VNPT cần quyết liệt về chuyên biệt
(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ TT&TT đã nhấn mạnh nhiều công việc VNPT cần tập trung tại buổi làm việc với VNPT sáng 9/6, trong đó “Nếu không tạo sự khác biệt thì sự quyết liệt vào cuộc chuyên biệt tái cấu trúc đều hạn chế”. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Phan Tâm và các đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Bộ trưởng Bộ TT&TT chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn VNPT |
Báo cáo những nét chính của tình hình tái cấu trúc Tập đoàn theo quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng giám đốc Tập đoàn Phạm Đức Long cho biết quá trình này đã trải qua 3 giai đoạn.
Các kết quả đạt được khi triển khai tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, theo ông Phạm Đức Long cho biết về tổ chức hoạt động của VNPT sau tái cấu trúc đã được phân thành 3 lớp “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh” theo đúng mô hình chuỗi của doanh nghiệp viễn thông – CNTT hiện đại; tạo tiền đề cho việc thay đổi về chất trong các hoạt động quản trị doanh nghiệp theo chiến lược “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả”.
Tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ viễn thông, CNTT và truyền thông của VNPT trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố đã chuyên biệt hóa được hoạt động kinh doanh với hoạt động kỹ thuật; hình thành được hệ thống kênh bán hàng thống nhất, xuyên suốt toàn Tập đoàn VNPT; tổng số nhân viên kinh doanh, bán hàng của VNPT đã được tăng cường từ hơn 4.000 lao động lên gần 15.000 lao động.
Tổ chức hoạt động của 03 Tổng công ty: VNPT-Net, VNPT-Vinaphone, VNPT-Media đã cơ bản ổn định; cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế quản lý nội bộ đã được điều chỉnh cho phù hợp với mô hình mới và dần phát huy hiệu quả.
Thực hiện việc tái cấu trúc hoạt động SXKD của VNPT đã giúp cho các đơn vị giảm đầu mối trung gian, giảm cấp quản lý, giảm lao động gián tiếp và tăng cường lao động cho khối sản xuất kinh doanh trực tiếp. Tỷ lệ lao động quản lý của các đơn vị đã giảm từ hơn 25% xuống gần 10%, gần 40% số lao động chuyên môn nghiệp vụ được chuyển sang hoạt động trực tiếp kinh doanh.
Công tác phát triển khách hàng tổ chức, doanh nghiệp được chuyên biệt hóa và tạo được đột phá. Đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - CNTT với Tập đoàn Becamex, Tổng công ty Xăng dầu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng BIDV, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và 45 UBND tỉnh, thành phố,... làm cơ sở cho các các đơn vị trong VNPT triển khai các dịch vụ viễn thông và ứng dụng CNTT tại địa bàn; Thực hiện tích hợp các giải pháp nhằm đem lại sự khác biệt dịch vụ của VNPT cung cấp cho các khách hàng.
Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết về tình hình SXKD của VNPT |
Tổng Giám đốc Phạm Đức Long khẳng định hoạt động kinh doanh của Tập đoàn đã có nhiều điểm mới sau tái cấu trúc. Với sự thành lập của Tổng công ty VNPT VinaPhone, hệ thống đã thống nhất, xuyên suốt trên cả nước với hơn 130.000 điểm bán hàng, số lượng nhân viên bán hàng tăng hơn 3 lần. VNPT đã quan tâm tới khách hàng lớn. Ban Khách hàng DN được thành lập để quản lý toàn bộ những khách hàng lớn, tiềm năng.
Thị phần của VinaPhone trước tái cấu trúc chỉ 7%, giờ thị phần với các thuê bao phát sinh cước thật là hơn 20%. Mục tiêu đặt ra cho VinaPhone trong thời gian tới là phải chiếm 35% thị phần, quay trở lại vị trí số 2.
