Syndicate content

Nghề báo

Báo Thụy Sĩ đánh giá cao thành tựu kinh tế, ngoại giao của Việt Nam năm 2023

Trước thềm sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thành phố Davos (Thụy Sĩ), ngày 12/1, học giả - nhà báo Thụy Sĩ Guy Mettan đã có bài viết đăng trên báo điện tử bonpourlatete.com, đánh giá cao chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam và nỗ lực sản xuất chip "Make in Vietnam”.

Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, nhà báo Guy Mettan cho biết đầu những năm 2000, ông đã đến Việt Nam nhiều lần để chuẩn bị viết cuốn sách về Hiệp định Geneva chấm dứt Chiến tranh Đông Dương năm 1954. Diện mạo và tầm vóc của  Việt Nam đã thay đổi đáng kinh ngạc kể từ đó đến nay.

Tác giả  nhấn mạnh năm 2023 là một năm bận rộn của Việt Nam với chính sách “ngoại giao cây tre” và nỗ lực trở thành trung tâm mới của ngành bán dẫn. Tranh thủ tối đa các cơ hội mà tình hình quốc tế mang lại, Việt Nam đã tăng cường hoạt động đối ngoại và củng cố quan hệ đối tác. Ông nhận định đất nước Việt Nam vững chắc và linh hoạt, mềm mại và dẻo dai như một cây tre, đón từng làn gió nhẹ và vượt qua những cơn bão làm rung chuyển địa cầu.

Năm ngoái, Việt Nam đã có một loạt các hoạt động ngoại giao cấp cao với các nước, trong đó có các chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Bide và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam. Ông Mettan cũng nhắc tới việc lần đầu tiên Tòa thánh Vatican có một Đại diện thường trú ở Việt Nam và đây là thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican.

Theo tác giả bài viết, Việt Nam dự kiến sẽ đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6 - 6,5% trong năm 2024 nhờ xuất nhập khẩu cũng như hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm mới của ngành bán dẫn với hàng loạt dự án đầu tư có quy mô hàng tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ 100% các công đoạn sản xuất chip “Make in Vietnam” và dự kiến đào tạo 50.000 kĩ sư chuyên ngành tới năm 2030.

Tác giả cho biết Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Hiện nay, Việt Nam chiếm hơn 10% tổng lượng chip bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ, đứng thứ 3 về xuất khẩu chip sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan.

Việt Dũng (TTXVN)

Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/bao-thuy-si-danh-gia-cao-thanh-tuu-kinh-te-ngoai-giao-cua-viet-nam-nam-2023-20240113064043202.htm

Lĩnh vực CNTT-TT phải là thế mạnh và nhiệm vụ của Báo VietNamNet

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Báo VietNamNet, ngày 12/1, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 25 năm thành lập Báo VietnamNet, đánh giá cao sự đóng góp của Báo VietNamNet trong chặng đường 25 năm qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "VietNamNet là tờ báo, là cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT. Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông phải là thế mạnh số một và đó cũng là nhiệm vụ của VietNamNet".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông phải là thế mạnh số một và đó cũng là nhiệm vụ của VietNamNet.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý Báo VietNamNet muốn đổi mới thì lại phải quay về với những giá trị, sứ mệnh ban đầu. Những chữ cần ghi nhớ là VietNam và Net. VietNam là sứ mệnh quốc gia, sứ mệnh phụng sự và hưng thịnh quốc gia, sứ mệnh của những vấn đề quốc gia, sứ mệnh của tinh hoa quốc gia, là khát vọng Việt Nam. Net là internet, là điện tử, là công nghệ số, là đổi mới sáng tạo số.

"Và VietNamNet còn là tinh thần VietNamNet, là ngôi nhà chung VietNamNet, thương hiệu chung VietNamNet: Tôn trọng sự khác biệt để nuôi dưỡng sáng tạo, chọn việc khó hơn để tôi luyện trưởng thành, luôn ở tuyến đầu, có mặt ở những điểm nóng, vấn đề nóng, phản biện xã hội, ý kiến chuyên gia, hướng tới giải pháp hơn là phê phán và tinh thần đồng đội của anh em nhà VietNamNet".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao Huân chương Lao động Hạng Nhất tặng Báo VietNamNet.

Ngày 19/12/1997, website VietNet xuất hiện đánh dấu sự ra đời của Báo điện tử VietNamNet, cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT. Báo VietNamNet được chuyển về Bộ TT&TT ngày 17/6/2008 theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 30/5/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 820/QĐ-TTTT về việc hợp nhất Báo điện tử VietNamNet và Báo Bưu điện Việt Nam thành báo VietNamNet như hiện nay. Từ một trang tin trực tuyến, đến nay, VietNamNet đã phát triển không ngừng, nâng tầm trở thành một thương hiệu có vị thế chính trị xã hội và sức lan tỏa lớn.

Theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet, suốt hành trình và phát triển, Báo VietNamNet đã kiên định chiến lược xây dựng một tờ báo "Tin cậy, Trách nhiệm, Sắc sảo và Đổi mới". Tiêu chí đưa tin "Nhanh, Chính xác, Khách quan và Chuẩn mực" chính là chìa khóa để Báo VietNamNet phụng sự Tổ quốc và Nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội để cùng hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Tổng Biên tập Nguyễn Văn Bá: Báo VietNamNet đã kiên định chiến lược xây dựng một tờ báo "Tin cậy, Trách nhiệm, Sắc sảo và Đổi mới".

25 năm qua, VietNamNet luôn phấn đấu trở thành hình mẫu báo chí tích cực, báo chí giải pháp, truyền thông chính sách, truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy những giá trị cốt lõi của đất nước và nhân dân, cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo.

Với những thành tựu đạt được, Báo VietNamNet vinh dự được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Báo VietNamNet từng được tặng thưởng các Huân chương, bao gồm gồm: Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2012; Huân chương Lao động hạng Nhì, năm 2017.

Cũng tại buổi lễ, sự kiện trao giải Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng 2023 đã diễn ra.

Theo đó, vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh, thầy Thích Minh Niệm và hoa hậu H’hen Nie là những nhân vật được bình chọn thông qua phiếu bầu của độc giả.

Sự kiện này do Báo VietNamNet khởi xướng từ năm 2020 nhằm tôn vinh các cá nhân, tập thể góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Báo chí Lào đưa tin đậm nét về quan hệ đặc biệt Việt - Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trong các ngày 6 - 7/1, nhiều ấn phẩm điện tử báo chí của Lào như báo Pasaxon (Nhân dân), Pathet Lao (Thông tấn xã Lào), Đài Tiếng nói Lào, Báo Laophatthana (Lào Phát triển)... đã đồng loạt đăng tin về chuyến thăm chính thức Việt Nam, kết hợp đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào của Thủ tướng Lào Sonxay Siphandone và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao của nước CHDCND Lào.

Bài viết được đăng trên trang điện tử Pathet Lao (Thông tấn xã Lào). Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào

Các bài viết đều tập trung vào chủ đề “Lào - Việt Nam tiếp tục thắt chặt mối quan hệ đặc biệt”, cho biết ngay sau lễ đón chính thức đầy trọng thị tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội vào sáng 6/1, Thủ tướng Sonexay Siphandone và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiến hành hội đàm tại trụ sở Chính phủ Việt Nam.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã đánh giá cao kết quả hợp tác song phương trong năm 2023, vui mừng nhận thấy có nhiều dự án đã hoàn thành đúng kế hoạch và vượt tiến độ, nhiều dự án tiến triển tốt và nhiều vấn đề tồn tại giữa hai nước cũng đã được giải quyết.

Hai bên nhận thấy, quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục được củng cố, ổn định và có sự tin cậy lẫn nhau ở mức cao. Đây chính là cơ sở tốt đẹp cho thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghiệp, năng lượng, giáo dục, văn hóa, du lịch, y tế... Hai bên cũng trao đổi về phương hướng, kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, thống nhất sẽ tiếp tục cùng thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các văn bản liên quan giữa hai Đảng, hai Nhà nước và tất cả các bộ, ngành khác nhau từ cấp trung ương đến địa phương.

Theo báo chí Lào, tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiệt liệt chào mừng, đánh giá cao chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của đồng chí Sonexay Siphandone; cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ Lào trong thời gian tới đặc biệt là khi Lào làm Chủ tịch ASEAN năm 2024.

Thay mặt Đảng, Chính phủ và Nhân dân Lào, Thủ tướng Sonexay Siphandone đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và sự cảm ơn chân thành tới Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam anh em đã luôn giúp đỡ và hỗ trợ Lào trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước trong suốt những năm tháng qua; đồng thời chúc mừng năm mới 2024 cũng như Tết cổ truyền sắp tới của nhân dân Việt Nam.

Các ấn phẩm điện tử của báo chí Lào cho biết, kết thúc hội đàm, hai Thủ tướng Việt Nam và Lào đã chứng kiến lễ kí kết 4 văn kiện hợp tác gồm, Nghị định thư hợp tác Biên phòng giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam - Lào; Bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác giữa hai Văn phòng Chính phủ Việt Nam - Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào; Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào; Kế hoạch hợp tác năm 2024 giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục - Thể thao Lào.

