“Tác nghiệp bằng phương pháp hạ sách là nhà báo đang ăn dần tương lai"

“Muốn viết tin, bài kinh tế hấp dẫn thì trước hết nhà báo phải định vị được rằng, bạn đang húc đầu vào những tảng đá “khô khan và khó hiểu”. Và nhiệm vụ của nhà báo kinh tế là phải làm cho nó trở nên “ướt át và dễ hiểu”. Đó là chia sẻ của Nhà báo - TS. Trần Ngọc Châu- Giám đốc Kênh Truyền hình Kinh tế- Tài chính FBNC (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) - một cây bút tài chính có nghề và lâu năm.

+ Có ý kiến cho rằng, hiện nay, đội ngũ nhà báo viết về kinh tế của nước ta đã tăng lên đáng kể về số lượng, nhưng số nhà báo viết về kinh tế một cách sắc sảo thì chưa nhiều. Với kinh nghiệm của một nhà báo kinh tế có nghề, ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

- Để đánh giá về điều đó cũng không dễ dàng. Vì chúng tôi chưa có một khảo sát định lượng về trình độ cũng như nền tảng căn bản của các nhà báo viết về kinh tế Việt Nam. Nhưng nhìn trên cái định tính, diện mạo thì phải nói rằng, chúng ta đã có được thế hệ nhà báo viết về kinh tế khá xuất sắc với nhiều bài báo hay. Đội ngũ nhà báo trẻ viết về kinh tế càng ngày càng nhanh và năng động, đã bắt kịp với tốc độ thông tin kinh tế trên thế giới. Nhưng cái nhanh này cũng có mặt trái của nó. Đó là độ không chính xác của các tin tức này cũng càng ngày càng cao. Bi kịch của chúng ta hiện nay không phải là thiếu thông tin mà chính là quá nhiều thông tin. Do đó, tôi nghĩ rằng các nhà báo kinh tế Việt Nam dù kiến thức, lòng yêu nghề không thiếu, nhưng lại thiếu một cái vô cùng quan trọng đó là trách nhiệm. Khi anh đưa một con số hay một thuật ngữ kinh tế thì trách nhiệm đối với thông tin đó phải đầy đủ, phải cao, phải thận trọng, như trách nhiệm anh đưa tin một sự kiện về chính trị vậy.

+ Chúng ta đã có một thế hệ nhà báo viết về kinh tế khá xuất sắc với nhiều bài báo hay. Nhưng bên cạnh đó không phải là không có những nhà báo (đặc biệt là nhà báo trẻ) ngộ nhận dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho cả xã hội và cho chính bản thân nhà báo. Ông có lời khuyên nào với họ để tránh rất nhiều cái “bẫy” môi trường kinh doanh dễ giăng ra?

- Cuộc đấu tranh không ngừng về đạo đức của người làm báo chuyên nghiệp, nhất là nhà báo viết về kinh tế, vốn dĩ dễ dính tới tiền bạc là đấu tranh giữa một bên là sự thật và một bên là cách nắm bắt sự thật. Chúng ta phải hành nghề với triết lý “bàn tay bẩn” (theo nghĩa đen” thì mới có thể dấn mình vào thực tế mà moi ra sự thật. Tuy nhiên, không thể ngụy biện rằng “vì sự thật” mà anh có thể hi sinh những chuẩn mực hành nghề. Công chúng có thể tung anh lên mây vì những thông tin mà anh công bố, anh có thể làm thay đổi nhận thức của công chúng về một vấn đề này hay vấn đề khác. Nhưng tất cả là ngắn hạn. Nếu sau này người ta biết rằng anh đã sử dụng phương pháp lừa mị, không ngay thẳng, thiếu chuyên nghiệp của nghề báo để lấy thông tin thì công chúng- vốn vô tình và thẳng thắn- sẽ hoài nghi và dẫn tới sụp đổ lòng tin về sự trung thực. Vì thế, nếu nhà báo tác nghiệp bằng phương pháp hạ sách thì chẳng khác nào nhà báo đang ăn dần tương lai.

+ Viết một bài báo hay đã là khó. Viết được bài báo hay trong lĩnh vực kinh tế lại càng khó hơn vì đây là lĩnh vực vốn khô khan và chuyên sâu. Để viết được một bài báo kinh tế hay thì cần những yếu tố gì, thưa ông?

- Muốn viết tin, bài kinh tế hấp dẫn thì trước hết nhà báo phải định vị được rằng, bạn đang húc đầu vào những tảng đá “khô khan và khó hiểu”. Và nhiệm vụ của nhà báo kinh tế là phải làm cho nó trở nên “ướt át và dễ hiểu”. Có nghĩa là nhà báo phải làm cho một bản tin kinh tế vốn phức tạp trở thành đơn giản và dễ hiểu đối với công chúng. Thứ hai, thông tin anh đưa ra phải chính xác và kịp thời, phải lựa chọn được những số liệu mà anh thấy cần thiết nhất, cô đọng nhất. Đặc biệt, ngoài hàng loạt các kĩ năng khác, nhà báo kinh tế phải đặc biệt chú trọng tới yếu tố con người, bóng dáng con người. Mà hai “con người” quan trọng- nguồn tin chính của nhà báo kinh tế là doanh nhân và quan chức chính phủ. Hãy thiết lập quan hệ với họ…ngay cả trước khi bạn cần đến họ.

+Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, việc nâng cao năng lực và kĩ năng đội ngũ nhà báo viết về kinh tế đang là một đòi hỏi bức thiết, thưa ông?

- Có hai mặc định đối với một nhà báo nói chung và nhà báo kinh tế nói riêng: Thứ nhất là lòng yêu nghề và thứ hai là lòng yêu nước. Còn cái phải có đó là kiến thức về kinh tế. Kiến thức này phải được học hành bài bản. Đã là một nhà báo, dù anh tốt nghiệp đại học kinh tế, ngân hàng- tài chính hay đại học báo chí…thì cũng bắt buộc phải học lại về kinh tế thị trường và kinh tế chuyên ngành. Đồng thời, phải tiếp tục học những kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại khác… Để làm được điều này, tôi nghĩ rằng, các Tổng Biên tập, các Ban Biên tập của từng tờ báo cần chú trọng hơn đến việc đào tạo lại đội ngũ phóng viên kinh tế và phải làm sao để hâm nóng bầu nhiệt huyết trong họ.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Lành

Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật