Khoảnh khắc tuổi thơ qua triển lãm “Chichiro & Totto-chan”
(ICTPress) – Nhiều cuốn tự truyện “Totto-chan” có chữ ký của tác giả sẽ được tặng cho những vị khách may mắn vào buổi khai mạc cũng như những vị khách ghé thăm Triển lãm.
Đọc được thông tin Triển lãm “Chichiro & Totto-chan” - Thế giới của cô bé bên cửa sổ và Iwasaki Chihiro, nữ họa sĩ có những bức tranh minh họa cho cuốn “Tottochan - Cô bé ngồi bên cửa sổ” sẽ được tổ chức tại Hà Nội, tôi không khỏi xúc động nhớ lại những khoảnh khắc khi đọc quyển sách này lần đầu được phát hành ở Việt Nam năm 1989 khi tôi còn là học sinh cấp 2. Hồi đó cuốn sách đã gây sốt trong giới học trò phổ thông chúng tôi và được chuyền tay nhau đọc đi đọc lại.
Cuốn sách kể về thời thơ ấu của chính tác giả cuốn sách Kuroyanagi Tetsuko, với cá tính nghịch ngợm, mà ngày nay các bác sĩ tâm lý thường gọi là chứng tăng động ở trẻ em. Những trò nghịch ngợm không bao giờ chấm dứt của Tottochan (tên gọi thân mật của Tetsuko - nghĩa là bé xíu) đã khiến cho các giáo viên không thể chịu đựng được, và mẹ buộc phải chuyển con gái mình sang một ngôi trường đặc biệt.
Ngôi trường đó với nhiều phương pháp giáo dục không theo quy tắc đã được thực hiện. Việc kết hợp học tập với niềm vui, sự tự do và tình yêu ở ngôi trường này đã góp phần cho cô bé Totto-chan phát triển một cách tự nhiên và mang lại cho cô bé có một cuộc sống thành công sau đó. Nghe mô tả ngôi trường “hoang đường” trong truyện hẳn ai đó có thể tự hỏi ngôi trường đó có thật hay không. Thực tế, Tomoe lại là ngôi trường hoàn toàn có thật, và chỉ bị đóng cửa khi chiến tranh xảy ra.
Tác giả cuốn sách Tetsuko đã nói rằng: 20 năm trước khi các mẩu chuyện được xuất bản định kỳ, bà đã luôn mong muốn được viết về những kỷ niệm thời thơ ấu của mình. Tuy nhiên, quyết định ghi lại những kỷ niệm đẹp đẽ này có được là nhờ sau khi bà tìm thấy khoảng 7.000 bức tranh và phác họa về nhiều hình ảnh trẻ thơ được vẽ bởi Iwasaki Chihiro (1918 - 1974).
Trong suốt hai năm các mẩu chuyện được xuất bản định kỳ, Tetsuko đã nhiều lần ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Chihiro và lựa chọn nhiều tác phẩm tranh của Chihiro mà bà cho là phù hợp với từng mẩu chuyện trong cuốn tự truyện của bà.
Iwasaki Chihiro “Bé gái đội chiếc mũ màu nâu” (Đầu những năm 1970) |
Iwasaki Chihiro “Trò chơi trốn tìm” (1965) |
Iwasaki Chihiro “Cậu bé và cô bé nhảy múa bên hoa hồng” (1968) |
Iwasaki Chihiro “Những đứa trẻ nhòm qua bụi cây” (1970) |
Iwasaki Chihiro “Cô bé và cậu bé cầm chảo” (1971) |
Hơn 7,6 triệu bản cuốn Totto-chan đã được bán ra ở Nhật và cuốn tự truyện này đã giữ kỷ lục bán chạy nhất trong thời gian dài. Cuốn tự truyện này cũng đã được dịch ra hơn 35 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Mặc dù Totto-chan rất cuốn hút và hấp dẫn người đọc nhưng cũng chính những bức tranh được minh họa trong cuốn sách của Iwasaki Chihiro cũng góp phần lớn trong việc mang đến sự yêu thích của độc giả trên khắp thế giới.
Năm 2011 là năm kỷ niệm cuốn tự truyện “ Totto-chan bên cửa sổ” tròn 30 kể từ khi ấn bản đầu tiên được phát hành tại Nhật và cũng là năm Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản cuốn tự truyện được biên dịch trực tiếp từ tiếng Nhật.
Để đánh dấu kỷ niệm năm đặc biệt này ở Việt Nam và Nhật Bản, Trung Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam trân trọng giới thiệu triển lãm 30 tác phẩm tranh vẽ của Chihiro (hầu hết những bức tranh này đã được sử dụng làm tranh minh họa trong cuốn tự truyện Totto-chan) tại Phòng triển lãm của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Buổi khai mạc sẽ diễn ra lúc 10h00 Thứ ba, ngày 09/08/2011. Chương trình sẽ có phát biểu của giám tuyển Bảo tàng Nghệ thuật Chihiro và trích đọc tác phẩm “Totto-chan”. Đặc biệt, nhiều cuốn tự truyện “Totto-chan” có chữ ký của tác giả sẽ được tặng cho những vị khách may mắn vào buổi khai mạc cũng như những vị khách ghé thăm triển lãm. Buổi triển lãm hoàn toàn miễn phí và cuốn tự truyện bản tiếng Việt cũng được bày bán tại phòng triển lãm.
Cảm nhận về sự tác động đầy sáng tạo giữa Iwasaki Chihiro và Kuroyanagi Tetsuko - những người mà suốt cuộc đời luôn mong muốn hạnh phúc cho trẻ thơ và hòa bình cho thế giới là mong muốn của các đơn vị tổ chức mong muốn đem đến cho người xem Triển lãm này.
Linh@