Nghề báo
Quảng Ninh thông tin chính thức về nổ súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh
Submitted by nlphuong on Fri, 18/04/2014 - 20:00(ICTPress) - Chiều tối nay 18/4 tại Quảng Ninh, người phát ngôn chính thức về vụ nổ súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh đã thông tin “nóng” về vụ việc này.
(ICTPress) - Chiều tối nay 18/4 tại Quảng Ninh trong khuôn khổ Hội nghị Toàn quốc triển khai công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2014 diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu, người phát ngôn chính thức về vụ nổ súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh đã thông tin “nóng” tới các đại biểu về vụ việc này.
Sơ đồ khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh |
Ông Đặng Huy Hậu cho biết 4h sáng ngày hôm nay 18/4, các lực lượng của tỉnh Quảng Ninh gồm Biên phòng, Công An tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 16 đối tượng trong đó có 10 nam, 4 nữ và 2 trẻ em đã vượt biên trái phép, đi sâu vào trong đất liền vào khu vực huyện Hải Hà. Theo đó các lực lượng chức năng Việt Nam đã bắt giữ. Theo quy định, Việt Nam phải làm các thủ tục bàn giao với Trung Quốc. Công việc bàn giao đã được hai bên kết nối với nhau. Trung Quốc đã hợp tác tốt để tiếp nhận các đối tượng này. Trong thời gian làm thủ tục và dẫn giải về khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh thì một số đối tượng quá khích đã giật được một khẩu súng của một đồng chí chiến sĩ đang bảo vệ khu vực này và đối tượng này đã đi lên tầng 3 khu vực làm việc cửa khẩu, nổ súng, bắt giữ một chiến sĩ và gây náo loạn khu vực. Trong bối cảnh xô xát đó đã làm một chiến sĩ Việt Nam hy sinh tại chỗ. Tiếp theo đó lực lượng Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc kêu gọi đối tượng đầu hàng, nộp vũ khí nhưng đối tượng đã ngoan cố và các lực lượng chức năng Việt Nam buộc phải thực hiện biện pháp tự vệ và khống chế để bắt giữ đối tượng.
Trong khoảng thời gian 12 giờ đến 13 giờ xảy ra các va chạm và một số đối tượng người Trung Quốc tự vẫn, nhảy từ tầng 3 xuống và gây tử vong. Và trong va chạm hai bên, hậu quả xảy ra có 5 người thiệt mạng, trong đó có 2 chiến sĩ của đồn biên phòng và 5 đối tượng Trung Quốc. Ngoài ra có 4 cán bộ chiến sĩ bị thương, ông Đặng Huy Hậu tiếp tục cho biết.
Sau khi sự việc xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã triệu tập họp rất khẩn cấp, trước đó đã báo cáo các cơ quan Trung ương để xin ý kiến chỉ đạo và triển khai ngay các chương trình. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo và các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời xử lý công việc. Đến hơn 15 giờ hôm nay đã làm chủ được tình hình ở đó, thu vũ khí và làm các thủ tục bàn giao giữa Việt Nam và người với Trung Quốc. Cuối giờ chiều nay, việc trao trả toàn bộ người chết, bị thương cũng các đối tượng còn sống phụ nữ và trẻ em đã được Trung Quốc tiếp nhận. Công việc Bắc Phong Sinh đã trở lại bình thường, ông Đặng Huy Hậu thông báo.
Cho biết về một số báo chí có hỏi đây là khủng bố không? Ông Đặng Huy Hậu cho biết tỉnh Quảng Ninh chính thức phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng là đây không phải là khủng bố, mà là vụ manh động của những đối tượng quá khích đã dẫn tới kết quả đáng tiếc.
Ông Đặng Huy Hậu cũng cho biết đường biên giới Việt Nam với Trung Quốc trên đất liền dài hơn 100 km, có một số cửa khẩu chính và các lối nhỏ qua sông suối. Việc vượt biên trái phép và trao trả cũng diễn ra bình thường theo đúng thông lệ quốc tế và luật pháp giữa hai nước và quy chế phối hợp giữa lực lượng Biên phòng hai nước.
LP
Báo chí quốc tế “sốt” chuyện VN rút đăng cai ASIAD 18
Submitted by nlphuong on Fri, 18/04/2014 - 15:37Các hãng tin lớn trên thế giới đưa tin rầm rộ về sự kiện VN xin rút lui đăng cai ASIAD 2019. Tất cả cũng nhận định ASIAD là cuộc chơi tốn kém và quyết định rút lui của VN là hoàn toàn hợp lý.
Các hãng tin lớn trên thế giới đưa tin rầm rộ về sự kiện VN xin rút lui đăng cai ASIAD 2019. Tất cả cũng nhận định ASIAD là cuộc chơi tốn kém và quyết định rút lui của VN là hoàn toàn hợp lý.
Hãng thông tấn Reuters của Anh viết: “Việt Nam đã rút lui khỏi vị trí chủ nhà của ASIAD 2019 ngày hôm qua, với lý do thiếu chuẩn bị và lo ngại rằng, việc tổ chức sự kiện đa thể thao sẽ không chứng minh khả thi về mặt tài chính”.
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận, việc đăng cai ASIAD 2019 có thể giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội và hình ảnh quốc gia nhưng nếu không có sự chuẩn bị chu đáo và tổ chức không thành công, hiệu quả sẽ không như mong muốn”, Reuters đưa tin.
AFP đưa tin khá chi tiết về việc Việt Nam xin rút lui đăng cai ASIAD 18 |
Reuters cũng đưa kèm một thông tin đáng lưu ý khác là chi phí dự kiến tổ chức ASIAD 2019 theo ước tính của các nhà kinh tế đã thay đổi, từ 150 triệu USD lên 500 triệu USD. Bên cạnh đó, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và dự kiến đạt tăng trưởng trung bình hơn 5% trong vài năm tới nhưng Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề sâu xa, như cơ sở hạ tầng còn yếu kém.
Cũng theo Reuters, hiện chưa rõ nước nào sẽ tiếp quản quyền đăng cai tổ chức ASIAD 18 từ Việt Nam và hiện tại, Hội đồng Olympic châu Á có trụ sở tại Kuwait cũng chưa đưa ra bình luận nào.
Việc Việt Nam xin rút lui ở thời điểm này buộc Ủy ban Olympic châu Á (OCA) phải tìm quốc gia khác thay thế. Về vấn đề này, phát biểu trên Reuters Tổng thư ký OCA, ông Randhir Singh cho biết: “Hiện vẫn còn quá sớm để nói đến địa điểm đăng cai thay thế Việt Nam. OCA phải chờ thông tin chính thức từ phía Việt Nam về việc rút lui việc đăng cai. Khi đó, chúng tôi sẽ có những bình luận về vấn đề này”.
Hãng tin ABC cho biết, OCA hiện vẫn chưa có phản ứng gì với thông tin rút lui đăng cai Asian Games 2019 của Việt Nam. Hiện website của OCA vẫn chạy chương trình giới thiệu về thành phố Hà Nội, nơi đăng cai sự kiện này vào năm 2019, kèm theo là đoạn video clip quảng bá cho kỳ đại hội.
ABC News của Mỹ dẫn tin AP đưa về việc Việt Nam sẽ từ bỏ cương vị là nước chủ nhà của ASIAD 2019. Tờ báo trích thông báo từ chính phủ phát đi trong đó có đoạn: “Việc đăng cai này có thể giúp chúng tôi quảng bá hình ảnh và vị trí của đất nước. Tuy nhiên nếu tổ chức không tốt và thành công thì nó sẽ có tác dụng ngược lại. Ngân sách nhà nước còn hạn chế và phải được ưu tiên cho các nhiệm vụ trước mắt khác”.
Hãng truyền thông của Pháp AFP chạy tin: “Việt Nam sẽ không đăng cai ASIAD 2019. Theo hãng này, qua tham khảo ý kiến cua các cấp, ngành và đặc biệt là người dân, hầu hết các ý kiến muốn rút lui khỏi sự kiện này, thậm chí báo chí nhà nước cũng công khai thể hiện những quan điểm về mặt không tích cực về ASIAD”.
“Trong những tuần gần đây, báo chí nhà nước và các blog phổ biến đã chạy những câu chuyện và phần bình luận kêu gọi chính phủ rút lui khỏi các sự kiện thể dục thể thao và tiêu tiền vào những ưu tiên khác”, AFP viết.
Rất nhiều hãng thông tấn và báo chí khu vực, châu lục và thế giới như Chanel News Asia, Malaysian Digest, Today Online, Daily News...trong ngày hôm nay cũng đưa tin về việc VN xin rút lui đăng cai Asiad. Nhật báo Thượng Hải (Trung Quốc) thậm chí còn nhấn mạnh, người dân VN muốn số tiền dự tính đầu tư cho các công trình của ASIAD 18 được chuyển sang để hoàn thành các dự án giao thông, bệnh viện và trường học.
Trong khi đó, theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), nguyên nhân khiến Việt Nam cân nhắc và quyết định rút lại ý định đăng cai ASIAD 18 (năm 2019) là khó khăn về tài chính.
Bằng Lăng (tổng hợp)
VietnamNet
Thông tin về Việt Nam trên báo chí quốc tế chưa đến 0,01%
Submitted by nlphuong on Fri, 18/04/2014 - 12:55(ICTPress) - "Công tác thông tin đối ngoại đã có những thành tựu to lớn nhưng chưa thể hài lòng..."
(ICTPress) - “Theo thống kê chưa chính thức, lượng thông tin về Việt Nam trên báo chí quốc tế chưa đến 0,01%, rất là ít”, bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết tại Hội nghị Toàn quốc triển khai công tác Hội Nhà báo Việt Nam năm 2014 diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/4 tại Quảng Ninh.
Bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại Hội nghị |
Nhu cầu cung cấp thông tin Việt Nam ra thế giới rất lớn, nhưng lượng thông tin truyền thông ra bên ngoài còn rất ít. Gần đây vụ việc máy bay Malaysia MH370 thì Việt Nam được nhắc nhiều hơn do sự chủ động, tích cực vào công tác cứu nạn, cứu hộ nhưng ngoài những việc như vậy thì rất ít khi báo chí quốc tế ít nhắc đến Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga cho biết.
Hiện nay đất nước chúng ta đang bước sang giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu sắc, toàn diện, chủ động, tích cực vào đời sống quốc tế, trong lúc đó bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới vẫn bấp bênh, cạnh tranh khốc liệt gay gắt. Trong triển khai đường lối đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại với lực lượng chủ chốt là các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên báo chí có vai trò rất quan trọng, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với Việt Nam. Đây là yêu cầu cấp thiết để nâng vị thế của Việt Nam ra thế giới, bà Nguyễn Phương Nga cho biết thêm.
Bà Nguyễn Phương Nga mong muốn các cơ quan báo chí phải chuẩn bị tuyên truyền đối ngoại từ bây giờ vì trong năm 2014, 2015 đất nước ta có những sự kiện lịch sử trọng đại mà cũng có ý nghĩa quốc tế to lớn. Vì vậy, chúng ta có cơ hội để tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn về đất nước con người, văn hóa Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thành tựu kinh tế đất nước nhất là thành tựu thành tựu nhân quyền. Việt Nam vừa thành công trong việc gia nhập Hội đồng nhân quyền thế giới. Chúng ta cần phải tuyên truyền mạnh và tốt hơn bởi các nước hy vọng trên cương vị nhân quyền Việt Nam cần phải tích cực hơn, thể hiện vai trò và là cơ hội cho báo chí tuyên truyền để nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Công tác thông tin đối ngoại đã có những thành tựu to lớn nhưng chưa thể hài lòng, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi chúng ta cần đổi mới hơn nữa về nội dung và phương thức tiến hành, và đặc biệt cần sự đổi mới trong sự phối hợp giữa các cơ quan về phụ trách thông tin đối ngoại, với các cơ quan quản lý báo chí, Hội nhà báo Việt Nam và với các cơ quan báo chí địa phương để tăng cường, định hướng thông tin kịp thời, chính xác và phối hợp hành động, bà Nguyễn Phương Nga đã trao đổi.