Phạm Kiên – Bá Thành (TTXVN)

https://baotintuc.vn/thoi-su/bao-chi-lao-dua-tin-dam-net-ve-quan-he-dac-biet-viet-lao-20240107122422871.htm

Chuẩn bị tổ chức thật tốt Lễ công bố và trao Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII-năm 2023

Chiều 3/1, tại Đài Truyền hình Việt Nam đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII-năm 2023. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Giải chủ trì cuộc họp.

Đ/c Trương Thị Mai phát biểu ý kiến kết luận tại cuộc họp. (Ảnh: xaydungdang.org.vn)

Tại cuộc họp, đại diện Cơ quan Thường trực Giải Búa liềm vàng cho biết, các tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng năm nay ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục phong phú về chủ đề, thể loại và phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Từ 120 tác phẩm được Hội đồng Sơ khảo xét chọn giới thiệu chấm chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã xem xét, thống nhất lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trao 6 giải A, 12 giải B, 18 giải C, 30 giải Khuyến khích và 6 giải chuyên đề gồm: Giải tác phẩm xuất sắc về tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về đấu tranh chống "diễn biến hòa bình"; Giải tác phẩm xuất sắc về phát hiện tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng cho 15 cơ quan báo chí, hội nhà báo và ban tuyên giáo, ban tổ chức cấp ủy có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức tham gia hưởng ứng giải. Năm nay, Ban Tổ chức cũng chọn một số nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt giải để biểu dương, khen thưởng.

 

Phát biểu ý kiến kết luận tại cuộc họp, đồng chí Trương Thị Mai biểu dương và đánh giá cao công tác chấm giải nghiêm túc, khách quan của Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo và sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của các cơ quan, đơn vị đồng tổ chức giải. Đồng chí nhấn mạnh, Lễ công bố và trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) lần thứ VIII-năm 2023 là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, dự kiến được tổ chức vào ngày 1/2/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024). Theo đó, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan đồng tổ chức giải cần rà soát kỹ các công việc được phân công, triển khai, thực hiện tốt một số công việc chuẩn bị cho Lễ trao giải.

Lễ công bố và trao giải cần được tổ chức chu đáo, trang trọng, vừa mang tính chính trị, vừa mang tính nghệ thuật, hấp dẫn, xứng tầm với một giải báo chí lớn, tạo động lực, khí thế mới, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024.

Nguồn: https://nhandan.vn/chuan-bi-to-chuc-that-tot-le-cong-bo-va-trao-giai-bua-liem-vang-lan-thu-viii-nam-2023-post790543.html

Báo chí phát huy vai trò cầu nối, gắn kết Quốc hội với nhân dân và cử tri

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh trong những thành tựu chung của Quốc hội luôn có sự đồng hành, đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

hiều 27/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023; góp ý, đề xuất và bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội trong năm 2023.

Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân-Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ.

Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và gần 70 Tổng Biên tập, Phó Tổng biên tập các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các ý kiến của lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo góp ý, đề xuất về các sự kiện tiêu biểu của Quốc hội; khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm công bố 10 sự kiện tiêu biểu của Quốc hội trong năm 2023.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ thêm về những dấu ấn nổi bật trong hoạt động của Quốc hội trong năm 2023 - một năm rất bận rộn, sôi động của Quốc hội trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, năng động, chủ động, nâng cao dân chủ và pháp quyền, kiến tạo phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

 

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tới việc lần đầu tiên tổ chức phiên họp giả định Quốc hội Trẻ em; Diễn đàn Người lao động; Hội nghị Toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội; tổ chức thành công Hội nghị Nghị sỹ Trẻ Toàn cầu lần thứ 9 với số lượng các đoàn và đại biểu tham dự đông kỷ lục, lần đầu tiên thông qua tuyên bố hội nghị; tổ chức Hội nghị Toàn quốc tổng kết hoạt động Hội đồng Nhân dân năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023; tổ chức 5 kỳ họp Quốc hội trong 1 năm, trong đó có 3 kỳ họp bất thường để quyết đáp những vấn đề đại sự, cấp bách của đất nước; tổng rà soát pháp luật...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh trong những thành tựu chung của Quốc hội luôn có sự đồng hành, đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí. Các cơ quan báo chí luôn chủ động, tích cực chuyển tải đầy đủ, kịp thời, sinh động những hoạt động của Quốc hội đến với cử tri và nhân dân cả nước; qua đó góp phần nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của nhân dân đối với các quyết sách của Quốc hội; góp phần đưa các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm đi vào cuộc sống.

Báo chí đã phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của các ngành, các giới, của cử tri, nhân dân tới diễn đàn Quốc hội.