Đánh giá công tác kinh doanh sau tái cấu trúc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết đã có chuyển biến rõ nét nhưng cần tạo sự khác biệt trong kinh doanh, đáp ứng khách hàng trong khoảng thời gian cam kết. “Nếu không tạo sự khác biệt thì sự quyết liệt vào cuộc chuyên biệt tái cấu trúc đều hạn chế”, Bộ trưởng khẳng định.
Đối với lĩnh vực CNTT, theo Tổng giám đốc Long cho biết hiện Tập đoàn có 1500 lao động làm phần mềm, CNTT, riêng phần mềm là 800 người, tập trung vào những nhóm sản phẩm chính như Chính phủ điện tử (Tập đoàn đã ký hợp tác chiến lược về Viễn thông - CNTT với 45 UBND tỉnh, thành và 1 số bộ ngành, triển khai Chính phủ điện tử cho nhiều địa phương); Y tế (Tập đoàn đang cung cấp Hệ thống Phần mềm quản lý khám và chữa bệnh cho 3600 trên tổng số 14.000 cơ sở y tế trên cả nước. Thị phần VNPT đang lớn nhất, tiếp tục triển khai hợp tác với các cơ sở y tế và bệnh viện cấp I). Ngoài ra, Tập đoàn cũng tập trung vào Nhóm sản phẩm giáo dục VN-EDu (triển khai tại 9100 trường và 3,8 triệu học sinh); Nhóm sản phẩm TN&MT: Quản lý đất đai và môi trường; Nhóm giải pháp smartcity (Đang thử nghiệm ở Phú Quốc và một số địa phương khác đang đặt hàng).
Về lĩnh vực này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Tập đoàn cần phải có lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng tới từng cán bộ, công nhân viên, phải cụ thể hóa bằng doanh thu và hiệu quả, hàng năm phải xem có đạt mục tiêu không; tránh chuyện chuyển doanh thu từ mảng này sang mảng khác.
Bộ trưởng cũng nêu VNPT cần chủ động nắm bắt cơ hội để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tăng cường thuê khoán, sàng lọc những điểm kinh doanh không hiệu quả hoặc chồng chéo, đảm bảo tiến độ đầu tư.
Đối với viễn thông, Bộ trưởng đề nghị VNPT phải xây dựng được hạ tầng viễn thông thông minh, an toàn cho người sử dụng. Công nghệ viễn thông, mạng viễn thông là nền tảng, xương sống kinh doanh và phát triển của VNPT, từ đó phải triển khai các dịch vụ viễn thông, CNTT, xem lại một cách thực chất xem xương sống đã đủ “khỏe” chưa. Chủ động nắm bắt cơ hội đầu tư 4G.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, VNPT cũng đặt mục tiêu chiến lược đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường/khách hàng sử dụng dịch vụ của VNPT.
Tổng giám đốc Phạm Đức Long cho biết VNPT đang chuẩn bị hợp tác với một số đối tác nước ngoài nhưng chủ trương đi đồng bộ cả hạ tầng đi kèm cung cấp dịch vụ CNTT, công nghiệp CNTT. Chủ động đi ra nước ngoài, tìm kiếm đối tác, phấn đấu xuất khẩu 200 triệu USD (tương đương 4000 tỷ đồng) phần cứng.
Trước chiến lược này, Bộ trưởng cho biết: “Để cạnh tranh, VNPT cần có chiến lược con người theo chuẩn quốc tế để vươn ra biển lớn. Phải sắp xếp con người vào đúng vị trí để phát huy năng lực và trình độ. Phải có tiêu chuẩn để xét tuyển từng vị trí chủ chốt, dựa trên năng lực và sự phù hợp của từng vị trí”.
Nhấn mạnh lại, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị VNPT cần tập trung nguồn lực phát triển đồng bộ 4 trụ cột của tập đoàn: hạ tầng - kinh doanh - dịch vụ - công nghiệp theo hướng chuyên biệt, chuyên nghiệp, hiệu quả.
HM