Tri thức chuyên ngành
An toàn về thông tin mạng - Nguy cơ và thách thức đối với Việt Nam
Submitted by nlphuong on Tue, 29/11/2011 - 06:23(ICTPress) - Các loại tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng là những vấn đề thuộc an ninh phi truyền thống đang ngày càng phổ biến và tác động, ảnh hưởng đến an ninh.
Ảnh minh họa |
Sau sự kiện 11/9 ở Mỹ, các nước trên thế giới bắt đầu quan tâm đến vấn đề an ninh phi truyền thống. “An ninh phi truyền thống” được hiểu là các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm khủng bố và ma túy đe dọa an ninh khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trong và ngoài khu vực. Các loại tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng là những vấn đề thuộc an ninh phi truyền thống đang ngày càng phổ biến và tác động, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Do đó đảm bảo an toàn thông tin mạng cũng là góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.
Tình hình an ninh mạng trên thế giới và tại Việt Nam
Trên thế giới
Tình hình an ninh thông tin trên thế giới trong vòng một năm vừa qua nổi lên với rất nhiều các cuộc tấn công mạng máy tính. Các cuộc tấn công tin học này nhằm vào mọi cơ quan tổ chức, từ các cơ quan chính phủ, các công ty lớn tới các tổ chức quốc tế.
Ngày 25/7/2010, thế giới ngỡ ngàng khi 92.000 báo cáo mật về cuộc chiến tại Afghanistan đã được Wikileaks tiết lộ, tiếp theo đó 391.831 tài liệu về cuộc chiến Iraq cũng được Wikileaks công khai. Ngày 28/11/2010, Wikileaks tung ra thêm 251.831 tài liệu mật của BNG Mỹ… Đây là kết quả hoạt động nhiều năm của hacker Julian Assange, đồng thời là một tổn thất to lớn cho Chính quyền Mỹ về mặt đảm bảo các bí mật quốc gia.
Ngày 8/6/2011 Trưởng phòng thông tin Quỹ tiền tệ quốc tế - IMF Jonathan Palmer đã thông báo phát hiện có việc chuyển tệp tin khác thường từ máy tính của cơ quan này ra bên ngoài. Và qua điều tra đã phát hiện một PC “đã bị xâm nhập sau đó được sử dụng để truy cập vào một số hệ thống của IMF”.
Mức độ manh động của giới tin tặc (hacker) ngày càng tăng, sẵn sàng tấn công vào hệ thống của các cơ quan quan trọng để đáp trả việc chính quyền truy quét các loại tội phạm mạng. Tháng 6/2011, nhóm hacker LulzSec đã tấn công hệ thống của công ty InfraGard - một đối tác công - tư của cơ quan FBI lấy đi 180 mật khẩu của các thành viên trong công ty này để trả đũa việc Lầu năm góc xem việc tấn công trên mạng là các hoạt động chiến tranh.
Tháng 7/2011, mạng lưới máy tính của Hạ viện Nhật Bản đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công trên mạng xuất phát từ một máy chủ ở Trung Quốc. Thông qua cuộc tấn công, tin tặc đã dùng virus máy tính để đánh cắp mật khẩu và có thể đã đọc được e-mail của các nghị sĩ trong 1 tháng. Những thông tin họ nhằm vào có thể liên quan đến chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản. Máy tính đầu tiên bị nhiễm virus đã kết nối với máy chủ ở Trung Quốc nhưng không dễ để xác định ai là kẻ đứng sau vụ việc vì bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận máy chủ này, có khả năng máy chủ Trung Quốc nói trên đã bị kiểm soát bởi một nước thứ 3.
Tháng 9 /2011, Công ty Mitsubishi Heavy Industry đã công bố 45 máy chủ mạng và 38 PC trong mười nhà máy của họ nằm rải rác khắp nước Nhật đã bị tấn công bằng mã độc. Mitsubishi là sản xuất các linh kiện cho các loại tàu ngầm, tên lửa và nhà máy điện nguyên tử và là nhà sản xuất thiết bị quốc phòng lớn nhất Nhật bản.
Theo báo cáo công bố ngày 24/10, cơ quan giám sát thuộc Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) khuyến cáo bộ này là một trong những nạn nhân của hàng loạt vụ tấn công mạng trong thời gian gần đây và cần phải tăng cường các biện pháp bảo vệ hệ thống máy tính của mình.
Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ cho rằng, các vụ tin tặc xâp nhập thu thập thông tin “tài sản trí tuệ” của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương, đang ở mức độ báo động và gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Tại Việt Nam
Các hệ thống thông tin của Việt Nam trong năm 2011 cũng bị một số cuộc tấn công từ hacker. Điển hình như tháng 6/2011, hơn 275 website của Việt Nam đã bị tấn công trong vòng nửa tháng, trong đó có khoảng 70 website là của các cơ quan nhà nước. Các hình thức tấn công bao gồm tấn công từ chối dịch vụ, tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật để lấy dữ liệu hoặc thâm nhập hệ thống, thay đổi nội dung website,… Tình hình đó đã cho thấy các website của Việt Nam còn nhiều sơ hở về bảo mật và công tác đảm bảo an ninh cho các hệ thống thông tin của VN còn rất nhiều việc phải làm.
Bên cạnh đó tình trạng tội phạm công nghệ cao vẫn còn tồn tại nhức nhối. Với các hình thức như lừa đảo trực tuyến để lấy tài khoản người dùng, lừa khách hàng nạp tiền vào điện thoại của hacker, lừa bán hàng qua mạng để nạn nhân chuyển khoản lấy tiền rồi không chuyển hàng; hoặc các loại tuyên truyền bịp bợm, khiêu dâm gây ảnh hưởng tâm lý của cộng đồng mạng.
Như vậy mục tiêu của các tin tặc không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ, có trình độ bảo mật yếu mà còn có cả các công ty CNTT lớn (Sony, Mitsubishi), các cơ quan quan trọng của chính phủ (FBI-Mỹ, IMF, Hạ viện Nhật,….). Xuất hiện nhiều cuộc tấn công có quy mô với các thủ đoạn iinh vi, tổ chức thu thập dữ liệu quan trọng, chiếm quyền điều khiển, thay đổi nội dung các trang thông tin điện tử... .
Các cuộc tấn công mạng trong năm 2011 cho thấy tội phạm mạng đang tiếp tục nâng cao khả năng triển khai tấn công, bao gồm cả việc “sản phẩm hóa” và bổ sung thêm nhiều tính năng vào các mã độc nhằm tấn công vào những đối tượng cụ thể.
Các việc làm này thực chất đã "đụng" đến vấn đề rất nhạy cảm của 1 quốc gia là" chủ quyền số". Bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng 3G, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin (ATTT) tăng gấp đôi.
Vấn đề an ninh mang đang trở lên hiện hữu, ảnh hưởng sâu rộng, tác động đến các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh quốc gia. Đảm bảo an ninh mạng đang là vấn đề sống còn của các quốc gia trên thế giới.
Nguy cơ và thách thức Việt Nam đang đối mặt
Việc bảo an toàn thông tin mạng của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế:
Thứ nhất, tình trạng thờ ơ với công tác đảm bảo an ninh mạng của các cơ quan tổ chức ở Việt Nam đã diễn ra trong một thời gian dài mà hầu như không có sự thay đổi. Trong khi đó, phương thức và cách thức tấn công ngày càng trở nên dễ dàng và phổ biến đối với các tin tặc. Chỉ với những công cụ sẵn có trên mạng, tin tặc có thể khai thác và tấn công vào hệ thống các website của Việt Nam mà các đợt tấn công diễn ra thời gian qua là một minh chứng. Trong tháng 5 và tháng 6/2011, tin tặc liên tục triển khai các đợt tấn công dồn dập vào máy chủ công ty phân phối FPT, 200 website tiếng Việt, trong đó có khoảng 10% là website của các cơ quan thuộc Chính phủ. Và mới đây, có ít nhất 85.000 máy tính tại Việt Nam bị tấn công, nằm trong mạng botnet Ramnit và bị lấy cắp dữ liệu. Khi bị tấn công, phản ứng của quản trị các website cũng rất khác nhau nhưng đa phần là khá lúng túng.
Thứ hai, là sự thiếu đầu tư về nhân lực CNTT. Các doanh nghiệp (DN) đang phải đương đầu với sự thiếu hụt về nhân lực CNTT và hiểu biết về tội phạm mạng. Hiện nay, phần lớn các DN Việt Nam chưa có sự đầu tư đúng mức về công nghệ bảo mật cũng như về con người do chi phí cho lĩnh vực này khá cao. Các công ty viết phần mềm chưa quan tâm đến an toàn hệ thống và đầu tư cho an ninh mạng chưa đủ ngưỡng. Người quản trị mạng chưa làm tốt công việc của mình: đặt mật khẩu yếu, mở nhiều dịch vụ không cần thiết; các DN và tổ chức ở Việt Nam thường đầu tư dưới 10% chi phí CNTT cho bảo mật - một tỷ lệ dưới mức đảm bảo an toàn cho hệ thống thông tin.
Nguyên nhân của thực trạng này là thiếu những chuyên gia về an ninh mạng, những chuyên viên phụ trách về an toàn thông tin; Thiếu qui trình ứng cứu, khắc phục sự cố, qui định khai thác sử dụng mạng máy tính một cách an toàn, bảo mật; một phần do lãnh đạo các cơ quan, DN Việt Nam chưa thực sự coi trọng vấn đề an ninh mạng, chưa đầu tư đúng mức cho vấn đề bảo mật, một phần do tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo chuyên biệt về an toàn thông tin, chưa có nhiều khóa học cung cấp cho học viên đầy đủ các kiến thức chuyên môn, các kỹ năng phòng chống tin tặc từ căn bản đến chuyên sâu.
Do đó mạng máy tính Việt Nam vẫn là mục tiêu của tấn công của các loại hình tội phạm mạng trên thế giới.
Chưa cơ cơ quan chuyên trách đủ mạnh để ngăn chặn các loại hình tấn công mạng
Theo một số chuyên gia, trong trường hợp có chiến tranh xảy ra, tấn công mạng là một trong những vũ khí được sử dụng trong pha đầu tiên của chiến dịch. Do đó các nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Australia, Singapore,…đã chủ động thành lập các cơ quan chuyên trách nhằm đảm bảo an ninh mạng quốc gia.
Tại Việt Nam mặc dù có một số cơ quan xử lý các vấn đề liên quan đến sự cố mạng nhưng chưa có một cơ quan thực sự chuyên trách để đảm bảo an ninh mạng quốc gia.
Luật về tội phạm công nghệ cao chưa đủ sức răn đe
Vấn đề xử lý các loại tội phạm về an ninh mạng từ trước đến nay luôn gặp khó khăn vì thiếu chế tài, luật pháp chưa đủ mạnh để răn đe tin tặc. Vấn đề này đã được nhắc đến nhiều lần và đã đặt ra cho các cơ quan quản lý một nhu cầu cấp bách phải hoàn thiện hệ thống luật pháp có liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Thời gian vừa qua đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bổ sung cho các thiếu sót này như: Nghị định 63/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT, nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác...
Giải pháp
Tăng cường đảm bảo an ninh mạng trong các tổ chức DN, nâng cao ý thức người dùng
Các cơ quan nhà nước và tổ chức DN chủ động, tích cực trển khai quyết định của 63/QĐ- TTCP về Phê duyệt Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020. Khuyến khích các cơ quan tổ chức thực hiện các chuẩn về an toàn CNTT (ISO 27001), tăng cường đào tạo an mạng đối với cán bộ quản trị mạng.
Tăng cường nhận thức đối với công tác an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân….để chủ động phòng ngừa đối với các hoạt động tấn công mạng, đảm bảo an ninh quốc gia.
Thành lập các cơ quan chuyên trách về an ninh mạng cấp quốc gia
Theo thống kê của quốc tế, hiện có 20 quốc gia có khả năng phát triển chiến tranh mạng, 10 nước sẵn sàng làm việc này. Nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn an ninh thông tin, nhiều Bộ ngành đã thành lập các cơ quan chuyên trách hoạt động trong lĩnh vực này. Ví dụ: Bộ Công an đã thành lập một số Cục chức năng liên quan như Cục H49 - Công nghệ tin học, Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Cục Bảo vệ chính trị VII - A68, Cục An ninh thông tin, truyền thông - A87…Tuy nhiên đứng ở bình diện quốc gia, để đối phó với các cuộc tấn công có qui mô lớn, đảm bảo an toàn Internet, ATTT Nhà nước, cần hình thành cơ quan chuyên trách cấp quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để điều phối chung, ứng đối kịp thời với các cuộc tấn công này.
Hoàn thiện pháp lý để xử lý các vấn đề liên quan đến tội phạm công nghệ cao.
Hiện nay các bộ ngành có liên quan đang phối hợp để sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan đến tội phạm mạng trong bộ luật Hình sự nhằm đủ sức răn đe, xử lý các loại tội phạm công nghệ cao.
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì nên có một luật "thẳng" riêng ("direct law" – là loại luật mà trong đó đề cập đến tất cả hành vi chi tiết và mức độ xử lý tương ứng ngay từ thời điểm ban hành, không có nghị định hay thông tư hướng dẫn) liên quan đến việc xử lý tội phạm mạng nói riêng và tội phạm công nghệ cao nói chung.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tội phạm công nghệ cao
Những vấn đề “an ninh phi truyền thống” hay tội phạm công nghệ cao đã vượt khỏi phạm vi lợi ích an ninh quốc gia của một nước, trở thành những thách thức mang tính toàn cầu, bởi lẽ hoạt động của tội này là “không biên giới” (Trong nhiều trường hợp nạn nhân của tin tặc nằm ở nhiều nước khác, công cụ sử dụng của tin tặc cũng ở nhiều nước khác nhau) . Chính vì vậy, cuộc đấu tranh với loại hình tội phạm này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế bằng những giải pháp và bước đi hài hòa kết hợp kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học kỹ thuật và các mặt khác.
Xu hướng phát triển
Việc tấn công mạng phát triển ngày càng tinh vi và phức tạp.
Các hãng bảo mật không ngừng nâng cấp các sản phẩm nhằm ngăn việc khai thác các lỗ hổng bảo mật, do đó các mã độc sẽ ngày càng độc hơn, nhiều lỗ hổng zeroday được khai thác.
Bên cạnh đó các hình thức tấn công mạng có khả năng được tổ chức bài bản hơn, xuất hiện nhiều phần mềm gián điệp phục vụ cho các mục đích, ý đồ của các cá nhân tổ chức.
An ninh mạng của các nước tiếp tục được tăng cường và phối hợp
Một số nước trên thế giới đã thành lập các đơn vị chuyên trách để đảm bảo an ninh mạng cho quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Australia,… Ngoài việc tăng cường khả năng đối phó với các loại hình tấn công mạng, các nước cũng tăng cường liên kết để đối phó với các hình thức tội phạm mạng và tấn công trên mạng.
15/9, Mỹ và Australia đã bổ sung vấn đề hợp tác chống chiến tranh mạng vào văn kiện phòng thủ chung nhằm đối phó với những thách thức mới trong thế kỷ 21. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith cho rằng an ninh mạng là "một thách thức chủ yếu, xuyên quốc gia trong thế kỷ 21".
