Syndicate content

Tri thức chuyên ngành

Đề xuất hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính tại các Bưu điện tỉnh, thành phố (Bài 2)

 ThS. Trần Thị Thập

Bài viết này đề xuất nội dung, phương pháp và quy trình thực hiện hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ Bưu chính tại các điểm Bưu điện tỉnh, thành phố.

1. Mô tả nội dung của hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ

a. Hệ thống tiêu chuẩn

Số lượng tiêu chuẩn: 20 tiêu chuẩn được xây dựng cho các nhóm hoạt động, các tác nghiệp hoặc ấn phẩm, chứng từ cơ bản như sau:

1. Tiêu chuẩn về nhận gửi, gồm: Tiêu chuẩn 1: Phiếu gửi; Tiêu chuẩn 2: Thủ tục nhận gửi.

2. Tiêu chuẩn về khai thác đi, gồm: Tiêu chuẩn 3: Gom bưu gửi; Tiêu chuẩn 4: Chia chọn; Tiêu chuẩn 5: Đóng chuyến thư đi.

3.  Tiêu chuẩn về khai thác đến, gồm: Tiêu chuẩn 6: Giao nhận chuyến thư đến; Tiêu chuẩn 7: Mở túi, gói thư

4.  Tiêu chuẩn về phát bưu gửi, gồm: Tiêu chuẩn 8: Chuẩn bị để đi phát; Tiêu chuẩn 9: Phát bưu gửi; Tiêu chuẩn 10: Xử lý bưu gửi chưa hoặc không phát được; Tiêu chuẩn 11: Bảo quản Bưu gửi.

5. Tiêu chuẩn về kế toán, báo cáo: Tiêu chuẩn 12: Kế toán sản lượng – doanh thu; Tiêu chuẩn 13: Quản lý thu chi tài chính; Tiêu chuẩn 14: Lưu trữ hồ sơ; Tiêu chuẩn 15: Báo cáo.

6. Nhóm hoạt động khác: Tiêu chuẩn 16: Nhập dữ liệu; Tiêu chuẩn 17: Truyền nhận dữ liệu; Tiêu chuẩn 18:  Làm thủ tục hải quan; Tiêu chuẩn 19: Xử lý các trường hợp bất thường; Tiêu chuẩn 20: Giải quyết khiếu nại.

Cách thức xây dựng nội dung tiêu chuẩn:

20 tiêu chuẩn đánh giá đề xuất trên đây ứng với 20 hoạt động cơ bản trong nghiệp vụ khai thác bưu chính. Với mỗi tiêu chuẩn, việc đề ra các yêu cầu cần đạt được của hoạt động cũng như trọng số của tiêu chuẩn đó cần được xem xét phù hợp với mỗi thời điểm (theo các qui định nghiệp vụ hiện hành) và mỗi đơn vị (với đặc thù hoạt động nghiệp vụ). Ban đầu các đơn vị đề ra các yêu cầu cơ bản đối với mỗi hoạt động và định kỳ (hoặc khi có thay đổi về qui định nghiệp vụ) sẽ cập nhật tiếp theo.

Ví dụ các tiêu chuẩn có thể trình bầy với kết cấu và nội dung sau:

Điểm của mỗi tiêu chuẩn:

Điểm của mỗi tiêu chuẩn được tính bằng cách lấy số lượng mẫu đạt chia cho tổng số mẫu kiểm tra, lấy đến giá trị 2 số thập phân.

Tổng số điểm đánh giá tối đa:

Tổng số điểm được đánh giá bằng tổng trọng số nhân với cơ số điểm. Ví dụ: nếu cơ số điểm của các tiêu chuẩn đều là 10 và tổng trọng số của các tiêu chuẩn là 50 thì điểm đánh giá tối đa sẽ là 500 điểm.

2. Phương pháp thực hiện đánh giá

Hệ thống tiêu chuẩn trên đây tương đối dễ cho điểm nhưng ngược lại cũng cần đánh giá viên thực hiện quá trình đánh giá một cách nghiêm túc, khách quan, công bằng và chính xác.

Các đánh giá viên đánh giá lần lượt từng nhóm hoạt động (gồm 6 nhóm hoạt động đã nêu) theo các tiêu chuẩn của từng nhóm. Khi đánh giá một tiêu chuẩn nào đó, đánh giá viên sẽ chọn ngẫu nhiên một số lượng mẫu bằng hoặc lớn hơn số lượng mẫu tối thiểu qui định để kiểm tra và xác định điểm cho từng tiêu chuẩn. Ví dụ: Tại nhóm hoạt động nhận gửi, tiêu chuẩn 1 – Phiếu gửi, đánh giá viên chọn 30 mẫu phiếu gửi và kiểm tra, nếu số lượng mẫu đạt yêu cầu là 28 mẫu thì điểm của tiêu chuẩn này là 28/30 = 93,33 điểm. Điểm của từng tiêu chuẩn sẽ được nhân với trọng số của tiêu chuẩn đó. Cuối cùng, các đánh giá viên sẽ tính tổng điểm cho cả quá trình đánh giá.

Tổng số điểm đạt được của một đơn vị trong kỳ đánh giá sẽ được so sánh với đơn vị khác, so sánh với kỳ trước hoặc so sánh với mục tiêu đề ra để thông qua đó tiến hành các hoạt động điều chỉnh. 

Do quá trình đánh giá gồm nhiều chỉ tiêu, nhiều mẫu nên tác giả khuyến nghị nên sử dụng bảng Excel để thực hiện quá trình đánh giá và cho điểm. Bảng Excel cho phép tính điểm một cách chính xác và nhanh chóng, ngoài ra có thể chuyển trực tiếp thành bản in – là dữ liệu đi kèm với biên bản đánh giá.

Số lượng mẫu, trọng số của các tiêu chuẩn và các số liệu cần xử lý được đề xuất như bảng 1.

Bảng 1

3. Qui trình đánh giá

     Trong một cuộc đánh giá chất lượng nội bộ thì các khách hàng cũng là bên được đánh giá. Căn cứ vào hình thức đánh giá áp dụng là: bưu điện tỉnh đánh giá các bưu điện huyện; đánh giá chéo giữa các bưu điện huyện hay đánh giá chéo giữa các bưu cục.

- Nếu bưu điện tỉnh đánh giá các bưu điện huyện thì đánh giá viên sẽ là những cán bộ, chuyên viên của các phòng ban chức năng thuộc bưu điện tỉnh, trong đó phòng Kinh doanh Bưu chính có trách nhiệm chủ trì (các phòng khác như thi đua, tổ chức, thanh tra, kế toán… phối hợp).

- Nếu đánh giá chéo giữa các bưu điện huyện hoặc giữa các bưu cục thì đánh giá viên sẽ được huy động từ các đơn vị khác trong đó có một đánh giá viên thuộc cấp trên chủ trì.

Qui trình đánh giá cơ bản được đề xuất như Hình 1.

Hình 1. Sơ đồ quy trình đánh giá chất lượng nghiệp vụ tại Bưu điện tỉnh, thành phố

Bước 1: Lập kế hoạch và chương trình đánh giá

Đánh giá chất lượng nội bộ tại BĐT được tiến hành định kỳ 6 tháng/lần, ngoài ra còn có thể tổ chức các cuộc đánh giá đột xuất khác trên cơ sở tầm quan trọng của các hoạt động đánh giá, mức độ thực hiện các yêu cầu cải tiến nghiệp vụ và kết quả đánh giá kỳ trước đó.

Bước 2: Phê duyệt

Trình kế hoạch và chương trình đánh giá chất lượng nghiệp vụ cho ban lãnh đạo BĐT phê duyệt.

Bước 3: Thông báo cho các đơn vị trực thuộc

Sau khi kế hoạch và chương trình đánh giá được phê duyệt, thư ký ban chỉ đạo lập bản thông báo (gồm chương trình đánh giá) gửi đến các đơn vị để chuẩn bị đánh giá.

Bước 4: Chuẩn bị đánh giá

a) Thư ký ban chỉ đạo gửi chương trình đánh giá, tiêu chuẩn đánh giá tới các cá nhân và đơn vị liên quan trực tiếp trước ít nhất 04 ngày.

b) Các đánh giá viên có trách nhiệm:

- Nghiên cứu các tài liệu liên quan đến nội dung được phân công đánh giá.

- Chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho cuộc đánh giá: Phiếu ghi chép trong quá trình đánh giá, Phiếu yêu cầu cải tiến chất lượng và Báo cáo đánh giá nội bộ.

- Tham gia đầy đủ và tích cực đúng kế hoạch cuộc đánh giá.

c) Thủ trưởng các đơn vị được đánh giá có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, lài liệu và nhân sự cần thiết và hợp tác với đoàn đánh giá để cuộc đánh giá đạt kết quả tốt.

Bước 5: Tiến hành đánh giá

a) Họp khai mạc: Đại diện lãnh đạo nêu rõ mục đích và yêu cầu cũng như tầm quan trọng của việc đánh giá và yêu cầu các đơn vị phối hợp thực hiện. Trưởng nhóm đánh giá thông báo chương trình đánh giá, phương pháp đánh giá và các tiêu chí đánh giá chất lượng nghiệp vụ.

b) Các đánh giá theo chương trình, nội dung đánh giá được phân công tiến hành đánh giá tại các đơn vị bất chợt, không thông báo trước. Trong quá trình đánh giá nếu có bất cứ sự thay đổi nào so với chương trình đánh giá cần thông báo cho trưởng nhóm đánh giá.

c) Trong quá trình đánh giá, các đánh giá viên có trách nhiệm ghi chép đầy đủ các nội dung đã đánh giá, bằng chứng về sự phù hợp và không phù hợp của các hoạt động đánh giá để làm hồ sơ và báo cáo đánh giá.

d) Chuẩn mực đánh giá bao gồm: các chính sách, mục tiêu chất lượng; các văn bản của Hệ thống quản lý chất lượng nghiệp vụ bưu chính; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động được đánh giá;

e) Các đánh giá viên có trách nhiệm lập các yêu cầu cải tiến chất lượng nếu phát hiện điểm không phù hợp hoặc cần cải tiến của hệ thống. Nội dung yêu cầu ghi lại để làm căn cứ để thực hiện các hoạt động khắc phục hoặc phòng ngừa và báo cáo đánh giá.

f) Họp kết thúc: Nhóm đánh giá phải thống nhất lại những vấn đề trong quá trình đánh giá. Trưởng nhóm đánh giá nêu nhận xét chung về kết quả đánh giá;

g) Từng đánh giá viên nêu những điểm không phù hợp khi phát hiện tại các đơn vị đồng thời giải thích rõ các điểm còn thắc mắc.

Bước 6: Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá

Kết thúc đánh giá, Trưởng nhóm đánh giá xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá. Các đánh giá viên gửi lại cho trưởng nhóm các yêu cầu cải tiến của từng đơn vị. Báo cáo này phải được lập chậm nhất 02 ngày sau khi đánh giá.

Bước 7: Gửi các bên liên quan

Thư ký ban chỉ đạo gửi Báo cáo đánh giá đến đại diện lãnh đạo và thủ trưởng các đơn vị có liên quan để thực hiện hành động khắc phục kịp thời.

Bước 8: Thực hiện hành động khắc phục, phòng ngừa

a) Thủ trưởng các đơn vị có các điểm không phù hợp hoặc khuyến nghị cải tiến, có trách nhiệm xác định nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục, phòng ngừa; thời hạn hoàn thành và ký vào phần tương ứng của Phiếu yêu cầu cải tiến chất lượng. Thủ trưởng các đơn vị thực hiện không chậm chễ việc khắc phục các điểm đã nêu trong báo cáo liên quan đến đơn vị mình;

b) Căn cứ vào ngày hoàn thành ghi trong phiếu yêu cầu cải tiến, đại diện lãnh đạo cử cán bộ kiểm tra kết quả thực hiện hoạt động khắc phục và phòng ngừa tại từng đơn vị. Nếu hành động khắc phục thực hiện đạt yêu cầu, người kiểm tra ghi kết quả vào phần cuối của phiếu cải tiến báo cáo và kết thúc. Trường hợp không hoàn thành như các biện pháp đề ra, phải viết một yêu cầu hành động khắc phục mới.

Bước 9: Kiểm tra

Sau khi thực hiện các hành động khắc phục, phòng ngừa, Đánh giá viên được phân công và thư kí ban chỉ đạo có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các biện pháp trên.

Bước 10: Lưu hồ sơ

Thư kí ban chỉ đạo có trách nhiệm tập hợp và lưu giữ toàn bộ hồ sơ của từng đợt đánh giá nội bộ.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quản lý chất lượng toàn diện - con đường cải tiến thành công, NXB Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, 2006;

[2]. Đánh giá chất lượng - qui trình thực hiện như thế nào? NXB Trẻ, 2003;

Đề xuất hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính tại các Bưu điện tỉnh, thành phố (Bài 1)

ThS. Trần Thị Thập

Đánh giá chất lượng là một chức năng quan trọng của hoạt động quản trị chất lượng trong các doanh nghiệp (DN). Áp dụng hệ thống quản trị chất lượng, các tiêu chuẩn cũng như phép đo lường chất lượng để thông qua đó lượng giá được tình hình chất lượng, tiến hành các hoạt động điều chỉnh đã được các công ty kinh doanh cả trong nước và ở nước ngoài ứng dụng một cách rộng rãi và hiệu quả. Tuy vậy, mặc dù hệ thống lý luận về quản trị chất lượng trong DN đã tương đối đầy đủ nhưng riêng về quản trị chất lượng đặc thù đối với DN kinh doanh dịch vụ còn ở mức độ sơ khai. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến hiện trạng xây dựng và áp dụng hệ thống này còn hạn chế trong các DN kinh doanh dịch vụ nói chung và DN kinh doanh dịch vụ bưu chính như các bưu điện tỉnh, thành phố nói riêng.

Bài viết này tập trung tìm hiểu, tổng hợp và phân tích các vấn đề về chất lượng và đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính của Bưu chính Việt Nam (BCVN), thông qua đó gợi mở đề xuất về hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ có thể áp dụng tại các bưu điện tỉnh, thành phố.

Ảnh: T.Hải

1. Nghiệp vụ bưu chính và vấn đề đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính

a. Nghiệp vụ bưu chính

Quy trình khai thác nghiệp vụ bưu chính là một quy trình truyền đưa tin tức/bưu gửi, nó được thực hiện từ hai phía người gửi và người nhận. Vì vậy yêu cầu đòi hỏi dây chuyền truyền đưa tin tức phải có ít nhất hai đơn vị tham gia. Trong quá trình truyền đưa tin tức, mỗi đơn vị phải hoàn tất một công đoạn nhất định. Nhìn chung việc tổ chức quy trình này ở bất kì đâu trên mạng lưới bưu cục cũng lần lượt qua các khâu: nhận gửi - khai thác đi - vận chuyển - khai thác đến - phát. Qui trình khai thác phải nhịp nhàng, đồng bộ và liên tục ở từng khâu thì hiệu quả truyền đưa tin tức mới thật sự có giá trị, cho nên mạng lưới thông tin Bưu điện phải thống nhất, trang thiết bị phải đồng bộ và việc tổ chức khai thác phải khoa học.

Để đảm bảo kết quả cuối cùng là cung ứng những dịch vụ bưu chính có chất lượng, DN bưu chính đã đề ra những qui định trong đó nêu rõ các khâu, các bước, các thao tác mà các đơn vị, cá nhân tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ bưu chính phải tuân thủ. Những qui định này gọi là qui định nghiệp vụ bưu chính. Những hoạt động của cá nhân, đơn vị thực hiện theo các qui định này gọi là hoạt động nghiệp vụ bưu chính.

b. Sự cần thiết phải đánh giá chất lượng đối với BCVN

Theo TCVN ISO 9000:2000, đánh giá chất lượng là: Sự xem xét độc lập và có hệ thống nhằm xác định xem các hoạt động và kết quả liên quan đến chất lượng có đáp ứng được các quy định đã đề ra và các quy định này có được thực hiện một cách hiệu quả và thích hợp để đạt được các mục tiêu hay không. Vậy khi nói đến đánh giá chất lượng là nói đến sự so sánh đối chiếu, là để kiểm tra “những hoạt động” và “những kết quả” liên quan đến chất lượng với “các quy định”. Hay nói cách khác, đánh giá chất lượng là nhằm tìm ra những điểm không phù hợp của một hệ thống quản trị chất lượng.

Nhà nước xác định bưu chính, viễn thông là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển bưu chính, viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

BCVN là DN nhà nước duy nhất về bưu chính, thực hiện chức năng kinh doanh theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ công ích theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bưu chính của Nhà nước và những nhiệm vụ công ích khác theo yêu cầu đột xuất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

BCVN đồng thời thực hiện hai chức năng là vừa kinh doanh vừa phục vụ, trong đó kinh doanh có vai trò hết sức quan trọng, kinh doanh tốt và có hiệu quả mới có thể thu hồi vốn nhanh, bảo toàn và phát triển vốn, mở rộng đầu tư mạng lưới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về thông tin liên lạc. Để tổ chức kinh doanh có hiệu quả, BCVN cần phải quản lý chặt chẽ và hợp lý nguồn lao động, nguồn nguyên vật liệu, tài sản cố định, vốn đầu tư, qui trình khai thác nghiệp vụ và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Thực tế hiện nay cho thấy đang tồn tại bộ máy quản lý chất lượng hoạt động rời rạc, cán bộ quản lý chất lượng còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác. Mặc dù một vài khung tiêu chuẩn đánh giá chất lượng có thể vẫn đang hoạt động nhưng những hệ thống này tỏ ra kém hiệu quả và không phù hợp với sự phát triển của bản thân DN cũng như không đáp ứng kịp nhu cầu về chất lượng dịch vụ từ phía khách hàng.

Mặt khác, nghiệp vụ bưu chính đòi hỏi chất lượng của sản phẩm dịch vụ phải đảm bảo không có phế phẩm mà quá trình khai thác bưu chính lại phức tạp, qua nhiều công đoạn. Để đảm bảo được quá trình khai thác hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ ăn khớp nhau nhằm đạt năng suất và chất lượng thì đòi hỏi phải có tổ chức khai thác hợp lý. Đặc điểm kinh doanh Bưu chính là tải trọng dao động không đều và phụ thuộc nhiều vào khách hàng, nhưng DN bưu chính vừa phải bảo đảm năng lực sản xuất luôn lưu thoát hết khối lượng thông tin trong những giờ cao điểm, đồng thời phải giảm năng lực sản xuất trong những giờ lượng tải xuống thấp để tránh lãng phí.

Vì vậy, để kiểm soát được quá trình cung ứng các dịch vụ bưu chính thì cần có một khung tiêu chuẩn đánh giá mà dựa vào đó các đơn vị có thể tự đánh giá được khả năng cung ứng dịch vụ của mình, nhận ra được những ưu điểm và khắc phục được những vấn đề còn tồn tại của đơn vị. Từ khung tiêu chuẩn này giúp các nhà quản trị cấp cao có những quyết định đúng đắn về hướng phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ Bưu chính.

