các vật liệu sợi khác), lỗi công suất khởi động, phần cứng hỏng và đối với những người sử dụng Windows, hệ điều hành thông thường hỏng theo thời gian.

Hai thủ phạm lớn khác là không có đủ RAM (bộ nhớ để chạy các chương trình và đơn giản là không còn chỗ trong ổ cứng.

Không có đủ RAM dẫn tới ổ cứng của bạn phải cố bù đắp cho việc thiếu bộ nhớ. Máy tính sẽ liên tục tìm kiếm thêm RAM để khai thác các nguồn lực cho các tác vụ khác.

Một vấn đề khác mà người sử dụng phải hứng chịu là cài đặt phần mềm không cần thiết. Điều này dẫn tới lấp đầy ổ cứng, hết không gian với cái giá tốc độ.

Có những chương trình hữu ích có thể giúp bạn dễ dàng xác định cái gì đang chiếm dụng ổ cứng của bạn:

  • Đối với những người sử dụng máy Mac hãy thử: OmniDiskSweeper, một chương trình miễn phí có thể xác định chính xác tệp nào chiếm dụng không gian máy tính của bạn nhất.

  • Đối với những người sử dụng PC hãy thử WinDirStat, một công cụ xem thống kê sử dụng ổ và dọn dẹp.

Nhưng điều gì xảy ra dù bạn không có nhiều ứng dụng hay chương trình trên máy tính mà máy tính của bạn vẫn chạy chậm dần?

Nếu bạn cập nhật phần mềm thường xuyên, điều này sẽ đóng góp vào việc máy của bạn sẽ chạy chậm dần bởi vì chính các cập nhật luôn “ngốn” không gian và cần nhiều nguồn lực hệ thống hơn. Whitson Gordon của Lifehacker đã chỉ ra rằng “về lý thuyết, nếu bạn đã cài đặt và không bao giờ cập nhật bất cứ phần mềm nào, mọi thứ sẽ chạy nhanh hơn gấp 4 lần trong 1 năm. Nhưng điều này cũng không hoàn toàn là một cách khả thi hay an toàn để sử dụng máy tính của bạn”.

Nếu bạn có một ổ cứng quay vòng (spinning hard drive), một khi chúng cũ hơn thì đơn giản là sẽ chậm hơn khi hết vòng đời.

Điều quan trọng bạn nên biết là tất cả ổ cứng quay vòng cuối cùng sẽ hỏng, có thể là ngày mai nhưng cũng có thể là 10 năm sau thời điểm này. Đó chỉ là bản chất thiết kế của ổ cứng.

Một giải pháp đơn giản để ngăn việc máy chạy chậm do ổ cứng là cài đặt một ổ cứng thể rắn (SSD) trong máy hiện tại của bạn hoặc mua một máy tính mới có ổ cứng này. Các ổ cứng thể rắn tận dụng ưu điểm bộ nhớ flash, được tìm thấy chủ yếu trong các máy tính bảng và smartphone. Nếu không quá chi tiết, một bộ nhớ flash của SSD không có một cánh tay như ổ cứng ở trên để ghi dữ liệu, thay vào đó nó phụ thuộc vào một bộ xử lý làm cho tin cậy hơn nhiều. Bạn có thể tìm hiểu nhiều hơn về sự khác nhau giữa một SSD và HDD ở đây.

Chúng ta cũng không thể lờ đi một thực tế đối với những người sử dụng PC là phần mềm độc hại và virus cũng đóng góp vào việc máy tính bị chậm dần.

Người sử dụng PC đã chưa hiểu đúng là cần phải tải phần mềm chống virus để máy tính chạy nhanh. Đây đơn giản là một suy nghĩ.

Gordon cho biết trước khi lỗi thời và mua phần mềm chống virus nhiều tiền bạn nên:

Bắt đầu bằng việc tìm hiểu nhiều hơn về các virus và những gì các virus này thực hiện… Điều đầu tiên cần thực hiện là trình duyệt an toàn. Nếu bạn đang tải các tệp “mát”, bấm và các pop-up Internet, hay mở các thư điện tử không rõ ràng, bạn sẽ làm gia tăng nguy cơ. Nhưng nếu bạn có cảnh giác, thì bạn cũng sẽ không thể thoát khỏi bị nhiễm.

