“Nghề báo cho tôi một tài sản khổng lồ”

Đam mê khi nhắc đến nghề báo, say sưa khi kể về công việc của một nữ “thủ lĩnh”, chị nói chuyện như người truyền lửa chứ không chỉ đơn giản là trả lời phỏng vấn.

Nghề báo cho chị thỏa ước mơ đi, gặp, viết và giúp đỡ mọi người, cho chị những người bạn, những mối quan hệ và hạnh phúc giản đơn của người được sống là chính mình… Trong cuộc trò chuyện này mọi nhọc nhằn dường như tan biến với nhà báo Phạm Mỵ, chỉ thấy ở chị tình yêu với nghề mà hơn 30 năm nay dường như chưa bao giờ tắt.

TS. Nhà báo Phạm Mỵ - Tổng biên tập báo Tài nguyên Môi trường, Chủ tịch CLB
Nhà báo nữ Việt Nam

Những chuyến đi dạy tôi biết “học mót”

Trong làng báo, phụ nữ làm nghề thì nhiều nhưng làm lãnh đạo cao nhất trong toà soạn thì đếm trên đầu ngón tay. Hẳn là chặng đường đi của chị cũng nhiều chông gai lắm? 

- Nói là chông gai cũng không hẳn nhưng nhọc nhằn vất vả thì đúng. Điều đó đúng với hầu hết mọi phụ nữ đến với nghề báo, không riêng ai. Tôi là người không hề chọn nghề báo nhưng có lẽ nó quàng vào tôi như là duyên nợ. Vốn học kinh tế nhưng vừa ra trường, duyên cớ thế nào đó tôi được tuyển vào Thông tấn xã Việt Nam để làm việc. Làm việc ở đây gần 30 năm, rồi chuyển sang làm Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị và bây giờ là Tổng biên tập Báo Tài nguyên & Môi trường. Nghĩa là chưa bao giờ tôi có ý định theo nghề báo nhưng tất cả ngã rẽ, sự thay đổi đều không “thoát” ra được cái nghiệp này. Tôi vẫn nghĩ, mọi sự cuối cùng vẫn chỉ bởi một chữ “yêu”.

Không chọn nghề mà cuối cùng lại bởi chữ yêu, là sao thưa Tổng biên tập?

- Là vì đến với nghề như một tờ giấy trắng, trong đầu còn chưa biết “báo chí” là gì rồi những con chữ, những chuyến đi kéo tôi gắn bó với nghề. Tôi bắt đầu công việc ở TTXVN bằng chuyến đi sang Campuchia, xa gia đình, xa người thân đến một chốn xa lạ đi theo các quân đoàn để viết bài. Sự nhọc nhằn của một cô bé vừa ra trường, lại từ một lĩnh vực hoàn toàn khác biệt với nghề báo thực sự là áp lực. Tôi cứ làm việc rồi vỡ vạc dần, cũng ngấm dần cái vất vả nhưng lại mê luôn cái…nghiệp đi từ lúc nào không biết nữa. Đến hết năm, tôi về Tiểu ban Văn xã thuộc ban BBT Tin trong nước – TTXVN. Bao năm làm nghề, một tháng không được đi là tôi cuồng chân, thấy người cứ bứt dứt, khó chịu lắm. Thời gian đầu, tôi cũng tham lam, dù chưa bao giờ học viết báo nhưng vì còn trẻ nên lĩnh vực gì cũng lao đi viết từ văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch… Sau này khi chững chạc hơn tôi chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục. Thế rồi những chuyến đi dạy tôi biết “học mót” về nghề báo.

Là Tổng biên tập tôi vẫn đi vẫn viết

Là người đặt nền móng cho tờ báo Tài nguyên và Môi trường, đến nay cũng đã gần chục năm rồi. Nữ phóng viên có khác nhiều so với nữ Tổng Biên tập không, thưa chị?