2. Tìm hiểu hệ thống đánh giá chất lượng của BCVN

a. Quan niệm chất lượng nghiệp vụ bưu chính

Đến nay, chất lượng nghiệp vụ bưu chính vẫn được đánh giá theo các tiêu chí, đó là nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi văn minh.

Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá nỗ lực thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng của bưu chính, BCVN thường đề cập tới quy mô phát triển mạng lưới với các tiêu chí thường được sử dụng như Bảng 1.

Bảng 1. Tiêu chí về quy mô phát triển mạng lưới

Để đánh giá về biện pháp nâng cao chất lượng theo tiêu chí văn minh, BCVN thường đánh giá thông qua việc đầu tư xây cất nhà giao dịch với các tiêu chí như: khang trang sạch sẽ, sử dụng các trang thiết bị hiện đại như số cân điện tử, số máy in cước thay tem…

Các biện pháp nâng cao chất lượng của BCVN luôn được thể hiện thông qua các biện pháp đầu tư để mở rộng khả năng cung cấp và phát triển dịch vụ như: mở rộng thêm các bưu cục, đầu tư hệ thống phần mềm hỗ trợ khai thác, đầu tư cho mạng vận chuyển, mở thêm đường bay, tăng số chuyến trong ngày, hoặc nâng tải trọng hợp đồng và tần suất chuyến bay…

Thực chất sự phát triển tăng trưởng mạng lưới cung cấp dịch vụ chỉ phản ánh được khả năng truy cập và phục vụ của dịch vụ đối với xã hội. Mặc dù đây cũng là những đặc tính quan trọng có tác động trực tiếp tới chất lượng bưu chính. Nhưng xét về toàn diện chúng ta cần phải quan tâm tới các đặc tính (chỉ tiêu) khác cũng quan trọng không kém như: chỉ tiêu về phục vụ, mức độ thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Nói rõ hơn, hoạt động nghiệp vụ mà mỗi cá nhân, bộ phận thuộc BCVN thực hiện trên hệ thống cơ sở vật chất đã trang bị (mạng vận chuyển, mạng bưu cục…) cũng cần phải được quan tâm, giám sát nhằm đạt được kết quả đầu ra cuối cùng là các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

b. Một số văn bản chủ yếu liên quan đến chất lượng và quản trị chất lượng của BCVN

- Quyết định 156 BC/KT của Tổng cục Bưu điện (1975) ban hành Hệ thống chỉ tiêu chất lượng bưu chính;

- Quyết định 15 QĐ/TCBĐ của Tổng cục Bưu điện (1987) ban hành Hệ thống chỉ tiêu chất lượng thông tin bưu chính và điện chính;

- Quy định 143/2001/QĐ-TCBĐ của Tổng cục Bưu điện về quản lý chất lượng dịch vụ, mạng lưới bưu chính, viễn thông;

- Quy định số 33/2006/QĐ-BBCVT của Bộ BCVT ban hành qui định về chất lượng dịch vụ bưu chính viễn thông.

- Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích.

- Quyết định số 07/QĐ – BC ngày 02/01/2007 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam v/v Ban hành qui định tạm thời về Hệ thống chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư và báo chí

- Chỉ thị số 03/CT-TGĐ ngày 10/6/2008 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty BCVN về việc “Tăng cường công tác kiểm tra và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính”;

- Quyết định số 760/DV-BC ngày 27/5/2008 của Tổng Công ty BCVN về việc thực hiện chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư báo về việc thực hiện chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư báo theo chỉ thị số 03/CT-TGĐ.

c. Hệ thống chỉ tiêu chất lượng

Từ trước đến nay, BCVN chỉ dùng khái niệm chỉ tiêu chất lượng áp dụng chung cho cả 2 nội dung: chỉ tiêu và tiêu chuẩn. Khái niệm này đã hình thành từ rất lâu, cụ thể là:

1. Hệ thống chỉ tiêu chất lượng bưu chính được xây dựng từ 1975 theo quyết định số 156 BC/KT, bao gồm:

-  Hệ thống chỉ tiêu chất lượng thứ nhất, gồm 4 chỉ tiêu chủ yếu là: không mất, không lộ bí mật, không hỏng, không nhầm (chỉ tiêu an toàn, chính xác).

-  Hệ thống chỉ tiêu thứ hai (chỉ tiêu thời gian) căn cứ vào hệ thống chỉ tiêu thứ nhất để cụ thể hoá cho từng bưu điện tỉnh cho sát với hoàn cảnh thực tế địa phương.

-  Sổ kiểm tra.

- Bảng báo cáo thống kê chất lượng khai thác Bưu chính (BV70).

- Bảng kê các chỉ tiêu và định mức quy định (BV63).

- Bảng kê đóng gói túi thư hàng ngày (BV64).

- Bảng kê giờ mở thư hàng ngày (BV65).

- Bảng kê giờ phát thư hàng ngày (BV66).

Trong đó, hệ thống chỉ tiêu thứ nhất và hệ thống chỉ tiêu thứ hai trước đây được Cục Bưu chính – Phát hành báo chí quản lý thông qua hệ thống các bảng báo cáo và sổ kiểm tra nói trên.

2. Hệ thống chỉ tiêu chất lượng thông tin bưu chính và điện chính kèm theo Quyết định 15 QĐ/TCBĐ năm 1987, trong đó các chỉ tiêu quy định cho Bưu chính, bao gồm:

-  Chỉ tiêu chuyển phát toàn trình

-  Chỉ tiêu chất lượng chuyển phát bưu chính - phát hành báo chí quy định cho địa phương (khâu chuyển phát từ tỉnh về huyện, xã).

3. Hệ thống chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư và báo chí được ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ - BC năm 2007, bao gồm:

-  Chỉ tiêu chất lượng chuyển phát thư

- Chỉ tiêu chất lượng chuyển phát báo, tạp chí

- Chỉ tiêu chất lượng phục vụ.

Bên cạnh đó, các dịch vụ khác do BCVN cung ứng cũng xây dựng chỉ tiêu chất lượng riêng và công bố với khách hàng. Đáng chú ý là dịch vụ EMS và Chuyển tiền nhanh thực hiện công bố chỉ tiêu chất lượng (chỉ tiêu thời gian toàn trình).

d. Ý kiến rút ra qua nghiên cứu hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ Bưu chính và tìm hiểu thực tế tại một số đơn vị

Thứ nhất là, các chỉ tiêu chất lượng trên đây chỉ tập trung đánh giá việc chuyển phát thư và báo chí. Đối với báo chí cũng chỉ là một số báo, tạp chí trong danh mục do Thủ tướng chính phủ qui định. Đây là 2 trong số các hoạt động công ích mà BCVN thực hiện theo sự đặt hàng của Chính phủ. Các dịch vụ khác, cụ thể là các dịch vụ mang tính chất kinh doanh của BCVN hầu như chưa có chỉ tiêu chất lượng. Điều này dẫn đến hoạt động nghiệp vụ tại các đơn vị (bao gồm cả dịch vụ công ích và kinh doanh) chưa được xem xét và kiểm soát một cách toàn diện.

Thứ hai là, các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu kiểm soát kết quả đầu ra của toàn bộ quá trình, còn các hoạt động cụ thể để dẫn đến kết quả đó thì chưa được quan tâm. Thông thường việc kiểm soát quá trình rất được coi trọng trong các DN kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ.

Thứ ba là, các chỉ tiêu chất lượng được đề ra và xác định chung cho toàn bộ hệ thống, không qui định chi tiết cho từng khâu, từng công đoạn, đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ. Việc qui định chi tiết cho từng khâu, từng công đoạn là cơ sở để các đơn vị thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng nghiệp vụ bưu chính tại đơn vị mình.

Thứ tư là, hầu như chưa có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật nào được vận dụng trong đánh giá chất lượng tại các đơn vị. Một số phần mềm khai thác nghiệp vụ tuy đã có nhưng khả năng đưa ra được các thống kê, báo cáo phục vụ cho quản lý chất lượng là không nhiều.

Thứ năm là, chuyên viên quản lý chất lượng tại các đơn vị là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo căn bản về chất lượng nên cách thức quản lý, các các phương pháp hay kỹ thuật đều mang tính tự học hỏi, mày mò để áp dụng.

3. Đề xuất xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính áp dụng tại các Bưu điện tỉnh, thành phố

Các căn cứ xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính

1. Quan điểm phát triển của BCVN và định hướng nâng cao chất lượng nghiệp vụ bưu chính tại các bưu điện tỉnh, thành phố.

Xây dựng chiến lược tổng thể nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính, từng bước bổ sung hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu chất lượng các dịch vụ là quan điểm rõ rệt, luôn được khẳng định trong phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của BCVN. Bên cạnh đó, BCVN cũng định hướng để các Bưu điện tỉnh, thành phố chủ động xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu chất lượng áp dụng tại từng đơn vị nhằm mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng tại cấp cơ sở, tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng của toàn mạng lưới.

2. Các qui định về quản lý chất lượng của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và của Tổng công ty BCVN

Các qui định này đã được đề cập đến trong mục 2 trên đây, hệ thống đánh giá chất lượng đề xuất sẽ đảm bảo thực hiện theo đúng qui định và hướng dẫn nêu tại các văn bản này.

3. Các nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng

BCVN là một DN, giống như các DN khác thì hệ thống đánh giá chất lượng, đặc biệt là khi xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng phải đảm bảo tuân theo những nguyên tắc căn bản sau: Đơn giản hóa; Tương thích; Áp dụng; Tập trung, Thống nhất; Đổi mới; Đồng bộ, Pháp lý.

4. Chế độ kiểm soát nghiệp vụ bưu chính

Để đưa ra những mô tả về tiêu chuẩn chất lượng nghiệp vụ bưu chính, các qui định về Chế độ độ kiểm soát nghiệp vụ của Vụ Bưu chính – Tổng cục Bưu điện ban hành năm 1975 đã được nghiên cứu để lựa chọn đưa vào tiêu chuẩn những qui định nào hiện vẫn còn áp dụng và kiến nghị bổ sung một số tiêu chuẩn khác.

Mục đích

Hệ thống đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính được xây dựng nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của công tác quản trị chất lượng nghiệp vụ bưu chính cũng như ý thức trách nhiệm của các chuyên viên phụ trách quản trị chất lượng tại mỗi đơn vị.

Các tiêu chuẩn chất lượng đề ra trong hệ thống cũng mang tính hướng dẫn các nhân viên khai thác, nhân viên giao dịch thực hiện đúng các qui định nghiệp vụ hiện đang áp dụng.

Thông qua đánh giá chất lượng tại từng đơn vị (từng bưu cục hay bưu điện huyện, bưu cục trung tâm), bưu điện tỉnh nắm bắt được thực chất về hoạt động nghiệp vụ tại đơn vị đó là tốt hay chưa tốt và tiến hành các hoạt động điều chỉnh đối với từng đơn vị, bộ phận.

Phạm vi áp dụng: Các bưu cục, Các bưu điện huyện, Các bưu cục trung tâm

Ý tưởng về thiết kế

Sau khi nghiên cứu lý thuyết về đánh giá chất lượng cũng như tìm hiểu những khả năng, nguồn lực tại các bưu điện tỉnh, dự kiến thiết kế hệ thống đánh giá chất lượng theo các hướng cơ bản sau:

1. Về loại hình đánh giá:

Các DN có thể áp dụng một, hai hoặc cả ba loại hình đánh giá chất lượng là: đánh giá chất lượng nội bộ, đánh giá của bên thứ hai và đánh giá của bên thứ ba.

Loại hình đánh giá chất lượng đề xuất trong bài viết này thuộc loại hình đánh giá chất lượng nội bộ. Mục đích của loại hình đánh giá chất lượng nội bộ nhằm cung cấp thông tin để Ban giám đốc xem xét, từ đó đưa ra biện pháp cải tiến hay hành động phòng ngừa hoặc khắc phục. Đối với loại hình này thì các nhân viên thuộc DN, cụ thể là các chuyên viên quản lý nghiệp vụ (có thể phối hợp với một số chức năng khác) là người thực hiện việc đánh giá.

2. Về phương pháp đánh giá:

Phương pháp xem xét từng yếu tố được đề xuất khi thực hiện đánh giá chất lượng nghiệp vụ bưu chính. Theo phương pháp này, đánh giá viên sẽ xem xét từng yếu tố hay điều khoản của tiêu chuẩn hoặc chương trình chất lượng mà bên được đánh giá áp dụng. Trên cơ sở xem xét từng yếu tố, nhóm đánh giá sẽ xác định toàn bộ hệ thống hiện thời hoạt động có hiệu quả không.

3. Về công cụ hỗ trợ đánh giá:

Sử dụng bảng tính Exel trên đó đã thiết lập sẵn các thông số về số lượng mẫu, trọng số của tiêu chuẩn, điểm qui định cho mỗi tiêu chuẩn…Các đánh giá viên sẽ chỉ phải nhập số liệu đánh giá thực tế (như số lượng đạt tiêu chuẩn, số lượng không đạt tiêu chuẩn…) chương trình sẽ tự động tính toán số điểm cho mỗi tiêu chuẩn cũng như tổng số điểm cho toàn bộ đợt đánh giá.

4. Về hệ thống các tiêu chuẩn:

Các tiêu chuẩn đánh giá sẽ đề cập đến các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu, quan trọng tại đơn vị để sau khi đánh giá, các kết quả đưa ra sẽ phản ánh chính xác thực trạng chất lượng nghiệp vụ tại đơn vị.

Qui trình khai thác nghiệp vụ đối mỗi dịch vụ đều có đặc thù riêng, tuy vậy về cơ bản có thể chia ra được thành các nhóm hoạt động hay các ấn phẩm, chứng từ chủ yếu cần đánh giá sau đây:

1. Nhận gửi, gồm: Phiếu gửi, Thủ tục nhận gửi

2. Khai thác đi, gồm: Gom bưu gửi, Chia chọn bưu gửi, Đóng chuyến thư đi

3. Vận chuyển

4. Khai thác đến, gồm: Giao nhận chuyến thư đến, Mở túi, gói thư

5. Phát, gồm: Công việc chuẩn bị phát của Bưu tá, Phát bưu gửi, Xử lý bưu gửi chưa hoặc không phát được, Bảo quản bưu gửi.

6. Kế toán, báo cáo, gồm: Kế toán sản lượng - doanh thu, Quản lý nộp tiền, Lưu trữ hồ sơ, Báo cáo.

7. Nhóm hoạt động khác, gồm:

- Nhập dữ liệu (đối với các đơn vị đã có ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác nghiệp vụ bưu chính): Nhập các dữ liệu hoạt động vào các chương trình tin học ứng dụng, Truyền nhận dữ liệu.

-  Xuất trình thủ tục hải quan.

-  Xử lý các trường hợp bất thường.

-  Giải quyết khiếu nại.

Trên cơ sở đó, các tiêu chuẩn đánh giá sẽ được xây dựng cho từng khâu, từng nhóm hoạt động. Tuy nhiên, do hệ thống tiêu chuẩn được xây dựng nhằm đánh giá nghiệp vụ bưu chính trong nội bộ một bưu cục, nên nhóm nghiên cứu không đề xuất tiêu chuẩn của khâu vận chuyển.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quản lý chất lượng toàn diện - con đường cải tiến thành công, NXB Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, 2006;

[2]. Đánh giá chất lượng - qui trình thực hiện như thế nào?, NXB Trẻ, 2003;

Quan họ Bắc Ninh – Quá trình hình thành bộ tem

1. Mục đích ý nghĩa của bộ tem

Quan họ Bắc Ninh là lễ hội hát giao duyên của trai thanh gái lịch, một tục lệ ca hát tao nhã và đầy ý vị về tình yêu nam nữ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc. Loại hình dân ca này chủ yếu phát triển ở vùng ven sông Cầu.

Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi bài quan họ lại có một giai điệu riêng. Đến nay đã có đến hơn 300 bài quan họ đã được ký âm. Quan họ không chỉ là lối giao duyên giữa “liền anh” (bên nam) và “liền chị” (bên nữ) mà còn là hình thức trao đổi tình cảm giữa những người hát với khán giả. Quan họ truyền thống tồn tại ở 49 làng quan họ gốc xứ Kinh Bắc, đã lan nhanh ra nhiều nơi trong nước và đã đến cả với khán giả nước ngoài.

Tại cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO bảo vệ văn hóa phi vật thể diễn ra từ ngày 28/9 đến 2/10/2009, quan họ đã được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại sau “Nhã nhạc cung đình Huế”, “không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” và cùng một đợt với “ca trù”.

Chính vì ý nghĩa đó nên quan họ Bắc Ninh đã được đưa vào chương trình phát hành tem bưu chính Việt Nam năm 2011 trong mục văn hóa xã hội thuộc loại tem chuyên đề với 3 mẫu và 1 bloc. Bộ tem đã được chính thức phát hành vào ngày 3/1/2011 và đã được mọi người vui mừng đón nhận. Bộ tem đã được thực hiện theo đúng quy định hiện hành, chất lượng các mẫu thiết kế tốt, mạng đậm truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc Việt. Bộ tem được đánh giá cao cả về chủ đề và thiết kế.

2. Tổ chức thực hiện

Để có được bộ tem ưng ý, ngay từ đầu chúng tôi đã xin ý kiến của Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch, Hội Tem Việt Nam, các Hội Tem địa phương, Ủy ban UNESCO Việt Nam... Sau đó tổ chức hội thảo giữa những người làm tem gồm Công ty Tem, các họa sỹ vẽ tem cùng với các cơ quan quản lý gồm Ban Tem thuộc Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, Vụ Bưu chính – Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chúng tôi cũng mời đại diện Ủy ban Khoa học và Xã hội, đại diễn Viện Sử học, đại diện Hội Khoa học Lịch sử Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan...

Để việc thiết kế tem được tốt chúng tôi đã tổ chức một nhóm đi khảo sát thực tế đến dự hội quan họ Bắc Ninh. Nhóm này gồm lãnh đạo Công ty Tem, Ban Tem thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost), Vụ Bưu chính – Bộ TT&TT, các họa sỹ được mời tham gia vẽ tem. Nhóm khảo sát thực tế còn bao gồm các cơ quan nghiệp vụ tỉnh Bắc Ninh là Bưu điện tỉnh, Hội Tem tỉnh và Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Bắc Ninh.

Thực hiện việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa khâu thiết kế tem, Công ty Tem đã mời ba họa sỹ là Đỗ Lệnh Tuấn, Nguyễn Du và Hoàng Thị Thúy Liệu, mỗi họa sỹ sẽ thiết kế hai phương án. Sau khi giao thiết kế cụ thể, có yêu cầu chi tiết về việc sử dụng tư liệu và ấn định thời gian cụ thể để các họa sỹ nộp các mẫu thiết kế. Các mẫu này phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật được nêu trong Quy hoạch 16/2005/QĐ-BBCVT ngày 29/4/2005.

Sau khi các họa sỹ đã hoàn thành, Công ty Tem đã thành lập Hội đồng cấp Công ty bới sự tham gia của các nhà chuyên môn liên quan đến nội dung đề tài cùng với các Ban chức năng của Tổng Công ty Bưu chính, Hội tem Việt Nam để xem xét góp ý cho các mẫu thiết kế. Các mẫu trong bộ tem này cần có đầy đủ tên: “Quan họ Bắc Ninh (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại)”. Các họa sỹ đã trình bày ý tưởng thiết kế và có ảnh tư liệu minh họa kèm theo. Tại buổi họp, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cả về nội dung và hình thức thể hiện để từng mẫu tem đều có hình và nền tươi tắn chân thực, không gian lễ hội và cảnh sắc mang đậm tính văn hóa và đặc trưng của vùng quan họ Bắc Ninh. Công ty Tem giao cho phòng Tổng hợp thảm định các mẫu thiết kế đảm bảo đúng yêu cầu chỉ tiêu kỹ thuật về khuôn khổ tem, kích thước, kiểu dáng chữ, kích thước chữ thể hiện trên các mẫu tem...

Ngày 25/8/2010, Công ty Tem đã có văn bản thông báo kết luận của Giám đốc Công ty tại cuộc họp xem xét các mẫu thiết kế tem. Sau đó các họa sỹ đã chỉnh sửa theo yêu cầu nêu trong văn bản, Công ty đã tập hợp hồ sơ trình lên Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam. Tổng công ty xem xét và thẩm định các mẫu tem đã thiết kế và tập hợp đầy đủ hồ sơ trình Bộ TT&TT.

3. Trình duyệt và hoàn thiện mẫu thiết kế

Ngày 24/11/2010, Hội đồng tư vấn quốc gia về tem bưu chính đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng – Chủ tịch Hội đồng để tham gia đóng góp ý kiến và lựa chọn các mẫu tem năm 2011, trong đó có bộ tem Quan họ Bắc Ninh.

Hội đồng tư vấn tem Bưu chính quốc gia bao gồm các thành phần là lãnh đạo Bộ TT&TT, các đơn vị chức năng của Tổng công ty và của Bộ TT&TT, các nhà chuyên môn có liên quan đến đề tài này đã tích cực làm việc. Sau khi nghe Tổ giúp việc Hội đồng giới thiệu ý tưởng sáng tác, thuyết minh nội dung thể hiện trên các mẫu thiết kế, đề xuất ý kiến thẩm định sơ bộ và ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã kết luận và có ý kiến chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện và trình các mẫu thiết kế đúng thời gian quy định.

Các mẫu thiết kế được chọn lọc trao lại cho các họa sỹ Công ty Tem thực hiện chỉnh sửa và lập hồ sơ thiết kế mẫu hoàn thiện trình duyệt chính thức lên Tổng Công ty Bưu chính và lên Vụ Bưu chính – Bộ TT&TT. Lãnh đạo Bộ ký duyệt chính thức và ban hành Quyết định cho phép in bộ tem này. Công ty Tem đã tiếp nhận và thực hiện các thủ tục sao lưu trên máy vi tính và đưa vào hồ sơ lưu của Công ty rồi gửi một bộ hồ sơ vào Công ty In Tem Bưu điện. Căn cứ vào Quyết định in của bộ, Tổng công ty xem xét nhu cầu tem cước phí trên mạng lưới, nhu cầu tem chơi, tem lưu trữ, tem nghiệp vụ... ban hành quyết định về sản lượng in. Sau khi nhận được các mẫu tem đã in ra, Công ty thực hiện việc kiểm tra chi tiết từng mẫu rồi làm thủ tục đề nghị phát hành. Văn bản Quyết định phát hành của Bộ TT&TT được gửi tới Tổng công ty và tất cả các Bưu điện tỉnh, thành phố, Công ty Te và các cơ quan truyền thông để giới tiệu rộng rãi hình ảnh bộ tem tới đông đảo nhân dân cả nước đúng vào dịp năm mới đang tới gần./.

Nguyễn Ngọc Vỹ

Giám đốc Công ty Tem

Nguồn: Tạp chí Tem

Bưu chính marketing - Cơ hội mới cho doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát tại Việt Nam

ThS. Trần Thị Thập

 Tại Mỹ hơn 12,4 tỷ bản sao của hơn 8.500 catalog khác nhau được gửi tới khách hàng mỗi năm. Marketing bằng thư trực tiếp hay marketing bằng catalog (thường được gọi chung là bưu chính marketing) là một hoạt động kinh doanh rất lớn có doanh số đạt tới hàng chục tỷ USD. Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ 20, hơn 45% người Mỹ khi được hỏi đã cho biết họ "đã từng mua một thứ gì đó" qua thư trực tiếp.

Tại Hàn Quốc, tính đến 31/12/2000, đã có 6.232 công ty ứng dụng marketing trực tiếp. Doanh thu từ hoạt động marketing bằng thư trực tiếp trên thị trường này đạt tới 673 triệu USD từ bán hàng qua catalog.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu mới đây cho thấy có đến 68,08% doanh nghiệp (DN) có sử dụng tờ rơi, catalog với cơ chế thu thập thông tin hoặc đơn đặt hàng, trong đó có 38,65% DN luôn sử dụng hình thức này.

Tìm hiểu về Bưu chính marketing

Bưu chính marketing là hình thức truyền thông mà DN tìm cách tiếp cận với khách hàng mục tiêu đã xác định bằng việc gửi qua đường bưu chính thư chào hàng, tờ quảng cáo, tờ gấp, catalog hay các hình thức chào hàng khác với hy vọng nhận được những phản ứng trở lại.

Bưu chính marketing - một trong những công cụ marketing trực tiếp hiệu quả

Marketing, một trong những triết lý đã và đang được các DN sử dụng làm kim chỉ nam cho hoạt động kinh doanh của mình. Cùng với sự phát  triển của kinh tế thị trường, cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt và marketing cũng được phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Một trong những hướng phát triển của marketing chính là marketing trực tiếp1.

Theo  Hiệp  hội  marketing trực tiếp  Mỹ (Direct  Marketing Association) thì “Marketing  trực tiếp  là  một  hệ  thống truyền  thông marketing hoạt động thường xuyên có sự tương tác của một số các phương tiện quảng cáo và truyền thông nhằm tạo ra các phản ứng trao đổi hoặc giao dịch (có thể đo lường) tích cực từ phía khách hàng mà ít chịu giới hạn bởi không gian và thời gian”.

Marketing trực  tiếp  ngày càng trở nên phổ biến bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, marketing trực tiếp có thế mạnh hơn hẳn so với marketing truyền thống ở khả năng nhằm đúng vào mục tiêu. Mọi nguồn lực cho marketing trực tiếp đều được tập trung hướng tới các khách hàng tiềm năng có mong muốn và khả năng mua sản phẩm, do vậy doanh nghiệp đạt được hiệu quả truyền thông cao với chi phí thấp.

Thứ hai, các thông điệp truyền thông trong marketing trực tiếp đảm bảo có thể chỉ rõ tên người nhận. Với các bức thư ghi rõ tên, địa chỉ người nhận, marketing trực tiếp có thể tiếp cận với khách hàng một cách cá nhân và thông qua đó, DN tạo cho khách hàng có cảm giác nhận sự quan tâm như thể họ là người đặc biệt với DN.

Thứ ba, thông điệp marketing trực tiếp có tỷ lệ người đọc cao vì nó chỉ đưa thông tin đến những khách hàng có mối quan tâm. Ví dụ thông qua danh sách trẻ em ở một trường tiểu học, các trung tâm dạy học anh ngữ quốc tế có thể gửi đến gia đình các em nhỏ những lời chào mời về dịch vụ.

Thứ tư, với marketing trực tiếp chỉ có đối tượng mục tiêu mới nhận được thông điệp truyền thông, các đối thủ cạnh tranh khó có thể nhận ra được chiến lược nào mà một DN đang áp dụng với khách hàng của họ. Do vậy, marketing trực tiếp thường được coi như hình thức marketing có khả năng “tàng hình” trước đối thủ.

Thứ năm, marketing trực tiếp cho phép đo lường được phản ứng của khách hàng mục tiêu, đây có thể coi là ưu điểm lớn nhất của marketing trực tiếp. Thông qua phản ứng của khách hàng mục tiêu, DN có thể biết chắc chương trình nào thành công, chương trình nào thất bại, biết được chương trình đó sinh lợi hay không.

Có 4 công cụ marketing trực tiếp đó là:

1. Bưu chính marketing;

2. Telemarketing (còn gọi là marketing qua điện thoại/fax);

3. Marketing trực tiếp trên truyền hình, truyền thanh, tạp chí và báo;

4. Internet marketing;

Trong 4 công cụ nêu trên thì Bưu chính marketing là một trong những công cụ được đánh giá là phù hợp và có tiềm năng phát triển ở mức cao trong thời điểm này tại Việt Nam. Một số căn cứ được đưa ra như sau:

(i) Trong 4 công cụ marketing trực tiếp thì Bưu chính marketing phù hợp với số đông khách hàng đặc biệt là đối với khách hàng là người tiêu dùng cuối cùng. Không phải khách hàng nào cũng có đủ khả năng về tài chính và thời gian với các thiết bị như điện thoại, fax, truyền hình, máy tính để có thể nhận các thông điệp marketing qua điện thoại, fax…

(ii) Chi phí cho bưu chính marketing thường khá thấp do các thông điệp của DN thường được gửi tới khách hàng bằng hình thức thư bưu chính với giá cước hợp lý và phạm vi rộng.

(iii) Bưu chính marketing là công cụ có khả năng thực hiện dễ dàng vì các khách hàng bao giờ cũng sở hữu một địa chỉ bưu chính cụ thể, còn các thông tin như số điện thoại, fax, địa chỉ e-mail sẽ có thể có, có thể không.

(iv) Địa chỉ bưu chính của khách hàng mục tiêu gắn kết chặt chẽ với thiết kế kênh phân phối theo khu vực địa lý của DN, điều đó cho phép DN tổ chức những chương trình truyền thông khác nhau trên từng khu vực khác nhau tùy từng mức độ cạnh tranh tại khu vực đó.

Minh họa 1: Mức độ ứng dụng bưu chính marketing của các DN tại Việt Nam

Các đáp ứng của doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát

Phát triển marketing trực tiếp mà cụ thể là bưu chính marketing là cơ hội lớn cho các DN bưu chính, chuyển phát (sau đây gọi tắt là DN bưu chính) ở Việt Nam. Theo logic thông thường thì xu hướng phát triển các DN ứng dụng bưu chính marketing sẽ mang lại sản lượng thư bưu chính dồi dào. Tuy vậy để tạo thế chủ động, tiên phong và khai thác tốt cơ hội thị trường, các DN bưu chính cần phải có những đáp ứng phù hợp và nhạy bén. Những ý tưởng về các đáp ứng này đều xuất phát từ  việc hiểu biết rõ quy trình ứng dụng bưu chính marketing tại một DN (Hình 1).

Hình 1. Qui trình ứng dụng bưu chính marketing tại một DN

Các DN bưu chính có thể tác động đến qui trình này dưới các hình thức dưới đây:

Nâng cao nhận thức của các DN về lợi ích của bưu chính marketing

Những cuộc hội thảo, gặp gỡ cấp DN giới thiệu về bưu chính marketing cần được tổ chức. Những điển hình ứng dụng bưu chính marketing thành công trong kinh doanh cần được thông tin đến các doanh nghiệp khác (tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu cụ thể về mức tăng doanh số bán sau mỗi chương trình bưu chính marketing được thực hiện nhưng khi được hỏi thì đại diện siêu thị Big C, Metro Thăng long và một số doanh nghiệp khác đều khẳng định rằng doanh số bán đã tăng lên rõ rệt sau mỗi đợt phát tờ rơi, catalog đến các hộ gia đình).

Hỗ trợ các doanh nghiệp xác định khách hàng mục tiêu

Đối với các chương trình marketing với khách hàng hiện có, các DN có thể đưa ra danh sách khách hàng cùng địa chỉ bưu chính một cách dễ dàng thông qua các hóa đơn bán hàng còn lưu giữ. Tuy nhiên đối với các khách hàng tiềm năng thì cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức chuyên cung ứng dữ liệu khách hàng trong đó có các DN bưu chính, chuyển phát. Tại Trung Quốc, bưu điện có thể cung cấp một danh sách người nhận thư với địa chỉ rõ ràng, chính xác mà muốn có được danh sách đó thì các DN phải có mối quan hệ đối tác thân thiết với bưu điện Trung Quốc.

Tại Việt Nam, khi các DN bưu chính, chuyển phát nhận thức được giá trị của dữ liệu khách hàng và tận dụng cơ hội để có nó sau đó cung ứng cho DN khác cần cũng đồng nghĩa với việc đã tạo ra lợi thế so sánh vượt trội trên thị trường. DN bưu chính hiện đã có trong tay danh sách địa chỉ của toàn bộ khách hàng nhưng danh sách đó là quá dài và vô nghĩa. Trong hoạt động kinh doanh của mình, DN bưu chính có thể chia nhỏ danh sách này thành những tập khách hàng với những đặc điểm khác nhau để từ đó giới thiệu danh sách phù hợp với từng sản phẩm, dịch vụ mà DN khác muốn giới thiệu. Điều này liên quan đến khái niệm bán hàng chéo (cross - sell) và bán hàng nâng cấp (up - sell). Ví dụ: các chương trình giới thiệu phân đạm, thuốc trừ sâu sẽ được gửi đến khách hàng mục tiêu là những người có tên trong danh sách đặt báo Nông nghiệp Việt Nam của DN bưu chính. Tương tự như vậy, các khách hàng mục tiêu của DN A chuyên kinh doanh sản phẩm thời trang nữ cao cấp cũng có thể nhận được các lời chào mời về dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp của Trung tâm thẩm mỹ B. DN bưu chính thông qua hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển phát với DN A sẽ có danh sách của những khách hàng này để chuyển giao cho Trung tâm thẩm mỹ B.

Hỗ trợ các DN thiết kế, tổ chức thực hiện và đánh giá chương trình bưu chính marketing

Điệu kiện tiên quyết để thực hiện các hoạt động này là đội ngũ marketing của DN bưu chính phải giỏi để có thể tư vấn, thiết kế một chương trình marketing hiệu quả cho các DN khác. Một chương trình marketing đầy đủ cần phải có các tham số về khách hàng mục tiêu (số lượng và đặc tính khách hàng); kết quả kỳ vọng của chương trình; hình thức tổ chức, thời gian thực hiện; dự kiến ngân sách và phương pháp đánh giá hiệu quả của chương trình. Trong chương trình marketing đã thiết kế nhất thiết phải có bản chào của doanh nghiệp bưu chính trong khâu tổ chức thực hiện.

Với lợi thế về mạng lưới chuyển phát rộng khắp, sở hữu dữ liệu khách hàng, khả năng thiết kế và in ấn tờ rơi, catalog bằng dây chuyền Datapost hiện đại, doanh nghiệp bưu chính tạo ra thật nhiều giá trị cho khách hàng của mình (là các DN muốn giới thiệu sản phẩm, hàng hóa). Các DN khác sẽ nhận thấy sự hấp dẫn, cần thiết thực hiện các chương trình bưu chính marketing, sự tiện lợi của việc thuê doanh nghiệp bưu chính thực hiện (outsourcing) và họ chỉ cần chi ngân sách ra là đủ.

Minh họa 2: Những điều kiện để khách hàng phản ứng tích cực với bưu chính marketing

 [1] Để diễn đạt marketing trực tiếp, người ta dùng các thuật ngữ: Marketing trực tiếp -Direct Marketing hay Marketing one to one; khi dịch sang tiếng Việt Nam, một số dịch giả sử dụng từ Tiếp thị trực tiếp.

 Tài liệu tham khảo:

[1]. Phạm Thị Huyền, Marketing trực tiếp và việc ứng dụng vào Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế quốc dân, 2009.

[2]. Website: http://www.massogroup.com.

Hệ thống kinh tế của dịch vụ nội dung di động 3G

ThS. Nguyễn Anh Thư

Dịch vụ thoại đã trở nên bão hòa ở hầu hết các thị trường viễn thông trên thế giới. Do đó, dịch vụ nội dung được tất cả các nhà khai thác mạng di động (Telcos) coi là “cứu cánh” nhằm kéo lại doanh thu bình quân trên một thuê bao (ARPU). Dịch vụ nội dung đã được cung cấp trên nền công nghệ 2,5G nhưng bị hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Chỉ từ công nghệ 3G trở lên thì mới mở ra tiềm năng phát triển rộng lớn của dịch vụ nội dung di động (DVNDDĐ) nhờ khả năng truyền tải dữ liệu tốc độ cao.

Để có những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ nội dung 3G thì cần hiểu rõ sự vận hành trong hệ thống kinh tế của nó.       

I. Khái niệm, đặc điểm dịch vụ nội dung di động

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật - công nghệ trong lĩnh vực thông tin liên lạc, sự hội tụ giữa các lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin – internet – truyền hình - ... đã góp phần làm cho các dịch vụ viễn thông ngày càng trở nên phong phú. Chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) không còn chỉ đóng vai trò là một phương tiện liên lạc đơn thuần, với ưu điểm về tính di động, mà ngày càng được trang bị nhiều tính năng mới, giúp cung cấp những dịch vụ đa dạng, thú vị, tiện ích đáp ứng những mong mỏi của người sử dụng (NSD) như truy cập Internet, chat, tìm kiếm, tải – chia sẻ dữ liệu,.... Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra một vấn đề là phải xác định rõ các dịch vụ nội dung trong số vô vàn dịch vụ di động đang được cung cấp, từ đó làm rõ hệ thống kinh tế của nó.  

1. Khái niệm

Qua tìm hiểu cho thấy, trong văn bản phân loại dịch vụ viễn thông của Việt Nam (Nghị định 160/NĐ – CP ngày 03/09/2004 ”Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông”) chưa đề cập đến khái niệm DVNDDĐ, mà chỉ đề cập đến dịch vụ giá trị gia tăng (DV GTGT).

Theo Wikipdia thì nội dung di động được hiểu là bất kỳ dạng truyền thông (media), dữ liệu (data) nào được xem hoặc sử dụng trên ĐTDĐ như nhạc chuông, hình ảnh, trò chơi điện tử, phim,…

Với cách xác định như trên thì dịch vụ DVNDDĐ là việc sử dụng một  phương thức nhất định để có thể truyền tải những nội dung được chuẩn bị sẵn tới NSD ĐTDĐ thông qua mạng ĐTDĐ, nhằm mục tiêu thương mại (thu được lợi nhuận hoặc một loại lợi ích kinh tế nào đó, như mục tiêu quảng bá thương hiệu thông qua quảng cáo,...).

2. Đặc điểm của DVNDDĐ

Đặc điểm của DVNDDĐ có thể được làm rõ thông qua việc so sánh DVNDDĐ với các dịch vụ viễn thông khác, bao gồm:

So với dịch vụ viễn thông cơ bản

Sự khác biệt giữa DVNDDĐ và dịch vụ viễn thông cơ bản như thoại, fax,...là về mục tiêu và đối tượng tham gia quá trình truyền đưa thông tin. Cụ thể:

- Đối với các dịch vụ viễn thông cơ bản..., người tham gia vào quá trình truyền đưa thông tin đều là các cá nhân, những NSD ĐTDĐ. Mục tiêu truyền đưa thông tin chỉ là trao đổi tin tức.

- Đối với DVNDDĐ, một bên là NSD ĐTDĐ còn bên kia là nhà cung cấp nội dung. Mục tiêu của việc cung cấp nội dung là mục tiêu lợi nhuận, cung cấp nội dung để thu phí. Thông thường, NSD ĐTDĐ phải thực hiện thanh toán dưới một hình thức nào đó để được phép xem hoặc tải về những nội dung đó. 

So với các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên mạng di động:

Khi truy cập trang web của các Telcos ở Việt Nam thì thấy các dịch vụ phi thoại đều được xếp vào nhóm dịch vụ giá trị gia tăng (DV GTGT). Tuy nhiên, có 2 điểm tạo nên sự khác biệt để xác định đâu là DVNDDĐ trong nhóm DV GTGT trên di động:

- Thứ nhất, nội dung phải được chuẩn bị, lưu trữ sẵn với mục tiêu đáp ứng một nhu cầu cụ thể nào đó của NSD di động về loại thông tin (nội dung) đó: Nhà cung cấp dịch vụ nội dung phải tạo ra một cơ sở dữ liệu (nội dung) để cung cấp cho thuê bao di động có nhu cầu sử dụng dịch vụ nội dung ở bất kỳ thời điểm nào mà họ có nhu cầu.

- Thứ hai, phải có người sở hữu nội dung đó như nhà soạn nhạc, hãng phim, hãng ghi âm, nhà sản xuất game,...

Với hai điểm nói trên, có thể xác định được đâu là dịch vụ nội dung trong số các DV GTGT khác trên ĐTDĐ. Ví dụ: dịch vụ nội dung là tải nhạc chuông, nhạc chờ, hình nền, tin tức,... còn dịch vụ GTGT là chat, chia sẻ dữ liệu, báo cuộc gọi nhỡ, lưu trữ danh bạ,...

So với các dịch vụ dữ liệu

DVNDDĐ là một bộ phận của dịch vụ dữ liệu trên mạng di động. Tuy nhiên, cũng căn cứ vào mục tiêu, đối tượng tham gia vào quá trình truyền đưa tin tức để phân biệt DVNDDĐ với dịch vụ dữ liệu.

- Nếu là quá trình trao đổi dữ liệu giữa hai NSD ĐTDĐ thì đó là dịch vụ dữ liệu nói chung, ví dụ dịch vụ SMS, MMS, chia sẻ video…

- Ngược lại, nếu NSD ĐTDĐ gửi yêu cầu về một nội dung cụ thể đến nhà cung cấp nội dung và nội dung được truyền đi trên mạng di động dưới dạng nội dung số (dữ liệu số) đến cho NSD và người sử dụng phải trả tiền thì đó mới là dịch vụ nội dung. 

Đối với việc xác định đặc điểm, nhằm xác định đâu là DVNDDĐ giữa một danh mục dịch vụ di động, có một số điểm cần chú ý khác là:

- NSD ĐTDĐ có thể có được nội dung như video clip, bản nhạc, tin tức,... để lưu trữ, sử dụng trên ĐTDĐ bằng nhiều cách thức khác nhau như tải từ internet xuống PC và copy vào ĐTDĐ thông qua thẻ nhớ, thông qua trao đổi bằng bluetooth giữa 2 ĐTDĐ,...Tuy nhiên, chỉ khi NSD gửi yêu cầu và nhận được nội dung đó thông qua mạng ĐTDĐ thì mới được coi là sử dụng DVNDDĐ.

- Cùng là thu thập được nội dung nhưng nhắn tin để nhận được thông tin (giá cả thị trường, kết quả xổ số, ...) thì là DVNDDĐ; nhưng cũng nội dung đó nếu được thu thập bằng công cụ tìm kiếm như Google Search hay OneSearch (Yahoo) thì lại không phải dịch vụ nội dung, mà bản thân nó là một DV GTGT độc lập, dịch vụ tìm kiếm. Điểm khác biệt chính là đối với dịch vụ nội dung, nội dung mà người sử dụng ĐTDĐ có được phải có người sở hữu, và NSD ĐTDĐ muốn có được thì phải trả tiền. Do đó, khi kết quả tìm kiếm là nội dung phù hợp với yêu cầu, mong muốn nhưng yêu cầu phải trả tiền để được quyền sử dụng và NSD ĐTDĐ chấp nhận thì khi đó, thuê bao di động đã sử dụng DVNDDĐ.

- Tuy nhiên, đôi khi, có thể tiếp cận dịch vụ nội dung dưới hình thức miễn phí hoặc thu phí tượng trưng. Mô hình kinh doanh của loại dịch vụ nội dung này là thu lợi nhờ quảng cáo: những người sở hữu/cung cấp dịch vụ nội dung cung cấp nội dung với mục đích thu hút càng nhiều người xem nội dung của mình càng tốt, sức thu hút của các trang cung cấp thông tin càng cao thì phí đặt các banner quảng cáo online càng cao hoặc thu phí dựa theo lượng người truy cập những nội dung quảng cáo đi kèm. Điển hình của cách thức hoạt động này là Google, Yahoo,...và những trang web chuyên cung cấp tin tức, bao gồm cả thông tin và giải trí như ngoisao.net, vnexpress,... Như vậy, đây cũng là dịch vụ nội dung, dù NSD không phải trả tiền cho nội dung sử dụng: dịch vụ nội dung được tài trợ bởi quảng cáo.

II. Các nhóm dịch vụ nội dung di động 3G

1. Phân loại DVNDDĐ

a. Phân loại theo giá trị nội dung đối với NSD

Với tiêu chí nói trên, có thể chia dịch vụ nội dung thành các nhóm chính sau  [3]:

- Dịch vụ nội dung liên quan đến lĩnh vực giải trí (entertainment): Nhóm DVNDDĐ này có thể được chia thành các nhóm như sau:

+ Tương tác (interactive): việc sử dụng nội dung có sự tương tác giữa các thiết bị của NSD như trong mobile games hay giải ô chữ (puzzles).

+ Có sự tham gia của NSD ĐTDĐ (Participatory): như bình chọn qua SMS (SMS voting), trả lời (comments) và điều tra, khảo sát (surveys) hoặc chia sẻ tệp (file sharing).

+ Cá nhân hoá (Personalization): việc sử dụng nội dung bộc lộ cá tính của NSD như nhạc chuông, logo, hình nền, biểu tượng,...

+ Tiêu dùng một cách thụ động (passive consumption): liên quan đến việc sử dụng các nội dung giải trí từ các phương tiện truyền thông đại chúng (conventional media) như nhạc, video clips, các chương trình tivi (mobile TV series),...

Việc truy cập phần lớn các nội dung nói trên được thanh toán hình thức trả theo từng lần tải (pay – per–download), cách thức tiếp cận nội dung có thể là dạng đẩy hoặc kéo.

- Dịch vụ nội dung liên quan đến thông tin (information): nội dung liên quan đến các thông tin đại chúng (public information) và các tin tức mới (news reporting), thường là tin tức trên báo chí, phát thanh và các bản tin trên tivi hoặc các chương trình giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới,....

NSD ĐTDĐ có thể tiếp cận các nội dung này theo hai cách:

+ Đẩy (Push): thông tin được cập nhật liên tục, định kỳ; bao gồm cả dịch vụ cung cấp tin tức độc lập như điểm tin, tin mới, tin nóng hàng ngày cũng như các tin tức ”không độc lập” như thu thập tin từ các báo chí, đài phát thanh, truyền hình.

+ Kéo (Pull): được cung cấp theo yêu cầu cụ thể của NSD tại những thời điểm khác nhau. Nội dung thông tin liên quan đến thông tin tìm kiếm như thời tiết, tình hình giao thông, tin tài chính, điểm sách hay phim ảnh, kịch, tin tức trên báo chí,...

Dịch vụ nội dung về thông tin trên ĐTDĐ được cung cấp dưới các dạng như tiêu đề (headlines) bằng SMS và MMS, thông báo tin tức (news alerts), tin ảnh (photo news), điểm tin dạng thoại (voice news reports), tải các video clips và audio.

- Dịch vụ nội dung liên quan đến marketing và quảng cáo (marketing and advertising): Thực chất, dịch vụ này cũng nhằm truyền tải thông tin đến NSD. Tuy nhiên, do mục tiêu đặc thù trong việc cung cấp thông tin (nội dung), nên tách thành nhóm riêng. Các nội dung liên quan đến thương mại được truyền tải tới NSD ĐTDĐ thông qua hai cách tương tự như đối với nội dung liên quan đến thông tin. Cụ thể:

+ Khi các nội dung quảng cáo được đưa đến NSD ĐTDĐ theo yêu cầu của các nhà tiếp thị thì đó là nội dung dạng Đẩy (Push): Quảng cáo được sản xuất dành cho ĐTDĐ như quảng cáo qua SMS hoặc MMS, các thông tin thương mại địa phương (location–aware commercial information,...) và các thông tin về các cuộc thi, khuyến mại,...

+ Ngược lại, có khi vẫn là nội dung quảng cáo nhưng do NSD ĐTDĐ có nhu cầu đặc biệt về loại thông tin đó (như chương trình khuyến mại của siêu thị, của một loại sản phẩm đặc thù nào đó,...) và có yêu cầu cung cấp thông tin đó thì đó là nội dung dạng Kéo (Pull): cung cấp nội dung theo yêu cầu như thông tin khuyến mại sản phẩm, dịch vụ (on–demand branded content promoting products or services) như về game, đố chữ, ...đặc biệt là tin tức liên quan đến những nhóm sản phẩm, dịch vụ (mobile media–related branding) như tin mới về dịch vụ, sản phẩm phần mềm và phần cứng,...hoặc một nhóm nhỏ cộng đồng người tiêu dùng quan tâm tới một sản phẩm cụ thể như Ferarri, Barbie, Disney,...

Như vậy, mặc dù không phải trả phí, nhưng căn cứ vào đặc điểm của dịch vụ nội dung thì thấy: thông tin liên quan đến marketing và quảng cáo trên ĐTDĐ vẫn có người sở hữu nội dung (thông tin) và nội dung đó vẫn được chuẩn bị sẵn với mục đích cụ thể là để cung cấp cho NSD ĐTDĐ theo các cách thức khác nhau.

Để có được những thông tin quảng cáo, marketing đặc thù, đôi khi NSD cũng phải trả phí. Khi thông tin quảng cáo, khuyến mại được một CP thu thập, phân loại và cung cấp thì nó trở thành dịch vụ nội dung liên quan đến thông tin. Khi đó NSD nội dung sẽ phải trả phí để có được nội dung đó. Bên cạnh đó còn có các dịch vụ như e-learning, y tế điện tử,…

b. Phân loại DVNDDĐ theo công nghệ cung cấp dịch vụ

Với mức độ phát triển công nghệ khác nhau nên khả năng cung cấp dịch vụ nội dung cũng khác nhau. Thế hệ công nghệ càng hiện đại thì số loại DVNDDĐ có thể cung cấp càng phong phú. Với tiêu thức này, DVNDDĐ có thể chia thành các nhóm DVNDDĐ 2G/2,5G; DVNDDĐ 3G;… Các DVNDDĐ 3G sẽ được làm rõ ở phần dưới.

2. Các nhóm DVNDDĐ 3G

Trên cơ sở khái niệm, đặc điểm dịch vụ nội dung di động, bảng 1 sẽ giới thiệu các nhóm dịch vụ có khả năng cung cấp trên nền công nghệ 3G và xác định các DNNDDĐ trong đó.

Bảng 1: Bảng tổng hợp các dịch vụ di động được cung cấp trên nền công nghệ 3G

STT

Nhóm dịch vụ

Ghi chú

I

Dịch vụ thoại

 

1

Điện thoại truyền hình (Video call)

3G

2

Truyền tải đồng thời âm thanh, dữ liệu (Rich Voice)

3G

3

Dịch vụ điện thoại hội nghị thấy hình (video conferencing)

 

II

Dịch vụ gửi tin nhắn

 

1

SMS

Đã cung cấp trên 2,5G

2

Nhắn tin đa phương tiện (MMS)

3G

3

SMS và MMS theo nhóm

3G

4

Tin nhắn nhanh (Instant Messaging)

2,5G

III

Dịch vụ định vị LBS (Location based service):

 

1

Tìm kiếm vị trí

3G

2

Danh bạ nâng cao

DV nội dung (DVND)

3

Tìm kiếm gần nhất

DVND

4

Điều khiển ô tô

3G

5

Hỗ trợ khẩn cấp trên đường

3G

6

Dịch vụ theo dõi từ xa

3G

III

Nhóm dịch vụ nội dung thông tin, giải trí

 

1

Dịch vụ nội dung thông tin

2,5G/DVND

2

Tải nhạc chuông, nhạc chờ, hình nền

2,5G/DVND

3

Dịch vụ xem video trực tuyến (video streaming), xem theo yêu cầu (video on demand-VOD), tải về (video downloading), tải nhạc (full track music downloading) cho phép tải trọn vẹn bài hát

3G/DVND

4

Truyền hình di động (Mobile TV)

2,5G/DVND

5

Trò chơi di động (Mobile Game)

2,5G/DVND

6

Quảng cáo di động (Mobile Advertizing)

3G/DVND

IV

Nhóm dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử

 

 

Mobile banking, Mobile Payment

3G

V

Các dịch vụ hỗ trợ cá nhân

 

1

EMail

2,5G

2

Truyền tải dữ liệu trên thiết bị di động tốc độ cao 3G

3G

3

Sao lưu dự phòng dữ liệu

2,5G

4

Kết nối từ xa tới mạng Intranet (LAN)

3G

5

Fax to screen

3G

VI

Dịch vụ WAP/Truy cập internet trên điện thoại di động (Mobile internet)

2,5G

VII

Dịch vụ Tìm kiếm di động (Mobile Search):

2,5G

III. Hệ thống kinh tế của dịch vụ nội dung di động 3G

Việc cung cấp dịch vụ nội dung trên ĐTDĐ có sự tham gia của nhiều đối tác khác nhau. Việc phân loại các đối tác được căn cứ vào vai trò chức năng (functional role) mà họ thực hiện trong chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị theo chức năng đó được mô tả trong Hình 1.

 
   

Hình 1: Các vai trò chức năng trong chuỗi giá trị cung cấp DVNDDĐ

Chức năng 1: Sở hữu nội dung (Content Ownership)

Người thực hiện chức năng là Người sở hữu nội dung (Content owners/Content Originators): là cá nhân hoặc tổ chức có quyền sở hữu nội dung số. Nội dung số bao gồm nhiều dạng như nhạc, trò chơi điện tử, hình nền,… do đó, người sở hữu nội dung có thể là nhà soạn nhạc, nhà văn, nhà xuất bản, nhà sản xuất âm nhạc, các chuyên gia hoặc các nhà nghiên cứu. Người sở hữu nội dung có thể chính là người tạo ra nội dung hoặc không. Ví dụ: Walt Disney, Sony Music,…

Chức năng 2: Thiết kế/phát triển nội dung (Design/Development)

Người thực hiện chức năng này là Người thiết kế, phát triển nội dung (Content Design/Development): Thông thường những nội dung có sẵn cần được thiết kế lại để có thể sử dụng trên ĐTDĐ. Do màn hình nhỏ hơn nhiều, khả năng xử lý hình ảnh kém hơn nhiều so với một chiếc PC nên một game có thể chơi trên PC cần được thiết kế lại cho phù hợp với khả năng và đặc tính của một chiếc ĐTDĐ. Đó là chức năng của nhóm đối tượng này. Ví dụ: American Greetings Interactive, Gameloft, Moket,…

Chức năng 3: Thu thập, phân phối nội dung (Publishing/Aggregation)

Thực hiện chức năng này là Nhà thu thập, phân phối dịch vụ nội dung (Content Aggregator/Distributors, Publishers): Trong nhiều trường hợp, những người sở hữu nội dung cũng như người thiết kế, phát triển nội dung không muốn hoặc không có có các kênh đủ khả năng phân phối nội dung của họ tới nhà khai thác mạng, do đó cần có sự tham gia của bên thứ 3 là nhà phân phối nội dung. Nhà phân phối nội dung thực hiện một số công việc sau:

+ Thu thập nội dung từ nhiều nguồn khác nhau, thực hiện sắp xếp, phân loại nội dung.

+ Kiểm tra để đảm bảo là những nội dung đó có thể hoạt động trên mạng di động và các loại ĐTDĐ.

+ Định giá và phân phối và quảng bá nội dung tới nhà khai thác mạng di động và những nhà cung cấp dịch vụ nội dung khác.

+ Thực hiện việc thanh toán với nhà khai thác mạng và thanh toán lại cho người sở hữu nội dung. Ví dụ: một content aggregator có thể mua bản đồ số chi tiết của thành phố từ rất nhiều nhà xuất bản khác nhau, thu thập thông tin về tình hình giao thông trong thành phố; sau đó, thiết kế một bản đồ về tình hình tắc nghẽn giao thông trong thành phố và những tuyến đường thay thế. Tức là những nội dung gốc sau khi được xử lý trở thành một sản phẩm thương mại, thành dịch vụ nội dung được cung cấp trên mạng di động. Ví dụ: Qualcomm BREW, Gameloft, Handago,…

Chức năng 4: Lưu trữ, xử lý yêu cầu về nội dung (Provisioning and hosting)

Người thực hiện chức năng này là Người cung cấp các nền tảng kỹ thuật (Provisioning and hosting providers/Platform Vendors): Đây là bước mà nội dung được thực sự chuyển tới NSD. Platform services được hiểu là các thiết bị và phần mềm mà cho phép cung cấp các dịch vụ cụ thể trên mạng, ví dụ như SMS platform, MMS platform. Trên diện rộng, hệ thống thiết bị, phần mềm này tạo thành mạng cung cấp nội dung (mạng CDN). Người thực hiện chức năng này là Platform vendors. Người thực hiện chức năng này cần có quan hệ chặt chẽ với hệ thống tính cước, và trong một số trường hợp, họ thực hiện luôn chức năng tính cước. Ví dụ: Qualcomm BREW, Motricity,…

Chức năng 5: Marketing/cung cấp nội dung (marketing/delivery)

+ Nhà khai thác mạng di động/Nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông (Mobile network operators - MNOs): cung cấp phần mềm và phần cứng về mạng di động để cung cấp các dịch vụ thông tin liên lạc di động. Chất lượng quản lý mạng lưới được đánh giá thông qua chất lượng tín hiệu, mức độ thông suốt liên lạc, mất liên lạc,… Đối với việc cung cấp dịch vụ nội dung, nhà sở hữu mạng di động đóng vai trò thiết lập mạng, nội dung được truyền đi trên mạng lưới từ nhà cung cấp dịch vụ nội dung đến thuê bao di động có nhu cầu sử dụng dịch vụ.  

