Syndicate content

Nghề báo

Nhà báo Lại Văn Sâm: Tôi không có Facebook và cũng không chia sẻ bất cứ bài thơ nào

MC của chương trình Ai là triệu phú một lần nữa khẳng định với PV báo điện tử VTV Online, anh hiện không có và sẽ không bao giờ có tài khoản Facebook, do đó việc "chia sẻ bài thơ gây xúc động" như một số tờ báo mạng đưa là hoàn toàn không đúng sự thật.

Sáng 26/4/2014, báo điện tử Một thế giới có bài viết "Nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ bài thơ gây xúc động" trong đó dẫn lại một bài thơ mà theo tác giả là được chia sẻ trên facebook cá nhân của nhà báo Lại Văn Sâm cùng một số comment (bình luận) của những người theo dõi. Bài viết đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả.

Trước thông tin này, nhà báo Lại Văn Sâm thêm một lần nữa khẳng định với phóng viên VTV Online rằng anh đã và sẽ không có bất cứ tài khoản facebook nào nên việc "chia sẻ bài thơ gây xúc động" như trên một số tờ báo điện tử phản ánh là hoàn toàn không đúng sự thật.

Nhà báo Lại Văn Sâm trong cuộc họp báo giới thiệu chương trình Điều ước thứ 7 (Ảnh: VTV Online)

PV VTV Online: Cách đây hơn một năm, anh có chia sẻ trên báo điện tử VTV Online rằng anh chưa bao giờ có và cũng không bao giờ có tài khoản Facebook hay bất cứ một mạng xã hội nào khác. Tuy nhiên sáng nay có một bài báo dẫn một bài thơ có tên "Bay trong miền nhớ" và khẳng định là lấy từ Facebook cá nhân của anh. Có phải sau một năm, anh đã thay đổi quan điểm của mình với mạng xã hội?

Nhà báo Lại Văn Sâm: Tôi không bao giờ thay đổi quan điểm đó cả (cười). Có thể với nhiều người Facebook là một công cụ thân thiện và nơi để bày tỏ, chia sẻ điều này điều khác. Tuy nhiên, tôi nhắc lại, tôi vẫn thuộc thế hệ, cứ cho là cổ lỗ sỹ đi. Những gì liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng riêng, tôi không bao giờ đưa lên bất cứ một mạng xã hội nào trong đó có Facebook. Bản thân tôi chưa bao giờ có và cũng sẽ không bao giờ có tài khoản Facebook. Thậm chí tôi còn không biết cách nào để vào Facebook nữa.

Sáng nay tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, bình bán của bạn bè. Họ cũng lại tưởng là thơ tôi viết thật sau khi đọc bài báo đó. Tôi đã phải nhắn lại ngay để nói rằng: đây không phải là tôi. Tôi chưa bao giờ làm thơ. Tôi thấy rất làm khó hiểu là tại sao có ai đó lại lấy tên tôi, chia sẻ điều này điều kia. Thực sự là tôi không hiểu các bạn làm thế với mục đích gì. Trong mọi trường hợp điều này đều không hay.

Nhà báo Lại Văn Sâm cũng cho biết thêm, anh không hề nhận được bất cứ một cuộc điện thoại hay tin nhắn nào từ các phóng viên viết bài để xác minh lại nguồn tin trước khi xuất bản bài báo.

"Các tòa soạn đã quá dễ dãi khi đăng tin. Đó là Facebook cá nhân. Việc mọi người trao đổi qua lại với nhau là việc của họ. Báo chí lại lấy đó để đưa lên, vô hình đưa những điều không đúng thành tin tức. Những người làm báo như thế là vô trách nhiệm. Các phóng viên hoàn toàn có thể gọi cho tôi, để xác minh lại", nhà báo Lại Văn Sâm khẳng định.

Với các chủ nhân của các Facebook lấy tên mình, nhà báo Lại Văn Sâm cũng có lời nhắn. "Các bạn làm ơn bỏ các Facebook lấy tên của tôi. Tôi không lên án hay chê trách nhưng như tôi đã nói, trong mọi trường hợp điều này cũng không hay mà chỉ tạo thêm hiểu lầm cho độc giả. Nếu có nói tốt về tôi thì cũng không nên, hiểu xấu về tôi thì càng không nên. Đó không phải là con người thật của tôi".

VTV Online

Tướng An ninh nói về bài báo 'Dương Chí Dũng và những triệu đô la'

Ngày 25/4/2014, Trung tướng Hoàng Kông Tư, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an trả lời phỏng vấn về bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” của phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt, ngày 24/4/2014.

Trung tướng Hoàng Kông Tư. Ảnh: Công an Nhân dân

Xin đồng chí Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết quan điểm về việc ngày 24/4/2014, trong bài báo “Dương Chí Dũng và những triệu đô la” của phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt, ngày 24/4/2014 có nêu nội dung: “Theo ông Dũng, người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệp. Các nguồn tin nói đây là ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp, Trợ lý Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang”.

Trước hết, tôi khẳng định thông tin này là hoàn toàn bịa đặt, vì trong quá trình điều tra, Dương Chí Dũng có khai người đưa tiền của bà Lan cho ông tên là Tiệc.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã xác minh, làm rõ và xác định người tên Tiệc như Dương Chí Dũng khai là ông Ngô Xuân Tiệc, sinh năm 1961, thường trú tại 277 Phạm Văn Hải, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã làm việc với ông Ngô Xuân Tiệc và ông Ngô Xuân Tiệc đã viết bản tường trình cam đoan, khẳng định hoàn toàn không có sự việc như Dương Chí Dũng khai.