Từ tháng 11/2002 đến nay, “an ninh phi truyền thống” trong đó có an ninh mạng là một hướng hợp tác mới được các nước ASEAN triển khai có hiệu quả với các nước đối thoại, nhất là với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU và các tổ chức quốc tế trong hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.
Có sự chuyển hướng sang các thiết bị điện thoại thông minh, điện toán đám mây và mạng xã hội
Năm 2011 tiếp tục đánh dấu sự phát triển và mở rộng của các dịch vụ đám mây, điện toán di động và mạng xã hội. Dự báo trong năm 2012, các dịch vụ này sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc tạo nên một hướng chính mới cho công nghiệp CNTT, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới về an ninh bảo mật. (Hiện nay đã phát hiện ra một số virus chạy trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android,...)
(Trích tham luận do Ban Tổ chức Hội thảo quốc tế Ngày An toàn Thông tin 23/11 cung cấp)
Thực trạng tin nhắn rác và lừa đảo trên mạng thông tin di động
Submitted by nlphuong on Fri, 25/11/2011 - 09:18Thanh tra Bộ TT&TT
Trong thời gian vừa qua, các thuê bao di động liên tục nhận được các tin nhắn rác, quảng cáo có nội dung không lành mạnh, gây tò mò (bói toán, lô đề, v.v…), hoặc có dấu hiệu lừa đảo như nội dung tin nhắn thông báo trúng thưởng, tặng nhạc chuông, hình ảnh, cài đặt GPRS nhưng khi chủ thuê bao di động nhắn tin đến đầu số theo hướng dẫn thì lập tức bị trừ tiền. Thực trạng trên đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có thể tổng hợp vấn đề này như sau:
Thực trạng kinh doanh dịch vụ nội dung và hoạt động nhắn tin rác
Phần lớn các tin nhắn lừa đảo đều sử dụng thuê bao trả trước đăng ký thông tin không có thật (Ảnh: cand) |
Hiện tại, có khoảng 200 công ty dịch vụ nội dung (CP - Provider) chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng tham gia, phát triển và kinh doanh các dịch vụ tin nhắn giải trí qua mạng điện thoại di động (ĐTDĐ). Các sản phẩm, dịch vụ chính trong lĩnh vực này là:
- Cung cấp nhạc chuông, logo, bộ sưu tập ảnh của phụ nữ, hình nền cho ĐTDĐ;
- Cung cấp trò chơi trên điện thoại di động, cài đặt GPRS;
- Cung cấp thông tin tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội;
- Các hình thức trắc nghiệm, tư vấn tình cảm, kết bạn;
- Cung cấp kết quả xổ số, bóng đá, chứng khoán…;
- Tổ chức các trò chơi dự đoán trúng thưởng, bình chọn kết quả, trao giải trúng thưởng;
- Bình chọn cho tổ chức, cá nhân tham gia các sự kiện, các chương trình trên truyền hình;
- Xác nhận mã giao dịch cho hệ thống ngân hàng (thông báo rút tiền, chuyển khoản, thanh toán…).
Bên cạnh việc chủ động cung cấp dịch vụ trên mạng di động, để tăng doanh thu và khai thác triệt để hơn các đầu số thuê của doanh nghiệp (DN) di động, hầu hết các CP còn ký kết hợp đồng hợp tác kinh với các tổ chức, cá nhân khác (Sub-CP) để cùng cung cấp dịch vụ và ăn chia lợi nhuận. Cá biệt, nhiều CP hầu như không kinh doanh mà cho Sub-CP thuê lại đầu số.
Kết quả theo dõi cho thấy, để tiết kiệm chi phí kinh doanh, tránh sự kiểm soát của nhà nước, các CP và Sub-CP đã sử dụng hình thức nhắn tin quảng cáo từ các thuê bao di động trả trước đã được đăng ký thông tin không chính xác. Điều này nhằm dễ dàng tung ra các thông tin quảng cáo không rõ ràng, lừa đảo người sử dụng dịch vụ nhắn tin tham gia dịch vụ để tăng doanh thu cho chủ đầu số. Chính việc này đã làm tăng số lượng tin nhắn rác trong thời gian qua.
Về mặt kỹ thuật, việc nhắn tin rác được thực hiện bằng các modem GSM/CDMA trị giá khoảng 1 triệu đồng, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính có cài đặt phần mềm gửi/nhận tin nhắn, thiết bị này mỗi giờ có thể tự động phát tán tin nhắn hàng loạt với tốc độ 1000 tin nhắn mỗi giờ. Hiện nay còn có tình trạng một số website của nước ngoài cho phép giả mạo số điện thoại để nhắn tin từ Internet tới các thuê bao di động trong nước.
Vấn đề lừa đảo trên mạng di động
Đối tượng lừa đảo
Kết quả thống kê cho thấy, đối tượng lừa đảo có nhiều thành phần, từ các cá nhân đến cả DN cung cấp nội dung (CP) và đối tác của DN này (Sub-CP).
Động cơ lừa đảo
- Động cơ lừa đảo của đối tượng xấu là cá nhân: Việc lừa đảo nhằm được nạp tiền vào tải khoản trả trước, tài khoản game online hoặc tài khoản của đối tượng lừa đảo trên các trang web cung cấp dịch vụ tải game, tải dữ liệu. Cá biệt, có trường hợp lừa đảo là để nhằm tăng các tin nhắn bình chọn cho một cá nhân tham gia cuộc thi nào đó;
- Động cơ lừa đảo của đối tượng là các CP và Sub-CP là nhằm tăng số lượng tin nhắn đến đầu số tắt viễn thông nhằm tăng doanh thu cho các đối tượng này.
Hình thức lừa đảo
Kết quả thanh tra, xử lý vi phạm và theo dõi trong thời gian qua cho thấy, vấn đề lừa đảo trên mạng di động là hết sức rõ ràng. Có thể thống kê một số hình thức lừa đảo như sau:
- Lừa đảo người sử dụng dịch vụ di động nhắn tin nạp tiền vào các tải khoản game online, tài khoản thuê bao trả trước cho đối tượng lừa đảo… thông qua việc nhắn tin lừa đảo (ví dụ: Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để được tặng 200.000 đồng trong tài khoản);
- Không niêm yết đầy đủ, rõ ràng giá cước dịch vụ các dịch vụ, giá cước tham gia các trò chơi, tham gia bình chọn… . Điều này dẫn đến việc người sử dụng dịch vụ di động không biết việc bị mất tiền khi sử dụng dịch vụ, tham gia bình chọn, tham gia các trò chơi;
- Tổ chức các chương trình nhắn tin trúng thưởng (Ví dụ: Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để có cơ hội trúng điện thoại iPhone sành điệu…). Tuy nhiên, thực tế không có bất kỳ ai được trúng thưởng. Trường hợp nếu trúng thưởng thật thì cũng không thông báo trúng thưởng hoặc được trao thưởng như quảng cáo;
- Nhắn tin lừa đảo người sử dụng dịch vụ nhắn tin để biết kết quả sổ số đặc biệt (để chơi lô, đề), nhắn tin để biết người nào hợp tuổi kết hôn, hợp tuổi làm ăn (Ví dụ: Hôm nay K6 dành tặng bạn MAY MẮN CỰC LỚN. Chỉ với 1 tin nhắn bạn nhận ngay CẶP_LÔ_VÀNG về GẢI ĐẶC BIỆT KQXS. Để nhận KQXS soạn K6 gửi xxxx, Chắc ăn 99%);
- Lừa đảo người sử dụng dịch vụ tham gia đấu giá một sản phẩm bất kỳ để có cơ hội nhận tặng phẩm có giá trị cao (Ví dụ: Nhắn tin theo cú pháp ABC gửi xxxx để tham gia chương trình đấu giá điện thoại Nokia E72. Bạn có cơ hội trúng xe máy Novou nếu giá bạn đoán là thấp nhất và duy nhất).
Thủ đoạn lừa đảo
Lợi dụng sự cả tin của người sử dụng dịch vụ: Đa phần các tin nhắn lừa đảo đều sử dụng các ngôn ngữ có tính thuyết phục cao, làm cho người sử dụng dịch vụ tin rằng những nội dung quảng cáo là đúng sự thật và thực hiện theo;
Lợi dụng sự tín nhiệm của người dân vào Đài Truyền hình: Nhiều dịch vụ được các CP và Sub-CP quảng cáo trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh, Truyền hình các tỉnh, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC… Chính vì vậy đã tạo được niềm tin với người sử dụng dịch vụ, thu hút người sử dụng dịch vụ di động nhắn tin;
Lợi dụng sự hám lợi của một bộ phận người dân: Bằng những lời quảng cáo về vật phẩm được nhận có giá trị cao, thủ tục nhận đơn giản, thậm chí đánh bóng bằng việc trao thưởng cho người trúng thưởng (trao thưởng không có thật). Điều đó đã thu hút nhiều người tham gia mà không biết đang bị lừa đảo;
Kích thích trí tò mò của một số dân: Nhiều tin nhắn quảng cáo có nội dung gây sự tò mò cho người sử dụng (Ví dụ: Có một bạn gái tặng cho bạn bản nhạc chuông ABC, để nhận bản nhạc chuông và biết thông tin người gửi, soạn DGH gửi xxx)… Thủ đoạn này cũng lừa đảo được nhiều người sử dụng dịch vụ;
Sử dụng các SIM trả trước đã đăng ký thông tin thuê bao không có thật (SIM rác): Phần lớn các tin nhắn lừa đảo đều sử dụng thuê bao trả trước đăng ký thông tin không có thật. Vì phần lớn thông tin về dịch vụ là không có thật.
Sử dụng các website nước ngoài cho phép nhắn tin giả mạo đầu số nhắn tin của doanh nghiệp thông tin di động: Bằng cách sử dụng dịch vụ trên các trang web ở nước ngoài, đối tượng đã gắn nhãn tin nhắn bằng các đầu số của DN di động hoặc tên người gửi là tên các mạng di động trong nước. Điều này dẫn đến việc người sử dụng dịch vụ nhầm tưởng đó là dịch vụ của DN di động. Do đó, bị đối tượng lừa đảo.
(Trích tham luận do Ban Tổ chức Hội thảo quốc tế Ngày An toàn Thông tin 23/11 cung cấp)
Giám sát khí hậu nhờ cáp viễn thông ngầm dưới biển
Submitted by nlphuong on Wed, 23/11/2011 - 01:28(ICTPress) - CCáp ngầm dưới biển hiện nay có thể trở thành mạng giám sát khí hậu toàn cầu thời gian thực. Các thế hệ tương lai của cáp và các thành phần liên quan có thể trực tiếp đo lường các biến đổi khí hậu như nhiệt độ nước, độ mặn và áp suất ở đáy biển. Bài viết này mô tả việc cáp ngầm dưới biển có thể được sử dụng như thế nào để giám sát biến đổi khí hậu và cảnh báo sóng thần.
Trạm khí hậu đại dương ở dòng biển Agulhas được buộc ở 28,5oS, 30oE, Đông Nam châu Phi |
Nhiệt độ và độ mặn là những thành phần cơ bản của đại dương. Các thành phần này quản lý mật độ nước và cùng với sức gió và năng lượng mặt trời, toàn bộ việc lưu thông của các đại dương. Việc ấm lên toàn cầu làm băng ở các cực tan chảy, giảm khả năng của đại dương là lưu giữ khí nhà kính dưới các tầng nước sâu bởi vì khí ít bị hòa tan ở các nhiệt độ cao hơn. Điều này làm bầu khí quyển nóng lên.
Tầng nước sâu nhất bao phủ đáy đại dương được hình thành ở các khu vực của cực như nước muối ấm được làm mát và thấm xuống. Quá trình này có thể bị tác động bởi sự biến đổi khí hậu, cuối cùng làm thay đổi toàn bộ và lưu thông của các dòng nước đại dương sâu.
Các nhà hải dương học có một loạt các công cụ để giám sát đại dương, với cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Vệ tinh chỉ có thể giám sát số lượng bề mặt, như độ cao bề mặt biển, áp lực gió và nhiệt độ. Một số con thuyền lớn phục vụ mục đích nghiên cứu trên thế giới có thể thực hiện đo kiểm chi tiết nhiệt độ nước và thành phần cấu tạo ở độ sâu, nhưng chỉ từ một phần nhỏ của đại dương và hiếm khi trên một lộ trình thường xuyên. Khoảng 300 cái phao Argo trôi giạt để đo nhiệt độ và độ mặn của biển. Nhưng các phao này không thể đo ở độ sâu dưới 2000 mét, và chúng không thể được sử dụng ở các nơi biển cạn hơn 2000 mét bởi vị chúng có thể chạm đáy.
Cáp viễn thông ngầm dưới đại dương được xem là một cơ hội duy nhất để giám sát độ nước sâu bởi vì chúng nằm ở đáy đại dương. Các tín hiệu điện từ cáp có thể truyền tải thông tin về đại dương, bởi vì các tín hiệu điện từ và sức bền của cáp thay đổi khi các dòng đại dương và nhiệt độ thay đổi. Cáp cũng có thể được sử dụng để cấp nguồn đến và truyền dữ liệu đi, các đài quan sát trên đáy biển. Các hệ thống NEPTUNE Canada và DONET Nhật Bản đã sử dụng cách thức này.
Khai thác cáp viễn thông vẫn còn sử dụng được và quá hạn
Kể từ khi cáp liên lạc ngầm dưới biển được thiết lập qua kênh đào Anh vào năm 1850, hơn 1 triệu km cáp viễn thông đã được đặt dưới đáy đại dương, bao phủ phần lớn toàn cầu. Nhưng chỉ một phần nhỏ trong mạng cáp hiện nay được đưa vào sử dụng khoa học. Đây là một cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Cáp hiện nay gồm cả cáp còn và không còn được sử dụng. Những cáp đã cũ hơn không còn được sử dụng chủ yếu là cáp đồng trục, nhưng một phần lớn cáp quang thế hệ đầu tiên đã không còn được sử dụng mặc dù còn chưa hết vòng đời hữu ích, nhờ có những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ cáp.
Cả cáp đang và không còn được sử dụng thường có thể được chuyển sang các dữ liệu dòng đại dương bằng cách kết nối một vôn kế đơn giản và một máy tính đến trạm đặt cáp trên bờ. Một dòng điện từ được cảm trong cáp bằng nhờ sự chuyển động qua trường điện tử của trái đất của các dòng đại dương, thủy triều và sóng thần. Những đo lường vôn kế này có thể được thực hiện trên một hệ thống cáp đang hoạt động thông thường.
Cáp biển đã được sử dụng để đo lường các dòng đại dương trên toàn thế giới. Ví dụ, một cáp đã được sử dụng để thực hiện các đánh giá lưu lượng nước hàng ngày được vận chuyển nhờ kênh dòng chảy Florida trong suốt 25 năm qua, tạo ra một trong những loạt dữ liệu về thời gian sẵn sàng dài nhất trên tầng nước chảy đại dương. Những thông tin do cáp cung cấp được tập hợp thành một bộ dữ liệu quan trọng để đánh giá sự lưu thông sụp đổ kinh tuyến Đại Tây Dương - một động lực chính của lưu thông ở tầng sâu đại dương và một hiện tượng tầm quan trong đối với các nhà nghiên cứu khí hậu.
Các cáp đã không còn được sử dụng đến có thể được chuyển đến các vị trí quan trọng một cách khoa học như Đại dương ở phương Nam nơi các cáp hiện nay đang rất mỏng. Các chi phí để phân bổ lại được dự kiến là xấp xỉ nửa chi phí của một hệ thống mới - khoảng 20.000 USD/km, so với 50.000 USD/km cho một cáp mới. Nhưng có những khó khăn về mặt pháp lý và thực tiễn để vượt qua việc dành cáp cho các mục đích khoa học, đặc biệt trong việc chuyển giao sở hữu và trách nhiệm pháp lý từ các công ty đến các viện nghiên cứu.
Hiện nay, việc sử dụng cáp chủ yếu giới hạn trong việc kết nối các công cụ đo lường ở các trạm cập bờ. Nhưng trong tương lai - các bộ lặp - điển hình đã được lắp đặt cách xa 50 đến 150km để khuếch đại tín hiệu viễn thông ở một cáp được cấp nguồn - có thể được chuyển đổi để giám sát khí hậu.
Ngành viễn thông có một cơ hội để thiết kế một thế hệ các bộ lặp cáp mới để cung cấp dữ liệu khí hậu cho những người tham gia mới, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ viễn thông cơ bản. Các bộ lặp mới có thể có các bộ cảm biến lắp trong để đo lường các biến đổi khí hậu. Các bộ lặp này sẽ trở thành nền tảng của một mạng hiệu quả chi phí để giám sát biến đổi khí hậu dài hạn.
Các đo lường nhiệt độ và độ mặn tạo điều kiện để giám sát sự ấm lên và làm sạch nước, điều này là nhờ có việc ấm lên của khí quyển và băng tan. Các đo lường áp suất cho thấy những gì đang diễn ra đối với thủy triều đại dương và mực nước biển. Những đo lường này sẽ đưa ra một bức tranh về các tác động của biến đổi khí hậu. Các đo lường này cũng sẽ đưa ra các cảnh báo sóng thần. Một mạng lưới các bộ cảm biến toàn cầu sẽ cho phép các đại dương được giám sát hiệu quả trên toàn cầu tới từng phút và với chi phí thấp. Càng nhiều bộ cảm biến thì sự chính xác của bức tranh càng lớn.
Các bộ lặp hiện nay đang sử dụng đo lường nhiệt độ môi trường, độ mặn và áp suất cùng với các bộ cảm biến. Các bộ cảm biến được đặt bên trong hộp hoặc chỗ dành cho bộ lặp. Các tín hiệu được đo lường sẽ được chuyển đến các trạm bờ biển sử dụng cáp và đường dây dành riêng.
Trong tương lai, các bộ lặp có thể kết hợp các node mục đích chung để cung cấp điện, liên lạc và các tín hiệu thời gian. Ví dụ, các công cụ khoa học có thể được lắp vào - trực tiếp hoặc gián tiếp - bằng cách sử dụng các modem âm thanh. Điều này sẽ làm bộ lặp trở thành thiết bị quan sát, không chỉ để đo nhiệt độ, độ mặn và áp suất, mà còn là một kênh để đánh giá cả dữ liệu khí hậu bổ sung như các dòng chảy đại dương, các cấp độ ô xi, các cấp độ khí nhà kính, động đất và các đặc tính địa vật lý và hóa sinh khác. Nó cũng có thể cho phép đo lường các biến đổi nhiệt độ quy mô sử dụng phương pháp chụp âm thanh và thậm chí cho phép giám sát video dưới nước và giám sát bằng thính giác.
Các kỹ sư đối mặt thách thức tìm kiếm nguồn lực và các thiết kế tin cậy để cấp một hạ tầng linh hoạt và ổn định để truyền dữ liệu. Để cung cấp điện và kết nối quang trong một mạng lớp, không phụ thuộc vào truyền dẫn dữ liệu viễn thông thông thường, Electronics Subsea Communications đã phát triển một loại cáp dẫn điện kép (DCC) và một bộ rẽ nhánh cáp 4. Và bộ rẽ nhánh này có các đầu nối đặc biệt kết nối hai dây dẫn trong khi duy trì tách nguồn giữa các dây dẫn và đáy biển. Kỹ thuật mới này cho phép các bộ cảm biến giám sát khí hậu được tích hợp vào trong chỗ để bộ lặp và được vận hành độc lập với các cấu trúc viễn thông.
Cáp và các bộ lặp cung cấp các hệ thống cảnh báo sóng thần hiệu quả
Thiết bị chính của hệ thống phải đánh giá và báo cáo sóng thần dưới sâu đại dương (DART) được Cơ quan biển và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) xây dựng là một bộ cảm biến áp suất trên đáy đại dương, có thể ghi lại biên độ sóng dưới 1 cm ở ngoài đại dương. Chi phí mua một phao DART khoảng 250.000 USD và các chi phí bảo dưỡng cho một phao là khoảng 125.000/năm, không bao gồm thời gian vận tải, có thể tốn gấp nhiều lần cái phao. Năm 2008, riêng Mỹ đã triển khai 39 phao cảnh báo sóng thần ở Thái Bình Dương.
Nếu có khoảng 200 phao cảnh báo sóng thần được lắp đặt trên toàn thế giới, tổng chi phí mua sẽ chỉ khoảng nửa tỷ USD và chi phí bảo dưỡng sẽ chỉ khoảng ¼ tỷ USD/năm. Gồm cả thời gian vận tải, tổng chi phí có thể hơn 1 tỷ USD/năm. Các phao truyền thống chỉ có vòng đời giới hạn (khoảng 4 năm) bởi vì chúng có nguồn.
Sử dụng các bộ lặp cáp với các bộ cảm biến áp suất được lắp đặt sẽ khả thi cho việc có một mạng cảnh báo sóng thần toàn cầu thời gian thực thực sự có chi phí thấp hơn nhiều so với hệ thống hiện nay. Các chi phí bảo dưỡng và thời gian vận chuyển đắt đỏ (để lắp đặt phao) sẽ được giảm xuống. Cũng bởi vì cáp và các bộ lặp được cấp nguồn từ bờ các bộ cảm biến có thể được cấp nguồn trong nhiều chục năm. Rõ ràng có một cơ hội kinh doanh lớn ở đây cho các công ty viễn thông.
Chi phí thiết kế một loại bộ lặp mới có thể mất nhiều triệu USD, nhưng chỉ mất hàng ngàn với loại bộ lặp mới cần được sản xuất. Cũng tương tự, các loại bộ lặp mới có thể được bán với giá cao hơn so với các loại hiện nay. Số cáp viễn thông được triển khai ở các đại dương sẽ chỉ tăng, và thế hệ các bộ lặp cáp mới sẽ có thể cung cấp dữ liệu quan trọng để giám sát biến đổi khí hậu.
Kết luận
Các công ty viễn thông đã cho phép cộng đồng khoa học tiếp cận cáp của mình và các trạm cập bờ. Nhưng vai trò mà ngành viễn thông đóng góp vào nghiên cứu khí hậu vẫn còn quá khiêm tốn. Các cơ hội kinh doanh hiện vẫn còn cho các công ty muốn đóng góp mạnh mẽ trong việc giám sát biến đổi khí hậu.
Các đại dương là một trong những yếu tố quan trọng trong biến đổi khí hậu, do đó các đại dương phải được theo dõi chặt chẽ. Đặc biệt các đại dương sâu thẳm vẫn chưa được khám phá nhiều. Do việc thiếu vắng các phương tiện hữu ích khác để đo lường dài hạn, việc sử dụng cáp viễn thông để theo dõi các đại dương sẽ rất quan trọng để giám sát biến đổi khí hậu.
ThS. Lê Xuân Thành
Tài liệu tham khảo
[1]. Telecomsearch.com
[2]. Itu.int
[3]. Telecomasia.com
Thế nào là mạng 4G
Submitted by nlphuong on Mon, 21/11/2011 - 06:43Ngành công nghệ viễn thông đã chứng kiến những phát triển ngoạn ngục trong những năm gần đây. Khi mà công nghệ mạng thông tin di động thế hệ thứ ba 3G chưa có đủ thời gian để khẳng định vị thế của mình trên toàn cầu, người ta đã bắt đầu nói về công nghệ 4G (Fourth Generation) từ nhiều năm gần đây. Thế nhưng, nói một cách chính xác thì 4G là gì? Liệu có một định nghĩa thống nhất cho thế hệ mạng thông tin di động tương lai 4G?
Ngược dòng thời gian...
Trong hơn một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự thành công to lớn của mạng thông tin di động thế hệ thứ hai 2G. Mạng 2G có thể phân ra 2 loại: mạng 2G dựa trên nền TDMA và mạng 2G dựa trên nền CDMA. Đánh dấu điểm mốc bắt đầu của mạng 2G là sự ra đời của mạng D-AMPS (hay IS-136) dùng TDMA phổ biến ở Mỹ. Tiếp theo là mạng CdmaOne (hay IS-95) dùng CDMA phổ biến ở châu Mỹ và một phần của châu Á, rồi mạng GSM dùng TDMA, ra đời đầu tiên ở Châu Âu và hiện được triển khai rộng khắp thế giới. Sự thành công của mạng 2G là do dịch vụ và tiện ích mà nó mạng lại cho người dùng, tiêu biểu là chất lượng thoại và khả năng di động.
Hình 1. Sơ đồ tóm lược quá trình phát triển của mạng thông tin di động tế bào |
Tiếp nối thế hệ thứ 2, mạng thông tin di động thế hệ thứ ba 3G đã và đang được triển khai nhiều nơi trên thế giới. Cải tiến nổi bật nhất của mạng 3G so với mạng 2G là khả năng cung ứng truyền thông gói tốc độ cao nhằm triển khai các dịch vụ truyền thông đa phương tiện. Mạng 3G bao gồm mạng UMTS sử dụng kỹ thuật WCDMA, mạng CDMA2000 sử dụng kỹ thuật CDMA và mạng TD-SCDMA được phát triển bởi Trung Quốc. Gần đây công nghệ WiMAX cũng được thu nhận vào họ hàng 3G bên cạnh các công nghệ nói trên. Tuy nhiên, câu chuyện thành công của mạng 2G rất khó lặp lại với mạng 3G. Một trong những lý do chính là dịch vụ mà 3G mang lại không có một bước nhảy rõ rệt so với mạng 2G. Mãi gần đây người ta mới quan tâm tới việc tích hợp MBMS (Multimedia Boadcast and Multicast Service) và IMS (IP Multimedia Subsystem) để cung ứng các dịch vụ đa phương tiện.
Khái niệm 4G bắt nguồn từ đâu?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về 4G, có định nghĩa theo hướng công nghệ, có định nghĩa theo hướng dịch vụ. Đơn giản nhất, 4G là thế hệ tiếp theo của mạng thông tin di động không dây. 4G là một giải pháp để vượt lên những giới hạn và những điểm yếu của mạng 3G. Thực tế, vào giữa năm 2002, 4G là một khung nhận thức để thảo luận những yêu cầu của một mạng băng rộng tốc độ siêu cao trong tương lai mà cho phép hội tụ với mạng hữu tuyến cố định. 4G còn là hiện thể của ý tưởng, hy vọng của những nhà nghiên cứu ở các trường đại học, các viện, các công ty như Motorola, Qualcomm, Nokia, Ericsson, Sun, HP, NTT DoCoMo và nhiều công ty viễn thông khác với mong muốn đáp ứng các dịch vụ đa phương tiện mà mạng 3G không thể đáp ứng được.
Theo dòng phát triển…
Ở Nhật, nhà cung cấp mạng NTT DoCoMo định nghĩa 4G bằng khái niệm đa phương tiện di động (mobile multimedia) với khả năng kết nối mọi lúc, mọi nơi, khả năng di động toàn cầu và dịch vụ đặc thù cho từng khách hàng. NTT DoCoMo xem 4G như là một mở rộng của mạng thông tin di động tế bào 3G. Quan điểm này được xem như là một “quan điểm tuyến tính” trong đó mạng 4G sẽ có cấu trúc tế bào được cải tiến để cung ứng tốc độ lên trên 100Mb/s. Với cách nhìn nhận này thì 4G sẽ chính là mạng 3G LTE , UMB hay WiMAX 802.16m. Nhìn chung đây cũng là khuynh hướng chủ đạo được chấp nhận ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Gần đây trên nhiều blog công nghệ đưa thông tin: “In-Stat nói rằng Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) sẽ công bố trong 2008/2009, 4G chính là LTE, UMB và IEEE 802.16m WiMAX”.
Bên cạnh đó, mặc dù 4G là thế hệ tiếp theo của 3G, nhưng tương lai không hẳn chỉ giới hạn như là một mở rộng của mạng tế bào. Ví dụ ở châu Âu, 4G được xem như là khả năng đảm bảo cung cấp dịch vụ liên tục, không bị ngắt khoãng với khả năng kết nối với nhiều loại hình mạng truy nhập vô tuyến khác nhau và khả năng chọn lựa mạng vô tuyến thích hợp nhất để truyền tải dịch vụ đến người dùng một cách tối ưu nhất. Quan điểm này được xem như là “quan điểm liên đới”. Do đó, khái niệm “ABC-Always Best Connected” (luôn được kết nối tốt nhất) luôn được xem là một đặc tính hàng đầu của mạng thông tin di động 4G. Định nghĩa này được nhiều công ty viễn thông lớn và nhiều nhà nghiên cứu, nhà tư vấn viễn thông chấp nhận nhất hiện nay.
Dù theo quan điểm nào, tất cả đều kỳ vọng là mạng thông tin di động thế hệ thứ tư 4G sẽ nổi lên vào khoảng 2010 - 2015 như là một mạng vô tuyến băng rộng tốc độ siêu cao.
Thiên về hướng “liên đới”
Mạng 4G sẽ không phải là một công nghệ tiên tiến vượt bậc, đủ khả năng đáp ứng tất cả các loại hình dịch vụ cho tất cả các đối tượng người dùng. Những công nghệ “đình đám” nổi lên gần đây như WiMAX 802.16m, Wibro, UMB, 3G LTE, DVB-H…mặc dù chúng đáp ứng tốc độ truyền lớn, tuy nhiên chúng chỉ được xem là những công nghệ pre-4G (tiền 4G).
Mạng 4G sẽ là một sự hội tụ của nhiều công nghệ mạng hiện có và đang phát triển như 2G, 3G, WiMAX, Wi-Fi, IEEE 802.20, IEEE 802.22, pre-4G, RFID, UWB, vệ tinh… để cung cấp một kết nối vô tuyến đúng nghĩa rộng khắp (ubiquitous), mọi lúc, mọi nơi, không kể mạng thuộc nhà cung cấp nào, không kể người dùng đang dùng thiết bị di động gì. Người dùng trong tương lai sẽ thực sự sống trong một môi trường “tự do”, có thể kết nối mạng bất cứ nơi đâu với tốc độ cao, giá thành thấp, dịch vụ chất lượng cao và mang tính đặc thù cho từng cá nhân.
