FPT chưa thu hồi được 700 tỷ, muốn mua lại PCWorld
Ông Trương Đình Anh - TGĐ của FPT trả lời về thương vụ EVN Telecom, mua lại PC World, và kế hoạch kinh doanh thời gian tới...
Ngày 20/10/2011, FPT đã có buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh quý 3, tình hình hoạt động kinh doanh và những vấn đề nổi cộm của FPT.
Ông Trương Đình Anh - TGĐ của FPT đã trả lời phỏng vấn của báo chí xung quanh những vấn đề liên quan, trong đó những vấn đề nổi bật nhất là thương vụ EVN Telecom, mua lại PC World, và kế hoạch kinh doanh thời gian tới...
Ông Trương Đình Anh - TGĐ FPT. Ảnh: FPT. |
Xin ông cho biết thông tin về thương vụ EVN Telecom hiện nay đến đâu rồi?
Tính đến thời điểm hiện nay, thương vụ EVN đã kéo dài đến một năm và cũng là bài toán nhức đầu đối với toàn bộ ban lãnh đạo FPT. Chúng tôi cũng hi vọng là Chính phủ có những quyết sách mạnh mẽ nhằm hỗ trợ cho EVN có một tương lai phát triển mới. Còn đối với mô hình hiện nay thì cũng rất khó. Gần đây phương tiện truyền thông có đưa tin có thể Chính phủ sẽ giao EVN Telecom về cho Viettel quản lý. Chúng tôi cũng hy vọng là việc này sớm xảy ra, bởi vì khi nó xảy ra thì chúng tôi cũng nhanh chóng thu hồi được khoản 708 tỷ đồng tiền đặt cọc.
Hy vọng có thể sớm thu hồi được khoản tiền đặt cọc, và kết thúc thương vụ này một cách êm đẹp trên cơ sở đảm bảo được quyền lợi của các bên.
Nếu như EVN Telecom được sáp nhập vào Viettel mà đối tác không muốn trả khoản đặt cọc bằng tiền mặt mà tìm kiếm phương án hợp tác thì FPT sẽ xử lý như thế nào?
Trước hết, phải khẳng định rằng FPT và Viettel không có một thỏa thuận nào. Thỏa thuận ở đây là giữa FPT và EVN, trong trường hợp Nhà nước chuyển giao EVN Telecom cho Viettel thì thương vụ giữa FPT và EVN không hoàn tất. Thông qua đó thì FPT sẽ thu hồi lại tiền đặt cọc. Theo như báo chí đăng tải tuần qua, thì Nhà nước không có chủ trương cổ phần hóa EVN Telecom nữa mà chuyển giao cho một đơn vị thứ 3 có đủ khả năng để vận hành những hạ tầng viễn thông sẵn có, và gánh vác những khoản nợ của EVN Telecom đã có.
Chính phủ vừa rồi có công bố danh sách các doanh nghiệp viễn thông nhà nước nắm cổ phần chỉ phối, chỉ có 5 đơn vị. Hiện FPT chỉ đang sở hữu 43% cổ phần FPT Telecom, vậy FPT có tăng tỷ lệ sở hữu tại FPT Telecom thời gian tới không, thưa ông?
Việc Chính phủ có ban hành danh sách các doanh nghiệp viễn thông mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối, thì điều này cũng phù hợp với luật viễn thông mới ngày 1/7/2010. Theo chính sách One FPT mà FPT đã đề ra vào đầu năm 2011, hy vọng rằng với chính sách mới này khi Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối nữa tại FPT Telecom, FPT có kiến nghị với Bộ Tài chính và SCIC mong muốn hợp nhất FPT telecom vào FPT như với 3 Công ty vào đầu năm là FPT IS, FPT Solfware và FPT Trading.
FPT đang có những thương thảo đầu tiên với Bộ Tài chính và SCIC để hợp nhất FPT Telecom vào FPT qua hình thức như trả hoán đổi bằng cổ phiếu để có thể đạt được tỷ lệ sở hữu 100% tại FPT Telecom.
Với tình hình đến hết tháng 9 năm nay, dự báo năm 2012 kinh tế vẫn khó khăn vậy FPT đạt ra mức tăng trưởng như thế nào cho năm 2012?