"Chúng tôi tin rằng báo chí là một kênh tin cậy để nhân dân giám sát Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Qua kênh báo chí, Quốc hội càng có cơ sở để ban hành nhiều chính sách, pháp luật quan trọng và giám sát tối cao, hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao," Chủ tịch Quốc hội nói.

Về Giải Diên Hồng lần thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vui mừng thông báo, mặc dù thời gian tiếp nhận tác phẩm chỉ 6 tháng (từ 9/6/2023-5/12/2023), nhưng Ban Tổ chức đã nhận được 2.679 tác phẩm dự thi của 138 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Trao giải cho sản phẩm đa phương tiện xuất sắc 'Trang Thông tin Đặc biệt về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026' của TTXVN tại Lễ Tổng kết và Trao Giải Báo chí Toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất năm 2023. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Công tác chấm giải đã hoàn tất và Lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ hai dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1/2024 sắp tới, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối quan trọng, gắn kết Quốc hội với nhân dân và cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chủ quản báo chí nhằm giữ vững vai trò chỉ đạo, định hướng để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; phối hợp triển khai hiệu quả giai đoạn 2 (2023-2025) Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; kết hợp hài hòa giữa sắp xếp và thúc đẩy báo chí phát triển lành mạnh, đúng hướng.

Nhắc tới việc Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành tổng kết thi hành Luật Báo chí, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ nghiên cứu, sớm đề xuất sửa đổi Luật Báo chí để khắc phục vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ quan báo chí phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ quản lý; quan tâm bồi dưỡng nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngang tầm nhiệm vụ được giao; đồng thời khẳng định Đảng đoàn Quốc hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí hoạt động./.

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/bao-chi-phat-huy-vai-tro-cau-noi-gan-ket-quoc-hoi-voi-nhan-dan-va-cu-tri-post917980.vnp

Đại sứ quán Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí Việt-Trung

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Công sứ Ninh Thành Công đã khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương.

Công sứ Ninh Thành Công phát biểu tại buổi gặp. (Ảnh: Mạnh Cường/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 26/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã tổ chức buổi gặp gỡ phóng viên báo chí trước thềm năm mới 2024.

Tham dự cuộc gặp có đông đảo đại diện của hơn 20 cơ quan báo chí chủ chốt của Trung Quốc như Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu,… và các cơ quan báo chí Việt Nam thường trú tại Trung Quốc, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp, thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Công sứ Ninh Thành Công đã khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí trong việc củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho quan hệ song phương; mong muốn thời gian tới, báo chí hai bên đưa nhiều tin bài khách quan về tình hình mỗi nước cũng như về quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, mở rộng hợp tác thực chất cùng có lợi, thúc đẩy sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ Việt-Trung.

Công sứ Ninh Thành Công cũng giới thiệu khái quát những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong năm 2023, cho biết trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới khôi phục chậm, đối mặt nhiều khó khăn, song tình hình phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2023 tổng thể duy trì xu hướng phục hồi, đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực.

Công tác đối ngoại trở thành điểm sáng, phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.

 

Về tình hình quan hệ Việt-Trung, Công sứ Ninh Thành Công cho biết, năm 2023 đánh dấu dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, quan hệ hai Đảng, hai nước tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực, toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Quan hệ chính trị phát triển mạnh mẽ, trao đổi cấp cao và các cấp được tăng cường. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết.

Đặc biệt là vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam hết sức thành công, đạt được nhiều thành quả thực chất và phong phú, góp phần làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ hai nước.

Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước duy trì phát triển ổn định. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Dự kiến Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ tư của Việt Nam trong năm 2023. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.

Ngoài ra, giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, hợp tác giữa các địa phương cũng gặt hái nhiều tiến triển mới, phản ánh sát thực mối quan hệ láng giềng gần gũi giữa hai nước.

Hai bên đã đạt được nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Hai bên cũng nỗ lực duy trì trao đổi, kiểm soát bất đồng trên biển, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); đồng thời tích cực thúc đẩy thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Công sứ Ninh Thành Công bày tỏ hy vọng, trong năm 2024, các Ban, Bộ, ngành và địa phương hai nước sẽ tiếp tục quán triệt nghiêm túc, triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc bước sang giai đoạn phát triển mới thực chất hơn, hiệu quả hơn./.

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)

Tập huấn ứng dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo trong sản xuất tin, bài

Các tờ báo phải ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo vào hoạt động nghiệp vụ và quản lý, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của công chúng, tận dụng ưu điểm của nền tảng công nghệ mới tạo bước chuyển mình.