Hình 2. Mô hình mạng hỗn tạp 4G |
“Khách hàng là thượng đế”
Hiện tại khi chúng ta mua một kết nối di động, kết nối ấy gắn với một hợp đồng, với các ràng buộc của nhà cung cấp mạng. Người dùng hầu như không có bất cứ sự lựa chọn nào khác ngoài dịch vụ mà nhà cung cấp cung ứng. Mỗi người ít nhất cũng có vài loại hợp đồng khác nhau để sử dụng các loại hình dịch vụ khác nhau: hợp đồng dùng điện thoại di động, hợp đồng dùng điện thoại cố định, hợp đồng dùng Internet, hợp đồng dùng GPS, hợp đồng dùng dịch vụ TV di động,… Mọi liên lạc, kết nối của người dùng điều chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà cung cấp dịch vụ (nên còn gọi là "network-centric”).
Thực tế, người dùng chính là mục đích cuối cùng mà một sản phẩm hay một công nghệ muốn hướng tới. Do vậy, liệu chỉ cần cung cấp tốc độ dữ liệu cao là đủ đề đáp ứng nhu cầu của người dùng chưa hay 4G cần phải đáp ứng các yêu cầu khác nữa? Sau đây chúng ta thử cùng nhau xem xét những gì người dùng cần mà công nghệ mạng hiện tại chưa đáp ứng được. Đấy chính là chìa khóa cho sự thành công của 4G!
Tình huống 1: Trước khi bạn đi ra khỏi nhà để đến nơi làm việc, bạn cần biết những thông tin như giờ tàu/buýt, tình trạng kẹt xe trên đường, cũng như dự báo thời gian cần thiết để đi đến chỗ làm việc. Một khi người dùng chọn một phương tiện đi lại, thì thông tin về thời gian, thời điểm chuyển đổi phương tiện tiếp theo,..sẽ được cập nhật liên tục với thời gian thực. Trong lúc ngồi trên phương tiện công cộng, bạn muốn đọc e-mail, nghe rađio, xem TV, kết nối với intranet của công ty để chuẩn bị tài liệu cho buối họp,….
Tình huống 2: Bạn có thể sẽ rất thích nhận được những thông tin shopping, hàng giảm giá, thông tin vui chơi giải trí hấp dẫn khi bạn ngồi relax ở nhà hay đang trong xe buýt. Tuy nhiên sẽ có nhiều bạn lại rất ghét những thông tin kiểu thế này. Do đó, dịch vụ này phải tùy theo sở thích, thói quen của từng người dùng. Cũng tương tự ví dụ khi bạn đi du lịch sang một thành phố hay nước nào đó, bạn sẽ rất hài lòng khi nhận được những thông tin hướng dẫn như bản đồ, những địa danh cần tham quan, các món ngon nên thưởng thức… Mỗi khi đến trước một địa điểm tham quan bạn sẽ nhận được thông tin cụ thể về lịch sử, đặc điểm nơi bạn đang tham quan. Đặc biệt hơn nữa nếu các thông tin cung cấp đến bạn theo đúng tiếng mẹ đẻ của bạn.
Trên đây chỉ là hai tình huống tiêu biểu mà người dùng trong tương lai chờ đợi. Để làm được điều đó, hệ thống mạng 4G phải đặt người dùng vào vị trí trung tâm (user-centric), và các dịch vụ trong tương lai sẽ phải tính đến sở thích, yêu cầu, địa điểm, tình huống, thuộc tính của từng người dùng như nghề nghiệp, tuổi tác, quốc tịch….
Tóm lược
Mặc dù thuật ngữ 4G vẫn chưa được bất kỳ một tổ chức chuẩn hóa nào định nghĩa một cách rõ ràng, tuy nhiên mạng 4G được kỳ vọng đáp ứng các đặc điểm sau:
- Đặc tính được kỳ vọng nhất của mạng 4G là cung cấp khả năng kết nối ABC, mọi lúc, mọi nơi. Để thỏa mãn được điều đó, mạng 4G sẽ là mạng hỗn tạp (bao gồm nhiều công nghệ mạng khác nhau), kết nối, tích hợp nhau trên nền toàn IP. Thiết bị di động của 4G sẽ là đa công nghệ (multi-technology), đa mốt (multi-mode) để có thể kết nối với nhiều loại mạng truy nhập khác nhau. Muốn vậy, thiết bị di động sẽ sử dụng giải pháp SDR (Software Defined Radio) để có thể tự cấu hình nhiều loại rađio khác nhau thông qua một phần cứng rađio duy nhất.
- Mạng 4G cung cấp giải pháp chuyển giao liên tục, không vết ngắt (seamless) giữa nhiều công nghệ mạng khác nhau và giữa nhiều thiết bị di động khác nhau.
- Mạng 4G cung cấp kết nối băng rộng với tốc độ tầm 100Mb/s và cơ chế nhằm đảm bảo QoS cho các dịch vụ đa phương tiện thời gian thực.
- Để vượt lên khỏi tình trạng bảo hòa của thị trường viễn thông, các nhà cung cấp mạng sẽ phải tìm kiếm khách hàng bằng các dịch vụ tùy biến theo yêu cầu của khách hàng.
- Mạng 4G sẽ lấy người dùng làm tâm điểm.
Quốc Thịnh
Theo TTCN
Snapdragon S4: Giải pháp chip tích hợp cho kỷ nguyên di động mới
Submitted by nlphuong on Tue, 08/11/2011 - 10:42(ICTPress) - Snapdragon S4 là bộ xử lý dành cho thiết bị di động đầu tiên được sản xuất với công nghệ xử lý 28nm mới nhất, mang lại những lợi thế vốn có về khả năng thay đổi tần số, tiêu thụ năng lượng và giảm kích thước.
Tổng quan
Ngày nay, người tiêu dùng có thể kết hợp lợi ích đầy đủ của Internet tốc độ cao, luôn kết nối cùng với các thiết bị điện tử có khả năng cao được thiết kế nhằm mang lại sự phong phú cho cuộc sống của họ với thông tin và các tính năng giải trí. Với những hệ thống mạng LTE tốc độ cao đang được triển khai trên toàn cầu, người tiêu dùng ngày nay mong muốn có thể mang thiết bị của họ đến bất cứ nơi đâu, thực hiện mọi công việc và chạy những ứng dụng mới nhất bao gồm duyệt web, email, trò chuyện và mạng xã hội, xem video HD và chơi trò chơi tương tác.
Thế giới sẽ không còn bị điều khiển bởi thông số tốc độ megahertz hay đơn giản là việc thêm nhiều lõi CPU hơn để giải quyết vấn đề hiệu suất mà các nhà sản xuất thiết bị đang gặp phải. Nhu cầu cao hơn bao giờ hết về hiệu suất và thời gian hoạt động của pin lâu hơn của những bộ xử lý dành cho thiết bị di động khiến cho các giải pháp PC truyền thống khó có thể theo kịp một tương lai kết nối hoàn toàn. Cần phải có một giải pháp mới.
Để đáp ứng hoàn toàn thách thức này, Qualcomm giới thiệu lớp bộ xử lý Snapdragon S4 – một cấp độ xử lý mới cho ngành di động. Lớp sản phẩm Snapdragon S4 là sự kết hợp của những gì mới nhất trong công nghệ và thiết kế kiến trúc di động nhằm đáp ứng những nhu cầu về kết nối thông minh, hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng.
• Sản phẩm đầu tiên với công nghệ xử lý 28nm:
Snapdragon S4 là bộ xử lý dành cho thiết bị di động đầu tiên được sản xuất với công nghệ xử lý 28nm mới nhất, mang lại những lợi thế vốn có về khả năng thay đổi tần số, tiêu thụ năng lượng và giảm kích thước.
• Sản phẩm đầu tiên tích hợp 3G/4G hoàn toàn: Lớp sản phẩm S4 bao gồm modem đa chế độ/chế độ toàn cầu tích hợp LTE hoàn toàn đầu tiên của ngành.
• Sử dụng bộ lệnh ARM® phần mềm và hệ sinh thái:
Snapdragon S4 là bộ xử lý đầu tiên trong ngành được thiết kế riêng cho công nghệ xử lý tiên tiến và sử dụng kiến trúc bộ lệnh (ISA) ARM.
Bộ xử lý Snapdragon S4 là giải pháp hoàn thiện mang đến sự cân bằng giữa hiệu suất hoạt động và hiệu quả năng lượng, cung cấp:
• Hiệu suất CPU ưu việt: Những bộ CPU đa lõi với dải tần số từ 1,5Ghz đến 2,5Ghz trên mỗi lõi và hỗ trợ đa xử lý đối xứng không đồng bộ (aSMP) cho sự cân bằng tối ưu giữa hiệu suất hoạt động và hiệu quả năng lượng.
• Hiệu suất modem ưu việt: Modem đa chế độ/chế độ toàn cầu tích hợp LTE hoàn toàn đầu tiên của ngành với sự hỗ trợ cho dải tần số và băng tần rộng nhất - bao gồm hỗ trợ đa chế độ hoàn toàn cho các chuẩn hiện tại như EV-DO và HSPA.
• Hiệu suất đồ họa ưu việt: Bộ xử lý GPU Adreno hiệu suất cao có thể lập trình mang đến video chất lượng cao nhất và trải nghiệm trò chơi với chất lượng máy trạm.
• Hiệu quả năng lượng ưu việt: Tích hợp chặt chẽ những bộ phận tốt nhất trong cùng lớp sản phẩm và sử dụng các mô-đun tiêu thụ ít năng lượng, hiệu quả cao như bộ DSP Hexagon có thể lập trình hoàn toàn của Qualcomm mang đến một hệ thống có hiệu quả sử dụng năng lượng cao. Các tùy chọn kết nối cũng bao gồm các mô-đun GPS, Bluetooth, WiFi và FM tích hợp.
Với thế hệ tiếp theo của bộ xử lý Snapdragon S4, người tiêu dùng sẽ trải nghiệm những lợi ích phong phú của internet tốc độ cao được tích hợp hoàn toàn trong thiết bị di động của họ. Bộ xử lý Snapdragon S4 kết hợp hiệu suất và thời gian hoạt động của pin vượt trội với những công nghệ đổi mới cho kỷ nguyên di động mới.
Hình 1: Sơ đồ khối MSM8960 |
Tổng quan hệ thống Snapdragon S4
Sản phẩm di động đầu tiên với công nghệ xử lý 28nm. Snapdragon S4 là bộ xử lý dành cho thiết bị di động đầu tiên được sản xuất với công nghệ xử lý 28nm sử dụng Kiến trúc bộ lệnh (ISA) ARMv7 để thiết lập một thế hệ hiệu suất mới.
Với việc chuyển sang công nghệ xử lý 28nm, Qualcomm có thể cung cấp một thiết kế vô cùng nhỏ gọn nhưng hiệu quả, có thể mở rộng trên nhiều hệ số hình dáng từ điện thoại thông minh và máy tính bảng trên thị trường đại chúng cho đến máy tính xách tay nhỏ gọn, mang đến hiệu suất cao hơn với mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn.
Công nghệ thế hệ tiếp theo ngay trong hôm nay. Lớp sản phẩm S4 đại diện cho chip tích hợp cả hệ thống tùy biến hoàn toàn duy nhất trong ngành, được tối ưu cho trải nghiệm di động và bao gồm những đổi mới như quản lý năng lượng động cho từng lõi, GPU có thể lập trình và xử lý song song thế hệ tiếp theo, modem đa chế độ toàn cầu LTE, bộ nhớ đan xen kênh kép tốc độ cao và DSP có thể lập trình. Bộ xử lý Snapdragon S4 sẽ được sản xuất theo các cấu hình CPU lõi đơn, lõi kép và bốn lõi cho độ linh hoạt thiết kế tối đa. Các sản phẩm mẫu dành cho khách hàng hiện đang được vận chuyển, trước bất kỳ giải pháp tương đương nào khoảng sáu tháng.
Hiệu suất nhiệt ưu việt
Mục đích phát triển cho các ứng dụng di động. Thiết kế nhỏ gọn và công nghệ xử lý thế hệ tiếp theo của Snapdragon S4 mang đến vi kiến trúc nhiệt hiệu quả cao. Các thiết kế CPU ARM thế hệ hiện tại không thể đạt được cùng mức độ hiệu quả năng lượng như dòng sản phẩm Snapdragon S4 mới mang lại. Snapdragon S4 có được lợi ích từ công nghệ xử lý 28nm và những lõi mới được phát triển; những đổi mới này mang lại:
• Kích thước nhỏ hơn
• Tiêu thụ năng lượng thấp hơn
• Hiệu suất nhiệt được cải tiến
Bộ xử lý S4 sẽ duy trì được hiệu suất đỉnh lâu hơn so với những bộ xử lý khác khi chịu tải liên tục nhờ việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Năng lượng bị mất đi do rò rỉ ít hơn giúp thời gian hoạt động của pin lâu hơn.
Hình 2 hiển thị sự vượt trội của S4 với công nghệ xử lý 28nm so với các thiết kế hàng đầu dựa trên ARM với công nghệ xử lý 40nm G với một mức chênh lệch đáng kể, cho phép có được độ linh hoạt thiết kế OEM lớn hơn.
Hình 2: Hiệu suất nhiệt nâng cao |
Kiến trúc CPU mới
Bộ xử lý Snapdragon S4 đưa ra CPU thế hệ thứ hai của Qualcomm, có tên mã là “Krait”. Krait đại diện cho một lớp các CPU hiệu suất cao mới, đồng thời mang lại hiệu quả năng lượng.
Krait vượt trội hơn các CPU ARM hiện tại trên cơ sở so sánh mức lõi. Để đạt được hiệu suất và hiệu quả năng lượng cao nhất, Krait đưa vào các phương pháp thiết kế tiên tiến quan trọng sau:
• Vi kiến trúc CPU mới: Krait được thiết kế để mang đến khoảng hiệu suất đảm bảo hoạt động cho một thế hệ điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay mới. Kiến trúc kiểu đường ống mới tăng hiệu suất của Krait lên hơn 60% so với vi kiến trúc CPU Scorpion hiện tại của Qualcomm.
• Hiệu suất SIMD/VFP: Krait cũng đưa vào số thực nâng cao hiệu suất và đơn vị chức năng SIMD nhằm duy trì đường dẫn dữ liệu mã hóa 128-bit hàng đầu trong ngành.
Các đơn vị tính toán tối ưu, gồm các đơn vị tính toán chính xác gấp đôi, tốc độ thông qua các ứng dụng sử dụng nhiều yếu tố toán học với mức tiêu thụ điện tối thiểu.
• Hệ thống con bộ nhớ được tối ưu hóa: Krait bao gồm bộ nhớ kênh kép. Bộ nhớ kênh kép có ý nghĩa quan trọng để bộ xử lý có thể xử lý các yêu cầu băng thông lớn trong các hệ thống đa lõi. Hình 3 hiển thị lộ trình hiệu suất CPU của Qualcomm:
Hình 3: Lộ trình hiệu suất CPU |
aSMP: Thiết kế với ý thức về Hiệu quả năng lượng.
