Đối mới Bưu điện Văn hóa xã trong thời kỳ cạnh tranh

Bùi Xuân Chung

Bài viết này trình bày những cơ hội và thách thức trong phát triển Điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐ-VHX) khi Việt Nam đã hội nhập, thị trường Viễn thông Việt Nam đã mở cửa cạnh tranh.

Điểm Bưu điện Văn hóa xã Lao và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang (Ảnh: YM)

 I. BĐ-VHX xã trong thời kỳ bao cấp chéo

1. Tại sao có BĐ-VHX

Tính đến năm 2009 đã trải qua 11 năm, kể từ khi thị trường Viễn thông có những thay đổi và phát triển vượt bậc, điều đó được minh chứng qua sự gia tăng số lượng thuê bao điện thoại và các nhà khai thác Viễn thông. Trong Nghị định 51/CP ngày 01/08/1995 của Chính phủ về phê chuẩn Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Chính phủ giao về nguyên tắc thực hiện nhiệm vụ công ích cho VNPT: “có nghĩa vụ đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, phục vụ quốc phòng, an ninh, ngoại giao và các yêu cầu thông tin liên lạc khẩn cấp; bảo đảm các dịch vụ Bưu chính, Viễn thông cơ bản trong cả nước, kể cả vùng xa xôi hẻo lánh”.

Như vậy, trách nhiệm xây dựng và phát triển BĐ-VHX là thuộc về VNPT, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Viễn thông duy nhất lúc đó, là hoàn toàn hợp lý.

2. BĐ-VHX là của ai?

Xét về bản chất nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công nói chung và đầu tư BĐ-VHX thuộc về Nhà nước. Trong giai đoạn đó, Nhà nước sử dụng lực lượng tài chính của mình là các doanh nghiệp Nhà nước để thực hiện cung cấp dịch vụ công. Những khoản đầu tư cho BĐ-VHX là cần thiết, bởi lẽ đây là nơi tuyên truyền đường lối, chính sách và duy trì văn hóa thông tin tại các vùng sâu vùng xa đồng thời góp phần ổn định an ninh quốc phòng tại các vùng sâu, vùng xa.

Như vậy, hệ thống BĐ-VHX được hình thành trên cơ sở chính sách phát triển của Chính phủ, nên cũng có thể hiểu đây là các tài sản của Nhà nước đặt tại doanh nghiệp. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống BĐ-VHX là một thách thức được đặt ra trong thời gian tới. Bởi lẽ, nếu việc cung duy trì BĐ-VHX nếu dừng ở mức đơn vị cung cấp VNPT thì sẽ thiếu tính xã hội hóa trong phát triển hệ thống BĐ-VHX.

II. Tại sao cần đổi mới BĐ-VHX trong thời kỳ mở cửa cạnh tranh

1. Những điểm mạnh của chủ trương phát triển BĐ-VHX

Thứ nhất, quan điểm phát triển BĐ-VHX thể hiện nội dung của một chính sách công hướng đến và phục vụ đời sống của nhân dân, đặc biệt là nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, chủ trương thể hiện cam kết và quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ phát triển kinh tế xã hội đến hơn 70% dân số Việt Nam.

2. Kinh nghiệm quốc tế

a. Kinh nghiệm từ cải cách Viễn thông và phát triển dịch vụ Viễn thông công ích của Mông Cổ

Mông Cổ được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) giúp đỡ trong tái cơ cấu thị trường Viễn thông trong đó có Viễn thông công ích, trong đó hai nội dung quan tâm nhất là:

Thứ nhất, điểm chuyển đổi giữa dịch vụ truy nhập (Universal access -UA) và dịch vụ phổ cập (Universal Service - US) là từ 30 máy/100 dân. Điều này gợi ý cho việc phổ cập nội dung và các dịch vụ tại các điểm BĐ-VHX chỉ khả thi với các vùng có mật độ thuê bao điện thoại trên 100 dân lớn hơn 30 thuê bao.

Hình 1. Điểm chuyển tiếp giữa UA và US

Thứ hai, mức độ hỗ trợ phải đảm bảo vượt qua mức lỗ, thời gian hỗ trợ ổn định trong thời gian 10 năm (Hình 2). Đây là cơ sở để các Nhà khai thác tập trung đầu tư và có đủ thời gian thu hồi vốn.

b. Kinh nghiệm của hợp tác IFC và Indonesia trong phát triển các dự án Viễn thông công ích

Danh mục dự án phát triển điểm truy nhập công cộng được Công ty Tài chính quốc tế  (International Finance Corporation- IFC) của Ngân hàng thế giới (WB) tư vấn phát triển như danh mục dự án rủi ro. Theo đó, các Nhà khai thác sẽ đấu thầu phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ nhưng họ phải đảm bảo duy trì điểm truy nhập (BĐ-VHX) với các yêu cầu về quy mô và thời gian phục vụ.

Hình 2. Thời gian và mức hỗ trợ đối với dịch vụ Viễn thông công ích

Kinh nghiệm này dẫn đến sự tách bạch giữa đầu tư và vận hành đem lại cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của BĐ-VHX. Dựa vào thị trường và hình thức đầu thầu để đầu tư mới phát triển các điểm BĐ-VHX, bên cạnh đó hình thức đấu thầu vận hành có hình thức giống như việc chia sẻ cơ sở hạ tầng cũng là cơ sở duy trì và vận hành các điểm BĐ-VHX một cách hiệu quả.

III. Mô hình cho sự đổi mới

1. Mô hình gia tốc đầu tư

Mô hình gia tốc đầu tư có thể hiểu theo hai cách:

- Trong xác định quy mô đầu tư cần xác định mức đầu tư của Nhà nước đảm bảo đủ để tạo tiền đề cho xã hội thực hiện đầu tư, thông thường trường hợp này sẽ đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

- Trong việc luân chuyển vốn và đảm bảo thu hồi vốn và phát triển bền vững cho các dự án công, khoản đầu tư ban đầu sẽ được thu hồi và luân chuyển vào dự án khác hoặc vùng khác. Một hình ảnh lan truyền, áp dụng thí điểm rồi đến quy mô diện rộng trên cơ sở quay vòng khoản vốn đầu tư để hạn chế và quản trị được rủi ro trong đầu tư cho Viễn thông công ích.

Mô hình khẳng định đầu tư Nhà nước có tính kích cầu trong phát triển kinh tế đất nước chứ không thay thế hoàn toàn được đầu tư xã hội. Trong thực tế, hình thức này sẽ chuyển từ mô hình cấp phát sang đầu tư để thu hồi vốn và luân chuyển và các dự án khác, nhờ đó vốn nhà nước không mất đi mà được lớn mạnh và luân chuyển vào các dự án khác để phục vụ mục tiêu phát triển khác của Chính phủ.

Về mặt kỹ thuật, ngoài vận tốc thì gia tốc phản ánh đầy đủ các thông số kỹ thuật của chuyển động gống như việc xem xét mô hình phát triển bền vững trong kinh tế. Như vậy mô hình gia tốc đầu tư là luận cứ quan trọng để phát triển BĐ-VHX một cách bền vững.

2.Vận dụng với trường hợp BĐ-VHX

Trong 8000 điểm BĐ-VHX Nhà nước đã đầu tư, Nhà nước nên chọn các điểm đủ điều kiện để tiếp tục đầu tư (Có thể là 1000 hoặc theo số khảo sát thực tế) để ngày nào đó đây là nhân tố hay “gia tốc” để phục hồi lại số lượng điểm BĐ-VHX lớn hơn 8000 điểm trước đây.

Hiện nay Nhà nước đang thực hiện việc kích cầu, cũng là thời điểm hợp lý xem xét lại mô hình BĐ-VHX.

IV. Gợi ý về kỹ thuật xây dựng báo cáo khả thi trong tái cấu trúc BĐ-VHX

Nhân tố sử dụng để đánh giá tính khả thi trong đầu tư BĐ-VHX gồm: Nhu cầu về thông tin tại vùng dự án, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tài chính, điều kiện hạ tầng Viễn thông tại vùng dự án… Hệ thống các nhân tố được thiết lập theo các tiến trình cơ bản trong Hình 3.

Hình 3. Tiến trình phát triển và xác định tính khả thi BĐ-VHX

Nhờ việc xác lập và tách đoạn các giai đoạn phát triển khác nhau gắn với nhu cầu về BĐ-VHX sẽ tránh được tính phong trào, nâng cao tính khả thi và hoàn vốn tại các điểm BĐ-VHX.

Thông qua việc xây dựng mô hình khả thi sẽ tính toán mức hỗ trợ cần thiết trên cơ sở kết hợp với đấu thầu và thị trường hóa cúng cấp dịch vụ cơ bản tại BĐ-VHX, nhờ vậy phần vốn đầu tư vào BĐ-VHX sẽ luân chuyển và đầu tư vào khu vực khác sau khi thị trường đã đảm nhận được việc duy trì điểm BĐ-VHX.

Một cách nhìn xa hơn, đây chính là tiền đề trong việc hình thành thị trường công trong lĩnh vực Viễn thông công ích gắn với mục tiêu của Chính phủ và nhu cầu của hơn 70% dân số Việt Nam./.


Tin nổi bật