Các học viên tham gia lớp tập huấn. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Ngày 1/12, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tập huấn “Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo trong Sản xuất Tin, Bài” cho lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Tham dự có 45 học viên đến từ 35 cơ quan báo chí tại Lâm Đồng và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo Ban Tổ chức, đây là một trong những chuỗi hoạt động thực hiện thỏa thuận hợp tác triển khai Dự án Phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024 giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của báo chí Việt Nam hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, cho biết hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và xu thế Chuyển đổi Số trong mọi lĩnh vực đã có những tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nền tảng công nghệ đã sản sinh ra nhiều cách làm mới, làm thay đổi phương thức, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng…

Để gia tăng tốc độ sản xuất tin, bài, thu hút độc giả và giữ vững vị thế cũng như vai trò tiên phong trong công tác truyền thông, các tờ báo tất yếu phải ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo vào hoạt động nghiệp vụ và quản lý, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của công chúng, tận dụng ưu điểm của chính các nền tảng công nghệ mới từng bước chuyển mình, vận động, phù hợp xu hướng Chuyển đổi Số Báo chí.

Tại buổi tập huấn, các học viên được nghe ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam, trao đổi, chia sẻ về ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong sản xuất tin bài.

Trong đó, báo cáo viên chia sẻ một số ứng dụng cụ thể của Trí tuệ Nhân tạo trong lĩnh vực này như tạo ra tiêu đề và mô tả hấp dẫn; sử dụng công nghệ AI tạo ra nội dung tin tức và bài viết tự động dựa trên dữ liệu, thông tin có sẵn; sử dụng AI phân tích xu hướng, dữ liệu từ các nguồn khác nhau như mạng xã hội, trang tin tức, diễn đàn đưa ra thông tin chi tiết về chủ đề đang hot, tin tức nổi bật, sở thích của độc giả; sử dụng AI tối ưu hóa nội dung tin tức, bài viết nhằm tăng cường hiệu suất SEO, giúp nội dung được tìm kiếm, đọc nhiều hơn trên các công cụ tìm kiếm...

Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN), trao đổi, chia sẻ về ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) trong sản xuất tin bài. (Ảnh: Quốc Hùng/TTXVN)

Theo thông tin từ Cục Báo chí, thống kê từ ngày 1/1 đến 1/12/2023 cho thấy top 10 báo thông tin về Trí tuệ Nhân tạo áp dụng vào cuộc sống có chỉ số lan tỏa mạnh nhất là các Báo Điện tử vnexpress, vietnamnet, thanhnien, vneconomy… Đặc biệt, trong đó có Báo Điện tử của Thông tấn xã Việt Nam là VietnamPlus và Baotintuc điện tử.

Riêng trong 10 bài báo thông tin về Trí tuệ Nhân tạo áp dụng vào cuộc sống được thống kê có chỉ số lan tỏa mạnh nhất, có tới 3 bài của Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) là “Bài hát cuối cùng của The Beatles được hoàn thành nhờ AI," “Cận cảnh biển báo thông minh tại các điểm đen giao thông ở Hà Nội” và “ChatGPT đạt kỷ lục 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt."

Dự án “Phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng theo hình thức xã hội hóa với sự đồng hành của Vinamilk trong 5 năm triển khai, từ năm 2020-2024.

Đến nay, Dự án tổ chức thành công gần 30 hoạt động bao gồm các khóa tập huấn, diễn đàn, hội thảo về công nghệ, báo chí, xuất bản 10 cuốn sách nghiệp vụ báo chí… tiếp cận hơn 15.000 lượt các nhà quản lý báo chí, cán bộ quản lý truyền thông, phóng viên báo chí trên cả nước, qua đó góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này trên cả nước.

Trong khuôn khổ khóa tập huấn tại Lâm Đồng, các học viên được tham quan thực tế Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt, tại huyện Đơn Dương./.

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tap-huan-ung-dung-cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-trong-san-xuat-tin-bai-post911131.vnp

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trò chuyện, chia sẻ với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên báo Tiền phong

Sáng ngày 21/11/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã đến thăm, làm việc và trao đổi, chia sẻ cùng cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Báo Tiền phong. Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 6 điểm cầu là Văn phòng đại diện của Báo Tiền phong trên toàn quốc.

