Khái niệm, đặc điểm của tranh chấp kết nối Viễn thông (Bài 1)

Tranh chấp kết nối Viễn thông là một dạng tranh chấp đã, đang tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam. Nhưng bản chất của loại tranh chấp này như thế nào? Có gì khác biệt so với các dạng tranh chấp khác? Đây là những câu hỏi cần được giải đáp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình lập pháp, giúp các nhà làm luật xây dựng được trình tự, thủ tục pháp lý phù hợp, hướng tới một cơ chế ngày càng hoàn thiện hơn để giải quyết triệt để các vụ tranh chấp kết nối Viễn thông. 

Hiện nay, có nhiều tài liệu đề cập đến kết nối Viễn thông như: Những bài viết của chuyên gia pháp lý tại một số công ty luật nổi tiếng trên thế giới, tài liệu hướng dẫn kết nối và giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Liên minh châu Âu (EU).v.v… Nhưng chưa có tài liệu nào lý giải đầy đủ, khoa học “tranh chấp kết nối Viễn thông” là gì? Tìm hiểu luật Viễn thông của các nước Anh, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Bungari, Ba Lan, Trung Quốc, Philipin, Macao.v.v…cũng chưa thấy quy định về “tranh chấp kết nối Viễn thông”, cho dù những quy định liên quan đến kết nối Viễn thông và cách giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông luôn được đề cập đến trong pháp luật Viễn thông của những nước này. Thay vì giải thích thuật ngữ “tranh chấp kết nối Viễn thông”, nhiều tài liệu dừng lại ở việc giải thích khái niệm “tranh chấp”. Theo đó, hầu hết các luận điểm đều thừa nhận “tranh chấp” là một dạng “xung đột”.

Ảnh minh họa: inc.com

Trong tiếng Anh, người ta dùng từ “dispute” như một thuật ngữ phổ biến để diễn tả “tranh chấp”, thuật ngữ này được giải nghĩa như một dạng của xung đột (conflict). Theo Từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Văn Đạm, NXB Văn hoá Thông tin năm 2001, “tranh chấp” là vận dụng sức (vật chất hay trí tuệ) để lấy hay giữ cho mình cái gì mà người khác cũng muốn có. Một cách tiếp cận khác thì cho rằng1, “tranh chấp” là một dạng xung đột mang tính pháp lý, được giải quyết thông qua con đường thương lượng, trung gian hoà giải hoặc sự giải quyết của bên thứ ba khác, việc giải quyết có thể được tiến hành trực tiếp giữa hai bên hoặc có sự tham gia của bên thứ ba. Có quan điểm lại chỉ khẳng định2,“Tranh chấp”, trên thực tế sẽ không tồn tại nếu không có sự phản đối của một trong các bên.

Vậy, “tranh chấp kết nối Viễn thông” được hiểu như thế nào? Để làm rõ khái niệm này, cần làm sáng tỏ nguyên nhân, điều kiện tồn tại của tranh chấp kết nối Viễn thông cũng như bản chất, đặc điểm của tranh chấp kết nối Viễn thông.

1. Nguyên nhân, điều kiện tồn tại của tranh chấp kết nối Viễn thông

Như chúng ta đều biết, Viễn thông là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù và nhạy cảm. Điều này thể hiện ở hai điểm cơ bản:

Thứ nhất, thông tin liên lạc Viễn thông luôn gắn liền với yêu cầu đảm bảo An ninh quốc gia. Trong tình trạng khẩn cấp, pháp luật các nước cho phép huy động một phần hoặc toàn bộ mạng Viễn thông để sử dụng vào mục đích bảo vệ an ninh quốc gia. Ngoài ra, việc theo dõi thông tin trên mạng Viễn thông, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và phòng chống tội phạm, là nhiệm vụ mang tính thường xuyên của cơ quan chức năng nhiều nước trên thế giới. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Viễn thông trong việc bảo đảm An ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Không chỉ ảnh hưởng tới An ninh quốc gia, sự trục trặc trong thông tin liên lạc còn gây tác động dây truyền tới toàn bộ phần còn lại của nền kinh tế đất nước. Thiệt hại sẽ khó có thể lường hết, nếu một ngày nào đó, hệ thống cáp liên lạc quốc tế của một quốc gia đột nhiên bị cắt đứt. Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, pháp luật hình sự nhiều nước coi hành vi cắt trộm, phá hoại cáp Viễn thông là tội phạm hình sự cần phải xử lý nghiêm.

Thứ hai, chi phí đầu tư vào mạng lưới Viễn thông là rất lớn. Trong tổng đầu tư hạ tầng xã hội, đầu tư vào Viễn thông, đặc biệt là phát triển hạ tầng mạng lưới Viễn thông thường chiếm tỷ trọng đáng kể, không phải tập đoàn kinh tế nào cũng luôn sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu đó. Ngay cả khi Nhà nước trực tiếp là nhà đầu tư, để có được một mạng lưới Viễn thông theo kịp với nhu cầu phát triển cũng cần phải thực hiện theo lộ trình, nhất là với những quốc gia đang phát triển. Chủ thể nắm giữ hạ tầng Viễn thông đồng nghĩa với việc nắm giữ hàng loạt thông tin nhạy cảm, liên quan mật thiết đến bí mật của cộng đồng trong xã hội, bao gồm: bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh đến bí mật đời tư của từng cá nhân.v.v…, do vậy, các nước trên thế giới luôn xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như quyền lợi chính đáng của cộng đồng xã hội.

Với tính đặc thù nêu trên, lịch sử ngành Viễn thông trên thế giới cho thấy, ở mỗi quốc gia, vào thời kỳ đầu của sự phát triển ngành Viễn thông, thường có một chủ thể nắm giữ vị trí độc quyền và thuộc sở hữu Nhà nước.

Xu hướng mở cửa thị trường, tạo sự cạnh tranh, không chỉ giữa các thành phần, chủ thể kinh tế trong nước, mà có sự tham gia của cả các chủ thể nước ngoài đang là xu hướng phổ biến đối với các nền kinh tế, là đòi hỏi mang tính bắt buộc với các nước tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - sân chơi thương mại lớn nhất trên toàn thế giới. Cùng với xu thế cạnh tranh mang tính tất yếu nêu trên, thị trường Viễn thông xuất hiện những DN Viễn thông mới bên cạnh những DN vốn vẫn giữ thế độc quyền trước đây. Lợi thế về vốn, kinh nghiệm quản lý - kinh doanh, thị phần và đặc biệt là hạ tầng mạng vật lý Viễn thông đã giúp cho các DN giữ thế độc quyền trước đây chuyển sang một vị thế mới mà luật pháp các nước thường định danh là: “DN Viễn thông chiếm thị phần khống chế” hay “DN có vị trí thống lĩnh thị trường” .v.v…

Với mục tiêu hướng tới thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực Viễn thông, một mặt bảo đảm lợi ích người tiêu dùng, chống sự lũng đoạn, chi phối thị trường, nâng cao năng lực kinh doanh của các DN Viễn thông, giảm thiểu chi phí chung của toàn xã hội cũng như phát huy tối đa hiệu quả sử dụng mạng lưới Viễn thông công cộng, pháp luật các nước buộc các Nhà cung cấp dịch vụ (NCCDV) độc quyền trước đây phải chia sẻ hạ tầng mạng lưới của mình cho các chủ thể mới tham gia thị trường bằng cách, cho phép họ kết nối mạng lưới, dịch vụ vào hạ tầng sẵn có của mình. Để xác nhận và tiến hành việc kết nối, các bên cùng nhau ký một thoả thuận, gọi là “Thoả thuận kết nối”. Xét dưới góc độ quản lý nhà nước, điều này là cần thiết, hợp quy luật, mang lại lợi ích lâu dài, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, các NCCDV chiếm thị phần khống chế lại không nghĩ như vậy. Việc kết nối Viễn thông dẫn đến sự chia sẻ về lợi ích. Biểu hiện cụ thể là sự chia sẻ về sử dụng mạng lưới Viễn thông, dùng chung cơ sở hạ tầng, chia sẻ khách hàng, chi phí, giá cước, trình độ quản lý, nhân lực kỹ thuật.v.v… cũng đồng nghĩa với chia sẻ thị trường. “Miếng bánh Viễn thông” nay buộc phải phân chia làm nhiều phần, trong khi năng lực hạ tầng mạng không thể ngay lập tức “nhân đôi, nhân ba”, điều đó cũng có nghĩa là chất lượng dịch vụ phần nào bị giảm sút. Để bảo vệ vị thế của mình, một tình trạng phổ biến xảy ra trên thị trường giai đoạn này là các NCCDV cũ thường có những động thái nhằm ngăn cản, hạn chế bớt sự cạnh tranh của các DN mới. Vì vậy, tranh chấp luôn có nguy cơ và điều kiện để xảy ra, đặc biệt là ở những giai đoạn đầu của sự mở cửa thị trường. Thêm vào đó, ngày nay, công nghệ mới cho phép người sử dụng (NSD) có nhiều sự lựa chọn đối với các dịch vụ Viễn thông cơ bản. Một NSD thuộc DN Viễn thông này có thể dùng những thiết bị đầu cuối như: Điện thoại cố định, máy tính, điện thoại di động .v.v... để liên lạc với NSD hay khách hàng của nhà cung cấp dịch vụ khác. Chỉ có thể thực hiện được như vậy khi có sự kết nối giữa những NCCDV với nhau. Tuy nhiên, đối với các NCCDV lớn, có khả năng chi phối thị trường thì luôn nghĩ ra vô vàn lý do để từ chối, hạn chế hoặc gây khó dễ đối với yêu cầu kết nối này để giữ thị phần. Đây cũng là lý do chính khiến dẫn tới tranh chấp kết nối Viễn thông. 

Như vậy, nhìn chung, điều kiện tồn tại của tranh chấp kết nối là thị trường tự do cạnh tranh, nguyên nhân cơ bản của tranh chấp kết nối Viễn thông là sự xung đột về lợi ích và vị thế trên thị trường giữa các NCCDV. Theo một tài liệu về giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông3, một số nguyên nhân trực tiếp, phổ biến dẫn đến tranh chấp kết nối Viễn thông được thống kê, bao gồm:

(1) Khi NCCDV chi phối thị trường không ban hành, hoặc không tiêu chuẩn hoá Thoả thuận kết nối mẫu;

(2) Khi các bên không tuân thủ về thời gian kết thúc đàm phán;

(3) Không thoả thuận được về phí kết nối;

(4) Khi chất lượng của dịch vụ kèm theo kết nối không được đảm bảo;

(5) Khi các điều khoản khác trong Thoả thuận kết nối không được tuân thủ;

(6) Bên mới gia nhập thị trường tìm cách lôi kéo khách hàng của NCCDV độc quyền thông qua những hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

(7) NCCDV chi phối thị trường hạn chế thông tin về những khách hàng lớn.v.v...

b) Bản chất, đặc điểm của tranh chấp kết nối Viễn thông

Để giành thị phần, các DN Viễn thông phải nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng chính sách chăm sóc khách hàng tốt. Sự cạnh tranh này diễn ra quyết liệt, không khoan nhượng. Nhưng cũng vì quyền lợi NSD và để mở rộng hơn nữa thị trường, nhiều DN Viễn thông cũng phải tìm cách thỏa thuận, hợp tác thông qua một văn bản gọi là “Thỏa thuận kết nối”, cho phép mạng cùng dịch vụ của các bên được kết nối với nhau. Vì vậy, có thể nói, thoả thuận kết nối Viễn thông mang bản chất của hợp đồng, một dạng hợp đồng đặc biệt. Sự đặc biệt này thể hiện ở động cơ đi đến ký kết hợp đồng. Nếu như trong những hợp đồng thương mại thông thường, các bên đều mong muốn hướng đến vì cả hai đều tìm thấy lợi ích của mình trong đó, nhưng đối với thoả thuận kết nối, dường như là một dạng hợp đồng “bắt buộc”, trong đó động lực của một trong hai bên (thường là bên đang giữ vị thế độc quyền) là không rõ ràng hoặc rất yếu. Chính vì “Thỏa thuận kết nối” là một dạng hợp đồng, do vậy, tranh chấp kết nối, mang bản chất của tranh chấp hợp đồng. Hơn nữa, là tranh chấp hợp đồng kinh tế, thương mại vì: Các bên trong tranh chấp kết nối Viễn thông là những chủ thể kinh doanh; Mục đích của tranh chấp cũng chủ yếu vì mục tiêu lợi nhuận. Căn cứ vào thực tiễn, các quy định pháp lý về Viễn thông của Việt Nam và một số nước trên thế giới, tranh chấp kết nối Viễn thông có một số đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, tranh chấp kết nối Viễn thông nảy sinh trong lĩnh vực Viễn thông. Lĩnh vực Viễn thông bao gồm nhiều quan hệ khác nhau, trong đó có thể phân ra 3 nhóm cơ bản: (1) Quan hệ giữa các chủ thể với cơ quan quản lý Viễn thông; (2) Quan hệ giữa NSD dịch vụ với các NCCDV; (3) Quan hệ giữa những NCCDV với nhau. Tranh chấp kết nối Viễn thông nảy sinh trực tiếp từ nhóm quan hệ thứ ba. Trong quan hệ giữa các NCCDV với nhau, quan hệ quan trọng và phổ biến nhất là quan hệ liên quan đến kết nối mạng và dịch vụ Viễn thông. Chỉ được coi là tranh chấp kết nối Viễn thông khi tranh chấp giữa các NCCDV nảy sinh từ quan hệ kết nối Viễn thông.

Thứ hai, chủ thể trong tranh chấp kết nối Viễn thông luôn là những NCCDV Viễn thông (chủ yếu là thoại cố định và di động), mặc dù, ngoài DN Viễn thông, trong lĩnh vực Viễn thông còn có NSD, chủ mạng Viễn thông dùng riêng, đại lý dịch vụ Viễn thông.v.v…Hiện nay, các NCCDV Viễn thông được phân chia thành nhiều loại khác nhau và căn cứ vào tiêu chí khác nhau có thể có nhiều cách phân loại. Ví dụ: Căn cứ vào dịch vụ cung cấp, người ta chia thành DN cung cấp dịch vụ thoại, DN cung cấp dịch vụ Internet .v.v... Trong các DN cung cấp dịch vụ thoại lại được phân chia nhỏ hơn: DN thoại cố định, thoại đường dài, thoại nội hạt, thoại di động, thoại quốc tế v.v… DN cung cấp dịch vụ Internet được chia thành: DN cung cấp dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ ứng dụng Internet .v.v…; NCCDV Viễn thông cũng có thể được phân thành DN chuyên cung cấp hạ tầng mạng Viễn thông (DN được phép đầu tư phát triển mạng lưới đường truyền vật lý và cho các NCCDV khác thuê lại để cung cấp dịch vụ Viễn thông đến khách hàng) và DN chuyên cung cấp dịch vụ Viễn thông. Thông thường, trên thực tế, việc phân loại trên chỉ là tương đối. Ví dụ như Việt Nam: Một NCCDV Viễn thông thường cùng một lúc kinh doanh nhiều loại dịch vụ Viễn thông, kinh doanh và phát triển cả đường trục, cho thuê mạng lưới Viễn thông.v.v…do vậy, đôi khi người ta không phân định rõ ràng khi nào NCCDV hoạt động với tư cách cung cấp dịch vụ Viễn thông, khi nào với tư cách phát triển đường trục .v.v…Về cơ cấu chủ thể của tranh chấp kết nối Viễn thông, cần lưu ý: Để sử dụng được dịch vụ Viễn thông, NSD cũng phải kết nối mạng Viễn thông của mình (thường khá đơn giản như chỉ gồm vài ba chiếc máy điện thoại, hoặc vi tính) với mạng của NCCDV. Về bản chất, đây cũng là thoả thuận kết nối. Tuy nhiên, tranh chấp giữa NSD liên quan đến việc chậm kết nối, hoặc trục trặc về kỹ thuật đường truyền, cước sử dụng hay cổng kết nối .v.v… không được gọi là tranh chấp kết nối Viễn thông. Pháp luật các nước và thông lệ quốc tế nhìn chung chỉ thừa nhận tranh chấp giữa các NCCDV trong quan hệ kết nối mới được coi là tranh chấp kết nối Viễn thông.

Thứ ba, về hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông.

Cũng giống như việc giải quyết các tranh chấp thương mại nói chung khác, hiện nay, trên thế giới tồn tại một số hình thức giải quyết tranh chấp kết nối viễn thông phổ biến như: Thương lượng, hòa giải, tòa án, trọng tài. Bốn hình thức này chia làm hai loại.

+ Loại thứ nhất: Tự giải quyết tranh chấp

Tự giải quyết tranh chấp là hình thức các bên trong tranh chấp tự giải quyết mà không cần có sự xuất hiện của bên thứ ba. Hình thức này thường được gọi là Thương lượng”:

Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp không có sự xuất hiện của bên thứ ba. Trong thương lượng, các bên cùng nhau trình bày quan điểm, chính kiến, bàn bạc, tìm các biện pháp thích hợp và đi đến thoả thuận thống nhất để tự giải quyết bất đồng. Thương lượng, nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, thương lượng đòi hỏi các bên phải có thiện chí, trung thực, hợp tác, và phải am hiểu về chuyên môn pháp lý. Gặp vụ việc phức tạp, các bên có thể chỉ định những chuyên gia, những tổ chức có trình độ chuyên môn thay mặt và đại diện cho mình để tiến hành thương lượng.

Kết quả của quá trình thương lượng là những cam kết, thoả thuận về những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất đồng phát sinh liên quan đến kết nối. Hình thức pháp lý ghi nhận kết quả thương lượng thường thể hiện bằng biên bản. Nội dung chủ yếu của nó bao gồm: Vướng mắc chính trong kết nối; ý kiến mỗi bên; đề xuất giải pháp và cam kết thực hiện. Khi biên bản thương lượng được lập một cách hợp lệ, những thoả thuận trong biên bản thương lượng được coi là có giá trị pháp lý như hợp đồng và đương nhiên nó có ý nghĩa bắt buộc đối với các bên. Trong trường hợp kết quả thương lượng không được một bên tự giác thực hiện vì thiếu thiện chí, biên bản thương lượng sẽ được bên kia sử dụng như một chứng cứ quan trọng để xuất trình trước cơ quan tài phán, để yêu cầu các cơ quan này thừa nhận và cưỡng chế thi hành những thoả thuận nói trên.

Thương lượng là hình thức khá phổ biến, thích hợp cho việc giải quyết  tranh chấp về kết nối. Hình thức này được các NCCDV ưa chuộng, vì nó đơn giản lại không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý phiền phức, ít tốn kém hơn và nói chung không làm phương hại đến các quan hệ hợp tác vốn có giữa các bên cũng như giữ được các bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm như vậy, việc giải quyết tranh chấp bằng hình thức này còn vướng phải một hạn chế, đó là: việc tham gia thương lượng không chỉ đòi hỏi các bên có thiện chí, trung thực, hợp tác mà còn phải có kiến thức cần thiết về chuyên môn và pháp lý, điều này không phải dễ dàng có được đối với mỗi bên tranh chấp.

+ Loại thứ hai: Giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba

Thông qua bên thứ ba là những hình thức giải quyết tranh chấp được sử dụng nhiều nhất hiện nay, bao gồm: Hòa giải, Trọng tài, Toà án.

Hoà giải là hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba độc lập, do hai bên cùng chấp nhận hay chỉ định, làm vai trò trung gian để hỗ trợ cho các bên tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết xung đột nhằm chấm dứt tranh chấp bất hoà. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Hoà giải là việc thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hay xích mích một cách ổn thoả”. Từ điển Luật học Anh-Mỹ của Black định nghĩa: “Hoà giải là một quá trình giải quyết tranh chấp mang tính riêng tư, trong đó hoà giải viên là người thứ ba trung gian giúp các bên tranh chấp đạt được một thoả thuận”.

Hoà giải là giải pháp mang tính chất tự nguyện, tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của các bên. Bên thứ ba với tính chất là trung gian hoà giải phải có vị trí độc lập đối với các bên. Điều đó có nghĩa là, bên thứ ba này không ở vị trí xung đột lợi ích đối với các bên hoặc không có lợi ích gắn liền với lợi ích của một trong các bên liên quan đến vụ việc đang có tranh chấp. Bên thứ ba làm trung gian hoà giải thường là cá nhân, tổ chức có trình độ chuyên môn, kiến thức pháp lý và có kinh nghiệm về những vụ việc có liên quan đến những tranh chấp kết nối. Nhiệm vụ của họ là xem xét, phân tích, đánh giá và đưa ra những ý kiến, nhận định bình luận về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và những vấn đề khác có thể liên quan để các bên tham khảo; đề ra những giải pháp, những phương án thích hợp để các bên tham khảo, lựa chọn và quyết định. Trên thực tế, có hai hình thức hoà giải: Hoà giải ngoài tố tụng và hoà giải trong tố tụng. Hoà giải ngoài tố tụng là hình thức hoà giải thông qua người thứ ba được các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp. Hình thức này thích hợp cho việc giải quyết tranh chấp mà ở đó, ngoài yếu tố thiện chí của các bên, còn có các vấn đề đòi hỏi chuyên môn, mà tự các bên khó có thể xem xét đánh giá chính xác, khách quan được. Hoà giải trong tố tụng là việc bên tài phán trước khi xem xét ra phán quyết yêu cầu các bên tự thoả thuận giải quyết tranh chấp như một nỗ lực, cố gắng cuối cùng trên tinh thần tôn trọng quyền tự quyết của các bên. Hoà giải trong tố tụng là một bước bắt buộc của thủ tục tố tụng. Hoà giải trong tố tụng được tiến hành tại toà án hay trọng tài khi các cơ quan này giải quyết  tranh chấp theo yêu cầu của các bên.

Giải quyết tranh chấp kết nối bằng toà án là hình thức giải quyết  tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán nhà nước, nhân danh quyền lực nhà nước để đưa ra phán quyết buộc các bên có nghĩa vụ thi hành, kể cả bằng sức mạnh cưỡng chế. Do đó, các bên thường tìm đến sự trợ giúp của toà án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ có hiệu quả các quyền, lợi ích của mình khi họ thất bại trong cơ chế thương lượng, hoà giải hoặc không muốn lựa chọn trọng tài để giải quyết  tranh chấp.

Có thể nói, việc giải quyết tranh chấp bằng toà án được khẳng định là một hình thức giải quyết có trình tự tố tụng chặt chẽ và tính khả thi của hiệu lực phán quyết. Tuy nhiên, thủ tục này thường mất nhiều thời gian hơn, chi phí cao hơn so với các hình thức giải quyết tranh chấp khác. Thêm vào đó, nguyên tắc xét xử công khai tại toà án không được giới DN đánh giá là nguyên tắc có thể bảo vệ được bí mật kinh doanh và uy tín của họ trên thương trường. Điều đó làm hạn chế khả năng lựa chọn của các DN đối với toà án khi phát sinh tranh chấp. Cũng cần phải nói rằng, kết nối Viễn thông là một lĩnh vực liên quan mật thiết đến kiến thức kỹ thuật, công nghệ cao, do vậy, hiện nay, rất nhiều các thẩm phán không có đủ kinh nghiệm và kiến thức để giải quyết tốt vụ việc.

Trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực thương mại nói chung, viễn thông nói riêng. Có hai loại trọng tài, trọng tài thường trực và trọng tài vụ việc. Đặc điểm của giải quyết bằng trọng tài là hoàn toàn do các bên tự quyết định. Trọng tài chỉ có thẩm quyền tham gia theo ý chí của các bên. Trong lĩnh vực tranh chấp Viễn thông, trọng tài được coi là hình thức giải quyết thay thế, bổ sung, bên cạnh hình thức giải quyết chính thức.

Ngoài những hình thức giải quyết phổ biến trên đây, trong lĩnh vực Viễn thông, để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông, các nước cũng hình thành nên một hình thức giải quyết khá đặc biệt, nó là tổng hòa những đặc trưng của giải quyết bằng hình thức tòa án, trọng tài, thỏa thuận, hòa giải, thêm vào đó là những yếu tố có tính kỹ thuật, công nghệ Viễn thông. Sự hòa quyện này cho ra đời một hình thức hòa giải khá linh động, mềm dẻo, phù hợp với đòi hỏi về tính liên tục, thông suốt của thông tin liên lạc. Hình thức này chưa được đặt tên cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên, có thể nó được giao cho Cơ quan quản lý Viễn thông quốc gia, một tòa án đặc biệt, trọng tài, hay cơ quan quản lý cạnh tranh đảm nhận. Đây cũng là một nét khác biệt khi nói về đặc thù của giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông.

Thứ tư, như đã trình bày ở trên, tranh chấp kết nối Viễn thông mang bản chất của tranh chấp hợp đồng. Tuy nhiên, không giống như đa phần các tranh chấp hợp đồng khác, tranh chấp kết nối Viễn thông nảy sinh ngay cả khi các bên đang trong giai đoạn đàm phán. Đặc điểm này xuất phát từ quy định pháp lý tồn tại trong hệ thống pháp luật của hầu hết các nước, đó là: Các DN chiếm ưu thế trong thị trường phải chủ động đưa ra một thoả thuận kết nối mẫu làm căn cứ cho việc đàm phán và ký thoả thuận kết nối cho các DN mới bước vào thị trường. Hành vi không ban hành hoặc tiêu chuẩn hoá một thoả thuận kết nối mẫu của các NCCDV cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tranh chấp về kết nối Viễn thông trên thế giới hiện nay. 

Thứ năm, Tranh chấp kết nối Viễn thông không mang tính “một mất, một còn”, mà các bên vừa là đối thủ, vừa là đối tác của nhau. Có thể nói tranh chấp kết nối Viễn thông là sự tranh chấp trong “hoà bình”. Với tranh chấp kết nối Viễn thông, quan hệ giữa các bên vẫn tiếp tục được duy trì, trong nhiều trường hợp, việc giải quyết tranh chấp mới chỉ là thời điểm bắt đầu của một giai đoạn quan hệ mới. Đặc điểm này tác động rất lớn đến quá trình xây dựng các quy định pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông. Mọi cơ chế giải quyết không đảm bảo được tính mềm dẻo, linh hoạt và nhanh chóng đều không đáp ứng được yêu cầu. Đồng thời, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp phải hướng đến mục tiêu đảm bảo vẫn gắn kết được mối quan hệ “hậu kết nối” giữa các chủ thể.  

Thứ sáu, tranh chấp kết nối Viễn thông liên quan mật thiết tới quyền lợi các bên thứ ba như: NSD dịch vụ, nhà nước.

Từ những phân tích trên có thể rút ra khái niệm: “Tranh chấp kết nối Viễn thông” là một dạng đặc biệt của tranh chấp thương mại, nảy sinh trong lĩnh vực Viễn thông, liên quan đến việc đàm phán, ký kết, thực hiện “Thoả thuận kết nối” giữa các DN cung cấp dịch vụ, nhằm mục tiêu tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ trên cơ sở một “Thỏa thuận kết nối” phù hợp với lợi ích các bên, lợi ích nhà nước và lợi ích của cộng đồng NSD dịch vụ.

2. Phân loại tranh chấp kết nối Viễn thông

Căn cứ vào nội dung của vụ tranh chấp, tranh chấp kết nối Viễn thông có thể phân thành:

- Tranh chấp liên quan đến việc NCCDV chi phối thị trường không ban hành, hoặc không tiêu chuẩn hoá Thoả thuận kết nối mẫu;

- Tranh chấp khi các bên không tuân thủ về thời gian kết thúc đàm phán;

- Tranh chấp khi các bên không thoả thuận được về phí kết nối;

- Tranh chấp khi chất lượng của dịch vụ kèm theo kết nối không được đảm bảo;

- Tranh chấp khi các điều khoản khác trong Thoả thuận kết nối không được tuân thủ;

- Tranh chấp khi NCCDV chi phối thị trường hạn chế thông tin về những khách hàng lớn (thường là những NCCDV khác cùng kết nối vào mạng của NCCDV độc quyền);

Tại Việt Nam, hiện nay theo Quyết định 12/2006/QĐ-BCVT, nội dung tranh chấp thực hiện kết nối bao gồm: Tranh chấp về đăng ký kế hoạch dung lượng kết nối; Tranh chấp về ký kết Hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối; Tranh chấp về điều chỉnh kế hoạch dung lượng kết nối; Tranh chấp về thực hiện mở rộng dung lượng kết nối; Những tranh chấp khác khi thực hiện kết nối.

Căn cứ vào chủ thể tham gia tranh chấp, có thể phân thành:

- Tranh chấp kết nối giữa doanh nghiệp cung cấp dịch cố định với DN cung cấp dịch vụ di động.

- Tranh chấp giữa DN di động với nhau

- Tranh chấp giữa DN cung cấp dịch vụ Viễn thông nội hạt với đường dài.

- v.v…

Hiện nay, tại Việt Nam, theo Quyết định 12/2006/QĐ-BCVT, căn cứ vào chủ thể, có tranh chấp giữa các DN Viễn thông kinh doanh mạng Viễn thông cố định (nội hạt, đường dài trong nước, quốc tế) và mạng Viễn thông di động (nội vùng, toàn quốc) với nhau.

3. Tranh chấp kết nối Viễn thông và tranh chấp thương mại thông thường

Tranh chấp kết nối Viễn thông là trường hợp đặc biệt của tranh chấp thương mại, so với tranh chấp thương mại thông thường, tranh chấp kết nối Viễn thông có một số khác biệt cơ bản sau:

Thứ nhất, chủ thể trong tranh chấp thương mại là các thương nhân, bao gồm: Cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên (Khoản 6, Điều 5 Luật Thương mại Việt Nam). Trong khi chủ thể tranh chấp kết nối Viễn thông là các DN Viễn thông, cũng là thương nhân, nhưng bao giờ cũng là pháp nhân mà không bao gồm chủ thể là cá nhân.

Thứ hai, tranh chấp kết nối Viễn thông luôn phát sinh từ thoả thuận kết nối (một dạng hợp đồng thương mại) và phát sinh ngay cả trong giai đoạn các bên chưa ký kết. Trong khi tranh chấp thương mại có thể là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng (sau khi ký), ngoài hợp đồng hoặc hành vi vi phạm pháp luật. 

Thứ ba, với tranh chấp thương mại thông thường, việc giải quyết được thực hiện thông qua hình thức thoả thuận, trọng tài, trung gian hoà giải hoặc toà án, nhưng trong tranh chấp kết nối Viễn thông, hình thức hiệp thương thông qua trung gian hoà giải của cơ quan quản lý hành chính nhà nước về Viễn thông vẫn đóng vai trò quan trọng và được thừa nhận như một trong những hình thức giải quyết phổ biến.

Thứ tư, tranh chấp thương mại có thể dẫn đến chấm dứt mối quan hệ giữa các bên (đôi khi mục tiêu của tranh chấp là để chấm dứt quan hệ). Trong khi với tranh chấp kết nối Viễn thông, quan hệ giữa các bên vẫn tiếp tục được duy trì, trong nhiều trường hợp, việc giải quyết tranh chấp mới chỉ là điểm bắt đầu của một giai đoạn quan hệ mới.  

 Thứ năm, trong đa số trường hợp, tranh chấp thương mại chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên tham gia, nhưng trong tranh chấp kết nối Viễn thông còn ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà nước và người tiêu dùng.

Dương Quốc Huy, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần Hoài Văn

Tài liệu tham khảo

[1]. Brown and Marriot, ADR Principles & Practice, 2nd Edition, Nov. 1999, Sweet & Maxwell, page 2.

[2]. D. Foskett Q.C. in The Law and Practice of Compromise, quoted in Brown and Marriott, page 2.

[3]. Disputes resolution settlement procedures-Bornholm, October 2003 trong khôn khổ của CEPT- the European Conference of Postal and Telecommunications Administrations.

[4]. Commission Directive 2002/77/EC - 16 September 2002 - on competition in the markets for electronic communications networks and services.

[5]. Directive 2002/21/EC of the European Parliament and of the Council - 7 March 2002 - on common regulatory framework for electronic communications networks and services.

[6]. Luật Viễn thông các nước: Australia, Ba Lan, Anh, Mỹ, Bungary, Canada, Trung Quốc.

[7]. Luật kết nối Viễn thông Đan Mạch, Bỉ, Australia, ITU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, tanzania, Trung Quốc, Botswana.

[8]. Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông.

[9]. Nghị định 160/2004/NĐ-CP, ngày 3/4/2004, quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông.

[10]. Quyết định số 12/2006/QĐ-BBCVT ngày 26/4/2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông Quy định về thực hiện kết nối giữa các mạng viễn thông công cộng.

[11]. Luật thương mại Việt Nam

Tin nổi bật