Syndicate content

Nghề báo

Bên kia chiến tuyến, báo chí Pháp viết gì về sự kiện Điện Biên Phủ?

Đầu năm 1954, khi nhận thấy thất bại khó tránh khỏi của đội quân viễn chinh Pháp, báo chí Pháp đã ngưng nói về chiến thuật quân sự, mà chuyển sang ca ngợi sự dũng cảm của lính Pháp trong chiến hào.

Theo tìm hiểu của phóng viên Đài THVN tại Trung tâm lưu trữ, Bộ Quốc phòng Pháp, từ cuối năm 1953 cho tới tháng 3 năm 1954, báo chí Pháp đã có nhiều bài ca ngợi chiến thuật của tướng Henri Navarre, cho quân nhảy dù lập cứ điểm tại Điện Biên Phủ.

Tuy nhiên, “từ tháng 3 năm 1954 đến khi Điện Biên Phủ thất thủ, báo chí Pháp đã chuyển hướng tập trung viết về tinh thần quả cảm của lính Pháp tại chiến trường”, ông Alain Ruscio - Nhà sử học Pháp cho hay.

Đặc biệt, có những bài báo các phóng viên còn chuyển sang viết về các cô y tá Pháp xinh đẹp tận tụy chăm sóc binh lính trong các chiến hào chật hẹp đầy bùn đất, hay sự can trường của những lính Pháp bị thương.

Báo Pháp chỉ trở lại đề tài chính khi sự kiện bi thảm diễn ra: Quân Pháp đầu hàng Việt minh. Và nhìn chung, hầu hết tất cả các báo thời đó đều cùng một đầu đề: Điện Biên Phủ thất thủ. Cụ thể:

Ngày 23/4, báo France-Soir đã có bài “Etau siết dần quanh những người lính đang bảo vệ Điện Biên”.

Báo L’Aurore là tờ báo ngày của Pháp, số ra ngày 8/5/1954 có title lớn “Cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ” và viết thêm trong title phụ rằng “Quân Pháp đã hết sách đạn dược trước khi bị thua”.

Báo Người Paris cũng chạy title lớn “Điện Biên Phủ thất thủ. Quân Việt tấn công trong 20 tiếng liên tục”.

Báo Aurore cũng chạy title “Điện Biên Phủ thất thủ”, nhưng vẫn không quên nhấn mạnh “Nước Pháp tự hào về những người anh hùng” ngay phía trên manchette báo.

Tờ Le Figaro, ngay dưới bài báo chính về thất bại của Pháp cũng có bài mô tả tâm trạng các nghị sĩ Pháp khi nghe tin thất trận vào lúc 15h ngày 7/5 tại Paris.

Báo Nhân đạo, ngay cạnh bài “Điện Biên Phủ thất thủ”, đăng tuyên bố của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, nêu quan điểm của cánh tả về việc phải đẩy nhanh đàm phán hoà bình tại Genève.

Trang nhất của tờ báo Công giáo La Croix cũng có bài “Điện Biên Phủ thất thủ làm cả thế giới phải rúng động”.

Trong mùa hè năm 1954, trên báo Pháp có nhiều bài về Hiệp định Geneve về đình chiến tại Đông dương và sự kiện trao trả tù binh. Sau thời điểm đó, báo chí Pháp ít viết về Điện Biên Phủ - một sự kiện bi thảm đã tác động mạnh tới lịch sử nước Pháp trong thế kỷ XX.

Nguồn:vtv.vn

Báo chí Trung Quốc đang nói gì về tình hình trên Biển Đông?

Những ngày này, truyền thông Trung Quốc đang “la làng” lên một cách vô lý đòi Bắc Kinh phải có “hành động mạnh mẽ” hơn trên biển Đông trong khi cố tình lờ đi sự ngang ngược trong chính hành động của mình.

Những ngày qua tàu Trung Quốc liên tục gây hấn trên Biển Đông (ảnh minh họa từ AFP)

Ngày 7/5, Việt Nam tổ chức một cuộc họp báo quốc tế, công bố những hình ảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam, cố tình định neo đậu và cắm giàn khoan trong vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Chiều cùng ngày, các báo Trung Quốc cũng đăng tin Phillipines bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc vì những người này săn rùa biển trong vùng biển đang có tranh chấp căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh.

Ngoài ra, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông. Trước tình hình này, tiêu điểm của hầu hết các báo chí Trung Quốc đều hướng về biển Đông, đặc biệt là những xung đột với Phillippines.

Truyền thông Trung Quốc dẫn các ý kiến chuyên gia của mình, cho rằng những hành động của Phillipines là một trong những “phép thử” của nước này sau chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Wang Xiaopeng, một nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội cho rằng Manila “muốn thử lòng đồng minh Mỹ của mình”.

“Một số nhà nghiên cứu Mỹ đã chỉ ra rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp trên Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh và Washington sẽ không chiến đấu cho Phillipines. Có vẻ như Manila đang cố gắng thử xem những nhận định đó có đúng không”, tờ Thời báo Bắc Kinh dẫn lời nhận định của Wang.

Có cùng quang điểm với Wang, Wu Shicun, chủ tịch của Viện nghiên cứu Biển Đông Quốc gia đã phát biểu với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng “Manila có vẻ đã mạnh bạo hơn trong tranh chấp với Bắc Kinh” sau khi ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Washington.

Mỹ và Phillipines đã ký một thỏa thuận có thời hạn 10 năm, cho phép tăng quy mô của lực lượng Mỹ đồn trú ở Phillipines.

Trước tình thế này, Huang Shengyou, một chuyên gia hàng hải của Trung Quốc đã lớn tiếng kêu gọi chính phủ Trung Quốc phải có những hành động cứng rắn hơn để “ngăn chặn Phillipines”.

“Bất kể Manila có thế lực chống lưng mạnh mẽ đến bao nhiêu, Bắc Kinh vẫn có đủ khả năng để chiến đấu lại… Nếu Phillipines không chịu thả ngư dân sớm, Trung Quốc phải trả đũa và dạy cho Phillipines một bài học”, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời Huang tuyên bố đầy khiêu khích.