Tại buổi làm việc, báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ TT&TT, ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền phong đã giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành, phát triển và hoạt động của Báo. Theo đó, Báo Tiền phong vừa kỷ niệm 70 năm ngày Báo ra số đầu  (1953 - 2023). Đến nay, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo là 250 người; Báo hiện có 5 Văn phòng đại diện tại các thành phố lớn trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi trò chuyện với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên báo Tiền phong

Có xuất phát điểm là cơ quan báo chí in với nhiều ấn phẩm, đến nay Báo Tiền phong đã nỗ lực đưa báo điện tử vào vị trí trung tâm và đang phấn đấu trong 1-2 năm tới sẽ trở thành hạt nhân của Báo. Báo Tiền phong cũng là đơn vị báo chí đầu tiên thành lập công ty cổ phần từ rất sớm (1999), hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện và hệ thống nhà sách ở một số thành phố lớn. Hiện nay, Báo đang thực hiện đa dạng hoá nguồn thu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào quảng cáo trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển rất nhanh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng Báo Tiền phong với 70 năm trưởng thành và phát triển. Theo Bộ trưởng, 70 năm là một truyền thống vẻ vang và 70 năm có cách nào để không già?. Bộ trưởng cho biết, đây là câu hỏi được đặt ra cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, một tổ chức muốn làm cho mình trẻ ra, tránh được khủng hoảng thì cần phải có sự tái tạo mới sau mỗi 10 năm. Tổ chức ấy muốn không già đi thì phải kế thừa quá khứ, hướng tới tương lai, phải kể được câu chuyện của thế hệ mình. Một tổ chức lúc nào cũng ý thức về sự đi đầu, sự tiên phong, sẵn sàng đối mặt với thách thức mới sẽ không bao giờ già đi. Tương tự như vậy, một cơ quan báo chí nếu phản ánh được hơi thở cuộc sống sẽ không bao giờ già đi. Báo Tiền phong ít phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, là một trong số ít các tờ báo có nguồn thu đa dạng, tự chủ về kinh tế, đây là một truyền thống tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dành hơn 2 giờ đồng hồ để trao đổi, giải đáp nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo, phóng viên, biên tập của Báo Tiền phong

Cũng theo Bộ trưởng, Báo Tiền phong muốn tiếp tục phát triển thì phải lấy đổi mới làm động lực thúc đẩy phát triển. Đổi mới chỉ xảy ra khi ta làm một việc, thất bại và tiếp tục đứng dậy, tiếp tục nỗ lực. Đối mới cũng xảy ra khi ta đặt một mục tiêu rất cao trong khi chưa biết cách làm thế nào để đạt mục tiêu đó.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã dành phần lớn thời gian để trao đổi, giải đáp các câu hỏi về khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên Báo Tiền phong.

Đối với câu hỏi về sự hỗ trợ của Nhà nước để báo chí phát triển trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển như vũ bão, Bộ trưởng cho biết, báo chí cách mạng có vai trò rất quan trọng đối với Đảng và Nhà nước ta vì Đảng lãnh đạo thông qua truyền thông. Do đó, Luật Báo chí quy định, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản báo chí. Từ đó xác định truyền thông không phải là nhiệm vụ của cơ quan báo chí mà là nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, của các cấp chính quyền. Báo chí chỉ là một trong những phương tiện truyền thông. Các cấp chính quyền phải có ngân sách thường xuyên thực hiện công tác truyền thông, thực hiện đặt hàng các cơ quan báo chí để truyền thông chính sách cho cơ quan, tổ chức mình. Trong đó có cơ quan báo chí thuộc chủ quản của mình và các cơ quan báo chí khác.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên báo Tiền phong

Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đang sửa văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với thị trường.

Tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về việc buộc các mạng xã hội phải ký thoả thuận với cơ quan báo chí để sử dụng sản phẩm báo chí vì báo chí là một sản phẩm được bảo vệ quyền tác giả, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT đưa vào dự thảo Nghị định 72 sửa đổi các nội dung này. Đây là một hướng đi đúng mà thế giới đang làm.

Trên nền tảng mạng xã hội, xu hướng là nhiều trang có nhiều nội dung xấu lại được nhiều người xem, nhiều người theo dõi. Các nhãn hàng lại có xu thế đẩy quảng cáo vào các trang này. Trong 2 năm trở lại đây, Bộ TT&TT đã nhận thức được việc này và đầu năm nay đã công bố “Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (White List) sử dụng cho hoạt động quảng cáo”, kiến nghị các nhãn hàng Việt Nam không quảng cáo trên các trang trong danh sách đen (blacklist).

Bộ trưởng nêu lên một xu hướng hiện nay về mạng xã hội đời mới. Hiện chúng ta đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội lớn miễn phí. Chúng ta sử dụng các mạng xã hội này miễn phí vì nếu chúng ta không trả tiền cho sản phẩm thì chính chúng ta trở thành sản phẩm, thông tin cá nhân bị sử dụng nhiều hơn, bị lộ lọt nhiều hơn. Nhưng nay người dùng có xu hướng sử dụng các mạng xã hội gần gũi hơn, có nhiều người có sở thích, nhu cầu giống mình hơn.