Ban đầu, nhà khai thác mạng di động là nguồn cung cấp các dịch vụ nội dung duy nhất cho khách hàng. Nói cách khác, việc cung cấp dịch vụ nội dung chịu sự kiểm soát, chi phối mạnh mẽ của MNO. Điều này đặc biệt mạnh ở Mỹ so với các khu vực khác. Mặc dù hiện nay có nhiều đối tượng khác đã tham gia vị trí này trong chuỗi giá trị thì nhà khai thác mạng di động vẫn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giúp người sử dụng biết về nội dung mới, sử dụng và thanh toán chi phí sử dụng nội dung.

Những đối tượng khác tham gia thực hiện chức năng này là:

+ Nhà sản xuất ĐTDĐ (Mobile handset manufacturers/Original Equiment Manufacturers (OEM): Các nhà sản xuất ĐTDĐ lớn ngày càng đóng vai trò tích cực trong việc phát triển các dòng sản phẩm ĐTDĐ giàu tính năng giúp thuê bao di động dễ dàng hơn trong việc sử dụng nội dung. Có thể kể đến các tên tuổi như Nokia với vô số dòng sản phẩm từ bình dân đến cao cấp, hay Apple với iPhone,…Các dòng điện thoại thường được cài đặt sẵn một số nội dung. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ĐTDĐ muốn đóng 1 vai trò tích cực hơn trong việc cung cấp dịch vụ nội dung như Nokia đã trình làng Ovi (cổng cung cấp dịch vụ nội dung), thông qua đó, nội dung được cung cấp trực tiếp tới khách hàng sử dụng dòng điện thoại doanh nhân của Nokia (N-series). Bên cạnh nội dung chủ yếu hiện nay là âm nhạc, nội dung do Ovi cung cấp sẽ mở rộng, bao gồm cả những nội dung miễn phí do được quảng cáo tài trợ. Nokia cũng đã giới thiệu Nokia Content Discoverer (NCD), được cài đặt sẵn trên ĐTDĐ và có chức năng như một catalog của những nội dung sẵn có.

+ Các nhà bán lẻ độc lập (Independent retailers):

Khi dịch vụ nội dung mới ra đời, việc cung cấp DVNDDĐ hoàn toàn chịu sự kiểm soát của các nhà khai thác và họ chịu trách nhiệm thực hiện tất cả các công việc phân phối, tính và thu cước.

Khi số lượng thuê bao di động sử dụng dịch vụ nội dung tăng lên, thị trường mở rộng thì những người sở hữu nội dung cũng như những nhà cung cấp nội dung bắt đầu cung cấp nội dung trực tiếp tới các thuê bao, không qua nhà khai thác. Cách thức cung cấp dịch vụ nội dung của các nhà bán lẻ độc lập được goi là off-portal hay off –deck hoặc off–carrier portal. Khái niệm này được hiểu là họ cung cấp nội dung trực tiếp tới NSD, không thông qua cổng của nhà khai thác mạng di động. Một cách thức cung cấp dịch vụ nội dung off–portal phổ biến là thông qua dịch vụ nhắn tin đầu số ngắn (short message service codes). NSD có thể xem quảng cáo về dịch vụ trên tivi,.. và gửi một SMS đến đầu số SMS trong quảng cáo và sẽ nhận được nội dung do nhà cung cấp dịch vụ off-portal gửi trả lại, với phí sử dụng nội dung thường được tính kèm vào hóa đơn của NSD. Như vậy, nhà khai thác vẫn liên quan tới quá trình thanh toán nhưng không thể kiểm soát chất lượng của nội dung được cung cấp. Ví dụ: Verizon “Get it now”, Orange Music Store, Nokia Ovi, Handago,…

Tại Việt Nam, các đối tượng thực hiện chức năng 5, cung cấp nội dung tới NSD cuối cùng (thuê bao di động) được gọi là nhà cung cấp dịch vụ nội dung (Content Providers - CP). Theo đó, có 3 nhóm CP chính là:

- Nhà khai thác mạng di động (MNOs/Telcos)

- Nhà sản xuất ĐTDĐ (OEMs)

- Các nhà bán lẻ độc lập (Independent retailers), trong nhiệm vụ này gọi là các nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP).

Để phân biệt giữa các đối tượng trên, mặc dù cùng thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ nội dung, nhưng hai nhóm đối tượng trên vẫn được gọi theo chức năng, hoạt động chính của mình.

Có thể thấy, việc phân loại các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp DVNDDĐ như trên cũng có tính chất tương đối, mỗi đối tượng có thể đóng nhiều hơn một vai trò trong chuỗi giá trị nói trên.

Trên đây là chuỗi giá trị tổng quát cung cấp DVNDDĐ, với các đối tượng tham gia được định danh theo chức năng chính (chức năng thường thực hiện). Tuy nhiên, trong thực tế, người ta thường sử dụng khái niệm CP và sub CP. Vậy những khái niệm này có liên quan hay tương ứng với những đối tượng nào trong chuỗi giá trị tổng quát nói trên?

Đứng từ góc độ Telco để giải quyết mối quan hệ với các đối tác, thì với các đối tác cung cấp nội dung có hai nhóm mối quan hệ sau:

- Thứ nhất, nội dung được cung cấp dưới thương hiệu của Telco. Telco thiết lập cổng cung cấp dịch vụ của mình và mua đứt nội dung về để cung cấp hoặc các đối tác muốn cung cấp dịch vụ nội dung trên cổng đó, dưới thương hiệu của Telco. Khi đó, Telco đóng vai trò là CP và các đối tác cung cấp nội dung chính là các sub CP. Các sub CP này có thể là nhà sở hữu nội dung, hay nhà thiết kế - phát triển nội dung hoặc nhà thu thập nội dung, thậm chí chính là các nhà cung cấp dịch vụ nội dung.

- Thứ hai, Telco thực hiện chức năng kiến tạo mạng di động, không thực hiện chức năng là CP, còn CP chính là các nhà bán lẻ độc lập. Khi đó CP lại có các sub CP. Cách thức cung cấp dịch vụ và hợp tác kinh doanh phổ biến là thông qua các đầu số ngắn, trên nền SMS.

Bài viết trên đây đã giới thiệu về hệ thống kinh tế cung cấp DVNDDĐ 3G, trong đó chỉ rõ các đối tác tham gia chuỗi giá trị. Có thể thấy, Telcos chỉ là một trong số nhiều thành phần trong hệ thống kinh tế nói trên. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển, tạo sự phong phú về dịch vụ nội dung trên mạng 3G, Telcos cần hợp tác với nhiều loại đối tác khác nhau, xây dựng những mô hình hợp tác kinh doanh phù hợp...

Tài liệu tham khảo

[1]. ThS. Nguyễn Anh Thư (2009), Nhiệm vụ KHCN “Xây dựng mô hình hợp tác kinh doanh một số dịch vụ nội dung chủ yếu trên nền công nghệ 3G đối với VNPT”, Mã số 05 - VKT - 2009 - TTBH

[2]. Strategy Analytics (2008), Understanding the Mobile Ecosystem, A White paper prepared for Adobe Systems Incorporated

[3]. Sangeetha Krishman (2008), Content Aggregation in the Web 2.0 World, November 22, 2008

[4]. Juan Miguel Aguado & Inmaculada J. Martínez, (Universidad de Murcia), Massmediatizing Mobile Phones: Content Development, Professional Convergence and Consumption Practices.

Bưu chính Việt Nam với nghĩa vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ bưu chính công ích

ThS. Trần Thị Thập

Giới thiệu:

Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Bưu chính Việt Nam – BCVN) được thành lập theo quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 01/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của BCVN bao gồm: 1/ Quản lý mạng bưu chính công cộng; 2/ Cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích (BCCI); 3/ Kinh doanh các dịch vụ bưu chính dành riêng; 4/ Kinh doanh các dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí, chuyển phát, tài chính, ngân hàng; 5/ Tham gia các hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính quốc tế và các dịch vụ khác; 6/ Hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông để cung cấp các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin; 7/ Tư vấn, nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bưu chính. Trong đó nhiệm vụ quản lý mạng bưu chính công cộng và cung ứng dịch vụ BCCI được đặt trọng tâm hàng đầu.

Đối với nhiệm vụ cung ứng dịch vụ BCCI, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 65/2008/QĐ-TTg ngày 22/05/2008, theo đó Nhà nước đặt hàng Bưu chính Việt Nam cung ứng các dịch vụ bưu chính phổ cập, các dịch vụ bưu chính bắt buộc, phát hành báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân, báo do Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuất bản và các nhiệm vụ công ích khác được Nhà nước giao.

Bên cạnh cơ chế đặc thù đảm bảo cung ứng dịch vụ BCCI như mức trợ cấp hàng năm của Chính phủ (giảm dần từ năm 2008, chấm dứt vào năm 2013) và qui định phạm vi dịch vụ dành riêng cho BCVN, Chính phủ cũng có những chế tài đảm bảo chất lượng các dịch vụ BCCI cung ứng cho người dân, cụ thể nhất là Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT ngày 12/11/2008 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích”.

Gánh vác trên vai nghĩa vụ to lớn nhưng cũng muôn vàn khó khăn, BCVN cần phải thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm đảm bảo nghĩa vụ đó, xứng đáng với sự tin tưởng từ phía Chính phủ và khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bưu chính, chuyển phát tại Việt Nam.

Tìm hiểu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ BCCI ban hành kèm theo Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT ngày 12/11/2008

Về kết cấu, qui chuẩn kỹ thuật được chia thành 5 phần, bao gồm: (1) Qui định chung. (2) Qui định kỹ thuật; (3) Qui định về quản lý; (4) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; (5) Tổ chức thực hiện. Tại phần 2 - Qui định kỹ thuật nêu rõ các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ BCCI, cụ thể là:

1. Khả năng sử dụng dịch vụ: Là tiêu chuẩn xác định mức độ tiếp cận dịch vụ của khách hàng. Chỉ tiêu qui định:

- Bán kính phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ (tính bình quân trên toàn quốc): tối đa 3 km;

- Số dân phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ (tình bình quân trên toàn quốc): tối đa 8.000 người­;

- Số điểm phục vụ trong một xã: tối thiểu 1 điểm phục vụ, tỷ lệ đạt chuẩn là 100% tổng số xã;

- Thời gian phục vụ các tại bưu cục giao dịch trung tâm tỉnh: tối thiểu 8 giờ/ngày làm việc,  tỷ lệ đạt chuẩn là 100% tổng số bưu cục;

- Thời gian phục vụ tại các điểm phục vụ khác: tối thiểu 4 giờ/ngày làm việc,  tỷ lệ đạt chuẩn là 100% tổng số điểm phục vụ.

2. Tần suất thu gom và phát: Là số lần mà BCVN tổ chức thu gom thư tại các điểm phục vụ và phát đến địa chỉ nhận trong một khoảng thời gian xác định. Chỉ tiêu qui định:

- Tần suất thu gom và phát: tối thiểu là 1 lần/ngày làm việc.

- Tại những vùng có điều kiện địa lý đặc biệt thì tần suất thu gom và phát tối thiểu là 1 lần/tuần. (Danh mục vùng có điều kiện địa lý đặc biệt áp dụng chỉ tiêu tần suất thu gom và phát tối thiểu 1 lần/tuần do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định).

3. Độ an toàn: Là mức độ thư hoặc báo được phát đến địa chỉ nhận trong tình trạng nguyên vẹn, không bị hư hại, rách nát hoặc mất mát. Thư hoặc báo được xác định là mất khi không được phát đến tay người nhận hoặc được phát đến tay người nhận sau J+30.                      

Chỉ tiêu qui định:

Tỷ lệ thư hoặc báo được chuyển phát an toàn: tối thiểu 97% tổng số thư hoặc báo.

4. Thời gian toàn trình đối với thư trong nước: Là khoảng thời gian tính từ khi thư gửi trong nước được nhận gửi cho tới khi được phát đến địa chỉ nhận. Chỉ tiêu qui định:

- Thời gian toàn trình đối với thư gửi nội tỉnh: tối đa J + 2, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số thư. (J + n : J là ngày nhận gửi; n là số ngày).

- Thời gian toàn trình đối với thư gửi liên tỉnh: tối đa J + 6, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số thư.

5. Thời gian xử lý trong nước đối với thư quốc tế: Là  khoảng thời gian thư đi quốc tế hoặc thư quốc tế đến được xử lý trong lãnh thổ Việt Nam. Chỉ tiêu qui định:

- Thời gian xử lý trong nước đối với thư đi quốc tế: tối đa J + 5, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số thư.

- Thời gian xử lý trong nước đối với thư quốc tế đến: tối đa 6 ngày, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số thư.

6. Thời gian phát hành báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, báo do Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xuất bản: Là khoảng thời gian kể từ khi cơ quan báo chí giao báo cho BCVN cho đến khi báo được phát tới Uỷ ban Nhân dân xã, Hội đồng Nhân dân xã. Chỉ tiêu qui định:

- Thời gian phát hành báo Nhân dân, báo do Đảng bộ các tỉnh xuất bản đến Uỷ ban Nhân dân xã, Hội đồng Nhân dân xã: tối đa là 24 giờ, tỷ lệ đạt chuẩn là 90% tổng số xã.

- Thời gian phát hành báo Quân đội Nhân dân đến Uỷ ban Nhân dân xã, Hội đồng Nhân dân xã: tối đa là 24 giờ, tỷ lệ đạt chuẩn là 70% tổng số xã.

Một số kết quả tổng hợp về chất lượng dịch vụ BCCI qua các đợt khảo sát

Tính đến tháng 12 năm 2008, BCVN có:

- 18.554 điểm có người phục vụ (bưu cục, đại lý bưu điện, kiot, điểm Bưu điện Văn hóa xã), 14.763 thùng thư công cộng;

- 659 bưu cục khai thác (quốc tế, liên tỉnh, cấp 2, cấp 3);

- 5.205 đường thư (quốc tế, cấp 1, cấp 2 và cấp 3);

- 11.292 tuyến phát (thành phố, thị xã, trị trấn và tuyến phát xã)

Theo tính toán thì mạng lưới của BCVN có qui mô lớn, mức độ che phủ rộng và đảm bảo khả năng sử dụng dịch vụ của người dân ở hai chỉ tiêu cơ bản về bán kính phục vụ bình quân (2,39 km/điểm so với 3 km/điểm) và số dân phục vụ bình quân (4.380 người/điểm so với 8.000 người/ điểm) theo qui định. Tuy nhiên đối với các chỉ tiêu khác thì qua kết quả khảo sát thí điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đối với một số tỉnh, thành cho thấy: Năm 2007 chỉ có 1/10 tỉnh đạt chỉ tiêu về độ an toàn; 2/9 tỉnh đạt chỉ tiêu thời gian toàn trình thư nội tỉnh. Năm 2009, chỉ tiêu thời gian toàn trình thư nội tỉnh trên địa bàn Hà Nội cũng chỉ đạt dưới mức qui định. Kết quả từ các cuộc khảo sát nói trên tuy chưa thực hiện theo số lượng mẫu qui định cũng như chưa toàn diện tất cả các chỉ tiêu chất lượng nhưng cũng phần nào phản ánh thực trạng chất lượng dịch vụ BCCI của BCVN.

Những nguyên nhân cơ bản khiến chất lượng dịch vụ BCCI của BCVN chưa được như mong muốn

Có rất nhiều nguyên nhân trong đó có thể nhận thấy một số nguyên nhân cơ bản dưới đây:

Thứ nhất là, tổ chức mạng lưới khai thác vận chuyển theo địa dư hành chính nhiều cấp

Với đặc điểm địa lý trải rộng, các bưu cục khai thác của BCVN hiện được bố trí theo khu vực và theo cấp hành chính huyện, tỉnh. Dưới các bưu cục này là bưu cục giao dịch và điểm phục vụ nên hành trình chuyển phát thư báo phải trải qua nhiều cấp (Hình 1). Hành trình vận chuyển xa nhất đối với thư nội tỉnh (từ bưu cục 3 đến bưu cục 3) phải qua 3 điểm trung gian. Tương tự là 5 điểm và 7 điểm đối với thư liên tỉnh cùng vùng và cách vùng. Nhiều cấp khai thác vận chuyển khiến cho thời gian chuyển phát bị kéo dài.

Hình 1: Tổ chức khai thác vận chuyển bưu chính

Thứ hai là, ý thức đảm bảo chất lượng dịch vụ BCCI chưa cao

Một số đơn vị bưu chính chưa xem trọng chất lượng đối với dịch vụ thư thường, giá rẻ. Xu hướng tập trung phát triển dịch vụ có doanh thu cao là đúng đắn, tuy nhiên việc xem xét hợp lý và năng động để phát triển dịch vụ có tính chất kinh doanh với dịch vụ công ích có thể gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển cần được quan tâm và coi trọng.

Về phía lao động sản xuất trực tiếp, do qui trình khai thác thư không có xác nhận giữa bưu điện và khách hàng khi nhận gửi và khi phát nên các khâu khai thác thường không chú trọng khai thác hết thư trong ngày. Tại chiều đi và khai thác quá giang, các thùng thư không được mở đủ số lần qui định, túi gói thư bị bỏ lại nhường ưu tiên cho các dịch vụ khác. Tại chiều đến, bưu tá và lực lượng phát xã thiếu trách nhiệm, nhiều trường hợp vứt bỏ thư để không phải đi phát, phát không hết thư đến trong ngày do ngại đường xa, hoặc nhờ người quen, trẻ em phát hộ. Bên cạnh đó, định biên lao động của bộ phận bưu tá chưa phù hợp cũng làm cho tâm lý của cán bộ, nhân viên khai thác bưu chính bị ảnh hưởng. Nhiều tuyến phát có khối lượng lớn nhưng được bố trí ít người khiến cho bưu tá tự cắt giảm công việc phải làm bằng cách bỏ tuyến, bỏ thư.

Thứ ba là, công tác kiểm tra, giám sát khai thác thư báo chưa được tổ chức một cách có hệ thống

Để đảm bảo chất lượng dịch vụ thì việc kiểm tra giám sát cần phải thực hiện tại từng khâu khai thác và theo nhiều hình thức, phương pháp khác nhau. Tuy vậy, chỉ có số ít đơn vị làm được điều này hoặc là không thực hiện, hoặc chỉ thực hiện rời rạc theo đợt cao điểm. Kiểm tra việc mở thùng thư chủ yếu bằng phiếu kiểm tra bỏ vào thùng thư để bưu tá mang về. Kiểm tra khâu phát thư thường sử dụng hình thức gắn phiếu kiểm tra vào mặt sau thư hoặc kiểm tra dấu ngày bưu cục nhận gửi, bưu cục phát  trên mẫu thư sống. Thông thường mỗi tỉnh kiểm tra một hoặc hai đợt trong năm.

Một số nguyên nhân khác:

- Hệ thống mã địa chỉ bưu chính chưa được triển khai trong cuộc sống làm hạn chế khả năng ứng dụng công nghệ trong khai thác.

