Chuyện dọc đường
Mustafa ở Singapore
Submitted by nlphuong on Mon, 13/06/2011 - 17:50(ICTPress) - Mustafa là tên gọi thường gặp ở Ả rập cùng với huyền thoại của những câu chuyện được kể trong nghìn lẻ một đêm. Nhưng ở Singapore, Mustafa lại là tên một khu chợ của người Ấn Độ, nhà cửa ở khu phố này vẫn còn giữ nhiều nét của những khu phố Singapore mấy chục năm về trước.
Vài năm gần đây, người Pakistan và các nước Ả rập tham gia buôn bán ngày càng nhiều ở khu vực chợ Mustafa. Có lẽ người Ả rập đã tìm đến Mustafa ở Singapore theo tên gọi quen thuộc và tìm thấy ở đây nhiều nét thân quen và thuận tiện cho việc làm ăn buôn bán. Cạnh chợ, những cửa hàng ăn biển hiệu Pakistan mọc lên ngày càng nhiều, mùi húng quế, hồi và gia vị của các món ăn nấu theo kiểu Trung Đông hòa lẫn với mùi cari Ấn độ tạo nên hương vị đặc trưng của khu phố này. Với gần 80% dân số Singapore là người gốc Hoa, chỉ 8% là người gốc Ấn Độ, khá nhiều người dân Singapore vẫn xem Mustafa là khu vực có nhiều bí hiểm, họ ít đặt chân tới dù sống và làm việc cách đó không xa.
Một chiều đang dạo bộ trên phố Orchard, khu phố mua bán trung tâm và sầm uất nhất của Singapore, chúng tôi được phát tờ quảng cáo các cửa hàng vàng ở chợ Mustafa đang khuyến mại giảm giá 10%. Ô, quả là một quảng cáo thú vị, nhất là khi vàng đang lên giá trên toàn thế giới. Chúng tôi quyết định lấy taxi đến ngay Mustafa mặc cho cô bạn Singapore (gốc Hoa) ra sức can ngăn là không nên đi mua sắm ở Mustafa vì theo cô, khu vực chợ Mustafa khá lộn xộn, hàng hóa “rẻ tiền”, người bán hàng hay nói thách, chất lượng hàng hóa không bảo đảm, tốt hơn cả là nên mua sắm ở khu Orchard… Sau một hồi giải thích với bạn rằng chúng tôi chỉ đi Mustafa để “ngắm” thôi chứ không “sắm” gì cả, và vì đang đi dạo nên cũng không mang nhiều tiền, rút cục chúng tôi cũng lên được taxi với vô số lời dặn dò phải cẩn thận của cô bạn người địa phương.
Chợ Mustafa đây rồi. Hình bàn chân màu vàng có in quảng cáo vàng giảm giá 10%, được dán ngay từ cửa chợ, dán liên tiếp thành một lối đi, băng qua cả những con ngõ, đảm bảo cho khách hàng cứ tuần tự đặt bàn chân của mình vào đúng các bàn chân quảng cáo ấy là sẽ đến nơi cần tìm. Một lối đi thú vị đấy chứ. Tiến bước theo quảng cáo, chúng tôi đến siêu thị vàng. Phải gọi là siêu thị vì các cửa hàng rất to với rất nhiều loại trang sức được làm từ vàng. Hầu hết hay toàn bộ vàng bán ở đây là vàng 999 mà người Việt mình hay gọi là vàng ta, có một số trang sức làm từ vàng trắng, không thấy bán vàng tây 585 hay 750 (tỷ lệ vàng 58,5% hay 75%) như ở Nga hay châu Âu. Hỏi mua một sợi dây chuyền vàng, cô chủ hàng người Ả rập có đôi mắt to đen rất đẹp, hỏi khách muốn mua loại trọng lượng bao nhiêu rồi mở quầy lấy ra một nắm dây chuyền được bó lại như kiểu bó “đậu đũa”, chiếc nào chiếc nấy đều tăm tắp đúng trọng lượng yêu cầu. Những loại dây có trọng lượng khác được bó trong các bó “đậu đũa” khác. Có lẽ gom tất cả dây chuyền vàng đang trưng bày ở các cửa hàng trên phố Cầu Gỗ (Hà Nội) thì có thể cũng được một bó “đậu đũa” như ở đây. Được dặn dò là phải mặc cả kỹ càng nên chúng tôi mang theo cả tờ quảng giảm giá 10% để thảo luận giá cả với người bán hàng. Cô Ả rập chỉ tay lên màn hình treo tường đang hiển thị giá vàng thế giới. Té ra là vàng được bán đúng giá thị trường chung, chỉ giảm giá 10% công chế tác mà thôi. Mà công chế tác thì có thể đã được tăng gấp rưỡi rồi giảm giá 10%. Tuy nhiên, chúng tôi lại có thêm ít kinh nghiệm về quảng cáo.