Ngoài kiểm tra các tệp tiêu tốn không gian ổ cứng và trình duyệt web an toàn bạn cũng cần:

  • Thường xuyên dọn sạch cache (Bộ nhớ đệm), lịch sử trình duyệt Internet và các tệp Internet tạm thời.

  • Làm sạch thùng rác.

  • Kiểm tra các chương trình đang chạy và cũng xem các dịch vụ nền tảng nào bạn đang dùng sau một thời gian nhất định.

Nếu phải đối mặt với thực tế theo thời gian là máy tính của bạn sẽ chậm dần, thì nên hiểu đây là tiến trình tự nhiên. Internet và các khả năng phần mềm phát triển từng phút một. Những sáng tạo mới này cần nhiều nguồn lực và không gian để bắt kịp sự phát triển. Đôi khi nó không hẳn là lỗi của bạn mà chiếc máy tính từng tuyệt vời của bạn đang dần chậm lại đơn giản là vì dấu hiệu của thời gian.

 QM

Cửa sổ làm mát có thể thay nhiệt độ điều hòa

(ICTPress) - Nếu bạn đang phải chi trả những hóa đơn điện trên trời vào mùa hè này do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ, thì bạn có thể có một giải pháp khác để làm mát khi về nhà qua một cửa sổ.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Wyss về Kỹ thuật có nguồn gốc từ sinh học tại trường Đại học Havard đã phát triển một thiết kế về các cửa sổ tự làm mát được mô phỏng theo hệ tuần hoàn máu của cơ thể con người. Các mạch máu của cơ thể con người gần với bề mặt của da sẽ dãn nở khi chúng ta cảm thấy nóng, cho phép máu tuần hoàn nhiều hơn, và làm cơ thể chúng ta mát mẻ, Viện Wyss cho biết. Ý tưởng là: Tại sao không đưa khái niệm sinh học đến các cửa sổ mà chúng ta có ở trong mỗi gia đình chúng ta?

Thiết kế của Viện này là kết hợp một mạng lưới “các kênh (channel) siêu mỏng” gần tấm kính cửa sổ theo đó mà nước có thể chảy vào và đẩy nhiệt đi. Nước làm mát được bơm tiếp đến cửa sổ nóng, có thể mang nhiệt đi, các nhà nghiên cứu cho biết.

Sau khi làm việc với một nhà toán học của Hội đồng Viện để tính toán tiềm năng cho công nghệ này, các nhà nghiên cứu Viện Wyss đã thấy rằng chạy một nửa hộp nước soda trong hệ thống này có thể làm mát một tấm kính cửa sổ ở mức 14oC.

Ý tưởng sử dụng bài học thiên nhiên để sáng tạo một loại da sống trong một công trình là rất quan trọng và định hướng hứa hẹn cho các tòa nhà nên và sẽ được xây dựng như thế nào trong tương lai, Chuck Hoberman, nhà thiết kế và nghiên cứu sinh thỉnh giảng của Viện này cho biết trong một thông cáo báo chí.

Lắp đặt các cửa sổ tự làm mát này sẽ cho phép mọi người không còn bị nóng trong nhà mà vẫn có ánh sáng vào nhà. Nhưng viện Wyss cũng cho biết hệ thống có thể giúp làm mát cả những tấm điện năng trên mái nhà “cho phép họ tích điện hiệu quả hơn”.

 QM

Thùng rác thông minh nhận biết smartphone qua WiFi để quảng cáo

(ICTPress) - Những quảng cáo mục tiêu đang vượt khỏi máy tính để bàn chuyển sang các thiết bị kết nối Internet trên khắp thế giới.

Ví dụ mới nhất đến từ Renew, công ty này đã phát triển một loạt thùng rác “thông minh” có thể giám sát các tín hiệu WiFi của những smartphone đang di chuyển qua, và có thể sớm được sử dụng để đăng các quảng cáo dành cho những cá nhân cụ thể.

100 thùng rác có màn hình số mà trên màn hình này các nhà quảng cáo có thể mua chỗ, được đặt ở London để nhân dịp Olympics mùa hè năm 2012 được tổ chức. Gần đây, Renew đã nâng cấp rất nhiều các thùng rác này cùng với các thiết bị có thể giám sát các số xác thực của bất kỳ smartphone đi qua có bật WiFi nào.

Trong khi các thùng ra không biết nhân dạng cụ thể của người sở hữu smartphone, họ có thể biết được nhà sản xuất và model của chiếc điện thoại (ví dụ, là iPhone hay một smartphone Samsung). Các thùng rác có có thể ghi lại chặng đường đi của người dùng smartphone, cho thấy người dùng smartphone đi nhanh như thế nào và đi theo hướng nào. Ngoài ra, các thùng rác có thể nhận ra người dùng smartphone tiếp tục đi qua thùng rác này ngày hôm sau, hoặc tháng sau.

Hiện tại, Renew cho biết các thùng rác này sẽ được sử dụng để đo lường thị phần smartphone của các nhà cung cấp máy điện thoại di động ở London, nhưng các cơ hội cho quảng cáo mục tiêu là rõ ràng. Ví dụ, một nhà quảng cáo chỉ tập trung vào những người có máy iPhone hoặc có những quảng cáo khác nhau cho các đối tượng khác nhau.

Không nghi ngờ nữa nhiều người sẽ được quan tâm khi họ được biết đến theo cách này. Vì để thanh thản, người London có thể lựa chọn “được biết” đến này trên trang web Presence Orb, có thể xử lý các phân tích cho Renew.

QM

IBM phát minh hệ thống máy tính tư duy như con người

(ICTPress) - Các nhà khoa học của IBM đang xây dựng một hệ sinh thái phần mềm mới có thể hỗ trợ các hệ thống điện toán nhận thức (cognitive computing) có thể tương tác nhiều hơn với con người.

Các hệ thống điện toán nhận thức có thể được “huấn luyện” nhờ các thuật toán trí tuệ nhân tạo và máy học. Tiềm năng của công nghệ này rất lớn. Bộ phận nghiên cứu của IBM cho biết loại công nghệ này cho phép sáng tạo “các ứng dụng bắt chước các khả năng của não người về nhận biết và hành động”. Điều này có nghĩa là các máy tính có thể xử lý dữ liệu và “tư duy” giống với con người.

IBM cho biết các hệ thống tính toán được lập trình mà chúng ta sử dụng ngày nay đã được thiết kế hàng thập kỷ trước và là những máy tính hiệu quả. Nhưng trong thế giới chúng ta đang sống hiện nay với dữ liệu lớn thời gian thực đang được sản xuất không kể xiết trên toàn cầu, công nghệ càng cũ này dần không phù hợp.

Đó là lý do tại sao mô phỏng các hệ thống tính toán như não người có thể hoạt động tốt hơn. IBM Watson (ảnh trên) là một máy tính nhận thức được nhiều người biết đến và đã được dùng trong chương trình giải trí truyền hình khá ồn ào là Jeopardy! năm 2011, đánh bại hai nhà vô địch.

“Các kiến trúc và chương trình đã kết hợp chặt chẽ với nhau và một kiến trúc mới cần một mô hình lập trình mới”, Dharmendra S. Modha, giám đốc cấp cao và điều tra viên chính của Bộ phận nghiên cứu IBM cho biết trong một thông cáo báo chí.

Đó là lý do tại sao IBM đang phát triển một “hệ sinh thái nhận thức mới” có cả một bộ mô phỏng phần mềm có “một mạng lưới các nhân nơ-ron khớp”, một mô hình nơ-ron có thể xử lý tính toán như não người, một mô hình lập trình dựa trên các khối có sẵn có thể sáng tạo, sử dụng lại được gọi là các "corelet" và một thư viện chương trình để lưu trữ các corelet. Kiến trúc này sẽ hỗ trợ các hệ thống kế tiếp có thể cư xử như con người.

IBM đang trình diễn tất cả những phát triển của mình tại Hội nghị quốc tế về mạng nơ-ron tổ chức ở Dallas trong tuần này.

Nhưng tất cả điều này để hữu ích cho việc gì? IBM cho biết về dài hạn, sẽ xây dựng “một hệ thống chip với 10 tỷ nơ-ron và hàng trăm nghìn tỷ khớp thần kinh (synapse)” tiêu tốn rất ít nguồn và chiếm ít lưu lượng. Mục tiêu đặc biệt này có nghĩa là con người có thể phát triển các kính mắt đặc biệt để hỗ trợ khả năng thị giác, mà có nhiều video và bộ cảm biến kiểm chứng để xử lý dữ liệu thị giác.

Giả dụ mắt người có thể xem một terabyte dữ liệu mỗi ngày, theo IBM, những bộ cảm biến chắc chắn này có thể nâng khả năng nhìn ngắm thế giới dễ dàng hơn nữa.