“Dạy cho nước đó một bài học” dường như là câu khẩu hiệu "yêu thích" thể hiện sự hung hăng và hiếu chiến của truyền thông Trung Quốc mỗi khi nước này có xung đột với bất kỳ quốc gia nào, trong khi đó, báo chí Singapore đã thẳng thừng “vỗ mặt” Bắc Kinh rằng “Trung Quốc cần phải xem lại chính mình”.

Cùng trên Biển Đông và có phần gay gắt hơn nhiều nhưng những diễn biến về những hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc khi đâm tàu Việt Nam trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam lại xuất hiện rất dè dặt trên mặt báo Trung Quốc.

Lý do của tình trạng này, có thể vì phía Trung Quốc không tìm được bất kỳ "lý do chính đáng" nào để bao biện cho hành động bạo lực của mình trong vùng biển của Việt Nam.

Những ngày qua, các tàu Kiểm Ngư và Cảnh sát Biển của Việt Nam đang nỗ lực để ngăn không cho Trung Quốc đặt giàn khoan khổng lồ của họ trên vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đã có những hành động gây hấn nghiêm trọng như đâm va tàu của Việt Nam nhưng trên mặt báo Trung Quốc chỉ có một vài bình luận lẻ tẻ của các chuyên gia và vài tờ báo của Bắc Kinh.

“Cho đến nay, chúng tôi chỉ nghe được các thông tin từ phía Việt Nam mà không nghe gì nhiều từ phía Trung Quốc”, BBC dẫn lời một phát thanh viên của kênh truyền hình vệ tinh Vân Nam nói.

Song Zhongping, một nhà phân tích quân sự của Trung Quốc, đã “dọa nạt” trên truyền hình rằng “đây là một hành động khiêu khích nghiêm trọng của Việt Nam” và rằng “nếu Việt Nam tiếp tục, Trung Quốc có thể gửi tàu chiến” đến nơi mà họ ngang ngược nhận là “vùng lãnh thổ của Trung Quốc”. Trên thực tế, viên chức này cố tình lờ đi một điều rằng chính Trung Quốc mới đang là bên đi gây hấn trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Một bài báo hiếm hoi khác có đưa một chút tin về những hành động vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông của trang Zhonghua Net đã tìm cách đổ lỗi rằng “chính Việt Nam và Phillipines đã ép Bắc Kinh phải đáp trả”. 

Tờ báo này đang cố “đổi trắng thay đen” bản chất sự việc. Trên thực tế, các lực lượng của Trung Quốc đã đi gây hấn trước và Việt Nam chỉ đang nỗ lực hành động lại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, chính Việt Nam mới đang ở thế "bị ép phải phản kháng".

Lê Hương

Infonet

3 chủ điểm báo chí đặc biệt quan tâm tại Vesak 2014

Mùa Phật đản năm nay, chắc chắn sẽ là dịp để các phóng viên, nhà báo trong và ngoài nước cùng nhìn nhận những giá trị to lớn mà đạo Phật mang lại cho đời sống xã hội.

Hội nghị chuẩn bị cho Vesak 2014 lần 2, tổ chức tại Ninh Bình ngày 20/3/2014

Chưa đầy 20 giờ nữa, Đại lễ Vesak 2014 chính thức khai mạc. Đây là sự kiện trọng đại tầm cỡ quốc tế, lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam.

Vesak 2014 không chỉ có ý nghĩa Phật giáo, mà còn có ý nghĩa văn hóa, lịch sử và giá trị nhân sinh to lớn. Cũng như Đại lễ Vesak 2008, kỳ Vesak 2014, nhiều hội nghị, hội thảo đang được chuẩn bị bài bản, chu đáo. 

Báo chí đã chủ động hơn trong việc khai thác thông tin trước thềm Vesak 2014. 

Qua nhiều chương trình họp trù bị, chúng tôi quan sát thấy phần lớn báo chí cũng như giới truyền thông đặc biệt quan tâm đến 3 chủ điểm lớn về Vesak 2014:

Phật đản (Vesak) là gì? Ý nghĩa Phật đản?

Trong những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ những người hướng đạo, “bén duyên” đạo Phật là giới trẻ, trong đó không ít người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí. 

Bản thân chúng tôi do có duyên với các sự kiện Phật giáo, nên hầu như cuộc Họp báo nào do GHPGVN tổ chức, chúng tôi đều tham gia.

Phải nói thật, với nhiều tờ báo chưa có phóng viên chuyên theo dõi mảng tôn giáo, nên khi đi tác nghiệp các sự kiện Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung, cách xưng hô của phóng viên còn nhiều điều chưa "thuận". Song cùng với thời gian, nhưng lỗi đó ngày càng ít đi.

Những sự kiện gần đây, gần nhất có thể kể đến là buổi họp báo Vesak tổ chức chiều ngày 28/4 vừa rồi, các phóng viên, nhà báo dường như chủ động trong từng động tác, câu nói khi hỏi đáp cùng các đại diện Phật giáo, mà ở đây là các quý Thầy. Họ đã không còn xa lạ với “danh xưng” Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hay A Di Đà Phật trước khi đặt câu hỏi, hay tham luận cùng quý Thầy.

Không chỉ vậy, Hội nghị chuẩn bị cho Vesak 2014 lần 2, tổ chức tại Ninh Bình hồi cuối tháng 3, nhiều phóng viên, nhà báo đã đặt những câu hỏi rất Phật giáo, như: Đức Phật là ai? Phật đản là gì? Ý nghĩa Phật đản? Vì sao lại có ngày Phật đản do LHQ kỷ niệm?...

Đây thực sự là điều đáng mừng, khi sự quan tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tới công tác truyền thông ngày càng hiệu quả, đã góp phần tác động không nhỏ tới nhận thức của các phóng viên, nhà báo. 

Truyền thông Phật giáo đang ngày thêm có những đóng góp tích cực, hiệu quả đối với Phật giáo Việt Nam nói chung, cũng như những hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Từ công tác tổ chức Vesak 2014…

Hàng loạt vấn đề về công tác tổ chức cho Đại lễ Vesak 2014 được báo chí nêu lên tại buổi họp báo được tổ chức chiều ngày 28/04 tại Hà Nội. 

Từ vấn đề phân ban chuyên trách, trách nhiệm các bên liên quan? Vấn đề tài chính cho toàn sự kiện, cho khách tham dự? Công tác an ninh nói chung, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh 3 ngày chính Đại lễ tại chùa Bái Đính sẽ được đảm bảo ra sao…? Phương cách tiếp cận các phái đoàn quốc tế? Những hỗ trợ dành cho báo chí khi tác nghiệp cùng các đối tác quốc tế?...

Một Đại lễ quy mô tầm cỡ quốc tế, nên từng khâu chuẩn bị cần hết sức chặt chẽ, tỉ mỉ. Báo chí nêu lên nhiều thắc mắc, từ vấn đề nhỏ nhất không gì hơn cùng mong một Đại lễ Phật đản sẽ được tổ chức bài bản, đảm bảo tính khoa học, hệ thống cao. Nhiều vấn đề được các phóng viên, nhà báo thẳng thắn trao đổi, chia sẻ cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bởi họ cùng ý thức rằng, việc Giáo hội chủ trì thực hiện Đại lễ lần này có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với Phật giáo Việt Nam nói riêng, cũng như với đất nước, con người Việt Nam nói chung.

Chúng ta hãy cùng đón chờ Vesak 2014, nơi bạn bè năm châu hội tụ, cùng nhau chia sẻ quan điểm, góc nhìn Phật giáo, chia sẻ những ảnh hưởng tích cực của Phật giáo đối với đời sống xã hội đương đại. Những thay đổi từ góc nhìn nhân sinh quan của từng tế bào xã hội qua tác động của đạo Phật, tôn giáo vì hòa bình.

…đến chính họ: Báo chí cùng Vesak 2014?

Cũng tại buổi họp báo ngày 28/04/2014 tại Hội trường chùa Quán Sứ - Hà Nội, nhiều đại diện báo chí đã thẳng thắn nêu vấn đề: Báo chí sẽ tác nghiệp ra sao tại Vesak 2014? Ban tổ chức sẽ hỗ trợ như thế nào cho các phóng viên, nhà báo “trực chiến” tại sự kiện?

Vấn đề truyền thông cho Vesak 2014 được báo chí quan tâm hơn là việc ăn ở, đi lại. Cho thấy, cánh phóng viên, nhà báo đã nhận thức rõ tầm quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ của truyền thông Phật giáo trong xã hội đương đại. 

Mỗi người, mỗi góc nhìn khai thác khác nhau. Nhưng, chắc chắn trung điểm vẫn là những giá trị văn hóa, xã hội, những giá trị nhân văn vô cùng to lớn mà Vesak 2014 mang lại, sẽ được báo chí chú trọng trong từng khâu tác nghiệp. 

Việc báo chí Việt Nam chủ động hơn đồng hành cùng Vesak 2014 thực sự là tín hiệu mừng cho truyền thông Phật giáo nói riêng, cùng giới truyền thông Việt nói chung. Đây sẽ là dịp để báo chí Việt Nam khẳng định vị thế, vai trò đối với bạn bè quốc tế trong sự nghiệp truyền thông Phật giáo. 

Mùa Phật đản năm nay, chắc chắn sẽ là dịp để các phóng viên, nhà báo trong và ngoài nước cùng nhìn nhận những giá trị to lớn mà đạo Phật đang mang lại cho đời sống xã hội. 

Phật giáo Việt Nam đang chuyển mình, hướng đến kỳ Đại lễ Vesak khởi sắc: một trong các hoạt động văn hóa mang tính quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại.

Thường Nguyên

Nguồn: phatgiao.org.vn

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII: Số lượng tác phẩm tham dự cao nhất từ trước đến nay

Chiều 8/5, tại Trụ sở Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra Lễ khai mạc vòng chấm Sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII. Đồng chí Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải BCQG; đồng chí Trần Gia Thái, Phó Chủ tịch HNBVN, chủ tịch HĐ Sơ khảo đã tham dự và chủ trì.

Khai mạc vòng chấm Sơ khảo Giải BCQG lần thứ VIII - năm 2013

Tính đến ngày 5/4/2014 (theo dấu bưu điện), Ban Thư ký Tổng hợp Giải đã nhận được 1676 tác phẩm từ 196 tổ chức Hội và cá nhân (gồm 93 LCH và Chi hội trực thuộc, 58 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố và 45 cá nhân tác giả ảnh báo chí tham dự  - theo quy định mới của Giải).

Trong số tác tác phẩm được gửi đến, có 1665 tác phẩm có đủ điều kiện dự Giải. Đây là con số tác phẩm dự Giải cao nhất kể từ mùa Giải đầu tiên năm 2006 đến nay. Mặc dù năm nay giảm 1 Hội Nhà báo tỉnh, nhưng số lượng các Liên chi hội, Chi hội và cá nhân gửi ảnh tăng.

Vòng Sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia năm 2013 sẽ hoàn thành trong từ 8 - 21/5/2014. Vòng Chung khảo dự kiến vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 /2014. Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 21/6, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

 Thu Nga

Nguồn: vja.org.vn

Nhà báo Trần Ngọc Kha, báo Đại đoàn kết: Dịch sởi- bài học về sự thiếu "cởi mở" với báo chí

Cho đến nay, những người làm báo chúng tôi vẫn chưa nguôi cảm giác bị chối bỏ, thậm chí bị hắt hủi từ vị Bộ trưởng này giữa “chảo lửa” của dịch sởi là BV Nhi Trung ương giữa trưa ngày 16/4 vừa qua. Bộ Y tế dẫn cả một “bầy đàn thê tử” các ban ngành, bệnh viện có dịch sởi về đây họp giao ban “dã chiến” nhưng lại không cho báo chí tham dự.

Người viết bài này sau khi khéo léo “qua mặt” được mấy nhân viên bảo vệ vào dự tận vòng trong hội nghị này nhưng rốt cuộc, vừa chụp xong được một bức ảnh đã bị chính Phó giám đốc BV Nhi Trung ương Trần Minh Điển cùng một cán bộ của Bộ Y tế đẩy ra ngoài. “Anh thông cảm! Đây là cuộc họp của Bộ, chúng tôi không được phép cho các anh vào” - Không còn thấy ánh mắt thiện chí thường ngày ở ông nữa… Tại cuộc họp báo sau đó, diễn ra ngày 18/4, Thứ trưởng Phạm Thanh Long phân trần: “Chúng tôi “sợ” các nhà báo không hiểu các vấn đề chuyên môn, chứ không phải ngăn cản gì các anh, các chị…”.

