Các vấn đề của hội tụ cố định - di động

TS. Đặng Đình Trang, ThS. Nguyễn Sơn Hải

“Hội tụ” dường như là một từ được nhắc đến nhiều nhất trong ngành viễn thông những năm vừa qua. Tuy nhiên, cách nhìn nhận hay lộ trình hướng tới hội tụ không hoàn toàn đồng nhất. Bài viết này giới thiệu tổng quan về hội tụ và các hướng triển khai hiện nay trên thế giới. Thị trường viễn thông Việt Nam và viễn cảnh của nó trên góc diện hội tụ cũng được phân tích nhằm đưa ra những đánh giá, khuyến nghị thực tế, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

1. Tổng quan về hội  tụ cố định - di động

1.1. Giới thiệu về FMC

Khi mới được đề cập đến trong ngành công nghiệp viễn thông, khái niệm hội tụ di động - cố định (Fixed Mobile Convergence - FMC) ngụ ý tới sự tích hợp của các công nghệ mạng có dây và không dây. Ngày nay, FMC không đơn thuần là hình thức hội tụ cụ thể nói trên, nó đã trở thành một khái niệm rộng lớn về sự hội tụ giữa các ngành công nghiệp truyền thông, dữ liệu và viễn thông. FMC cho phép khách hàng truy nhập đến rất nhiều dịch vụ liên lạc, thông tin và/hoặc giải trí với chất lượng dịch vụ ổn định, độc lập với thiết bị truy nhập, mạng truy nhập hay vị trí sử dụng của khách hàng.

Hình 1. Hội tụ cố định - di động FMC [2]

Khuyến nghị Q.1761 của ITU-T [1] định nghĩa FMC là “Cơ chế cho phép khách hàng (IMT-2000) có thể sử dụng dịch vụ thoại cơ bản cũng như các dịch vụ khác (của IMT-2000) thông qua mạng cố định tùy theo lựa chọn hợp đồng công nghệ truy nhập của họ”. Theo ETSI, “FMC liên quan tới khả năng cung cấp dịch vụ mạng độc lập với kỹ thuật truy nhập. Điều này không đòi hỏi nhất thiết có sự hội tụ về mặt vật lý của các mạng. Nó đề cập tới việc phát triển của một cấu hình mạng hội tụ cùng các tiêu chuẩn hỗ trợ. Tập hợp các tiêu chuẩn này có thể được dùng trong quá trình cung cấp dịch vụ cố định, di động hay dịch vụ lai ghép (hybrid services). Một tính năng quan trọng của FMC là sự tách biệt của thuê bao và dịch vụ với các vị trí và thiết bị truy nhập; cho phép khách hàng truy nhập tới các dịch vụ không đổi từ bất cứ thiết bị cố định hay di động nào thông qua các điểm truy nhập tương ứng…”

Để đạt được các mục tiêu của FMC, cần phải có 3 lớp hội tụ sau: (1) hội tụ mạng: sử dụng chung hạ tầng mạng cho các dịch vụ cố định và di động; (2) hội tụ dịch vụ: có thể truy nhập đến cùng một dịch vụ từ các loại thiết bị và mạng khác nhau; (3) hội tụ thiết bị khách hàng: một thiết bị duy nhất có thể dùng để truy nhập tới các dịch vụ khác nhau được các mạng khác nhau cung cấp.

FMC mang lại lợi ích cho cả khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ. Đối với khách hàng, hội tụ dịch vụ hay các gói, kết hợp dịch vụ làm giảm chi phí cho các hình thức liên lạc cơ bản. Kết hợp dịch vụ mang lại rất nhiều thuận tiện cho sử dụng: cài đặt đơn giản, một hóa đơn thanh toán, một hợp đồng thuê bao chung với một nhà khai thác. Bên cạnh đó khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ trơn tru mọi lúc mọi nơi, chỉ bằng khả năng của thiết bị truy nhập. Đối với các nhà khai thác, FMC đưa ra nhiều cơ hội giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Các hình thức gói, kết hợp dịch vụ làm giảm lượng khách hàng rời mạng, cho phép nhà cung cấp thiết lập quan hệ mật thiết với khách hàng và có thể dự báo tốt hơn nhu cầu khách hàng. Hội tụ mạng thay thế các mạng tách biệt bằng một mạng lõi duy nhất trên nền IP, tối thiểu hóa sự phức tạp của việc tích hợp và quản lý các thiết bị của nhiều hãng cung cấp khác nhau, giảm chi phí đầu tư và khai thác. Hội tụ cũng cho phép các nhà cung cấp triển khai nhanh và hiệu quả các dịch vụ và ứng dụng mới, tạo nguồn tăng trưởng lợi nhuận mới.

1.2. Các hướng phát triển FMC hiện nay

Tuy nhiên, sự hội tụ thật sự vẫn còn là một tương lai khá xa. Bên cạnh đó, công nghệ và khách hàng vẫn chưa sẵn sàng cho FMC. Cái mà chúng ta có thể nhận thấy hiện nay là các bước chuyển mình phù hợp với thực tế hiện tại, nhưng cũng nhắm tới sự hội tụ trong tương lai. Điều này hoàn toàn đồng nhất với ý kiến của nhiều nhà phân tích: FMC là nói về dịch vụ chứ không phải là công nghệ.

Thị trường cố định cũng như di động đã bão hòa cộng với xu hướng mở cửa thị trường viễn thông cho cạnh tranh trên khắp thế giới đã ngày càng thu hẹp các nguồn lợi nhuận của các công ty viễn thông. Phương án đơn giản là phải cố gắng nắm lấy tối đa các nguồn sinh lợi trên thị trường. Điều đó có thể thấy qua các sự kiện sáp nhập hay mua lại gần đây của các công ty cố định và di động để trở thành một nhà khai thác viễn thông tích hợp hoàn toàn cung cấp đầy đủ dải dịch vụ viễn thông. Thông qua đó, nhà khai thác viễn thông tích hợp có thể hấp dẫn và giữ chân khách hàng với các gói, kết hợp dịch vụ tùy theo nhu cầu của khách hàng, với sự đơn giản và tiện lợi của hình thức “một cửa”. Thông thường các công ty di động với vốn và năng lực lớn tìm cách mua lại các công ty kinh doanh cố định, ví dụ gần đây nhất là SFR sáp nhập với Neuf Cegetel tại Pháp hay VimpelCom mua lại công ty cố định Golden Telecom tại Nga [9].

Với sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý nhà nước, một cách khác có thể giúp các nhà khai khác lấp đầy khoảng trống trong cung cấp dịch vụ là các mô hình nhà khai thác ảo (Virtual Network Operator - xVNO). Mô hình khai thác ảo có thể là cố định (FVNO - Fixed VNO) hay di động (MVNO - Mobile VNO). Khi băng thông, đường trục và tần số  không được độc quyền sử dụng, và khi các cơ quan quản lý hậu thuẫn, không có gì ngăn cản nhà khai thác cố định cung cấp dịch vụ di động cũng như nhà khai thác di động chào mời dịch vụ cố định. Các mô hình xVNO khá phổ biến ở châu Âu là nỗ lực của các tổ chức quản lý nhà nước nhằm mở cửa tự do hóa thị trường viễn thông tại châu Âu.

Các nhà khai thác (cố định/di động) không chỉ cạnh tranh với nhau trên thị trường truyền thống của họ mà còn cố gắng thâm nhập vào phần còn lại (thị phần, lợi nhuận hoặc/và khách hàng) của miếng bánh chung - thị trường viễn thông. Sự ra đời của các kỹ thuật, công nghệ mới cho phép các nhà khai thác di động cạnh tranh chiếm lợi nhuận từ các nhà khai thác cố định; theo hướng ngược lại, nhà khai thác cố định cố gắng thâm nhập thị trường di động bằng các dịch vụ tương tự di động. Trường hợp nhà khai thác di động cố gắng dành thị phần của mạng cố định được xem là Di động thay thế Cố định (Fixed Mobile Substitution - FMS); cách các nhà khai thác cố định thu hút một phần lưu lượng của mạng di động là thông qua dịch vụ lai ghép (dual-mode cố định – di động hay còn gọi là VCC, Voice Call Continuity), vì khi đó lưu lượng di động được truyền tải trên các giao thức “di động” tầm ngắn như Wi-Fi hay Bluetooth tới các đường truy nhập cố định. Tuy nhiên, trường hợp sau có vẻ như là gần với FMC tương lai hơn vì nó cần sử dụng hỗn hợp công nghệ hội tụ cho sản phẩm dịch vụ. Mô hình kinh doanh FMS đang nở rộ tại Việt Nam, sẽ được phân tích kỹ trong phần 3 sau đây. VCC đã được nhiều nhà khai thác triển khai như Korea Telecom, BT, T-COM…

Một phương án nữa cho các công ty viễn thông để tạo ra sự “hội tụ” về dịch vụ là mua buôn các sản phẩm dịch vụ từ các nhà cung cấp, từ đó tạo ra các gói, kết hợp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng và bán lại. True Corp tại Thái Lan là công ty khá thành công trong kinh doanh dịch vụ cho các khách hàng có các phong cách sống khác nhau bằng cách cung cấp năng lực liên lạc, truy nhập thông tin, kiến thức và giải trí dưới các phân loại dịch vụ như TrueMove (di động), TrueOnline (internet), TrueVisions (truyền hình), TrueMoney (thanh toán), và TrueLife (giải trí).

2. Dịch vụ hội tụ và thực tế triển khai

2.1. Phân loại dịch vụ hội tụ

Hiệp hội Hội tụ Di động Cố định (Fixed Mobile Convergence Association - FMCA) [8] được thành lập tháng 6/2004, liên kết các nhà khai thác như: Brazil Telecom, British Telecom, Korea Telecom, NTT Com, Rogers Wireless Inc. và Swisscom với mục tiêu là thúc đẩy sự chấp nhận của các công nghệ Hội tụ thông qua việc khuyến khích sự ổn định, nhất quán của các tiêu chuẩn về sản phẩm và thiết bị. FMCA đưa ra một số các phân loại dịch vụ hội tụ chính như sau:

Danh bạ Hội tụ - Dịch vụ cho phép lưu giữ các địa chỉ liên hệ cá nhân và danh bạ một cách an toàn trên mạng và có thể truy nhập vào từ bất cứ thiết bị nào. Các danh bạ lưu trên mạng được đồng bộ tự động với danh bạ cá nhân trên thiết bị một cách tương ứng.

Dịch vụ đa phương tiện Cá nhân - Dịch vụ cho phép truy nhập vào các nội dung đa phương tiện (được lưu trữ tại nhà hoặc trên mạng) từ bất cứ thiết bị nào, cho phép người sử dụng (NSD) tải lên/xuống nội dung từ bất cứ thiết bị nào, bất cứ lúc nào, vị trí nào. Dịch vụ đảm bảo sẽ chọn mạng lưới phù hợp nhất với tính chất của nội dung, ví dụ nhạc và video thì chỉ được tải xuống khi có kết nối băng rộng tốc độ cao. Dịch vụ còn cho phép cập nhật tự động các dịch vụ nội dung, và tự động tải chúng về khi có kết nối mạng phù hợp.

Dịch vụ Cuộc gọi đa phương tiện và Chia sẻ dữ liệu - Dịch vụ này cho phép NSD chuyển đổi giữa cuộc gọi thuần túy GSM/PSTN với các hình thức liên lạc khác. Dịch vụ tự động tìm kiếm các khả năng liên lạc khác sẵn có (các mạng nội bộ và thiết bị trong phạm vi lân cận), và cung cấp một giao diện đơn giản để quản lý mức độ của nội dung đa phương tiện và sự kết hợp của các phương tiện để sử dụng dịch vụ. Trong khi đàm thoại, người dùng có thể chia sẻ dữ liệu, ví dụ như hình ảnh, âm nhạc, với một người thứ ba. Dịch vụ sẽ tự động tìm kiếm và gửi dữ liệu đến người nhận theo một cách phù hợp nhất. Người dùng cũng có thể chuyển cuộc gọi dễ dàng từ thiết bị di động sang, ví dụ như, một kết nối VoIP/IM trên máy PC ở nhà để có thể cùng truy nhập Web.

Các dịch vụ kết hợp - Các dịch vụ dựa trên sự sẵn có của nhiều kết nối truy nhập (mạch hay dữ liệu) trên mạng hội tụ cố định - di động trong cùng một phiên liên lạc. Sử dụng nhiều kết nối trong cùng một phiên cho phép kết hợp các dòng dữ liệu/phương tiện và các thiết bị khác nhau để tạo ra các dịch vụ mới.

Giải pháp cho mạng hội tụ di động - cố định đảm bảo không có sự khác nhau trong trải nghiệm dịch vụ của khách hàng, độc lập với mạng truy nhập, và độc lập với các dịch vụ khác nhau, các thiết bị khác nhau trên hai môi trường trong một cuộc gọi: ngoài trời - nơi chỉ có mạng GSM/UMTS và trong nhà - nơi có mạng WiFi/Bluetooth/Ethernet và GSM/UMTS.

Dịch vụ Kiểm soát và Theo dõi tự động - Dịch vụ cung cấp khả năng kiểm soát nhiều loại thiết bị gia dụng khác từ máy đầu cuối di động như nhiệt độ, cửa ra vào…, ngoài ra, còn cho phép theo dõi các vấn đề tại nhà như báo trộm, hoặc truyền hình tại nhà. Các dịch vụ hội tụ gắn kết các vấn đề ở nhà vào thiết bị di động người dùng đem theo người.

Dịch vụ Kiểm soát cuộc gọi Hội tụ - Dịch vụ cho phép tự động chuyển hoặc xử lý cuộc gọi theo thông tin của người dùng hoặc theo các thông số, sự kiện bên ngoài. Dựa theo các thông tin trong lịch điện tử của người dùng sẵn có trên mạng và mức độ quan trọng của người gọi, cuộc gọi có thể được định tuyến vào máy điện thoại hoặc xử lý theo một cách khác. Khi có thêm thông tin về vị trí của NSD, vị trí này có thể sẽ được sử dụng để quyết định cách thức mà cuộc gọi sẽ được xử lý. Ví dụ, nếu NSD đi vào đường cao tốc gặp khi trời mưa to hay bão tuyết, dịch vụ sẽ tự động chuyển cuộc gọi vào hộp thư thoại.

Dịch vụ đa phương thức (Multimodal Services) - Phân loại này bao gồm nhiều kịch bản dịch vụ khác nhau trong đó các phiên liên lạc thoại và dữ liệu được kết hợp với nhau. Có thể chia tiếp thành hai loại:

(a) Thoại và dữ liệu nối tiếp - khi cuộc gọi kết thúc thì lập tức khởi tạo phiên truyền hoặc chia sẻ dữ liệu. NSD có thể đặt độ trễ giữa hai hành động, hoặc theo kiểu chất lượng tốt nhất hoặc giá thấp nhất, ví dụ: Cuộc gọi Wi-Fi VoIP hoặc di động được nối tiếp ngay lập tức bằng việc gửi dữ liệu như địa chỉ liên lạc, bản đồ, URL, e-mail hay các dữ liệu đa phương tiện khác như hình ảnh, bài hát, nhạc chuông, video…

(b) Thoại và dữ liệu đồng thời – trong khi gọi điện thoại, một phiên dữ liệu được khởi tạo đồng thời để truyền tải hay chia sẻ dữ liệu. Ví dụ: khi gọi qua VoWLAN hoặc di động, chỉ bấm một phím đơn giản, người nhận cuộc gọi có thể nhận hoặc chia sẻ các dữ liệu như địa chỉ liên lạc, bản đồ, URL, e-mail hay các dữ liệu đa phương tiện khác như ảnh, bài hát, nhạc chuông, video…

2.2. Triển khai FMC trên thế giới

Như đã trình bày ở phần 1.2, có một vài xu hướng phát triển để tiến tới sự hội tụ thật sự trong tương lai. Trong số đó phương thức gần nhất về mặt kỹ thuật với hội tụ cố định - di động là các dịch vụ lai ghép (dual-mode). Phần này chỉ phân tích một vài điển hình triển khai FMC trên thế giới liên quan tới dịch vụ lai ghép.

British Telecom (BT) tung dịch vụ Fuson vào 2005, theo đó công ty cung cấp máy điện thoại di động lai ghép sử dụng công nghệ Truy nhập Di động không cần cấp phép (Unlicensed Mobile Access - UMA) để đóng gói lưu lượng chuyển mạch kênh GSM rồi truyền trên mạng cố định. Ban đầu việc kết nối được thực hiện thông qua Bluetooth tới thiết bị định tuyến DSL, nhưng nay thì được thực hiện qua WiFi hub tại nhà. Do BT không phải là nhà khai thác tích hợp hoàn toàn, công ty này phải kết hợp với Vodafone. Do ban đầu, Fusion là một dịch vụ thuần túy cho khách hàng cá nhân, sau đó được mở rộng sang khu vực doanh nghiệp. Chỉ một phân loại rất nhỏ thiết bị đầu cuối là sẵn có cho các dịch vụ này, như là Nokia 6136 hay Motorola A910. Trong 8 tháng đầu khai trương dịch vụ, chỉ có hơn 20 000 thuê bao đăng ký sử dụng.

Dịch vụ FMC Unico của Brasil Telecom được tung ra đầu năm 2006 và ban đầu dựa trên công nghệ Bluetooth nhưng được chuyển sang WiFi năm 2007. Ban đầu, thuê bao chỉ được sử dụng một thiết bị đầu cuối được gọi là “hệ thống điện thoại cầm tay cá nhân” (PHS), và sau đó vào cuối năm 2007, dịch vụ có thể được sử dụng trên hai máy đầu cuối, cùng một nhà cung cấp máy Motorola. Khi đưa các mẫu máy Motorola giá rẻ hơn, số thuê bao tăng lên đến 30 000 vào tháng 5/2007. Hiện chưa có dịch vụ cho doanh nghiệp vì nhà khai thác đang đánh giá sự  phát triển của thị trường dành cho cá nhân.

Dịch vụ T-One được Deutsche Telekom đưa ra thị trường vào tháng 7/2006, gói gộp ba công nghệ GSM/DSL/WiFi. Dịch vụ này, khác với các ví dụ nói trên, bán trợ giá máy đầu cuối lai ghép dưới thương hiệu của nhà khai thác (T-Com). Với số thuê bao dưới 10000 vào tháng 3/2007, dịch vụ đã bị ngừng cung cấp chỉ sau nửa năm để nhường chỗ cho một dịch vụ FMC khác của T-Mobile, cạnh tranh tốt hơn và thành công hơn. Theo một báo cáo thì dịch vụ T-One không thành công do giá quá đắt, tiếp thị kém và thiếu những tính năng hấp dẫn.

Korea Telecom tung ra thị trường dịch vụ Onephone tập trung vào thoại vào tháng 6/2004, chỉ nhắm vào khách hàng cá nhân. Dịch vụ sử dụng công nghệ không dây (Cordless Telephony Profile - CTP), và bao gồm một máy đầu cuối lai ghép Bluetooth/CDMA và điểm truy cập Bluetooth. Không giống như các nhà khai thác khác, công nghệ Bluetooth không bị thay thế bởi WiFi, mặc dù có nhiều máy đầu cuối được tung ra. Sau một năm kinh doanh, số lượng thuê bao phát triển không đạt được mục tiêu 200 000 vào cuối năm 2006. Dịch vụ đã ngừng cung cấp từ cuối năm 2007.

Có thể thấy thành công của FMC, cụ thể là các dịch vụ lai ghép tới thời điểm hiện tại, trên thế giới không thật sự rõ ràng. Khách hàng chưa sẵn sàng và chưa có nhu cầu thật sự cần thiết cho FMC. FMC hay liên lạc hợp nhất (Unified Communications) được các nhà sản xuất, khai thác thúc đẩy nhằm phản ứng lại các cạnh tranh hay sự thu hẹp của nguồn thu nhập trong môi trường kinh doanh của họ. Nhưng khách hàng không nhất thiết bị cuốn vào vòng xoáy của các nhà cung cấp. Dịch vụ FMC cần trở nên đơn giản, được quảng bá rộng rãi và trên hết rẻ hơn nhiều để có thể cuốn hút được người tiêu dùng. FMC cần thêm thời gian.

3. Thị trường Việt Nam

3.1. FMS

Thị trường viễn thông Việt Nam vẫn trên đà phát triển, tuy tốc độ phát triển đã chậm lại đôi chút. Các mảng chính của dịch vụ viễn thông là cố định, di động và băng rộng đều chưa bão hòa và các nhà khai thác đều cố gắng tập trung vào việc phát triển thuê bao hơn là phát triển dịch vụ. Chưa có nhà khai thác nào cung cấp hay thử nghiệm dịch vụ FMC. Tuy nhiên việc cạnh tranh cung cấp dịch vụ di động thay thế cố định FMS lại đang rất sôi động trên thị trường.

Trên thị trường đã phát triển, các nhà khai thác đều phải cố gắng tìm kiếm các nguồn lợi nhuận có thể trên thị trường. Nhà khai thác tích hợp có vị thế thuận lợi hơn vì họ kinh doanh trên tất cả các mảng chính của thị trường. Nhà khai thác thuần túy cố định hay di động sẽ cố gắng vươn tới các phần còn lại của thị trường: nhà khai thác di động cạnh tranh về lưu lượng cố định và nhà khai thác cố định cung cấp các dịch vụ tương tự di động, cho phép khách hàng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ duy nhất thay vì chọn riêng nhà khai thác cố định và di động (xem Hình 2). Một trong những cách khá đơn giản để nhà khai thác di động thâm nhập thị trường cố định là cung cấp dịch vụ Di động thay thế Cố định FMS.

 Hình 2. Xu hướng phát triển trên theo hướng hội tụ

Đối mặt với cạnh tranh mới này, nhà khai thác cố định hay tích hợp cần có phản ứng tương xứng để giữ hoặc tăng thị phần. Theo dõi và phòng chống thay thế thuê bao là rất quan trọng đối với nhà khai thác tích hợp, bởi vì mất đi một khách hàng cố định đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn mối liên hệ khách hàng cho đối thủ cạnh tranh; toàn bộ doanh thu bình quân trên thuê bao (Average Revenue Per Unit - ARPU) sẽ mất về tay nhà khai thác di động. Các dịch vụ gia tăng giá trị tận dụng rõ nét các lợi thế về băng thông của kết nối cố định là yếu tố quan trọng để thành công đối với các nhà khai thác cố định để khác biệt hóa so với nhà khai thác di động.

FMS do nhà khai thác di động cung cấp thường liên quan đến thiết bị đầu cuối có thể dễ dàng mang ra khỏi nhà và nhắm vào sự thay thế các dịch vụ cố định. Các thiết bị được thiết kế chỉ để sử dụng trong nhà như GPhone (VNPT) và HomePhone (Viettel) là nhằm cung cấp dịch vụ Di động thay thế Cố định. Cung cấp dịch vụ FMS với máy đầu cuối để bàn có ý nghĩa với các vùng mà không có mạng PSTN, các vùng cao, vùng xa, nơi đặc điểm địa hình phức tạp hay mật độ NSD quá thấp dẫn đến chi phí đầu tư quá cao. Nhưng các khách hàng “GSM cố định” này sẽ phải trả thêm tiền để sử dụng các dịch vụ băng rộng do họ trước tiên phải chuyển từ GSM sang PSTN. Để tránh được rào cản này, bảo vệ, khuyến khích đầu tư hạ tầng cố định, tạo cơ sở cho kinh doanh dịch vụ giá trị cao như băng rộng hay IPTV, cho phép cung cấp rộng rãi “GSM cố định” cần phải là một câu hỏi mang tầm chiến lược của cơ quan quản lý viễn thông.

3.2. Viễn cảnh của FMC

Các động lực chính cho việc triển khai FMC và thành công trong kinh doanh là sự gia tăng cạnh tranh do thị trường bão hòa và sự phòng vệ từ phía nhà khai thác cố định hoặc tích hợp đối với các dịch vụ thay thế cố định của nhà khai thác di động.

Hiện nay tại Việt Nam, các dịch vụ Di động thay thế Cố định chủ yếu nhằm nâng mức độ sẵn có của dịch vụ cố định, chưa có dịch vụ sử dụng một thiết bị tại nhà và khi di chuyển. Do đó các máy điện thoại để sử dụng tại nhà, dù là GSM hay CDMA, không đem lại lợi thế cạnh tranh cho nhà khai thác di động, nhưng có thể thay thế các dịch vụ cố định bằng truy nhập di động tại các nơi quá đắt đỏ để kéo cáp hoặc dành cho khách hàng mong muốn GSM cố định. Do không có lợi thế cạnh tranh khi nhà khai thác di động cung cấp dịch vụ thay thế cố định, nhà khai thác tích hợp không nhất thiết cần phải cung cấp dịch vụ hội tụ FMC.

Tuy nhiên tại các vùng đô thị chính như Hà Nội hay TP. HCM, thị trường cố định gần như bão hòa và cạnh tranh có thể sẽ mạnh mẽ khi trong tương lai các nhà khai thác không có hoặc có ít thị phần cố định sẽ cố gắng nhanh chóng thâm nhập thị trường với các dịch vụ Di động thay thế Cố định có giá cước cạnh tranh; từ đó đi trước vào thị trường hội tụ với lợi thế cạnh tranh vượt lên trên nhà khai thác cố định hoặc tích hợp. Với sự dịch chuyển này của nhà khai thác thuần túy di động, các nhà khai thác cố định hoặc tích hợp cần phải chuẩn bị cung cấp dịch vụ hội tụ để giữ vị thế cạnh tranh.

Tại Việt Nam, do giá cước dịch vụ cố định thấp hơn nhiều so với dịch vụ di động, việc phòng chống các dịch vụ Di động thay thế Cố định là khả thi đối với nhà khai thác cố định. Hiện cước nội hạt chỉ từ 40-120đ/phút, trong khi cước di động là 1000-1500đ/phút; nhà khai thác di động khó có thể cung cấp dịch vụ với giá tương tự dịch vụ cố định tại các vùng đô thị đông đúc; lý do khó khăn cho triển khai mạng ở đây không phải là vùng phủ mà là dung lượng phủ sóng. Nếu dịch vụ GSM cố định được cung cấp cho khách hàng ở các vùng nông thôn - nơi hiệu suất sử dụng thấp - thì không cần nâng cấp dung lượng phủ sóng để cung cấp GSM cố định mà lại tận dụng mạng để tăng lợi nhuận. Khi cung cấp dịch vụ Di động thay thế cố định tại các vùng đô thị cần nâng dung lượng phủ sóng và lợi nhuận bổ sung nhờ có FMS phải bù cho chi phí bổ sung về đầu tư và khai thác. Thêm vào đó là yếu điểm về cung cấp dịch vụ băng rộng và mức độ sẵn sàng của FMS so với đường dây cố định. Vì vậy, kể cả khi cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, cung cấp dịch vụ Di động thay thế Cố định rộng rãi ở các vùng đô thị khó có thể xảy ra trong tương lai.

Nếu tính đến các lợi thế về giá cước và chi phí của các dịch vụ cố định và tính nhạy cảm cao về giá tại Việt Nam so với các nước có thu nhập cao, thị phần khách hàng FMC sẽ có thể cao hơn FMS. Tuy nhiên đây chỉ là một xu hướng tương đối, sức mạnh thực sự của FMC và FMS phụ thuộc nhiều vào giá cước hiện có, máy đầu cuối và cách định giá dịch vụ FMC cũng như mức độ cạnh tranh của các đối thủ.

4. Kết luận

Theo những phân tích và dẫn chứng trên đây, hội tụ cố định - di động dường như vừa xa xôi, vừa rất hiện thực, tùy theo quan điểm và cách triển khai trên từng thị trường. Trên bình diện thế giới, việc tìm kiếm các dịch vụ ăn khách, các mô hình kinh doanh phù hợp cho hội tụ là vấn đề lớn và còn thách thức. Tuy vậy, ở rất nhiều nơi, hội tụ lại là thực tế. Ở một mức đơn giản nhưng dễ nhận biết là sự hội tụ về kinh doanh, về tổ chức theo hướng tích hợp, sau đó là hội tụ về công nghệ và dịch vụ khách hàng.

Tại Việt Nam, dường như hội tụ cố định – di động (FMC) hay cạnh tranh thay thế mạng cố định (FMS) đang phát triển nhanh hơn so với các thị trường có cùng mức độ phát triển. Quan điểm và phản ứng của các tác nhân trên thị trường về vấn đề này sẽ là mối quan tâm sát sườn của từng doanh nghiệp và của cả các cơ quan quản lý nhà nước.

Tài liệu tham khảo

[1]. ITU-T Q.1761 “Principle and Requirements for Convergence of Fixed and Existing IMT-2000 Systems”.

[2]. M. V. Upadhayay, “Fixed Mobile Convergence”, White Paper.

[3]. J. V. Srivastava, M. Finger, “Fixed to Mobile Convergence (FMC): technological convergence and the restructuring of the European telecommunications industry”, SPRU 40th Anniversary Conference, Brighton, UK, September 11-13, 2006.

[4]. “FMC Market View”, Qualcomm Incorporated, December 2007.

[5]. “Evolution towards converged services and networks”, Ericsson White Paper, April 2005.

[6]. “Fixed-Mobile Convergence: Let’s keep it simple”, Nokia White Paper.

[7]. “Why Fixed Mobile Convergence?”, Nortel White Paper.

[8]. Fixed Mobile Convergence Association, www.thefmca.com

[9]. Total Telecom, February 2008.

Tin nổi bật