Đánh giá công tác Hội năm 2013, bà Nguyễn Phương Nga khẳng định Hội nhà báo Việt Nam từ các cấp từ trung ương và địa phương đã có những nỗ lực hết sức to lớn trong đổi mới công tác mọi mặt của Hội, thực sự phát huy vai trò của mình và đóng góp rất quan trọng trong việc cổ vũ, động viên các nhà báo trong cả nước thực hiện nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam cũng như xây dựng đào tạo đội ngũ nhà báo theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, trách nhiệm hơn và góp phần tích cực vào công tác quản lý, chỉ đạo báo chí để vừa hoàn thiện khung pháp luật cho báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động tốt hơn và đưa ra những khuyến nghị, có tiếng nói cao hơn trong bảo vệ nhà báo.
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh việc báo chí trong nước chủ động tuyên truyền đối ngoại, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết để đẩy mạnh ngoại giao nhân dân các cấp hội địa phương có thể mời báo chí nước ngoài vào. Đất nước chúng ta đẹp, nhân dân hiền hòa, chúng ta còn khó khăn nhưng chúng ta viết 100 bài không bằng báo chí nước ngoài về viết 1 bài về Việt Nam. Báo chí nước ngoài vào Việt Nam từ trước đến nay vào đều tuyên truyền tốt.
Ông Hoàng Hữu Lượng cho biết cách đây 7 năm Việt Nam đã mời 10 nhà báo Campuchia, 5 nhà báo đối lập. Tổng chi phí hết 250 triệu đồng nhưng 10 nhà báo đó trong mấy tháng viết được 300 bài báo khen ngợi Việt Nam.
LP
Báo chí đang tự giết mình - hại người
Submitted by nlphuong on Fri, 18/04/2014 - 06:15Truyền thông Việt Nam đang bị “nhiễm độc”?; Người làm báo cần phải ứng xử với tin đồn ra sao?;
Truyền thông Việt Nam đang bị “nhiễm độc”?; Người làm báo cần phải ứng xử với tin đồn ra sao?; Tiêu chuẩn đạo đức nghề báo cần những gì… là các vấn đề ngày càng nóng của truyền thông Việt Nam hiện đại. Không ít cuộc Hội thảo nghiệp vụ đã đặt những vấn đề này lên bàn để tranh luận. Nhưng, khi sức ép về sự cạnh tranh thông tin ngày càng khắc nghiệt, khi gánh nặng “cơm áo” không từ một ai thì câu chuyện làm báo theo tin đồn dường như không còn xa lạ với nhiều tờ báo mạng, nhiều nhà báo mạng. Và nguy cơ truyền thông đang hại người, giết mình là câu chuyện nhãn tiền nếu mỗi nhà báo không tự trang bị cho mình những bộ lọc thông tin chuẩn mực!
Mạng xã hội - sức mạnh và nguy cơ
Cũng như nhiều quốc gia khác, hiện nay, việc thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam cũng mang đến nhiều điểm lợi và bất lợi. Việc ứng dụng các phương tiện truyền thông mới, trên nền tảng công nghệ mới, trong các ngành truyền hình, phát thanh, báo mạng, báo in là luồng gió mới của đời sống báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, những nguy cơ và bất lợi cũng thấy rõ từ sự xâm nhập của các phương tiện truyền thông mới. Những biến loạn trong đời sống chính trị - xã hội do tác động của các phương tiện truyền thông mới, không còn là những cảnh báo xa vời, mà đã là những sự thực nhãn tiền.
Theo nhà báo Hữu Thọ, viễn thông ngày càng phát triển, thông tin hiện thời được truyền đi rất nhanh và nhiều. Những tiện ích đó giúp phóng viên có thể tác nghiệp nhanh, song lại khiến những bài viết trở nên khô khan, thiếu sinh động, thiếu tình tiết “kim cương” - tình tiết mang tính chất định hướng cho cả bài viết.
Rất nhiều nhà báo hiện thời lấy thông tin qua mạng xã hội, phỏng vấn nhân vật qua chat. Sự nhanh nhạy này cũng rất tốt, song cũng có nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu của những lỗi này là một số người làm báo đã quá tin vào nguồn mạng xã hội. Trong khi đó, tin trên mạng xã hội là nguồn tin chưa được kiểm chứng. Nếu phóng viên không kiểm chứng, việc sai sót tất yếu sẽ xảy ra.
Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: “Đối với người làm báo trẻ thì lòng tin là điều rất quan trọng, nhưng trong niềm tin phải có hoài nghi khoa học, có hoài nghi khoa học thì mới có sáng tạo. Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các mạng xã hội rất nguy hiểm. Nó xô đẩy lòng tin chính trị, mà đây là bản lĩnh cơ bản của mỗi người làm báo cách mạng. Cho nên bao giờ sử dụng nguồn tin cũng phải có chọn lựa, phải có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp - các yếu tố được sinh ra từ những trải nghiệm xã hội của chúng ta”.
Ngăn ngừa tác hại của tin đồn
Việt Nam có hệ thống thông tin truyền thông đại chúng khá hùng mạnh với trên 700 tờ báo, tạp chí đủ loại, bên cạnh đó là hệ thống truyền thanh, truyền hình và cả đội ngũ đông đảo các tuyên truyền viên và tư vấn viên ở trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước. Nhiều cơ quan báo chí đã củng cố uy tín trong lòng công chúng, có doanh thu cao, nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Nhiều tác phẩm báo chí có tác động xã hội, có tính lan tỏa, biểu dương người tốt, việc tốt, đấu tranh chống cái xấu, cái ác, có giá trị định hướng cao.
Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, trận chiến thông tin vẫn còn đầy bất cập và bất trắc, tin đồn thất thiệt, dụng ý xấu vẫn thản nhiên tồn tại, tác oai, tác quái với đời sống cộng đồng. Rõ ràng đang tồn tại những lỗ hổng và bất cập nào đó trong quản lý nhà nước dung dưỡng và nương tay với các tin đồn thất thiệt đó… Đặc biệt, vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin đồn thất thiệt, dụng ý xấu chưa được phát huy mạnh mẽ. Thậm chí, không ít trường hợp, do sơ suất vô tình hay cố ý, một số cơ quan báo chí, đặc biệt là báo mạng điện tử đã xử lý thông tin không tốt, chưa làm tròn trách nhiệm định hướng dư luận xã hội, mà còn làm phát tán tin đồn, đưa tin đồn lan xa hơn, “chính danh hóa” những thông tin không rõ nguồn gốc. Những sai sót đó khiến thiệt hại do tin đồn gây ra còn lớn hơn nhiều lần, đồng thời hạ thấp vai trò và uy tín của giới báo chí trong con mắt của công chúng và xã hội, làm tổn thương lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính. Tình trạng đó cần được đánh giá đúng mức, có phương thức xử lý nghiêm túc và hữu hiệu, góp phần ổn định tâm lý xã hội đồng thời trả lại cho báo chí vai trò định hướng dư luận xã hội đúng đắn, cũng như niềm tin vững chắc từ công chúng.
Thực tế, cơ chế quản lý báo chí hiện nay đang khiến không ít cơ quan báo chí lúng túng trong định hướng phát triển. Bài toán kinh tế thị trường, tự thu, tự chi đã đặt sức ép tài chính lên các ban biên tập khá nặng nề. Các khoản thuế còn khá cao, chính sách ưu đãi báo chí chưa thật thỏa đáng, đời sống người làm báo có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đi kèm với nó là sự sa sút của một số loại hình báo chí truyền thông như báo in trên phạm vi toàn thế giới càng khiến cho báo chí gặp khó khăn trong bài toán cân đối nguồn thu. Đó là một thách thức thật sự khiến thông tin trên báo nhiều khi chưa thật được chắt lọc, kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là ở chỗ, nhận thức của một số cơ quan báo chí và cá nhân nhà báo, đặc biệt là lãnh đạo một vài cơ quan báo chí chưa thật đầy đủ về chức năng, vai trò và sứ mệnh xã hội của báo chí. Chưa kể, không ít lãnh đạo cơ quan báo chí được điều chuyển từ lĩnh vực khác sang, chưa có nghề, chỉ coi báo chí là hoạt động kinh tế thuần túy, hoặc ép cứng nó như một cơ quan tuyên truyền hoạt động theo ngân sách cấp phát. Cả hai xu hướng đó đều là sai lệch, khiến báo chí kém sinh động và bản sắc, không làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội.
Tin đồn như đã phân tích ở trên là một hiện tượng xã hội bình thường. Không thể loại bỏ hoàn toàn tin đồn ra khỏi đời sống xã hội, nhưng báo chí và các phương tiện truyền thông khác phải có trách nhiệm phân tích, định hướng, kịp thời ngăn ngừa những tác hại xấu, những tác động tiêu cực của tin đồn với đời sống xã làm tốt chức năng của mình, thì những tin đồn thất thiệt, có dụng ý xấu càng khó có đất tồn tại. Chỉ khi công chúng tin vào báo chí, tìm đọc thông tin trên báo chí để tự định hướng và miễn dịch với thông tin ngoài luồng, không nguồn gốc, thì khi ấy, tin đồn dù có tai ác đến đâu cũng không thể thâm nhập và gây hại cho đời sống cộng đồng.
Cần sự tỉnh táo của nhà báo
Thực tế cho thấy, việc đăng tải những thông tin theo hướng tích cực sẽ rất tốt để công chúng biết cách phòng tránh. Tuy nhiên, không ít tin đồn “chễm chệ” trên các trang mạng, thậm chí xuất hiện trên vài tờ báo chính thống (đưa tin theo kiểu giật gân, câu khách) chưa được kiểm chứng thực hư. Điều đó, không những tác động trực tiếp đến tâm lý của công chúng, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, uy tín và danh dự của tổ chức, cá nhân nào đó, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội.
Vấn đề nhà báo sử dụng tin đồn trên mạng để “chính thống hóa” bài báo của mình không chỉ xảy ra ở Mỹ hay Việt Nam, mà xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới. Tại Trung Quốc, quốc gia được coi là một trong những nước có người sử dụng mạng Internet nhiều nhất thế giới cũng không ít lần bị điêu đứng bởi những tin đồn thất thiệt trên mạng, sau đó báo chí chính thống vào cuộc và đưa tin, gây hoang mang dư luận xã hội, thậm chí ảnh hưởng không tốt đến tình hình chính trị, an ninh của quốc gia. Nếu nhà báo không có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin để tin đồn “tung hoành” trên báo chí, vô hình trung vai trò và uy tín của báo giới trong mắt của công chúng bị hạ thấp, lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính bị tổn thương nặng nề.
N.Huy
Nguồn: congluan.vn
Ấn tượng bìa báo kỷ niệm 1 năm vụ đánh bom ở Boston
Submitted by nlphuong on Thu, 17/04/2014 - 06:10(ICTPress) - Bạn có thể phóng to và tìm ra những con người riêng rẽ trong bức ảnh này.
(ICTPress) - Sports Illustrated đã kỷ niệm 1 năm vụ đánh bom marathon Boston với một chân dung xấp xỉ 3000 người, trong đó có những người marathon, những người hưởng ứng và Thị trưởng Boston Marty Walsh, đều tập trung ở đích của cuộc marathon trên phố Boylston.
Ảnh: Sports Illustrated |
“Một năm sau, Boston đã cho thấy sức mạnh để trải qua. Tôi tự hào Sports Illustrated đã có thể đóng góp, theo cách nhỏ bé, vào quá trình này với tờ bìa báo này. Bạn có thể thấy trong các khuôn mặt của những người dân Boston và thành phố này đã vượt qua bao lâu”, Brad Smith, giám đốc hình ảnh của Sports Illustrated trên một đăng tải ở SI.com.
Bạn có thể phóng to và tìm ra những con người riêng rẽ trong bức ảnh này. Bạn bè và những gia đình của những cá nhân trong bức ảnh đã bắt đầu nhận ra người thân yêu của mình.
Trong số này, nhà báo nhiều kinh nghiệm Scott Price đã bám sát 15 con người mà cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng của vụ đánh bom.
Ngày 16/4, Boston đã đánh dấu một năm kỷ niệm vụ tấn công này đã làm chết 3 người và 263 người bị thương.
Mai Nguyễn
Nghệ thuật ma trận hóa thông tin của báo chí Mỹ
Submitted by nlphuong on Thu, 17/04/2014 - 05:37Nhờ Google, Yahoo, mạng lưới Internet, tiếng Anh được sử dụng phổ biến trên thế giới, nên báo chí Mỹ luôn có thể tạo ra những luồng tin khiến độc giả thế giới dễ bị cuốn vào “ma trận thông tin”.
Nhờ Google, Yahoo, mạng lưới Internet, tiếng Anh được sử dụng phổ biến trên thế giới, nên báo chí Mỹ luôn có thể tạo ra những luồng tin khiến độc giả thế giới dễ bị cuốn vào “ma trận thông tin”. Trong tuần qua, nhà báo điều tra giàu kinh nghiệm Robert Perry (Mỹ) đã có bài viết phơi bày thói “lập lờ đánh lận con đen” của báo chí Mỹ từ cuộc chiến tại Iraq đến diễn biến ở Ukraina hiện nay.
nhà báo điều tra giàu kinh nghiệm Robert Perry (Mỹ) |
Nhân dân Mỹ đã từng "xơi quả lừa" do báo chí đưa tin sai sự thật, họ từng bị đẩy vào cuộc chiến Iraq dựa trên những tuyên bố không có thật rằng Saddam Hussein cất giấu một kho vũ khí lớn để lập kế hoạch chia sẻ với Al-Qaeda. Gần 4.500 lính Mỹ đã chết khi tham chiến ở Iraq. Chi phí cho cuộc chiến có thể đã vượt qua con số 1 ngàn tỉ USD.
Trò xưa lại tái diễn với những bài viết "tự do chủ nghĩa" đối với cuộc khủng hoảng mới mang tên Ukraina. Vốn là một siêu cường ưu việt về truyền thông - thông tin, nên lãnh đạo giới truyền thông luôn có thể cung cấp nguồn tin u ám với cách sử dụng ngôn từ "hủy diệt", "thảm sát", "xâm lược" cho thế giới. Chiêu bài này đang được tận dụng nhằm giải quyết những cuộc "khủng hoảng toàn cầu".
Năm 2013, tờ Bưu điện Washington từng đưa tin: Carl Gershman - Chủ tịch Quỹ Quốc gia vì dân chủ (NED), ông này có tư tưởng tân bảo thủ - sẽ rải 100 triệu USD/ năm để bôi trơn ngòi bút và "đánh bóng bàn phím máy tính" của báo chí Mỹ, giúp các "nhà hoạt động dân chủ" nhằm mục đích gây bất ổn nội bộ những chính phủ mà Nhà Trắng thấy gai trong mắt. NED được thành lập năm 1983 đã có quan hệ mở với CIA để cùng thực hiện các nhiệm vụ bí mật.
Ngay khi nổ ra cuộc khủng hoảng với các cuộc biểu tình ở Ukraina, một chính trị gia có tư tưởng tân bảo thủ khác là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu - bà Victor Nuland, nhắc nhở giới doanh nhân Ukraina (tất nhiên là thuộc phe đối lập) rằng: Mỹ đã đầu tư 5 tỉ USD để thực hiện "khát vọng châu Âu" của Ukraina, điều đó ngụ ý Mỹ có dự kiến nào đó trong số tiền này.
Những cuộc biểu tình đó đều có sự góp mặt của một số phe phái cực hữu, chẳng hạn: Svoboda và thậm chí lực lượng dân quân tân phát xít đảng cánh hữu. Khi người biểu tình chiếm Tòa Thị chính Kiev, biểu tượng phát xít và cờ Liên minh Chiến đấu - lực lượng dân tộc cực đoan Ukraina đã được kéo lên.
Một số quan chức Mỹ, trong đó có Trợ lý Ngoại trưởng Nuland và Thượng nghị sĩ McCaine công khai đứng về phía người biểu tình, bất chấp biểu ngữ tôn vinh tên Stepan Bandera, một trùm phát xít trong Thế chiến II đã gây ra các vụ thảm sát người dân Ba Lan và Do Thái.
Vào ngày 20/2, trong lúc bạo lực gia tăng, thì một nhóm tay súng bí mật đã xả đạn vào cả những người biểu tình và cảnh sát. Khi cảnh sát tấn công lại, lực lượng dân quân tân phát xít ném bom xăng. Có hơn 80 dân thường và hơn 10 cảnh sát thiệt mạng, nhưng báo chí Mỹ lu loa đổ lỗi cho lực lượng cảnh sát của Tổng thống Yanukovych gây ra bạo lực đối với "những người vô tội".
Câu chuyện thực tế cho thấy: Cuộc khủng hoảng Ukraina đã được thổi bùng lên bởi "nhân tố Mỹ", cả Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ đều khích động và khai thác triệt để sự bất mãn của nhân dân với Chính phủ Yanukovych ở miền Tây nước này. Mục đích để kéo Ukraina ra khỏi sự ảnh hưởng của Nga, đặt nó vào "lực hấp dẫn" của Mỹ và đồng minh phương Tây.
Dùng bạo lực để lật đổ chế độ dân cử, phe đối lập được Mỹ cùng đồng minh phương Tây hoan nghênh nồng nhiệt. Và trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua tại tòa nhà chính phủ Kiev, Mỹ tiếp tục "ca ngợi" chính quyền mới của Kiev là "minh chứng về dân chủ, cải cách".
Hầu như tất cả các nguồn tin chính thống của báo chí Mỹ đều thống nhất với nhau những bài tường thuật một chiều lệch hướng và sai sự thật. Đó là sự đồng thuận trong các hãng thông tấn lớn của Mỹ. Ngay cả khi người Mỹ không muốn biết sự thật, thì báo chí Mỹ vẫn hàng ngày cung cấp cho họ "sự thật" đầy đủ.
Nghi án nhận hối lộ hơn 16 tỉ đồng có liên quan đến quan chức ngành đường sắt: Vì sao trước khi báo chí Nhật phát hiện, tất cả đều xuôi chèo mát mái?
Submitted by nlphuong on Tue, 15/04/2014 - 21:55Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 2 dự án của ngành giao thông liên quan đến nguồn vốn ODA Nhật Bản bị lình xình vì liên quan đến việc nhận hối lộ của quan chức Việt Nam.
Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 2 dự án của ngành giao thông liên quan đến nguồn vốn ODA Nhật Bản bị lình xình vì liên quan đến việc nhận hối lộ của quan chức Việt Nam.
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, người bị báo YOMIURI SHIMBUN phanh phui việc nhận hối lộ. |
Vụ việc ông Huỳnh Ngọc Sĩ nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây nhận hối lộ 262.000 USD từ quan chức Nhật Bản để Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI, trụ sở chính tại Nhật) thắng thầu dự án xây dựng tại Đại lộ Võ Văn Kiệt, TP HCM năm 2008 thì không còn là nghi án. Ông Sĩ đã bị tuyên án 20 năm tù giam.
Còn vụ việc này, vụ việc đang là tâm điểm của dư luận có liên quan đến khoản hối lộ 16 tỉ đồng của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) với Dự án xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội (tuyến số 1), thì mới chỉ là nghi án. Trong những động thái tích cực nhất, ngành GTVT cũng như các cơ quan pháp luật của Việt Nam đang nỗ lực điều tra để sớm công khai kết quả.
Nhưng, có một câu hỏi đặt ra là tại sao những lình xình này chỉ được phát hiện bởi báo chí Nhật Bản? Tại sao, trước khi báo chí Nhật Bản tung ra những thông tin gây sốc này thì tất cả mọi việc vẫn xuôi chèo mát mái?
"Thời điểm Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trình báo cáo chọn nhà thầu tư vấn lên Bộ GTVT phê duyệt, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, bây giờ thì phát sinh vấn đề", đó là trả lời của nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, vị Bộ trưởng tại vị ở thời điểm xảy ra nghi án nhận hối lộ 16 tỉ đồng, được báo chí đăng tải.
Giống như vị cựu Bộ trưởng của mình, Thanh tra Bộ GTVT cũng xác nhận Dự án xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội (tuyến số 1) được bắt đầu từ năm 2009 và cho đến thời điểm trước tháng 3/2014, phía Việt Nam mà trước tiên là thanh tra Bộ GTVT chưa hề có bất kỳ thông tin nào về khoản hối lộ 16 tỉ đồng được cho là có liên quan đến quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Chỉ đến cuối tháng 3 vừa qua, trong hai số báo liên tiếp ra ngày 20 và 21, Yomur Shimbun, tờ báo được cho là truyền thống và uy tín hàng đầu Nhật Bản, với lượng phát hành lúc đỉnh cao lên tới 14 triệu bản mỗi ngày, thông tin về thừa nhận của ông Tamio Kakinuma, 65 tuổi, Chủ tịch JTC, việc đã đưa hối lộ quan chức ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan 130 triệu yên Nhật để giành được các hợp đồng tư vấn xây dựng đường sắt sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Việc đưa hối lộ diễn ra khoảng 40 lần, mỗi khoản chi được quyết định tùy theo giá trị hợp đồng nhận được.
Cụ thể, JTC đã "lại quả" 80 triệu yên (khoảng 16,6 tỉ đồng) cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỉ yên (khoảng 862,8 tỉ đồng) ở Việt Nam; 30 triệu yên cho 3 dự án 2,9 tỉ yên ở Indonesia, và 20 triệu yên cho một dự án khoảng 700 triệu yên ở Uzbekistan.
Chỉ một ngày sau khi những thông tin gây sốc nói trên được đăng tải trên tờ Yomur Shimbun, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định với báo chí trong nước, rằng, dù "Bộ GTVT chưa nhận được thông tin hay yêu cầu điều tra từ phía Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ đã liên tục chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần khẩn trương rà soát lại và có báo cáo". Và, ngày 23/3, mặc dù là ngày nghỉ nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã triệu tập gấp một cuộc họp khẩn cấp và một số quan chức được coi là có liên quan đến dự án đã phải tạm đình chỉ công tác để giải trình.
Ngày 25/3, tức là chỉ 3 ngày sau khi báo Yomur Shimbun thông tin về nghi án nhận hối lộ 16 tỉ đồng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã bay sang Nhật để thực hiện kỳ vọng của Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng, sau chuyến đi này sẽ có được danh sách các cán bộ đã nhận tiền của nhà thầu Nhật Bản chứ không chỉ thụ động chờ đợi giải trình và rà soát trong nước thì còn lâu mới có kết quả.
Những động thái tích cực của Bộ GTVT khiến dư luận nhớ về vụ nhận hối lộ ở Đại lộ Đông - Tây 6 năm về trước. Ban đầu, vụ Đại lộ Đông - Tây cũng chỉ là nghi án và cũng giống như nghi án 16 tỉ này, nó được phanh phui bởi báo chí Nhật chứ không phải các cơ quan chức năng Việt Nam.
Ngày 12/11/2008 cũng chính báo Yomur Shimbun đưa tin về phiên tòa xét xử tại Tòa án quận ở Tokyo. 4 bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương Nhật Bản (PCI) gồm cựu Chủ tịch Masayoshi Taga, cựu Giám đốc điều hành Kunio Takasu, cựu Tổng Giám đốc Haruo Sakashita và ông Tsuneo Sakano, từng là Trưởng văn phòng đại diện PCI tại Hà Nội thừa nhận trước tòa án là đã lót tay một khoản tiền không nhỏ trị giá 2,6 triệu USD cho một quan chức có liên quan đến dự án tại Việt Nam.
Một tuần sau đó, ngày 19/11/2008 Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP HCM Huỳnh Ngọc Sĩ đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra vụ hối lộ nói trên. Ba tháng sau, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng Bộ Công an đã bắt tạm giam ông này và những sai phạm tại Dự án Đại lộ Đông - Tây dần bị phanh phui.
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ, sau đó đã bị Toà kết án 20 năm tù giam về các tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Vụ án hối lộ ở Đại lộ Đông - Tây và nghi án ở Dự án đường sắt nội đô Hà Nội khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi, nếu như báo chí Nhật không đăng tải thì vụ hối lộ ở Dự án Đại lộ Đông - Tây có lẽ sẽ mãi mãi nằm trong bóng tối. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ cũng sẽ không phải ra tòa và sẽ hạ cánh an toàn.
Và, cũng nếu không có sự phản ánh của báo chí Nhật thì cũng sẽ không có nghi án 16 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận. Tại sao trong tất cả các cuộc thanh, kiểm tra thường kỳ, không có bất kỳ một dấu hiệu sai phạm nào bị phát hiện?
