Điện toán đám mây: Từ quan điểm nào là mới?
TS. Trần Tuấn Hưng
1. Mở đầu
Điện toán đám mây (Cloud Computing, ĐTĐM) là khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây trên các diễn đàn công nghiệp, trong các nghiên cứu thị trường, các cuộc phỏng vấn báo chí, các hội nghị giới thiệu sản phẩm và giải pháp, và cả trong rất nhiều hội nghị khoa học trong giới hàn lâm. ĐTĐM được đại đa số trong giới CNTT nhìn nhận như là hướng phát triển tất yếu và đầy triển vọng của nền công nghệ IT và là 1 trong số 10 xu hướng công nghệ chiến lược của năm 2010 theo nhận định của Gartner [1]. Vượt qua mức độ chỉ nhắc đến ĐTĐM như là một thành ngữ “nóng” và mang tính thời sự, bài viết này tổng hợp và giới thiệu sâu thêm những khái niệm cơ bản được bao hàm bởi khái niệm ĐTĐM. Từ đó giúp cho bạn đọc đánh giá về mức độ “mới” của khái niệm ĐTĐM từ những khía cạnh khác nhau.
Ảnh minh họa: www.vedainformatics.com |
2. ĐTĐM, ý tưởng và các nhân tố cốt lõi
Nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội bao gồm các nguồn cung ứng hàng ngày về điện, nước, gas, thoại (di động và cố định). Trong một xã hội phát triển, điện toán cũng dần được xây dựng để trở thành nguồn cung ứng hàng ngày như vậy. Trong lộ trình đó, ĐTĐM là một cách tiếp cận mang tính nền tảng và là cấu trúc cơ bản để điện toán trở thành nguồn cung ứng phổ cập và hữu ích, có thể tiếp cận đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Hãy xét cách thông thường mà chúng ta hay sử dụng điện hàng ngày qua một ví dụ đơn giản. Trong những thời điểm nóng nực mùa hè, người sử dụng (NSD) bật điều hòa để sử dụng. NSD tắt điều hòa khi không còn nhu cầu và như thế thời gian chạy điều hòa hoàn toàn tùy thuộc vào ý thích của NSD. Nếu nhìn từ phương diện dịch vụ, thì dịch vụ làm mát dựa trên nguồn điện năng đuợc công ty điện lực cung cấp (qua việc sử dụng điều hòa) thật sự dễ dàng hơn bao giờ hết. Tất cả không có gì khác ngoài việc bật và tắt điều hòa. Mức chi phí (có thể coi là mức phí dịch vụ làm mát) hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của NSD, vì họ sẽ trả tiền cho công ty điện lực những số điện phát sinh trong thời gian họ dùng điều hòa, không trả nhiều hơn và cũng không ít hơn. Giống như vậy, mục tiêu mà ĐTĐM hướng tới là để điện toán trở thành một nguồn cung cấp các dịch vụ cũng ở mức đơn giản và trả tiền theo mức sử dụng thực tế giống như trường hợp sử dụng điện.
ĐTĐM, như tên gọi của nó, nhìn nhận hạ tầng IT như “đám mây” của tài nguyên, mà từ đó các dịch vụ điện toán được cung cấp đến NSD, theo sát nhu cầu thực tế (pay-per-use) và không phụ thuộc vào vị trí vật lý của họ. Cũng giống như khi nói về điện, nước, NSD ở đây cần được hiểu ở nghĩa rộng. Đối tượng NSD có thể là một người, một cá thể, nhưng cũng có thể là một công ty, hay một tổ chức.
Với những NSD là cá nhân quen dùng Internet, thật ra họ đã làm quen và sử dụng các dịch vụ mang tính ĐTĐM nhiều năm qua như dịch vụ sử dụng hòm thư điện tử qua Hotmail.com, yahoo.com (dịch vụ có thể sử dụng được bất cứ khi nào NSD có kết nối mạng, dữ liệu email của NSD hoàn toàn được lưu trữ trên hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ, NSD trả tiền thuê bao để tăng hoăc giảm dung lượng lưu trữ dành cho họ theo nhu cầu thực tế). Các ứng dụng quen thuộc hàng ngày khác như Twitter, Myspace, Wikipedia, Youtube, Facebook, Linkedin… cũng chính là hiện thân của dịch vụ ĐTĐM cung cấp cho NSD đầu cuối.