Thông tin trên của phóng viên Nguyễn Hùng, BBC tiếng Việt được xử lý thế nào?

Ngày 25/4/2014, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội Vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quá trình điều tra, nếu xác định phóng viên Nguyễn Hùng đang làm việc ở Ban Việt ngữ đài BBC ở Vương quốc Anh là tác giả bài báo thì Cơ quan An ninh điều tra sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết yêu cầu cơ quan tư pháp Vương quốc Anh hỗ trợ triệu tập phóng viên Nguyễn Hùng về Việt Nam để điều tra làm rõ những vấn đề liên quan vụ án Vu khống và xử lý theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xin cảm ơn đồng chí Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Nguồn: Công an nhân dân

Cơ quan báo chí có thể sản xuất clip phát trên báo điện tử

Mới đây, trên một số báo mạng xuất hiện thông tin về việc các cơ quan báo chí tự sản xuất chương trình truyền hình rồi đưa lên trang thông tin điện tử của mình là không đúng quy định hiện hành… Thông tin trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận và gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với Báo Hànộimới về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định, thông tin trên là chưa chính xác…Nhiều cơ quan báo chí có chuyên mục về truyền hình.

Những năm gần đây, nhiều cơ quan báo chí – gồm cả báo in và báo điện tử – đã dành chuyên mục riêng trên website của mình để phát các bản tin truyền hình là những video clip hoặc hợp tác với các nhà đài để phát lại một số chương trình truyền hình… Có thể dễ dàng tìm các chương trình kiểu này như www.tuoitre.com.vn (Báo Tuổi trẻ) có TuoitreTV, www.thanhnien.com.vn (Báo Thanh niên) có Thanhnienonline media, Báo điện tử Vietnamnet.vn có Truyền hình Vietnamnet, Báo Hànộimới có chuyên mục “Bản tin truyền hình” phát trên www.hanoimoi.com.vn…

Có thể khẳng định rằng việc các cơ quan báo chí phát các chương trình truyền hình này phù hợp với xu hướng hội tụ trong lĩnh vực truyền thông hiện nay (tất nhiên phải tuân thủ theo giấy phép) nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc có thể đồng thời đọc, xem, nghe. Hơn nữa, với việc phát các bản tin truyền hình này, cơ quan báo in và báo điện tử cũng đã hỗ trợ đối tượng bạn đọc là người khuyết tật có thể nắm bắt thông tin sự kiện khi nghe lời dẫn, lời bình phát kèm hình ảnh. Mặt khác, trong thời buổi bùng nổ công nghệ hiện nay, với sự phát triển vượt trội của các thiết bị smartphone, máy tính bảng khiến bất kỳ công dân nào cũng có thể sử dụng để tác nghiệp như một phóng viên và khi họ chia sẻ các clip tự quay này đến cơ quan báo chí để đăng tải đã gây sự chú ý của cộng đồng. Chẳng hạn clip của một bạn đọc gửi Báo Tuổi trẻ đăng tải (sau VTV phát lại) về việc cô giáo Tòng Thị Minh ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên chui vào túi ni lông qua suối đến trường dạy học đã gây xúc động mạnh trong dư luận, khiến cơ quan chức năng liên quan phải vào cuộc. Đặc biệt là, với cơ quan báo in, nhất là các báo Đảng, bên cạnh phương thức truyền tải truyền thống, việc đẩy mạnh tuyên truyền qua internet, trong đó có việc đưa tin bằng các clip, có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị như tăng cường kênh thông tin chính thống, bảo đảm định hướng tuyên truyền về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp nhất là với những vấn đề lớn, vụ việc nóng… Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong thời gian qua, có tình trạng một số báo điện tử đã đăng tải những clip có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục, chạy theo thị hiếu tầm thường… Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến vai trò quản lý nhà nước về nội dung nên chúng tôi chưa bàn đến trong bài viết này.Xu thế tất yếu

Để làm rõ vấn đề cơ quan báo chí mở chuyên mục truyền hình trên website của mình có vi phạm quy định hiện hành hay không, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo một số cơ quan báo chí. Ông Nguyễn Bá, Phó Tổng Biên tập Báo Bưu điện Việt Nam và Báo điện tử Infonet (thuộc Bộ TT-TT) cho rằng, hầu hết các chuyên mục truyền hình đưa lên internet của các cơ quan báo chí không phải là chương trình truyền hình mà là các clip phát dưới dạng bản tin có hình ảnh, lời bình theo hình thức đa phương tiện. Việc đặt tên gọi là “bản tin truyền hình” hoặc “truyền hình” chỉ là cách phân biệt với các chuyên mục khác của cơ quan báo chí đó. Một lãnh đạo của Báo Tuổi trẻ cũng chia sẻ, các cơ quan báo chí chủ yếu tự sản xuất clip để minh họa cho các bản tin của mình thêm sinh động, hấp dẫn, nên bị xếp vào sản xuất chương trình truyền hình là không đúng; vì để sản xuất chương trình truyền hình ngoài việc xin giấy phép (vốn khó khăn), thì các vấn đề về tài chính, về thị trường… cũng không cho phép cơ quan báo chí có thể dễ dàng làm việc này. Tổng Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội Trần Gia Thái cho rằng, việc các cơ quan báo chí mở thêm chuyên mục về truyền hình là bình thường, giống như các “nhà đài” ra ấn phẩm tạp chí truyền hình và phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay. Như vậy, cần khẳng định rằng chuyên mục truyền hình, hay gọi cho đúng là các clip do cơ quan báo chí tự làm và phát trên trang web không phải là chương trình truyền hình. Vì, để được gọi là sản xuất chương trình truyền hình phải có các điều kiện đi kèm như mục đích, tên gọi, thời lượng phát sóng, rồi các yêu cầu liên quan đến quy trình sản xuất như máy quay, phương thức truyền dẫn và đặc biệt là phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, để tránh gây ra hiểu lầm trong dư luận, cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ khái niệm về chương trình truyền hình và sự khác nhau giữa làm các bản tin bằng clip và chương trình truyền hình.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo cũng khẳng định, thông tin về cơ quan, quản lý nhà nước cấm cơ quan báo chí sản xuất chương trình truyền hình là không chính xác. Việc sản xuất và phát sóng các kênh, chương trình truyền hình đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí hiện hành (Điều 12 – Nghị định 51/2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999; Thông tư 07/2011 của Bộ TT-TT quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình) và phải được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT cấp phép hoạt động truyền hình. Hiện số lượng đài, kênh truyền hình trong nước đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của khán giả ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Vì vậy, tại dự thảo Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020, đã trình Chính phủ cũng không đề cập đến việc cấp phép hoạt động truyền hình cho các báo điện tử cũng như các cơ quan báo chí khác. Ông Bảo nhấn mạnh, các cơ quan báo chí có thể sản xuất các tin, bài dưới dạng clip minh họa đơn lẻ để phát trên báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan mình. Đồng thời, với các sản phẩm bằng hình ảnh đó, cơ quan báo cũng có thể phối hợp với các đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình có hạ tầng truyền dẫn để phát sóng. Với vai trò là đơn vị chủ trì, Cục sẽ nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Bộ những chính sách pháp lý nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý liên quan đến việc cung cấp, phát sóng các kênh chương trình, các chương trình phát thanh - truyền hình, bảo đảm đáp ứng xu hướng hội tụ công nghệ, hội tụ dịch vụ và tuân thủ đúng các quy hoạch về báo chí, về dịch vụ phát thanh – truyền hình.

Đài Truyền hình VN sẽ trực tiếp Đại lễ Vesak LHQ

Tiểu ban Thông tin - Truyền thông BTC Đại lễ Vesak LHQ 2014 họp bàn kế hoạch về việc truyền thông cho Đại lễ vào hôm qua, 21-4, tại Ninh Bình cho biết sẽ truyền hình trực tiếp lễ khai mạc từ 8g30 đến 11g00 ngày 8-5-2014 và lễ bế mạc từ 15g00 đến 16g30 ngày 10-5-2014 trên kênh VTV1.

Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông T.Ư, Trưởng Tiểu ban Truyền thông Đại lễ Vesak LHQ 2014 chủ trì cuộc họp

Bên cạnh đó, cuộc họp đã thống nhất việc nghiên cứu biên tập, phát hành tài liệu tuyên truyền quảng bá về Đại lễ Vesak LHQ 2014 trên các phương tiện thông tin đại chúng..., thực hiện các clip chào mừng Phật đản, các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Đại lễ.

BTC xác định, đây là một sự kiện với quy mô lớn và trọng thể, với sự tham dự của nhiều quốc gia trên thế giới. Để công tác truyền thông xứng tầm với quy mô Đại lễ, trong tuần tới BTC sẽ tổ chức chương trình họp báo với các cơ quan ban ngành báo chí về việc truyền tải, đưa tin toàn bộ các - hoạt động được diễn ra tại Đại lễ Vesak LHQ từ ngày 7 tới 10-5-2014.

Hòa Thượng Thích Gia Quang đã có chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát lại các công việc, nhiệm vụ được phân công, đồng thời chân thành cảm ơn các cơ quan báo chí đã cùng giúp đỡ và phối kết hợp cùng BTC họp bàn chuẩn bị các công tác truyền thông Đại lễ Vesak LHQ 2014.

Cẩm Vân

Nguồn: Báo Giác Ngộ

Phát động giải thưởng Báo chí môi trường châu Á - AEJA 2014

Ngày 22-4, Ủy ban Môi trường Singapore (SEC) đã chính thức phát động Giải thưởng Báo chí Môi trường châu Á - AEJA 2014.

Bà Loh Xiao Juan, Phụ trách công tác tiếp cận cộng đồng của SEC cho biết: “Giải thưởng Báo chí Môi trường châu Á (AEJA) được triển khai từ năm 2012, với mục đích công nhận và khen thưởng các cá nhân, tổ chức xuất sắc trong lĩnh vực báo chí môi trường.

AEJA 2014 sẽ có 6 hạng mục giải thưởng gồm Câu chuyện môi trường của năm; Nhà báo môi trường báo của năm; Blogger môi trường của năm; Ảnh môi trường của năm; Nhà báo môi trường trẻ của năm và giải Báo cáo môi trường thực hiện bởi tổ chức truyền thông”.