Ông Thứ trưởng hay bà Bộ trưởng hay bất kỳ ai khác trong ngành y tế chắc không phủ nhận các nhà báo chúng tôi dù không được học từ các khóaa đào tạo chuyên ngành y nhưng cũng đã và đang đóng góp không nhỏ trong công tác tuyên truyền bấy lâu nay để bạn đọc hiểu và tham gia chăm sóc sức khỏe được như ngày nay. Vì thế, chỉ có thể hiểu đó là một sự thiếu cởi mở nếu như không nói đó là sự trốn tránh, bưng bít thông tin của Bộ Y tế hôm đó mà thôi. Hàng chục nhà báo quá trưa hôm đó bóp bụng nhịn đói quyết phục bằng được đối tượng báo chí VIP này. Sau hội nghị, hôm đó, vị Bộ trưởng cực chẳng đã buộc phải tiếp chúng tôi mà vẫn không quên nhắc nhở “Các bạn không được chụp ảnh, ghi hình mình đâu nhé!”. Nhưng tôi biết, thông tin thực của dịch sởi không phải đã được công khai hoàn toàn…

Đến nay, những người làm báo cũng như các bác sĩ trực tiếp làm việc trong tâm sởi hẳn có đủ thời gian suy nghĩ và rút ra được những bài học trong xử lý thông tin phòng chống dịch. Nếu người dân biết sớm nguy cơ lây chéo từ sởi và các bệnh truyền nhiễm khác giữa các bé tại BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương… thì đâu đến nỗi các bé chết nhiều đến vậy? Nếu các giải pháp sàng lọc bệnh nhi tuyến dưới làm tốt ngay từ đầu thì đâu đến nỗi xảy ra hiện tượng người bệnh đổ xô tiến lên tuyến trên đông như vậy? Ở đây, rõ ràng Bộ Y tế có phát hiện dịch sởi từ rất sớm (tháng 12/2013) nhưng còn lúng túng và không cởi mở thông tin. Các nhà báo cũng đã vào cuộc cũng rất sớm nhưng cũng không phải đã chủ động hoàn toàn. Chỉ đến khi các bé chết nhiều tại BV Nhi Trung ương chúng ta mới tá hỏa, nhớn nhác tìm nhau, hỏi nhau thông tin rồi cảnh báo cho dân này nọ. Đến khi bị báo chí “cột trách nhiệm”, Bộ Y tế lại chỉ đạo “báo nhà” phản ứng theo cách “chẳng giống ai” - quy chụp và bôi nhọ chúng tôi thành những tên tội phạm “đâm” các bác sĩ, những con này, con nọ cắn càn. Đó chỉ có thể hiểu là cách nói “chợ búa” mà thôi...

Sông Mây (ghi)

Nguồn: congluan.vn

Họp báo quốc tế: Tàu Trung Quốc đã chủ động đâm tàu Cảnh sát biển VN

Khi các tàu thực thi pháp luật Việt Nam ra ngăn chặn, các tàu Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay đã chủ động đâm thẳng vào các tàu Việt Nam, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam...

Ông Lê Hải Bình bắt đầu buổi họp báo

16h chiều nay (7/5), Bộ Ngoại giao đã tổ chức Họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong ngày 2-3/5 Trung Quốc có khoảng 40 tàu các loại, đến thời điểm huy động cao nhất là 80 tàu 7 tàu quân sự, gồm tàu hộ vệ tên lửa 534 (tàu Giang hồ 2 và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 753 cùng 33 tàu hải cảnh hải giám, ngư chính). Ngoài ra hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. 

Hiện nay, có 1 nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự Trung Quốc đã vào cách đảo Lý Sơn 50 hải lý. Khi các tàu thực thi pháp luật Việt Nam ra ngăn chặn các tàu Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay đã chủ động đâm thẳng vào các tàu VN dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của VN làm hư hỏng tàu thuyền. 

Cụ thể lúc 8h10 ngày 3/5, tàu hải cảnh 044 chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu cảnh sát biển 4033 của Việt Nam làm tàu này bị rách mạn phải chiều dài 3m, rộng 1m, làm hư hỏng máy phải. 

Lúc 8h30 phút ngày 4/5 tàu hải cảnh 44103 chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu cảnh sát biển 2012 . Tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh nên vết đâm chỉ bị ở góc đuôi tàu mạn phải diện tích khoảng 1m2. Lúc 12h ngày 7/5 tàu hải cảnh 3411 tiếp tục có hành động đâm vào tàu cảnh sát biển 8003 của Việt Nam.

Tàu Hải cảnh 31101 của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Kiểm ngư của Việt Nam.

Trung Quốc sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu cảnh sát biện 8003 nhằm uy hiếp các tàu Việt Nam. Đến nay, các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều đã mở bạt che, súng, pháo và các loại vũ khí các để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào.

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam tiếp tục ngăn chặn không cho giàn khoan HD 981 cố định tại vị trí chuẩn bị khoan thăm dò. 

Đã có 8 kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương nặng do mảnh kính trên tàu văng vào người, chưa có thương vong.

Về phía lực lượng VN, VN có các tàu kiểm ngư số hiệu KN 761, 762, 763, 764, 765, 628, 629, 766, 767, 768, 769, 770 có mặt tại hiện trường để tuyên truyền ngăn cản hành vi vi phạm chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Đến nay, toàn bộ lực lượng hải quân Việt Nam đều chưa có mặt tại hiện trường.

Tàu KN 762 đã bị đâm 9 lần.

Lúc 10h30 phút ngày 2/5 tàu KN 764 Việt Nam bị tàu dịch vụ DK-03 của Trung Quốc đâm làm hỏng mạn boong mũi, lan can mạn trái. 