Hết 9 tháng năm 2011 kết quả kinh doanh khá khả quan, doanh thu tăng trưởng 23%, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 21% và FPT tự tin hoàn thành kế hoạch năm 2011 với doanh thu khoảng 26600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 2.600 tỷ đồng.
Trong các đơn vị kinh daonh có tính chất thời vụ như FPT hệ thống thông tin thì kết quả thường dơi vào quý 4, do đó mục tiêu tăng trưởng 30% trong năm nay là hoàn thành nằm trong tầm tay.
Đến cuối tháng 11/2011 thì các đơn vị của FPT sẽ có kế hoạch cho năm 2012. Tuy nhiên, hiện sơ bộ kế hoạch tăng trưởng cho năm 2012 là từ 30-35%. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng FPT cũng đang đa dạng hóa kinh doanh, tiếp cận nhiều thị trường bên ngoài Việt Nam để đảm bảo kinh tế trong nước không ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, FPT cũng siết chặt chi phí, siết chặt nhân sự. Nhìn vào con số của 9 tháng 2011, doanh thu tăng 23% nhưng nhân sự của toàn tập đoạn giảm 1,57%, một số đơn vị doanh thu tăng cao như FPT Telecom tăng 47% nhưng số nhân viên chỉ tăng 6%, về Head Office thì 9 tháng cũng cắt giảm 25% nhân lực. FPT quản lý hữu hiệu nguồn nhân lực để đạt được kết quả kinh doanh tốt trong các năm tới.
Kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt như thế nào, thưa ông?
Việc chia cổ tức trong những năm qua FPT luôn hoàn thành cam kết với cổ đông, còn chia bao nhiêu do cổ đông quyết định, cổ tức năm 2011 do ĐHCĐ họp vào quý 1 năm 2012 quết định. Tuy nhiên, vấn đề chia nhiều hay ít cổ tức bằng tiền mặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cũng là vấn đề nhạy cảm. Bởi vì còn liên quan đến nguồn lực tài chính của FPT để đầu tư hay không? FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 30-35% thì cũng cần phải có nguồn lực để phát triển trong 2 đến 3 năm.
Hiện FPT đang đàm phán với Bộ Tài chính và SCIC về việc hợp nhất FPT Telecom, với chủ trương của ban lãnh đạo và đề xuất là trả một nửa bằng tiền và một nửa bằng hoán đổi cổ phiếu trong vụ sáp nhập FPT Telecom. Nếu thương thảo hoàn tất thì FPT cũng phải có một nguồn lực tài chính để thực hiện giao dịch này. Cho nên, việc chia cổ tức nhiều bằng tiền mặt hay không còn phụ thuộc vào cơ hội mà FPT có trong một hai quý tới.
Hợp tác với PC World như thế nào?
FPT luôn luôn có định hướng đẩy mạnh kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số. Trong thời gian 10 năm gần đây, FPT đã phát triển tích cực báo điện tử VnExpress, tạo ra thị phần đáng kể. Năm 2011, kế hoạch doanh thu quảng cáo từ VnExpress khoảng 240 tỷ đồng, kết thúc 9 tháng đạt 167 tỷ đồng doanh thu. Năm 2010 doanh thu của quảng cáo đạt 160 tỷ đồng, năm 2009 đạt khoảng 107 tỷ đồng.
Mặc dù khó khăn, lĩnh vực quảng cáo đi xuống nhưng trong 3 năm gần đây thì doanh thu từ quảng cáo của VnExpress và các trang tin FPT có đều tăng trưởng hơn 60%. FPT nhận thấy lĩnh vực này có nhiều tiềm năng.
Do đó, FPT cũng đang tìm kiếm cơ hội và hiện đang thương lượng với PC World, hy vọng trong thời gian sớm nhất FPT sẽ công bố chính thức những nội dung quan trọng về sự hợp tác của FPT với Tạp chí PC World. Hiện nay thương thảo vẫn chưa đi đến bước cuối cùng nên chưa thể công bố nội dung chi tiết.
Xin cám ơn ông.
Phạm An
Theo CafeF/TTVN