Năm 2013, các hạng mục trên đã được  trao cho các tác giả:  Stella Paul đến từ hãng tin Thomson Reuter/Alertnet (giải Câu chuyên môi trường của năm); Ji Ling từ hãng Shouth China Morning Post (giải nhà báo môi trường của năm); Kavitha Rao từ hãng tin Guardian (giải blogger môi trường của năm), Sidara từ báo Vijaya Karnataka Daily (giải ảnh môi trường của năm) và hãng Thomtin Reuters Foundation (giải báo cáo môi trường của tổ chức truyền thông).

AEJA 2014 bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 22-4 đến 3-8. Ban giám khảo chấm thi vào ngày 5-9 và lễ trao giải sẽ được tổ chức tại Singapore vào ngày 16-10-2014. Các nhà báo và tổ chức truyền thông môi trường tại Việt Nam và tất cả các quốc gia châu Á có thể nộp bài dự thi trực tuyến tại web sau:http://www.sec.org.sg/aeja/login.php.

 Thái Sơn

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân

Đăng nội dung vô bổ làm lung lay tinh thần xã hội

(ICTPress) - Năm 2014, Hội nhà báo Việt Nam (HNBVN) chọn chủ đề hoạt động: “Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch HNBVN, Tổng Biên tập Báo nhân dân Thuận Hữu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác HNBVN năm 2014 mới đây cho biết tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp ngày càng nhiều, thậm chí nhiều người vi phạm pháp luật, biểu hiện tống tiền, dọa nạt cơ sở, đạo tin bài của nhau, đưa tin không kiểm chứng, thậm chí bịa tin. Nhiều nhà báo thiếu ý thức nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, đưa tin viết bài thiếu cân nhắc về hiệu ứng xã hội và phản ứng tiêu cực của xã hội và các thế lực thù địch lợi dụng những thông tin này để xuyên tạc tình hình đất nước và chống phát chúng ta. Như vậy, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo có nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều người không ý thức được và không hoàn thành được công việc, trong khi toàn Đảng toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu vượt qua các khó khăn thì chúng ta lại không tiếp sức, không tạo ra sự gắn kết, sức mạnh vượt qua khó khăn mà chúng ta làm phân tâm xã hội, thậm chí làm thiệt hại kinh tế - xã hội của đất nước, và có những tin làm rối loạn xã hội. Nhiều báo chí chạy theo xu hướng giật gân câu khách, chủ yếu nêu mặt trái xã hội hoặc chạy theo thị hiếu tầm thường. Xu hướng lá cải hóa trên một số báo là có thật, thông tin trên báo chí, nhất báo mạng ngày ngày đầu độc bạn trẻ, xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước.

Chủ tịch HNBVN, Tổng Biên tập Báo nhân dân Thuận Hữu phát biểu tại Hội nghị

Lần đầu tiên Trung ương đưa ra hai khái niệm mới: sự xâm lăng văn hóa và chiến tranh mạng. Cả hai khái niệm này xuất hiện từ thông tin trên báo chí. Báo chí vô tình truyền tải thông tin làm méo mó, làm phai mờ bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho các thế lực xâm nhập. Cuộc chiến đấu trên mặt trận tư tưởng có cam go hơn. Chiến tranh mạng là khái niệm mới. Từ việc giật gân câu khách, vô tình chuyển tải nội dung vô bổ nhưng sẽ lung lay nền tảng tinh thần của xã hội và trách nhiệm của HNBVN chọn chủ đề hoạt động năm nay vì thế, Chủ tịch Thuận Hữu cho biết.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bà Hà Kim Chi, Trưởng Ban Kiểm tra HNBVN tại Hội nghị công tác kiểm tra mở rộng cho biết số lượng nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm Luật Báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp tăng. Đáng lưu ý là đơn thư liên quan đến việc hội viên - nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp tăng 128,5% (Năm 2012: 7 vụ năm 2013: 16 vụ), con số trên nói lên tình trạng hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp gia tăng.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị đã cho biết năm 2013 vi phạm báo chí tiếp tục diễn ra, dư luận kêu nhiều, trước hết là một số ấn phẩm. Một số báo in đi vào khai thác quá nhiều mặt trái của xã hội. Có một số tờ trông trang nhất không khác một tờ cáo phó. Chữ to, đen toàn các vụ án. Chúng ta phản ánh xã hội nhưng phải có mức độ vì báo chí còn là định hướng xã hội. Chúng ta nói quá nhiều điều xấu, chưa bao giờ tình trạng giết nhau đưa nhiều quá, chúng ta đưa nhiều quá lại phản tác dụng. Những sai sự thật, nhiều sai phạm, số đơn thư vụ việc giảm nhưng tính nghiêm trọng thì không giảm.

Lý giải các các nguyên nhân vi phạm ông Hoàng Hữu Lượng cho biết là do nghiệp vụ yếu kém, nguồn tin không đầy đủ, quy trình làm báo chưa thực hiện đúng, hiện có tình trạng khai thác thông tin trên mạng vì báo điện tử cần nhanh, không kiểm chứng thông tin dẫn đến cái sai. Nhưng cái sai nguy hiểm nhất là xuất phát từ đạo đức báo chí bị vi phạm vì đây là cái sai chủ ý. Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh rất quyết liệt chúng ta không cẩn thận rất dễ xa vào vòng đó.