- Có khác nhiều chứ. Khi là phóng viên chỉ chuyên viết thôi, chiếc gánh trên vai nhẹ hơn, khi làm Tổng Biên tập đôi vai trĩu xuống. Bây giờ tôi vất vả và bận rộn hơn nhiều, không chỉ viết mà còn công việc quản lí, tổ chức nữa. Lãnh đạo một tập thể không đơn giản và với phụ nữ thì lại càng không. Tất nhiên, khi làm quản lí, kinh nghiệm trong nghề đã nhiều hơn thì viết bài vì thế cũng dễ dàng hơn, không bị gò bó và vật lộn với đề tài như trước. Nhìn đâu cũng thấy đề tài, đi đâu cũng viết được bài…

Tôi ít gặp một Tổng Biên tập…viết bài lắm. Chị vẫn viết ư, thưa người quản lí bận rộn?

- Tất nhiên rồi. Là Tổng Biên tập tôi vẫn đi vẫn viết. Viết là nghề mà. Tôi không thể buông cây bút dù ở bất cứ vị trí nào. Có những chuyến đi, tôi vừa đóng vai trò là sếp, vừa quan sát thu thập tài liệu viết bài, thậm chí còn “được” biên tập viên giục gửi bài ấy chứ. Lúc đó hoàn toàn không còn ranh giới của người quản lí hay phóng viên nữa. Tôi làm vai trò của một nhà báo, trách nhiệm của người cầm bút.

Hy sinh sẽ được đền đáp xứng đáng!

Cả đời gắn với nghiệp báo. Theo chị, phụ nữ làm báo có lợi thế gì trong công việc?

- Có thể nói suốt hành trình của nghề nghiệp tôi gắn bó với nghề báo, dù là phóng viên hay tổng biên tập. Tôi nghĩ, phụ nữ làm báo cũng có nhiều lợi thế khi tiếp cận với đối tượng bởi sự tinh tế, sự mềm mại, khéo léo trong ứng xử. Điều đó thì nam phóng viên không bằng. Và có lẽ phụ nữ là phái dễ xúc động nên tôi thấy những bài viết của nữ nhà báo thường có tính nhân văn và sâu lắng hơn. Tất nhiên để có những tác phẩm sâu sắc và rung động lòng người chúng ta phải đi, phải tìm kiếm, phải lăn lộn và phải có xúc cảm thực sự…

Nhưng hiện nay có rất nhiều tòa soạn báo từ chối nhận nữ làm phóng viên, chị nghĩ sao về điều đó?

- Cũng nên hiểu cho các Tổng Biên tập! Phụ nữ đến với nghề báo dù bằng đam mê đấy nhưng kỳ thực cuộc sống của họ nhiều lo toan quá, đâu chỉ có cơm áo gạo tiền, còn gia đình, sinh con đẻ cái…Những rào cản, bó buộc khiến người quản lí có đôi phần e dè khi đón nhận họ, cũng là lẽ thường thôi. Phụ nữ làm báo phải cố gắng gấp đôi trong công việc để được làm nghề, đó là sự hy sinh to lớn với nghề nghiệp.

Phụ nữ làm báo phải hy sinh nhiều? Nghe chị nói, có lẽ tôi và các đồng nghiệp nữ mới vào nghề sẽ…chùn bước!

Nhưng với tôi, sự hy sinh được đền đáp xứng đáng. Bởi nghề báo cho tôi nhiều thứ lắm bạn ạ. Điều được mất của nghề nghiệp chưa bao giờ tôi cho lên bàn cân cả nhưng nghề báo cho tôi nhiều thứ, thậm chí hơn cả mong đợi. Nghề cho tôi được đi, thỏa đam mê và cho tôi nhiều mối quan hệ thực sự. Tôi viết lên những gì người ta muốn nói và giúp đỡ được họ. Tôi đã có những mối quan hệ rất thân thiết từ công việc. Những người mà tôi gặp …năm tháng rồi trở thành bạn. Có thể bạn còn trẻ, chưa đủ chín trong nghề sẽ chưa cảm nhận hết giá trị của mình. Tôi đã đủ thời gian để thấy hạnh phúc với nghề nghiệp cao quý này. Nghề báo cho tôi một tài sản khổng lồ là bè bạn, mối quan hệ. Và tôi nghĩ không có bất cứ nghề nào có được điều đó, ngoài nghề báo.

Vâng, xin cảm ơn chị!

Hà Vân

Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật