Tri thức chuyên ngành
Chuyển đổi IPv6: Kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc
Submitted by nlphuong on Mon, 01/07/2013 - 00:19(ICTPress) - Tháng 4 vừa qua, Diễn đàn IPv6 toàn cầu và Trung Quốc đã phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao thế giới về IPV6 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Hội nghị lần này có chủ đề: “Tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng Internet thế hệ mới, thúc đẩy sử dụng rộng rãi mạng Internet”.
Ông Latif Lakid, Chủ tịch Diễn đàn IPv6 toàn cầu nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị: Trong 10 năm qua, trên toàn thế giới IPv6 phát triển khá tốt. Hiện nay toàn thế giới có 22,4% các mạng cao cấp sử dụng IPv6 và có khoảng 18% thuê bao Internet sử dụng IPv6. Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng không thể phủ nhận, trong 10 mạng cao cấp của thế giới, có 3 mạng là của Trung Quốc. 5% số thuê bao sử dụng IPv6. Điều đó chứng tỏ hiệu suất xây dựng IPv6 của Trung Quốc đang được nâng cao.
Ông Lưu Đông, Chủ tịch Liên minh mạng Internet thế hệ mới của Trung quan Thôn (Khu khoa học công nghệ cao của Trung Quốc), Đồng Chủ tịch Hội nghị Diễn đàn Internet toàn cầu thế hệ mới cho rằng: IPv6 đã trở thành con đường phát triển duy nhất và tất yếu cho mạng Internet toàn thế giới thế hệ mới, toàn bộ hệ thống mạng Internet hiện tại sẽ được nâng cấp toàn diện.
Theo các báo cáo của Trung Quốc thì đến cuối tháng 12/2012, toàn Trung Quốc có có 331 triệu địa chỉ IPv4, bình quân đầu người có 0,6 địa chỉ, trong khi đó bình quân đầu người ở Mỹ có 6 địa chỉ. Bộ Công nghiệp Thông tin Trung Quốc dự báo 5 năm tới Trung Quốc cần có 34,5 tỷ địa chỉ IP!!!
Nhận rõ tầm quan trọng của IPv6 và nhu cầu nội tại, Trung Quốc đã sớm triển khai nghiên cứu thử nghiệm IPv6 với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Ngay từ năm 2003, Chương trình Mạng Internet thế hệ mới của Trung Quốc (Viết tắt là CNGI) được 7 Bộ và cơ quan nhà nước bảo trợ đã chính thức công bố. Tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, Trung Quốc đã giới thiệu mạng Internet sử dụng IPv6. Tháng 10/2009, Dự án mạng trục CERNET2 (nằm trong chương trình CNGI) ứng dụng IPv6 đã kết nối 25 cổng truy nhập Internet ở 25 thành phố của Trung Quốc. Đầu năm 2012, Chính phủ Trung Quốc công bố “Những ý kiến chỉ đạo về mạng Internet thế hệ mới trong giai đoạn 2012 - 2015”, trong đó xác định đến năm 2015 mức độ phổ cập Internet ở Trung Quốc phải đạt đến 45%. Số thuê bao băng rộng kết nối với IPv6 đạt 25 triệu (trong tổng số 370 triệu cổng kết nối băng rộng). Tốc độ kết nối Internet cho các thuê bao ở thành phố đạt 20Mbit/s, ở nông thôn là 4Mbit/s.
Tính đến tháng 3/2012 số địa chỉ IPv6 đi vào sử dụng ở Trung Quốc đứng thứ 3 thế giới, tăng 23 lần so với đầu năm 2011. Dưới đây là vài nét về kế hoạch và kết quả triển khai chuyển đổi IPv6 của 3 đại gia viễn thông ở Trung Quốc.
China Telecom: đã khai trương dịch vụ IPv6 băng rộng ở 3 thành phố: Nam Kinh, Trường Sa, Vô Tích. Dự kiến đến cuối năm 2013 tiếp tục mở rộng ra 20 thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An v.v.... Hiện nay ở các khu vực mà China Telecom đang thử nghiệm IPv6, số thuê bao băng rộng kết nối IPv6 đã lên tới 20 vạn. China Telecom đã cùng với Công ty thông tin có dây Comcast của Mỹ trở thành 2 nhà khai thác viễn thông có mạng IPv6 lớn nhất thế giới.
China Mobile: Phát triển IPv6 di động chia làm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn khởi động, China Mobile đang tiến hành thử nghiệm rộng rãi tại nhiều địa điểm; Giai đoạn 2014-2015 sẽ tiến hành nâng cấp toàn mạng lên IPv6; Trong năm 2016, China Mobile sẽ mở rộng thí điểm sử dụng IPv6 ở 10 thành phố, ước tính số thuê bao IPv6 sẽ đạt khoảng 3 triệu địa chỉ IPv6.
China Unicom: China Unicom phát triển IPv6 theo 3 giai đoạn: từ 2011 đến đầu năm 2013 là giai đoạn tổ chức các thí điểm mang tính thương mại; từ 2013 đến 2015 là giai đoạn nâng cấp xây dựng mạng IPv6 một cách bài bản và quy mô. China Unicom hy vọng trong 2 giai đoạn này đến cuối năm 2013 sẽ có khoảng 3 triệu thuê bao băng rộng kết nối IPv6, đến năm 2015 thực hiện việc kết nối IPv4 và IPv6 cùng sử dụng song song và kết nối với nhau. Từ 2015 đến 2020 là giai đoạn phát triển và phổ cập IPv6.
IPv6 có ưu thế tuyệt đối về địa chỉ IP vô hạn so với IPv4 và các ưu điểm khác như độ an toàn cao, dễ mở rộng, dễ quản lý, kết nối dễ v.v... Tuy nhiên thực tế, việc xây dựng IPv6 trên toàn thế giới là không đồng đều, thậm chí ở một số nơi đạt hiệu quả thấp. Trung Quốc cũng như nhiều nước khác khi quá độ từ IPv4 sang IPv6 sẽ gặp ngay 3 trở ngại lớn sau đây:
Trở ngại lớn thứ nhất: Các thiết bị và mạng thông tin sử dụng IPv4 hiện nay đã đi sâu vào công việc và đời sống xã hội, rất khó có thể chuyển dịch toàn bộ sang IPv6 trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, trong giai đoạn phát triển ban đầu của IPv6, các nhà nghiên cứu chưa chú ý đến việc nghiên cứu các giải pháp sử dụng song song IPv4 và IPv6 mà mới tập trung nghiên cứu giải quyết các khuyến nghị để xây dựng mạng Internet thế hệ mới, điều này là một trở ngại lớn để mở rộng IPv6. Tuy nhiên, các nước đều đang tích cực xây dựng kế hoạch để có giải pháp quá độ thuận lợi từ IPv4 sang IPv6. Hiện nay có 3 giải pháp chủ yếu: sử dụng “dual stack”, thiết lập đường hầm và thay đổi địa chỉ.
Trở ngại lớn thứ hai: Thực tiễn cho thấy để chuyển đổi một khối lượng thiết bị, mạng lưới và các ứng dụng từ IPv4 sang IPv6 cần có khoản đầu tư lớn và thời gian khá dài và trong một thời gian ngắn thì khoản đầu tư này chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Các doanh nghiệp (DN) thường phải cân đối thu chi, tính toán lỗ lãi khi đầu tư. Chính vì thế mà phần lớn các DN vừa và nhỏ khá thận trọng và rụt rè khi chuyển đổi sang IPv6. Vì vậy ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, thời gian việc nâng cấp lên mạng Internet IPv6 hầu hết tập trung ở các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Google, Facebook, Yahoo v.v....
