Pháp luật giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam hiện nay (Bài 3)

Dương Quốc Huy, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần Hoài Văn

 - Về hình thức trọng tài

Các bên trong tranh chấp kết nối Viễn thông có thể lựa chọn Trọng tài vụ việc (ad-hoc) hoặc Trọng tài thường trực (hoạt động thường xuyên). Điều 19, Pháp lệnh quy định: “Các bên có quyền lựa chọn Trung tâm Trọng tài hoặc Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập để giải quyết vụ tranh chấp theo quy định về tố tụng trọng tài của trung tâm này”. Hình thức trọng tài ad-hoc khá đơn giản, thời gian tiến hành tố tụng có thể nhanh chóng và ít tốn kém, phù hợp với tranh chấp nhỏ, giữa các bên đương sự có am hiểu về luật pháp, dày dạn trên thương trường và có kinh nghiệm tranh tụng và không bị giới hạn về phạm vi lựa chọn trọng tài viên. Bên cạnh trọng tài ad-hoc, còn có loại hình trọng tài thường trực. Xét về bản chất, trọng tài thường trực là sự pha trộn giữa toà án và trọng tài vụ việc. Cũng được quyền lựa chọn trọng tài viên như trọng tài vụ việc nhưng các DN Viễn thông chỉ được lựa chọn trong danh sách có sẵn của Trung tâm trọng tài (Điều 25, Pháp lệnh trọng tài thương mại). Mặt khác đối với trọng tài thường trực các DN Viễn thông buộc phải tuân theo các quy chế xét xử của từng Trung tâm  trọng tài.

Ảnh minh họa: telecoms.com

Để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông bằng trọng tài, các bên phải tuân theo trình tự, thủ tục sau đây:

Bước 1: Nguyên đơn phải làm đơn kiện gửi Trung tâm trọng tài. Kèm theo đơn kiện là bản chính hoặc bản sao thoả thuận trọng tài, bản chính bản sao các tài liệu chứng cứ, bản sao phải có chứng thực hợp lệ.

Bước 2: Trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao đơn kiện của nguyên đơn và những tài liệu chứng cứ kèm theo mà nguyên đơn đã gửi (trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn kiện).

Bước 3: Bị đơn gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ (Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn kiện và các tài liệu có liên quan).

Bước 4: Nguyên đơn phải nộp tạm ứng phí trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác. Bước 5: Thành lập hội đồng trọng tài và lựa chọn trọng tài viên.

Bước 6: Giải quyết vụ việc.

Trọng tài viên có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, ngoài ra có thể nghe các bên trình bày ý kiến, yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ, các bằng chứng và tài liệu khác có liên quan hoặc cũng có thể tìm hiểu sự việc từ người thứ ba. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng trọng tài có thể tự mình thu thập chứng cứ, mời giám định theo yêu cầu của một hoặc các bên (Điều 31, 32 Pháp lệnh). Trong quá trình hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại thì các bên có quyền làm đơn đến toà án cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài thụ lý vụ tranh chấp yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 33, Pháp lệnh). Ngoài ra, trong quá trình tố tụng, các bên cũng có thể tự tiến hành hoà giải hoặc yêu cầu hội đồng trọng tài tiến hành hoà giải, nếu hoà giải thành thì chấm dứt quá trình tố tụng (Điều 37 Pháp lệnh).

Phiên họp giải quyết tranh chấp là nơi diễn ra quá trình tranh tụng, theo đó các bên tranh chấp phải phát biểu và trả lời các câu hỏi của hội đồng trọng tài. Phiên họp giải quyết tranh chấp không công khai, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp. Các bên có quyền mời nhân chứng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự phiên họp. Trường hợp được các bên yêu cầu, hội đồng trọng tài có thể căn cứ vào hồ sơ để giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên. Hội đồng trọng tài phải lập biên bản phiên họp giải quyết tranh chấp, đây là văn bản ghi nhận tiến trình của thủ tục trọng tài, cũng như nội dung của quá trình tranh luận (Điều 38, 39, 40, 43 Pháp lệnh). Hội đồng trọng tài phải đảm bảo đủ thời gian để tranh luận, các bên có thể trình bày quan điểm và đưa ra chứng cứ chứng minh cho lập luận của mình. Hội đồng trọng tài có thể đặt câu hỏi để làm rõ một số điểm. Phiên họp giải quyết tranh chấp là một thủ tục bắt buộc của quá trình tố tụng. Vì vậy, việc hội đồng trọng tài từ chối tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp có thể bị coi như sự vi phạm quy tắc giải quyết và có thể dẫn đến việc toà án từ chối công nhận hoặc thi hành quyết định trọng tài.

Quyết định trọng tài là quyết định do hội đồng trọng tài đưa ra để giải quyết mâu thuẫn trong vụ tranh chấp. Quyết định trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số (trừ trường hợp do trọng tài viên duy nhất giải quyết). Quyết định trọng tài có thể được công bố ngay tại phiên họp cuối cùng hoặc sau đó, nhưng chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng (Điều 45 Pháp lệnh).

Thi hành quyết định trọng tài: Khoản 1, Điều 57 Pháp lệnh quy định, sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định trọng tài, nếu một bên không tự nguyện thi hành, cũng không yêu cầu huỷ theo quy định tại Điều 50 của Pháp lệnh này, bên được thi hành quyết định trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi có trụ sở của bên phải thi hành, thi hành quyết định trọng tài.

Một điểm cần lưu ý khi đưa vụ tranh chấp kết nối Viễn thông ra Trọng tài là quá trình giải quyết của Trọng tài có vai trò hỗ trợ và giám sát của Tòa án. Trọng tài vốn không phải là cơ quan tư pháp của nhà nước, nên không có thẩm quyền cưỡng chế. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ của toà án, thì trọng tài nhất định không thể giải quyết tranh chấp tốt, thậm chí quyết định trọng tài cũng khó có thể thi hành được. Mặt khác, sự giám sát của toà án với tư cách là cơ quan công quyền đối với hoạt động trọng tài có thể làm cho các bên trong tranh chấp yên tâm hơn khi lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp. Hoạt động hỗ trợ của Toà án thể hiện ở một số mặt sau đây:

Thứ nhất, Toà án hỗ trợ trong việc thi hành thoả thuận trọng tài. Khi vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại toà án thì toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu (Điều 5 Pháp lệnh). Trong trường hợp sau khi thụ lý vụ án, toà án mới phát hiện được vụ tranh chấp đó các bên đã có thoả thuận trọng tài, thì toà án căn cứ vào quy định tương ứng của pháp luật tố tụng ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn kiện và các tài liệu gửi kèm theo cho đương sự (Nghị quyết 05/2003/NQ-HĐTP).

Thứ hai, Toà án hỗ trợ các bên trong việc lựa chọn trọng tài viên. Việc lựa chọn này là quyền của các bên. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng có thể tự lựa chọn được hoặc cùng nhau thống nhất lựa chọn một trọng tài viên hay lựa chọn trọng tài viên thứ ba làm Chủ tịch hội đồng trọng tài. Trong những trường hợp như vậy, để các bên có thể thành lập hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp, thì sự hỗ trợ của toà án đối với các bên trong việc lựa chọn là hết sức cần thiết. Ngoài ra, trong quá trình tố tụng, các bên có yêu cầu thay đổi trọng tài viên và họ phải  từ chối giải quyết vụ tranh chấp trong các trường hợp do pháp luật quy định (khoản 1, Điều 27). Trong trường hợp không quyết định được hoặc nếu hai hay trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết thì đối với vụ tranh chấp do hội đồng trọng tài được các bên thành lập giải quyết, theo yêu cầu của nguyên đơn, toà án tỉnh nơi bị đơn có trụ sở quyết định và quyết định này là chung thẩm (Điểm b, Khoản 4 Điều 27, Pháp lệnh).

Thứ ba, Toà án xem xét lại quyết định của hội đồng trọng tài về tính hợp pháp của thoả thuận trọng tài, về thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp (Điều 30 Pháp lệnh). Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, không phải mọi thoả thuận trọng tài đều được thể hiện một cách chuẩn xác theo đúng các quy định của pháp luật, do đó các bên không tránh khỏi các tranh chấp phát sinh liên quan đến hiệu lực của thoả thuận trọng tài như tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu. Trong trường hợp đó, Toà án là cơ quan thực hiện nhiệm vụ giải quyết. Điều 30 Pháp lệnh, trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, nếu có đơn khiếu nại của một bên về việc hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp; vụ tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu, hội đồng trọng tài phải xem xét, quyết định với sự có mặt của các bên, trừ trường hợp các bên có yêu cầu khác. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của hội đồng trọng tài, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của hội đồng trọng tài, các bên có quyền yêu cầu toà án cấp tỉnh, nơi hội đồng trọng tài đã ra quyết định, xem xét lại quyết định của hội đồng trọng tài. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Chánh án toà án giao cho một Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 10, kể từ ngày được giao, Thẩm phán phải xem xét, quyết định.

Thứ tư, Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Điều 33, Pháp lệnh có quy định, trong quá trình hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, thì các bên có quyền làm đơn đến toà án cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài thụ lý vụ tranh chấp yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời như: Bảo toàn chứng cứ trong trường hợp chứng cứ đang bị tiêu huỷ hoặc có nguy cơ bị tiêu huỷ; Kê biên tài sản tranh chấp; Cấm chuyển dịch tài sản tranh chấp; Cấm thay đổi kê biên và niêm phong tài sản ở nơi gửi giữ; Kê biên và niêm phong tài sản ở nơi gửi giữ; Phong toả tài khoản tại ngân hàng.

Thứ năm, Toà án có quyền huỷ quyết định trọng tài. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trọng tài, nếu một trong các bên không đồng ý với quyết định trọng tài thì có quyền làm đơn gửi toà án cấp tỉnh, nơi hội đồng trọng tài ra quyết định trọng tài, yêu cầu huỷ quyết định trọng tài (Điều 50 Pháp lệnh). Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý, Chánh án toà án chỉ định một hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa và phải mở phiên toà xét đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài. Tòa án ra quyết định huỷ quyết định trọng tài, nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng hội đồng trọng tài đã ra quyết định trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau: Không có thoả thuận trọng tài; Thoả thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh; Thành phần hội đồng trọng tài, tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên theo quy định của Pháp lệnh này; Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài; Bên yêu cầu chứng minh được trong quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ pháp luật quy định; Quyết định trọng tài trái với lợi ích công cộng của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Thứ sáu, Toà án hỗ trợ trọng tài trong việc lưu giữ hồ sơ. Đối với việc giải quyết vụ tranh chấp do Trung tâm trọng tài tổ chức thì đương nhiên hồ sơ, quyết định trọng tài, biên bản hoà giải.v.v…được lưu trữ tại Trung tâm. Tuy nhiên, đối với hình thức trọng tài vụ việc, sau khi giải quyết tranh chấp, hội đồng trọng tài tự giải tán, vì vậy cần phải có một cơ quan lưu giữ hồ sơ của vụ tranh chấp này. Cơ quan đó chính là toà án cấp tỉnh, nơi hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết tranh chấp. Khoản 2, Điều 48 Pháp lệnh có quy định, đối với việc giải quyết tranh chấp tại hội đồng trọng tài do các bên thành lập, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố quyết định trọng tài hoặc biên bản hoà giải, hội đồng trọng tài phải gửi quyết định trọng tài, biên bản hoà giải kèm theo hồ sơ giải quyết vụ tranh chấp cho toà án cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài ra quyết định trọng tài hoặc lập biên bản hoà giải để lưu trữ.

- Thi hành quyết định trọng tài về việc giải quyết vụ tranh chấp kết nối

Trọng tài là cơ quan tài phán phi chính phủ, các quyết định của trọng tài không nhân danh quyền lực nhà nước, vì vậy không đương nhiên được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế nhà nước. Tuy nhiên, khi Nhà nước đã thừa nhận sự tồn tại của trọng tài thì Nhà nước cần phải có cơ chế bảo đảm việc thực thi các quyết định trọng tài.

Tại Việt Nam, Pháp lệnh trọng tài thương mại quy định, quyết định trọng tài không những có tính chất chung thẩm, mà còn được cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh cưỡng chế thi hành khi bên thua kiện không thực hiện nghĩa vụ của mình một cách tự nguyện, mà không cần phải thông qua thủ tục toà án phê chuẩn. Điều 57 Pháp lệnh quy định: “Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định trọng tài, nếu một bên không tự nguyện thi hành, cũng không yêu cầu huỷ theo quy định tại Điều 50 của Pháp lệnh, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án cấp tỉnh nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành, thi hành quyết định trọng tài.” Như vậy, DN Viễn thông được thi hành quyết định giải quyết tranh chấp kết nối của Trọng tài có quyền yêu cầu thi hành án cấp tỉnh cưỡng chế thi hành.

Một số ưu điểm của hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông bằng trọng tài đó là: Tính mềm dẻo trong việc giải quyết, sự đảm bảo bí mật kinh doanh, thời gian giải quyết được rút ngắn và đặc biệt là sau khi giải quyết các bên vẫn giữ được mối quan hệ tốt. Điều này phù hợp với một trong những đặc điểm nổi bật của tranh chấp kết nối Viễn thông so với tranh chấp thương mại thông thường: Tranh chấp để cùng tồn tại, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, cũng cùng chung tình trạng với Bộ luật tố tụng dân sự và Luật cạnh tranh, Pháp lệnh trọng tài thương mại, cho đến thời điểm này, chưa có vụ tranh chấp kết nối Viễn thông nào được đưa ra giải quyết tại Trọng tài.

4. Pháp lệnh BCVT và những văn bản hướng dẫn thi hành - Pháp luật chuyên ngành giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông

Pháp lệnh BCVT được Quốc Hội thông qua ngày 07/6/2002, là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực Viễn thông hiện nay. Pháp lệnh BCVT không chỉ chứa đựng những quy định mang tính hình thức, mà bao gồm cả những quy định về nội dung kết nối. Thực tiễn giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông thời gian qua cho thấy, Pháp lệnh BCVT và Nghị định 160/2004/NĐ-CP là hai văn bản duy nhất được các bên áp dụng vào giải quyết tranh chấp phát sinh.

Liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp kết nối mạng Viễn thông, Điểm c, Khoản 2, Điều 43, PL BCVT quy định: “Các DN Viễn thông tiến hành đàm phán, ký kết thoả thuận kết nối...; trường hợp các bên không đạt được thoả thuận kết nối theo thời hạn quy định hoặc có tranh chấp trong việc thực hiện thoả thuận kết nối, thể theo đề nghị của một trong các bên tham gia kết nối, CQQL nhà nước về BCVT tổ chức hiệp thương giữa các bên, nếu sau hiệp thương các bên vẫn không đạt được thoả thuận thì CQQL nhà nước về BCVT xem xét, quyết định”. Với tư cách là một thứ “hiến pháp” trong lĩnh vực Viễn thông, liên quan đến tranh chấp kết nối mạng Viễn thông, Pháp lệnh BCVT chỉ đưa ra những nguyên tắc chung về giải quyết tranh chấp mà không quy định cụ thể trình tự, thủ tục, do vậy, việc áp dụng vào vụ tranh chấp là không thực tế.

Để chi tiết hoá Pháp lệnh BCVT, ngày 03/9/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 160/2004/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Pháp lệnh BCVT về Viễn thông (NĐ160). NĐ160 gồm 12 Chương, 65 Điều, chủ yếu hướng dẫn các nội dung liên quan đến khía cạnh kỹ thuật Viễn thông, Internet... Liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về kết nối Viễn thông, NĐ 160 đã hướng dẫn chi tiết hơn một số vấn đề đã được đề cập trong Pháp lệnh BCVT. Cụ thể là, tại Chương X, Nghị định 160/2004/NĐ-CP (Điều 59 và Điều 60) quy định về “Giải quyết tranh chấp”, trong đó chứa đựng những quy định về giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông:

Một là, hình thức giải quyết tranh chấp bao gồm: 1/ Thương lượng (Khoản 1, Điều 59, NĐ 160); 2/ Hiệp thương (Điều 60, NĐ 160); 3/ Khiếu nại (Điểm b, Khoản 2, Điều 60, NĐ 160); 4/ Khởi kiện (Điểm b, Khoản 2, Điều 60, NĐ 160).

Hai là, Bộ BCVT (Khoản 1, 2, Điều 60, NĐ 160) hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Khoản 2, Điều 59, NĐ 160) là những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Ba là, thủ tục giải quyết liên quan đến thỏa thuận kết nối được quy định tại  Điều 60 NĐ 160, theo đó, các bên có quyền yêu cầu Bộ BCVT giải quyết; Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp của DN, Bộ BCVT phải xem xét vụ việc. Nếu không giải quyết, Bộ BCVT có trách nhiệm giải trình rõ lý do. Trường hợp giải quyết thì tiến hành theo các bước sau đây: 1/ Trong thời hạn chậm nhất 60 ngày, kể từ ngày quyết định giải quyết tranh chấp, Bộ BCVT phải tổ chức hiệp thương; 2/ Sau khi hiệp thương, nếu các bên không thỏa thuận được với nhau, Bộ BCVT sẽ quyết định vụ việc trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày kết thúc hiệp thương; 3/ Nếu chưa thỏa đáng, các bên có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc đưa vụ việc ra tòa.

Những quy định trong Pháp lệnh và NĐ 160 trên đây đã được áp dụng để giải quyết một số vụ tranh chấp. Tuy nhiên, quá trình giải quyết này bộc lộ nhiều bất cập, do vậy, ngày 26/4/2006, Bộ trưởng Bộ BCVT đã ký quyết định số 12/2006/QĐ-BBCVT ban hành kèm theo Quy định về việc thực hiện kết nối giữa những mạng Viễn thông công cộng, trong đó có chi tiết hóa trình tự giải quyết tranh chấp kết nối. Quyết định gồm 5 Chương: Quy định chung; Đảm bảo dung lượng kết nối; Báo cáo việc thực hiện kết nối; Giải quyết tranh chấp và điều khoản thi hành. Kèm theo Quyết định là 5 Phụ lục, đưa ra những tiêu chí làm cơ sở cho quá trình xem xét giải quyết tranh chấp, đó là: Phương pháp tính tổng dung lượng kết nối liên mạng; Mẫu biểu báo cáo đột xuất theo các hướng kết nối hoặc tại một điểm kết nối cụ thể; Mẫu biểu báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình thực hiện các Hợp đồng cung cấp dung lượng kết nối với các doanh nghiệp khác; Tiêu chí xác định mức độ sử dụng hiệu quả tuyến trung kế kết nối và quy trình xác định năng lực dư thừa của tổng đài kết nối, tiến độ bổ sung cổng kết nối dư thừa chống nghẽn kết nối; Tiêu chí xác định nghẽn kết nối và quy trình, tiến độ thực hiện bổ sung dung lượng kết nối. Theo quy định của ba văn bản pháp luật kể trên, Hiệp thương được thừa nhật là một trong những hình thức giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Để vụ việc được giải quyết theo trình tự này, trước tiên DN Viễn thông yêu cầu phải có Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp gửi Tổ Kết nối, Bộ BCVT (Nay là Bộ TT&TT). Hồ sơ bao gồm: Công văn đề nghị giải quyết tranh chấp; Các chứng cứ, tài liệu về kinh tế, kỹ thuật liên quan kèm theo; Các kiến nghị, đề xuất (Điều 11, QĐ 12/2006/QĐ-BBCVT). Trên cơ sở Hồ sơ này, Tổ Kết nối quyết định tiến hành giải quyết tranh chấp hoặc từ chối giải quyết tranh chấp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hồ sơ khiếu nại hợp lệ hoặc văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp của DN. Trường hợp nội dung Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Tổ Kết nối, Tổ Kết nối có trách nhiệm trả lời DN bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và các hướng dẫn (nếu có) cho DN. Trường hợp quyết định giải quyết tranh chấp, Tổ Kết nối sẽ tiến hành theo 4 bước sau: Bước 1: Xác minh tính hợp lệ, các nội dung trong Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp; Bước 2: Tổ Kết nối tổ chức hiệp thương giữa các bên; Bước 3: Tổ Kết nối ra thông báo hoặc quyết định giải quyết tranh chấp; Bước 4: Thi hành thông báo và quyết định giải quyết tranh chấp.

Trường hợp DN không nhất trí với nội dung được yêu cầu trong thông báo và quyết định giải quyết tranh chấp của Tổ Kết nối, DN có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ TT&TT để được xem xét, giải quyết. Trong thời gian tiếp tục yêu cầu và chờ đợi việc giải quyết tranh chấp tiếp theo, các bên có trách nhiệm chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp của Tổ Kết nối. Nếu DN không nhất trí với quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ TT&TT, DN có thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện ra toà để được giải quyết theo các quy định của pháp luật (Khoản 3, Điều 60 NĐ 160/NĐ-CP). Trong thời gian tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện ra toà hai bên vẫn phải chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp của Bộ TT&TT.

Như vậy, hiệp thương thực chất là hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba. Là trường hợp đặc biệt của hình thức trung gian hòa giải, trong đó, bên tổ chức hiệp thương (bên đứng ra hòa giải) là CQQL nhà nước về Viễn thông - Bộ TT&TT.

Trên thế giới, hoà giải tranh chấp kết nối Viễn thông thường xuất hiện ba dạng. Thứ nhất là CQQL về Viễn thông trực tiếp đứng ra hoà giải (như trường hợp hiệp thương tại Việt Nam hiện nay), thứ hai là CQQL nhà nước về Viễn thông chỉ định, tìm kiếm hoặc thuê một bên hoà giải thứ ba để giải quyết tranh chấp và thứ ba là những tổ chức, cá nhân hoà giải độc lập được các bên đồng ý đề nghị tham gia quá trình giải quyết tranh chấp. Tại một số nước, vụ tranh chấp kết nối không được cơ quan giải quyết thụ lý nếu các bên chưa tiến hành tìm kiếm một bên đứng ra hòa giải vụ việc. Trong giải quyết tranh chấp thông qua trung gian hoà giải, bên trung gian thường kéo các bên về với bản chất của tranh chấp và những mâu thuẫn cơ bản nhất cần giải quyết, trên cơ sở hài hoà hoá lợi ích giữa các bên khi mâu thuẫn được giải quyết, bên trung gian sẽ đề xuất phương án tối ưu nhất để các bên lựa chọn.

Ưu điểm của hình thức hiệp thương giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông thể hiện ở một số điểm dưới đây:

Thứ nhất, Bộ TT&TT dựa trên lợi ích của các bên liên quan để giải quyết thay vì dựa vào vị thế. Những động cơ tiềm ẩn bên trong, những mâu thuẫn về tài chính, về nhân sự, về điều hành hay cơ cấu tổ chức sẽ được làm sáng tỏ, tạo cơ sở cho việc đưa ra những giải pháp đúng đắn, phù hợp với các bên. Thông thường, Bộ TT&TT sẽ chỉ rõ cho các bên thấy được lợi ích của giải pháp giải quyết tranh chấp thay vì chi phí cả hai sẽ phải bỏ ra nếu tiếp tục kéo dài thời gian tranh chấp. Đây là khác biệt cơ bản giữa hình thức thoả thuận và hình thức hiệp thương. Trên cơ sở lợi ích của các bên, Bộ TT&TT sẽ đưa ra phương án giải quyết vừa phù hơp với quy định pháp luật, vừa đảm bảo lợi ích các bên và lợi ích chung toàn xã hội. Có lẽ đây cũng là điểm mà bên tranh chấp, đặc biệt là DN mới tham gia thị trường kỳ vọng vào vai trò của Bộ BCVT.

Thứ hai, chi phí mà các bên phải trả so với chi phí ra trọng tài, hoặc toà án hay CQQL cạnh tranh là thấp hơn rất nhiều.

Thứ ba, việc giải quyết được thực hiện theo 2 cấp: Tổ công tác kết nối và Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Thứ tư, nghĩa vụ chứng minh, giải quyết vụ việc sẽ do các bên và Tổ kết nối cùng thực hiện.

Thứ năm, thời gian giải quyết tối đa theo quy định tại NĐ 160 là 120 ngày (30 ngày thụ lý Hồ sơ, 60 ngày hiệp thương, 30 ngày Quyết định vụ việc). Theo quy định trong QĐ 12, thời gian thụ lý hồ sơ giảm xuống còn 10 ngày, do đó, tổng thời gian giải quyết giảm xuống còn 100 ngày. Quy trình 100 ngày có thể được lặp lại không giới hạn hoặc đưa ra Tòa án.

Những ưu điểm này đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn so với hình thức trung gian hòa giải khác hoặc so với hình thức thoả thuận. Cho đến thời điểm này, tất cả các vụ tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam đều được DN Viễn thông lựa chọn trình tự này để giải quyết như phương án lựa chọn đầu tiên và duy nhất.

5. Thỏa thuận để giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam

Thoả thuận là hình thức giải quyết tranh chấp không có sự xuất hiện của bên thứ ba (trừ trường hợp bên thứ ba tham gia với tư cách đại diện cho một trong hai bên). Trong tiếng Anh, người ta sử dụng từ “Negotiation” để diễn đạt hình thức giải quyết tranh chấp này. Tuy nhiên, khi chuyển tải sang tiếng Việt chưa có sự thống nhất, có tài liệu, văn bản pháp luật dịch là thoả thuận, có tài liệu dịch là thương lượng. Trên thực tế, thương lượng và thoả thuận đều có nghĩa như nhau, cùng diễn tả hình một thức giải quyết tranh chấp, trong đó chỉ có sự tham gia của các bên trong tranh chấp.   

Ưu điểm của hình thức thoả thuận thể hiện ở sự đơn giản, chủ động trong thủ tục, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và đảm bảo bí mật kinh doanh. Giải quyết tranh chấp bằng hình thức thoả thuận, nếu được sự nhất trí của các bên, cam kết sẽ được tôn trọng thực hiện triệt để và giữ được mối quan hệ hòa khí với nhau. Một ưu điểm nữa của hình thức thoả thuận là các bên có thể chủ động về thời gian, nhân lực.v.v..trong quá trình giải quyết tranh chấp, điều này cũng rất có ý nghĩa đối với một chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Tuy nhiên, không phải tranh chấp nào cũng có thể giải quyết bằng thỏa thuận, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: mối quan hệ thân thiện của các bên từ trước đến nay, tính chấp của tranh chấp (phức tạp hay đơn gian, căng thăng hay bình thường) v.v... Bên cạnh ưu điểm, giải quyết tranh chấp kết nối thông qua hình thức thoả thuận thường mắc phải một số điểm hạn chế như: Do thiếu chuyên gia pháp lý, nhiều trường hợp việc giải quyết không phù hợp với quy định pháp luật; Bên chiếm vị thế thường lợi dụng để đưa ra những thoả thuận có lợi cho mình; Tính pháp lý của cam kết không cao; các bên phải thiện chí.v.v…    

Trong các văn bản pháp luật về giải quyết tranh chấp kết nối Viễn thông tại Việt Nam, thỏa thuận luôn được coi là nguyên tắc đầu tiên và được khuyến khích. Điều 55, Pháp lệnh BCVT quy định khi xảy ra tranh chấp, trước tiên các bên tiến hành thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được mới giải quyết bằng các hình thức khác. Tinh thần này cũng được ghi nhận tương tự trong Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật cạnh tranh và Pháp lệnh trọng tài thương mại. Ngay kể cả khi thủ tục tố tụng đã được mở, hoặc thậm trí ngay tại phiên tòa (tố tụng dân sự) hoặc phiên điều trần (tố tụng cạnh tranh) nếu các bên đã thỏa thuận được với nhau, hoặc tự nguyện thực hiện thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng công nhận sự thỏa thuận này và đình chỉ việc giải quyết. Không chỉ Việt Nam, thỏa thuận cũng được thừa nhận như một trong những hình thức giải quyết mang tính thay thế (Alternative Dispute Revolution - ADR) trong hệ thống pháp luật nhiều nước trên thế giới. Việc thỏa thuận giải quyết có thể do các bên tự nguyện, hoặc cũng có thể thông qua việc ký kết một hợp đồng. Và cũng giống như Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền các nước cũng thường yêu cầu các bên tự giải quyết trước khi vụ việc được đưa ra giải quyết tại cơ quan đó.3

Thoả thuận đòi hỏi các bên phải thực sự tôn trọng, tự giác và hiểu biết lẫn nhau.

Tài liệu tham khảo

[1]. Đạo luật Viễn thông của Mỹ năm 1996

[2]. Dispute Resolution in the Telecommunications Sector-Current Practices and Future Directions-2004-McCarthy Tétrault LLP.

[3]. Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003

[4]. Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2005.

[5]. Luật cạnh tranh năm 2005

[6]. Pháp lệnh Bưu chính viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh.

Tin nổi bật