Như vậy có thể thấy là các dịch vụ mang tính ĐTĐM đã hiện diện từ cách đây nhiều nắm. Vì thế, mặc dù có nhiều cách diễn đạt khác nhau về khái niệm ĐTĐM được các nhà cung cấp dịch vụ, các công ty tư vấn công nghệ, các tổ chức nghiên cứu thị trường, hoặc giới nghiên cứu khoa học đưa ra, ý tưởng ĐTĐM cũng giống như một chiếc áo mới có tên ĐTĐM, được khoác lên tập hợp của những dịch vụ, công nghệ đã và đang có, cộng thêm những tính năng được bổ sung, được phát triển thêm. Có thể điểm lại một số cách diễn giải, định nghĩa về ĐTĐM như sau [2] (nguyên bản tiếng Anh của các diễn giải được tổng hợp trong phần Phụ lục của bài báo này):
“ĐTĐM là khi tài nguyên và dịch vụ IT được xử lý tách rời khỏi hạ tầng bên dưới và được cung cấp theo nhu cầu của NSD, với quy mô tùy biến và phục vụ cho môi trường nhiều NSD từ cùng một phiên bản triển khai” – diễn giải của Cisco.
“ĐTĐM là một mô hình phát triển, triển khai IT mới, cho phép cung cấp trong thời gian thực các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp qua mạng Internet ”- diễn giải của IDC.
“ĐTĐM là một hình thức điện toán mà ở đó các chức năng liên quan đến IT với khả năng mở rộng cao được cung cấp đến NSD và khách hàng dưới dạng các dịch vụ thông qua các công nghệ Internet ”- diễn giải của Gartner.
“Nói đến ĐTĐM là nói đến các ứng dụng được cung cấp dưới dạng dịch vụ qua Internet và được cung cấp bởi hệ thống phần cứng và phần mềm trong các trung tâm dữ liệu. Các ứng dụng này cho đến nay được gọi bằng tên Software-as-a- Service (SaaS). Hệ thống phần cứng và phần mềm trong các trung tâm dữ liệu được gọi là đám mây” - diễn giải (1) của giới khoa học.
“Đám mây là nguồn tài nguyên (phần cứng, nền tảng phát triển, dịch vụ) đã được ảo hóa và có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Nguồn tài nguyên này có thể dễ dàng được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của NSD để mang lại hiệu suất sử dụng tối đa, và phương thức “dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu” (pay-per-use) là cách mà NSD sẽ dùng nguồn tài nguyên này với chất lượng được đảm bảo thống nhất với nhà cung cấp dịch vụ trong bản SLA giữa hai bên”- diễn giải (2) của giới khoa học.
“ĐTĐM là mô hình triển khai IT trên cở sở áp dụng ảo hóa, trong đó tài nguyên (dưới dạng hạ tầng, hay ứng dụng, hay dữ liệu) được đưa đến NSD qua mạng Internet như những ứng dụng được các nhà cung cấp dịch vụ cung cấp. Các dịch vụ này có tính mềm dẻo, có thể mở rộng theo nhu cầu của NSD và được tính tiền theo phương thức “dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu” (pay-per-use)- diễn giải (3) của giới khoa học.
Những diễn giải về ĐTĐM ở trên đều đã nhắc tới những tính chất cơ bản của ĐTĐM từ nhiều khía cạnh khác nhau. Các từ khóa cơ bản là “dịch vụ”, “mạng Internet”, “ảo hóa”, “dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu”. Hiểu một cách ngắn gọn, ĐTĐM là khi các dịch vụ điện toán được cung cấp cho NSD từ các nguồn tài nguyên được các trung tâm dữ liệu và công nghệ ảo hóa trong hệ thống và lưu trữ cung cấp. Các dịch vụ ĐTĐM cần đảm bảo được độ ổn định cao, đáp ứng được các yêu cầu nhất định của NSD (thường được lượng hóa và quy định trong bản SLA).
Từ góc nhìn công nghệ, hai yếu tố công nghệ cơ bản nhất của ĐTĐM là i/ kết nối mạng mọi lúc mọi nơi cho NSD và ii/ ảo hóa hạ tầng CNTT được sử dụng để cung cấp dịch vụ. Các dịch vụ mà ĐTĐM mang lại cho NSD được truyền tải qua Internet và vì vậy kết nối mạng là nhân tố không thể tách rời với ĐTĐM. NSD của dịch vụ ĐTĐM trước hết phải được cung cấp khả năng nối mạng ổn định và liên tục với tốc độ đủ lớn. Trong thời đại công nghệ mạng và viễn thông đang có những bước tiến vựợt bậc như ngày nay, các công nghệ mạng LAN, WAN, cùng với những công nghệ truy nhập tốc độ cao như ADSL, FTTH, 3G, 4G, HSDPA (High-Speed Downlink Packet Access) đều đã đạt mức chín muồi nhất định để đáp ứng được nhân tố cốt lõi thứ nhất của dịch vụ ĐTĐM.