QM

Microsoft cũng sắp tung ra kính thông minh

(ICTPress) - Một bằng sáng chế Microsoft đã được tiết lộ tuần trước đã giấy lên sự quan tâm nhiều hơn đối với công ty này về kính thông minh.

Bằng sáng chế này cho thấy các kế hoạch chuẩn bị cho kính công nghệ tương tác thời gian thực, kết hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt với các mệnh lệnh bằng giọng nói, khá lý tưởng cho việc chơi game nhiều người chơi (chứ không phải như kính Google).

Những bức vẽ mô tả các bộ cảm biến ở mặt trước và các cạnh, sẽ thu thập thông tin giống như việc mắt theo dõi.

Có những đồn đại cho rằng các kế hoạch phát triển kính thông minh này của Microsoft bắt đầu từ năm ngoái sau khi có một tài liệu dài 56 trang bị rò rỉ của Microsoft cho thấy các kế hoạch phát triển sản phẩm này. Nhưng từ đó đến nay chúng ta chưa có thêm thông tin nào cho tới nay.

QM

Cisco chuyển hướng chiến lược trung tâm dữ liệu sang các ứng dụng

(ICTPress) - Cơ sở hạ tầng - lấy Ứng dụng làm trung tâm, cùng với Insieme; Tự động hóa chuyển mạch động, cho phép quản lý và cấp phát tài nguyên Trung tâm dữ liệu một cách dễ dàng hơn, và thiết bị chuyển mạch mới Nexus 7700 là những công nghệ mới nhất mà Cisco vừa chính thức cho ra mắt.

Cơ sở hạ tầng lấy ứng dụng làm trung tâm

Mới đây, Cisco đã chính thức công bố một kiến trúc mạng trung tâm dữ liệu đột phá. Được thiết kế nhằm đẩy mạnh kỷ nguyên Cơ sở hạ tầng lấy Ứng dụng làm trung tâm, kiến trúc mạng của Cisco được xây dựng với mục đích chuyển đối các trung tâm dữ liệu nhằm giải quyết tốt hơn nhu cầu của những ứng dụng hiện tại và ứng dụng mới trong kỷ nguyên Điện toán đám mây.

Mô hình Cơ sở hạ tầng lấy Ứng dụng làm trung tâm của Cisco

Được tăng tốc với đầu tư của Cisco vào  công ty Insieme Networks (đến 27/4/2013, Cisco đã sở hữu khoảng 85% Insieme), sự thay đổi cơ bản về cơ sở hạ tầng lấy Ứng dụng làm trung tâm này sẽ cho phép ngành CNTT có khả năng cung cấp các ứng dụng kinh doanh tới người sử dụng một cách nhanh chóng với mô hình hoạt động đơn giản hơn. Cơ sở hạ tầng bảo mật có khả năng mở rộng với mức chi phí tối ưu. Thay đổi này đòi hỏi cần có một cơ sở hạ tầng mở, có khả năng lập trình và tự động hóa để sẵn sàng xử lý những thách thức từ các mô hình triển khai điện toán đám mây và các dữ liệu lớn (Big Data) hiện nay.

Những đặc tính quan trọng của kiến trúc mới này bao gồm:

Tốc độ triển khai ứng dụng (mọi dung lượng, mọi địa điểm): Thời gian triển khai ứng dụng sẽ được rút ngắn nhờ cơ sở hạ tầng mạng được hoàn toàn lập trình và tự động hóa.

Nền tảng mở chung cho cơ sở hạ tầng vật lý, ảo hóa và điện toán đám mây: Kiến trúc này sẽ cung cấp sự tích hợp hoàn toàn cho các ứng dụng ảo hóa và không ảo hóa thông qua việc chuẩn hóa truy cập của các thiết bị đầu cuối trong khi vẫn duy trì sự linh hoạt của phần mềm cùng với năng lực xử lý, hiệu năng cao, quy mô, khả năng nhận biết của phần cứng đối với các ứng dụng này, trong môi trường ảo hóa của nhiều nhà cung cấp, môi trường phân tán quy mô lớn hay điện toán đám mây.

Kiến trúc hệ thống: Một phương thức tiếp cận đơn giản hóa và tổng thể đối với sự tích hợp của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ và bảo mật và khả năng mở rộng các dịch vụ trong tương lai.

Vận hành, Quản trị và Chính sách chung: Một khung quản lý chính sách và mô hình hoạt động chung điều khiển quá trình tự động hóa xuyên suốt hệ thống mạng, bảo mật và các ứng dụng, có khả năng mở rộng sang hệ thống điện toán và lưu trữ trong tương lai.

Các giao diện lập trình ứng dụng mở (APIs), Mã nguồn mở và Đa nhà cung cấp: sự hỗ trợ của cả mạng lưới đối tác rộng lớn đối với bộ các giao diện lập trình ứng dụng mở toàn diện đã được công bố.

Tận dụng thế mạnh của các con chip thiết kế và có sẵn: Một hướng tiếp cận cân bằng cung cấp khả năng đổi mới nhanh hơn cùng với sự tiếp nhận của khách hàng cũng nhanh hơn, đồng thời cho phép sự chuyển dịch có kiểm chứng sang cơ sở hạ tầng lấy ứng dụng làm trung tâm trong tương lai. Cách tiếp cận này có thể tối ưu giá thành, hiệu suất, mật độ, bảo mật và năng lượng, mà vẫn mang lại an toàn đầu tư cho những thiết bị cáp hiện tại thông qua những cải tiến về quang học. Khi người dùng ứng dụng giải pháp 40G hiện tại và 100G trong tương lai, cách tiếp cận này cho phép họ tối ưu hóa cả chi phí vốn và chi phí vận hành.

Chuyển mạch hợp nhất

Cải tiến quan trọng của Cisco trong danh mục các sản phẩm Chuyển mạch Hợp nhất là Công nghệ Tự động hóa Chuyển mạch động (DFA - Dynamic Fabric Automation). Công nghệ này cho phép tự động hóa việc cấp phát tài nguyên mạng, đơn giản hóa việc quản lý hệ thống chuyển mạch và tối ưu hóa hệ thống chuyển mạch này cho hiệu suất và quy mô cao hơn.

Kiến trúc Tự động hóa Chuyển mạch động

Tối ưu hóa cơ sở hạ tầng mạng nhằm nâng cao hiệu quả và quy mô: Tối ưu hóa mô hình mạng xương - lá (spine - leaf) với khả năng chuyển mạch mạnh mẽ, cơ chế điều khiển phân tán cùng với sự tích hợp mạng vật lý và mạng ảo cho phép kết nối ở mọi vị trí với  khả năng truyền dẫn thông suốt cho các máy móc vật lý và máy ảo, và khả năng mở rộng mạng lưới. Điều này cũng mang lại khả năng phục hồi cao cùng với những  miền quản trị lỗi nhỏ hơn và quy mô chia sẻ hạ tầng lên tới hơn 10.000 chủ thuê bao (tenants)/hệ thống mạng.

Đơn giản hóa quản lý mạng lưới với APIs mở để đơn giản hóa vận hành: Cisco Prime DCNM 7.0 cung cấp quy trình quản lý mạng tập trung, bao gồm việc cấp phát tài nguyên mạng tự động, điểm truy cập mạng chung, cùng với khả năng nhận diện máy chủ, hệ thống mạng và chủ thuê bao (tenant) tốt. APIs mở cho phép khả năng tích hợp tốt hơn với những công cụ đa dạng và tự động hóa, cùng với những nền tảng điện toán đám mây.

Phần mềm Prime Data Center Network Manager (DCNM) 7.0: Điểm quản trị tập trung thực hiện tự động hóa và đơn giản hóa việc triển khai cơ sở hạ tầng, cho phép cấp phát tài nguyên động phục vụ triển khai hệ thống máy ảo (VM) và cung cấp những công cụ xử lý sự cố.

Phần mềm Prime Network Service Controller 3.6: Triển khai linh hoạt các dịch vụ mạng, liên kết với VMware và Cisco Nexus 1000V, và truyền dữ liệu thích hợp đến DCNM.

Cấp phát tài nguyên mạng tự động giúp tăng độ nhạy bén: Cho phép tự động hóa và cấp phát tài nguyên mạng một cách linh động giúp đơn giản hóa việc triển khai các máy chủ vật lý và máy ảo, cũng như thực hiện việc chuyển dịch các thiết bị này trong hạ tầng chuyển mạch. Dựa trên những mẫu hồ sơ kết nối, các chính sách mạng được tự động thiết lập và áp dụng vào các điểm truy nhập khi hệ thống quản trị máy chủ cấp phát kết nối cho máy vật lý và máy ảo. Do các máy ảo di chuyển trong toàn hệ thống chuyển mạch, chính sách mạng được áp dụng tự động lên các bộ chuyển mạch truy nhập.