Ông Hoàng Hữu Lượng dẫn chứng thông tin gần đây nhất mà báo chí ồ ạt đăng tin từ sự việc có thật là một liệt sĩ trở về sau 40 năm. Báo địa phương đăng trước, báo trung ương ồ ạt đăng theo, có báo đăng 20 bài. Báo chí đăng không sai việc công nhận liệt sĩ và sự trở về không sai nhưng chúng ta đăng mấy chục bài mà không có nghi vấn tại sao 40 năm không trở về. Sự thật người trở về là một người đào ngũ. Sai về đạo đức có chủ ý rất nguy hiểm. Hiện nay có hai tình trạng sai là từ phía phóng viên có thể vì mục đích cá nhân nhưng lãnh đạo báo chí không phải không có.

Năm nay HNBVN lấy chủ đề đạo đức để hoạt động hội là rất có ý nghĩa. Nếu chúng ta nâng cao được đạo đức thì trách nhiệm không phải chỉ của phải là Hội nhà báo trung ương mà các hội địa phương rất lớn, không chỉ của cơ quan báo chí mà vai trò của hội rất lớn, ông Hoàng Hữu Lượng cho biết.

Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 288 tổ chức cơ sở hội, gồm 63 Hội tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 206 chi hội trực thuộc, với số lượng trên 20.000 hội viên, trong đó có 19.901 trường hợp đã được cấp, đổi thẻ hội viên. Năm 2013 là năm có số hội viên nộp đơn và được kết nạp cao nhất từ trước đến nay, kết nạp 2.072 hội viên, tăng 23% so với năm 2012. Đã có 14 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội được thành lập mới, 36 cấp Hội đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ.

Năm 2013, HNBVN đã làm tốt công tác tham mưu và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế, chính sách đối với báo chí, đối với hoạt động của các Hội nhà báo tỉnh, thành phố. Hội nhà báo đề nghị và được Quốc hội chấp thuận giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo in từ 25% xuống còn 10%, góp phần giải quyết khó khăn trong hoạt động báo chí và tác nghiệp báo chí tại tòa.

LP

Tác nghiệp tại tòa: Phóng viên chưa có Thẻ nhà báo sẽ bị “cấm cửa“?

Dư luận lại tiếp tục phản đối, bởi lẽ yêu cầu này không phù hợp với thực tiễn và mâu thuẫn với những quy định pháp luật hiện hành.

Ngay sau khi TANDTC công bố bản Dự thảo mới nhất về Nội quy phiên tòa, trong đó quy định nhà báo khi tham dự phiên tòa phải xuất trình Thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu, dư luận lại tiếp tục phản đối, bởi lẽ yêu cầu này không phù hợp với thực tiễn và mâu thuẫn với những quy định pháp luật hiện hành.

Quy định trên của TANDTC đồng nghĩa với việc tất cả những phóng viên (chưa có Thẻ Nhà báo) sẽ không được quyền tham dự phiên tòa để tác nghiệp, trong khi nhà báo hay phóng viên đều có vai trò, nhiệm vụ như nhau.

 Quy định cứng nhắc

Nói quy đinh trên không phù hợp thực tiễn vì không phải bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực báo chí đều được cấp Thẻ Nhà báo. Theo quy định, để được cấp Thẻ Nhà báo, các phóng viên phải có thời gian công tác liên tục tại một cơ quan báo chí trong ba năm trở lên và không vi phạm kỷ luật. 

 “Thực tế có không ít người đã làm việc nhiều năm trong lĩnh vực báo chí nhưng vì trong quá trình công tác, họ chuyển nhiều cơ quan báo chí khác nhau mà mỗi cơ quan họ lại làm việc chưa đủ 3 năm liên tục, vì thế họ chưa được cấp Thẻ Nhà báo. Theo đề xuất của TANDTC thì đội ngũ những người làm báo này bị “cấm cửa” dự tòa hết hay sao? Đây không phải là những phóng viên mới vào nghề để nói rằng họ còn “non” nghiệp vụ hay chưa có kinh nghiệm. Bởi vậy, nếu “cấm cửa” không cho phóng viên chưa có Thẻ Nhà báo  tham dự phiên tòa để tác nghiệp sẽ không phù hợp với thực tiễn và pháp luật. Đây là quy định cứng nhắc, cơ quan soạn thảo nên xem xét lại”- ông Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập Báo Bưu điện băn khoăn.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thì hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng; mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định các hình phạt tương ứng với các hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên… Nói như vậy để khẳng định một điều: nhà báo và phóng viên đều có trách nhiệm và quyền bình đẳng ngang nhau, đều được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Nếu họ bị cản trở, hành hung khi đang hoạt động nghề nghiệp thì cũng được bảo vệ như nhau và không phân biệt họ là nhà báo hay phóng viên (có Thẻ hay chưa có Thẻ). 

Cũng cần nhắc lại rằng, Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí từ tháng 11/2013 trở về trước chỉ nhắc đến chủ thể là “nhà báo” mà chưa có chức danh “phóng viên”. Nhưng đến Nghị định 159 thì đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên tại thời điểm này, Chính phủ đã thừa nhận vai trò của phóng viên trong hoạt động tác nghiệp của báo chí. 

Gần đây, tại Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút (sẽ có hiệu lực từ 01/6/2014 tới đây), ngoài đối tượng là nhà báo, văn bản luật này cũng đề cập đến phóng viên. Như vậy, bên cạnh nhà báo thì phóng viên cũng có vị trí và vai trò tương ứng trong quá trình tác nghiệp.

Chỉ cần Giấy giới thiệu là đủ 

Theo cơ quan soạn thảo, quy định nhà báo tham dự phiên tòa phải xuất trình Thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu là nhằm đảm bảo việc tham dự phiên tòa là để thực hiện nhiệm vụ được phân công, tránh tình trạng nhà báo dự tòa nhưng không vì lý do tác nghiệp. Lập luận này xem ra không phù hợp, bởi nếu vì sợ nhà báo dự tòa không phải vì lý do tác nghiệp thì Tòa chỉ cần yêu cầu nhà báo trình Giấy giới thiệu, không nhất thiết phải có thêm Thẻ Nhà báo, vì như vậy sẽ gây khó khăn cho những phóng viên chưa có Thẻ.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định phóng viên dự tòa phải có Thẻ Nhà báo là để đảm bảo về khả năng, trình độ của người tác nghiệp- tức là đòi hỏi người viết bài phải có kinh nghiệm. Điều này không phải không có lý, nhưng hoạt động báo chí có đặc thù riêng. Chất lượng bài báo không phụ thuộc vào độ tuổi của tác giả bài viết (cũng như không phụ thuộc vào việc họ đã được cấp Thẻ Nhà báo hay chưa) mà phần lớn được điều chỉnh bởi khả năng tư duy và sự nhạy bén trong việc nắm bắt và phân tích thông tin. 

Không chỉ vậy, khi ký Giấy giới thiệu cử một ai đó tham dự phiên tòa thì lãnh đạo Tòa soạn đã có sự cân nhắc, lựa chọn những nhà báo hoặc phóng viên có đủ năng lực, trình độ để viết bài. Hơn nữa, phía sau mỗi bài báo của phóng viên được cử đi tham dự phiên tòa còn có trách nhiệm của cả Ban Biên tập tờ báo đó. 

“Nếu cơ quan nào cũng đòi Thẻ Nhà báo với lý do đòi hỏi người có kinh nghiệm để đưa tin thì cơ hội cho các phóng viên trẻ mới vào nghề sẽ không có. Muốn có kinh nghiệm thì ngay từ đầu, khi người đó mới vào nghề, các cơ quan, tổ chức liên quan phải tạo điều kiện cho họ được hành nghề hợp pháp. Kinh nghiệm của ngày hôm nay hay ngày mai phải được tích lũy từ chính những bước chân đầu tiên khi mới vào nghề”- nhà báo Anh Tuấn, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC1 chia sẻ.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với các quan điểm trên và cho rằng, để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của báo chí phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp, Nội quy phiên tòa không nên đòi hỏi nhà báo phải có đủ cả Thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu. Thay vào đó, chỉ cần nhà báo, phóng viên có một trong hai loại giấy tờ này, thông thường chỉ cần Giấy giới thiệu là đủ, vì tờ giấy này đã đủ để chứng minh hai điều: người được cử đến tham dự phiên tòa đang làm việc tại tờ báo đó và được Ban Biên tập tờ báo này tin tưởng lựa chọn để giao nhiệm vụ.

Vân Anh

Nguồn:baophapluat.vn

Phóng viên bất lực ở "tâm bão sởi"!

Số ca mắc sởi và tử vong do sởi cứ tăng lên từng ngày. Và trong khi cả xã hội hướng về tâm dịch thì những thông tin từ bệnh viện đưa ra đều... nhỏ giọt.

Tránh phóng viên như… “tránh tà”

Hôm 16/4, sau chuyến thị sát bệnh viện Nhi Trung Ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc họp “kín” với đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và lãnh đạo các bệnh viện. Dù rất đông phóng viên các báo đã có mặt nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế không cho báo chí tham gia với lý do: Đây là cuộc họp nhiều kiến thức chuyên môn, sợ phóng viên nghe không hiểu.

Trước tình hình này, hàng chục phóng viên các báo vẫn kiên nhẫn ngồi đợi Bộ trưởng gần 4 tiếng đồng hồ để thông tin về diễn biến dịch sởi một cách sớm nhất. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế từ chối trả lời. Trước sức ép của hàng chục phóng viên phải đến gần 13h trưa, Bộ trưởng Tiến mới đồng ý cung cấp thông tin với điều kiện không quay phim, chụp ảnh.

Động thái của người đứng đầu ngành Y tế là vậy, đến khi phóng viên “cầu cứu” lãnh đạo bệnh viện thì cũng nhận được phản hồi tương tự. Từ chiều qua đến sáng nay 17/4, rất đông phóng viên đến tác nghiệp tại bệnh viện Nhi Trung Ương đều nhận được câu trả lời: "Phải liên hệ với bệnh viện trước, có sự đồng ý của lãnh đạo viện, sẽ có người dẫn đi tác nghiệp”. Thực tế, các phóng viên cũng đã làm đúng quy trình, xin ý kiến lãnh đạo viện, qua phòng công tác xã hội nhưng cuối cùng đều bị… từ chối. 

Đến sáng nay, nhiều phóng viên đã bị bảo vệ chặn ngay từ cửa không cho tiếp xúc dù chỉ với... người nhà bệnh nhân. Vậy nên, cách duy nhất để cập nhật tình hình dịch sởi của phóng viên là đứng ngoài cửa phòng cấp cứu và… chờ. 