Lúc 9h ngày 3/5 Trung Quốc sử dụng lực lượng đông chặn mũi, chặn đuôi và đâm thẳng vào tàu ta với vận tốc lớn khiến tàu KN 765 bị đâm làm hỏng máy chính giữa, mạn phải bị móp, méo nặng. Lúc 13h30 ngày 3/5 tàu KN 762 bị phun nước áp lực cao làm vỡ kính đài chỉ huy, chập điện hỏng khí tài hàng hải….

16h30: Ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển, thông tin tại họp báo: Tàu hải cảnh của Trung Quốc đã hung hăng đâm rách tàu cảnh sát biển Việt Nam, khi tàu Việt Nam làm nhiệm vụ ngăn cản phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.

Trong việc bảo vệ chủ quyền tại vị trí Trung Quốc lắp đặt giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã có 6 kiểm ngư viên Việt Nam bị mảnh kính văng vào và bị thương.

Phát biểu khai mạc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết: "Từ ngày 1/5 TQ đã đưa giàn khoan và nhiều tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm Công ước luật biển 1982. Hôm nay chúng tôi tổ chức họp báo để công bố sự kiện này".

ngày 3/5 Trung Quốc sử dụng lực lượng đông chặn mũi, chặn đuôi và đâm thẳng vào tàu ta với vận tốc lớn khiến tàu KN 765 bị hư hại nặng.

16h:

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, nói: "Như các bạn đã biết từ 1/5, TQ đã đưa giàn khoan... và tàu hộ vệ, nằm hoàn toàn trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Việc này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt nam được quy định tại Công ước Luật Biển 1982. 

Chúng tôi đã có 8 cuộc làm việc với Trung Quốc, có 2 cuộc gặp cấp Chính phủ. Cuộc gặp này cũng đã phản đối những việc làm của Trung Quốc. Ngoài ra Bộ Ngoại giao đã triệu đại sứ quán trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút ngay khỏi vùng biển Việt Nam. Hiện nay số lượng tàu đã lên 80 tàu. Tình hình rất căng thẳng".

Giàn khoan HD-981 đã được định vị tại vị trí, đang tiến hành các việc chuẩn bị để khai thác.

Hồng Chuyên - Lương Hương

Infonet

Báo nước ngoài: TQ quá hung hăng khi đưa giàn khoan ra Biển Đông

Những hãng tin lớn như AP, Reuters, Blommberg đều đồng loạt đưa tin về việc Trung Quốc hung hăng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, gây căng thẳng cho tình hình trong khu vực.

Hãng tin AP dẫn lời Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại Trường đại học Hong Kong cho biết: "Trung Quốc dường như cố ý đặt dấu chân của mình ở khu vực đang tranh chấp và buộc Hà Nội phải phản ứng…Chính sách của Trung Quốc, mà theo tất cả mọi người, trừ Trung Quốc, là không có cơ sở pháp lý, đã gây lên tình huống căng thẳng trên".

Tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông trên AP.

AP cũng bình luận: “Việc Trung Quốc triển khai giàn khoan hồi cuối tuần qua được xem là bước khiêu khích lớn nhất của nước này đối với những tranh chấp trên Biển Đông… Hành động bành trướng cùng với sự phát triển về kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang khiến cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực lo ngại, ngay cả khi họ biết rằng cần duy trì mối quan hệ cởi mở với một đối tác kinh tế quan trọng”.

Tờ Nam hoa Buổi sáng của Hong Kong đưa tin.

Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong cũng cho rằng sự hung hăng của Trung Quốc là đáng báo động đối với nhiều nước trong khu vực.

Hãng tin Bloomberg cũng đưa tin, sự cố giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc xảy ra là do hành động hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng từ Việt Nam đến Nhật Bản. Hồi tháng Giêng vừa qua, Trung Quốc cũng đã gây căng thẳng khi đơn phương đưa ra quy định đánh bắt cá yêu cầu các tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép trước khi đánh bắt ở khu vực rộng lớn ở Biển Đông.

Hãng tin Bloomberg đăng bài bình luận về sự cố trên.

Phó Giáo sư Terence Lee, thuộc Khoa Chính trị học, Đại học Quốc gia Singapore cho biết: “Việt Nam sẽ công khai chỉ trích Trung Quốc trên trường quốc tế và huy động các nước khác trong ASEAN, đặc biệt là những nước cũng có tranh chấp với Trung Quốc, gây áp lực đối với Trung Quốc”.

Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, cho hay: "Với những căng thẳng gần đây ở Biển Đông, việc Trung Quốc quyết định vận hành giàn khoan trong vùng biển này là một bước đi mang tính khiêu khích và không giúp ích gì cho việc duy trì hòa bình cũng như ổn định trong khu vực".

Phạm Khánh

Infonet

Họp báo quốc tế về việc TQ đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền Việt Nam

Thông báo “Họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông” đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Ngoại giao Việt Nam:

Bản đồ vị trí giàn khoan HD-981 của CNOOC trên vùng biển Việt Nam

BỘ NGOẠI GIAO
Vụ Thông tin Báo chí
---------------

Kính gửi: - Các cơ quan báo chí Việt Nam
- Văn phòng các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài thường trú tại Hà Nội
- Các cơ quan đại diện Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam

Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao trân trọng kính mời đại diện các cơ quan báo chí tham dự “Họp báo quốc tế về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông”

Thời gian: 16h00 ngày 7/5/2014.

Địa điểm: Nhà khách Chính phủ, 12 Ngô Quyền, Hà Nội.

Vụ Thông tin Báo chí – Bộ Ngoại giao trân trọng kính mời các Các cơ quan báo chí có quan tâm đăng ký tham dự với Phòng Phóng viên trước 10h00 ngày 7/5/2014:

Điện thoại: 04.37993103; 04.37992259.

Fax: 04.38234137.

Email: tuyentruyenbc@gmail.com.

Xin chân thành cảm ơn./.

PV

Infonet

Vai trò của báo chí trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhận thức sâu sắc vai trò và chức năng của báo chí cách mạng là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể, vừa là nhà giáo dục, vũ khí sắc bén trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng, có thể tạo ra sức mạnh to lớn, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn đề cao và quán triệt các cấp các ngành coi trọng hoạt động của báo chí.

Nhờ đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò ngày càng lớn lao đối với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, báo chí, mà nòng cốt là Báo QĐND, cùng với hệ thống tờ tin của các đơn vị đã hình thành nên một “binh chủng đặc biệt”, góp phần vào chiến thắng chung của chiến dịch.

Bộ đội đọc báo tại mặt trận Điện Biên Phủ.

 

Hoạt động của báo chí ở Điện Biên Phủ
 
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chưa có chiến dịch nào lại tập trung một lực lượng viết văn, làm báo đông đảo như trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chỉ riêng Báo QĐND đã có tới 5 phóng viên dạn dày kinh nghiệm là Hoàng Xuân Tuỳ, Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và Hoạ sỹ Nguyễn Bích. TTXVN có Hoàng Tuấn - một “chuyên gia về tổng hợp tin và thông báo chiến sự”; Đài Tiếng nói Việt Nam có phóng viên Nguyễn Nhất. Báo Nhân Dân có Thép Mới và Trần Đĩnh; Báo Cứu Quốc có Thái Duy và Chính Yên… Ngoài ra còn có một số văn nghệ sỹ cũng tích cực tham gia viết báo như các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Trần Dần, Hoạ sỹ Mai Văn Hiến; các nhạc sỹ Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác; các nhà nhiếp ảnh Triệu Đại, Ngọc Thông; nhà quay phim Tiến Lợi…
 
Bên cạnh đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp còn có một lực lượng “nhà báo nghiệp dư” đông đảo. Họ là những cán bộ tuyên huấn của các đại đoàn như: Hồ Phương (Đại đoàn 308), Ngọc Tự, Tạ Hữu Thiệu, Ngọc Bằng (Đại đoàn 316), Phác Văn, Lê Nguyễn (Đại đoàn 312)…; hay những cán bộ chính trị như Mạc Ninh, Đoàn Hợp… Ngoài ra còn có những phóng viên nòng cốt ở các tờ tin của các đại đoàn, trung đoàn. Nhiều người trong số đó về sau này đã trở thành những nhà báo có tên tuổi như Lê Kim, Lục Văn Thao, Nguyễn Trần Thiết, Đỗ Chí, Phạm Thanh Tân…
 
Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, ta tổ chức được toà soạn báo ở ngay mặt trận. Đó là toà soạn Báo QĐND và ban biên tập các tờ tin đại đoàn, trung đoàn tại mặt trận Điện Biên Phủ. Đây cũng là lần đầu tiên ta tổ chức viết báo, in và phát hành báo ngay tại mặt trận.
 
Để làm được việc này, ta đã phải mất hàng tháng trời để đưa nhà in ra mặt trận, đó là những chiếc máy in lăn tay được cải tiến. “Đại bản doanh” của cơ quan báo chí và nhà in thời kỳ đầu đặt ở Thẩm Púa, về sau di chuyển vào Mường Phăng, gần với cơ quan của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Báo in xong được trao ngay cho đội phát hành chờ sẵn rồi chuyển ngay tới các chiến hào hoặc chạy đuổi theo các đơn vị đang hành quân. Ở mặt trận Điện Biên Phủ, bộ ba (toà soạn báo - nhà in - đội phát hành) phối hợp hoạt động rất nhịp nhàng và có hiệu quả. Chính vì vậy mà những ấn phẩm báo chí đã phát huy được tác dụng, kịp thời động viên các lực lượng tham gia chiến dịch. Báo chí được xem là phương tiện tuyên truyền nhanh nhạy và hiệu quả nhất so với các phương tiện thông tin tuyên truyền khác lúc bấy giờ tại mặt trận.
 
Một đội ngũ làm báo chuyên nghiệp và không chuyên đông đảo, tuy thuộc nhiều cơ quan báo chí khác nhau nhưng đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lênh chiến dịch. Trong điều kiện khó khăn về thông tin lúc bấy giờ, đa số họ đều tập trung bài vở dành cho Báo QĐND tại mặt trận, sau đó mới chuyển tải cho các báo của mình ở căn cứ địa Việt Bắc. Trong 140 ngày đêm (kể cả thời kỳ trước mở màn chiến dịch) Báo QĐND tại mặt trận Điện Biên Phủ đã ra được 33 số.
 
Bên cạnh Báo QĐND còn có các tờ tin của các đại đoàn, trung đoàn như Lập công của Đại đoàn 308, Tiên phong của Đại đoàn 312, Quyết thắng của Đại đoàn 316… Những tờ tin này mặc dù chỉ in ly-tô và khổ chỉ bằng một nửa trang báo ngày nay, song nó vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bộ đội và dân công.
 
Làm báo ở mặt trận Điện Biên Phủ, người phóng viên phải phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo. Vừa bám sát các đơn vị, vừa thường xuyên liên lạc với toà soạn ở mặt trận, họ còn phải duy trì liên lạc để chuyển bài vở, thông tin từ mặt trận về và nhận tin từ hậu phương lên với các toà soạn báo ở hậu phương. Họ vừa săn tin, viết bài, biên tập, lại phải biết tổ chức báo. Bám theo các đơn vị, họ lăn lộn như những người lính. Tối đến, bộ đội có thể được “xả hơi” đôi chút nhưng những người làm báo lại phải tranh thủ dưới ánh đèn dầu phòng không, viết bài ngay để kịp chuyển cho toà soạn. Họa sỹ Phạm Thanh Tâm là chính trị viên trung đội, cũng là phóng viên tờ Quyết thắng của Đại đoàn 351 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kể lại: Để có được những thông tin chính xác và cập nhật, phóng viên phải lặn lội đến các trận địa để chứng kiến, ghi lại những gì tai nghe mắt thấy. Sau đó băng đèo, lội suối mất hàng nửa ngày đem thông tin về sở chỉ huy để viết bài. Lúc đó máy ảnh hiếm nên không có điều kiện chụp và in ảnh nên các bài báo viết và sắp chữ xong người phóng viên lại vẽ cả tranh minh họa. Do cuộc chiến đấu liên tục nên cứ lúc nào đủ bài cho hai trang (khổ như tờ A3 in hai mặt bây giờ) là anh em lại tổ chức in báo chứ không qui định báo ngày hay báo tuần như sau này. Tờ Quyết Thắng mỗi lần xuất bản chỉ được khoảng 50 tờ, in bằng máy Stencil (dạng in lưới), giấy rất xấu. Báo in xong, lập tức được mang ra các trận địa phát cho bộ đội. Vì tính chất gấp gáp, đáp ứng yêu cầu thông tin phản ánh tình hình trên chiến trường, có lúc một mình ông vừa là người viết, vẽ, vừa phụ in ấn và rồi lại đi phát hành luôn.
 