Sự kết hợp những tính năng trên đem lại những lợi ích đáng kể so với những cách tiếp cận ảo hóa mạng thuần túy phần mềm hoặc các hệ thống mạng vật lý riêng biệt.

Các Bộ chuyển mạch và thiết bị Nexus 7700 mới

Cisco đang cung cấp những cập nhật cho  danh mục sản phẩm Nexus hiện tại, phát triển nền tảng chuyển mạch hợp nhất đảm bảo hệ thống mạng hoàn thiện hơn về quy mô, sự linh hoạt, và khả năng quản lý. Những cập nhật này bao gồm việc cấp phát tài nguyên đơn giản hơn, quy trình quản lý tốt hơn, và những bộ chuyển mạch mới.

Việc mở rộng danh mục các sản phẩm Nexus 7000 với bộ chuyển mạch Nexus 7700 mới và mô-đun I/O dòng F3 cung cấp khả năng mở rộng năng lực chuyển mạch với giao tiếp 40G/100G - dẫn đầu ngành công nghiệp, cùng với đó là bộ tính năng toàn diện nhất dành cho hệ thống chuyển mạch trong trung tâm dữ liệu.

Cisco mở rộng danh mục các sản phẩm  Nexus 7000 với những bộ chuyển mạch Nexus dòng 7700 và các modun I/O dòng F3 mới, bao gồm:

Các bộ chuyển mạch Nexus dòng 7700, bao gồm sản phẩm Nexus 7710 (10-slot) và Nexus 7718 (18-slot) thân thiện với môi trường.

Các modun I/O dòng F3 mới, được hỗ trợ bởi cả bộ chuyển mạch dòng 7000 và 7700, sẽ cung cấp mật độ kết nối 40G/100G cao, nâng cao hiệu quả sử dụng điện năng tới 60%, và hỗ trợ một loạt các tính năng chuyển mạch trung tâm dữ liệu đã được kiểm chứng.

Với những cải tiến này, sản phẩm Nexus 7718 cung cấp số lượng giao tiếp kết nối 40G và 100G cao nhất hiện nay, lên đến 384 cổng 40-Gpbs và 192 cổng 100-Gbps. Nexus 7718 được thiết kế nhằm cung cấp năng lực chuyển mạch lên đến 83 Tbps.

Các Bộ chuyển mạch Nexus dòng 7700 mới dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 7/2013 và các modun I/O dòng F3 mới sẽ được ra mắt vào nửa cuối năm 2013.

Minh Thiện

Tất tật những tính năng long lanh của Moto X

(ICTPress) - Motorola đã chính thức tung ra điện thoại tiên phong mới nhất, Moto X.

Đây là điện thoại đầu tiên Motorola sản xuất theo định hướng của Google. (Google đã hoàn tất thương vụ mua lại Motorola trị giá 12,5 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng điều hành Motorola như là một công ty phần cứng riêng).

Dưới đây là những tính năng quan trọng nhất, long lanh nhất của Moto X được Business Insider tổng hợp:

Đây là Moto X, có màn hình 4,7 inch nhưng thân máy hoàn toàn cùng kích thước như iPhone 5.

Thân máy có một cảm giác mềm như cao su. Chất liệu này không rẻ và giống nhựa như nhiều điện thoại Android khác.

Điện thoại có cạnh tròn do đó rất vừa tay bạn.

Không giống như phần lớn các nhà sản xuất Android, Motorola không thay đổi phần mềm Android quá nhiều. Đây gần như là phiên bản “sạch” của Android, phù hợp cho người sử dụng.

Đây là màn hình các thông báo bạn nhìn thấy khi màn hình được tắt. Moto X cho phép bạn thấy các tin nhắn đến, các tweet đăng tải… Tính năng này được kích hoạt tự động khi bạn lôi Moto X ra khỏi túi hay đơn giản nhấc lên khỏi bàn.

Từ đây bạn có thể bấm vào một thông báo để xem các chi tiết. Ví dụ, nếu bạn có thư đang đến bạn có thể liếc được thông điệp nói gì. Sau đó bạn có lựa chọn để mở trực tiếp ứng dụng nhắn tin và không cần xem tin nhắn.

Dưới đây là menu thông báo theo lần lượt bạn nhìn thấy khi điện thoại được bật lên.

Tai nghe của Moto X luôn sẵn sàng, có nghĩa là bạn có thể ra lệnh thoại bất cứ lúc nào. Để kích hoạt, bạn nói "OK, Google Now" và sau đó là câu lệnh của bạn. Bạn có thể làm bất cứ điều gì từ gọi thoại đến thực hiện một tìm kiếm Google đơn giản. Sử dụng trí tưởng tượng của bạn.

Bạn có thể mở ứng dụng ảnh chỉ bằng xoay điện thoại. Chạm vào bất cứ chỗ nào trên màn hình để chụp ảnh. Điều này thực sự dễ dàng để chụp được một bức ảnh nhanh chóng lúc bạn đang cần.

Bạn cũng có thể lựa chọn các màu sắc của máy phù hợp.

Có rất nhiều màu sắc để bạn lựa chọn. Bạn thậm chí có thể điều chỉnh các màu sắc phù hợp với đồ trang trí và các nút bấm.

Việc thay đổi màu diễn ra như thế nào? Motorola có một trang "Moto Maker" đặc biệt mà bạn đã đặt hàng điện thoại. Trang này ban đầu chỉ dành cho các khách hàng của nhà mạng AT&T.

Cuối năm ngoái, Motorola dự định cho phép bạn chọn mua một Moto X với một thân gỗ.

Cũng có một lựa chọn về màu gỗ tối hơn. Motorola đang thử nghiệm nhiều với gỗ.

Motorola đã hợp tác với một công ty Sol Republic để sản xuất các tai nghe phù hợp với màu sắc của Moto X.

Sol Republic cũng đã thiết kế loa Bluetooth tinh xảo.

Bạn có thể cặp đôi loa với Moto X chỉ bằng cách nhấp các thiết bị cùng nhau. Loa có thể ghép đôi với 5 chiếc điện thoại cùng lúc, do đó bạn và bạn bè của bạn có thể trở thành DJ. Loa này cũng phù hợp với bất cứ điện thoại nào có Bluetooth, không chỉ Moto X. Loa này có giá 200 USD.

QM

Không đủ sáng máy ảnh iPhone và iPad sắp ra mắt vẫn chụp tốt

(ICTPress) - Apple vừa nhận được chứng nhận bản quyền sáng chế về một loại máy ảnh mới cho các thiết bị di động, một bằng sáng chế về bộ ba ống kính và thiết kế bộ ba cảm biến.

Bản quyền sáng chế này này cho thấy các máy ảnh tương lai trên iPhones và iPad có thể chụp được các bức ảnh với chất lượng cao hơn đáng kể.

Bản quyền sáng chế số 8.497.897, đầu tiên được AppleInsider đưa tin, mô tả một máy ảnh với 3 bộ cảm biến: một dành cho độ chói (sáng) và hai cho màu. Bằng cách sử dụng các thấu kính màu thứ cấp, một bộ xử lý ảnh sẽ có thể so sánh dữ liệu tử cả hai để tạo nên một hình ảnh với màu sắc chính xác hơn.

Mỗi bộ cảm biến sẽ có các nhóm thấu kính riêng. Bằng cách sử dụng 3 ống kính này, hệ thống sẽ không bị lỗi về các hệ thống đa bộ cảm biến: các điểm mờ. Với hai thiết lập bộ cảm biến màu, chúng sẽ bù đắp cho nhau nếu một vật thể trường gần (có thể nói là một hạt bụi) sẽ ngăn sáng.

Dưới đây là sơ đồ bổ trợ hoạt động:

Kết quả cuối cùng cho người sử dụng là những bức ảnh iPhone sẽ có màu đẹp hơn cũng như chất lượng tăng đáng kể trong các tình huống thách thức. Bản quyền sáng chế mô tả nhiều cấu hình khác nhau của bộ ba cảm biến, một trong số đó là giúp cho việc chụp ảnh khi không đủ ánh sáng với dữ liệu màu bổ sung bù đắp cho ánh sáng yếu ớt.

Chúng ta có nên mong chờ một máy ảnh có bộ ba cảm biến như iPhone 5S đã đồn đại? Có thể không được triển khai nhanh chóng (mặc dù bằng sáng chế ban đầu được đệ trình vào năm 2010), nhưng có thể một số hãng công nghệ sẽ len lỏi vào mỗi khách hàng về các mô hình tương lai.