Để đạt được năng lượng, hiệu suất và đường bao nhiệt tốt hơn, Qualcomm đã thiết kế vi kiến trúc Krait là một hệ thống Đa bộ xử lý đối xứng không đồng bộ, hay aSMP. Sự khác biệt giữa hệ thống aSMP và hệ thống SMP đồng bộ là:
• Xung nhịp và điện áp độc lập: Mỗi lõi trong hệ thống aSMP có một điện áp và xung nhịp riêng, có bộ đệm L2. Điều này cho phép từng lõi CPU hoạt động ở điểm năng
lượng hay điện áp hiệu quả nhất và tần số tùy thuộc vào loại tải đang được thực hiện.
• Cải thiện năng lượng 25–40%: Như hình 4 hiển thị, kiến trúc aSMP mang lại cải thiện năng lượng 25–40% so với các kiến trúc SMP đồng bộ hiện tại.
• Năng lượng chế độ chờ: Trong kiến trúc aSMP, từng lõi không được sử dụng có thể ngừng hoàn toàn một cách độc lập, cho phép không sử dụng năng lượng ở trạng thái nghỉ.
• Giảm độ phức tạp: Kiến trúc aSMP cũng loại bỏ nhu cầu lõi “đồng hành” hay lõi “nhỏ” vì từng lõi trong hệ thống aSMP có thể được vận hành ở chế độ năng lượng thấp nhờ khả năng điều khiển điện áp và tần số độc lập cho từng lõi, do đó làm giảm nhu cầu phải có trình theo dõi máy ảo hoặc quản lý phần mềm phức tạp hơn của các lõi tách biệt.
Hình 4: Tiết kiệm năng lượng CPU không đồng bộ |
Krait ở chế độ năng lượng thấp hơn đáng kể
• Kỹ thuật mạch mới: Krait cũng được thiết kế bằng cách sử dụng luồng thiết kế tùy biến, kết hợp những kỹ thuật mạch mới để cải tiến hiệu suất và năng lượng. Kết quả là một dải rộng và rất hiệu quả Thay đổi tỷ lệ xung nhịp và điện áp động (DCVS), là cách để giải quyết các mô hình sử dụng từ chế độ chờ tích cực cho đến các yêu cầu xử lý mức trung bình và cao. CPU Krait có thể thay đổi nhịp nhàng từ chế độ công suất thấp, độ rò rỉ thấp sang chế độ hiệu suất rất nhanh.
• Vi kiến trúc công suất thấp: Krait cũng đưa vào các phép tối ưu vi kiến trúc mới trên toàn đường ống xử lý như dự đoán phân nhánh hiệu quả, đường ống xử lý cân bằng
nhằm có được sự cân bằng giữa hiệu quả năng lượng và hiệu suất hoạt động.
• Nhiệt: Tính hiệu quả năng lượng của Krait cũng mang lại đường bao nhiệt tốt hơn. Điều này cho phép hệ thống đa bộ xử lý Krait hoạt động ở mức hiệu suất đỉnh trong một thời gian dài hơn so với các giải pháp tương đương và đơn giản hóa thiết kế mức hệ thống như thiết kế bảng mạch, cấp nguồn và tổng chi phí hệ thống. Tóm lại, CPU Krait của Qualcomm thiết lập một tiêu chuẩn mới khi nói đến hiệu suất hoạt động và hiệu quả năng lượng.
GPU nhúng Adreno mới
Họ bộ xử lý S4 là sự kết hợp những gì mới nhất trong công nghệ GPU bắt đầu với Bộ xử lý đồ họa Adreno 225 (GPU).
• Tăng hiệu suất hoạt động của GPU lên 50%: GPU Adreno 225 mang lại công suất xử lý đồ họa lớn hơn 50% so với thế hệ GPU Adreno trước, Adreno 220, và gấp sáu lần công suất xử lý của Adreno 200. Như được trình bày trong biểu đồ dưới đây, Adreno tiếp tục mang lại những lợi ích đáng kể về hiệu suất hoạt động (Hình 5).
Hình 5: Những cải thiện năng lượng của Adreno |
• Kiến trúc Bộ lệnh tính toán hiệu ứng đồ họa hợp nhất (Unified Shader Architecture) mang lại hiệu suất ưu việt:
Được phát triển từ một thành tích đã được minh chứng trước đây của những bộ xử lý nhúng Adreno có khả năng cao, GPU Adreno 225 là một GPU OpenGL ES 2.0 có thể lập trình hoàn toàn với Kiến trúc bộ lệnh tính toán hiệu ứng đồ họa hợp nhất (USA). Kiến trúc USA của Adreno tối đa hóa công suất xử lý của GPU bằng cách đưa ra cách xử lý bộ lệnh tính toán hiệu ứng đồ họa và xử lý đỉnh linh hoạt. Kiến trúc độc đáo này là một bước tiến đáng kể về chất lượng đồ họa trực quan từ những bộ GPU OpenGL-Es 1.x “chức năng cố định” trước đây. Như Hình 5 hiển thị, USA cung cấp hiệu suất đồ họa ưu việt.
GPU Adreno 225 có băng thông bộ nhớ gấp hai lần so với sản phẩm trước, góp phần nhiều hơn nữa cho hiệu suất đồ họa tốt hơn ở độ phân giải màn hình cao hơn.
Các API được hỗ trợ bởi Adreno 225 bao gồm OpenGL ES 1.1, OpenGL ES 2.0 và DX9.3.
Adreno 225 hỗ trợ hoàn toàn Windows 8. So với Adreno 220, Adreno 225 đưa vào nhiều tính năng hơn, chủ yếu để hỗ trợ DirectX 9.3 dành cho Windows 8.
Các tính năng mới này bao gồm:
• Mức độ linh hoạt và khả năng của bộ lệnh tính toán hiệu ứng đồ họa hợp nhất gia tăng
• Các mô-đun xử lý bề mặt được cải tiến với hỗ trợ cho các dạng bề mặt sRGB
• Phần cứng xử lý đường quét nâng cao với sự hỗ trợ cho nhiều đối tượng hiển thị đồ họa, mặt phẳng cắt hình dành cho người dùng, khởi tạo phiên bản và những tính năng tiên tiến đã cải thiện hiệu suất bit và xử lý ngắt
Sắp xếp theo ngăn mang lại hiệu quả hiển thị đồ họa GPU cao hơn. Adreno GPU cũng sử dụng phương pháp dựa vào phép sắp xếp theo ngăn để hiển thị đồ họa, góp phần hạ thấp mức tiêu thụ băng thông bộ nhớ và tối đa hóa khả năng hoạt động đồng thời. Hình 7 hiển thị ví dụ về sắp xếp theo ngăn.
Với nhịp độ đổi mới nhanh chóng trong ngành xử lý đồ họa, bộ xử lý Snapdragon S4 sẽ tiếp tục phát triển và đưa vào những gì mới nhất trong công nghệ GPU, đồng thời duy trì khả năng tích hợp hoàn toàn và tương thích hệ thống đầy đủ.
Modem đa chế độ/Chế độ toàn cầu LTE tích hợp
Bộ xử lý Snapdragon S4 bao gồm một modem hoàn toàn mới cho tốc độ, hiệu suất pin và tương thích mạng trên toàn cầu. Bộ xử lý Snapdragon S4 đầu tiên, chipset MSM8960™ bao gồm:
• Modem LTE đa chế độ/chế độ toàn cầu tích hợp hoàn toàn 3G/4G đầu tiên của ngành: Hỗ trợ tất cả các chuẩn LTE 2G, 3G và 4G hàng đầu thế giới. Modem cũng đưa vào hỗ trợ tích hợp cho nhiều mạng định vị vệ tinh (GPS và GLONASS) cũng như sóng vô tuyến tần số ngắn qua Bluetooth, WiFi, FM và NFC.
• Được thiết kế cho tốc độ, tính tương thích và tiết kiệm năng lượng: Bộ xử lý Snapdragon S4 chipset MSM8960 đưa vào hệ thống nền hoàn chỉnh duy nhất của ngành, tích hợp tất cả những công nghệ modem băng rộng di động 2G, 3G và 4G hàng đầu thế giới trên một chip duy nhất. Modem đa chế độ tích hợp mới này được dựa trên kiến trúc tiên tiến, có thể lập trình, với hiệu suất, kích thước và công suất được tối ưu hóa cho sự kết hợp nhanh nhất của các modem sẵn có cho:
- LTE FDD/TDD (Cat3)
- 3G (DC-HSPA+ Cat 24)
- EV-DO Rev. B
- 1x Advanced
- TD-SCDMA
- GSM/GPRS/EDGE
• Tính linh hoạt kết nối: Cho phép một lộ trình phong phú các đặc điểm nâng cao và tính năng của modem mà có thể thực hiện được bằng phần mềm. Bên cạnh khả năng kết nối băng thông rộng di động, Snapdragon S4 đã tích hợp nhiều công nghệ không dây phổ biến khác, bao gồm:
- Bluetooth 4.0
- GPS (sử dụng đồng thời cả hai mạng GPS và GLONASS)
- WiFi a/b/g/n
• Thoại và dữ liệu đồng thời: Với thiết bị cầm tay LTE, modem 8960 cho phép thoại UMTS/GSM và dữ liệu LTE (CSFB), cũng như thoại CDMA đồng thời với dữ liệu LTE (SVLTE).
Công nghệ đầu thu tiên tiến.
• Gia tăng thông lượng và dung lượng mạng người dùng:
Bên cạnh đó, modem đưa vào thế hệ công nghệ đầu thu tiên tiến mới nhất của Qualcomm, như Q-ICE™, QLIC và gRICE™, giúp cân bằng những tín hiệu nhiều đường và HSPA khi người dùng di chuyển ra ngoài vùng phủ sóng LTE. Với thoại, modem 8960 có thể khởi tạo quay lại mạng chuyển mạch (CS) về UMTS, 1x hoặc GSM khi người dùng đang ở phiên dữ liệu LTE. Giải pháp quay lại mạng CS của Qualcomm thực hiện phiên bản tiêu chuẩn mới nhất - phiên bản 9 với kênh thông tin hệ thống (SI) - để giảm dần thời gian thiết lập cuộc gọi xuống dưới một giây. Tính năng quay lại mạng CS là một tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi cho chức năng thoại LTE và chuyển vùng toàn cầu.
Hình 7: Ví dụ về sắp xếp theo ngăn |
Tích hợp phần cứng và phần mềm.
• LTE đa chế độ/chế độ toàn cầu tích hợp hoàn toàn đầu tiên: Modem của Qualcomm được thiết kế cùng nhau để hoạt động thông minh với các bộ xử lý ứng dụng hiệu suất cao như bộ xử lý Snapdragon S4. Đây là modem đa chế độ LTE/3G đầu tiên của ngành được tích hợp với bộ xử lý ứng dụng trên một nền tảng chip đơn dành cho thiết bị cầm tay, máy tính bảng và các thiết bị tiêu dùng khác.
Modem này là modem đa chế độ LTE/3G thế hệ thứ hai của Qualcomm và việc sử dụng chipset MSM8960 của modem này sẽ bao gồm những tính năng mới nhất của LTE phiên bản 9, như truyền liên mạng SI cho hiệu suất CSFB nâng cao, eMBMS, định vị vị trí nâng cao cho E911, cũng như một vài tính năng dựa trên IMS như VoLTE, SR-VCC, RCS và điện thoại video.
• Khả năng thích ứng thời gian thực cho kết nối mạng
tốt nhất: Bên cạnh tính di động liền mạch giữa các mạng RAT, chipset MSM8960 có thể tự động thực hiện các lựa chọn theo thời gian thực để kết nối với mạng tốt nhất hiện sẵn có - cho dù đó là 3G, 4G/LTE, WLAN hoặc BT. Việc này được thực hiện thông qua ngăn xếp phần mềm trong modem, có tác dụng chủ động xác định và chọn kênh tốt nhất sẵn có cho bất kỳ giao tiếp không dây nào.
• Tối ưu hóa dung lượng tải lên và tải xuống: Phần mềm cũng áp dụng điều khiển lưu lượng theo thời gian thực để tối ưu hóa dung lượng tải lên và tải xuống cho các kết nối trơn tru nhất. Điều này đặc biệt quan trọng cho các ứng dụng kết nối như trò chơi tương tác và truyền tải media, tại đó nhu cầu về dung lượng kết nối thay đổi theo từng lúc, nhưng sự trơn tru và tốc độ vẫn là những yếu tố quan trọng. Modem Qualcomm cũng trải qua quá trình kiểm tra trước mở rộng, kiểm tra tương tác trên mạng và quá trình xác nhận trên mạng. Điều này giúp đảm bảo và loại bỏ nhiễu nhiều vùng để làm tăng đáng kể thông lượng người dùng và dung lượng mạng cho UMTS và CDMA một cách tương ứng.
• Tiết kiệm năng lượng 20 - 30%: Modem đạt được mức tiêu thụ năng lượng thấp thông qua việc sử dụng các phương pháp tiết kiệm năng lượng dựa trên tiêu chuẩn như Kết nối gói tin liên tục (CPC), bên cạnh các kỹ thuật do Qualcomm phát triển như Theo dõi năng lượng trung bình (APT) để quản lý năng lượng và nhiệt hiệu quả hơn, hạ thấp tiêu thụ năng lượng lên đến 20 - 30% dựa trên số liệu trong phòng thí nghiệm nội bộ và thực địa của QCT.
Điều này cho phép các OEM thiết kế các thiết bị nhỏ hơn, mỏng hơn và đẹp hơn với thời gian hoạt động của pin lâu hơn.
Đa chế độ/đa băng tần có nghĩa là phạm vi phủ sóng toàn cầu.
• Hỗ trợ nhiều tần số sóng vô tuyến: Các công nghệ băng thông rộng di dộng đang phát triển ngày càng phức tạp trong việc triển khai chúng. LTE hiện đang được thực hiện tại hơn 40 băng tần sóng vô tuyến khác nhau trên toàn thế giới. Để bổ sung cho dải rộng các tiêu chuẩn modem được hỗ trợ, Qualcomm đã thiết kế nền tảng Bộ xử lý Snapdragon S4 chipset MSM8960 để đáp ứng tất cả các tần số thường được sử dụng (từ 700–2600 MHz) và các băng tần lên đến 20 MHz, cho phép khách hàng giải quyết bất kỳ cơ hội mạng di động nào từ việc thực hiện tần số đơn đơn giản nhất cho đến chế độ toàn cầu đa tần số rộng lớn nhất, cho dù là 4G, 3G hoặc 2G.
• Xử lý nhiễu tín hiệu: Mặc dù việc hỗ trợ nhiều tần số sóng vô tuyến trên cùng một chipset có thể phát sinh các vấn đề với nhiễu tín hiệu nhưng MSM8960 sử dụng trình độ chuyên môn của Qualcomm trong thiết kế sóng vô tuyến và modem để cho phép sự tồn tại đồng thời của nhiều tần số hoạt động và tình huống về khả năng hoạt động đồng thời của modem.