Ảo hóa, nhân tố cốt lõi thứ hai của dịch vụ ĐTĐM, là biện pháp để hợp nhất nguồn tài nguyên hệ thống. Khi trong hệ thống IT có nhiều thiết bị vật lý riêng rẽ, độc lập với nhau về mặt vật lý (ví dụ các máy chủ, các tủ lưu trữ, các thiết bị mạng), áp dụng ảo hóa sẽ giúp cho NSD nhìn thấy một nguồn tài nguyên chung, duy nhất được hợp thành từ những thiết bị độc lập. Không những chỉ nhìn thấy, NSD/ứng dụng còn được trao cho khả năng chia sẻ theo ý muốn nguồn tài nguyên hợp nhất đó mà không cần quan tâm đến vị trí vật lý thật sự của nguồn tài nguyên. Nói cách khác, điều phối nguồn tài nguyên được tách rời khỏi hạ tầng vật lý và có thể được xử lý linh hoạt theo yêu cầu.
Việc kết hợp công nghệ ảo hóa và hợp nhất giữa các trung tâm dữ liệu để tạo thành nguồn tài nguyên chung cung cấp dịch vụ cho NSD thực ra đã được các nhà cung cấp dịch vụ như Amazon, Google, IBM, Microsoft áp dụng từ một số năm trở lại đây. Khái niệm và xu hướng ảo hóa và hợp nhất, tối ưu hệ thống đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên đến ngày nay, những tiến bộ trong công nghệ ảo hóa và hợp nhất tiếp tục mang lại những thành quả mới trong dich vụ và vì thế góp phần làm cho ĐTĐM trở thành một khái niệm chín muồi hơn. Một lần nữa, có thể thấy rằng, xét trên khía cạnh công nghệ, ĐTĐM thật ra không phải là một sự đột phá về mặt bản chất, vì ĐTĐM có thể coi là sự tổng hợp của những công nghệ đã và đang tồn tại để cung cấp một số tính năng mới.
Ngoài hai nhân tố cơ bản là kết nối mạng và ảo hóa, tất nhiên còn có các công nghệ và giải pháp liên quan khác cũng cần được quan tâm và phát triển cho các dịch vụ ĐTĐM. Chất lượng dịch vụ thể hiện qua hiệu năng hoạt động (performance), mức độ sẵn sàng của dịch vụ (service availability), vấn đề bảo mật dữ liệu và thông tin của NSD khi họ tin tưởng giao phó cho nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM là những điểm nóng vẫn đang thu hút sự đầu tư phát triển giải pháp của các nhà cung cấp dịch vụ hướng tới mảng thị trường ĐTĐM. Những sự quan tâm này cũng là những vấn đề truyền thống cần giải quyết trong CNTT và viễn thông, nên cũng không nên nhìn nhận là mới.
3. ĐTĐM, mô hình và thể loại cung cấp
Điều mới mẻ mang tính đột phá của ĐTĐM không nằm ở bản chất công nghệ, mà là mô hình hướng dịch vụ, và mang lại sự thay đổi trong nhận thức về cách cung cấp dịch vụ (cho nhà cung cấp) và cách thuê bao sử dụng dịch vụ (cho NSD). Tất cả được đưa đến NSD dưới hình thức dịch vụ, từ nguồn cung ứng điện toán có hàng ngày, đơn giản giống như những nguồn cung ứng điện, nước.
Trong mô hình cung cầu các dịch vụ ĐTĐM, vai trò tham gia của các bên bao gồm NSD, Nhà cung ứng dịch vụ, Nhà hỗ trợ triển khai dịch vụ và Nhà quy hoạch chính sách.
NSD là các đối tượng trả tiền thuê bao để sử dụng dịch vụ ĐTĐM. Phương thức trả tiền theo cách dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu (pay-per-use). NSD có thể là một cá nhân (ví dụ một NSD dịch vụ hòm thư điện tử của Google, hiện tại dịch vụ này đang được cung cấp miễn phí). NSD cũng có thể là một tổ chức, hoặc một doanh nghiệp (ví dụ một doanh nghiệp muốn sử dụng dịch vụ hệ thống thư điện tử của Microsoft, trong trường hợp này phí thuê bao tính theo đơn vị số hộp thư và theo từng tháng) muốn tận dụng dịch vụ được cung cấp sẵn bởi các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM, thay vì họ phải tự đầu tư và vận hành những hệ thống IT trong nội bộ để có được những dịch vụ đó.
Nhà cung ứng dịch vụ là các doanh nghiệp, hãng tin học sở hữu và vận hành hệ thống hạ tầng cho ĐTĐM để cung cấp các dịch vụ khác nhau trên hạ tầng đó đến NSD. Microsoft, IBM, Google… là những ví dụ cho vai trò của nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM.
Nhà hỗ trợ triển khai dịch vụ là các công ty tin học cung cấp các giải pháp, các sản phẩm và/hoặc dịch vụ để thiết lập và hỗ trợ sự cung cấp các dịch vụ ĐTĐM. Cisco, Symantec, TrenMicro McAfee...là những ví dụ cho vai trò hỗ trợ triển khai dịch vụ ĐTĐM, khi họ cung cấp các giải pháp cho lộ trình hợp nhất và ảo hóa các trung tâm dữ liệu, các kiến trúc hạ tầng liên quan (Cisco), hay các giải pháp bảo mật thông tin cho những dịch vụ cung cấp qua Internet (Cisco, Symantec, Trendmicro). Nhà hỗ trợ triển khai dịch vụ ĐTĐM có thể là các công ty tin học cung cấp các sản phẩm phần mềm sẫn có để Nhà cung ứng dịch vụ đóng gói thành dịch vụ đưa đến NSD. Nhà hỗ trợ triển khai dịch vụ cũng có thể là các công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi cho một tổ chức doanh nghiệp muốn chuyển đổi hệ thống đang được chính họ vận hành sang nền tảng đám mây của các Nhà cung ứng dịch vụ.
Nhà quy hoạch chính sách là các cơ quan quản lý chính phủ, hoặc các tổ chức chuyên ngành quốc tế. Với các điều luật nhất định, những cơ quan, tổ chức này sẽ cho phép hoặc không cho phép việc sử dụng các dịch vụ ĐTĐM. Ví dụ khi một tổ chức thuê bao dich vụ ĐTĐM của nhà cung cấp dịch vụ, dữ liệu của họ sẽ được quản lý bởi nhà cung cấp dịch vụ. Nếu điều này không được chấp thuận bởi cơ quan quản lý chính sách thì tổ chức sẽ không được phép thuê bao dịch vụ ĐTĐM.
Xét trên yếu tố về đối tượng sử dụng, dịch vụ ĐTĐM có thể được phân loại thành dịch vụ Cộng đồng (Public) hay dịch vụ Riêng biệt (Private). Dịch vụ cộng đồng được cung cấp đến tất cả mọi đối tượng sử dụng Internet (Amazon Web Services là một ví dụ điển hình). Không giống như vậy, dịch vụ ĐTĐM riêng biệt chỉ được cung cấp cho một nhóm đối tượng nhất định và nhà cung cấp dịch vụ chỉ sử dụng những nguồn tài nguyên hạ tầng của riêng họ.
Từ quan điểm tính năng dịch vụ (với thành ngữ trong tiếng Anh: as-a-service), các sản phẩm ĐTĐM có thể được chia thành 3 loại hình chính là IaaS, PaaS và SaaS như được minh họa trong Hình 1 [3].
- Infrastructure as a Service (IaaS): dịch vụ cung cấp hạ tầng. Dịch vụ này cung cấp cho NSD thuê các tài nguyên hạ tầng (ví dụ như các máy chủ ảo, dung lượng lưu trữ) theo nhu cầu sử dụng. Dịch vụ lưu trữ Amazon S3, hay tài nguyên điện toán Amazon EC2, IBM Blue Cloud là những ví dụ của IaaS.
- Platform as a Service (PaaS): dịch vụ cung cấp nền tảng. Dịch vụ này cung cấp môi trường phát triển phần mềm đã có sẵn để NSD có thể thiết lập và tự phát triển trên nền tảng đó các ứng dụng hay các dịch vụ của mình. Microsoft Azure, Google App Engine, Amazon Relation Databse Services là những ví dụ của PaaS.