Nhưng rồi nhịp độ cuộc chiến đấu ngày một tăng, các phóng viên không làm xuể hết việc của tờ báo, vì vậy đã huy động bài vở của cộng tác viên. Điều đặc biệt là, từ tướng lĩnh đến chiến sỹ, ai cũng có thể là cộng tác viên của báo. Các phóng viên Báo QĐND đi xuống đơn vị lấy tin tức thường vận động anh em tham gia viết bài cộng tác. Hầu hết các chính ủy sư đoàn, trung đoàn ở mặt trận Điện Biên Phủ ngày ấy đều là cộng tác viên thân thiết của báo. Chính nhờ những đóng góp không nhỏ của lớp cộng tác viên - mạch máu của tờ báo chiến trường, mà những bức điện chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Tổng Tư lệnh, những tin tức về tình hình chiến sự và thông tin hậu phương… đã được đăng tải kịp thời.
 
Tết Giáp Ngọ 1954, lần đầu tiên ở mặt trận, bộ đội và dân công được đọc những dòng thơ chúc Tết có cả chữ ký của Bác Hồ trên Báo QĐND số ra ngày 1/2/1954. Độc giả không biết rằng để có được chữ ký của Người ngay dưới bài thơ xuân đó, những người làm báo đã phải lục tìm chữ ký của Bác trong đống sách báo cũ để làm mẫu, sau đó đem khắc lên miếng gỗ lồng mực để in.
 
Có thể nói một cách ví von rằng, cuộc chiến đấu 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ giống như một cuộc chạy đua ma-ra-tông mà những người làm báo ở mặt trận là những nhà quay phim luôn phải gồng mình bám theo những bước chân ma-ra-tông đó. Mặt trận Điện Biên Phủ thực sự là một trường học mà ở đó những người làm báo được tôi luyện về ý chí, được nâng cao về trình độ nghiệp vụ, trình độ tổ chức, từ đó hình thành nên một phong cách làm báo ở chiến trường rất độc đáo.
 
Vai trò của báo chí trong chiến dịch Điện Biên Phủ
 
Ngày 13/3/1954, ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng “binh chủng đặc biệt” - báo chí đã xuất trận trước đó 2 tháng rưỡi. Ngày 28/12/1953, Báo QĐND ra số đầu tiên tại Thẩm Púa. Thời kỳ đầu báo ra 2 trang, 4 - 5 ngày ra một số. Nhưng từ đầu tháng 3/1954, cùng với sự phát triển của chiến dịch, báo ra 3 ngày rồi 2 ngày một số, thậm chí ra hàng ngày. Trong khi nội dung của các tờ tin đại đoàn, trung đoàn chủ yếu phản ánh các gương chiến đấu điển hình, trao đổi kinh nghiệm chiến đấu, phục vụ chiến đấu thì Báo QĐND lại tập trung phản ánh theo các giai đoạn chiến dịch. Trong 33 số Báo QĐND ra tại mặt trận Điện Biên Phủ thì giai đoạn giải phóng Lai Châu được phản ánh trong 4 số; giai đoạn bao vây địch và làm công tác chuẩn bị tiến công: 10 số; tiến công vào các cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập: 7 số; đợt tiến công vào hệ thống cứ điểm phía Đông: 10 số; tổng công kích vào Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: 2 số.
 
Tin tức, bài viết, gương chiến đấu dũng cảm, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất, vấn đề giải quyết tư tưởng sau mỗi trận đánh, những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên, cùng thơ ca, hò vè, thơ đả kích địch… đã làm cho tờ báo dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, góp phần đắc lực vào công tác chính trị chiến dịch.
 
Để tăng thêm tính hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu của đối tượng độc giả ở mặt trận, các ấn phẩm báo chí đã xây dựng khá nhiều chuyên mục, trong đó riêng Báo QĐND thường xuyên duy trì trên dưới 10 chuyên mục. Mảng Chính luận gồm các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy vừa mang tính chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, giúp cho bộ đội và anh chị em dân công mở rộng tầm nhìn, nhận thức rõ các vấn đề… vừa thể hiện tình cảm của cấp trên dành cho cấp dưới, giúp cán bộ, chiến sỹ thấm thía trách nhiệm lớn lao của mình, củng cố niềm tin và quyết tâm chiến đấu. Mảng Bình luận quân sự phân tích âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, giúp cho cán bộ chiến sỹ nhận rõ âm mưu của địch, phương hướng tác chiến chủ yếu… Mảng Giáo dục chính trị tư tưởng được thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ hiểu biết của bộ đội và dân công lúc bấy giờ. Mảng Phổ biến trao đổi kinh nghiệm chiến đấu, phục vụ chiến đấu chiếm một dung lượng khá lớn trong từng số Báo QĐND cũng như các tờ tin đại đoàn, trung đoàn, có ý nghĩa rất thiết thực. Những trang nhật ký nóng hổi; những tấm gương chiến đấu dũng cảm; những kinh nghiệm đào giao thông hào, làm công sự; kinh nghiệm vừa đánh vừa làm công tác cổ động chiến trường; những phóng sự điều tra về tình hình sức khoẻ bộ đội ở ngoài mặt trận; về hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất; về giải quyết vấn đề tư tưởng sau mỗi trận đánh… thực sự đã góp phần làm vững vàng hơn bản lĩnh và ý chí chiến đấu của bộ đội; làm giàu hơn vốn sống và công tác của họ; bồi đắp thêm kinh nghiệm chiến đấu, giúp họ củng cố thêm sức chịu đựng dẻo dai trong điều kiện ác liệt của chiến trường. Bên cạnh đó, mảng Văn hoá, văn nghệ (tuỳ bút, thơ ca, hò vè, tranh đả kích châm biếm, chuyện sinh hoạt…) cũng được tòa soạn chú trọng, góp phần mang lại cho cán bộ chiến sỹ những phút giây thư giãn, tạo bầu không khí lạc quan, vui tươi cho bộ đội và anh chị em dân công trong những ngày chiến dịch ác liệt.
 
Cũng có những thời khắc như ngày 13/3/1954, tất cả các ấn phẩm tại mặt trận đều tạm gác chuyên mục để tập trung chuyển tải một nội dung quan trọng nhất. Đó là thư của Bác Hồ gửi bộ đội trước giờ ra trận và lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Những lúc như thế, báo chí là phương tiện tuyên truyền hiệu quả nhất và nhanh nhất, góp phần biến nội dung của những văn kiện quan trọng đó thành nguồn sức mạnh tinh thần của bộ đội trước giờ xung trận.
 
Thực tiễn đã chứng minh, báo chí đã thể hiện được một phần bức tranh sinh động của chiến dịch Điện Biên Phủ; làm tròn chức năng “tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể”; góp phần vào việc giáo dục lòng yêu nước, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng trình độ mọi mặt cho bộ đội. Báo chí mang hơi thở của chiến trường, phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của bộ đội, trở thành người bạn tin cậy, món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội và dân công. Những người làm báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ vừa là phóng viên mặt trận, vừa là người lính chiến đấu; thậm chí kiêm luôn cả vai trò phái viên tuyên huấn của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Từ đây, nhiều phóng viên được thử thách, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ, trở thành những cán bộ nòng cốt xây dựng các cơ quan văn hoá, văn nghệ trong và ngoài quân đội như: Văn Phác, Nguyễn Đình Thi, Thép Mới, Chính Yên, Đỗ Nhuận, Hoàng Xuân Tuỳ, Hồ Phương, Tạ Hữu Yên, Vũ Tú Nam… Nhiều nhà thơ, nhà báo tên tuổi sau này như: Vũ Cao, Nguyễn Bích, Bạch Trà, Lương Ngọc Trác, Tạ Hữu Thiện, Nguyễn Trần Thiết, Lưu Văn Lợi, Lê Kim, Đỗ Chí, Trần Cư, Phạm Phú Bằng… đều đã trải qua một thời kỳ làm báo đầy sôi động ở mặt trận Điện Biên Phủ.
 
Cùng với báo chí cả nước nói chung, báo chí tại mặt trận Điện Biên Phủ đã đóng vai trò nòng cốt, hình thành nên “binh chủng đặc biệt”, không chỉ có tác dụng cổ vũ, tuyên truyền bộ đội trên chiến trường, mà còn có sức động viên rất lớn đối với hậu phương, đối với toàn quân, toàn Đảng, toàn dân ta thời đó; đồng thời góp phần vào chiến thắng quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phan Sỹ Phúc, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nguồn: baodientu.bqp.vn

"Án tử" giá 10.000 USD cho các nhà báo nhiệt tình ở Ukraina

Nhà báo Graham Phillips của Đài truyền hình RT (Nga) đang thực hiện những phóng sự nóng bỏng ở Ukraina cho biết giá bắt cóc anh là 10.000 USD.

Nhà báo Mỹ Simon Ostrovsky của Kênh truyền hình Vice News vừa được trả tự do ở Ukraina

Nhà báo Graham Phillips đang thực hiện những phóng sự nóng bỏng tại phía Đông Ukraina và những điểm nóng của sự kiện Odessa đã truyền trên mạng xã hội một tin nhắn vào ngày 5/5/2014: "Price on my head now set at $10,000". Tạm dịch: Bây giờ đầu của tôi được treo với giá 10.000 USD.

Giám đốc đài truyền hình RT Margarita Simonyan cũng xác nhận những sức ép về an ninh lên các nhà báo đang tác nghiệp tại các điểm nóng ở Ukraina. Đặc biệt, các tay máy đang quay phim tại điểm nóng luôn bị rình rập các hiểm nguy mà không được bất cứ một sự bảo vệ nào từ phía Ukraina. Một đồng nghiệp khác, Irina Galushko đã bất lực trước những diễn biến bạo lực ở Ukraina đã tung lên trang cá nhân ở Twitter những dòng kêu cứu và cả số điện thoại.

Trước đó, trong lúc đang phỏng vấn các nhà lãnh đạo ủng hộ tự do ở Ukraina, hai nhà báo của kênh Lifenews (Nga) là Julia Shustraya và Mikhail Pudovkin đã bị bắt giữ và sau đó bị trục xuất về Nga.

Còn nhà báo Mỹ, ông Simon Ostrovsky đang làm việc cho kênh truyền hình Vice News đã bị bắt giữ mấy ngày để tra hỏi nhiều vấn đề. Ông cũng vừa được trả tự do.

Gần nhất, nhà báo của kênh NTV (Nga) đã bị giam giữ tại thành phố Pershotravensk trong khu vực Dnipropetrovsk.

Vào ngày  26 tháng tư , người đứng đầu của các tập đoàn lớn của Nga truyền hình, bao gồm RT, kêu gọi các tổ chức nhân quyền hãy " bảo vệ quyền lợi của các nhà báo chuyên nghiệp làm việc tại Ukraine".

Nội dung nó rõ: Những thành phố của Ukraine như  Donetsk, Lugansk, Kharkov, Kiev và các khu vực khác đang chứng kiến ​​hàng ngày sự đàn áp tàn nhẫn tự do dân sự. Các nhà báo đang bị đe dọa cuộc sống của họ nếu họ tiếp tục thực hiện các bài viết, hình ảnh và những đoạn phim ghi nhận sự việc từ Ukraina". Các tập đoàn truyền thông lớn như All-Russia State Television,  Radio Broadcasting Company ( VGTRK ), NTV, REN TV, Channel 5, RT ... đồng loạt ký tên vào thông điệp này.

Ngọc Ngân (Theo RT)

Nguồn: congluan.vn