• Đa chế độ để chuyển giao trơn tru: Modem “thông minh” đa chế độ của Qualcomm có thể xác định công nghệ mạng tốt nhất sẵn có và thay đổi nhanh chóng và trơn tru sang công nghệ đó theo cách minh bạch với người dùng cuối. Với dữ liệu, modem 8960 sử dụng các tính năng lựa chọn lại, chuyển hướng và chuyển mạch gói (PS) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển trơn tru sang EV-DO rằng cùng với tập hợp mở rộng các API được tối ưu hóa cho modem, modem Qualcomm cũng cung cấp một giải pháp đầu cuối tương thích với dải rộng nhất các mạng (công cộng và tư nhân) với tổng trải nghiệm kết nối tốt nhất, đồng thời sử dụng năng lượng pin ít nhất.
Kiến trúc Hexagon DSP™ có thể lập trình
DSP tùy biến: Một đối tác không thể thiếu trong Tổng hiệu suất hệ thống. Bên cạnh việc thiết kế các CPU, GPU và modem tùy biến, Qualcomm cũng thiết kế bộ xử lý tín hiệu số tùy biến riêng của mình (DSP). DSP Hexagon™ là một phần không thể thiếu của bộ xử lý Snapdragon. Hình 8 trình bày sự phát triển và lộ trình của Hexagon DSP.
Hình 8: Sự phát triển và lộ trình của Hexagon DSP |
• Mô-đun có khả năng cao, tiêu thụ năng lượng thấp:
Hexagon DSP kết hợp những tính năng tốt nhất của cả hai kiến trúc CPU và DSP để có được bộ xử lý có hiệu suất cao, tiêu thụ năng lượng cực thấp. Sự độc đáo của Hexagon DSP của Qualcomm thể hiện ở sự bổ sung bộ phận quản lý bộ nhớ, hỗ trợ đa xử lý đối xứng và trình theo dõi máy ảo cho khả năng gia tăng. Hexagon DSP được sử dụng trong bộ xử lý Snapdragon S4 có bộ đệm lệnh và dữ liệu L1 dành riêng, bộ đệm L2 dành riêng và được thiết kế sử dụng kiến trúc đa luồng đan xen (IMT), có nghĩa là từng luồng được cung cấp tài nguyên với các bộ đếm và bộ đăng ký chương trình độc lập. Hexagon DSP có khả năng chạy nhiều ứng dụng đồng thời, rất giống với CPU, nhưng nó được thiết kế cho mức tiêu thụ năng lượng cực thấp, được xác định vị trí tối ưu để chia sẻ tải cho các nhiệm vụ đặc biệt như âm thanh, cảm biến, video và cải tiến hình ảnh.
• Quản lý tải hoạt động hiệu quả cao: Bằng việc tận dụng Hexagon DSP trong bộ xử lý Snapdragon S4, Qualcomm có thể đạt được những cải thiện hiệu suất đáng kể mà không phải sử dụng thêm CPU hoặc phải chuyển đổi động nhiệm vụ giữa các lõi mà có thể dẫn đến mất hiệu quả về hiệu suất và năng lượng.
Hiệu quả đa phương tiện nâng cao khi sử dụng tính năng chia sẻ tải DSP. Hexagon DSP có một vai trò quan trọng trong lĩnh vực đa phương tiện. Hầu hết các chức năng đa phương tiện có thể được xử lý hiệu quả hơn bằng cách sử dụng công nghệ DSP của Qualcomm.
• Cải thiện hiệu suất chung của hệ thống: Hexagon DSP được thiết kế để đảm bảo rằng số chu kỳ tính toán cần thiết để thực hiện từng chức năng mang tính có thể dự đoán cao. Mức độ dự đoán cao này đảm bảo rằng Hexagon DSP có độ tin cậy rất cao và tiêu thụ năng lượng thấp trong các ứng dụng đa phương tiện. Khi một chức năng đã được chia sẻ tải sang một DSP trên bộ xử lý Snapdragon S4, chúng không bị ảnh hưởng bởi tải ứng dụng người dùng trên CPU.
• Tiêu thụ năng lượng thấp hơn: Hexagon DSP không chỉ giải phóng các chu kỳ trên CPU, mà còn cải thiện hiệu suất chung của hệ thống bằng việc thực hiện các nhiệm vụ bổ sung như đa phương tiện, cải thiện hình ảnh, tính hiện thực gia tăng và các chức năng đa phương tiện khác.
• Chuỗi công cụ mạnh: khả năng độc đáo của Hexagon DSP là kết quả của việc hòa trộn cả hai kiến trúc CPU và DSP. Điều này cho phép Qualcomm cung cấp chuỗi công cụ mạnh để cho phép lập trình tối ưu bằng các ngôn ngữ bậc cao (C, C++, v.v.) hướng đến các môi trường điều hành thời gian thực mạnh.
• Chương trình tiếp cận DSP: Chương trình tiếp cận DSP của Qualcomm cũng cho phép các OEM và ISV phát triển độc lập các ứng dụng DSP tùy biến nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động của bộ xử lý Snapdragon.
Kết luận
Bộ xử lý Snapdragon S4 đưa ra các đổi mới công nghệ quan trọng trong các công nghệ CPU, GPU, Modem và DSP. Phương pháp tiếp cận giải pháp tùy biến và tích hợp cao của Qualcomm cho phép triển khai công nghệ thế hệ tiếp theo ngay trong ngày hôm nay. Bộ xử lý Snapdragon S4 mang đến hiệu suất hoạt động, hiệu quả năng lượng và khả năng mở rộng theo yêu cầu của kỷ nguyên di động mới.
(Nguồn: Qualcomm)
Thế nào là một thành phố Số?
Submitted by nlphuong on Wed, 26/10/2011 - 06:28(ICTPress) - Trong 18 tháng qua, thành phố Boston đã thực hiện những tiến bộ công nghệ đáng kể, làm lợi cho các doanh nghiệp, người dân và khách du lịch.
Thành phố Số (Digital City) hay còn có các thuật ngữ khác như thành phố thông minh (Smart city), cộng đồng thông minh (Smart Community), thành phố thông tin (information city) và thành phố điện tử (e-city). Một thành phố Số thực sự sẽ có những đặc trưng sau:
Kết nối băng rộng: đối với các thành phố số, băng rộng là một tiện ích sống còn như là nước sạch và đường xá thuận tiện. Các thành phố số có một tầm nhìn rõ ràng về tương lai của băng rộng và triển khai các chính sách để thúc đẩy việc triển khai và chấp nhận.
Có công nghệ Số: Các thành phố Số thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ Số để hỗ trợ người nghèo tiếp cận công nghệ số và băng rộng, cho phép đào tạo kỹ năng và tiếp cận các dịch vụ chính phủ và thương mại.
Sáng tạo: Ở các thành phố thông minh, các công ty sử dụng băng rộng để sáng tạo, tạo công ăn việc làm và giảm các chi phí trong khi cung cấp các dịch vụ bất cứ đầu và thời gian nào.
Lực lượng tri thức: công nhận đội ngũ tri thức tạo ra giá trị kinh tế, các thành phố Số sẽ sử dụng ICT để hỗ trợ giáo dục và đào tạo để phát triển một lực lượng lao động có tay nghề.
Sau đây là một số ví dụ về một số thành phố Số ở một số nước trên thế giới:
Mới đây, thành phố Boston, Mỹ vừa được cuộc thăm dò về các thành phố Số hàng năm lần thứ 10 của Trung tâm Chính phủ số của Mỹ trao giải thưởng là thành phố Số hàng đầu của Mỹ. Cuộc thăm dò này xem xét các thành phố ứng dụng công nghệ thành công như thế nào để phục vụ chính quyền.
Thành phố Boston |
Trong 18 tháng qua, thành phố Boston đã đạt được những tiến bộ công nghệ đáng kể, làm lợi cho các doanh nghiệp, người dân và khách du lịch. Tiếp theo thành công của ứng dụng iPhone đầu tiên của thành phố này gọi là Kết nối công dân, thủ phủ của bang Massachusetts sau đó đã hình thành một phiên bản di động của trang web thành phố, một trang web di động giá bình dân mà họ tin rằng sẽ nâng tầm thành phố để liên lạc với các công dân hiện nay và tương lai.
“Khi càng có nhiều người sử dụng các thiết bị di động để truy cập thông tin và tin tức, có một trang di động cho thành phố Boston là cần thiết để cung cấp các dịch vụ cho tất cả các công dân của thành phố chúng tôi. Điều này một lần nữa chứng minh nỗ lực liên tục để sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới”, Thị trưởng thành phố Boston Thomas M. Menino cho biết.
Thành phố Songdo |
Một thành phố Số khác đang được là thành phố Songdo của Hàn Quốc sẽ hoàn thành vào năm 2015. Tất cả các tòa nhà sẽ có các thiết bị hội nghị video độ nét cao (HD). Điều này giúp có được tư vấn từ bệnh viện mà không phải đi lại và các ứng dụng lấy giấy phép từ ủy ban ngay tại nhà. Các tòa nhà có các hệ thống quản lý do ICT hỗ trợ để tiết kiệm năng lượng, các hệ thống xử lý rác thải khí nén nên không cần các xe tải để di chuyển rác đi.
Thành phố Masdar |
Thành phố Masdar ở Abu Dhabi có mục tiêu trở thành là thành phố không carbon đầu tiên trên thế giới và sẽ hoàn tất vào năm 2022. Thành phố này sẽ không có xe ô tô chạy xăng. Thay vào đó, sẽ có các loại xe do máy tính điều khiển chuyên chở người dân.
Việt Anh
Tham khảo:
[1]. wikipedia
[2]. Itu.int
Oracle ERP nâng tầm quản trị nguồn lực doanh nghiệp
Submitted by nlphuong on Mon, 17/10/2011 - 11:24(ICTPress) - Mới đây Công ty Dịch vụ ERP FPT thuộc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) và Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh đã ký kết triển khai giải pháp Oracle ERP.
Với chuyên môn và kinh nghiệm thực tế triển khai nhiều dự án cho các đơn vị lớn, FPT IS sẽ triển khai giải pháp này theo các phân hệ: Kế toán tài chính, Quản lý bán hàng, Quản lý mua hàng, Quản lý kho, Hệ thống báo cáo quản trị cho Trần Anh với quy mô toàn Công ty...
Giới thiệu giải pháp Oracle ERP
Các giải pháp ERP được thiết kế nhằm cung cấp khả năng cải tiến quy trình quản lý tổng thể cho doanh nghiệp (DN). Một hệ thống ERP đầy đủ thường tích hợp các lĩnh vực như tài chính kế toán, mua hàng, bán hàng, tồn kho, sản xuất, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý nguồn nhân lực,…vào hệ thống tổng thể nhằm giúp DN và tổ chức tối ưu khả năng quản lý cũng như điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giải pháp Oracle ERP (Oracle E-Business Suite) là bộ các ứng dụng nghiệp vụ hỗ trợ DN quản lý hiệu quả quan hệ khách hàng, quá trình cung cấp dịch vụ, lao động sản xuất, giao hàng - bán hàng, quản lý thu chi, v.v… toàn bộ được triển khai trên một hệ thống duy nhất được xây dựng trên một kiến trúc thông tin thống nhất.
Oracle E-Business Suite kết hợp các chức năng hoàn thiện, có tính mở và hiệu quả nhất thế giới cho việc quản lý nguồn lực DN với một công nghệ nền mở và linh hoạt. Cho phép DN tăng năng suất, tăng khả năng hoạt động và khả năng thích ứng cần thiết để tăng tốc các chiến lược kinh doanh.
Những đặc điểm chính của giải pháp Oracle ERP:
- Đầy đủ các phân hệ nghiệp vụ: Oracle E-Business Suite có đầy đủ các phân hệ như Kế toán tài chính, Nhân sự tiền lương, Quản lý kho, Mua sắm, Bán hàng, Quản lý dự án, Quản lý sản xuất…
- Tích hợp hoàn toàn - Dữ liệu tập trung: Các phân hệ được xây dựng theo thiết kế tổng thể với mô hình dữ liệu thống nhất và trên một CSDL duy nhất. Dữ liệu được quản lý tập trung, đầy đủ, chia sẻ, thống nhất và xuyên suốt toàn bộ DN.
- Tự động hóa quy trình tác nghiệp: Vận hành theo quy trình nghiệp vụ, hoàn toàn tích hợp giữa các phân hệ, chia sẻ việc nhập liệu cho các cán bộ nghiệp vụ ngay khi nghiệp vụ ban đầu phát sinh, tăng cường kiểm soát luồng dữ liệu.
- Kiến trúc và công nghệ tiên tiến: Kiến trúc 3 lớp (máy trạm, ứng dụng và CSDL), môi trường và kiến trúc tính toán Internet. CSDL và nền công nghệ hàng đầu thế giới của Oracle, hầu như không giới hạn về khối lượng lưu trữ và xử lý dữ liệu.
- An toàn, bảo mật cao: An ninh và an toàn dữ liệu rất cao, phân quyền phù hợp với vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mỗi cá nhân, đơn vị.
Các phân hệ chính của Oracle E-Business Suite:
Kế toán tài chính (Financials)
Oracle Financials cung cấp cho DN toàn bộ bức tranh về tình hình tài chính của mình và cho phép kiểm soát toàn bộ các giao dịch nghiệp vụ, giúp tăng tốc độ khai thác thông tin và tính rõ ràng trong các báo cáo tài chính, từ đó tăng hiệu quả hoạt động của DN. DN có thể đóng sổ cuối kỳ nhanh hơn, ra quyết định chính xác hơn dựa trên số liệu tức thì do hệ thống cung cấp, góp phần làm giảm chi phí vận hành DN. Các phân hệ chính của Oracle Financials là General Ledger, Account Receipables, Account Payables, Assets…
Quản lý mua sắm (Procurement)
Oracle Procurement gồm các phân hệ được thiết kế nhằm quản lý hiệu quả việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ đa dạng và phức tạp. Các phân hệ Quản lý mua sắm cho phép DN quản lý các yêu cầu mua sắm toàn DN, công tác mua sắm, quản lý và lựa chọn nhà cung cấp. Các phân hệ của Quản lý mua sắm gồm Purchasing, Purchasing Intelligence, iProcurement, Sourcing, iSupplier Portal.
Cung ứng (Logistics)
Oracle Logistics hỗ trợ quản lý toàn bộ quy trình cung ứng, từ quản lý kho đến vận chuyển và trả lại hàng với các phân hệ Inventory Management, Mobile Supply Chain, Supply Chain Intelligence, Transportation, Warehouse Management,…
Quản lý bán hàng (Order Fulfillment)
Oracle Order Fulfillment cho phép quản lý các quy trình bán hàng rất mềm dẻo, cung cấp số liệu kịp thời, góp phần tăng khả năng thực hiện đúng hạn các đơn hàng của khách hàng, tự động hóa quy trình từ bán hàng đến thu tiền, góp phần làm giảm các chi phí bán hàng và thực hiện đơn hàng. Các phân hệ của Quản lý bán hàng gồm Order Management, Configurator, Advanced Pricing, iStore, Supply Chain Intelligence…
Quản lý sản xuất (Manufacturing)
Oracle Manufacturing giúp tối ưu hóa năng lực sản xuất, từ khâu nguyên vật liệu đến thành phẩm cuối cùng. Hỗ trợ cả môi trường sản xuất lắp ráp giản đơn (Discrete Manufacturing) và cả môi trường sản xuất chế biến phức tạp (Process Manufacturing), Oracle Manufacturing giúp cải tiến và kiểm soát quy trình sản xuất tốt hơn. Các phân hệ chính của Quản lý sản xuất là MDS, MPS, MRP, BOM/Formula, WIP, Quality, Costing.