- Software as a Service (SaaS): dịch vụ cung cấp phần mềm. Dịch vụ này cung cấp cho NSD các ứng dụng đã được cài đặt và cấu hình sẵn trên ĐTĐM. NSD chỉ việc dùng từ xa các ứng dụng, thay vì phải cài đặt, cấu hình trên các máy trạm của họ. Ví dụ cho loại hình này là các ứng dụng trên nền Web, hoặc các ứng dụng tại chỗ nhưng sử dụng tài nguyên (xử lý, lưu trữ) qua mạng Internet. Google Apps, Gmail, Facebook là một vài ví dụ điển hình của SaaS.
Hình 1. Các loại hình dịch vụ ĐTĐM |
4. ĐTĐM và những lợi ích được xem xét
Từ quan điểm thị trường, ĐTĐM được cung cấp dưới dạng các dịch vụ. Vì vậy lợi ích của ĐTĐM cần được xét đến trên phương diện của nhà cung cấp dịch vụ và NSD dich vụ. Với các nhà cung cấp dịch vụ, để cung cấp được các dịch vụ ĐTĐM, rõ ràng họ sẽ cần vận hành những trung tâm dữ liệu quy mô rất lớn. Theo khảo sát, giá thành tính trên đơn vị được vận hành đều giảm đáng kể khi quy mô của trung tâm dữ liệu tăng lên. Xét trên các yếu tố mạng, lưu trữ hay chi phí vận hành, tỷ lệ tiết kiệm chi phí (tính trên đơn vị được vận hành) có thể lên đến 5 - 7 lần như trình bày trong Bảng 1 [4].
Bảng 1. Tỷ lệ tiết kiệm chi phí vận hành khi tăng độ lớn của trung tâm dữ liệu |
Bên cạnh đó, khi xây dựng và vận hành những trung tâm dữ liệu rất lớn, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ tích lũy được kho kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn sâu rộng trong quản trị và vận hành các dịch vụ IT trên diện rộng, hạ tầng cỡ lớn. Những kiến thức chuyên sâu sẽ tiếp tục mang lại sự phát triển dịch vụ, chất lượng dịch vụ, và mở rộng mạng lưới khách hàng sử dụng ĐTĐM, đem lại doanh thu ngày càng cao hơn cho nhà cung cấp dịch vụ.
Từ quan điểm của NSD, sử dụng dịch vụ IT của ĐTĐM đem lại lợi ích thiết thực nhất về sự kiểm soát chi phí cần phải chi trả cho tài nguyên và dich vụ. Việc tự đầu tư và tự vận hành các tài nguyên hạ tầng CNTT (máy chủ, hệ thống lưu trữ, băng thông mạng vv.) cung cấp các dịch vụ IT nhìn chung tiêu tốn những khoản chi phí không hề nhỏ. Đặc biệt là khi nhu cầu cực đại về tài nguyên sử dụng có thể lớn gấp nhiều lần nhu cầu trung bình, dẫn đến hai trường hợp. Hoặc là có sự đầu tư tài nguyên thừa quá mức cần thiết (tốn kém quá mức cần thiết) nếu muốn đảm bảo chất lượng dịch vụ ngay cả khi nhu cầu cực đại xảy ra. Trường hợp này được hiển thị trong Hình 2a, khi Tài nguyên được đầu tư ở Mức 1. Ngược lại, nếu chỉ đầu tư cho nhu cầu trung bình về tài nguyên thì sẽ có những thời điểm chất lượng dịch vụ không được đảm bảo do nhu cầu thực lớn hơn mức đầu tư, xem Hình 2a khi Tài nguyên được đầu tư ở Mức 2.
Với việc dùng các dịch vụ ĐTĐM do các nhà cung cấp dịch vụ mang lại, ưu điểm nổi trội là NSD sẽ trả (thuê bao) tài nguyên theo sát với nhu cầu thực sự (pay-as-you-go), tránh được sự cứng nhắc về tài nguyên và những lãng phí hoặc không đảm bảo chất lượng dịch vụ do sự cứng nhắc đó. Kiểm soát chi phí nhờ đó cũng sẽ trở nên linh hoạt và theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp (Hình 2b).
Hình 2. Tương quan giữa mức tài nguyên được NSD đầu tư (hoặc trả tiền thuê bao) và nhu cầu
sử dụng đầu tư. Bên trái (a): mô hình tự cung cấp dịch vụ bằng hệ thống riêng sẽ dẫn đến tình trạng phải đầu tư thừa tài nguyên (Mức 1) để đảm bảo chất lượng dịch vụ, hoặc đầu tư ít tài nguyên hơn (Mức 2) nhưng phải chấp nhận sẽ có sự suy giảm và không đảm bảo về chất lượng dịch vụ
trong quá trình sử dụng. Bên phải (b): Sử dụng dịch vụ ĐTĐM sẽ tránh được sự cứng nhắc
về đầu tư tài nguyên bằng cách chỉ trả thuê bao theo nhu cầu sử dụng thực tế (pay-as-you-go)
mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Khi thuê bao dịch vụ ĐTĐM, cũng có nghĩa là NSD đặt niềm tin vào những nhà cung cấp dịch vụ có uy tín và sở hữu công nghệ CNTT và viễn thông được liên tục cập nhật. Nói cách khác, thay vì với việc NSD phải tự đầu tư hay phát triển những kiến thức chuyên môn cần thiết cho dich vụ cần có và muốn có, họ sử dụng trình độ chuyên môn và kỹ năng chuyên sâu, chuyên ngành của các nhà cung cấp dịch vụ. Điều này mang lại hiệu quả nhanh hơn và dich vụ cũng được đảm bảo tốt hơn, vì các vấn đề chuyên môn được đưa đến những nhà cung ứng có chuyên môn chuyên sâu và nhiều kinh nghiệm giải quyết.
5. ĐTĐM và cơ hội tiếp cận
Tại Việt Nam, ĐTĐM đã bắt đầu được giới CNTT, của các nhà cung cấp dịch vụ và cả NSD nhận thức. Đi cùng với xu hướng phát triển CNTT của thế giới, đã có những bước chuyển mình đầu tiên của giới CNTT Việt Nam hướng tới ĐTĐM. Các công ty tin học lớn của Việt Nam sở hữu những trung tâm dữ liệu lớn, khi phối hợp với các hãng công nghệ đi đầu trong lĩnh vực ĐTĐM như Microsoft, IBM…, hoàn toàn có thể đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM cho các hình thức IaaS, PaaS. Đặc biệt là khi nhà cung cấp dịch vụ đồng thời kết hợp được với lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, truy nhập Internet, sẽ tạo ra lợi thế lớn về tính chủ động và khả năng đáp ứng kỳ vọng của ĐTĐM. Sự hợp tác của công ty FPT và Microsoft với thoả thuận đối tác cùng phát triển các dịch vụ ĐTĐM tại Việt Nam là một ví dụ điển hình [5].
Các công ty tin học trong nước có thể kết hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM để đưa ra thị trường sản phẩm phần mềm đóng gói của mình hay phát triển các ứng dụng trên nền ĐTĐM, đưa ra thị trường cung cấp cho NSD. Đây là hướng đi tiềm năng để cung cấp dịch vụ SaaS.
Các công ty tin học Việt Nam cũng có thể đóng vai trò hỗ trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong quá trình triển khai dịch vụ ĐTĐM. Nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM có thể sẽ có nhu cầu về triển khai các công nghệ ảo hóa và hợp nhất tài nguyên trong hệ thống các trung tâm dữ liệu của họ. Ví dụ khác là khi NSD (doanh nghiệp, tổ chức) muốn chuyển sang sử dụng dịch vụ ĐTĐM thay vì tự vận hành hạ tầng riêng của mình cho các dịch vụ, sẽ phát sinh các nhu cầu về chuyển đổi hạ tầng, chuyển đổi ứng dụng/dữ liệu từ các hệ thống tự vận hành của họ về hạ tầng của các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM. Đó là những ví dụ cụ thể về dịch vụ IT mà các công ty tin học tại Việt Nam có thể tham gia cung cấp, không chỉ trong thị trường Việt Nam mà trên lĩnh vực toàn cầu.
