Chuyện dọc đường
T-fresh - một địa chỉ thực phẩm sạch
Submitted by nlphuong on Sat, 13/08/2011 - 08:51(ICTPress) - Mấy năm trước có dịp đi công tác tại Nhật Bản, ngoài giờ học, hội thảo tôi đã tính toán từng chút thời gian để được đi và biết nhiều nơi ở Nhật Bản. Cũng nhờ người bạn đang học ở Nhật mà tôi thực hiện được hành trình nhiều hơn mong ước và đóng góp vào việc tiết kiệm thời gian cho tôi còn là những cửa hàng 24/24.
Những cửa hàng kiểu này có không gian vừa đủ và mở cửa 24 giờ/24 giờ, rất thuận tiện cho bạn mua những đồ ăn và đồ dùng rất thiết yếu. Lúc đó tôi đã tìm được những gói cơm rong biển hoặc cá có ghi các con số calorie đủ đảm bảo dinh dưỡng và sạch cho việc di chuyển liên tục. Sau này về Việt Nam tôi cứ mong có những cửa hàng nhỏ nhưng có đủ những thứ rất thiết yếu như thế. Ở Nha Trang tôi đã gặp một cửa hàng như thế ở khu phố Tây ba lô. Còn ở Hà Nội, hiện nay đã có những cửa hàng vừa đủ để bày bán các thực phẩm thiết yếu hàng ngày như cửa hàng Hapro Mart hay T-Mart.
Mới đây tôi biết thêm một cửa hàng nữa và mong muốn giới thiệu đến bạn đọc. Đó là cửa hàng T-fresh chuyên cung cấp các thực phẩm và hoa quả sạch. Được hỏi ý định ban đầu mở cửa hàng thì một trong hai cô chủ cửa hàng, vừa làm nhà nước vừa điều hành cửa hàng cho biết: lý do đơn giản lắm, chỉ vì muốn gia đình mình được dùng các sản phẩm rau, quả và thực phẩm sạch nên mở thôi. Sau đó thì phục vụ mọi người được dùng đồ sạch như mình để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Tôi trở lại cửa hàng vào một sáng thứ 7 thong dong hơn, đã thấy nhộn nhịp một số bà nội trợ xách những túi to rau sạch bước ra.
Các sản phẩm sạch của T-fresh khá đa dạng từ hoa quả đặc sản từ các vùng miền trong cả nước với hàm lượng dinh dưỡng cao: Rau an toàn của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam không sử dụng các loại thuốc trừ sâu hoá học; phân bón hoá học; chất kích thích, thuốc tăng trưởng, thuốc bảo quản; và trái cây nhập khẩu tươi ngon từ Mỹ, Úc, Newzeland với giá hợp lý.
Rau an toàn thương hiệu Big Green của Viện Môi trường Nông nghiệp |
Nếu bạn quan tâm đến các loại thức uống sạch thì cửa hàng có sữa TH True milk, Mộc Châu, Vinamilk, Ba Vì,… nước ép trái cây 100% thiên nhiên không sử dụng hương liệu, đường, phẩm màu, thích hợp với mọi lứa tuổi, là nước uống giải khát giàu chất dinh dưỡng, tăng khả năng phòng ngừa một số loại bệnh như tim mạch, tiểu đường, chống các phần tử gây lão hoá, làm đẹp da. Các thực phẩm an toàn, uy tín cửa hàng có gà Dabaco, Thực phẩm sạch Đức Việt, cá thu đánh bắt một nắng Vân Đồn - Quảng Ninh, Đồ Sơn - Hải Phòng, gả thả tươi được làm sạch hôm nay gọi mai có và còn nhiều sản phẩm an toàn cho sức khoẻ bạn và gia đình bạn.
Ô mai sạch với thương hiệu Tiến Thịnh nổi tiếng của phố cổ Hà Nội từ năm 1937 |
Nếu bạn là công chức thời hiện đại làm tối mịt các ngày trong tuần rồi lại sấp ngửa đi chợ chiều mà không biết có mua được thực phẩm, rau sạch đảm bảo tươi ngon, T-Fresh thấu hiểu được nỗi khổ ấy của bạn và đã chuẩn bị những thực đơn, rau sạch hàng ngày giúp bạn chỉ với thời gian ngắn ngủi 20 phút bạn đã có bữa cơm tối quây quần gia đình ngon mà sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng.
Ngắm nghía thêm một số đồ nữa tại cửa hàng, các bà nội trợ hay đơn giản là một khách hàng viếng thăm có thể chọn một hay nhiều đồ nhỏ xinh từ món đồ chơi nhỏ ngộ nghĩnh hay hộp bút xinh xinh cho các cháu.
T-fresh cũng luôn có những chương trình giảm giá đặc biệt nhân dịp 1/6 hay rằm tháng 7 cùng nhiều dịp lễ khác… Bạn hãy ghé thăm T-fresh tại địa chỉ P101 - C10 - Ngõ 73 Nguyên Hồng, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội để có những niềm vui bất ngờ và bạn có thể yêu cầu nhận được sản phẩm khi gọi tới điện thoại 04.377 64646, 0904195858.
Linh@
Ngon
Submitted by nlphuong on Tue, 09/08/2011 - 23:03(ICTPress) - Góc phố Nguyễn Du - Triệu Việt Vương có rất nhiều hàng quán, nhưng ấn tượng nhất với tôi là một hàng xôi nho nhỏ, chỉ bán vào buổi sáng.
Đôi chiếc bàn nhựa be bé, dăm cái ghể con con, một cái tủ xinh xinh, một chiếc bếp mini dễ di chuyển được đặt gọn gàng bên một con ngõ cũng nho nhỏ, ngăn ngắn cạnh số nhà 21 Nguyễn Du, hàng xôi ấy cũng chỉ bán xôi trắng ăn với ruốc, giò, chả, trứng, thịt kho, pa tê, lạp xường…chứ không có các loại xôi vò, xôi xéo hay xôi đỗ, xôi lạc. Ấy thế mà thật ngon, thật quen đến độ lâu lâu không ăn lại thấy nhớ.
Thú vị nhất là những sáng mùa đông se lạnh, bát xôi nóng nghi ngút khói cầm lên là thấy ấm đôi bàn tay, cùng lúc hít hà mùi thơm của những hạt nếp trằng ngần, trắng ngà, dẻo quánh đi cùng với cái vàng rộm của trứng tráng hay màu nâu sậm của thịt kho, sắc đỏ hồng hào của những miếng lạp xường xắt mỏng, xen loáng thoáng chút xanh mát của dưa leo dầm dấm ớt. Đôi ba miếng dưa leo chua chua cay cay càng làm vị ngọt vị béo vị bùi của thịt của trứng, vị dẻo vị thơm của xôi thêm đậm đà. Cùng với âm thanh rộn ràng của góc phố mỗi sớm mai, món xôi giản dị nơi đây có hương vị rất riêng.
Hấp dẫn nhất với tôi lại là món pa tê chiên cháy cạnh ăn với xôi trắng. Miếng pa tê chiên cháy cạnh vuông vắn màu cacao sẫm đặt trên xôi trắng đựng trong cái bát tròn nhìn đã thấy ngon mắt. Pa tê chiên hơi cháy có vị bùi, ròn và ngậy quện lấy cái dẻo thơm của những hạt nếp cứ ngọt mãi trong miệng, thêm vị chát dịu của một cốc trà xanh đặc và nóng. Thật là…Ngon! Rất lạ là hai món ăn này lại hợp nhau đến thế. Pa tê vốn là món được du nhập từ châu Âu thường là để ăn cùng với bánh mỳ, ấy thế mà chiên lên và ăn với món xôi trắng Á Đông lại tạo nên một hương vị hòa quện ngon lành với nhau. Sự hòa nhập của văn hóa ẩm thực đôi khi thật giản dị mà không kém phần quyến rũ.
Nhưng pa tê chiên và xôi trắng ở nơi khác không hòa nhập ngon lành với nhau như ở hàng xôi sáng góc phố này. Tôi đã gọi đúng món xôi pa tê chiên như thế ở những quán khác, cũng trắng, cũng dẻo, cũng thơm nhưng cứ có một chút gì đó thiêu thiếu để làm nên vị đậm đà. Lại mất công mua gạo nếp cái hoa vàng rồi vào siêu thị khuân về các loại pa tê hộp để tự đồ xôi, tư chiên tự rán pa tê. Ấy vậy mà vẫn cứ không thấy ngon như xôi pa tê cháy nơi góc phố đó. Sáng hôm sau bèn đến sớm để lấy chỗ đỗ xe, rồi chay ngay vào hàng xôi, gọi một suất và hỏi bà chủ hàng xôi - bà Mão, mới biết rằng bà bán món xôi này ở đây đã hai mươi năm. Ơ thế thì mình nấu xôi và chiên pa tê không ngon được như bà thì cũng đúng thôi nhỉ.
Trong một chuyến công tác Sài Gòn, gần khu phố Tây ba lô, Đề Thám - Phạm Ngũ Lão, tôi nhìn thấy biển hiệu “Xôi không ngon”; biển hiệu thế nhưng quán khá đông khách ăn, ba bốn chú Tây ba lô còn đang đứng quanh cái bếp chờ đến lượt nhận phần xôi. Chợt nhớ về hàng xôi sáng nơi góc phố Nguyễn Du - Triệu Việt Vương nhà mình, chả biển hiệu gì mà khách đến ăn vẫn cứ phải ý tứ tự nhường nhau chỗ ngồi. Có lẽ bà Mão có treo biển “Xôi không ngon” hay “Xôi chán lắm” thì khách quen vẫn tìm đến, mà có khi lại đông thêm vài vị khách hiếu kỳ.
Có lần bà Mão ốm, cô con gái (hay con dâu) bán thay. Bát xôi có vẻ đầy hơn, miếng pa tê dày hơn, lại khuyến mại thêm mấy miếng lạp xường, chắc là thơm thảo xởi lởi để giữ khách quen. Cũng thơm, dẻo, ngậy, bùi như mọi ngày, suất xôi sáng xởi lởi hôm ấy khiến tôi quá no đến độ bỏ cả bữa trưa. Thế ra cái ngon cũng như cái duyên, ít thì thiêu thiếu mà nhiều quá thì lại no lại chán, chỉ cần vừa đủ là ngon, là duyên.
Hiền Minh
Hà Nội - Ẩm thực vỉa hè ký
Submitted by nlphuong on Sat, 06/08/2011 - 10:51Ăn…
Dù đã có những cuộc xâm lấn mạnh mẽ của đồ ăn nhanh như KFC, Lotteria, BBQ Chicken, lẩu băng chuyền… song người Hà Nội bảo thủ vẫn không bỏ được thói quen ăn vỉa hè. Không phải là nhà hàng cao sang, ăn cả bằng mắt hay gì gì đó mà ghé qua những quán ăn này để được thực sự tìm về nét tinh tế và tài nấu nướng bậc nhất ẩn trong từng món ăn dân dã.
Có thể kể đến gánh bún riêu vỉa hè ngã tư Hai Bà Trưng - Quang Trung (chuyên bán sáng để phân biệt với gánh bún riêu bán chiều cuối phố Quang Trung) không biển hiệu mà ở đó gần 30 năm rồi. Khách đông, khó tính nhưng toàn là những người trung thân từ thời còn đi học đến khi có gia đình. Chị Huyền, bà chủ gánh bún bán hàng từ khi con gái đầu lòng còn bé nay đã lên chức bà ngoại. Món bún riêu truyền thống cũng được thay đổi theo thời gian để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, khách có thể yêu cầu thêm bò bắp/lõi rùa, giò lụa/giò tai, ốc bươu. Như vậy không có nghĩa là mất đi vị chua thanh của dấm bỗng, vị đậm đà khi thêm chút mắm tôm và cay nồng của ớt chưng bởi bao năm rồi bà chủ vẫn giữ nguyên công thức pha chế và gia giảm nước dùng.
Gọi là vỉa hè nhưng quả thực mỗi bát bún ở đây được chăm chút kỹ lưỡng và khá sạch sẽ từ bát đũa tới rổ rau sống thái chỉ. Vậy nên dù gánh bún cũng nhiều phen bôn ba bị đuổi ra đường rồi vào ngõ nhưng khách quen vẫn lần mò tìm ra bằng được. Nếu đã ăn thì bạn sẽ trung thành mà không bao giờ nhắc đến bún riêu Thi Sách, Hòa Mã hay ở bất kỳ một con phố hay ngõ ngách nào khác của Hà Nội.
Rồi quán miến lươn Chân Cầm chỉ bán sáng và chiều, buổi trưa nhường lại cho hàng bún bung. Một mặt tiền vỏn vẹn 2m2 dân trong ngõ cùng chia nhau thời gian kinh doanh để kiếm sống. Hàng miến lươn ở đây đặc trưng bởi nước dùng được nấu từ xương lươn xay nhuyễn bởi vậy nó có màu nâu đục đặc trưng và vị ngọt đậm đà chứ không trong vắt như miến lươn Hàng Điếu, Mai Hắc Đế… Lươn khô ở đây cũng thơm giòn vị lươn hơn những nơi khác. Từ chiều tối có thêm chả lươn, nộm lươn, miến lươn xào và cháo lươn để thực khách lựa chọn. Gánh miến lươn này cũng có thâm niên 20 năm có lẻ.
Lại nhắc đến phở Hà Nội với những cái tên quen thuộc như phở Bát Đàn, Lý Quốc Sư (cũ), phở Hàng Đồng, phở Thìn, phở Sướng, phở Tự do, phở Hàng Giầy nhưng hãy thử một hàng phở gánh chính hiệu vỉa hè Hàng Trống để được nhấm nhấp cái không khí phở gánh xưa cũ. Hàng chỉ bán duy nhất phở bò chín từ 5h chiều trở đi và nước dùng không thật đặc sắc nhưng có khá nhiều khách sành điệu sẵn sàng ngồi ghế thấp bê bát, sì sụp thưởng thức trong cái chạng vạng chiều hôm.
Hà Nội còn có bánh cuốn được nhắc đến như tinh hoa của ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù bánh cuốn Thanh Trì mới đi vào thơ văn mà giờ đây ít nhiều đã phai nhạt cái hương vị thanh đạm của nó và cũng không mấy dễ tìm thì bánh cuốn nóng Hà Nội lại đa dạng và phố biến hơn. Tuy vậy, điểm mặt những hàng nét cũng không nhiều lắm, một vài hàng ăn tạm là bánh cuốn đầu dốc Hàng Than, bánh cuốn Hàng Bồ có cả nhân thịt gà, bánh cuốn Gia Quân - Hàng Buồm, bánh cuốn Bảo Khánh có nhân củ đậu, bánh cuốn Bà Triệu được tráng đẹp như một chiếc lá mùa thu mỏng mảnh, bánh cuốn 3 chị em ở Phan Phù Tiên. Mỗi người lại kết một hàng theo khẩu vị của riêng mình. Người viết bài này thì chỉ kết bánh cuốn Hàng Bồ bán từ 3h chiều trở đi với nhân bánh được xào rất đặc biệt. Hàng bánh cuốn cũng có tuổi đời trên hai chục năm từ thời còn ở vỉa hè Lương Văn Can mà đến giờ vẫn giữ được phong độ thì không có nhiều hàng làm được. Cô bán hàng kể đã nhọc công tìm người vừa để đào tạo làm hàng cho gia đình vừa là truyền nghề mà chẳng ai theo được…
& nhậu…
Nhậu vỉa hè đã trở thành một đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Hà Nội bởi chúng có sức hấp dẫn riêng cả về không gian lẫn hương vị. Gác lại chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm, những quán nhậu này có thể thuyết phục nhiều thực khách khó tính.
Buổi tối dạo quanh Hà Nội là bắt gặp cảnh đông đúc, chen chúc trong con ngõ Tạm Thương có phần hơi xập xệ trên phố Hàng Bông của những tín đồ nem chua rán. Thực ra phố Hàng Bạc mới là nơi khai sinh ra món nem chua nướng, rán cách đây hơn chục năm. Nhưng thưởng thức nem chua nướng phải ra ngõ Ấu Triệu sát Nhà Thờ lớn mới thú. Gọi một đĩa nem nướng và 2 trà chanh là bạn có thể ngồi ngắm Nhà Thờ lớn về đêm. Trong cái giá lạnh của buổi tối mùa đông gió bấc, ngồi co ro trong một con ngõ nhỏ chật chội ở Hàng Chai hay Tạm Thương và nhấm nháp miếng nem chua rán hay nướng chấm tương ớt cay ngọt với dưa chuột chẻ, củ đậu hay xoài xanh cũng đủ để ta sống chậm lại một chút. Và ùa về rất nhiều kỷ niệm thời sinh viên. Vẫn mong lắm một buổi tối nào đó được hội ngộ bạn cũ ở đây.