Theo báo chí Nhật thì JTC là công ty tư vấn thiết kế chuyên ngành về khảo sát, thiết kế đường sắt. Bắt đầu từ những năm 90 thế kỷ trước, JTC vươn ra thị trường nước ngoài. Theo công bố của công ty thì tính từ năm 1993, JTC đã tham gia 14 dự án tại Việt Nam, trong đó có 5 dự án liên quan đến đường sắt Việt Nam, gồm: Dự án phục hồi cầu đường sắt Hà Nội - TP HCM (năm 2000); Phục hồi cầu đường sắt Hà Nội - TP HCM (giai đoạn 2) (năm 1999-2009); Nâng cao an toàn đường sắt tuyến Hà Nội - TP HCM (2005-2011); Nghiên cứu tiền khả thi việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM (2008-2009) và Dự án xây dựng tuyến đường sắt nội đô Hà Nội (tuyến số 1) (2009-2015).
Dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi, trong ngần ấy dự án mà JTC đã tham gia ở Việt Nam suốt từ năm 1993 đến nay, liệu còn có nghi án nào như ở Dự án đường sắt nội đô Hà Nội hay không?
Nguồn tin: Theo Báo Công an Nhân dân
4 nhà báo đưa tin chấn động về An ninh Mỹ được trao giải thưởng Pulitzer
Submitted by nlphuong on Tue, 15/04/2014 - 07:05(ICTPress) - Hai tờ báo Guardian và Washington Post vừa được trao Giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá về đưa tin vụ việc gây chấn động toàn cầu do Snowden tiết lộ.
(ICTPress) - Hai tờ báo Guardian và Washington Post vừa được trao Giải thưởng báo chí Pulitzer 2013 danh giá về đưa tin vụ việc gây chấn động toàn cầu của An ninh Mỹ (NSA) về những hoạt động theo dõi tình báo trong suốt nhiều năm. Vụ việc này được cựu nhân viên tình báo Edward Snowden đưa ra ánh sáng bằng những tài liệu có được từ NSA.
Giải thưởng này được trao cho các nhà báo Glenn Greenwald, Barton Gellman, Laura Poitras và Ewan MacAskill viết về chủ đề trên ở thể loại báo chí phục vụ cộng đồng.
Glenn Greenwald (trái) và Laura Poitras đã đến sân bay quốc tế John F. Kennedy, ngày 11/4 ở New York. Greenwald và Poitras đã cùng nhận giải thưởng George Polk về đưa tin an ninh quốc gia cùng với Ewen MacAskill và Barton Gellman của Guardian, những người đã đi đầu về việc đưa tin các tài liệu của NSA của tờ Washington Post. (Ảnh: AP) |
Đã 10 tháng kể từ khi hai tờ báo này đăng tải các bài viết về Chương trình theo dõi (PRISM) và các thu thập dữ liệu diện rộng, gây ra các mối quan ngại về sự riêng tư trong cộng đồng công nghệ cũng như thế giới. Ngay sau đó, Snowden đã lên tiếng chịu trách nhiệm về những tài liệu rò rỉ.
Snowden sau đó đã bị cáo buộc phạm tội gián điệp và phải tìm kiếm tị nạn chính trị ở nhiều nước. Hiện nay Snowden được cho là ở Nga. Các bài báo ban đầu được đăng tải này tiếp tục tạo tiếng vang. Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây đã đề xuất việc xem xét toàn diện hệ thống theo dõi.
Các bài báo đã được đánh giá là những công trình báo chí quan trọng nhất. Daniel Ellsburg, người đã tiết lộ một nghiên cứu của chính phủ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam sau đó đã nổi tiếng với các bài báo Lầu Nam góc, cho biết các văn bản được Snowden tiết lộ là một trong những rò rỉ thông tin quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Snowden đã cho Guardian biết là anh hoan nghênh quyết định này:
Quyết định ngày hôm nay là một minh chứng cho bất cứ ai tin tưởng công chúng có một vai trò trong chính phủ. Chúng tôi biết ơn những nỗ lực của các nhà báo dũng cảm và các đồng nghiệp của họ đã thực hiện công việc khi phải đối mặt với những đe dọa đặc biệt, trong đó có cả việc phải hủy các tài liệu báo chí, việc sử dụng các luật khủng bố không phù hợp và quả nhiều phương tiện khác gây áp lực đối với họ để chặn những gì thế giới hiện nay công nhận là công việc có tầm quan trọng mang tính công chúng sống còn.
Greenwald và Poitras gần đây mới quay trở lại Mỹ lần đầu tiên kể từ khi các bài báo về NSA xuất bản khi họ nhận được Giải thưởng George Polk cho những bài báo về an ninh quốc gia vào ngày 11/4 vừa qua.
"Bất cứ ai được nhận giải thưởng này đều nhận thấy những gì Snowden tiết lộ thực sự là việc làm đúng đắn và đáng được ghi nhân, và không có lý do nào để lên án”, Greenwald cho biết tại giải thưởng Polk, theo tin của Democracy Now!
“Không ai trong chúng ta ở đây mà không biết thực tế là có người đã quyết định hy sinh cuộc sống của mình để công bố những thông tin này. Và do vậy giải thưởng này thực sự là dành cho Edward Snowden", Poitras cho biết thêm.
Báo chí là một trong 21 tiêu chí được Giải thưởng Pulitzer công nhận, được thành lập vào năm 1917 sau sự ra đi của Joseph Pulitzer và được trường Đại học Columbia giám sát.
Giải thưởng báo chí Pulitzer được đánh giá là một vinh dự lớn trong nghề báo, với giải thưởng báo chí đưa tin công chúng là giải thưởng lớn trong hệ thống giải.
Greenwald đã rời Guardian vào tháng 10 để khởi động First Look Media với doanh nhân Pierre Omidyar của eBay. Poitras cũng đã gia nhập công ty này, Bài báo của Greenwald, The intercept đã lên sóng trực tiếp hồi tháng 2 và sẽ tiếp tục tiết lộ các văn bản từ Snowden.
Boston Globe được trao giải thưởng đưa tin sốc về vụ đánh bom tại cuộc thi Marathon Boston trong đó có hàng trăm cập nhật blog trực tuyến của tờ báo này cũng như đưa tin đậm nét về sự bắt giữ những kẻ tình nghi sau đó và cuối cùng.
Chris Hamby của tờ The Center for Public Integrity đã dành giải thưởng báo chí điều tra về công việc của các luật sư và bác sĩ làm giả một hệ thống để ngăn những người thợ mỏ không thể đưa ra yêu cầu lợi ích. New York Times đã đoạt nhiều giải thưởng về ảnh báo chí với Josh Haner dành giải thưởng ảnh phóng sự và Tyler Hicks giải giải thưởng tin “sốc”.