Theo những nhận định chung, ngoài đối tượng NSD cá nhân đang dùng những dịch vụ quen thuộc của ĐTĐM (Google email, Facebook v.v.), những tổ chức doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ sẽ là đối tượng khách hàng tiềm năng của các dịch vụ ĐTĐM trong thời gian tới. Các dịch vụ ĐTĐM trước mắt có thể được sử dụng nhiều nhất sẽ là những ứng dụng về email và tạo nền tảng để NSD trao đổi thông tin (Microsoft SharePoint, LiveMeeting, Cisco WebEx…). Ví dụ một doanh nghiệp nhỏ muốn sử dụng đầy dủ các tính năng của hệ thống thư điện tử của Microsoft (Microsoft Exchange) sẽ trả tiền thuê bao dịch vụ email trong gói BPOS (Business Productivity Online Suite). BPOS còn cung cấp các ứng dụng cung cấp nền tảng trao đổi thông tin chung như SharePoint, LiveMeeting.
Liên quan đến ĐTĐM còn rất nhiều mảng công nghệ và chính sách cần được tiếp tục đào sâu và phát triển. Những điểm nóng có thể kể ra bao gồm những vấn đề về bài toán kinh tế của ĐTĐM và phương pháp thu phí dịch vụ tối ưu; đánh giá ảnh hưởng và sự liên quan giữa ĐTĐM và chiến lược IT chung của các tổ chức, doanh nghiệp; chất lượng dịch vụ (Quality of Services: QoS) và chất lượng trải nghiệm cho NSD (Quality of Experience: QoE) trong ĐTĐM; các chính sách và công nghệ bảo mật trong ĐTĐM nhằm mang lại sự tin tưởng và an toàn cho dữ liệu trong môi trường phân tán; vấn đề đón nhận công nghệ ĐTĐM của NSD và phương pháp triển khai tối ưu; các vấn đề về quản lý dịch vụ ĐTĐM, hành lang pháp lý cho mối hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ với NSD, giữa các nhà cung cấp dịch vụ với nhau vv… Các vấn đề này sẽ quyết định sự phổ cập của các dịch vụ ĐTĐM trong tương lai gần và điều này không chỉ đúng cho thị trường Việt Nam mà cho cả các thị trường khác trên thế giới.
Tài liệu trích dẫn
[1]. http://www.gartner.com/it/page.jsp?id=1210613
[2]. M. Boehm, S. Leimeister, C. Riedl, H. Krcmar. Cloud Computing and Computing Evolution. In: San Murugesan (ed.) Cloud Computing: Technologies, Business Models, Opportunities and Challenges, CRC Press, 2010.
[3]. David Hilley. Cloud Computing: A Taxonomy of Platform and Infrastructure-level Offerings. CERCS Technical Report (GIT-CERCS-09-13). College of Computing, Georgia Institute of Technology, April 2009
[4]. M. Armbrust, A. Fox, R. Griffith, A. D. Joseph, R. Katz, A. Konwinski, G. Lee, D. Patterson, A. Rabkin, I. Stoica, and M. Zaharia. Above the Clouds: A Berkeley View of Cloud Computing. Technical Report UCB/EECS-2009-28, Electrical Engineering and Computer Sciences, University of California at Berkeley, February 2009.
[5]. http://www.fpt.com.vn/vn/tin_tuc/kinh_doanh/2010/05/24/20285/
Phụ lục: Các diễn giải về ĐTĐM trong nguyên bản tiếng Anh
Nguồn |
Diễn giải cho khái niệm ĐTĐM |
Cisco |
IT resources and services that are abstracted from the underlying infrastructure and provided “on demand” and at scale in a multitenant environment |
IDC |
An emerging IT development, deployment and delivery model, enabling real-time delivery of products, services and solutions over the Internet” |
Gartner |
A style of computing where massively scalable IT-enabled capabilities are delivered 'as a service' to external customers using Internet technologies” |
Diễn giải (1) của giới khoa học
|
Cloud Computing refers to both the applications delivered as services over the Internet and the hardware and systems software in the datacenters that provide those services. The services themselves have long been referred to as Software as a Service (SaaS). The datacenter hardware and software is what we will call a Cloud |
Diễn giải (2) của giới khoa học
|
Clouds are a large pool of easily usable and accessible virtualized resources (such as hardware, development platforms and/or services). These resources can be dynamically reconfigured to adjust to a variable load (scale), allowing also for an optimum resource utilization. This pool of resources is typically exploited by a pay-per-use model in which guarantees are offered by the Infrastructure Provider by means of customized SLAs |
Diễn giải (3) của giới khoa học
|
Cloud computing is an IT deployment model, based on virtualization, where resources, in terms of infrastructure, applications and data are deployed via the internet as a distributed service by one or several service providers. These services are scalable on demand and can be priced on a pay-per-use basis. |