Với xu hướng như vậy, các cơ quan báo chí có nên trở thành nền tảng mạng xã hội hay không? Bộ trưởng khẳng định là rất nên phát triển theo hướng này. Đồng thời cũng nên suy nghĩ đến việc sản xuất ra các sản phẩm báo chí có tính phân tích nhiều hơn, dữ liệu nhiều hơn, tạo ra giá trị nhiều hơn thì sẽ thu phí được nhiều hơn. Một số báo chí nước ngoài đã có thể thu phí từ sản phẩm báo chí.

Bộ trưởng cũng khuyến khích lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí nên đi ra thế giới học hỏi mô hình các toà báo xem họ hoạt động thế nào. Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số báo chí đầu tiên là học hỏi.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã dành hơn 2 giờ đồng hồ để trao đổi, giải đáp nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo, phóng viên, biên tập của Báo Tiền phong. Đặc biệt, đối với những vấn đề về chuyển đổi số báo chí, định mức kinh tế kỹ thuật, báo điện tử thu phí… đã được Bộ trưởng và các Trưởng đơn vị thuộc Bộ trực tiếp trả lời, giải đáp chi tiết, cụ thể.

Giang Phạm, Ảnh: Đức Huy/mic.gov.vn

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông chất lượng

Chiều 13/11, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương có buổi làm việc với Đại học Huế về công tác đào tạo báo chí và truyền thông.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại học Huế.

Cùng dự có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các vụ, cục thuộc Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; lãnh đạo Đại học Huế cùng các trường, đơn vị thành viên.

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn, PGS, TS Lê Anh Phương, Bí thư Đảng ủy, Giám Đại học Huế cho biết, công tác đào tạo báo chí và truyền thông tại Đại học Huế hiện nay có 2 đơn vị đào tạo là Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Trường đại học Khoa học (Đại học Huế) và Khoa Quốc tế thuộc Đại học Huế.

Quang cảnh tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương với Đại học Huế.

Theo PGS, TS Lê Anh Phương, 15 năm qua, Khoa Báo chí và Truyền thông - Trường đại học Khoa học (Đại học Huế) đã đào tạo hơn 1.500 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy; hơn 700 học viên các lớp ngắn hạn, phục vụ hiệu quả cho các cơ quan báo chí khu vực miền Trung và cả nước. Khoa Quốc tế, Đại học Huế cũng đã đào tạo trình độ đại học ngành truyền thông đa phương tiện từ năm 2021 với hình thức đào tạo chính quy…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đại học Huế đã kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa các cơ sở đào tạo báo chí vào thành đơn vị tiếp nhận thông tin trực tiếp, cho tham gia các buổi giao ban tuần tại Ban Tuyên giáo Tỉnh như các cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thường xuyên các văn bản pháp quy về báo chí truyền thông, phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo.

Các thành viên trong Đoàn công tác phát biểu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận chứng chỉ về nghiệp vụ báo chí, quản lý báo chí, truyền thông… của các đơn vị đào tạo báo chí chính quy như Trường đại học Khoa học và Khoa Quốc tế (Đại học Huế) trong hệ thống các văn bằng, chứng chỉ được công nhận giá trị tương đương với các cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện nay.

Thường xuyên hỗ trợ với Khoa Báo chí và Truyền thông đào tạo nghiệp vụ, chứng chỉ khu vực miền Trung-Tây Nguyên; góp phần quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, ngành báo chí và truyền thông; tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thông tấn, truyền thông với các cơ sở đào tạo để thực hiện việc thực hành, thực tập có hiệu quả.

Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đại học Huế cùng các trường, đơn vị thành viên tham dự buổi làm việc.

Sau khi nghe các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, góp ý của các thành viên trong Đoàn công tác tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những kết quả đã đạt được của Đại học Huế thời gian qua, nhất là về chương trình đào tạo báo chí và truyền thông.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Đại học Huế trong trong công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông. Đại học Huế luôn chú trọng đổi mới nội dung chương trình đào tạo và bám sát nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu của công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại học Huế cần rà soát lại công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng báo chí; nghiên cứu thực tiễn, đổi mới giáo dục; lấy chất lượng đào tạo làm đầu; tăng cường thực tập từ thực tiễn; xây dựng báo chí đa phương tiện, truyền thông hiện đại; chú trọng đến đạo đức nghề báo; phát triển báo chí trên mạng xã hội; tăng cường hợp tác; chú trọng đào tạo chất lượng cao.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đại học Huế cần tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là việc ý thức, nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, sứ mệnh của đào tạo khoa học, xã hội nhân văn nói chung. Trong đó, có đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí truyền thông của khu vực miền trung, Tây nguyên và cả nước. Tiến đến xây dựng Đại học Huế trở thành cơ sở đào tạo trọng yếu để đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông chất lượng, với tinh thần “tâm sáng, lòng son, bút sắc”.