Trở ngại lớn thứ ba: IPv6 có nhiều ưu điểm so với IPv4, tuy nhiên trước mắt thì những ưu thế về kỹ thuật này chưa thể hiện được nhiều trong các ứng dụng. Hiện nay phần lớn các ưu thế của IPv6 được thể hiện trong việc chế tạo các thiết bị phần cứng của các nhà sản xuất, còn các thành viên khác trong chuỗi sản xuất của mạng Internet thế hệ mới khó cảm nhận được điều này. Đó là chưa kể khi sử dụng mạng IPv6 và sử dụng mạng IPv4 cảm nhận của thuê bao không khác biệt là mấy. Vì vậy, không ít thuê bao rất khó từ bỏ IPv4 để chuyển sang IPv6.
Để giải quyết những trở ngại lớn này, kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc cho thấy cần hết sức chú trọng tiến hành những giải pháp sau đây:
1/ Nêu cao vai trò chỉ đạo và chủ động của Chính phủ
Không những Chính phủ phải sớm ban hành chương trình quá độ sang IPv6 mà chính phủ còn phải ra các văn bản chỉ đạo mục tiêu và kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn, đồng thời phải ban hành một loạt chính sách để hỗ trợ quá độ sang IPv6.
Trong ý kiến chỉ đạo về phát triển mạng Internet thế hệ mới của Trung Quốc giai đoạn 2012 - 2015, chính phủ Trung Quốc đã xác định sách lược: “Chính phủ dẫn dắt, thúc đẩy ứng dụng, tích cực quá độ, mở cửa sáng tạo, bảo đảm an toàn, phát triển nhảy vọt”. Ngoài ra, Chính phủ còn sớm dành những khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển IPv6 và đầu tư để hỗ trợ các DN mạnh dạn chuyển đổi sang IPv6…
2/ Thúc đẩy sự liên kết và hợp lực của chuỗi các DN trong ngành để đưa nhanh IPv6 vào khai thác thương mại
Chuyển đổi sang IPv6 cần thời gian dài và đầu tư lớn, một DN riêng lẻ không thể triển khai được mà cần có sự liên kết, hợp lực của nhiều thành viên trong chuỗi DN trong ngành, trước hết là các nhà khai thác viễn thông. Chính vì vậy, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các đại gia viễn thông của Trung Quốc như China Mobile, China Telecom, China Unicom, China Netcom v.v.... khi quá độ sang IPv6. Hiện nay các DN viễn thông và công nghệ thông tin của Trung Quốc đã đạt được nhận thức chung khi quá độ sang IPv6 là: quá độ sang IPV6 không phải là việc một sớm một chiều, trong tương lai dự kiến IPv4 và IPv6 sẽ cùng tồn tại lâu dài, đồng thời lấy IPv6 làm chính, IPv4 làm phụ cho đến khi IPv6 hoàn toàn thay thế IPv4.
Các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc cũng cho biết: Hiện nay trên mạng Intrenet của Trung Quốc tồn tại sự chuyển đổi giữa 2 cấp địa chỉ IP. Chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 có thể kết nối trực tiếp qua lớp ứng dụng. Cần thúc đẩy các nhà cung cấp ứng dụng và các nhà khai thác tiến hành thương thảo, tích cực giải quyết các trở ngại khi chuyển đổi.
3/ Tăng cường công tác thông tin truyền thông về quá độ sang IPv6 cho cộng đồng các DN và các thuê bao, đồng thời sớm xây dựng và ban hành các gói cước hấp dẫn để khuyến khích các thuê bao chuyển sang sử dụng IPv6.
Hy vọng những kinh nghiệm thực tiễn của quá trình xây dựng mạng Internet thế hệ mới của Trung Quốc với những kết quả khả quan sẽ giúp ích cho chúng ta trong bước đường quá độ sang IPv6 sắp tới.
Nguyễn Ngô Hồng
Tài liệu tham khảo
[1]. Liêu Kiếm Phong, Ba trở ngại lớn khi quá độ sang IPv6, cần các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất đồng tâm hiệp lực, Báo Thông tin và Truyền thông, WWW.cnii.com.cn ngày 17/4/2013.
[2]. www.apnic.net/ipv6content/chinesse.
[3]. www.en.Wikipedia.org/IPV6 deployment.
[4]. www.gov.cn 11/6/2012.
[5]. www.cnii.com.cn ngày 18/4/2013 Lưu Đông.
Khám phá miễn phí Office 365 Education
Submitted by nlphuong on Fri, 28/06/2013 - 16:10(ICTPress) - Là phiên bản đám mây, Office 365 for education giúp xóa đi khoảng cách công nghệ giàu nghèo giữa các địa phương, đồng thời tạo sân chơi cho sinh viên mọi nơi, mọi lúc.
“Giáo dục là một nền tảng cơ bản tạo nên tính cạnh tranh của một quốc gia. Office 365 for education thể hiện tầm nhìn và những giải pháp công nghệ được Microsoft xây dựng dành riêng cho lĩnh vực giáo dục, nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào lĩnh vực giáo dục. Giải pháp này đồng thời hỗ trợ giáo viên và học sinh tiếp cận và khai thác hiệu quả những nguồn lực CNTT mới nhất nhằm phát huy tối đa khả năng của minh”, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ tại buổi Trải nghiệm khám phá Office 365 for education do Microsoft tổ chức sáng ngày 28/6 tại Hà Nội.
Ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám Đốc Microsoft Việt Nam, giới thiệu về tầm nhìn của Microsoft trong lĩnh vực giáo dục |
Theo nhận định của ông Vũ Minh Trí, Việt Nam cũng như nhiều đang phát triển khác trên thế giới, các sản phẩm, dịch vụ CNTT ứng dụng trong giáo dục vẫn còn đang bỏ ngỏ. Mức độ ứng dụng CNTT vào giáo dục chưa cao. Đây là thị trường đầy tiềm năng cho những đơn vị phát triển ứng dụng CNTT cho giáo dục.
Đón đầu xu hướng phát triển thị trường trong lĩnh vực này tại Việt Nam, Microsoft đã giới thiệu Office 365 Education, phiên bản thử nghiệm, đưa dịch vụ năng suất đám mây miễn phí tới giáo viên, sinh viên và nhân viên tại các trường đại học. Khi sử dụng giải pháp này, người dùng có thể sử dụng dụng lượng lưu trữ miễn phí lên tới 25Gb trên môi trường điện toán đám mây.
Office 365 for education được thiết kế dành riêng cho trường học, trong đó tập hợp đầy đủ những giải pháp cộng tác mới nhất, tạo nên môi trường tương tác hoàn chỉnh cho các hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, Office 365 for education còn cung cấp các tính năng nhắn tin, điện thoại IP một cách dễ dàng theo tổ, nhóm… Trên thế giới, một loạt các trường đại học hàng đầu đã triển khai giải pháp này. Đặc biệt, với Office 365 for education, các trường vừa tiết kiệm tối đa ngân sách, vừa tận dụng được những công nghệ mới nhất của môi trường điện toán đám mây, giúp hiện đại hóa giáo dục, góp phần tăng cường tính sáng tạo trong hoạt động dạy và học.