- Phong bì thư không tiêu chuẩn dẫn tới tình trạng các thư có kích cỡ nhỏ bị thất lạc hoặc thư mỏng nhẹ bị kẹp dính nên lạc hướng.

- Hệ thống số nhà, đường phố chưa hoàn thiện hoặc thường xuyên thay đổi. Tình trạng nhà không số, phố không tên khiến bưu tá rất khó khăn phi phát.

- Áp lực giảm chi phí nhân công khiến cho các bưu điện tỉnh sử dụng nhiều lao động thuê ngoài, thời vụ. Những lao động này ngoài thù lao cố định ở mức thấp so với mặt bằng xã hội và thiếu cơ chế đặc thù để gắn trách nhiệm hoặc động viên khích lệ khiến cho họ không coi trọng, bỏ bê công việc.

- Các hộ gia đình, đặc biệt là tại khu vực thành phố, thị xã chưa có thói quen trang bị thùng thư báo khiến cho thư dù có được bưu tá mang phát nhưng vẫn phải nhét qua khe cửa hoặc quăng qua hàng rào dễ gây nên thất lạc…         

Các biện pháp khuyến nghị

Trên cơ sở nghiên cứu qui định về chất lượng dịch vụ BCCI, kết quả đánh giá sơ bộ chất lượng dịch vụ như đã nêu và thông qua tìm hiểu, phát hiện những nguyên nhân cơ bản ảnh hướng tới việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, nhóm nghiên cứu xin đề xuất một số biện pháp được xem là cần thiết và cốt lõi để BCVN có thể đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng dịch vụ BCCI của Chính phủ đề ra.

1. Rà soát và tổ chức lại mạng khai thác vận chuyển bưu chính

Thư, báo chí và các bưu gửi khác được vận chuyển bằng phương thức vật lý từ người gửi đến người nhận nên việc tổ chức mạng khai thác vận chuyển có ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo chỉ tiêu thời gian (thời gian toàn trình thư nội tỉnh, liên lỉnh, thư quốc tế đi và đến).

Việc tổ chức lại mạng khai thác vận chuyển bưu chính có thể thực hiện theo hai hướng sau đây:

Đối với khai thác vận chuyển cấp 1:

Xây dựng cơ chế linh hoạt tăng - giảm lượng nhân công khai thác, tăng - giảm tần suất chuyến thư hoặc điều chỉnh hướng chuyển nhằm lưu thoát kịp thời thư báo. Cơ chế này được vận hành trên cơ sở hệ thống báo cáo thống kê sản lượng thư báo đi và đến trao đổi giữa các trung tâm tỉnh với trung tâm khai thác khu vực.

Đối với khai thác vận chuyển trong nội bộ tỉnh:

- Tích nhập khai thác cấp 2 của một số huyện, theo đó thư và báo chí được đóng thẳng cho bưu cục cấp 2 của một huyện được chỉ định trong nhóm huyện gần nhau. Huyện được chỉ định có đủ điều kiện về giao thông để có thể tăng tần suất chuyến thư lên mỗi ngày 2 chuyến (chuyến thư tăng cường có thể sử dụng phương tiện xã hội để giảm chi phí).

- Dựa trên đặc thù thư chiều có thể giảm không qua chia chọn, thư báo chiều đến mới phải khai thác qua bưu cục cấp 2, các bưu điện tỉnh có thể tổ chức tiếp nhận thư chiều đi trực tiếp từ các thùng thư công cộng độc lập hoặc các bưu cục đến điểm giao nhận chuyến thư gần nhất mà không nhất thiết phải qua bưu cục cấp 2 thuộc huyện đó quản lý. Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức lại mạng thu gom thư theo tuyến giao thông thuận tiện mà không theo địa bàn huyện như hiện nay. Bưu tá, giao thông viên của huyện này (có trao đổi 2 chuyến thư mỗi ngày) có thể mở lấy thư trên địa bàn huyện khác (có trao đổi 1 chuyến thư mỗi ngày), như vậy thư sẽ được chuyển đi nhanh chóng hơn.

2. Phân định trách nhiệm quản lý chỉ tiêu chất lượng dịch vụ BCCI

Trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu chất lượng của Chính phủ ban hành, BCVN chủ động xây dựng hệ thống chỉ tiêu nội bộ ở mức tiên tiến hơn các chỉ tiêu được giao, làm rõ và phân cấp quản lý các chỉ tiêu chất lượng này.

Tại cấp Tổng công ty quản lý các chỉ tiêu chung như bán kính phục vụ bình quân, số dân phục vụ bình quân trên cơ sở quản lý mạng bưu cục, điểm phục vụ. Tổng công ty cũng quản lý chỉ tiêu thời gian toàn trình thư báo dựa trên tổ chức mạng vận chuyển cấp 1 và giám sát đối với mạng vận chuyển cấp 2. Các chỉ tiêu toàn trình sẽ được phân chia thành chỉ tiêu từng công đoạn khai thác và giao cho các đơn vị trực thuộc quản lý.

Tương tự tại các bưu điện tỉnh, chỉ tiêu cũng có thể được bưu điện tỉnh quản lý chung (như thời gian khai thác chiều đi, đến trong toàn tỉnh) hoặc phân định cho bưu điện huyện, hoặc từng bưu cục (như chỉ tiêu thời gian mở cửa phục vụ, tần suất thu gom và phát).

Hệ thống chỉ tiêu chất lượng xuyên suốt từ trên xuống phải đảm bảo nhịp nhàng, ăn khớp với nhau. Người có trách nhiệm quản lý các chỉ tiêu này phải được đào tạo để thiết lập hệ thống cảnh báo vi phạm chỉ tiêu. Hệ thống chỉ tiêu chất lượng dịch vụ BCCI do BCVN xây dựng và áp dụng nội bộ phải được coi là các chỉ số hiệu suất cốt yếu (KPI) của toàn hệ thống khai thác bưu chính với các đặc điểm cơ bản là: được đánh giá thường xuyên; chịu tác động bởi điều hành quản lý cấp cao; đòi hỏi nhân viên phải điều chỉnh để đảm bảo hiệu suất; và có tác động tích cực đối với mọi hoạt động khác của tổ chức.

3. Giảm thời gian khai thác, chia chọn bằng cách tổ chức riêng thùng thư liên tỉnh, nội tỉnh và quốc tế

Tại những bưu cục có lưu lượng lớn cần thiết phải tổ chức thùng thư riêng với chỉ dẫn rõ ràng thùng thư nào là thùng thư liên tỉnh, thư nội tỉnh và thư quốc tế. Bên cạnh đó việc chỉ dẫn để khách hàng bỏ thư vào thùng thư theo một chiều, một mặt nhất định cũng cho phép giảm đáng kể thời gian khai thác thư của nhân viên khai thác.

4. Sử dụng lực lượng bên ngoài tham gia giám sát chất lượng dịch vụ

Sử dụng lực lượng bên ngoài để kiểm tra, giám sát là một trong những phương pháp quản lý chất lượng tương đối hữu hiệu được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp, nhiều quốc gia trên thế giới. Trong lĩnh vực bưu chính, Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) cũng đã cụ thể hóa phương pháp này thông qua chương trình kiểm tra liên tục (Continous Testing). Tại Việt Nam, bên cạnh việc sử dụng đội ngũ cộng tác viên tham gia hệ thống kiểm tra liên tục về chỉ tiêu thời gian đối với thư trong nước và quốc tế, lực lượng bên ngoài mà cụ thể nhất là khách hàng cần được khuyến khích giám sát các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ BCCI khác dưới nhiều hình thức:

-  Khách hàng có thể được khuyến khích thông báo qua điện thoại đến với đơn vị quản lý về giờ mở cửa bưu cục, điểm phục vụ không đảm bảo như đã cam kết.

- Ủy ban Nhân dân xã được gửi bản thông báo thời gian phát báo đối với từng loại báo ngày, báo tuần…để cùng giám sát việc thực hiện.

- Các đợt ghi nhận và trao quà cho những ý kiến đóng góp về chất lượng dịch vụ BCCI cũng cần được tổ chức…

5. Gắn nghĩa vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ BCCI với lợi ích có được từ việc nâng cao hiệu năng của hệ thống khai thác bưu chính

Đảm bảo chất lượng dịch vụ BCCI một mặt là nghĩa vụ của BCVN đối với Chính phủ và với người dân, mặt khác là cơ sở để nâng cao hiệu năng của toàn bộ hệ thống khai thác bưu chính. Một khi chất lượng dịch vụ BCCI được đảm bảo bằng hệ thống cung ứng dịch vụ rộng khắp và ổn định thì cơ hội phát triển các dịch vụ kinh doanh khác là hoàn toàn có thể. Dịch vụ gần nhất là dịch vụ Bưu phẩm không địa chỉ hoặc dịch vụ chuyển phát ấn phẩm, thư mời, quảng cáo. Bên cạnh đó khi chất lượng dịch vụ BCCI được đảm bảo thì sản lượng dịch vụ sẽ tăng để thông qua đó BCVN tận dụng năng lực của mạng lưới, tăng năng suất lao động, tạo thế và lực trên thị trường dịch vụ bưu chính, chuyển phát. Quan điểm này cần được quán triệt đến tất cả các cán bộ, nhân viên của BCVN.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/05/2008.

[2]. Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT ngày 12/11/2008 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích”.

[3]. Báo cáo hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển phát của BCVN năm 2008 (báo cáo của BCVN với Bộ Thông tin và Truyền thông).

[4]. Tài liệu hội nghị tập huấn chất lượng dịch vụ bưu chính công ích.

[5]. Các website: www.ictqc.gov.vn, www.mic.gov.vn, www.vnpt.com.vn

Các dịch vụ truyền hình mới

Nguyễn Minh

Cơ hội sáng tạo và phát triển

Hội tụ trong truyền thông đang mang lại sự tiện lợi và đơn giản hóa việc sử dụng dịch vụ cho người tiêu dùng và cho doanh nghiệp, mang lại cho họ những dịch vụ truyền thông tiện ích với chi phí thấp.

Xu hướng hội tụ kết hợp và nâng cao các thế mạnh đơn lẻ của các nhà khai thác cung cấp dịch vụ và đưa ra một loạt các dịch vụ truyền thông hội tụ đa phương tiện phong phú, mở ra các cơ hội cho sự sáng tạo và các giá trị khác biệt, đó chính là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của các nhà khai thác cung cấp dịch vụ, vượt qua những cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt của thị trường nhờ vào các cơ hội và hình thức kinh doanh mới, trong đó bao gồm kinh doanh dịch vụ truyền hình.

Ảnh minh họa: myhomebizwiz

Đối với người tiêu dùng, truyền hình giờ đây không chỉ là chiếc tivi nằm ở một góc nào đó trong ngôi nhà, người sử dụng dịch vụ có thể xem truyền hình với chiếc máy tính xách tay, với chiếc điện thoại di động và còn có nhiều dịch vụ âm thanh và hình ảnh khác đang dần trở thành những dịch vụ không thể thiếu trong cuộc sống của họ.  Đồng thời các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình luôn đưa ra những ứng dụng mới, tiện ích mới để hấp dẫn người sử dụng.  

Truyền hình di động

Dịch vụ truyền hình di động (Mobile TV) giúp cho khách hàng có thể xem được truyền hình (Tivi), xem phim ảnh theo yêu cầu (Video on Demand), thưởng thức ca nhạc theo yêu cầu trên điện thoại di động của mình.

Các dịch vụ này bao gồm nhiều thể loại phong phú, hấp dẫn và ngày càng phát triển như: truyền hình thời gian thực (Live TV); xem phim ảnh theo yêu cầu (Video On Demand) với hệ thống cung cấp các bộ phim truyện đặc sắc, chọn lọc, hấp dẫn cho phép khách hàng lựa chọn tìm kiếm xem các bộ phim yêu thích. Kho phim truyện sẽ luôn được cập nhật theo yêu cầu của người dung; nghe nhạc theo yêu cầu (Music on Demand): Kênh ca nhạc theo yêu cầu: Cung cấp các clip ca nhạc, bài hát mới, tìm nghe xem các bài hát bản nhạc ưa thích. Thư viện nhạc sẽ liên tục được cập nhật theo yêu cầu của khách hàng.

Truyền hình thời gian thực (Live TV)

Truyền hình thời gian thực (Live TV) là một ứng dụng mà người sử dụng có thể truy cập các nội dung về truyền hình thông qua mạng 3G. Luồng Video chất lượng cao thời gian thực có thể được phát thông qua dịch vụ Video Call trong mạng 3G  hoặc có thể thực hiện qua kết nối đến hệ thống WAP Portal.

Giải pháp dựa trên Menu cung cấp giao diện đơn giản và dễ sử dụng, định hướng đến một số kênh truyền hình, cho phép khách hàng lựa chọn kênh. Điện thoại di động của người sử dụng dịch vụ cần có tính năng như thiết bị điều kiển từ xa của TV thông thường. Để thuận tiện cho việc sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ thực hiện cuộc gọi Video đến một số tắt dễ nhớ.

Truyền hình tương tác (Participation TV)

Dịch vụ này cho phép khách hàng có thể tương tác với các chương trình truyền hình thông qua cuộc gọi Video. Khi thực hiện chương trình tương tác với truyền hình, hình ảnh của khách hàng sẽ được truyền hình trực tiếp trên màn hình TV. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt đối với một số nhóm khán giả. Một số triển khai thử nghiệm cho thấy dịch vụ này đem lại hiệu quả về mặt doanh thu.

Hình 1. Mô hình kết nối dịch vụ Truyền hình tương tác (Participation TV)

Nhật ký truyền hình (Video Blogging)

Khách hàng chỉ cần một máy điện thoại có camera và kết nối Video Call 3G bằng cách quay video call đến một số tắt và lựa chọn Video Blog menu. Khách hàng có thể chi sẻ Video cho người thân và bạn bè. 

Dịch vụ hộp thư truyền hình (Video Mail)

Tương tự như dịch vụ Voice Mail, dịch vụ Video Mail cho phép khách hang có thể chuyển cuộc gọi video vào hệ thống khi tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng. Sau đó có thể truy cập lại vào hệ thống để nhận cuộc gọi video của mình.

Truyền hình quảng cáo (Video Push)

Dịch vụ truyền hình quảng cáo Video Push cung cấp cho khách hàng những thông tin cập nhật bằng Video chẳng hạn như: Bản tin tài chính, bản tin thời sự,… Khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ hệ thống sẽ khởi tạo một cuộc gọi Video đến máy của khách hàng. Nếu khách hàng bận, cuộc gọi sẽ được định tuyến vào hệ thống Video Mail và khách hàng có thể truy cập về sau. Có rất nhiều ứng dụng và dịch vụ có thể phát triển trên nền tảng của Video Push.

Dịch vụ hình ảnh và nhạc chờ đa phương tiện (Media RingBackTone)

Hình 2. Mô hình cuộc gọi hình ảnh và nhạc chờ đa phương tiện (Media RingBackTone)

 Quy trình thực hiện cuộc gọi Video RingBackTone như sau:

- Khách hàng có thể đăng ký dịch vụ hình ảnh và nhạc chờ đa phương tiện.

- Khi có cuộc gọi đến số điện thoại của khách hàng thì cuộc gọi sẽ được định tuyến đến hệ thống Video Ring BackTone thông qua Video Gateway. Người gọi đến sẽ nhận được Video Clip do khách hàng đăng ký dịch vụ đã chọn lựa trong quá trình thiết lập cuộc gọi. Khi cuộc gọi được thiết lập, Video Clip sẽ được giải phóng và cuộc gọi được kết nối.

Truyền hình giám sát (Video Surveillance)

Với dịch vụ truyền hình giám sát (Video Surveillance), các khách hàng có hệ thống IP camera có thể đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ Video Surveillance và khách hàng có thể giám sát thông qua hệ thống Camera mọi lúc, mọi nơi. Đây là dịch vụ mang lại tiện ích cao và có nhiều tiềm năng.

Hình 3. Mô hình kết nối dịch vụ truyền hình giám sát

Một ứng dụng khác của dịch vụ truyền hình giám sát là Mobile Camera của  giúp cho khách hàng có thể xem được trạng thái giao thông tại các nút giao thông.

Dịch vụ này đã được triển khai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, góp phần vào việc giải quyết ùn tắc giao thông đô thị.

Những ứng dụng khác

Cùng với việc triển khai các dịch vụ truyền hình trên nền mạng 3G, nhiều thể loại ứng dụng dịch vụ khác cũng đang được thử nghiệm và đưa vào áp dụng như: Các dịch vụ thanh toán (Payment) - cho phép khách hàng có thể mua bán thông qua tài khoản di động;  Các dịch vụ giao dịch ngân hàng, tài chính, chứng khoán: cho phép khách hàng có thể có thể mua bán trao đổi chứng khoán, vàng bạc trên các sàn giao dịch khắp thế giới; Các dịch vụ an ninh, bảo mật…

Tiềm năng của Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam liên tục được các tổ chức quốc tế xếp hạng đứng trong top 20 về tốc độ phát triển viễn thông của các quốc gia.

Việt Nam đang sở hữu hạ tầng viễn thông hiện đại với đường trục truyền dẫn dung lượng cao, mạng viễn thông và Interrnet phủ rộng toàn quốc, một hạ tầng IP tiên tiến cùng các ứng dụng mới nhất dựa trên kiến trúc mạng thế hệ mới NGN và mạng thông tin di động 3G.

Một số dịch vụ hội tụ viễn thông và truyền hình đã được triển khai ở ViệtNam. Sự đa dạng và phong phú các thể loại dịch vụ mới đang mang lại cho người dùng những trải nghiệm thú vị.

Có thể nhận thấy một tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các dich vụ truyền hình mới tại Việt Nam trong những năm tới nhờ mạng băng rộng di động.

Sự phát triển các dịch vụ viễn thông và truyền hình mới không những đem đến tiện ích cho người dùng, lợi nhuận cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực ICT nói riêng và của xã hội nói chung.  

Tài liệu tham khảo

[1]. FlexiISN Service Awareness, Nokia Siemens Networks NSN course, 2008

[2]. 3GPP website www.3gpp.org

[3]. Dave Wissely, Philip Eardley and Louise Burness, IP for 3G Networking Technologies for Mobile Communication, John Wiley and Son 2002

[4]. 3G is Real, Qualcomm, December 2006.

[5]. 3G Network and Service, Presentation of  Ericsson, 2009.

[6]. 3G Service, Huwei Workshop, 2010.

Sưu tập tem kỷ niệm - một trong những sở thích phổ biến nhất trên thế giới

(ICTPress) - Sưu tập tem là một trong những sở thích phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Riêng ở Mỹ, số người sưu tập tem là khoảng 20 triệu người.

Con tem bưu chính đầu tiên, Penny Black, được phát hành ở Anh năm 1840 và đã ghi lại hình ảnh nữ hoàng Victoria thời trẻ. Số lượng các con tem kỷ niệm trên toàn thế giới đã lên đến hàng trăm tập và rất vô giá. Do đó những người sưu tập tem đã khoanh vùng phạm vi sưu tập của mình ở một số loại tem nhất định và một kiểu sưu tập tem phổ biến hơn cả là sưu tập tem kỷ niệm.

Ảnh: Stampuoso

Một con tem kỷ niệm được phát hành để vinh danh hay kỷ niệm một nơi chốn, sự kiện hay một con người. Hàng năm, bưu chính nhiều nước trên thế giới đã phát hành rất nhiều con tem như vậy, và thường xuyên tổ chức ngày phát hành đầu tiên ở những địa điểm liên quan tới các chủ thể của con tem.

Năm 1866, Vụ Bưu chính Mỹ, nay là Bưu chính Mỹ đã phát hành con tem được xem là con tem kỷ niệm đầu tiên của Mỹ - con tem về Lincoln trị giá 15 cent. Abraham Lincoln là người đầu tiên được vinh danh trên tem bưu chính Mỹ kể từ con tem đầu tiên được phát hành năm 1847. Công ty Tiền giấy Ngân hàng quốc gia đã in hơn 2.1 triệu con tem này.

Hiệp hội Tem Mỹ (APS) được thành lập năm 1886 để cổ vũ, hỗ trợ những người sưu tập tem. Hiện nay với 40,000 thành viên ở 110 nước, APS là một tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất trên thế giới cho những người sưu tập tem. APS cung cấp một số dịch vụ và các cơ hội đào tạo cho phép các thành viên của mình tăng cường và nâng cao sở thích sưu tập đặc biệt này.

Fred Baumann là thành viên của APS đã 25 năm và gần đây là giám đốc quan hệ công chúng của tổ chức này. Vai trò của ông là thúc đẩy APS và các hoạt động của tổ chức, và sở thích chơi tem nói chung. Nhưng tem không chỉ là một công việc theo giờ hành chính đối với Baumann mà là sở thích của ông.

“Tôi thích thú sưu tập tem và thư sự kiện lịch sử, cũng như viết về những đề tài này. Tôi đã từng là biên tập viên của tờ tin tem của Linn từ năm 1987 đến 1988 và tại tờ Sưu tập Tem từ 1998 đến 2004. Tôi sưu tập tem Đức và trong gia đình tôi là người sưu tập thế hệ thứ ba, người đầu tiên là ông tôi. Tôi cũng sưu tậpBohemiavàMoravia,BosniavàHerzegovinavàDanzig, và tôi đã sưu tập 20 năm chuyên về lịch sử bưu chính thành phố Leipzig của Đức, cuối thế kỷ 15.

Baumann tin rằng sự phổ biến của việc sưu tập tem là nhờ khả năng tiếp cận của tem: “Nếu bạn có một thùng thư, bạn sẽ có một nguồn tem thư miễn phí, đã được sử dụng ở những lá thư được gửi đến. Những người sưu tập tem ở mọi lứa tuổi đã bắt đầu bằng việc nhúng nước những phong bì và tách những con tem ra.

Nhiều người sưu tập tem bắt đầu sở thích chơi tem chủ yếu từ những con tem kỷ niệm bởi vì nó xảy ra chưa quá lâu và có khả năng chi trả. Tuy nhiên, chi phí chỉ là một phần của sở thích. Những con tem kỷ niệm của Vương quốc Anh, Mỹ, Canada và nhiều nước khác rất rực rỡ, hấp dẫn và được thiết kế và in ấn kỹ lưỡng. Đó là những con tem nhỏ nhưng là những con tem sống động thể hiện những đại sứ của quốc gia và của nhân dân quốc gia đó.

Ngắm những con tem kỷ niệm phổ thông hơn Baumann cho biết thêm: “Ở Mỹ, con tem kỷ niệm về Elvis Presley được phát hành năm 1993 là con tem được nhiều người thích nhất từ trước tới nay với gần 125 triệu con đã được lưu giữ. Trên thực tế có một con tem kỷ niệm khác của Mỹ cũng rất nổi tiếng là con tem được phát hành để kỷ niệm 200 năm ngày sinh George Washington năm 1932 trị giá 2 cent, đã bán được 4.2 tỷ bản. Con tem này được nhiều người biết đến là do thiết kế sống động và được in trên nền tím khi cước thư trong nước tăng lên 3 cent vào cuối năm đó và hàng tỷ bản tem đã được bán vào những năm tiếp theo.

Bộ tem kỷ niệm lớn nhất đã từng được phát hành là bộ tem gồm 9 con tem được phát hành năm 1898 cho một cuộc triển lãm kỷ niệm việc khai khẩn vùng Tây nước Mỹ. Phần lớn những con tem này mô tả hoạt cảnh chiến thắng, trong đó có một người Anh điêng săn trâu từ trên lưng ngựa và một người lính cầm cờ và vẫy chiếc mũ trên đỉnh núi Rocky. Nhưng có một con tem giá 10 cent có tên “Những nỗi gian khổ của Sự di cư” - đã mô tả một cảnh di cư dữ dội, khốc liệt. Bộ tem đã giúp người xem hiểu được những thách thức giữa cái sống và cái chết mà những người khai hoang phải đối mặt”.

Ở nhiều nước đã có những cuộc tranh luận nóng bỏng về ai hay chủ thể nào sẽ được vinh danh trên tem bưu chính. Tiêu chí về chủ thể được vinh danh là rất khác nhau giữa các nước. Ví dụ ở Ấn Độ những con tem phần lớn là để kỷ niệm những cá nhân trong lĩnh vực chính trị, quân sự và tinh thần. Ở Vương quốc Anh và Canada, những con tem kỷ niệm thường là để kỷ niệm những nơi chốn hay những cá nhân bao gồm những công trình quan trọng, các viện và các tổ chức. Baumann kết luận: “Thời đại và khẩu vị đã thay đổi. Vương quốc Anh sản xuất ra con tem bưu chính gián keo đầu tiên trên thế giới vào năm 1840, nhưng đã không quan tâm đến việc vinh danh Shakespeare cho đến năm 1964. Nhưng vào năm 2005 nước này đã có những con tem chào mừng Thanh tra Morse, người muốn trở thành một triệu phú và chú gấu Paddington, nhân vật hoạt hình được rất nhiều trẻ em yêu thích.

Do đó làm thế nào để quyết định chủ thể nào hay nhân vật nào xứng đáng được vinh danh trên tem bưu chính? Ở Mỹ, Ban Tem được giao nhiệm vụ này. Các nhiệm vụ khác của ban này bao gồm đáp ứng các yêu cầu gửi thư từ catalog tem Mỹ, in và phân phối tem, và phát triển và sản xuất các sản phẩm tem. Bộ phận này cũng quản lý sự tham gia của Bưu chính Mỹ với APS và Hiệp hội đấu giá tem Mỹ.

Terry McCaffrey, giám đốc phát triển tem đã cùng làm với Bưu chính Mỹ gần 39 năm - trong đó 19 năm gần đây là ở Ban Tem. Ông là người thiết kế hình ảnh đầu tiên được Bưu chính Mỹ thuê và trong vai trò của mình là giám đốc nhiệm vụ chính của ông là theo dõi thiết kế các con tem bưu chính và đồ dung đi cùng tem. McCaffrey cũng theo dõi Ủy ban tư vấn tem của công dân (CSAC), là một cơ quan độc lập về các chuyên gia bên ngoài được Tổng giám đốc Bưu chính chủ định để xem xét và tập hợp những chủ đề và thiết kế tem bưu chính.

McCaffrey giải thích thêm: “Mỗi năm văn phòng của chúng tôi nhận được hơn 50.000 thư từ công chúng Mỹ liên quan đến tem và chủ đề tem. Trong số thư đó là hàng nghìn yêu cầu cho những ý tưởng tem mới. Công việc của tôi là đọc tất cả số thư này và xác định các chủ đề đáp ứng tiêu chí đã được CSAC đặt ra về chủ đề tem. Nếu chủ đề không đáp ứng được những tiêu chí này nó sẽ được xem xét trong quộc họp quý sau của CSAC. Việc xây dựng tem thông thường mất gần 2 đến 3 năm".

Các tiêu chí hướng dẫn chọn chủ đề tem của Bưu chính Mỹ:

- Một chính sách chung mà tem bưu chính Mỹ và những vật phẩm tem sẽ chủ yếu thể hiện các chủ đề liên quan đến nước Mỹ hoặc người Mỹ

- Người còn sống sẽ không được vẽ chân dung trên tem.

- Các sự kiện mang tính lịch sử sẽ được xem xét khi hơn 50 năm.

- Các con tem kỷ niệm hay các vật phẩm bưu chính vinh danh các cá nhân sẽ thường xuyên được phát hành hay liên quan đến những lễ kỷ niệm ngày sinh.

- Chỉ những sự kiện, con người và chủ đề mang tính quốc gia và tầm quan trọng sẽ được xem xét làm tem kỷ niệm.

- Không có con tem nào sẽ được xem xét phát hành nếu có một con tem cùng chủ đề đã được phát hành trong vòng 50 năm.

Một chủ đề đáp ứng và vượt qua những tiêu chí này là Elvis Presley. McCaffrey cho biết: Con tem này được phát hành năm 1993 và chưa con tem nào vượt qua con tem này vào thời điểm này - Elvis vẫn là vua. Mặc dù thậm chí không có cách chính xác nào chứng minh việc sở hữu chính xác những con tem này của những người sưu tập tem nhưng khoảng 125 triệu con tem Elvis đã được những nhà sưu tập và người hâm mộ sở hữu, thu được 26 triệu USD.

Tôi đã xem tất cả những con tem tôi đã được tham gia cùng với các con của tôi và tôi yêu từng con tem và từng kiểu của con tem. Tuy nhiên nếu tôi phải chọn một thì đó sẽ là con tem nửa bưu chính nửa từ thiện về chủ đề nghiên cứu ung thư vú (một con tem được phát hành để quên tiền cho một mục đích cụ thể, chẳng hạn như một việc từ thiện, và được bán cao hơn giá cước phí) được phát hành năm 1998. Ngoài một thiết kế tinh tế và một sự minh họa về một chủ đề khó về một chân dung sinh động, hình ảnh này đã tạo ra tiếng vang trong 10 năm qua và thu được 160 triệu USD cho nghiên cứu bệnh ung thư vú. Có nhiều thiết kế khác mà tôi đã rất thích thiết kế, minh họa hay chủ đề của nó nhưng tôi nghĩ con tem bán bưu chính về ung thư vú này là con tem quán quân ở tất cả các cấp độ”.

Một số người cho rằng tương lai của việc sưu tập tem là ảm đạm. Việc sử dụng Internet gia tăng đối với các nhu cầu bưu chính đang gây ra sự sụt giảm về lưu lượng thư và do đó tem ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên, điện thoại là một sự thay thế cách mạng thư vật lý khi được xuất hiện vào thế kỷ 19 nhưng nó đã không chấm dứt việc gửi thư. Trên thực tế Internet đã mở ra các cơ hội mới cho sở thích này gồm cả việc nâng cao nhận thức của mọi người mà trước đây chưa làm được.

Nguyễn Đức

(Nguồn: Helen Norman, International Postal Technology)

IPTV và IPTV di động – Xu thế phát triển ở Việt Nam

Quý Minh  -  Thanh Dương

CÁC ƯU THẾ CỦA IP TV

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của số lượng thuê bao Internet băng rộng, các dịch vụ truyền hình IP TV và IPTV di động đã trở nên phổ biến ở một số nước trên thế giới và cũng đang phát triển ở Việt nam. Đó là một xu thế phát triển tất yếu của các dịch vụ thông tin truyền thông.

IPTV là dịch vụ truyền hình số trên giao thức Internet (Internet Protocol Television). Vì dùng chung giao thức Internet, IPTV mang các đặc tính của Internet, với khả năng hội tụ, tương tác và cá thể hoá. Các dịch vụ IPTV cho phép các dịch vụ viễn thông và dịch vụ truyền hình hội tụ lại trên một hạ tầng truyền dẫn duy nhất. Do vậy, ngoài dịch vụ truyền hình, mạng IPTV có thể tích hợp nhiều dịch vụ đặc thù của mạng viễn thông như truyền tải dữ liệu băng rộng, Internet, điện thoại,… và có thể tích hợp cả các dịch vụ di động. Sự kết hợp Viễn thông - Truyền hình này còn cho phép hình thành các dịch vụ mới như truyền hình theo yêu cầu, điện thoại truyền hình…

 Hình 1. Mô hình các loại  mạng truyền hình

Không thụ động như truyền hình truyền thống, IPTV cho phép người dùng đặt lịch xem phim, xem truyền hình theo yêu cầu, không lệ thuộc vào giờ phát sóng, và thậm chí tham gia vào các chương trình truyền hình trực tuyến. Do đó nó thể hiện rõ tính tương tác cao. Đồng thời, nhờ khả năng tương tác những người dùng có thể đăng nhập hệ thống dịch vụ với các tài khoản khác nhau vào các không gian giải trí trực tuyến khác nhau và có thể tự do tuỳ biến giao diện khiến IPTV có khả năng cá thể hóa [1, 2, 3, 4, 5].

Với IPTV, khán giả có thể tuỳ ý yêu cầu, lựa chọn các nội dung muốn xem mà không lệ thuộc vào giờ phát sóng, với âm thanh, hình ảnh chất lượng cao, đồng thời có thể cung cấp không giới hạn các dịch vụ tương tác qua truyền hình như chăm sóc sức khoẻ tại nhà, học tập từ xa, mua sắm trực tuyến, giao dịch ngân hàng tại nhà, ...

Đây thực sự là một cuộc cách mạng về hạ tầng truyền thông - truyền hình, cho phép cung cấp các dịch vụ truyền hình kỹ thuật số hai chiều trên các hạ tầng mạng IP băng rộng như ADSL, FTTH, HFC, 3G, Wimax…. Việc hội tụ đa dịch vụ truyền thông trên một hạ tầng truyền dẫn duy nhất này được gọi là Multiplay. Những ưu điểm nổi bật kể trên khiến IPTV đã và đang dần trở thành một xu thế mới.

Hiệu quả kinh tế

Theo các số liệu nghiên cứu [4, 5], dự kiến đến năm 2013, doanh thu video trực tuyến là 31 tỷ đô la so với 2.1 tỷ đô la năm 2007 (ABI Research).

Cũng đến năm 2013, có 1 tỷ người dùng video trực tuyến từ con số 295 triệu người năm 2007 (ABI Research).

Các luồng VOD sẽ vượt con số 7 tỷ vào năm 2012, tăng 6 lần so với 2007; 55% số TV số sử dụng tại gia đình sẽ là HDTV vào năm 2012, tăng từ con số 34% vào năm 2007. Internet Video làm gia tăng băng thông với tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 41%. Tới 2012, 90% lưu lượng Internet sẽ là video.

Hình 2: Truyền hình tương tác và video theo yêu cầu nhìn từ  phía người sử dụng

Nhu cầu và tốc độ phát triển của loại hình dịch vụ tích hợp viễn thông – truyền hình được dự đoán khá khả quan. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất được đặt ra hiện nay là làm thế nào để có thể triển khai IPTV ở quy mô lớn với chi phí thấp và phù hợp với những điều kiện đặc thù ở Việt Nam.

IP TV và IP TV di động ở Việt Nam

Cũng như tình hình chung ở nhiều nơi trên thế giới, việc phát triển các dịch vụ IPTV ở Việt Nam tương đối độc lập, thường chỉ giới hạn trong nội mạng, chưa thực sự định hình về tính tiêu chuẩn hoá cũng như về mô hình tổ chức triển khai dịch vụ ở quy mô lớn (liên kết mạng, liên thông dịch vụ,… trên đa dạng nền tảng mạng).

Do yêu cầu khắt khe của một mạng truyền hình chất lượng cao, các mạng dịch vụ IPTV thường phải là các mạng cam kết chất lượng theo mô hình cung cấp từ- đầu-cuối-đến-đầu-cuối (end-to-end). Bên cạnh đó, cùng với nhiều nguyên nhân từ bài toán kinh tế cục bộ, nên các giải pháp IPTV hiện nay thường có xu thế đóng kín với các công nghệ độc quyền, để có thể tối đa hoá lợi nhuận với đầu tư tối thiểu mà không phải quan tâm nhiều đến các tham số phức tạp của bài toán chung.

Tính cục bộ trong giải pháp và hiện trạng phân tán về tiêu chuẩn trên từng mạng dịch vụ riêng biệt (mạng đóng) dẫn đến hạn chế khả năng phát triển thuê bao (giới hạn trong nội mạng) và tăng chi phí cho thiết bị đầu cuối cũng như tăng chi phí phát triển thuê bao mỗi khi kết nối, mở rộng và khó khăn cho việc phối hợp chia sẻ dịch vụ giữa các nhà cung cấp do bị lệ thuộc vào các công nghệ độc quyền.

 Việc thiếu sự thống nhất các tiêu chuẩn tham chiếu chung cũng dẫn đến những hạn chế trong khả năng kết nối liên mạng dịch vụ, gây nhiều bất tiện cho người sử dụng, hạ tầng đầu tư chồng chéo gây nhiều lãng phí cho xã hội.

 Bên cạnh đó, việc tăng trưởng tối ưu lợi ích cục bộ mà không quan tâm đến bài toán tổng thể sẽ nhanh chóng tạo ra các mâu thuẫn và xung đột lợi ích với người tiêu dùng, đồng thời gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Về lâu dài, chính các nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường chỉ bó hẹp trong số thuê bao hiện có, với các dịch vụ tự phát triển hiện có.

Hinh 3. Mô hình triển khai đa  phương tiện gia đình (Home Media)

Công việc thiết lập các khung tham chiếu tiêu chuẩn chung cho một địa bàn rộng lớn ở tầm quốc gia và khu vực thông thường sẽ vượt ra ngoài phạm vi hoạt động của một doanh nghiệp đơn lẻ, mà thuộc về phạm vi của các cơ quan quản lý nhà nước, với những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của các dự án cấp quốc gia cùng sự tư vấn chặt chẽ của của các liên minh công nghệ lớn và sự phối hợp của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - truyền hình trên toàn quốc.

Cùng với việc hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, việc thống nhất các mô hình triển khai với một khung tham chiếu chung cho phép các mạng dịch vụ có thể liên thông (roaming), làm giảm giá thành và nâng cao tiện nghi cho người tiêu dùng khi đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Tại mỗi gia đình, toàn bộ các dịch vụ truyền thông giải trí, liên lạc, tự động hoá ngôi nhà,… được kiểm soát thông qua màn hình TV với một cổng truyền thông gia đình (Home Gateway). Đó là ý tưởng của một trong những chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước về CNTT và Truyền thông giai đoạn 2006 – 2010 [6]. Chương trình nghiên cứu này cũng đề xuất một mô hình khung tham chiếu chung (Reference Framework) về Open IPTV và hạ tầng kỹ thuật tích hợp đa dịch vụ truyền thông trên nền IP (Multiplay) cho các nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ viễn thông - truyền hình tại Việt Nam.