Quản trị nhân sự (Human Resources)
Các phân hệ Quản trị nhân sự của Oracle sẽ giúp DN quản lý hiệu quả nguồn nhân lực của mình. Oracle cung cấp các công cụ để gắn người lao động với các mục tiêu của tổ chức, hỗ trợ tất cả các nghiệp vụ quản lý nhân viên, tuyển dụng, đào tạo, lương… Các phân hệ gồm Human Resources, Payroll, Training Administration, Self-Service HR, HR Intelligence, Time & Labor, Advanced Benefits, iLearning, iRecruitment.
Quản lý dự án (Projects)
Oracle Projects giúp cải tiến công tác quản lý dự án, cung cấp thông tin phù hợp cho những người liên quan, từ đó DN có thể điều phối dự án nhịp nhàng, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, ra quyết định kịp thời. Các phân hệ gồm Projects Billing, Projects Costing, Project Intelligence, Project Resource, Project Contracts, Project Collaboration…
Lập kế hoạch (Planning & Scheduling)
Oracle Planning & Scheduling gồm các phân hệ hỗ trợ việc lập kế hoạch cung ứng cũng như kế hoạch sản xuất. Các phân hệ chính gồm Supply Chain Planning, Adv. Supply Chain Planning, Demand Planning, Global Order Promising, Mfg. Scheduling, Inventory Optimization, Collaborative Planning, Supply Chain Intelligence.
Báo cáo phân tích (Intelligence)
Oracle E-Business Intelligence là một bộ các ứng dụng lập báo cáo phân tích nhằm đem lại những thông tin kịp thời, chính xác cho các cấp lãnh đạo, các cán bộ quản lý và tác nghiệp. Oracle E-Business Intelligence được tích hợp sẵn trong giải pháp Oracle nên giảm thiểu đáng kể công sức triển khai.
Quản lý bảo dưỡng (Maintenance Management)
Các phân hệ Oracle Enterprise Asset Management và Oracle Maintenance, Repair, and Overhaul hỗ trợ DN chủ động trong việc lên kế hoạch và thực hiện duy tu, bảo dưỡng thiết bị, nhà xưởng, máy móc, xe cộ… Công tác duy tu, bảo dưỡng được thực hiện tốt hơn sẽ giúp tăng tuổi thọ của tài sản, đảm bảo tính an toàn và độ tin cậy của máy móc, thiết bị. Ngoài các phân hệ ERP ở trên, giải pháp Oracle cũng được đánh giá là một lựa chọn hàng đầu cho các DN triển khai mở rộng ERP với việc triển khai CRM (Customer Relationship Management - Quản lý quan hệ khách hàng) và SCM (Supply Chain Planning - Quản lý chuỗi cung ứng).
MV
Các mô hình khai thác dịch vụ Đám mây công cộng
Submitted by nadung on Sun, 09/10/2011 - 12:52Các dịch vụ Điện toán đám mây công cộng (Public Cloud Computing) hiện được cung cấp rộng rãi trên thế giới với rất nhiều lựa chọn cho khách hàng tổ chức cũng như cá nhân.
ICTPress giới thiệu bài viết về các dịch vụ Public Cloud Computing của anh Đường Tất Toàn, Quản trị Dự án Điện toán Đám mây Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS).
Các mô hình dịch vụ Điện toán đám mây (ĐTĐM) hay ngắn gọn là dịch vụ đám mây (cloud service) có thể được quy về ba mô hình IaaS, PaaS, SaaS như cách phân chia của NIST và được tham chiếu sử dụng rộng rãi.
Cách phân chia đó có thể đem đến cho người đọc cảm nhận rằng các lớp dịch vụ đó được triển khai dựa vào nhau (như Hình 1.a, ảnh dưới). Tuy nhiên, lớp dịch vụ SaaS chẳng hạn, có thể được triển khai dựa trực tiếp trên lớp IaaS (Hình 1.b) hoặc có kiến trúc hệ thống riêng để cung cấp dịch vụ SaaS mà không cần dựa trên nền tảng PaaS hoặc IaaS (hình 1.c). Tương tự như vậy, lớp dịch vụ PaaS có thể được phát triển trực tiếp mà không dựa trên một kiến trúc dịch vụ hạ tầng cloud computing.
Các dịch vụ IaaS
Các dịch vụ IaaS cung cấp cho khách hàng tài nguyên hạ tầng điện toán như máy chủ (có thể lựa chọn hệ điều hành – điển hình là Windows và Linux), mạng, không gian lưu trữ, cũng như các công cụ quản trị tài nguyên đó. Các tài nguyên này thường được ảo hóa, chuẩn hóa thành một số cấu hình trước khi cung cấp để đảm bảo khả năng linh hoạt trong quản trị cũng như hỗ trợ tự động hóa.
Dịch vụ hạ tầng cho phép khách hàng thuê tài nguyên tính toán đó thay vì mua thiết bị phần cứng, phần mềm hệ thống và cài đặt trong trung tâm dữ liệu của mình. Đặc điểm của dịch vụ ĐTĐM đó là tính mềm dèo: khách hàng có thể thuê thêm tài nguyên hoặc giảm bớt một cách tự động hoặc theo yêu cầu dựa trên nhu cầu khai thác, sử dụng.
Hiện nay các dịch vụ IaaS phổ biến nhất là cho khách hàng thuê các máy tính ảo (virtual machine), thuê không gian lưu trữ (storage space). Nhà cung cấp dịch vụ cung cấp cho khách hàng phương tiện truy cập thông qua mạng Internet hoặc đường truyền riêng theo nhu cầu. Các chuẩn ảo hóa đã được các nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ sử dụng, đem đến cho khách hàng khả năng thay đổi nhà cung cấp dịch vụ và di chuyển các dữ liệu và máy tính ảo sang nhà cung cấp dịch vụ khác một cách thuận lợi. Các tùy chọn về bảo mật như mã hóa dữ liệu, mã hóa thông tin đường truyền, xác thực mạnh với người dùng cũng được cung cấp.
Hệ thống cho phép lựa chọn một cấu hình máy chủ ảo (VM) trên dịch vụ IaaS – FPT Cloud Lab. |
Mô hình khai thác dịch vụ hạ tầng đám mây mà các tổ chức, doanh nghiệp thường sử dụng đó là thực hiện thuê một số lượng tài nguyên nhất định cho nhu cầu nghiệp vụ hàng ngày, và thuê dự phòng tài nguyên cho những nhu cầu đột biến. Nhờ vậy, tổ chức doanh nghiệp không phải đầu tư ban đầu, chỉ phải trả chi phí cho những nhu cầu sử dụng thực sự. Khai thác dịch vụ hạ tầng đem lại cho khách hàng hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong những trường hợp nhu cầu tính toán, lưu trữ tăng đột biến trong thời gian ngắn, việc đầu tư hạ tầng, thiết bị riêng sẽ gây lãng phí không cần thiết; thời gian để mua sắm thiết bị hạ tầng cũng gây chậm trễ, ảnh hưởng tới công việc, nghiệp vụ của đơn vị.
Các dịch vụ PaaS
Dịch vụ PaaS cung cấp cho khách hàng bộ công cụ để phát triển, thử nghiệm và triển khai ứng dụng trên nền ĐTĐM. Ứng dụng được xây dựng có thể được sử dụng trong nội bộ đơn vị tổ chức, doanh nghiệp hoặc được cung cấp dịch vụ ra bên ngoài cho bên thứ ba. Khách hàng điển hình của dịch vụ PaaS là các ISV (Independent Software Vendor), thực hiện xây dựng các ứng dụng phần mềm và cung cấp lại dịch vụ cho khách hàng là người dùng cuối.
Do đặc thù dịch vụ ĐTĐM cung cấp ứng dụng qua mạng Internet, cho nên hầu hết các nền tảng PaaS cung cấp bộ cung cụ để xây dựng các ứng dụng trên nền tảng Web. Các dịch vụ PaaS phổ biến hiện nay cho phép phát triển ứng dụng trên các nền tảng và ngôn ngữ phát triển ứng dụng phổ biến như .NET (Microsoft Windows Azure); Java, Python, Ruby (Google App Engine, Amazon)... Tuy nhiên ngôn ngữ được hỗ trợ, bộ cung cụ phát triển cũng như các giao diện lập trình ứng dụng (API – Application Programming Interface) có thể nói một mặt là rất phong phú nhưng mặt trái là thiếu chuẩn hóa, thiếu thống nhất. Sự không tương thích giữa các nhà cung cấp dịch vụ PaaS sẽ là một hạn chế cần được khắc phục trong tương lai, nhằm bảo đảm tính mở, cho phép các ứng dụng đám mây có thể dịch chuyển hoặc giao tiếp với nhau giữa các nhà cung cấp dịch vụ.
Dịch vụ SaaS
Trước khi điện toán đám mây được trao đổi rộng rãi trong giới IT hiện nay, thực ra dịch vụ phần mềm (SaaS) đã xuất hiện từ lâu, phổ biến nhất đó là các dịch vụ thư điện tử như hotmail, yahoo mail, gmail... Các dịch vụ này cũng cung cấp cho các tổ chức dịch vụ thư điện tử với tên miền riêng với một mức phí tương đối rẻ. Các dịch vụ phần mềm SaaS cho doanh nghiệp gần đây đang phát triển nhiều hơn: ví dụ như, các dịch vụ ứng dụng văn phòng Office 365 của Microsoft với các ứng dụng email, cộng tác, truyền thông nội bộ; các ứng dụng quản lý khách hàng (CRM) của SalesForce, các ứng dụng thương mại điện tử của Amazon...
Các dịch vụ ứng dụng SaaS đem đến cho tổ chức, doanh nghiệp nhiều lợi ích. Đơn vị trả chi phí theo mức độ sử dụng hàng tuần, hàng tháng mà không phải trả toàn bộ phí bản quyền ngay từ đầu. Ngân sách của doanh nghiệp không phải gánh một khoản đầu tư ban đầu lớn mà sẽ chi trả dần dần và tăng lên khi thực sự có nhu cầu. Bên cạnh đó, tổ chức, doanh nghiệp cũng có lợi thể dùng thử và lựa chọn phần mềm SaaS phù hợp, giảm thiểu được chi phí.
Lời kết
Dich vụ điện toán đám mây cung cấp dưới các hình thức đa dạng với các mô hình khác nhau. Các tổ chức có thể lựa chọn khai thác sử dụng để bổ sung cho hạ tầng điện toán hiện có (dịch vụ IaaS), thử nghiệm, phát triển các ứng dụng (PaaS), hoặc khai thác các ứng dụng sẵn có (SaaS) để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nghiệp vụ, giảm chi phí đầu tư cũng như chi phí cơ hội. Nhìn dưới góc độ quản trị, cloud computing cho phép tổ chức, doanh nghiệp chuyển bớt các công việc IT (outsourcing) cho nhà cung cấp dịch vụ, nhằm tập trung vào phát triển công việc, nghiệp vụ cốt lõi, cải tiến quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thời gian phát triển sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường.
Dương Tất Đoàn
(FPT IS)
Cách sử dụng mã bưu chính Việt Nam để gửi bưu phẩm
Submitted by nlphuong on Sat, 08/10/2011 - 12:15(ICTPress) – Tại buổi Lễ phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41 (năm 2012), Ban tổ chức cuộc thi đã thông báo các bài dự thi gửi về ban tổ chức ngoài phong bì có dán tem, ghi rõ địa chỉ người gửi/địa nơi nhận phải ghi thêm mã địa chỉ bưu chính. Đây là quy định mới của cuộc thi năm nay. Nhân dịp này, Ban tổ chức, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) giới thiệu đến các em và bạn đọc cách sử dụng mã bưu chính Việt Nam để gửi thư.
Trong những năm gần đây xu hướng ứng dụng tin học trong các lĩnh vực bưu chính ngày càng phát triển và đa dạng. Phần lớn các công việc từ giao dịch, khai thác tới quản lý... đều đã được tin học hoá. Một trong những khâu quan trọng trong sản xuất bưu chính là khai thác, chia chọn và phát bưu gửi sao cho chính xác, nhanh chóng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp các dịch vụ gia tăng giá trị như xác nhận chứng từ thanh toán ngay từ khi bưu gửi tới trung tâm chia chọn giúp tăng nhanh thời gian quay vòng vốn của các doanh nghiệp... cần được quan tâm đúng mức. Để đạt được điều này, việc cần thiết là phải nhanh chóng “số hoá” địa chỉ bưu chính, chuyển thông tin về địa chỉ bưu chính từ dạng chữ viết sang dạng số nhằm giảm bớt chi phí và nâng cao độ chính xác cho việc nhận dạng địa chỉ bằng máy móc thay cho con người.
Hiện nay, hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều đã có hệ thống mã địa chỉ bưu chính và được phổ cập sử dụng rộng rãi trong toàn dân. Trên cơ sở hệ thống mã này, các nước này đã sử dụng máy chia chọn tự động ứng dụng công nghệ OCR (Optical Character Recognition) nhằm tăng năng suất và chất lượng trong khâu chia chọn Bưu chính.
Sử dụng mã bưu chính khi gửi thư, bưu gửi sẽ giúp cho việc khai thác, chia chọn, chuyển phát thư từ và bưu gửi được thuận lợi và nhanh chóng hơn; nhờ đó mà chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay thông tin về mã bưu chính và các lợi ích của mã bưu chính còn khá lạ lẫm đối với đại bộ phận người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, vì thế khách hàng chưa có thói quen sử dụng mã bưu chính khi gửi thư, bưu gửi.
1. Khái niệm mã bưu chính
Mã bưu chính là một tập hợp các chữ số dùng để thể hiện một địa chỉ hoặc một cụm địa chỉ theo những nguyên tắc xác định nhằm giúp cho việc khai thác, chia chọn, phân phát thư từ, bưu gửi được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác.
2. Cấu trúc mã Bưu chính Việt Nam
Mã bưu chính Việt Nam gồm 06 chữ số được viết liên tục, trong đó:
- Hai chữ số đầu tiên tính từ trái sang phải xác định tỉnh/thành phố (gọi tắt là mã tỉnh/thành phố). Mỗi tỉnh/thành phố có thể có nhiều hơn một mã tỉnh/thành phố. Ví dụ: Thành phố Hà Nội có thể có các mã: 10xxxx, 11xxxx, 12xxxx, 13xxxx...
- Bốn chữ số đầu tính từ trái sang phải xác định quận/ huyện thuộc tỉnh/thành phố (gọi tắt là mã quận/huyện).
Mỗi quận/huyện có thể có nhiều hơn một mã quận/huyện. Ví dụ: Quận Đống Đa - Hà Nội có thể có các mã: 1150xx, 1168xx, 1170xx...