Đau thương từ "tâm bão sởi" 

Lớp lớp người nhà bệnh nhi ngồi vạ vật trước cửa phòng bệnh, những gương mặt mệt mỏi không thôi ám ảnh. Buổi trưa, họ chỉ ăn tạm cho qua bữa, nóng ruột túc trực từng phút trước cửa phòng bệnh. Mỗi lần bác sĩ gọi tên là họ lại giật mình thon thót. Không giật mình sao được khi những biến chứng của sởi diễn biến quá nhanh, trong thời gian ngắn bệnh nhi có thể rơi vào tình trạng nguy kịch. 

Mặc dù rất muốn tiếp xúc với phóng viên nhưng chính các bậc phụ huynh cũng phải dè chừng trước tình hình bảo vệ "canh chừng" 24/24. Kéo phóng viên vào một góc để tránh sự săm soi của bảo vệ, một phụ huynh chia sẻ: "Sợ lắm cô ạ, liên tục có cháu bị tử vong. Từ sáng đến giờ đã có 3 cháu rồi, chúng tôi cứu giật mình thon thót. Khổ quá đi thôi”.

Phụ huynh ngóng con qua... cửa sổ

Ngoài hành lang bệnh viện bà P.T.T (Hải Phòng) chia sẻ: "Cháu nhà tôi đã đến viện nhi điều trị hơn 1 tháng nay rồi. Ban đầu cháu bị viêm phổi, chữa viêm phổi xong cháu về nhà được 1 tuần, sau đó lại phải quay lại vì nhiễm sởi. Mà sao sởi bây giờ kinh hoàng quá, các bác sĩ nói cháu nhà tôi bị con vỉ rút ăn vào phổi, trắng phổi rồi, không biết sẽ còn cầm cự được bao lâu." Vừa nói, bà vừa rơm rớm nước mắt. 

Khi được hỏi, nguyện vọng của gia đình các bé ở đây thế nào, bậc phụ huynh này than thở: "Trước đây tôi không biết sởi nghiêm trọng đến thế này. Đến đây liên tục thấy trẻ bị tử vong tôi hãi quá. Mong là báo chí thông tin mạnh hơn nữa để những ông bố, bà mẹ khác biết được mức độ nguy hiểm mà phòng tránh cho trẻ. Còn cháu nhà tôi nằm đây, chỉ mong được chữa trị tốt nhất mà có cơ hội về với gia đình thôi. Cháu có mệnh hề gì tôi không sống nổi”. 

Huy An

Nguồn: PetroTimes

Quảng Ninh thông tin chính thức về nổ súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh

(ICTPress) - Chiều tối nay 18/4 tại Quảng Ninh trong khuôn khổ Hội nghị Toàn quốc triển khai công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2014 diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu, người phát ngôn chính thức về vụ nổ súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh đã thông tin “nóng” tới các đại biểu về vụ việc này.

Sơ đồ khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh

Ông Đặng Huy Hậu cho biết 4h sáng ngày hôm nay 18/4, các lực lượng của tỉnh Quảng Ninh gồm Biên phòng, Công An tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 16 đối tượng trong đó có 10 nam, 4 nữ và 2 trẻ em đã vượt biên trái phép, đi sâu vào trong đất liền vào khu vực huyện Hải Hà. Theo đó các lực lượng chức năng Việt Nam đã bắt giữ. Theo quy định, Việt Nam phải làm các thủ tục bàn giao với Trung Quốc. Công việc bàn giao đã được hai bên kết nối với nhau. Trung Quốc đã hợp tác tốt để tiếp nhận các đối tượng này. Trong thời gian làm thủ tục và dẫn giải về khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh thì một số đối tượng quá khích đã giật được một khẩu súng của một đồng chí chiến sĩ đang bảo vệ khu vực này và đối tượng này đã đi lên tầng 3 khu vực làm việc cửa khẩu, nổ súng, bắt giữ một chiến sĩ và gây náo loạn khu vực. Trong bối cảnh xô xát đó đã làm một chiến sĩ Việt Nam hy sinh tại chỗ. Tiếp theo đó lực lượng Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc kêu gọi đối tượng đầu hàng, nộp vũ khí nhưng đối tượng đã ngoan cố và các lực lượng chức năng Việt Nam buộc phải thực hiện biện pháp tự vệ và khống chế để bắt giữ đối tượng.

Trong khoảng thời gian 12 giờ đến 13 giờ xảy ra các va chạm và một số đối tượng người Trung Quốc tự vẫn, nhảy từ tầng 3 xuống và gây tử vong. Và trong va chạm hai bên, hậu quả xảy ra có 5 người thiệt mạng, trong đó có 2 chiến sĩ của đồn biên phòng và 5 đối tượng Trung Quốc. Ngoài ra có 4 cán bộ chiến sĩ bị thương, ông Đặng Huy Hậu  tiếp tục cho biết.

Sau khi sự việc xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã triệu tập họp rất khẩn cấp, trước đó đã báo cáo các cơ quan Trung ương để xin ý kiến chỉ đạo và triển khai ngay các chương trình. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo và các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời xử lý công việc. Đến hơn 15 giờ hôm nay đã làm chủ được tình hình ở đó, thu vũ khí và làm các thủ tục bàn giao giữa Việt Nam và người với Trung Quốc. Cuối giờ chiều nay, việc trao trả toàn bộ người chết, bị thương cũng các đối tượng còn sống phụ nữ và trẻ em đã được Trung Quốc tiếp nhận. Công việc Bắc Phong Sinh đã trở lại bình thường, ông Đặng Huy Hậu thông báo.

Cho biết về một số báo chí có hỏi đây là khủng bố không? Ông Đặng Huy Hậu cho biết tỉnh Quảng Ninh chính thức phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng là đây không phải là khủng bố, mà là vụ manh động của những đối tượng quá khích đã dẫn tới kết quả đáng tiếc.

Ông Đặng Huy Hậu cũng cho biết đường biên giới Việt Nam với Trung Quốc trên đất liền dài hơn 100 km, có một số cửa khẩu chính và các lối nhỏ qua sông suối. Việc vượt biên trái phép và trao trả cũng diễn ra bình thường theo đúng thông lệ quốc tế và luật pháp giữa hai nước và quy chế phối hợp giữa lực lượng Biên phòng hai nước.

LP

Báo chí quốc tế “sốt” chuyện VN rút đăng cai ASIAD 18

Các hãng tin lớn trên thế giới đưa tin rầm rộ về sự kiện VN xin rút lui đăng cai ASIAD 2019. Tất cả cũng nhận định ASIAD là cuộc chơi tốn kém và quyết định rút lui của VN là hoàn toàn hợp lý.

Hãng thông tấn Reuters của Anh viết: “Việt Nam đã rút lui khỏi vị trí chủ nhà của ASIAD 2019 ngày hôm qua, với lý do thiếu chuẩn bị và lo ngại rằng, việc tổ chức sự kiện đa thể thao sẽ không chứng minh khả thi về mặt tài chính”.

“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận, việc đăng cai ASIAD 2019 có thể giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và hình ảnh quốc gia nhưng nếu không có sự chuẩn bị chu đáo và tổ chức không thành công, hiệu quả sẽ không như mong muốn”, Reuters đưa tin.

AFP đưa tin khá chi tiết về việc Việt Nam xin rút lui đăng cai ASIAD 18

Reuters cũng đưa kèm một thông tin đáng lưu ý khác là chi phí dự kiến tổ chức ASIAD 2019 theo ước tính của các nhà kinh tế đã thay đổi, từ 150 triệu USD lên 500 triệu USD. Bên cạnh đó, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và dự kiến đạt tăng trưởng trung bình hơn 5% trong vài năm tới nhưng Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề sâu xa, như cơ sở hạ tầng còn yếu kém.

Cũng theo Reuters, hiện chưa rõ nước nào sẽ tiếp quản quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 từ Việt Nam và hiện tại, Hội đồng Olympic châu Á có trụ sở tại Kuwait cũng chưa đưa ra bình luận nào.

Việc Việt Nam xin rút lui ở thời điểm này buộc Ủy ban Olympic châu Á (OCA) phải tìm quốc gia khác thay thế. Về vấn đề này, phát biểu trên Reuters Tổng thư ký OCA, ông Randhir Singh cho biết: “Hiện vẫn còn quá sớm để nói đến địa điểm đăng cai thay thế Việt Nam. OCA phải chờ thông tin chính thức từ phía Việt Nam về việc rút lui việc đăng cai. Khi đó, chúng tôi sẽ có những bình luận về vấn đề này”.

Hãng tin ABC cho biết, OCA hiện vẫn chưa có phản ứng gì với thông tin rút lui đăng cai Asian Games 2019 của Việt Nam. Hiện website của OCA vẫn chạy chương trình giới thiệu về thành phố Hà Nội, nơi đăng cai sự kiện này vào năm 2019, kèm theo là đoạn video clip quảng bá cho kỳ đại hội.

ABC News của Mỹ dẫn tin AP đưa về việc Việt Nam sẽ từ bỏ cương vị là nước chủ nhà của ASIAD 2019. Tờ báo trích thông báo từ chính phủ phát đi trong đó có đoạn: “Việc đăng cai này có thể giúp chúng tôi quảng bá hình ảnh và vị trí của đất nước. Tuy nhiên nếu tổ chức không tốt và thành công thì nó sẽ có tác dụng ngược lại. Ngân sách nhà nước còn hạn chế và phải được ưu tiên cho các nhiệm vụ trước mắt khác”.

Hãng truyền thông của Pháp AFP chạy tin: “Việt Nam sẽ không đăng cai ASIAD 2019. Theo hãng này, qua tham khảo ý kiến cua các cấp, ngành và đặc biệt là người dân, hầu hết các ý kiến muốn rút lui khỏi sự kiện này, thậm chí báo chí nhà nước cũng công khai thể hiện những quan điểm về mặt không tích cực về ASIAD”.

“Trong những tuần gần đây, báo chí nhà nước và các blog phổ biến đã chạy những câu chuyện và phần bình luận kêu gọi chính phủ rút lui khỏi các sự kiện thể dục thể thao và tiêu tiền vào những ưu tiên khác”, AFP viết.

Rất nhiều hãng thông tấn và báo chí khu vực, châu lục và thế giới như Chanel News Asia, Malaysian Digest, Today Online, Daily News...trong ngày hôm nay cũng đưa tin về việc VN xin rút lui đăng cai Asiad. Nhật báo Thượng Hải (Trung Quốc) thậm chí còn nhấn mạnh, người dân VN muốn số tiền dự tính đầu tư cho các công trình của ASIAD 18 được chuyển sang để hoàn thành các dự án giao thông, bệnh viện và trường học.

Trong khi đó, theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), nguyên nhân khiến Việt Nam cân nhắc và quyết định rút lại ý định đăng cai ASIAD 18 (năm 2019) là khó khăn về tài chính.

Bằng Lăng (tổng hợp)

VietnamNet