Xuất phát từ việc nghiên cứu, phân tích các yêu cầu của người sử dụng dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ, và của hoạt động quản lý nhà nước, 2 khung tham chiếu chính đã được đề xuất. Đó là: HomeMedia® Framework  và  MPF® Framework.

+ HomeMedia® Framework: Khung tham chiếu cục bộ cho thiết lập một hạ tầng mạng tích hợp đa dịch vụ truyền thông tại một khu đô thị hay cụm dân cư.

HomeMedia® Framework tập trung vào môi trường truyền thông toàn diện trong các gia đình và quan hệ Doanh nghiệp-Người tiêu dùng (B2C) với các đặc tả mạng dịch vụ người dùng  và các mô tả cho phép thiết lập các mạng quy mô nhỏ có khả năng sẵn sàng liên thông (roaming) tới các mạng dịch vụ khác để phát triển thuê bao và chia sẻ nội dung/dịch vụ. 

 + MPF® Framework: Khung tham chiếu chung về kiến trúc mạng dịch vụ quy mô lớn, tập trung vào giao diện và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp (B2B) nhằm tạo ra một thị trường chung từ khâu cung cấp nội dung, mạng truyền tải, tới người tiêu dùng trong trong một chuỗi cung ứng dịch vụ có quy mô toàn quốc.

Nhằm cân đối hài hoà tất cả các lợi ích có liên quan, MPF® Framework và HomeMedia®Framework đưa ra các điều kiện ràng buộc về phát triển hạ tầng trong một môi trường phát triển bền vững. 

Những ràng buộc này ban đầu cũng sẽ có thể gây ra những trở ngại nhất định đối với các nhà cung cấp dịch vụ, chủ yếu là xuất phát từ các yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, vì mục tiêu cuối cùng của các khung tham chiếu này là để tạo ra một môi trường phát triển bền vững trong một tầm nhìn dài hạn, nên chắc chắn rằng các nhà cung cấp dịch vụ sẽ hưởng ứng một cách tích cực hơn khi nhận ra và đánh giá đúng về các lợi ích trong tầm trung và dài hạn.

HomeMedia® Solution là giải pháp về một hạ tầng tích hợp đa dịch vụ truyền thông cho các cụm dân cư và khu đô thị mới, được xây dựng dựa trên khung tham chiếu HomeMedia® Framework, hướng vào các tiện nghi truyền thông giải trí toàn diện cho các cộng đồng dân cư với các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thông qua một mạng IP băng rộng (đến từ mạng viễn thông băng rộng hoặc cáp truyền hình), HomeMedia® Solution cung cấp nhiều tiện nghi truyền thông với đa dạng các dịch vụ hội tụ số cho mỗi gia đình. Chẳng hạn như: Các dịch vụ truyền thông giải trí nghe nhìn: Truyền hình theo yêu cầu và rạp hát gia đình;Nghe nhạc/Game theo yêu cầu…Các dịch vụ truyền thông liên lạc, internet và truyền số liệu: Chăm sóc sức khoẻ trực tuyến (Home-Care) và e-Learning; Điện thoại truyền hình và chia sẻ dữ liệu băng rộng; Gửi nhận email và duyệt web qua màn hình TV; Giao dịch thương mại trực tuyến và ngân hàng tại nhà…; Các dịch vụ tự động hoá ngôi nhà, camera giám sát, kết nối thiết bị gia dụng và các dịch vụ ngôi nhà thông minh khác; Cổng tích hợp truyền thông trong gia đình (Home Gateway)

Mô hình khung tham chiếu chung (Reference Framework) về Open IPTV và hạ tầng kỹ thuật tích hợp đa dịch vụ truyền thông trên nền IP (Multiplay) cho các nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ viễn thông - truyền hình tại Việt Nam đã được đề xuất. Đây là cơ sở để tiêu chuẩn hoá cho việc triển khai các dịch vụ IPTV ở quy mô lớn, trên phạm vi toàn quốc để có thể cùng tạo một nền tảng chung nhằm phát triển mạnh mẽ dịch vụ này ở Việt Nam.

Việc thống nhất các mô hình triển khai với một khung tham chiếu chung cho phép các mạng dịch vụ có thể liên thông, nâng cao chất lượng và giảm giá thành dịch vụ, điều đó mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, lợi nhuận cho nhà cung cấp, đồng thời cũng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về chất lượng mạng và dịch vụ.

Hình 4. Triển khai IPTV

Tại thị trường Việt Nam, trong những năm qua số lượng thuê bao di động tăng lên rất nhanh. Tỷ lệ tăng trưởng của thị trường di động trong khu vực nằm ở mức cao nhất trên thế giới. Các dịch vụ thông tin di động ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Cùng với đó, một thành phần quan trọng không thể thiếu trong các dịch vụ thông tin di động đó là các dịch vụ giá trị gia tăng. Việc phát triển các dịch vụ nội dung cho phép các nhà khai thác mạng phối hợp cùng các nhà cung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời mang lại nguồn doanh thu lớn.

Hiện nay, cùng sự ra đời của các giải pháp cho mạng và dịch vụ 3G, với trọng tâm là triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng truyền số liệu và các dịch vụ trên nền Internet, cơ hội thu hút và tăng trưởng nhảy vọt về doanh thu của các nhà mạng và các nhà cung cấp nội dung đã xuất hiện. Nhiều nhà khai thác có kinh nghiệm và có chính sách phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng tốt có thể phát triển được tới trên 30% tổng doanh thu của mạng.

Các dịch vụ 3G và IP TV di động phổ biến nhất mà các nhà mạng tại Việt Nam hiện nay đang giới thiệu đến người dùng là:

- Cuộc gọi thấy hình (Video Call)

- Internet di động (Internet Mobile)

- Truyền hình di động (Mobile TV)

- Cmera di động

- Di động băng rộng (Mobile Broadband)

- Cổng thông tin Portal

-  Các dịch vụ nội dung khác: xem và tải clip về điện thoại, nghe và tải nhạc, game online…

Sự quan tâm chú trọng phát triển giá trị gia tăng đã và đang đem lại những kết quả khả quan minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn của các nhà mạng. Kết quả kinh doanh của các nhà khai thác viễn thông cho thấy: tỷ trọng doanh thu dịch vụ giá trị gia tăng trong tổng doanh thu của toàn mạng liên tục tăng cao. Con số tăng trưởng có thể lên tới 30%, thậm chí là 50%.

Lợi nhuận từ các dịch vụ giá trị gia tăng phát triển rất nhanh và điều đó khẳng định xu hướng của thị trường khi mà nhu cầu sử dụng các dịch vụ thoại đang chững lại và nhu cầu sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng đang tăng mạnh. Sự hội tụ, công nghệ 3G cùng với IP TV, IP TV di động …đã mở ra cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ các loại dịch vụ cho thông tin di động.

Tài liệu tham khảo

[1].“ FlexiISN and Core Network”, Nokia Siemens Networks, 2008

[2]. 3GPP website www.3gpp.org

[3]. Broadband - Network and Service, ZTI Training, 2010.

[4]. 3G Services,  Huwei Presentation, Sep 2010.

[5]. IP Trend, Cisco report, 2008.

[6]. Đề tài cấp nhà nước KC.01.14/06-10

Một số vấn đề bảo mật cho IPv6 (IPv6 Security)

Đào Trung Thành 

Giới thiệu

Giao thức mới IPv6 (Internet Protocol version 6) có những cải tiến đáng kể, giải quyết nhiều vấn đề tồn tại về mặt bảo mật trong giao thức IPv4 cũ. Việc tích hợp giao thức IPSec (IP security) là bắt buộc trong IPv6, điều này khiến cho giao thức IPv6 trở nên an toàn hơn giao thức IPv4 cũ.

Tuy nhiên, bên cạnh tính mềm dẻo, giao thức IPv6 cũng đặt ra một số vấn đề bảo mật mới. Giao thức IP di dộng (Mobile IP protocol) được xây dựng trên giao thức IPv6 nhưng giải pháp cho vấn đề bảo mật của giao thức này vẫn đang được phát triển. Hơn nữa, tính năng mềm dẻo trong việc cấu hình động (Stateless Address Auto-Configuration) cũng gây ra vấn đề bảo mật nghiêm trọng nếu như thiết lập  cấu hình không đúng. Mặc dù về mặt tổng quan, giao thức IPv6 đã tăng cường bảo mật cho toàn bộ hệ thống mạng dựa trên TCP/IP nhưng kẻ tấn công vẫn có khả năng khai thác các phần khác trong giao thức.

Bài viết này sẽ tập trung vào vài khía cạnh được nâng cao về mặt bảo mật của giao thức IPv6 so với IPv4 và các nguy cơ vẫn tồn tại đối với giao thức IPv6 mới này.

Ảnh minh họa: pcworld.com

Giao thức IP thịnh hành là IPv4 được phát triển từ thập kỷ 1970. Giao thức này có nhiều giới hạn về không gian địa chỉ cấp phát và thiếu tính năng bảo mật. Vì vậy IETF (Internet Engineering Task Force) đã phát triển một phiên bản mới để khắc phục các khuyết điểm của phiên bản cũ đồng thời nâng cao hiệu suất, tiện lợi trong việc cấu hình, quản trị. Các chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản của giao thức mới được đề cập trong nhiều RFC (Request for Comment) như  RFC  2460 [1]  (IPv6  Protocol),  RFC  4861 [2] (IPv6  Neighbour  Discovery), RFC  4862 [3] (IPv6  Stateless Address  Auto-Configuration), RFC  4443 [4] (Internet  Control Message Protocol  for  IPv6  (ICMPv6)), RFC 4291 [5] (IPv6 Addressing Architecture), and RFC 4301[6] (Security Architecture  for  IP or IPsec). IPv6 được coi như giao thức IP thế hệ sau (next generation IP - IPng). Có sự khác nhau rõ rệt giữa các header của IPv6 (Hình 1) và IPv4 (Hình 2).

Hình 1: Header của IPv6

 Hình 2: Header của IPv4

 Một số tính năng cải tiến tiêu biểu so với IPv4 được giới thiệu trong IPv6 như sau:

- Định dạng header mới

- Không gian địa chỉ lớn hơn (128 bit so với 32 bit của IPv4)

- Việc đánh địa chỉ và sử dụng trong hệ thống định tuyến có cấu trúc và hữu hiệu hơn

- Tự động cấu hình địa chỉ

- IP security bắt buộc

-  Hỗ trợ QoS (Quality of Service) tốt hơn

- Có giao thức tương tác với node lân cận (neighbouring node interaction)

- Khả năng mở rộng

 Từ các tính năng tiêu biểu trên, IPv6 đã cải thiện, nâng cao bảo mật so với IPv4:

Không gian địa chỉ lớn

Điều này khiến cho kỹ thuật quét cổng (port scanning) dùng bởi kẻ tấn công như là một công cụ tìm hiểu, thu thập mạng trở nên tốn kém, mất nhiều thời gian hơn. Ước tính mất khoảng 10 giờ với băng thông đủ rộng có thể quét toàn bộ không gian địa chỉ IPv4 (32 bit) để tìm các địa chỉ đang trực tuyến hay đang được sử dụng.  Thời gian dùng để quét sẽ gia tăng đáng kể khi không gian địa chỉ đã mở rộng từ 32 bit sang 128 bit. Đó thực sự là một rào cản với kẻ tấn công muốn thu thập các địa chỉ trực tuyến bằng phương pháp quét cổng. Tuy nhiên, không có sự khác về mặt kỹ thuật quét cổng trong hai giao thức IPv6 và IPv4 ngoại trừ một không gian địa chỉ cần quét quá lớn trong IPv6. Cho nên, các biện pháp phòng chống port scanning trong IPv4 như lọc (filter) địa chỉ nội mạng (internal- use address) ở bộ định tuyến ngoại biên hay lọc các dịch vụ không dùng tại các tường lửa (firewall) vẫn tiếp tục sử dụng trong mạng IPv6.

Địa chỉ được tạo mã hóa (Cryptographically Generated Address)

Trong IPv6, có thể tạo một khóa dùng làm chữ ký điện tử (public signature key) cho mỗi một địa chỉ IP. Địa chỉ này được gọi là  địa chỉ được tạo mã hóa CGA (Cryptographically Generated Address) [7]. Tính năng này gia tăng mức độ bảo vệ được dùng trong cơ chế phát hiện bộ định tuyến lân cận (neighbourhood router discovery mechanism) cho pháp người dùng cuối cung cấp bằng chứng sở hữu (proof of ownership) địa chỉ IP của mình. Tính năng này hoản toàn mới ở phiên bản IPv6 và nó đem lại các lợi điểm sau:

-  CGA khiến cho việc giả mạo (spoof) và đánh cắp địa chỉ trong IPv6 khó khăn hơn

-  Cho phép các thông điệp được đảm bảo tính nguyên vẹn bằng chữ ký điện tử

- Không yêu cầu phải nâng cấp hay thay đổi hệ thống mạng

IP Security

IP Security [8] hay ngắn gọn IP Sec cung cấp các dịch vụ mã hóa chất lượng cao, tương thích với nhiều hệ thống và hoạt động ở lớp IP (IP layer). IP Sec là tùy chọn trong IPv4 nhưng là bắt buộc trong IPv6. IP sec tăng cường tính năng bảo mật cho lớp IP nguyên thủy bằng cách cung cấp tính năng xác thực (authenticity), tính nguyên vẹn (integrity), tính bí mật (confidentiality) và điều khiển truy nhập (access control) thông qua việc sử dụng hai giao thức AH (Authentication header) và ESP (Encapsulating Security Payload).

Thay thế ARP (Address Resolution Protocol) bằng ND (Neighbourhood Discovery)

Trong IPv4, địa chỉ lớp 2 (L2) không được rằng buộc trực tiếp với địa chỉ lớp 3. Kết nối giữa hai địa chỉ L2, L3 này phải thông qua một giao thức tên là ARP (address Resolution Protocol). Giao thức này có nhiệm vụ ánh xạ địa chỉ L3 thành các địa chỉ L2 cục bộ tương ứng. ARP có nhiều vấn đề bảo mật trong quá khứ, như giả  ARP (ARP spoofing) chẳng hạn. Trong IPv6, ARP không cần thiết nữa bởi vì phần xác định giao diện ID (Interface Identifier) của địa chỉ L3 của IPv6 được suy ra trực tiếp từ L2 của thiết bị (MAC address). Địa chỉ L3 cùng với phần ID đặc trưng của thiết bị được dùng ở phạm vi toàn cục (global level) trong mạng IPv6. Kết quả là các vấn đề bảo mật liên quan đến ARP đã được giải quyết trong IPv6. Giao thức ND được mô tả trong RFC 4861 [2] (Neighbourhood Discovery) thay thế ARP trong IPv6.

Các tấn công ở IPv4 vẫn tiếp tục xảy ra tại IPv6

Mặc dù có nhiều tính năng bảo mật được tăng cường, nhưng IPv6 không thể giải quyết tất cả các tồn tại trong IPv4. Giao thức IPv6 không thể ngăn được các cuộc tấn công ở lớp trên lớp mạng (network layer). Các cuộc tấn công có thể là:

 -  Tấn công ở lớp ứng dụng: các cuộc tấn công ở lớp 7 mô hình OSI như tràn bộ đệm (buffer overflow), virus, mã độc, tấn công ứng dụng web,…

-  Tấn công brute-force hay dò mật khẩu trong các mô-đun xác thực

-  Thiết bị giả (rogue device) : các thiết bị đưa vào mạng nhưng không được phép. Các thiết bị này có thể là một máy PC, một thiết bị chuyển mạch (switch), định tuyến (router), server DNS, DHCP hay một thiết bị truy cập mạng không dây (Wireless access point),…

- Tấn công từ chối dịch vụ: vẫn tiếp tục tồn tại trong IPv6

- Tấn công sử dụng quan hệ xã hội (Social Engineering): lừa lấy mật khẩu, ID,email spamming, phishing,…

Chuyển tiếp từ IPv4 sang IPv6

Có nhiều công cụ cho phép ứng dụng IPv4 chạy trên mạng cung cấp dịch vụ IPv6 và ngược lại, ứng dụng IPv6 chạy trên mạng cung cấp dịch vụ IPv4. Tuy nhiên, kẻ tấn công có thể thực hiện việc khai thác lỗ hổng này nếu vấn đề bảo mật không được chú trọng, xem xét kỹ lưỡng.

Nhiều kỹ thuật cho phép chuyển tiếp lưu lượng từ hai mạng IPv4, IPv6 sang nhau như 6to4 (định nghĩa trong RFC 3056 [9]), Simple  Internet Transition (SIT) [10], và  IPv6 over UDP  (như là Teredo [11]). Trong các mạng chuyển tiếp lưu lượng IPv6 trên IPv4, nhiều tường lửa cho phép lưu lượng UDP đi qua, cho phép lưu lượng IPv6 over UDP xuyên qua tường lửa mà người quản trị không hề hay biết. Kẻ tấn công có thể lợi dụng các đường hầm 6to4 (6to4 tunnel) để lẩn tránh, vượt qua hệ thống phát hiện truy nhập trái phép IDS (Intrusion Detection System). Vài hệ thống tường lửa cũ chỉ cho phép lọc các lưu lượng IPv4 mà không có khả năng lọc các lưu lượng IPv6 và đơn giản là cho qua tất cả các lưu lượng IPv6 này. Do đó kẻ tấn công cũng có thế tận dụng các nhược điểm nêu trên để tấn công hệ thống bằng việc dùng các gói tin IPv6.

Đối với việc bảo mật của các máy chủ (host security), cần phải nhận thức rằng các ứng dụng vẫn tiếp tục bị tấn công, dễ bị tổn thương trong mạng hỗn hợp IPv4-IPv6 (IPv4-IPv6 mixed networks). Vì vậy nếu lưu lượng cần thiết bị chặn thì lưu lượng này nhất thiết cần bị chặn trên cả hai hệ thống IPv4 và IPv6 và trên tất cả các thiết bị bảo mật như tường lửa, IDS, VPN, etc.

Tóm lại, phiên bản mới của giao thức IP đã cải tiến nhiều tính năng bảo mật. Tuy nhiên, IPv6 cũng đặt ra các vấn đề bảo mật mới và cần phải được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện nhằm đáp ứng các áp lực gia tăng về an ninh, an toàn dữ liệu trong không gian điều khiển.

Tài liệu tham khảo

 [1]. http://tools.ietf.org/html/rfc2460

 [2]. http://tools.ietf.org/html/rfc4861

 [3]. http://tools.ietf.org/html/rfc4862

 [4]. http://tools.ietf.org/html/rfc4443

 [5] http://tools.ietf.org/html/rfc4291

 [6] http://tools.ietf.org/html/rfc4301

 [7] http://www.ietf.org/rfc/rfc3972.txt

 [8] http://tools.ietf.org/html/rfc4301

 [9] http://tools.ietf.org/html/rfc3056

 [10] http://playground.sun.com/ipv6/ipng-transition.html

 [11] http://www.microsoft.com/technet/network/ipv6/teredo.mspx