- Năm chữ số đầu tính từ trái sang phải xác định phường/xã thuộc quận/ huyện của tỉnh/thành phố. Mỗi phường/xã có thể có nhiều hơn một mã phường/xã. Ví dụ: Phường Láng Hạ - Quận Đống Đa - Hà Nội có thể có các mã: 11700x, 11711x...
- Sáu chữ số của mã bưu chính Việt Nam xác định được địa chỉ của đối tượng mang mã.
Ví dụ:
3. Các đối tượng được mang mã bưu chính Việt Nam
Các đối tượng được mang mã bưu chính gồm:
- Một đoạn các đường phố, ngõ, ngách
- Các tổ dân phố hoặc cụm dân cư ở thành phố
- Dãy nhà trong khu tập thể
- Thôn/ấp ở nông thôn
Các đối tượng được mang mã riêng theo nguyên tắc khác:
- Các khách hàng đặc biệt
- Các khách hàng lớn
- Các bưu cục thuộc mạng bưu chính công cộng do Bưu chính Việt Nam quản lý
- Các bưu cục thuộc Bưu điện trung ương
4. Lợi ích của mã Bưu chính Việt Nam
a. Đối với Bưu chính Việt Nam
Vai trò tự động hóa bưu chính
Mã bưu chính có vai trò quan trọng trong tự động hóa bưu chính. Bởi vì, mã bưu chính chỉ thể hiện thông tin cần thiết để phân biệt địa chỉ, không có sự dư thừa thông tin như địa chỉ thực nên sẽ tiết kiệm thời gian đọc, tiết kiệm bộ nhớ của tất cả các máy chia chọn tự động. Còn khi chia chọn thủ công, đọc mã địa chỉ bưu chính cũng nhanh hơn đọc địa chỉ rất nhiều và không dễ bị nhầm lẫn như khi đọc địa chỉ. Trình độ, kinh nghiệm của công nhân khai thác không cần đòi hỏi cao như khi đọc địa chỉ, công nhân chia chọn có khi chỉ cần hai số đầu và cuối cho một khoảng địa chỉ, không cần phải có kinh nghiệm và kiến thức về địa lý. Vì thế, năng suất lao động thủ công cũng tăng lên rất nhiều, giám sát sự căng thẳng cho công nhân chia chọn.
Vai trò trong quản lý bưu chính
Mã địa chỉ bưu chính có vai trò rất lớn trong quản lý bưu chính:
Thứ nhất, do hệ thống mã bưu cục là một tập con của mã địa chỉ bưu chính được bảo toàn theo nguyên tắc địa dư hành chính (ở mức độ nhất định) sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý nghiệp vụ theo lưu lượng, doanh thu để có thể đề ra chiến lược phát triển các bưu cục một cách hợp lý với hiệu quả cao.
Thứ hai, trên cơ sở sử dụng mã địa chỉ bưu chính, công tác xác định luồng lưu lượng bưu chính sẽ thuận lợi tạo điều kiện cho việc xác định phương tiện vận chuyển phù hợp hoặc tối ưu hóa mạng vận chuyển bưu gửi.
Thứ ba, công tác quản lý chất lượng bưu chính cũng sẽ được hưởng lợi từ mã bưu chính do viêc xác định “thời gian lưu kho” của bưu gửi tại các trung tâm chia chọn sẽ do máy tự động xác định.
Thứ tư, khi mã bưu chính được sử dụng rộng rãi sẽ có lợi cho các dịch vụ thư lai ghép (hybrid mail) như DATAPOST, Bưu phẩm không địa chỉ, Quảng cáo trực tiếp… do địa chỉ người nhận đã được mã hóa giúp cho việc phân nhóm khách hàng được thực hiện ngay từ khâu in ấn, gấp lồng phong bì…
Thứ năm, đối với công tác giao dịch với khách hàng, mã bưu chính cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc xác định bưu cục gần nhất với mã bưu chính người nhận có mở dịch vụ nào đó giúp cho giao dịch viên dễ dàng phục vụ khách hàng được thực hiện ngay từ khâu in ấn, gấp lồng phong bì…
Thứ sáu, mã bưu chính thuận tiện cho việc ứng dụng tin học trong quản lý sản xuất, quản lý các dịch vụ.
b. Đối với khách hàng
Lợi ích dễ thấy nhất khi sử dụng mã bưu chính là thư từ, bưu gửi sẽ được phát nhanh hơn và chính xác hơn. Viết mã bưu chính kèm địa chỉ sẽ giúp tránh mọi sai sót và chậm trễ do nhầm lẫn khi đọa địa chỉ viết bằng chữ viết tay như hiện nay.
c. Các lợi ích khác
Mã bưu chính còn đem lại nhiều lợi ích trong các lĩnh vực khác nhau như:
- Cung cấp dịch vụ đặc biệt để giảm chi phí cho các khách hàng lớn do bưu gửi của họ đã được in sẵn mã theo địa chỉ người nhận;
- Cung cấp dịch vụ gia tăng giá trị với các nhu cầu gửi các loại tạp chí, card quảng cáo, hàng quảng cáo trực tiếp;
- Cung cấp thông tin địa chỉ theo mã địa chỉ bưu chính;
- Gắn mã địa chỉ bưu chính với bản đồ hành chính để xác định các vùng có khả năng tiêu thụ hàng hóa…;
- Cung cấp mật độ dân cư tại các vùng cho công tác tiếp thị sản phẩm, dịch vụ…
- Xây dựng kế hoạch thương mại: định hướng phát triển kinh doanh, bán sản phẩm…;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ bưu chính cho khách hàng có nhu cầu thường quyên;
- Cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc xây dựng kho vận đảm bảo phân phối sản phảm hợp lý, nhanh chóng với chi phí vận chuyển tháp nhất;
- Cung cấp thông tin cho công tác nghiên cứu thị trường; xây dựng quy hoạch cho tương lai…
5. Cách tra cứu và sử dụng mã bưu chính Việt Nam
a. Cách tra cứu mã bưu chính
Để biết được mã bưu chính của một địa chỉ, khách hàng có thể:
- Tham khảo thông tin tại các bưu cục của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam
- Bưu chính Việt Nam đã in dạnh bạ mã bưu chính quốc gia để đặt tại các bưu cục. Khách hàng cần tra cứu mã bưu chính có thể tự tra cứu hoặc nhờ giao dịch viên tra cứu tại các bưu cục.
- Gọi điện thoại đến hệ thống Trung tâm hỗ trợ (Call Center) của Bưu chính Việt Nam: Khách hàng có thể gọi điện đến số 1900 545481 để yêu cầu tra cứu mã bưu chính mình cần.
- Truy nhập trang web: http://postcode.vnpost.vn/services/search.aspx
Trang tra cứu tông tin mã bưu chính Việt Nam
Tại ô “Tìm kiếm” cho phép tìm kiếm thuận từ mã ra “Cụm địa chỉ” hoặc ra “Bưu cục” tùy theo ô lựa chọn.
Hoặc cũng có thể cho phép tìm kiếm ngược: từ địa chỉ ra mã; trong đó để bảo đảm tính chính xác của thông tin cần tìm, các tên riêng nên đưa vào trong dấu ngoặc kép. Ví dụ như “Hà Nội”, “Nghi Tàm”, “Thuận An”… (Lưu ý: tiếng Việt nên sử dụng bộ gõ Unicode tổ thợp theo TCVN 6909:2001).
Việc tra cứu thông tin cho phép tìm trên toàn bộ địa chỉ (bao gồm cả tên phường/xã, Quận/huyện, Tỉnh/thành phố) nếu lựa chọn chức năng “tất cả”; Nếu lựa chọn “theo tên” thì chỉ tìm các thông tin liên quan trong các cụm địa chỉ.
b. Cách sử dụng mã bưu chính khi gửi thư từ, bưu gửi
Mã bưu chính được ghi cùng địa chỉ bằng 06 chữ số; Mã bưu chính phải được in hoặc viết tay rõ ràng, dễ đọc, không tẩy xóa, gạch bẩn.
Đối với các bưu gửi trong nước
Các bưu gửi trong nước không cần thiết ghi rõ tên nước, mã địa chỉ ghi sau tên Tỉnh/thành phố, phân cách với tên tỉnh/thành phố ít nhất 1 ký tự trống. Ví dụ:
Người nhận: Nguyễn Văn A, Xóm Nà Chang, Xã Xuân Hòa, Huyện Hà Quảng, Tỉnh Cao Bằng 274623
Người nhận: Trần Văn B, Số 15, Ngõ 47, Phố Nguyên Hồng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội 117082
Đối với các bưu gửi từ nước ngoài gửi về Việt Nam, ngoài địa chỉ chi tiết chính xác bắt buộc phải ghi rõ tên nước ở dòng cuối cùng. Mã địa chỉ ghi sau tên tỉnh/thành phố, phân cách với tên tỉnh/thành phố ít nhất 1 ký tự trống. Ví dụ:
Người nhận: Nguyễn Văn A, Xóm Nà Chang, Xã Xuân Hòa, Huyện Hà Quảng, Tỉnh Cao Bằng 274623, Việt Nam
Người nhận: Trần Văn B, Số 15, Ngõ 47, Phố Nguyên Hồng, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội 117082, Việt Nam
Đối với các bưu gửi có ô dành riêng cho mã bưu chính, ghi rõ mã bưu chính của người nhận theo quy định trong đó mỗi ô chỉ ghi một địa chỉ số; số phải ghi rõ ràng dễ đọc, không gạch xóa. Ví dụ:
./.
Xã hội thông minh cần những giải pháp CNTT nào?
Submitted by nlphuong on Thu, 06/10/2011 - 21:10(ICTPress) - Hướng tới một xã hội thông minh là nội dung chính của của các diễn giả Hàn Quốc trình bày tại “Diễn đàn doanh nghiệp CNTT Hàn Quốc và Triển vọng tương lai” ngày hôm nay 6/9/2011 tại Hà Nội do Bộ Kinh tế Tri thức, Hàn Quốc và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam bảo trợ.
Kỷ nguyên giải pháp CNTT và xã hội thông minh
Theo TS. Hwa-seong Byeon, Phó Giám đốc Cơ quan quảng bá CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA), hiện nay Hàn Quốc đang bước vào kỷ nguyên với những giải pháp thông minh mới. Đây cũng là giai đoạn 3 của Chiến lược phát triển giải pháp CNTT của Hàn Quốc trong hơn 30 năm qua. Giai đoạn 3 này cũng sẽ tập trung vào 4 mảng phát triển như giai đoạn 1 và 2 (Máy tính cá nhân, Mạng, Dịch vụ và Cơ chế chuyển đổi) nhưng theo hướng thông minh, đó là: thiết bị cá nhân thông minh với điện thoại thông minh, máy tính bảng; Mạng thông minh với USN và 4G, dịch vụ sẽ là đường truyền không dây Internet (3D…); và Cơ chế chuyển đổi sẽ là CNTT hiện diện mọi nơi, Internet cho mọi thứ và cơ sở thông minh cho giải pháp này là chất lượng cuộc sống và sự hội tụ thông minh. Ba đặc trưng của ngành CNTT thông minh là tính di động, sự thông minh và tính xã hội.
Xã hội đang biến đổi theo xu hướng thông minh nhờ sự phát triển của các giải pháp CNTT. Theo TS. Yoon Hong Cho, Cơ quan An ninh và Internet của Hàn Quốc (KISA), xã hội thông minh phát triển theo 4 xu hướng: Tivi thông minh (thân thiện môi trường) tức là tivi không còn là một thiết bị đầu cuối đơn giản mà sẽ thông minh gồm nội dung-nền-mạng-thiết bị thu phát; Điện toán đám mây; Công sở thông minh gồm công nghệ dịch vụ (nhắn tin, truyền hình IP - VoIP), công nghệ mạng được sử dụng tại văn phòng (đám mây, tốc độ truyền (Giga), thiết bị đầu cuối…) và công việc linh hoạt không gò bó về thời gian và địa điểm làm việc; và Kết nối cảm ứng (NFC) cho phép đơn giản hóa thực hiện giao dịch, trao đổi dữ liệu và kết nối không dây giữa hai thiết bị trong một khách cách gần nhất định, thường khoảng vài centimet.
Cuộc sống với công nghệ kết nối cảm ứng |
Xã hội thông minh trong tương lai, theo TS. Cho, sẽ cần 6 sản phẩm: Báo giấy điện tử cung cấp phim, hình ảnh và mọi người có thể cầm theo như cuộn giấy; Ảnh giao thoa laze nghĩa là tạo màn hình bằng tia laze và nhận theo tọa độ; Găng tay điện tử - bạn có thể sử dụng máy tính với màn hình điều khiển bằng găng tay từ bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào; Gia tăng hiện thực - các vật thể ảo trong thế giới thật qua công nghệ giúp bạn lái xe những vẫn có thể đọc báo và đàm thoại video; Người máy - di động, phiên dịch đa ngôn ngữ và làm vệ sỹ cá nhân và Sợi điện tử tự hành để điều khiển nhiệt đợi, điều trị bằng dược phẩm tự động.
Hệ thống giao thông minh - lợi ích to lớn cho xã hội và nền kinh tế
Một giải pháp thông minh cho xã hội thông minh được quan tâm nhất tại Diễn đàn này là hệ thống giao thông thông minh đang được triển khai tại Hàn Quốc. Dự án này được khởi động từ năm 1991. Trong các năm 1996 - 1998, kế hoạch tổng thể của dự án quốc gia này đã được hoàn thành và sau đó thực hiện triển khai cho tới nay với 7 khu vực dịch vụ, 23 dịch vụ chính và 46 dịch vụ phụ. Tổng chi phí đầu tư cho dự án này từ năm đầu của giai đoạn 1 dự án là năm 2001 đến năm 2010 là 3.448 triệu USD.
Dịch vụ và kiến trúc của hệ thống giao thông thông minh |
Hệ thống giao thông thông minh (GTTM) của Hàn Quốc đã đem lại lợi ích cho xã hội khoảng 10,7 tỷ USD hàng năm nhờ tiết kiệm chi phí do nạn tắc đường, giao thông và hậu cần, đồng thời gia tăng tốc độ giao thông khoảng 15 - 20%; Tiết kiệm 8,26 triệu lít (6,258 tấn dầu quy đổi) nhiên liệu và giảm 18.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm với mỗi 1000 km đường có trang bị hệ thống giao thông thông minh; Tiết kiệm 8,45 triệu lít (7,905 tấn dầu quy đổi) nhiên liệu và giảm 23.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm với hệ thống thu phí tự động (Hi-pass system) trên các trạm thu phí quốc lộ. Hệ thống này đã được lựa chọn và quản lý trong danh mục tổng số 17 sản phẩm phát triển mở ở Hàn Quốc (13/1/2009).
Tương lai của các dịch vụ giao thông thông minh ở Hàn Quốc, theo TS. Stan Seunghwan Lee, là không cần điều khiển giao thông, không còn tai nạn và tắc đường, thông tin giao thông nhanh và theo yêu cầu và không còn cần đến các trạm thu phí và thiết bị văn phòng cồng kềnh, môi trường trạm thu phí thông minh khi xe chạy không cần dừng đỗ.
Mai Vân