Vì chỉ định “ngắm” chứ không định “sắm” nên chúng tôi thoái thác bằng cách hỏi mua trang sức vàng tây (58,5 % hay 75%) và lập tức nhận một cái chun mũi rất ấn tượng từ cô bán hàng, cô khuyên chúng tôi sang cửa hàng của người Ấn Độ mà mua vì các cửa hàng vàng Ả rập không có loại “rẻ tiền” đó. Tiến bước sang khu kinh doanh vàng của người Ấn Độ, chúng tôi diễn lại công đoạn cũ và cũng nhận được cái trề môi ấn tượng không kém từ cô bán hàng người Ấn có đôi mắt cũng to đen nhưng nước da sẫm màu hơn. Cô Ấn Độ khuyên chúng tôi hãy sang cửa hàng vàng Ả rập mà mua vì các cửa hàng Ấn Độ không có loại “rẻ tiền”.
Thực ra thì tôi đã nhìn thấy trang sức làm từ loại vàng “rẻ tiền” đó ở Orchard lúc chiều nhưng thấy quảng cáo hấp dẫn nên đã bị lôi cuốn về Mustafa. Thú vị thật khi thấy mọi người đều tự tin về hàng hóa của mình là tốt nhất, và chỉ người khác mới bán hàng “rẻ tiền”. Mặc dù không mua được gì trong buổi chiều hôm đó nhưng chúng tôi đã hiểu thêm đôi chút về văn hóa kinh doanh ở Singapore và các kiều dân sinh sống ở đó.
Ngày hôm sau, vẫn bị hấp dẫn bởi bó “đậu đũa”, tôi đã quay lại Mustafa để mua sợi dây chuyền. Cô Ả rập khuyến mại thêm hẳn một cái ví nhung xanh và một cái túi lụa đỏ, made in China, kèm theo rất nhiều nụ cười niềm nở hẹn gặp lại.
Hiền Minh
Bán kính
Submitted by nlphuong on Mon, 13/06/2011 - 17:44Thỏ có thể chạy vào rừng sâu đến đâu? Chỉ đến được giữa rừng thôi. Bởi nếu nó chạy tiếp thì có nghĩa là nó đang đi ra khỏi cánh rừng.
Này, xin chớ ba hoa là bạn đã vào được sâu rồi và còn vào sâu nữa. Đừng tự tin quá thể. Bạn đã vào quá sâu cõi thế và chợt nhận ra mình đã ở phía bên kia. Bạn đã không nhận ra lúc đứng giữa trung tâm. Nếu bạn biết, chắc bạn đã không vào sâu đến thế.
Thật lạ là trung tâm (trung tâm thiên hà, trung tâm thế giới, trung tâm của bất cứ thứ gì) đều tịnh không một bóng người. Vào tới trung tâm rồi, chúng ta vẫn tiếp tục đi và không biết mình đang rời xa nó.
Nhưng quan trọng nhất trên đời từ vạn kiếp vẫn là dừng lại ở giữa chừng, ở giữa trung tâm, ở nửa lời muốn nói. Điều căn bản nhất trên con đường này theo bán kính là hướng tới trung tâm. Khi bạn đi trên bán kính kia là bạn đã rời xa trung tâm, bạn bị cuốn khỏi trung tâm, bị đẩy ra ngoài.
Cuộc sống như đường kính, tức là có đều hai bán kính.
Cuộc sống sáng tạo chỉ bằng một bán kính thôi. Bán kính hướng vào trung tâm.
Chúng ta không rõ, nó đang ở đâu, cái điểm chia đôi ấy. Vì thế nó mới quạnh quẽ không người. Chúng ta đang sống hai bên lề của nó.
Khi chúng ta đang ở giữa tình yêu, chúng ta vẫn cảm thấy ít và chúng ta lại đi tiếp mà chẳng hiểu mình đang rời ra khỏi nó.
Cũng như thế là cảm giác tự do, khi chúng ta tự do và hạnh phúc, chúng ta lại muốn nhiều hơn và cứ nghĩ rằng trung tâm còn ở phía trước nhưng rồi hóa ra nó đã ở sau lưng và chúng ta đang rời ra khỏi nó.
Đã từng có bao nhiêu tinh tú chỉ tắt khi đã hết thời và chúng ta không hề nhớ chúng.
Trong khoảnh khắc sao rơi, chúng ta vội vã nói ra điều ước. Những điều ước đó có thể trở thành hiện thực trong khoảnh khắc sao rơi!
Ngôi sao của tôi ơi, hãy ra đi đúng lúc.
Đúng lúc của em là khi chưa hết hạn kỳ. Đó là khoảnh khắc đế sao rơi.
Em hãy nhớ và đừng chậm chân em nhé.
Hãy ra đi, hãy để lại sau mình tiếng âm vọng và ra đi.
(Trích “Không thể ai chiếm dụng thời gian”, tác giả Imant Ziedonis (Latvia), An ninh thế giới giữa tháng số 38, tháng 3/2011)
Đi biển mùa nào?
Submitted by nlphuong on Mon, 13/06/2011 - 17:38(ICTPress) - Hầu hết mọi người đều thích đi biển vào mùa hè. Vào những ngày nắng nóng oi ả, thật dễ chịu khi ngâm mình dưới làn nước biển trong xanh. Bơi, dỡn sóng, hay duỗi mình lười biếng trên một chiếc phao mặc cho sóng nước dập dềnh xung quanh…
Thú vị hơn nếu bạn dậy sớm, kịp lúc những chiếc thuyền câu mực đêm vừa trở về để đón mua những chậu mực ống còn tươi roi rói. Những người câu mực đêm sẽ trao cho bạn chiếc chậu đong đầy những chú mực trắng tươi đẫm hương vị của biển cả, đang thở phập phù cùng những chiếc râu ngọ ngoạy. Có thể vài chú bạch tuộc nhỏ ham vui cùng với lũ mực nên cũng có mặt trong chiếc chậu của bạn.
Trên bãi biển, cũng có hôm bạn sẽ đón mua được những chậu tôm biển tươi nguyên, tôm tươi mà không đắt. Mua bán hải sản vào sớm ban mai trên bãi biển thường được đong đếm theo chậu hay mớ, dường như những người địa phương ít muốn dùng cân, hoặc giả mang thêm một chiếc cân trên chiếc thuyền câu là chuyện lãng nhách. Nhìn những chú mực tươi rói đang múa râu và những cô tôm càng nhảy tanh tách như khiêu vũ trông thật vui mắt nhưng dạ dày lại thấy cồn cào. Chỉ cần luộc hoặc nướng theo cách đơn giản nhất, kèm theo một chút muối chanh là sẽ có một bữa ăn đậm đà. Sự tươi mới của tôm của mực mang theo nguyên vẹn hương vị đại dương sẽ hơn bất cứ thứ gia vị pha trộn nào.
Mặc dầu mùa hè tôi hay cũng đi biển như hầu hết mọi người, nhưng thú thực là tôi thích biển vào mùa đông hơn. Thích hơn rất nhiều.
Biển mùa đông không còn cái ồn ào, huyên náo. Bãi biển vắng. Sóng biển dường như điềm tĩnh hơn, tiếng sóng rầm rì chứ không vội vã đập vào bờ. Biển trầm lắng hơn và đằm thắm hơn. Tất cả như đang thư giãn. Thật dễ chịu khi thả bộ dọc bờ biển vắng, đi chân trần để nước biển vuốt ve bàn chân mình. Nước biển thật ấm và thật êm. Thỉnh thoảng một chú ốc xinh xắn dễ thương sẽ hiện ra trước mắt bạn trên con đường đi dạo, như một món quà mà Thượng đế ban tặng hay là mình tặng chính mình.
Đôi khi cũng gặp một vài du khách như mình hoặc vài người dân địa phương. Thường du khách mỉm cười chào nhau rồi ai nấy tiếp tục bước đi, tôn trọng phút thư giãn riêng tư của người khác. Nhưng nếu thích thì có thể bắt chuyện với những người dân địa phương, họ sẽ rất niềm nở trả lời, người dân vùng biển thường cởi mở và phóng khoáng.
Mùa đông cũng là mùa vắng khách của các nhà hàng khách sạn ở hầu hết các bãi biển. Vì vậy khách đến biển vào mùa đông sẽ được đón tiếp rất nồng hậu và đôi khi được mời những món ăn của gia đình. Tôi được đãi món canh cá khoai trong một dịp như thế. Những miếng cá khoai ngọt mềm tan ngay trên lưỡi, mùi vị thật thơm và món canh thật ngon, nhưng không thấy trong thực đơn của nhà hàng.
Nhưng ngon hơn tất cả là ly rượu vang trên boong tàu lênh đênh giữa biển đêm. Dưới bầu trời đêm lấp lánh sao và lấp lánh ánh đèn từ những chiếc thuyền câu, hương vị rượu vang không chỉ là thơm, chat, ngọt mà còn có vị mặn mòi của biển, mát lạnh của gió, và nồng nàn của đêm đại dương… Tất cả hòa quyện làm nên một hương vị riêng hiếm có của rượu vang - đêm - biển hay là biển - đêm - rượu vang.
Hiền Minh
Ngỡ ngàng... Thâm Quyến
Submitted by nlphuong on Mon, 13/06/2011 - 17:32(ICTPress) - Lần đầu đến Thâm Quyến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh cây cối ở Thâm Quyến. Cây xanh trên dải phân cách giữa hai làn đường đại lộ, cây xanh giữa đại lộ và lối đi dành cho người đi bộ, cây xanh bao quanh các khu nhà cao tầng... Các đại lộ với làn đường rộng, dải phân cách cũng rộng, cây trồng ở dải phân cách là loại cây cao lớn có tán lá xanh rì. Cây xanh ở khắp nơi, tươi mát mọi tầm mắt. Khắp thành phố không có nhà ống, không có những lô đất nho nhỏ… tất cả đã được quy hoạch và cây xanh chiếm một tỷ lệ đáng kể trong quy hoạch thành phố.
Ra khỏi trung tâm thành phố sẽ thấy ngay những khu đô thị đang được xây dựng, những cây cần cẩu khổng lồ đang chăm chỉ ngoạm đất đá từ những ngọn núi. Đất đá ấy lại được nhả xuống lấp các thung sâu tạo nên những mặt bằng mới cho việc xây dựng. Khi nhà cửa mọc lên, công viên và những mảng xanh cây lá sẽ được bố trí xen kẽ tạo nên khoảng thư giãn giữa những khối nhà cao ngất. Ngay trên những cây cầu vượt, giữa nắng nóng chói chang cũng thấy màu xanh mướt mát của những thân dây leo bám vào thành cầu. Cây được trồng ở đâu thế nhỉ? Lại gần thì hóa ra dây leo được trồng trong những chậu đựng đất được giấu khéo léo sau thành cầu xi măng. Màu xanh mướt của dây leo với lác đác vài bông hoa đang trổ khiến người ta có cảm giác đứng trong một khu vườn quê nào đó chứ không phải là trên cầu vượt giữa thành phố.
Ở Thâm Quyến, mỗi sáng sớm hay chiều tối, chúng tôi không gặp những người cao tuổi tập thể dục như ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc. Hầu hết cư dân ở độ tuổi 20 và 30. Có lẽ lứa tuổi 50 đã được xem là “cao tuổi” ở thành phố này. Là thành phố công nghiệp, nhộn nhịp và hối hả kiếm tiền, Thâm quyến cuốn hút thanh niên từ các vùng miền của Trung Quốc đến lập nghiệp. Chiều chiều, sau giờ làm việc, các bạn trẻ và các gia đình trẻ đổ ra đường phố để mua sắm, ăn uống. Hàng quán tràn ra hè với đủ màu sắc và mùi vị.
Thành phố trẻ, dân cư trẻ, nhiều người đẹp và mặc đẹp đến… ngỡ ngàng. Màu sắc trang phục ở Thâm Quyến khá nhã nhặn và có xu hướng Âu châu, khác với nhiều vùng miền ở Trung Quốc vốn ưa chuộng màu đỏ và vàng rực rỡ. Kiểu dáng thời trang ở thành phố này rất trẻ trung, năng động, hấp dẫn và khá… mát mẻ, bắt mắt không kém gì màu xanh mượt mà của cây cối.
Dân cư trẻ nhưng chúng tôi ngạc nhiên đến mức ngỡ ngàng khi nhận ra rất ít người nghe nói được tiếng Anh. Thậm chí trong khách sạn (nơi tổ chức hội nghị quốc tế) lễ tân luôn cười rất tươi, rất niềm nở nhưng nếu bạn muốn hỏi điều gì xin hãy viết ra giấy, họ sẽ tra từ điển Anh - Trung và Trung - Anh trên máy tính rồi viết câu trả lời ra giấy cho bạn.
Xanh và đẹp khiến du khách ngỡ ngàng; thêm một ít ngỡ ngàng là chuyện nghe và nói tiếng Anh. Nhưng hơn cả ngỡ ngàng là điều tôi đã gặp trên một trong những con phố trung tâm của Thâm Quyến. Chiều đó, khi vừa bước chân ra khỏi cửa hàng McDonald’s, tôi nhìn thấy, giữa hai quầy bán hoa quả hè phố, là một em gái khoảng chừng mười chín, đôi mươi, mặc quần áo màu đen, đầu chít khăn trắng đang vừa quỳ vừa khóc. Bên cạnh em là một chiếc hộp đen được đặt trong một vuông khăn vải thô trắng mộc, trước mặt em là mấy tấm ảnh, mấy đồng tiền lẻ đặt trên một tờ giấy khổ lớn bằng tờ báo, có viết to mấy dòng chữ Trung Quốc. Tôi không đọc được tiếng Trung Quốc, nhưng những tấm ảnh, mấy đồng tiền, vòng khăn trắng và chiếc hộp đen có thể báo để người qua đường biết rằng người nhà (cha, anh trai hay chồng?) của em bị chết, em quỳ ở đây để xin người qua đường giúp chút tiền lộ phí mang hộp tro của người thân về nhà. Hè phố tấp nập dòng người qua lại mua sắm đi dạo, không mấy ai dừng chân. Lặng lẽ đặt ít tiền trước mặt em, tôi vội vã rời bước để khỏi phải nhìn thấy em lạy tạ mình.
Chuyện bán mình lấy tiền chôn cha ngỡ chỉ còn trên phim ảnh về Trung Quốc thế kỷ 19, nào ngờ vẫn còn thấy vào năm thứ 10 của thế kỷ 21, trước cửa hàng McDonald’s trên đường phố trung tâm của thành phố Thâm Quyến giàu đẹp và hiện đại. Ngỡ ngàng hơn khi nhiều người thản nhiên mua hoa quả ăn ngay bên cạnh, có người điềm nhiên bóc cam quýt rồi vứt vỏ xuống bên cạnh em.
Ngỡ ngàng và hơn cả ngỡ ngàng! Có lẽ trong giai đoạn đang phát triển thì mọi việc đều là có thể.
Hiền Minh