Mai Nguyễn
Báo Tiền Phong ra mắt trang Tấm Gương
Submitted by nlphuong on Mon, 14/04/2014 - 06:50Hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích của báo Tiền Phong, chuyên trang Tấm Gương góp phần tạo thêm kênh thông tin hữu ích, “phản chiếu và đồng hành” hướng tới lớp độc giả là học sinh...
Chuyên trang điện tử Tấm Gương của báo Tiền Phong chính thức ra mắt với tên miền mới www.tamguong.vn chạy song song với tên miền cũ từ đầu tháng 4/2014.
Trang Tấm Gương ra đời trên cơ sở nâng cấp chuyên trang Học sinh Sinh viên đã hoạt động từ tháng 12/2012 với sự cho phép của Ban Bí thư T.Ư Đoàn, T.Ư Hội sinh viên Việt Nam và sự hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam.
Hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích của báo Tiền Phong, Cơ quan trung ương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chuyên trang Tấm Gương góp phần tạo thêm kênh thông tin hữu ích, “phản chiếu và đồng hành” hướng tới lớp độc giả là học sinh, sinh viên, du học sinh và cựu sinh viên.
Trang www.tamguong.vn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam thông qua nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức giao lưu trực tuyến, kết nối lưu học sinh Việt, sinh viên trong ngoài nước, đồng hành trong nhiều sự kiện...
Trang hoạt động theo Giấy phép sửa đổi bổ sung số 121 được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 3/4/2014 và Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 304/GP-BTTTT cấp ngày 30/7/2013.
PV
Nguồn: tienphong.vn
Ngành Báo chí có gì đặc biệt và hấp dẫn với các bạn trẻ?
Submitted by nlphuong on Fri, 11/04/2014 - 05:50Báo chí là ngành dung hòa được nhiều ngành nghề khác. Có nhiều nhà báo thành công không từng trải qua đào tạo chuyên ngành.
TS. Đỗ Chí Nghĩa, Phó Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện báo chí tuyên truyền sẽ giải đáp một số thắc mắc của các em học sinh về chuyên ngành Báo chí.
Ảnh: opinionpost.com |
Nhiều em học sinh băn khoăn ngành Báo chí sẽ làm những công việc như thế nào? Môi trường và tính chất công việc của ngành Báo chí có gì đặc biệt và hấp dẫn đối với các bạn trẻ?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Nghề báo rất đa dạng. Hiện nay có 4 mảng là: báo in, báo mạng, truyền hình và phát thanh... phản ánh mọi mặt của xã hội. Do đó đòi hỏi người học phải có nhiều kỹ năng như: say mê, đồng cảm và tỉnh táo. Tuy nhiên dù có đa dạng đến đâu thì người học cũng phải đáp ứng được tiêu chí là phản ánh được xã hội.
Thưa TS Đỗ Chí Nghĩa, ông có thể khái quát đặc trưng cũng như yêu cầu công việc của 4 loại hình báo chí này? Theo nhận định của ông thì loại hình báo chí nào đang phát triển mạnh nhất và tạo ra nhiều cơ hội việc làm nhất cho các ứng viên?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Báo chí đang có sự đang xen, hiện Học viện Báo chí đào tạo 7 chuyên ngành Báo chí, tạo điều kiện cho người học báo có thể làm báo trong mọi điều kiện. Không thể nói loại hình nào mạnh nhất vì mọi loại hình báo chí đều có tiềm năng phát triển. Nếu sinh viên có đam mê, thực sự yêu nghề mới nên theo đuổi ngành báo chí.
Báo mạng có sức hút nhanh. Nếu em học ngành báo in thì cơ hội việc làm thế nào? Báo điện tử có nhiều cơ hội việc làm không?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Chúng ta thấy báo in đang trong giai đoạn suy thoái trên toàn cầu, co hẹp lại. Tuy nhiên xét về khía cạnh khác thì báo in vẫn có thế mạnh. Chúng tôi thường có câu “Tạp chí là thuốc bắc thì báo in là thuốc kháng sinh”. Do đó báo in vẫn có giá trị riêng của nó.
Báo mạng điện tử: Trước tiên các bạn phải phân biệt được báo mạng và trang thông tin điện tử. Nếu các bạn học tập tốt thì cơ hội việc làm rất tốt.
Truyền hình: "Mang cả thể giới vào ngôi nhà của bạn". Truyền hình đang giữ thế mạnh với nhiều vị trí và công việc khác nhau. Tuy nhiên việc chọn con người và đào thải trong công việc cũng rất cao.
Có ý kiến cho rằng có nhiều người không học báo nhưng vẫn làm có thể làm báo tốt vì có kiến thức chuyên ngành. Chính vì vậy mà sinh viên báo chí phải chịu sự cạnh tranh rất cao từ sinh viên trường khác trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm. Ông nghĩ sao về ý kiến trên? Và theo ông, sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo chuyên ngành Báo chí sẽ có ưu thế như thế nào trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Báo chí là ngành dung hòa được nhiều ngành nghề khác. Có nhiều nhà báo thành công không từng trải qua đào tạo chuyên ngành. Đối với sinh viên học báo chí, trong 4 năm các em được học nhiều kỹ năng, nghiệp vụ, được tiếp xúc với nhiều nhà báo nổi tiếng đó là lợi thế, bên cạnh đó, các em cần tìm hiểu các mảng xã hội mà mình quan tâm (chính trị, văn hóa, xã hội, giải trí), tự phát huy năng lực và nhất là đam mê thì sẽ học và làm tốt ngành báo chí truyền thông.
Để theo được ngành Báo thì cần những tố chất và kỹ năng gì? Khi học tại trường thì sinh viên có những hoạt động gì để trau dồi rèn luyện các kỹ năng đó?
TS Đỗ Chí Nghĩa: Nói đến tố chất của người làm báo thì có nhiều yêu cầu được đặt ra:
- Phải nhạy bén, hiểu nguyên tắc vận hành của xã hội, nắm bắt thông tin nhanh, giao tiếp tốt.
- Có sức khỏe tốt vì áp lực công việc thường xuyên.
- Phải có niềm say mê với nghề nghiệp.
Nguồn: vtv.vn