Ông Gerard Chua, Chuyên gia Giải pháp công nghệ dành cho giáo dục của Microsoft khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: Phiên bản Office 365 for education được dùng chung một nền tảng dành cho mọi lĩnh vực như: Chính phủ, Doanh nghiệp… Các dịch vụ được cung cấp trên nền tảng này chạy trên cơ sở hạ tầng có máy chủ của Micrrosoft, nằm phía sau tường lửa của Microsoft nên mọi thông tin cũng nhưng ứng dụng đều được bảo vệ ở mức cao nhất trước các kiểu tấn công mạng. Người dùng có thể sử dụng bất cứ trình duyệt nào cũng đều truy cập được các dịch vụ của Office 365 for education.
Ông Gerard Chua, Chuyên gia Giải pháp công nghệ dành cho giáo dục của Microsoft khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giới thiệu các tính năng của Office 365 for education |
Office 365 for education kết hợp những tính năng quen thuộc của bộ Office truyền thống dành cho máy tính với các dịch vụ đám mây về truyền thông và cộng tác thế hệ kế tiếp của Microsoft.
Quản trị và sử dụng Office 365 khá đơn giản, ngoài ra Office còn có khả năng bảo mật mạnh mẽ kèm độ tin cậy đảm bảo, điều mà người dùng mong đợi từ một nhà cung cấp dịch vụ đẳng cấp thế giới. Giáo viên, nhân viên và sinh viên các trường, khi sử dụng Office 365 for education sẽ nhận được đầy đủ những công cụ với tính năng mới nhất:
Microsoft® Office Professional Plus: Công cụ năng suất nổi bật, liên tục kết nối và cung cấp dịch vụ đám mây với những trải nghiệm năng suất tốt nhất trên máy tính, điện thoại và trình duyệt.
Exchange Online: Email, lịch làm việc và các liên hệ trên nền tảng đám mây, luôn được cập nhật các phiên bản chống virus và spam mới nhất.
SharePoint Online: Dịch vụ đám mây để thiết kế các trang kết nối với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng. Tính năng này giúp các sinh viên, giảng viên có thể dễ dạng tạo một website riêng để chia sẻ các tài liệu trực tuyến. Các nhóm nghiên cứu tự tạo cho mình một mạng xã hội thu nhỏ để cùng nhau trao đổi về dự án nghiên cứu.
Lync Online: Dịch vụ tin nhắn, hiển thị trạng thái và trải nghiệm các cuộc họp trên nền tảng đám mây, dành cho máy tính với đầy đủ chức năng thoại, video và chia sẻ màn hình.
Ông Gerard Chua khẳng đinh, Office 365 Education mang lại sức mạnh đám mây, nhờ đó các trường có thể mở rộng được ảnh hưởng của giáo dục thông qua công nghệ:
Gia tăng năng lực cho Giáo viên: Giúp giáo viên nắm được năng lực tiếp thu của từng sinh viên, áp dụng công nghệ vào bài giảng để truyền được cảm hứng, kiến thức phù hợp và sự tương tác tới họ.
Cải thiện hiệu quả vận hành: Giúp các trường học có được sự an tâm nhờ cung cấp được dịch vụ an ninh toàn diện với độ tin cậy, tính loạt hoạt, sự riêng tư và khả năng bảo mật ở cấp cao nhất.
Giá trị của việc đổi mới khi áp dụng CNTT trong giáo dục nằm ở chỗ có thể giúp sinh viên tiếp thu kiến thức và kỹ năng để giúp họ thành công khi trưởng thành. Office 365 Education đáp ứng được nhu cầu của cả giảng viên và sinh viên, giúp giảng viên và sinh viên mọi nơi, mọi lúc đều có thể đào tạo và học tập, thu hẹp được khoảng cách công nghệ giữa các khu vực giàu nghèo. Đồng thời, giải pháp này tạo ra sân chơi cho sinh viên, không phân biệt giới hạn địa lý.
Người sử dụng Việt Nam có thể truy cập: http://office.microsoft.com/vi-vn/.
Minh Thiện
IC3 - chứng chỉ sử dụng máy tính và Internet vượt trội cho ứng viên tìm việc
Submitted by nlphuong on Fri, 28/06/2013 - 07:25(ICTPress) - Các ứng viên “sở hữu” IC3 thường làm việc với năng suất cao hơn 80% so với những người chưa có chứng chỉ.
IC3 - Xác định vị trí của Bạn trong thế giới công nghệ số
Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 - thế kỷ của nền kinh tế tri thức ở đó sự phát triển chủ yếu dựa trên những kỹ năng.
Bạn sẽ không đạt được những công việc mình mong ước nếu thiếu đi những kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc cạnh tranh. Một trong những kỹ năng thiết yếu các ứng viên cần có đó chính là kỹ năng về CNTT - chìa khóa mở cánh cửa thành công trong thời đại mới. Bạn sẽ không tạo được sự khác biệt trong công việc nếu bạn thiếu đi những kỹ năng cần thiết để tương tác và thích nghi với môi trường làm việc năng động.
Theo các nghiên cứu của Certiport - tập đoàn Tin học hàng đầu của Mỹ: “Chứng chỉ IC3 là một trong những chứng chỉ tối ưu trong thời đại công nghệ số hiện nay phản ánh được đầy đủ kỹ năng nền tảng cần thiết giúp bạn thành công trong hầu hết các lĩnh vực học vấn và nghề nghiệp hay những lĩnh vực đòi hỏi việc sử dụng máy tính và các ứng dụng Internet”.
IC3- Tạo sự khác biệt với nhà tuyển dụng
Sau một bằng tốt nghiệp loại ưu, đâu sẽ là tấm vé thông hành cho ứng viên - đặc biệt là những sinh viên mới ra trường để vượt qua vòng sơ loại hồ sơ của các nhà tuyển dụng?
Ngày nay, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng, việc tìm được một công việc như ý trở nên khó khăn đặc biệt là với các bạn sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm.
Khi một doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng, họ có thể nhận được hàng trăm hồ sơ từ các ứng viên đang tìm việc trên thị trường. Việc sàng lọc hồ sơ mất khá nhiều thời gian và nhân lực đối với các bộ phận tuyển dụng. Bởi vậy, các đơn vị tuyển dụng ngày nay đã tạo nên những “barrier” chung nhất để sàng lọc hồ sơ và nếu các ứng viên không đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì CV của bạn sẽ không vượt qua được vòng sơ loại. Chính vì vậy, với vai trò ứng viên tìm việc, bạn cần biết và thể hiện được những giá trị mà nhà tuyển dụng mong muốn từ mình, nếu không cơ hội việc làm của bạn sẽ vuột khỏi tầm tay.
IC3 -Tiêu chuẩn để các nhà tuyển dụng và DN lớn lựa chọn ứng viên
Bài thi tin học IC3(The Internet and Computing Core Certification) là bài thi đề cập đến những kiến thức cơ bản, cần thiết nhất về công nghệ số, là chứng nhận quốc tế được công nhận trên toàn thế giới về sử dụng máy tính và Internet, là thước đo chuẩn quốc tế về mức độ sử dụng thành thạo máy tính do Tổ chức Tin học thế giới Certiport cấp.
Trong quá trình tuyển dụng, chứng chỉ IC3 là minh chứng đáng tin cậy của người nhân viên trong tương lai về kỹ năng máy tính của họ.
Theo nghiên cứu của Certiport, các ứng viên “sở hữu” IC3 thường làm việc với năng suất cao hơn 80% so với những người chưa có chứng chỉ. Rõ ràng đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh lớn của ứng viên vì họ giúp giảm chi phí hỗ trợ công nghệ thông tin trong DN.
“IC3 là chứng chỉ cơ bản đầu tiên trong hệ thống các chứng chỉ về công nghệ. Đây là công cụ nền tảng đánh giá năng lực trong các ngành công nghệ tiên tiến phục vụ cho công việc và cuộc sống.”, Ông Hayley Smith - CEO của tập đoàn S&G Training LTD, Hoa Kỳ cho biết.
Được áp dụng tại các Tập đoàn, Công ty đa quốc gia và DN lớn trên 60 quốc gia trong đó có Việt Nam, IC3 hiện được coi là một trong những công cụ tối ưu và đơn giản nhất để thiết lập điểm chuẩn về kỹ năng máy tính cho nhân viên cũ cũng như nhân viên mới, từ đó đảm bảo được kỹ năng đồng nhất cho tất cả mọi trình độ trong toàn công ty.
Sinh viên Trường Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên đang thực hiện bài thi IC3 tại trường |
Tại Việt Nam, bài thi IC3 hiện đang trở thành xu hướng của nhiều DN và tổ chức trong việc sử dụng để làm chuẩn đầu vào của quá trình tuyển dụng.
Nội dung và cấu trúc bài thi IC3
IC3 được xây dựng bao gồm 3 bài thi thành phần:
Máy tính căn bản (Computing Fundamentals): Hiểu biết cơ bản về phần cứng, phần mềm, hệ điều hành và cách xử lý những sự cố thường gặp.
Các ứng dụng chủ chốt (Key Applications): Word, Excel, PowerPoint
Cuộc sống trực tuyến (Living Online): Các nguyên tắc mạng, cách sử dụng và tìm kiếm thông tin trên mạng, các phần mềm duyệt web, thư điện tử.
Cấu trúc bài thi |
IIG Việt Nam, đại diện chính thức và duy nhất của Certiport tại Việt Nam, hiện là đơn vị độc quyền tổ chức thi bài thi IC3 tại Việt Nam.
X.T
SoftCOMBIZ giúp nhà khai thác viễn thông tăng giá trị thương mại
Submitted by nlphuong on Thu, 27/06/2013 - 07:25(ICTPress) - Huawei vừa công bố Chương trình Khởi sự Sáng kiến Kinh doanh (BIZ) SoftCOM tại sự kiện SDN World 2013.
Chương trình xem xét kiến trúc mạng ICT để khảo sát các kịch bản ứng dụng tiềm năng cho SoftCOM trong các mạng nhà khai thác nhằm giúp các nhà khai thác viễn thông có thể hiện thực hóa giá trị thương mại.
Trong tháng 2/2013, Huawei đã giới thiệu chiến lược SoftCOM cho mạng tương lại tại London và trình bày khái niệm lõi và giá trị kinh doanh toàn diện của SoftCOM tại sự kiện Mobile World Congress (MWC) 2013.
Dựa trên những nguyên tắc của điện toán đám mây, mạng điều khiển bằng phần mềm (SDN - Software-defined network), ảo hóa chức năng mạng (NFV), và mở mạng, SoftCOM tạo ra những cơ hội mới để tăng doanh thu và giảm chi phí trong ngành công nghiệp ICT nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh doanh và bền vững trong một thị trường mà sức cạnh tranh và độ phức tạp ngày càng gia tăng.
SoftCOM dựa trên 4 trụ cột nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng hệ thống mạng nhà khai thác trong kỷ nguyên ICT. Những trụ cột này là: hình thành đám mây kiểm soát mạng; hình thành đám mây chức năng mạng; hình thành đám mây hạ tầng CNTT và hoạt động Internet hóa.
Huawei cho rằng tương lai của phát triển công nghệ trong ngành công nghiệp ICT sẽ được định hướng bởi các nhu cầu kinh doanh. Dựa trên khung khổ SoftCOM và triết lý “nghĩ lớn, khởi đầu nhỏ”, SoftCOM nhằm hiện thực hóa cho các nhà khai thác viễn thông với cách tiếp cận từng bước một cách nghiên cứu và phân tích mỗi thành phần của hệ thống mạng để triển khai các giải pháp tiết kiệm chi phí có thể được ứng dụng một cách hiệu quả trong các hệ thống mạng hiện thời của các nhà khai thác.
Chương trình SoftCOM BIZ được khởi động với 7 giải pháp và kịch bản ứng dụng, gồm:
- Mạng trục di động dựa trên SDN: Thực hiện cấu hình tự động và nâng cấp cổng trạm di động (CSG - cell site gateway) bằng việc tích hợp bảng điều khiển với cổng trạm tập trung (ASG - aggregation site gateway), điều này sẽ cải thiện mạnh mẽ hiệu quả của mạng trục di động trong việc triển khai và quản lý mạng cũng như giám sát dịch vụ mới.
-
Điều hướng luồng dữ liệu dựa trên SDN cho Gi-LAN: Danh mục các dịch vụ dữ liệu khác nhau được truyền tải trên các đường khác nhau, điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí mở rộng của các bộ phận điều khiển Gi-LAN tới 60%.
- Liên kết nối trung tâm dữ liệu dựa trên SDN: Nâng cao đáng kể khả năng tận dụng tổng thể băng thông mạng và các nguồn lực trung tâm dữ liệu dựa trên quan điểm tổng thể về mạng và điều hướng luồng dữ liệu thông minh.
-
IMS/EPC đám mây: Hệ điều hành (ví dụ như Huawei FusionSphere Cloud OS) sắp xếp một cách năng động và xác định các nguồn lực cho mỗi thành phần mạng, nhờ đó sẽ nâng cao đáng kể việc tận dụng nguồn lực cũng như quy mô và sự linh hoạt của hệ thống mạng.
- STB ảo hóa: Ảo hóa hầu hết các chức năng của set top box (STB) ở góc độ mạng bằng cách thiết lập một máy chủ STB ảo, như vậy sẽ giảm độ phức tạp của các STB ở góc độ người dùng, hỗ trợ chức năng cắm-và-chạy và nâng cấp một-bước các STB, và giảm thời gian đưa các dịch vụ mới ra thị trường.
- Bộ Hỗ trợ Kinh doanh (Business Enablement Suite - BES): Cùng với hệ thống hỗ trợ kinh doanh, BES cũng hành động như một hệ thống “hỗ trợ hiệu quả” để giúp các nhà khai thác triển khai hoạt động Internet hóa, cung cấp trải nghiệm theo nhu cầu cho người sử dụng, đồng thời sắp xếp và tự động hóa các quy trình kinh doanh và mở cửa các năng lực cho các nhà khai thác.
-
Truyền thông như dịch vụ (CaaS - Communication as a service): CaaS liên kết nối mọi thứ một cách nhanh chóng và dễ dàng nhằm giúp các nhà khai thác mở rộng một nhanh chóng các thị trường dọc của họ.
Các giải pháp dành cho các kịch bản ứng dụng khác nhau cho phép các nhà khai thác cải thiện một cách vững chắc khả năng tận dụng mạng lưới và hoạt động hiệu quả, tiết giảm chi phí và nắm bắt các cơ hội thương mại mới thông qua sự hội tụ.
Chương trình Huawei SoftCOM BIZ sẽ tiếp tục khai thác các kịch bản ứng dụng mới dựa trên các yêu cầu của khách hàng.
X.T
Cách xem Wimbledon trực tuyến
Submitted by nlphuong on Mon, 24/06/2013 - 20:50(ICTPress) - Một trong những sự kiện tennis lớn bắt đầu vào sáng nay 24/6 từ Câu lạc bộ All England ở London nhưng cuộc sống bận rộn có thể làm bạn không theo kịp mọi diễn biến.
Những người hâm mộ thể thao thường hỏi làm thế nào để xem Wimbledon trực tuyến, và năm nay giải đấu sẽ mang tới một giải pháp mới: YouTube.
Mạng chia sẻ video này sẽ trực tuyến các trận đấu Wimbledon lầu đầu tiên, chi tiết về các trình diễn của các tên tuổi lớn cùng với các cuộc họp báo, phỏng vấn, chuyện sau sân bóng và nhiều thông tin khác.
Bạn có thể xem mọi thông tin trên kênh kênh YouTube Wimbledon . Trong khi không có chương trình hẹn trước cho trận đấu trực tiếp nào sẽ được trình chiếu và khi nào, đăng tải blog của công ty này hứa hẹn sẽ trình chiếu “những khoảnh khắc quan trọng” và một phát ngôn viên của YouTube cho biết truyền sóng trực tiếp trong và ngoài các trận đấu đỉnh cao”. Khoảng 20 phút/giờ truyền trực tuyến - khoảng 4 đến 6 giờ ngày - sẽ là về trận đấu.
Trong khi Wimbledon đã khởi động kênh YouTube chính thức từ năm 2006 nhưng năm nay mới đánh dấu lần đầu tiên giải đấu này sử dụng nền tảng này để truyền trực tiếp các trận đấu. Khả năng này cũng là nhờ việc tiếp thị có thương hiệu khi Rolex là nhà tài trợ cho phát trực tuyến.
Một báo trước nhỏ hơn nữa là: có một số giới hạn địa lý cần xem xét. Trực tuyến sẽ diễn ra ở Mỹ, Canada, Nam Mỹ (nhưng không có Brazil), Vương quốc Anh, Hà Lan, Bỉ, Síp và New Zealand. Những người hâm mộ trên toàn thế giới có thể xem các điểm nhấn trên toàn thế giới, khi không sống ở Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Đức, Áo hay Italia. Mọi thông tin về Wimbledon sẽ được trực tiếp tới mọi người, mọi nơi.
Trong khi năm nay đánh dấu năm đầu tiên cho Wimbledon, chỉ là bước đi mới nhất của YouTube về trực tuyến thể thao. WWE và NBA Development League đã được truyền trực tuyến trên mạng gần đây, trong khi Olympics mùa hè 2012 đã cho thấy một bước tiến lớn nhất của công ty này cho tới nay. Wimbledon chỉ là một bước nhỏ nữa trong định hướng không thể nào khác.
Những người hâm mộ Mỹ có thuê bao cáp có thể xem toàn bộ trực tuyến qua ESPN3.com.
QM
15 tính năng của iOS 7 vẫn chưa được Apple công bố
Submitted by nlphuong on Mon, 24/06/2013 - 06:40(ICTPress) - Apple gần đây đã công bố hệ điều hành di động mới nhất cho iPhone và iPad được gọi là iOS 7.
Hệ điều hành này có một diện mạo và nhiều tính năng hoàn toàn mới, nhưng Apple đã không có thời gian để trình bày tất cả những thay đổi trong buổi trình diễn lớn tuần trước.
Do đó những gì Apple đã chưa nói về iOS 7? Chúng tôi đã sử dụng phiên bản phần mềm beta trong vài ngày qua và đã khám phá một vài tính năng chưa đề cập.
Và đây là những điều chưa được công bố:
Apple đang thử nghiệm cách quay trở lại màn hình ở các ứng dụng theo cách dễ dàng hơn. Đã có những dấu hiệu cho thấy bạn có thể trượt sử dụng thay cho bấm nút “back” (trở lại).
Khi bạn thiết lập việc hẹn giờ ở ứng dụng đồng hồ, đếm ngược sẽ xuất hiện trên màn hình khóa của bạn. Nó cũng hiển thị bạn còn bao nhiêu thời gian nếu bạn có chợp mắt.
Cửa hàng ứng dụng Apple hiện có một danh sách mong muốn, hoàn hảo cho các tình huống khi bạn không muốn mua một ứng dụng ngay tức khắc nhưng bạn muốn ghi nhớ ứng dụng đó.
Tính năng keychain của iCloud đã được đề cập ngắn gọn trong bài phát biểu chính của Apple. Tính năng lưu giữ và mã hóa các mật khẩu của bạn và thông tin thẻ tín dụng. keychain của iCloud sau đó đồng bộ dữ liệu này ở tất cả các thiết bị. Bạn sẽ không phải quên một mật khẩu nào đó lần nữa.
Passbook, lưu các coupon và vé ảo, đã được cải tiến đáng kể. Hiện nay, người sử dụng có thể bổ sung các thẻ vào ứng dụng bằng cách quét một mã QR.
Khi quay video, nay bạn có thể phóng to, thu nhỏ.
Apple đã bổ sung nhiều tính năng khả thi tiếp cận hơn, điều này dễ dàng hơn cho việc tìm phần mềm. Hiện tại bạn có thể làm cho văn bản đọc dễ dàng hơn.
Hình nền hiện khá linh hoạt, bạn có thể đặt một bức ảnh có tính toàn cảnh làm nền và di chuyển thiết bị để xem toàn bộ bức ảnh.
Các biểu tượng của iOS 7 cũng khá tinh tế. Nếu động quá nhiều, bạn có thể tắt đi ở menu Cài đặt (setting).
Khi quay một số điện thoại, người sử dụng có thể nhìn thấy nền của máy khi họ bấm các số.
Các tin nhắn văn bản hiện tại sẽ gắn với các số điện thoại và các sự kiện trong lịch. Ví dụ, nếu bạn nhắn tin cho ai đó “hãy gặp tôi tại một quầy bar ngày mai”, việc sắp xếp lịch hẹn sẽ được gạch dưới và kết nối do đó bạn có thể bổ sung vào lịch của bạn.
iOS 7 sử dụng một phương thức đa nhiệm mới, cho phép các ứng dụng chạy trên nền. Bạn có thể kiếm soát các ứng dụng bạn muốn chạy trên nền ở menu Cài đặt (setting).
Có những đồn đại Apple sẽ cho phép người sử dụng giấu các ứng dụng bên trong trong trường hợp bạn không muốn các ứng dụng đó hiện lên trên màn hình chính.
Cũng có những đồn đại là người sử dụng có thể tạo một thư mục (folder) trong một thư mục.
Một số khả năng trượt mới có khả năng gắn chặt với một danh mục và hỗ trợ trượt góc.
QM
Việt Nam nên hướng đến chiến lược “u-Việt Nam” (*)
Submitted by nlphuong on Sat, 22/06/2013 - 23:20(ICTPress) - Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2013 với chủ đề "CNTT là nền tảng của phương thức phát triển mới nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia" do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức ngày 20/6, Nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng châu Á Yukio Hatoyama là khách mời quốc tế đặc biệt của Diễn đàn đã có một bài phát trọng.
Nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng châu Á Yukio Hatoyama |
ICTPress trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này đến đông đảo bạn đọc.
1. Dẫn đề
Rất cảm ơn quý vị đã mời tôi tham dự lễ khai mạc Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội hôm nay. Tôi đã rất vui mừng khi Ngài Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nghiêm Vũ Khải cho tôi biết về sự kiện này.
Mỗi lần đến thăm Việt Nam tôi đều ấn tượng sâu sắc với sức sống của thế hệ trẻ của đất nước các bạn. Nó làm tôi nhớ về giai đoạn tái kiến thiết sau chiến tranh ở Nhật Bản khi mọi người tràn đầy hy vọng về tương lai và tràn ngập năng lượng. Vì Nhật Bản là đất nước nghèo tài nguyên, nên tài nguyên quan trọng nhất của chúng tôi chính là con người. Việt Nam có thể được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên, ví dụ như nguyên liệu đất hiếm, nhưng bồi dưỡng nhân lực chắc chắn vẫn là yếu tố quan trọng nhất cho tương lai phát triển của Việt Nam.
Vào cuối năm ngoái, tôi đã kết thúc sự nghiệp của một chinh trị gia và mùa xuân năm nay tôi đã thành lập Viện Cộng đồng Đông Á. Tôi rất hài lòng nếu như Viện có thể mang lại lợi ích bằng cách này hay cách khác cho nhân dân Việt Nam.
2. Sự tiến hóa của Chính sách KH&CN ở Nhật Bản
Sau khi tuyên thệ không bao giờ phát động chiến tranh, Nhật Bản đổ nguồn lực vào phát triển kinh tế chứ không phải vào sức mạnh quân sự, kể cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Không nói quá là chính công nghệ chuyên sâu đã là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, nhanh chóng biến Nhật Bản thành một trong các nước dẫn đầu công nghệ thế giới.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bong bóng kinh tế Nhật Bản đã vỡ. Tình hình kinh tế thay đổi đáng kể và trở nên rất khó khăn. Từ khi kết thúc bong bóng cho đến nay kinh tế Nhật Bản đã trì trệ. Tuy nhiên, cho dù ngân sách chính phủ không tăng, chính phủ Nhật Bản tin tưởng vào sự cần thiết của việc liên tục tăng ngân sách cho KH&CN, nền tảng của sức mạnh quốc gia và vì mục đích này Luật Cơ bản về KH&CN đã có hiệu lực từ năm 1995. Kế hoạch này được viết lại 5 năm một lần và hiện đang thực hiện kế hoạch lần thứ tư, kế thừa kế hoạch lần thứ 3, đặt trọng tâm vào sáng tạo đổi mới.
Theo Luật Cơ bản về KH&CN, chính phủ được yêu cầu có các biện pháp cần thiết để đảm bảo nguồn tài chính phù hợp để triển khai Kế hoạch Cơ bản về KH&CN. Nhờ yêu cầu này, thậm chí trong điều kiện kinh tế khó khăn sau đổ vỡ bong bóng kinh tế, Nhật Bản vẫn có thể đều đặn tăng ngân sách KH&CN. Trong Kế hoạch cơ bản lần thứ ba có hiệu lực 7 năm trước, 4 lĩnh vực tối thiết được xác định, đó là khoa học về cuộc sống, công nghệ môi trường, công nghệ và vật liệu nano. Hơn nữa, đã quyết định đặt trọng tâm vào thúc đẩy CNTT&TT.
3. Chiến lược CNTT&TT cùng ảnh hưởng của nó đến Kinh tế và Xã hội Nhật Bản
Ở Nhật Bản, CNTT chứ không phải CNTT&TT có lẽ là thuật ngữ quen thuộc hơn. Khi Internet bắt đầu lan rộng, tỷ lệ băng thông rộng là thấp và phí rất cao. Do vậy, để biến Nhật Bản thành quốc gia CNTT hàng đầu, chính phủ đã hình thành chiến lược “Nhật Bản điện tử” (e-Japan), giảm phí truy nhập Internet còn 1/3 so với trước trong vòng 4 năm trong khi tăng số thuê bao Internet tốc độ cao lên 20 lần. Nói cách khác hạ tầng CNTT ở Nhật Bản được triển khai rất nhanh chóng.
Trong năm 2006, khi các mục tiêu của chiến lược “Nhật Bản điện tử” về cơ bản đã được thực hiện, chính phủ đề xuất chiến lược “u-Nhật Bản” (u-Japan), với mục tiêu là chuyển từ hạ tầng chủ yếu dựa trên dịch vụ hữu tuyến sáng tạo ra mạng phổ cập kết nối liền mạch dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến. Chữ u trong u-Japan không chỉ là phổ cập (ubiquitous) mà còn phổ quát (universal), hướng người dùng và độc đáo (unique). Phổ cập có nghĩa là CNTT&TT kết nối mọi ngõ ngách của cuộc sống hàng ngày, tạo ra xã hội kết nối mạng nơi mà mọi công dân truy nhập mạng mọi lúc, mọi nơi và từ bất cứ thiết bị nào. Hơn nữa, chính sách nhằm tạo ra mạng phổ quát, trong nghĩa thúc đẩy tương tác người với người, hướng người dùng theo nghĩa tính đến viễn cảnh của họ và độc đáo trong nghĩa thúc đẩy sức sống cá nhân. Các chính sách này tạo ra giá trị mới ở Nhật Bản.
Lấy ví dụ cụ thể, CNTT&TT có thể được kỳ vọng giúp chúng ta xây dựng một xã hội trong đó có công dân cảm thấy an toàn và được bảo vệ bằng cách chủ động khai thác công nghệ cho các mục đích như xây dựng hệ thống chăm sóc và phúc lợi xã hội giảm sự lo lắng về tuổi già trong một xã hội già đi với tỷ lệ sinh đẻ giảm, hay bằng cách tạo khả năng theo dõi nguồn gốc giúp giải tỏa lo ngại về an toàn thực phẩm và bằng cách thông qua thiết lập hệ thống an ninh nhà ở giúp giải quyết các lo ngại về an ninh xã hội. Hơn nữa, CNTT&TT cũng có vai trò chủ đạo trong phát triển các công nghệ như thẻ điện tử để thúc đẩy hiệu quả kinh tế, hay thông qua cung cấp các công nghệ và dịch vụ kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng.
4. Nhu cầu hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực CNTT&TT
Tôi muốn suy ngẫm một chút về các cách thức mà Nhật Bản và Việt Nam có thể hợp tác trong lĩnh vực CNTT&TT. Tôi nghĩ rằng vì Việt Nam hiện đang trải nghiệm tăng trưởng kinh tế cao, nên rất đáng để tư vấn Việt Nam nên đồng thời tiến vào cái mà chúng tôi tạm gọi là chiến lược “Việt Nam điện tử” hướng đến một hạ tầng CNTT sẵn sàng và chiến lược “u-Việt Nam” hướng đến xây dựng xã hội mạng phổ cập, phổ quát mọi nơi. Tôi nhận thức được rằng nhu cầu địa phương và trạng thái lý tưởng của xã hội nhưng tôi nghĩ rằng kinh nghiệm Nhật Bản sẽ được chứng minh là rất hữu ích trong việc xây dựng các hệ thống như vậy và trong đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, việc tạo ra mạng đơn giản có thể truy nhập bất cứ lúc nào, từ bất cứ đâu bởi bất cứ ai, trên bất kỳ thiết bị nào, cũng như xây dựng một xã hội có thể thu lợi từ một mạng như vậy, có thể coi là mục đích phổ quát.
Giống như Nhật Bản, xã hội Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đầu tiên, rất có ích khi xác định các vấn đề hiện tại cũng như vấn đề trong tương lai gần ở nhiều nhiều lĩnh vực như phong cách sống, y tế, phúc lợi, giao thông, hậu cần, kinh tế, công nghiệp, việc làm và giáo dục của công dân. Các lĩnh vực liên quan khác bao gồm văn hóa, an ninh công cộng, phòng chống thiên tai, môi trường, vấn đề năng lượng, dịch vụ công và quan hệ quốc tế. Sau đó, có thể thực hiện đánh giá xem liệu sử dụng CNTT&TT có ích thế nào trong giải quyết vấn đề đó, nếu có những lợi ích tiềm năng, các khuôn khổ có thể được tạo ra cho hợp tác giữa khu vực tư nhân và chính phủ để đạt được giải pháp. Nhiều vấn đề như vậy đã được chia sẻ giữa Nhật Bản và Việt Nam, nếu trong một số trường hợp nhất định, khi Nhật Bản đi trước trên con đường đến giải pháp, thì tôi nghĩ rằng Nhật Bản có thể cung cấp các trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam. Còn khi mà Nhật Bản cũng chưa đạt được các tiến bộ thì Nhật Bản và Việt Nam có thể hợp tác để tạo ra các hệ thống cần thiết để giải quyết vấn đề.
5. Một khuyến nghị cho các trường Trung học Nghề
Rõ ràng rằng, đào tạo số lớn kỹ sư CNTT&TT là hết sức quan trọng cho cả tương lai phát triển của Việt Nam cũng như để cho các công dân được tận hưởng phong cách sống tiện nghi thoải mái. Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược. Để tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình, một số nước chỉ tập trung vào bán sản phẩm của họ ở thị trường nước ngoài, nhưng là đối tác chiến lược, Nhật Bản cần tạo ra mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với Việt Nam. Tuyên bố chung Nhật - Việt hai năm trước kêu gọi hỗ trợ phát triển nhân lực trong lĩnh vực KH&CN. Trong lĩnh vực CNTT&TT, điều quan trọng đối với Việt Nam là đầu tư nguồn lực vào phát triển nguồn nhân lực, sao cho trong tương lai gần nhân dân Việt Nam có thể hiện thực hóa, bằng chính sức mình, một xã hội phổ cập (ubiquitous network society).
Do vậy, tôi muốn khuyến nghị Việt Nam xem xét hệ thống trường trung học nghề Nhật Bản. Tại Nhật Bản, hệ thống giáo dục nói chung bao gồm 6 năm tiểu học rồi 3 năm trung học cơ sở, lại 3 năm trung học tiếp theo và 4 năm đại học. Tuy nhiên, giáo dục chuyên môn tập trung vào kỹ nghệ và công nghệ cũng có cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, với 5 năm trung học nghề nhằm đào tạo sinh viên có các kỹ năng công nghệ thực hành. Hiện thời, có 57 trường như vậy tại Nhật Bản, hầu hết do chính quyền trung ương quản lý. Trong khi khoảng 94% sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm thì trung học dạy nghề có tỷ lệ việc làm là 100%. Đó là vì các doanh nghiệp muốn thuê Việt Nam cũng thiết lập thể chế giáo dục cho đào tạo sinh viên với kiến thức học thuật chuyên môn và kỹ năng công nghệ về CNTT&TT, và không chỉ giới hạn trong lĩnh vực này. Để giúp cho một hệ thống như vậy bắt rễ tại Việt Nam, có lẽ Nhật Bản cần gửi giảng viên và cựu giảng viên từ các trường trung học nghề sang Việt Nam trong một thời gian cần thiết nhất định. Nếu Việt Nam cũng tuyển sinh viên trung học nghề từ cả ASEAN, thì một hệ thống như vậy cũng đóng góp vào phát triển nhân lực trong toàn khu vực ASEAN.
Tôi nghe nói rằng vào năm 2015, các nước ASEAN sẽ hình thành cộng đồng ASEAN. Tôi nghĩ rằng đây là một sự phát triển tuyệt vời. CNTT&TT không còn nghi ngờ gì nữa sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong thúc đẩy hoạt động xuyên biên giới mà còn tăng cường hơn nữa cộng đồng này. Đó là lý do tại sao Diễn đàn cấp cao hôm nay là đặc biệt quan trọng.
Tôi hy vọng có một ngày, tất cả khu vực Đông Á cuối cùng sẽ được liên kết trong một cộng đồng duy nhất. Để điều đó xảy ra, quan trọng hàng đầu là phát triển mối quan hệ mạnh mẽ giữa ASEAN và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tôi muốn kết luận bằng cách bày tỏ hy vọng là Diễn đàn hôm nay có thể đóng vai trò nhất định trong việc giúp chúng ta đạt được mục tiêu của Cộng đồng Đông Á duy nhất./.
(*) Tít bài do ICTPress đặt
Công nghệ vạch vôi thực tế hoạt động như thế nào tại World Cup 2014
Submitted by nlphuong on Fri, 21/06/2013 - 07:05(ICTPress) - FIFA, tổ chức bóng đá thế giới, đang sử dụng công nghệ vạch vôi (goal-line) lần đầu tiên ở một giải bóng đá quốc tế đó là Cúp Confederations đang diễn ra tới cuối tháng này ở Brazil.
Bước tiến này cho phép các quan chức xem xét được chính xác các bàn thắng tranh cãi, làm nhiều cổ động viên thỏa mãn sau khi truyền thông và có nhiều chỉ trích kêu gọi triển khai công nghệ này ở cấp quốc tế. Công nghệ vạch vôi sẽ được sử dụng vào Kỳ Cúp bóng đá thế giới (World Cup) sắp tới cũng được tổ chức tại Brazil.
Nhưng điều này không có nghĩa là mọi tín đồ bóng đá hiểu công nghệ vạch vôi thực tế hoạt động như thế nào.
Dưới đây là một mô tả ngắn gọn các chức năng của hệ thống thông minh này:
Một công ty của Đức là Goal Control đã cài đặt 14 máy quay quanh các méo từng sân vận động tổ chức trận đấu bóng đá. 7 máy quay tập trung vào mỗi cầu gôn, và các cáp kết nối từng máy ảnh đến một máy chủ mainframe trung tâm. 7 máy quay này đều theo dõi quả sút gôn, gửi dữ liệu chính xác trở lại máy tính, sau đó lập lưới tam giá vị trí của quả bóng liên quan tới đường vạch vôi. Nếu một quả bóng vượt qua vạch vôi, một tín hiệu hình ảnh và dao động sau đó sẽ được chuyển đi trong tích tắc đến các đồng hồ được các trọng tài đang đeo trên sân bóng.
Phần lớn các bàn thắng, tất nhiên, sẽ không cần phải phân tích chính xác như vậy, nhưng công nghệ mới này chắc chắn sẽ chấm dứt các tính huống tranh cãi xung quanh một bản thắng không được chấp nhận của Frank Lampard của đội tuyển Anh đá với đội tuyển Đức tại World Cup 2010. Phân tích kỹ hơn cho thấy bàn thắng này đã dẫn tới việc đội tuyển Anh đã bị thua.
Dưới đây là clip bàn thắng đầy tranh cãi đó:
QM
Tiếng Anh và Tin học dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng
Submitted by nlphuong on Wed, 19/06/2013 - 07:20(ICTPress) - Bạn là sinh viên? Bạn mơ ước sở hữu công việc tốt với mức lương cao?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012, tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm lên tới 70%, thậm chí có tới 80% sinh viên bị nhà tuyển dụng đánh giá kém về các kỹ năng cần thiết. Đặc biệt, trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế hiện nay, khi mà nhân viên tại các công ty đang bị cắt giảm tối đa, và số lượng tuyển dụng ngày càng ít thì sinh viên cần phải nắm bắt được những hành trang để có thể chinh phục nhà tuyển dụng và vượt qua thách thức từ thị trường lao động.
Trang bị kỹ năng cần thiết cho hành trang tương lai
Không thể phủ nhận một điều kiến thức chuyên môn là một trong những tiêu chí đánh giá ứng viên của các nhà tuyển dụng. Cùng với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa ở Việt Nam, tiếng Anh và Tin học đã và đang trở thành những yêu cầu bắt buộc đối với các ứng viên trong quá trình dự tuyển. Xu hướng đó khiến cho sinh viên tự nâng cao ý thức về việc nâng cao trình độ và kỹ năng Anh ngữ, tin học của mình.
Thành thạo tiếng Anh trở thành một lợi thế rất lớn cho việc xin việc làm cũng như nắm bắt được nhiều cơ hội khởi nghiệp tại những công ty hàng đầu Việt Nam hay các tập đoàn đa quốc gia danh tiếng. Kỹ năng sử dụng vi tính tốt chính là công cụ hữu hiệu nhất giúp nhân viên và ứng viên chứng tỏ được hiệu suất và năng lực thực hiện công việc của mình.
TOEIC & MOS – chìa khóa mở cánh cửa thành công
Đặc biệt trong những năm gần đây, khi xu hướng tuyển dụng có những thay đổi rõ rệt, thay vì những yêu cầu” giao tiếp tốt tiếng Anh” hoặc “thành thạo tin học văn phòng”, chúng ta bắt đầu làm quen với các yêu cầu như “TOEIC 650 điểm” hoặc “ưu tiên những ứng viên có chứng chỉ tin học MOS”. Bởi vậy, việc sở hữu chứng chỉ quốc tế TOEIC & MOS sẽ giúp các bạn sinh viên tự tin hơn khi tham gia vào môi trường lao động sau khi tốt nghiệp và tăng cơ hội việc làm của bản thân.
EDO (English Discoveries Online) - công cụ bổ trợ thích hợp với sinh viên
Với sự phát triển Internet và media hiện nay, xu hướng sinh viên sử dụng các chương trình học Tiếng Anh trực tuyến ngày càng tăng và lựa chọn được các đơn vị đào tạo “khuyên dùng” chính là chương trình học Tiếng Anh trực tuyến English Discoveries Online (EDO) do Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) phát triển. EDO là một chương trình có tính tương tác cao dựa trên công nghệ kỹ thuật tiên tiến, xây dựng lộ trình học tập riêng, phù hợp với khả năng của từng sinh viên nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh.
Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng
“Tiếng Anh & Tin học dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng” - một buổi giao lưu và chia sẻ với các chuyên gia giáo dục và nhà tuyển dụng nhiều kinh nghiệm đầy hấp dẫn do Khoa Ngoại Ngữ Kinh Tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng công ty IIG Việt Nam vừa tổ chức vào thứ 7 (15/6/2013) tại Nhà văn hóa trường Đại học Kinh tế Quốc dân hứa hẹn đã giải đáp những điều sinh viên cần biết để chinh phục nhà tuyển dụng.
Từ góc nhìn thẳng của “head-hunter” đến từ công ty tuyển dụng hàng đầu quốc tế Manpower - ông Vũ Đức Minh, phụ trách Đối ngoại và Dự án tại Việt Nam và đại diện đến từ một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu của Việt Nam – ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VP Bank, bà Cao Thị Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nhân sự Tổng hợp, Khối quản trị nguồn nhân lực, VPBank Hội sở, tham dự hội thảo “Tiếng Anh & Tin học dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng” đã chia sẻ các thông tin như “bí kíp” trả lời phỏng vấn xin việc với nhà tuyển dụng Manpower, nắm bắt thông tin về các chứng chỉ quốc tế phục vụ cho hành trang tương lai.
Đặc biệt, những sinh viên tham dự Hội thảo ngày 15/6 sẽ nhận được phần quà đặc biệt “4 trong 1” đến từ IIG Việt Nam: 5 phần quà hấp dẫn, tặng 5% Lệ phí thi bài thi TOEIC hoặc MOS, Tặng 10% cho gói bài thi TOEIC + MOS, tặng 10% khi mua tài khoản học Tiếng Anh trực tuyến English Discoveries Online.
Bạn có thể đăng ký tại đây.
Minh Anh
Sạc ô tô bằng đường điện chạy trên phố
Submitted by nlphuong on Tue, 18/06/2013 - 12:20(ICTPress) - Những sáng tạo gần đây về sạc di động cho thấy các xe điện sẽ không cần những cục pin sạc nữa.
Trong khi Teslas hiện tiến hành nghiên cứu về sạc lại di động, đặc biệt dành cho các phương tiện xe điện ở các thành phố, một dự án của Thụy Điển đang thử nghiệm một hệ thống mới được thiết kế cấp nguồn EV dọc theo quốc lộ. Phương thức này được Tập đoàn Volvo phát triển và công ty điện Thụy Điển là Alstom với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng Thụy Điện (Swedish Energy Agency), sẽ đưa hai đường điện trực tiếp xuống đường phố. Khi các phương tiện chạy qua, chúng sẽ liên tục được sạc điện.
Tập đoàn Volvo đã xây dựng đường ray có cáp dài ¼ dặm (0,4 km) năm ngoái tại nơi kiểm thử Hällered ở Thụy Điển. Đường ray thử nghiệm này có một ổ tích điện được gắn với các đường dây điện. Khi di chuyển qua các đường này, dòng điện một chiều 750V sẽ chạy qua và hướng tới thiết bị làm nóng nước làm mát, Pau Ridden của Gizmag cho biết.
Để bảo đảm an toàn, một phần đường dây điện có điện khi xe tải chạy qua, Tập đoàn Volvo cho biết trong một mô tả thử nghiệm. Hiện tại, công ty này đang sử dụng một động cơ diesel Volvo FH12 để kiểm thử nhưng trong tương lại sẽ thử nghiệm cả xe ô tô điện.
Một hệ thống đường điện như thế này có nghĩa là các xe điện có thể tiếp tục chạy mà không cần phải bất cứ pin sạc nào. Và Tập đoàn Volvo cũng cho biết phương thức sạc này kinh tế hơn nhiều so với phương thức cáp lộ thiên.
Tuy nhiên, các chuyên gia của Volvo cho biết việc nghiên cứu bộ tích điện, ô tô điện, các hệ thống điều khiển, xây dựng đường, bảo dưỡng đường xá và phương thức thanh toán để thúc đẩy việc sử dụng vẫn sẽ còn mất thêm nhiều thời gian nữa.
Nhưng những con đường công nghệ cao có thể tiến hành khá tốt ở Mỹ, nơi có nhiều đường cao tốt đang hao mòn và các thảm họa thiên nhiên thường xuyên làm hỏng đường điện trên cao. Quay trở lại những chiếc xe cáp là một phần bình thường của cuộc sống của người dân Mỹ. Đây chỉ là chiếc tô tô cáp của tương lai, và chúng ta từng người đều muốn sở hữu.
QM