QM

Bộ xử lý smartphone: đôi khi ít hơn lại là nhiều hơn

(ICTPress) - Tim McDonough, Phó Chủ tịch Bộ phận Marketing, Qualcomm CDMA Technologies, vừa công bố một bài viết trên trang blog của Qualcomm về tầm quan trọng của chất lượng các lõi so với số lượng lõi trong bộ vi xử lý của smartphone.  

Tim McDonough

Liệu có phải nhiều hơn lúc nào cũng đồng nghĩa với tốt hơn không?

Jimmy Fallon cho là như vậy. Nhưng liên quan đến các bộ xử lý di động, đôi khi ít hơn lại là nhiều hơn.

Để bổ sung thêm sức mạnh xử lý một cách nhanh chóng là nhồi nhét nhiều lõi (hay các "bộ não" của máy tính cá nhân) vào một con chip duy nhất. Điều đó nghe có vẻ hợp lý phải không? Nếu một bộ não đã tốt, thì theo lẽ thường, tám bộ não nhất định phải tốt hơn.

Nhưng bạn cũng cần phải đánh giá xem các lõi xử lý mạnh mẽ đến mức độ nào. Những ai đã từng phải tham dự một cuộc họp lộn xộn sẽ hiểu rõ điều đó, bởi vì việc phải cố gắng giải quyết một vấn đề khó khăn bằng nhiều bộ não kém thông minh lại có thể là một quá trình khó khăn và không hiệu quả. 

Thay vì nhồi nhét rất nhiều lõi xử lý vào trong một con chip, điều quan trọng là phải phát triển được những lõi xử lý mạnh mẽ nhất trên trái đất. Và sau đó chúng ta sẽ xác định sốlượng lõi xử lý tối ưu để tạo ra “tốc độ ấn tượng”.

Hãy quan sát biểu đồ dưới đây, trong đó minh họa về hiệu năng của bộ xử lý Snapdragon S4 Pro lõi tứ của chúng tôi được Qualcomm Technologies, Inc. công bố vào năm ngoái. Bên cạnh đó là kết quả hiệu năng của bộ xử lý mới nhất của chúng tôi, bộ xử lý Snapdragon 800, cũng có 4 lõi xử lý.  

Số lượng lõi không thay đổi, nhưng bộ xử lý Snapdragon 800 đã được kiến trúc lại đạt được mức gia tăng hiệu năng ở mức độ ấn tượng là 170%. 

Kết quả hiệu suất CPU (chuẩn Quadrant) (Nguồn: Engadget)

Đây là một cách khác để nhìn nhận về điều đó. Nếu bạn muốn biến chiếc xe của mình trở thành một cỗ xe đua hiệu suất cao, bạn sẽ không gắn tới 8 động cơ ở dưới nắp ca-pô. Bạn chỉ cần đặt 1 động cơ phù hợp ở bên trong, tương ứng với hiệu suất mà bạn muốn tạo ra và quãng đường mà bạn muốn đi qua. 

Điều quan trọng là phải nhớ rằng, mặc dù động cơ có vai trò rất quan trọng, nó mới chỉ là một phần của chiếc xe. Phải cần đến nhiều linh kiện có chất lượng cao nữa mới có thể phát triển một chiếc xe tuyệt vời mà bạn yêu thích. Điều này cũng đúng với các bộ vi xử lý di động. Các lõi xử lý chỉ chiếm từ 15 đến 20% các chipset Qualcomm Snapdragon. Phần còn lại bao gồm các thành phần quan trọng khác, bao gồm bộ xử lý đồ họa (GPU), bộ xử lý tín hiệu số (DSP), LTE modem  mạnh mẽ, hiệu quả, vv... 

Chính nhờ các thành phần này được tích hợp trên một đế silicon duy nhất, chúng phối hợp làm việc với nhau một cách liền mạch để đạt được hiệu suất tối ưu. Điều đó hỗ trợ những tính năng khác biệt như cảm biến máy ảnh có độ trễ màn trập bằng không, tính năng quay và phát lại Video Ultra HD, âm thanh vòm 7.1, và duyệt web thông qua kết nối LTE Advanced tốc độ cao, lên đến 150 Mbps.

Bạn có thể đọc thêm về các tính năng này trong bộ xử lý Qualcomm Snapdragon 800 tại đây.