Đại học Huế tổ chức thực hiện tốt hơn nữa trong giáo dục đào tạo; phát huy vai trò đội ngũ trí thức; xây dựng một số trung tâm chuyên sâu, đại học thông minh, tạo sự đột phá về giáo dục có thế mạnh; coi trọng giáo dục văn hóa, gia đình, con người Huế; phát triển hạ tầng giáo dục; đào tạo đội ngũ báo chí truyền thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; nỗ lực cố gắng xây dựng Đại học Huế sớm trở thành Đại học Quốc gia.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

“Chúng ta thống nhất với nhau, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng vừa đáp ứng theo yêu cầu, mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đồng thời vừa đáp ứng yêu cầu theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn và yêu cầu của truyền thông quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Nếu không chúng ta sẽ bị tụt hậu trên lĩnh vực này”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Nguồn: Tin, ảnh: Công Hậu/nhandan.vn

https://nhandan.vn/chu-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-bao-chi-truyen-thong-chat-luong-post782400.html

Hội Nhà báo Việt Nam và Hàn Quốc tăng cường trao đổi nghiệp vụ

Những chia sẻ về thách thức lớn mà truyền thông Hàn Quốc phải đối mặt trong quá trình thúc đẩy Chuyển đổi Kỹ thuật Số được xem là bài học quý đối với hoạt động của các nhà báo Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Đoàn Đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam do ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội dẫn đầu - vừa có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 5 đến 10/11.

Cùng tham gia đoàn công tác, có lãnh đạo một số Ban Nghiệp vụ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An và Quảng Trị.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc lần này, Đoàn đã có các cuộc tọa đàm nghiệp vụ với Hội Nhà báo Hàn Quốc và hội nhà báo các tỉnh-thành phố Gangwon, Gyeonggy cùng một số cơ quan báo chí, truyền hình...

Trong cuộc trao đổi với Hội Nhà báo Hàn Quốc, hai bên đã nhất trí tăng cường việc trao đổi thông tin giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Hàn Quốc; tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin về tình hình Việt Nam và Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Trên tinh thần đó, hai Hội Nhà báo sẽ đóng vai trò là cầu nối tích cực nhằm khuyến khích các hội nhà báo, các cơ quan báo chí là tổ chức thành viên của mình tăng cường hợp tác, trao đổi đoàn báo chí, hỗ trợ lẫn nhau, góp phần vào sự tiến bộ chung trong công tác trao đổi thông tin của hai nước ở cả trung ương và địa phương, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

[Tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo]

Đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng, Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam đã đến thăm các đài truyền hình lớn ở Hàn Quốc như MBC, KBS để tìm hiểu về cách thức chuyển đổi mô hình tác nghiệp cũng như truyền phát thông tin.

 

Các thách thức phải đối mặt trong quá trình Chuyển đổi Số là rất lớn khi môi trường truyền thông phát triển từ phương tiện truyền thông truyền thống sang phương tiện truyền thông đa nền tảng. Lĩnh vực cạnh tranh đang mở rộng từ bên trong biên giới một quốc gia sang toàn cầu.

Những chia sẻ về thách thức lớn mà truyền thông Hàn Quốc phải đối mặt trong quá trình thúc đẩy Chuyển đổi Kỹ thuật Số được xem là bài học quý đối với hoạt động của các nhà báo Việt Nam.

Cùng với vấn đề nghiệp vụ, các nhà báo hai bên còn quan tâm trao đổi các vấn đề khác như: vai trò của báo chí, truyền thông trong trong giai đoạn mới, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Hai bên cũng chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các nhà báo để thích nghi với môi trường tác nghiệp mới.

Trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển hết sức tốt đẹp trên mọi bình diện. Báo chí hai nước đóng vai trò cầu nối, giúp tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, thông qua đó đóng góp cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Hàn Quốc là một trong những cường quốc về công nghệ số, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí, vì thế việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của báo chí Hàn Quốc trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất, tác nghiệp là rất cần thiết. Đây cũng là dịp để các nhà báo Việt Nam tìm hiểu hơn nữa hoạt động của báo chí Hàn Quốc trong giai đoạn chứng kiến rất nhiều sự cạnh tranh của các loại hình thông tin khác.

Hàn Quốc hiện có hơn 30.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, Hội Nhà báo Hàn Quốc chỉ có hơn 8.000 hội viên, nhiệm kỳ 2 năm, được phân cấp thành Trung ương và các chi hội cơ quan báo chí và hội địa phương trực thuộc./.

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/hoi-nha-bao-viet-nam-va-han-quoc-tang-cuong-trao-doi-nghiep-vu-post907205.vnp