Hà Nội còn nức tiếng với đặc sản nem tai dù chẳng phải nơi khai sinh. Gõ Google sẽ ra cả tá những chỉ dẫn và giới thiệu về nem tai bà Hồng ở Hàng Thùng. Nhưng đừng đến đó mà lại bị vỡ mộng. Từ báo chí đến thực tế vẫn là một khoảng cách. Thôi thì ghé chợ Nam Đồng mua vài lạng nem tai cô Năm mang về cũng đủ cả nước chấm lẫn lá sung, đinh lăng và rau thơm. Dân công sở quanh đấy lâu nay vẫn là khách hàng ruột của hàng này. Có lẽ ngoài vị giòn, thơm mùi thính của tai lợn thái mỏng thì nước chấm mới thực sự quyết định miếng ngon nhớ lâu của tủ hàng bé tẹo này. Chỉ vậy thôi mà nhiều hàng chẳng qua được để thấy cũng ít sự lựa chọn cho cái miệng quen ăn chuẩn vị.
Một mồi nhậu mà dân nhậu 7x trở xuống chuộng hơn là vó bò chấm tương dưới gốc cây đa nổi tiếng phố Hòa Mã. Hàng khá khiêm tốn nép dưới một căn nhà cổ, tường nâu vàng xám xịt với cảnh cửa gỗ xanh cô ban tróc sơn. Đã lâu rồi không ghé lại nhưng đi qua vẫn thấy cái vẻ xưa cũ với một lượng khách ổn định năm nào. Đủ để thấy bao năm rồi chắc hương vị không đổi và khách thì trung thành với bàn ghế cũ kỹ, đồ nhậu bình dân.
Cũng là bò nhưng lại là một kiểu chế biến khác với cái tên rất đặc biệt “Bò tá lả” rải đến 3 hàng trên phố Hàng Bún (một cắt ở phố Phạm Hồng Thái, một ngã tư Quán Thánh và một ở phía Hàng Bún cắt Phan Đình Phùng). Hàng ở ngã tư Quán Thánh mới thực là ngon và giữ chỗ ở đây ngót 20 chục năm từ thời cụ thân sinh. Gọi là “tá lả” bới đó là một đĩa thập cẩm những thịt bò tảng ướp sấy khô gọi là “lim” - cái tên này cũng có cả một gốc tích rồi gan, lòng, dạ dày, ngẩu pín quay… với tỏi chiên giòn. Mỗi mẹt lai rai thường có thêm đĩa nộm đu đủ tươi với ớt xay và chai đưa cay (nếu là phụ nữ sẽ gọi trà đá). Thường những hàng nhậu này, khách và chủ quen nhau đến nỗi chỉ cần dựng xe là đã có ngay mẹt nhậu chờ sẵn. Khách nhớ hàng mà gắn bó đến chục năm là chuyện thường. Thậm chí có những thực khách chuyển nhà xa vẫn đều đặn quay lại chỉ gọi cút rượu và một đĩa nhắm là đủ. Những hàng nhậu này không đông đúc và rậm rộ như kiểu sinh viên mà có phần kén khách và toàn những dân lê la vỉa hè lâu năm.
Hà Nội còn nhiều quán ăn vỉa hè liêu xiêu khắp các ngõ phố. Mỗi quán lại có một món tủ để giữ chân khách như một thương hiệu riêng mà nhiều khi được gắn luôn với tên con đường hay góc phố nơi quán ngự. Rồi với thời gian, miếng ngon dân dã đã đi vào cuộc sống như một di sản văn hóa phi vật thể ngầm được thừa nhận hơn là nghệ thuật ẩm thực được nâng tầm qua sách vở.
Thùy Minh
Một chút ban trưa với ICT có ý nghĩa gì
Submitted by nlphuong on Thu, 04/08/2011 - 20:53Trước đây, tôi thường nghĩ một chút ban trưa thì có ý nghĩa gì. Hết giờ. Tạm nghỉ. Ăn vội rồi làm tiếp để được nhiều việc hơn. Ngủ nghỉ vài phút thì chả được gì.
Ảnh minh họa: ferenc
Thế nhưng ngày nay tôi lại thấy mình sai quá rồi. Đúng 11h30, tôi kết thúc mọi việc (dù cho có việc còn dang dở) và có mặt ở quán cơm không quá 5 phút sau đó. Với gần 20 phút là đĩa cơm bụi cũng vừa xong nhưng không phải vội vàng. Tôi về lang thang trên thế giới Youtube. Ở đó, hằng ngày ngẫu nhiên có nhiều clip khá hay và phong phú. Nếu ta muốn tìm hiểu sâu về trò giải trí nào đó thì cũng có tất. Tôi thường hay vào đó để nghe một vài bản nhạc, xem một vài clip vui hoặc tìm vài điệu dance. Đúng là những điệu Tango, Chachacha, Valse thật vô cùng hấp dẫn. Lúc đầu tôi cũng ghét mấy món nhảy nhót này lắm nhưng quả thực xem các nghệ sỹ Mỹ La Tinh trình diễn thì dần dần không những muốn thưởng thức mà còn học theo và đam mê nữa. Bởi vậy, hằng ngày anh bạn Youtube thường ít khi xa rời tôi.
Sau khi thưởng thức những clip trên Youtube, nhiều lúc ngủ luôn trên ghế xoay khi nào không biết. Thường tôi chỉ chợp mắt trong khoảng hơn 15 phút nhưng thức dậy thấy tỉnh táo vô cùng. Nhưng bạn đừng vội, buổi trưa của tôi vẫn còn vì đồng hồ mới chỉ khoảng 13h hơn (giờ làm việc chiều là 13h30). Hơn 20 phút còn lại, tôi một mình bách bộ với hình vòng khép kín mà không bao giờ định trước, tất nhiên không quên mang theo chiếc MP4 cũ mua được trên Raovat.com chỉ 400.000 đồng nhưng nghe hay ra phết.
Ở TP. Đà Nẵng, những con đường thường vuông vức bàn cờ, vỉa hè thoáng mát. Dù dưới nắng hè chang chang nhưng vẫn thấy mát dịu với những tán lá cây muồng tím, cây bồ đề… Chốc chốc lại gặp các chị bán chả, bánh chưng, lạc rang đang nằm gối đầu bên bậc thềm nhà, úp chiếc nón lá che mặt, gió miên man thổi. Chốc chốc lại gặp anh thợ sửa xe đạp đang cặm cụi vá xe. Chốc chốc lại gặp vài cụ già đang nhấm nháp ngụm trà bên bàn cờ tướng. Tất cả những cái đó làm nên cuộc sống ban trưa ở phố. Yên bình và nhẹ nhàng vô kể. Bởi vậy, mỗi ban trưa, chỉ khoảng 20 phút lang thang dưới phố thôi nhưng đa số các chủ đề bài báo của tôi (kể cả các đề tài về khoa học, công nghệ) đều có nguồn cảm hứng từ đó.
Cuộc sống tất bật hiện đại đã cho con người nhiều thành tựu tiện nghi lớn lao nhưng cũng lấy đi của con người không biết bao nhiêu niềm vui và hạnh phúc bình dị. Tôi được biết, ở nhiều thành phố lớn, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã không có buổi trưa cho cán bộ công nhân viên. Có nơi chỉ dành vỏn vẹn chưa đến một tiếng đồng hồ cho bữa trưa. Nếu ai đó quá chạy theo cuộc sống, theo dòng xoáy công việc thì ắt hẳn sẽ không nhận ra rằng chúng ta còn có nhiều điều bình dị khác để mà hạnh phúc.
Trịnh Quang
Đà Nẵng
Lá thư cảm động của sinh viên CNTT gửi Mẹ
Submitted by nlphuong on Wed, 03/08/2011 - 21:07(ICTPress) - Quỹ học bổng sinh viên Quảng Ngãi do một Việt Kiều Pháp khởi xướng từ năm 2001 nhằm mục đích giúp sức các em sinh viên Quãng Ngãi hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, Quỹ đã mở rộng và có thể giúp sức cho tất cả các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có học lực khá giỏi trên cả nước. Vừa qua, Quỹ đã nhận được một bức thư cảm động của em sinh viên khuyết tật Nguyễn Chung Tú (sinh năm 1992, quê ở huyện Chợ Gạo, Tỉnh Tiền Giang), sinh viên năm nhất khoa CNTT Trường Đại học Khoa Học Tự nhiên, TP. HCM. ICTPress và Quỹ sinh viên Quảng Ngãi xin chia sẻ đến bạn đọc.
“Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”
Mẹ!
Chỉ một tiếng thôi, rất đơn sơ và giản dị nhưng đã để lại trong con đầy dư cảm. Từ nhỏ, con đâu biết ý nghĩa của từ mẹ, chỉ u ơ mà gọi "Mẹ ơi!", chỉ biết khóc lóc, nhõng nhẽo mà đòi mẹ. Tiếng gọi vô tri của một đứa con trẻ. Năm tháng cứ thế trôi qua, con dần lớn lên và... nỗi đau của mẹ lại càng nhiều hơn. Con biết con không bình thường như bao bạn khác, con có đôi chân nhưng nó lại không nghe lời con.
Với tất cả những người mẹ thì khoảnh khắc đẹp nhất là khi con mình bước bước đi đầu tiên, chập chững từng bước, còn con thì... thì lại là những bước đi rất yếu, không giống ai. Mẹ đã phải đau khổ biết dường nào khi nhận ra điều đó, lo sợ cho con. Lúc đó, mẹ đã phải khóc vì con. Nhưng rồi, cái gì nó tới cũng đã tới! Thời gian trôi mà chẳng để lại thứ gì, chỉ cho mẹ một cái thật vô tình và nghiệt ngã.
Con vào lớp 1, chân con bắt đầu yếu ơn. Mẹ lại tối tăm mặt mày, vất vả sớm hôm, chạy đôn chạy đáo để mà tìm phương thuốc cứu chữa cho con, mặc cho căn bệnh nhức đầu của mẹ khi gió trở trời. Sáng con là thuốc bắc, chiều là thuốc nam. Cứ thế quanh năm, nhà minh phơi đầy những là thuốc.
Hai năm trôi qua, bệnh con vẫn như vậy, không tiến triển cho mấy nhưng mẹ không nản lòng. Và rất may cho con khi con học lớp 3, có một đoàn từ thiện từ nước ngoài vào chữa bệnh. Thế là mẹ con ta liền đi ngay! Khi đó, con thấy mẹ cười, nụ cười mẹ rất đẹp, một nụ cười đầy hi vọng.
Nhưng nụ cười hé nở chẳng được bao lâu thì bác sĩ Pháp cho biết “Cuộc đời sau này của sẽ ngồi xe lăn.”. Và phải chăng đó là lời tiên tri trước cho số phận của con? Quả thật như vậy! Khi lên 10 thì đôi chân ấy đã không nghe theo lời con nữa. Bây giờ với con chuyện thả diều vào những chiều hè đã là quá khứ. Con rất buồn, muốn tìm một nơi nào đó thật kín để khóc thật to. Con đau khổ nhưng mẹ còn đau hơn con gấp 100 lần. Đối với bao người mẹ khác việc nuôi một đứa con là rất khó, nay với mẹ thì lại là một việc khó hơn. Người đời có câu ca: “…Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời” Nhưng với mẹ thì phải hát rằng: .. “Khó đi, mẹ cõng con đi. Con đi trường học, mẹ…”
Hằng ngày, con đến trường trên đôi vai của mẹ. Có đứa bạn thấy vậy còn nói: “Được mẹ cõng sướng quá ta!”. Nhưng chẳng sướng chút nào khi mẹ con mình có lần đã suýt ngã gục trước bậc thang lên lầu. Có lần, con đã hỏi mẹ: "Sao mẹ không bỏ con đi?" thì chỉ nhận lại được một câu: "Vì con là con mẹ”.
Năm lên lớp 6, mẹ cộc cạch xe đạp chở con tới trường rồi cõng con vào lớp và cứ thế mặc nắng, mặc mưa, bước chân thận trọng của mẹ mòn dấu sân trường. Con lớn lên một chút, lưng mẹ oằn thêm một chút. Con lên cấp III mẹ càng cực khổ, bởi con nặng hơn và mẹ phải cõng con lên lầu 1, nếu thi cử thì lên tận lầu 2. Ngày hai buổi sáng, chiều, con nghe rõ hơi thở dồn dập của mẹ khi cõng con lên, xuống cầu thang.
Biết được gánh nặng của mẹ, con ra sức cố gắng học hành. Và rồi tin trúng tuyển đại học đã gửi về gia đình mình. Mẹ vui lắm nhưng sao nước mắt mẹ lại tuôn ra? Vui và tự hào nhưng mẹ vô cùng lo lắng vì phải tìm nhà trọ gần trường và phải theo con, còn bé Thảo ai sẽ chăm lo? Ba phải trực tiệm hớt tóc nếu không sẽ mất khách (tiệm thuê) và liệu với nghề hớt tóc, ba nuôi nổi cả nhà hay không? Những dấu hỏi cứ chồng chéo lên nhau.
Mừng con đậu đại học, vui nhưng nước mắt mẹ đong đầy. Có phải lúc đó mẹ đã muốn buông tay? Nhưng nhìn con lặng lẽ ôm chồng sách thì mẹ lại không cầm lòng được. Thế là mẹ liều đưa con lên làm thủ tục nhập học, cũng chưa biết tiếp theo sẽ như thế nào. Thủ tục làm xong rồi, mẹ theo các sinh viên khác cõng con đến ký túc xá Đại học quốc gia. Một gáo nước lạnh tạt vào hai mẹ con mình khi ban quản lý ký túc xá nhất định từ chối không cho vì chỉ có một suất cho con mà ko có một suất cho mẹ. Trào nước mắt, mẹ cõng con về thẳng Tiền Giang với quyết tâm... cho con nghỉ học.
Ở nhà hai ngày, suy nghĩ hai ngày, rồi mẹ lại cõng con quay lên, lần này thì lỉnh kỉnh cả giường, chiếu, nồi cơm, rổ rá, quần áo. Mẹ đã quyết định ở lại để làm đôi chân đưa con đến giảng đường bốn năm nữa. Một căn phòng lợp lá giữa cánh đồng trống ở phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 do một vị bác sĩ tốt bụng cho ở nhờ, ngày ngày mẹ chở con qua 12 km đường đến trường, nhẫn nại cõng con lên phòng học. Và con bắt đầu đời sinh viên trên vai của mẹ.
"Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi con trả công. Mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đi suốt đời này có ai bằng mẹ đâu. Có ai sẵn sàng che chở cho con bất cứ lúc nào. Ôi mẹ yêu của con! Giá như con đủ can đảm để nói lên ba tiếng: “Con yêu mẹ!” thôi cũng được. Nhưng con đâu dũng cảm. Con mãi yêu mẹ, vui khi có mẹ, buồn khi mẹ gặp điều không may.
Mẹ là cả cuộc đời của con nên con chỉ mong mẹ mãi mãi sống để yêu con, chăm sóc con, an ủi con, bảo ban con và để con được quan tâm đến mẹ, yêu thương mẹ trọn đời. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này. Tình cảm ấy đã nuôi dưỡng bao con người trưởng thành, dạy dỗ bao con người khôn lớn. Chính mẹ là người đã mang đến cho con thứ tình cảm ấy. Vì vậy, con luôn yêu thương mẹ, mong được lớn nhanh để phụng dưỡng mẹ. Và con muốn nói với mẹ rằng: “Con dù lớn vẫn là con mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”.
Khoảnh khắc tuổi thơ qua triển lãm “Chichiro & Totto-chan”
Submitted by nlphuong on Tue, 02/08/2011 - 21:28(ICTPress) – Nhiều cuốn tự truyện “Totto-chan” có chữ ký của tác giả sẽ được tặng cho những vị khách may mắn vào buổi khai mạc cũng như những vị khách ghé thăm Triển lãm.
Đọc được thông tin Triển lãm “Chichiro & Totto-chan” - Thế giới của cô bé bên cửa sổ và Iwasaki Chihiro, nữ họa sĩ có những bức tranh minh họa cho cuốn “Tottochan - Cô bé ngồi bên cửa sổ” sẽ được tổ chức tại Hà Nội, tôi không khỏi xúc động nhớ lại những khoảnh khắc khi đọc quyển sách này lần đầu được phát hành ở Việt Nam năm 1989 khi tôi còn là học sinh cấp 2. Hồi đó cuốn sách đã gây sốt trong giới học trò phổ thông chúng tôi và được chuyền tay nhau đọc đi đọc lại.
Cuốn sách kể về thời thơ ấu của chính tác giả cuốn sách Kuroyanagi Tetsuko, với cá tính nghịch ngợm, mà ngày nay các bác sĩ tâm lý thường gọi là chứng tăng động ở trẻ em. Những trò nghịch ngợm không bao giờ chấm dứt của Tottochan (tên gọi thân mật của Tetsuko - nghĩa là bé xíu) đã khiến cho các giáo viên không thể chịu đựng được, và mẹ buộc phải chuyển con gái mình sang một ngôi trường đặc biệt.
Ngôi trường đó với nhiều phương pháp giáo dục không theo quy tắc đã được thực hiện. Việc kết hợp học tập với niềm vui, sự tự do và tình yêu ở ngôi trường này đã góp phần cho cô bé Totto-chan phát triển một cách tự nhiên và mang lại cho cô bé có một cuộc sống thành công sau đó. Nghe mô tả ngôi trường “hoang đường” trong truyện hẳn ai đó có thể tự hỏi ngôi trường đó có thật hay không. Thực tế, Tomoe lại là ngôi trường hoàn toàn có thật, và chỉ bị đóng cửa khi chiến tranh xảy ra.
Tác giả cuốn sách Tetsuko đã nói rằng: 20 năm trước khi các mẩu chuyện được xuất bản định kỳ, bà đã luôn mong muốn được viết về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình. Tuy nhiên, quyết định ghi lại những kỷ niệm đẹp đẽ này có được là nhờ sau khi bà tìm thấy khoảng 7.000 bức tranh và phác họa về nhiều hình ảnh trẻ thơ được vẽ bởi Iwasaki Chihiro (1918 - 1974).
Trong suốt hai năm các mẩu chuyện được xuất bản định kỳ, Tetsuko đã nhiều lần ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Chihiro và lựa chọn nhiều tác phẩm tranh của Chihiro mà bà cho là phù hợp với từng mẩu chuyện trong cuốn tự truyện của bà.
Iwasaki Chihiro “Bé gái đội chiếc mũ màu nâu” (Đầu những năm 1970) |
Iwasaki Chihiro “Trò chơi trốn tìm” (1965) |
Iwasaki Chihiro “Cậu bé và cô bé nhảy múa bên hoa hồng” (1968) |
Iwasaki Chihiro “Những đứa trẻ nhòm qua bụi cây” (1970) |
Iwasaki Chihiro “Cô bé và cậu bé cầm chảo” (1971) |
Hơn 7,6 triệu bản cuốn Totto-chan đã được bán ra ở Nhật và cuốn tự truyện này đã giữ kỷ lục bán chạy nhất trong thời gian dài. Cuốn tự truyện này cũng đã được dịch ra hơn 35 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Mặc dù Totto-chan rất cuốn hút và hấp dẫn người đọc nhưng cũng chính những bức tranh được minh họa trong cuốn sách của Iwasaki Chihiro cũng góp phần lớn trong việc mang đến sự yêu thích của độc giả trên khắp thế giới.
Năm 2011 là năm kỷ niệm cuốn tự truyện “ Totto-chan bên cửa sổ” tròn 30 kể từ khi ấn bản đầu tiên được phát hành tại Nhật và cũng là năm Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản cuốn tự truyện được biên dịch trực tiếp từ tiếng Nhật.
Để đánh dấu kỷ niệm năm đặc biệt này ở Việt Nam và Nhật Bản, Trung Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam trân trọng giới thiệu triển lãm 30 tác phẩm tranh vẽ của Chihiro (hầu hết những bức tranh này đã được sử dụng làm tranh minh họa trong cuốn tự truyện Totto-chan) tại Phòng triển lãm của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Buổi khai mạc sẽ diễn ra lúc 10h00 Thứ ba, ngày 09/08/2011. Chương trình sẽ có phát biểu của giám tuyển Bảo tàng Nghệ thuật Chihiro và trích đọc tác phẩm “Totto-chan”. Đặc biệt, nhiều cuốn tự truyện “Totto-chan” có chữ ký của tác giả sẽ được tặng cho những vị khách may mắn vào buổi khai mạc cũng như những vị khách ghé thăm triển lãm. Buổi triển lãm hoàn toàn miễn phí và cuốn tự truyện bản tiếng Việt cũng được bày bán tại phòng triển lãm.
Cảm nhận về sự tác động đầy sáng tạo giữa Iwasaki Chihiro và Kuroyanagi Tetsuko - những người mà suốt cuộc đời luôn mong muốn hạnh phúc cho trẻ thơ và hòa bình cho thế giới là mong muốn của các đơn vị tổ chức mong muốn đem đến cho người xem Triển lãm này.
Linh@
Món quà ý nghĩa từ phương Nam
Submitted by nlphuong on Mon, 01/08/2011 - 22:56Bạn đã nhận được món quà nào ý nghĩa và làm bạn hạnh phúc dài lâu? Tôi đã có được niềm hạnh phúc ấy khi được tặng một món quả nhỏ trong một dịp công tác tại TP. Hồ Chí Minh.
Đó là chiếc vòng vỏ dừa chữ vạn La Sen. Chữ Vạn được khắc trên chiếc vòng được làm từ vỏ dừa đã hóa sừng (coconut shell) là biểu tượng may mắn của Phật giáo có kiểu dáng độc đáo, hiện đại, trẻ trung và năng động nhưng mang đặc trưng của Việt Nam đã thực sự thu hút tôi khi lần đầu tiên nhìn thấy.
Vỏ dừa là một chất liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và có rất nhiều ở vùng Tây Nam bộ Việt Nam. Chất liệu vỏ dừa (có người còn gọi là gáo dừa) rất bền, có vân tự nhiên và đặc sắc, không vân nào giống nhau. Hơn nữa, các công đoạn gia công đều bằng tay, thủ công, bạn tôi từng một thời là cán bộ làm trong Ngành và là “cô chủ nhỏ” của cửa hàng La Sen (Lasen®) cho biết.
Bạn còn thấy ấm lòng hơn với câu thơ gần gũi, ngọt ngào và ý nghĩa của chiếc vòng chữ Vạn:
“Ầu ơ, thương em, anh nói thiệt lòng
Lời thương anh gởi nơi vòng La Sen”.
La Sen còn có những chiếc thiệp ý nghĩa mang tính Phật giáo với câu “Trải rộng lòng từ” (Spreading our hearts).
Là con gái ai chả thích thời trang, bạn sẽ ấn tượng bởi một câu chuyện thời trang dài về bộ thiệp mang hình anh cô cún xinh và sành điệu thời trang cùng những lời ý nghĩa đi kèm “Hòa bình – Tình yêu – Lòng trắc ẩn” (Peace - Love - Compassion), “Chào đời tươi đẹp” (Hi! Nice life) từ La Sen.
Thời trang chủ yếu và yêu thích nhất của cô cún La Sen là áo dài truyền thống của Việt Nam. Để có những tấm thiệp này, tác giả đã ấp ủ ý tưởng về một câu chuyện dài.
Đó là cô cún xuất hiện mọi lúc, mọi nơi trong nhiều chiếc áo dài, áo tứ thân mềm mại, độc đáo đủ màu sắc, kiểu dáng và tư thế khác nhau.
Hơn nữa, cô cũng rất sành điệu. Cô biết ăn theo thuở - mặc theo thời. Khi đi biển vào mùa hè, cô diện những bộ đồi bơi (swim suit) rất hấp dẫn và thời trang. Nói cô cún La Sen sành điệu quả không quá lời, vì cô rất có duyên, biết ăn mặc dịp nào thì phù hợp với y phục đó, chứ không lạc tông, lạc điệu, hoàn toàn tùy cảnh, tùy duyên mà cô xuất hiện.
Vào những dịp đi dự lễ hội thì cô diện những bộ váy lộng lẫy, đường cắt cúp sắc sảo và nhìn trẻ trung, năng động, trang trọng, điệu đàng. Đi biển thì cô diện đồ tắm hấp dẫn và khỏe khoắn. Mùa hè thì cô trông khỏe khoắn trong những chiếc áo đầm ngắn tay, hoặc đầm 2 dây rất sành điệu và mát mẻ. Vào mùa đông lạnh thì cô cũng đội nón, trùm khăn, đi vớ kín mít, trông rất vui mắt. Bạn thấy thế nào khi mỗi mùa tặng bạn bè những tấm thiệp về cô cún xinh khác nhau.
Thời gian gần đây, cô cún La Sen- nhân vật đại diện cho nhãn hiệu La Sen - cũng đã gây chú ý với cộng đồng cư dân mạng trong một loạt câu chuyện ngắn về lòng từ bi- nhân ái - vị tha, trên facebook, blog và website.
[http://lasenvietnam.com/home/index.php?option=com_content&view=category&layout=blog&id=43&Itemid=64&limitstart=25]
Ngoài những chiếc vòng nhỏ xinh, La Sen còn có những món quà tặng ý nghĩa như chiếc áo phông, túi xách, vòng đeo cổ, chiếc khăn, gối, chiếc ca, khung ảnh nhỏ xinh…. và nhiều nữa. Bạn hãy cùng bạn bè có những hạnh phúc dài lâu nhé.
Linh@
Đi ngủ bản
Submitted by nlphuong on Mon, 13/06/2011 - 22:29(ICTPress) - Xin nói rõ ngay là bản ở đây là bản của người Thái, không phải bản của người Dao và người Thái không có tập tục ngủ thăm như người Dao.
Vào dịp cuối tuần, bạn có thể chọn mua một tour du lịch mở (opentour) đi bản Lác - Mai Châu; và sáng thứ bảy, ba lô lên vai - nào hãy xuất phát. Từ Hà Nội, ô tô sẽ bon bon về hướng Hòa Bình. Trước khi dừng chân mươi phút để mọi người có thể chụp ảnh đập thủy điện trên sông Đà, bạn đã có đủ thời gian kịp làm quen với những du khách khác đi cùng.
Gặp gỡ du khách năm châu là đặc điểm thú vị nhất của tất cả các tour du lịch mở. Mỗi du khách có thời gian và yêu cầu du lịch khác nhau nên các công ty du lịch mở ghép các du khách đi cùng nhau theo từng chặng. Có người sẽ cùng đoàn với bạn chỉ trong 1 ngày, có người sẽ gia nhập nhóm trong ngày thứ 2, cũng có người chia tay vào cuối ngày thứ nhất rồi gặp lại khi xe quay về…
Lần đầu đi tour kiểu này có thể cảm thấy như bị các công ty du lịch “bán cái”, nhưng thực ra họ phối hợp khá chặt chẽ để đảm bảo yêu cầu của các du khách có thời gian biểu rất khác nhau. Phần lớn du khách đi tour du lịch mở là người nước ngoài, bạn sẽ có dịp nói chuyện thú vị với rất nhiều người đến từ mọi miền trên thế giới, đương nhiên tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu. Cũng đừng quá ngại ngần nếu tiếng Anh của bạn chưa trôi chảy. Nhiều bạn trẻ người Nhật và Hàn Quốc rất tự tin đi du lịch một mình với kim từ điển trong tay, vừa chuyện trò vừa hăm hở tra từ điển để tìm từ diễn đạt, như một dịp rèn luyện Anh ngữ. Có lẽ nếu không sử dụng tiếng Anh thì sẽ bỏ phí một phần thú vị của chuyến du lịch mở.
Quay trở lại ô tô, hành trình sẽ tiếp tục băng qua những con dốc, đây đó là những ngôi nhà sàn mới dựng, cùng hàng quán các loại. Đèo dốc tiếp nối dốc đèo. Khi bụng đói meo là lúc ô tô bỏ đường cái, lắc lư rẽ vào một con đường nhỏ để đến bản Lác. Vẻ hồ hởi hiện rõ trên nét mặt mọi người trong chuyến đi của chúng tôi khi xe dừng dưới chân một ngôi nhà sàn rộng rãi, mùi thức ăn tỏa ra ngào ngạt. Đã quá ngọ một lúc lâu.
Trên nhà sàn, một số đoàn khách đã ăn uống xong, một số đang tiếp tục. Bữa trưa được dọn ra, sau khi đã tạm qua cơn đói, mọi người phát hiện ra mùi khói củi có ở tất cả các món ăn. Có thể là mùi vị đặc trưng ở đây chăng? Tuy hơi khó nuốt nhưng rồi thức ăn cũng hết sạch bởi mọi người chuẩn bị năng lượng cho buổi chiều đạp xe dạo bản và leo dốc.
Bữa tối ngon hơn vì sau ăn là phần ca múa dân tộc. Trong trang phục váy áo truyền thống, các em gái dân tộc Thái dường như xinh đẹp hơn. Màn trình diễn kết thúc với điệu múa sạp sôi nổi mời gọi lôi cuốn tất cả các du khách cùng tham gia.
Sau phần biểu diễn, các em gái trở lại với trang phục đời thường (quần bò áo phông) để trải đệm, mở chăn, buông màn mời du khách đi nghỉ. Có hai nhà sàn với hai loại đệm: nhà sàn kiểu cổ với đệm cỏ làm theo lối truyền thống và nhà sàn mới bóng loáng véc-ni có đệm mút. Hầu hết du khách nước ngoài chọn nhà sàn cổ và đệm cỏ, chúng tôi cũng vậy. Nhìn sang sàn véc-ni bóng loáng bên kia đã thấy một sòng bài tá lả của mấy anh trông có vẻ như đi họp với comple, cặp đen và bụng bự! Sàn bên này, mỗi người một đệm cỏ, một màn và một chăn thổ cẩm, ai còn thấy rét thì cứ tự động mở cái tủ ở góc sàn mà lấy thêm chăn tùy ý.
Đêm khuya ở bản người Thái thật tĩnh lặng. Cái rét ngọt ru người nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ bình yên. Chỉ chợt tỉnh giấc khi có tiếng đập bóng nhè nhẹ đâu đây, mở mắt đã nhìn thấy trời sáng rõ. Nhìn qua khung cửa sổ còn ẩm hơi sương thấy hai cậu bé tóc vàng mắt xanh đang chuyền bóng cho nhau giữa lối đi, một cô bé con cũng tóc vàng mắt xanh ngồi phệt ở bậc cầu thang lên nhà sàn, phụng phịu vì hai cậu anh lớn hơn không cho em chơi cùng. Cảm giác như đang ở trong một buổi sáng châu Âu. Trong trẻo, an lành.
Lát sau có tiếng lạch cạch rồi dậy lên mùi cơm nếp lam. Những ống cơm lam nóng hôi hổi còn bốc khói được bầy bán ngay dọc đường làng, cạnh những lọ măng ớt. Đường làng nhộn nhịp dần lên, các hàng quán bán khăn, áo, váy dân tộc, quà lưu niệm… cũng lạch xạch mở cửa bắt đầu một ngày buôn bán mới. Cũng là lúc du khách sửa soạn lên đường.
Hiền Minh
Hòn Kiến ở Nha Trang
Submitted by nlphuong on Mon, 13/06/2011 - 22:20(ICTPress) - Nha Trang nổi tiếng với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Đẹp, thân thiện và đầy ấn tượng.
Phía Bắc thành phố, Tháp Bà PoNagar cổ kính soi bóng bên dòng sông mẹ - sông Cái. Ở cửa sông Cái, dòng nước trước khi đổ ra biển cứ quấn quýt ôm lấy những hòn cù lao xinh xắn như người mẹ không muốn chia tay với đàn con. Cách đó không xa là Hòn Chồng thơ mộng lưu dấu vết thời gian của đá ngẫu hứng cùng biển như lững thững bước ra từ những huyền thoại xa xưa.
Phía Nam thành phố, đảo Chí Nguyên với bộ sưu tập cá và các loài hải sản phong phú là điểm tham quan đầy hứng thú và hấp dẫn với khách tham quan. Ngoài khơi xa những Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Lao, Hòn Mun… tạo nên nét quyến rũ riêng mà chỉ Nha Trang mới có được.
Vài năm gần đây, Hòn Ngọc Việt góp phần tạo thêm vẻ lộng lẫy của thành phố biển. Hàng đêm, những ngọn đèn rực rỡ từ Hòn Ngọc Việt, Hòn Tằm, Hòn Tre lấp lánh cùng đèn của những con tàu, con thuyền đánh cá ngoài khơi tạo nên nét duyên thầm đầy cuốn hút của thành phố biển. Thành phố Nha Trang êm đềm, hiếu khách; bãi biển thơ mộng cùng bờ cát dài mịn màng luôn níu chân người; những khu du lịch hiện đại tiện nghi cùng những hòn đảo hoang sơ, kỳ bí không kém phần hấp dẫn… tất cả cùng tạo nên vẻ đẹp riêng có nơi này.
Không phải là một hòn cù lao trên sông hay một hòn đảo trên biển, Hòn Kiến là một quán café xinh xắn với nét duyên riêng góp vào sự hấp dẫn của thành phố Nha Trang. Nằm trên một con đường nhỏ và yên tĩnh, Hòn Kiến có lối bài trí hài hòa, giản dị và ấm cúng. Những cây nấm được xếp đặt từ những chiếc vỏ ốc biển khe khẽ rung rinh như vẫy chào dọc lối đi. Một dòng suối nho nhỏ như là sự ngăn cách để những tiếng xe chạy ngoài đường không lọt vào không gian âm nhạc bên trong quán.
Không gian dịu dàng mở ra trong lung linh ánh nến. Trên mỗi chiếc bàn café lại có một ngọn nến đặt trong những chiếc vỏ ốc xinh xắn. Những vỏ ốc, vỏ sò, vỏ ngao được ghép lại thành các bức tranh. Dăm ba chú sao biển tung tăng trên trần nhà. Đây đó vài viên sỏi đá lãng đãng tình cờ gợi nhớ về lời nhắn nhủ “sỏi đá cũng cần có nhau”…
Tất cả như vẫn còn nguyên vẹn vẻ mặn mòi của muối, thấm đẫm hương vị biển khơi và được lấp lánh lên trong ánh nến. Trong không gian lãng mạn đó, những giai điệu mượt mà của nhạc Trịnh cùng những bản tình ca nhẹ nhàng sâu lắng với tiết tấu của guitar, violon, organ được cất lên xao xuyến lòng người.
Thật thú vị khi ngồi đây nhẩn nha ly café đắng dịu hay cốc nước cam mát ngọt và nghe những giai điệu về biển. Biển thật gần, đâu đó như kề bên, trong tiếng sóng biển hòa vào từng giai điệu, trong những vẫy gọi từ cánh sao biển lung linh trên vòm quán, hơi thở trầm u của biển âm vang từ trong lòng những chiếc vỏ ốc…
Thêm một điều thú vị với tôi khi đến Hòn Kiến cùng người bạn. Khi những ly nước đã được người phục vụ đặt lên bàn thì một người đàn ông trung niên có dáng vẻ của một nhà quản lý lâu năm tiến đến và ân cần hỏi han. Thì ra bác chủ quán cũng có thời gian sống và làm việc ở Hà Nội, quán Hòn Kiến lại được đặt ở một con đường mang một cái tên rất gợi về Hà Nội - đường Đống Đa. Chúng tôi nói chuyện về Hà nội, về chuyến bay vừa đáp xuống sân bay Cam Ranh đầy nắng lúc ban trưa, về cơn mưa chiều như một phước lành ban xuống khi chúng tôi lên thăm Tháp Bà PoNagar…
Câu chuyện hàn huyên của chúng tôi chợt tạm ngưng khi cô ca sĩ giới thiệu một bài hát đặc biệt sẽ được trình diễn để tặng riêng cho vị khách đến từ Hà nội. Cảm động và bất ngờ hơn nữa khi “Diễm xưa” của Trịnh được cất lên, không gian chợt đầy ắp tiếng mưa bay trên tháp cổ phiêu lãng cùng lời ru sỏi đá níu bước khách lãng du.
Nơi đây, mỗi góc không gian, mỗi giai điệu, mỗi khoảng sáng lung linh… như những chú kiến cần cù và nhẫn nại gom góp từng chút, từng chút một, tạo nên một không gian rất biển, tạo nên một ấn tượng khó quên - ấn tương Hòn Kiến.
Hiền Minh
Thoáng trải nghiệm ICT ở Hàn Quốc
Submitted by nlphuong on Mon, 13/06/2011 - 18:13(ICTPress) - Chúng tôi, những cán bộ ICT của ba nước Đông Dương đã đến Hàn Quốc, quốc gia mạnh về CNTT trên thế giới, theo một khóa học đào tạo về chính sách phát triển ICT, vào những ngày mùa thu tháng 10 này. Ngoài những bài giảng trên lớp, là những chuyến đi trải nghiệm ICT đã thực sự hấp dẫn toàn bộ thành viên lớp học bởi chiến lược phát triển, công nghệ số và tổ chức ICT cho người dân.
Dự án làng xã nối mạng thông tin - huyền thoại mới của Hàn Quốc
Các làng xã ở Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới qua Dự án mạng làng xã thông tin (Information Network Village – INVIL) được chính phủ Hàn Quốc xây dựng và phát triển để nâng cao kết nối thông tin của các làng xã nông nghiệp, chài lưới và kết nối họ với xã hội thông tin tiên tiến. Giống như “phong trào SAEMAUL” thế kỷ 20 là mô hình chuẩn hóa phát triển địa phương ở Hàn Quốc, dự án INVIL được phát triển như là một huyền thoại mới của thông tin hóa địa phương trong thế kỷ 21.
Dự án này nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xây dựng một hạ tầng mạng tích hợp và để phát triển các mô hình chuyên biệt hóa cho khu vực nông thôn, cung cấp các dịch vụ chính phủ điện tử và để tăng mức thu nhập cho người dân bằng cách phát triển kinh tế vùng nhờ thương mại điện tử, mục đích và tiến tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống ở nông thôn.
Hình 1. 7 nhiệm vụ của Dự án |
Dự án INVIL là sự hợp tác giữa Bộ Công cộng và An ninh Hàn Quốc (MOPAS), chính quyền địa phương và từng INVIL. MOPAS cung cấp hạ tầng thông tin như kết nối Internet tốc độ cao, PC và các trung tâm thông tin làng xã cho các làng chài và các khu vực nông thôn bị chia cắt. MOPAS là cơ quan chủ quản thiết lập các kế hoạch, ngân sách, pháp lý và hỗ trợ mạng hợp tác giữa các tổ chức liên quan và thúc đẩy dự án. Chính quyền địa phương thiết lập và quản lý môi trường thông tin ở từng làng xã, xây dựng các nội dung địa phương và hỗ trợ hành chính tập trung và nội dung thực tế, như đào tạo máy tính, các ứng dụng Internet, quản trị trang web cho người dân địa phương đặc biệt vào mùa đông, khi mùa vụ nông nhàn bằng 7 thứ tiếng trong đó có tiếng Việt. Từng INVIL tổ chức các ủy ban hoạt động, quản lý các trung tâm làng xã và phát triển các mô hình lợi nhuận sử dụng trang web mua sắm INVIL và trải nghiệm INVIL cho người dân địa phương để tham gia và đóng góp vào hoạt động bền vững của các làng xã nối mạng thông tin.
Dự án INVIL được xem là một trong những dự án thành công về việc thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn trên thế giới. Với hơn 2000 người từ 80 quốc gia, trong đó có nhiều nước châu Á, như Nhật Bản, Malaysia, Mehico, Paraguay, Việt Nam…; các công ty CNTT nước ngoài; các nhân viên Liên hợp quốc và nhân viên chính phủ đã viếng thăm INVIL và đánh giá dự án INVIL là “một ví dụ điển hình về thông tin hóa để thu hẹp khoảng cách số và gia tăng thu nhập cho người dân địa phương”.
Vào năm 2001, năm đầu của dự án, 24 làng xã nối mạng đã được thiết lập và năm 2008, đã có 358 làng xã và 250.000 người, khoảng 7% người dân ở nông thôn Hàn Quốc đã được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này. Cho đến nay, ba mục tiêu mà dự án đã được đặt ra và đã đạt được:
Thu hẹp khoảng cách số và cải thiện chất lượng cuộc sống. So với trước khi các làng xã nối mạng thông tin được thiết lập, tỷ lệ việc cung cấp máy PC cho INVIL đã tăng 46,3% lên 67,3%, và số thuê bao Internet đã tăng 60%. INVIL đã đóng góp thu hẹp khoảng cách số ở các làng xã nông nghiệp/chài lưới và đóng góp cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ Internet.
Tái sinh các cộng đồng địa phương. Các trung tâm thông tin làng xã hoạt động như là một địa điểm chính để thảo luận về các vấn đề địa phương, chiếu phim và nơi mọi người gặp nhau cho các môn thể thao. Từ đó, nhiều người đã tham gia vào các hoạt động cộng đồng và học hỏi để cam kết về hành chính và dân chủ địa phương.
Phát triển địa phương cân đối nhờ cạnh tranh địa phương. Việc bán các nông sản/hải sản qua mục mua sắm INVIL đã tăng hơn 7,5 lần kể từ năm 2003, và việc bán nhờ Trải nghiệm INVIL (tour.invil.com) đã tăng hơn 17 lần chỉ trong hai năm. Các xã đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể về thu nhập và phục hồi kinh tế.
Dự án này cũng xây dựng và tổ chức các nội dung trên trang web chính thức của INVIL (invil.org) với các nội dung tin tức (News) mua sắm INVIL (Shopping), trải nghiệm INVIL (Experience) cho kinh tế địa phương. Viếng thăm trang web này, bạn sẽ thêm một lần trải nghiệm thực sự với dự án. Phần tin tức là do các “phóng viên” là người địa phương cung cấp tạo ra những nội dung riêng chỉ có ở INVIL. Ở mục mua sắm người nông dân có thể bán các đặc sản và sản phẩm nông nghiệp/thủy sản từ INVIL trực tiếp cho khách hàng. Mục Trải nghiệm INVIL là những sản phẩm du lịch khác biệt của các làng xã Hàn Quốc. Mục đích của du lịch trải nghiệm là những hoạt động giải trí sức khỏe cho người dân thành phố và một nguồn thu mới cho INVIL. Mục nội dung cộng đồng INVIL có các câu lạc bộ, blog, chat và các dịch vụ tin nhắn tức thời cho người dân địa phương và khách viếng thăm nói chung. Đây là một công cụ liên lạc cho người dân địa phương và kết nối họ với khu vực thành thị.
Cho đến nay sau 8 năm Dự án được xây dựng và phát triển, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét lại các kết quả, tầm nhìn tương lai và đang nỗ lực theo đuổi một tiêu dài hạn có hệ thống. Mục tiêu đến năm 2014, 800 làng xã được kết nối, việc quản lý dự án sẽ được trao lại cho chính quyền địa phương và các làng xã, trở thành một hệ thống hoạt động bền vững, đóng góp vào sự phát triển quốc gia một cách cân bằng.
Cửa hàng công nghệ phong cách W
W là viết tắt của chữ WIBRO hay Wireless Broadband Internet là tên hiệu dịch vụ WiMAX di động (Mobile WiMAX) ở Hàn Quốc. Đây là dịch vụ băng rộng di động được thương mại hóa đầu tiên trên thế giới, cung cấp kết nối Internet bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào qua các thiết bị liên lạc như máy tính xách tay, máy nhắn tin (PMP) và điện thoại.
Hai hãng viễn thông lớn của Hàn Quốc là KT và SK Telecom đã khai trương các dịch vụ WiBro năm 2006. SK Telecom tập trung WiBro cho các trường đại học và cao đẳng. Vào cuối năm 2008, SK Telecom đã bao phủ dịch vụ WiBro ở 80 thành phố. KT thì triển khai một chiến lược WiBro tham vọng và tạo ra một không gian văn hóa di động 2.0 hay còn đươc gọi là cửa hàng phong cách W vào tháng 7/2007 để trình diễn phong cách sống mới và mô hình số mới, thỏa mãn hoàn toàn các nhu cầu chưa được thỏa mãn của khách hàng, khuyến khích mọi người sử dụng với những sở thích khác nhau tham gia, chia sẻ và cộng tác với nhau. Hiện nay dịch vụ này của KT đã bao phủ 50% dân số Hàn Quốc và đã có 300.000 thuê bao và cuối năm nay là 400.000 thuê bao. Mức giá cước cho dịch vụ này được KT cung cấp rất hợp lý và cạnh tranh: 10 USD cho 1GB, 20 USD cho 30GB và 27 USD cho 50GB và 1 cent tăng thêm cho 1MB (ví dụ 1 USD = 1000 won).
Tại cửa hàng phong cách W, người viếng thăm cửa hàng có thể trải nghiệm, chia sẻ và hưởng thụ nhiều hình thức văn hóa di động khác nhau cũng như trải nghiệm một cách tự nhiên, trực tiếp dịch vụ WiBro. Với một không gian cửa hàng có thể nói là không lớn nhưng trải nghiệm về sự tiện nghi, phong cách thiết kế, nội thất của của cửa hàng đã làm bất cứ ai trong chúng tôi đều cảm một sự dễ chịu nhẹ nhàng.
Một góc nhỏ ở tầng hầm tiện nghi có thể chơi game, đọc sách và hoàn toàn thư giãn |
Ở tầng ngầm (W Hall) nằm dưới lòng đất là một khu quây gần như riêng biệt, bạn có thể nghỉ ngơi, chơi game và đọc sách. Tầng 1 (W Gallery) trưng bày các UCC (User Created Contents – Nội dung do người sử dụng sáng tạo), các sự kiện văn hóa và trình diễn tại cửa hàng. UCC Gallery tại tầng 1 là hình thức trưng bày UCC đầu tiên trên thế giới mà cửa hàng phong cách W triển khai nhằm quảng bá mô hình 2.0 di động bằng cách khuyến khích tinh thần tham gia, chia sẻ và cởi mở. Tầng 2 (W Life) là không gian dành để trình diễn các dịch vụ WiBro. Tầng 3 (W Community) có nhiều phòng cho các hoạt động như học nhóm và hội thảo nhỏ. Người giới thiệu cửa hàng đã cho chúng tôi biết các em học sinh, sinh viên, các nhóm công chức rất thích thú không gian nhỏ bé nhưng rất thoải mái, tiện nghi này và có cà phê phục vụ. Tầng 4 (W Studio) nơi dành riêng cho sản xuất và biên tập UCC. Một không gian mở, hòa với thiên nhiên, bao quát xa đó cảm nhận chung khi bạn bước lên tầng 5 (W Cafe) để hoàn toàn trải nghiệm nghỉ ngơi, thưởng thức café và không gian bầu trời bao la.
Một phòng học nhóm hay hội thảo nhỏ trong cửa hàng W |
KT đang đầu tư để tăng sự bao phủ mạng, chủ yếu bao phủ trong các tòa nhà cao tầng ở Seoul, các khu vực dân cư lớn. Nhà khai thác này cũng đang đầu tư đang dạng hóa việc sử dụng modem USB, yếu tố thiết bị chính cho dịch vụ WiBro.
Khu trưng bày công nghệ số Nuritkum
Là một phần của thành phố truyền thông số và IT tầm cỡ thế giới (Digital Media City – DMC), ở Seoul, khu trưng bày công nghệ số Nuritkum bốn tầng là một khu trưng bày những công nghệ số mới nhất của Hàn Quốc, được khai trương tháng 5/2008.
Viếng thăm khu trưng bày này bạn sẽ được phát một thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) và sử dụng nó trong suốt khu trưng bày cho mọi ứng dụng số ở đây. Bạn có thể trải nghiệm công nghệ mọi nơi (ubiquitous) với các chủ đề khác nhau (cuộc sống mọi nơi - u-Life, công việc mọi nơi - u-Work, Gia đình mọi nơi - u-Home) thông qua những màn hình lớn có thể chạm vào, các mạng cảm biến và robot.
Khách tham quan có thể sử dụng thẻ RFID trong suốt triển lãm, ở mỗi ứng dụng số. Tại ao cá số bạn chạm thẻ RFID vào đầu đọc, bạn có thể tạo ra một con cá, đặt tên cho nó và nó sẽ đi theo hướng mà bạn di chuyển. Hay bạn có thể nắm, nghịch những bông tuyết số trong tay như thể đang ở giữa mùa đông tuyết rơi. Lái xe số cho phép bạn trải nghiệm thay đổi màu sắc, phong cảnh và góc quay nhờ sử dụng chức năng ở bàn điều khiển. Bạn có thể trải nghiệm các ứng dụng số khác như đi xe bus số, nhảy theo âm nhạc số, khám bệnh số…
Ao cá số |
Bạn sẽ rất thích thú khi xem phim 4D tại khu trưng bày công nghệ số này. Đó là những phim 3D với những hiệu ứng được cộng thêm như bạn có thể chuyển động, trải nghiệm một cách sống động vào các hoạt động của nhân vật trong phim.
Mỗi người viếng thăm nơi này đều có được trải nghiệm riêng bởi mỗi ứng dụng ở đây sẽ không bao giờ lặp lại hình dạng và nội dung chính xác mà người khác đã trải nghiệm, vì luôn được điều chỉnh ở thời gian thực theo cử động của con người và định luồng nội dung (nhờ sử dụng công nghệ WiBro/WiMax). Bạn có thể tương tác với những lắp đặt sử dụng thiết bị cầm tay 4G/WiBro đặc biệt.
Những trải nghiệm ICT trong khóa học có thể là ngắn nhưng đã nói được nhiều điều. Đó là những cảm nhận về sự phát triển của chính sách và công nghệ ICT đã làm thay đổi cách làm việc và cách sống có chất lượng của mọi người dân Hàn Quốc.
Lan Phương