"Gìn giữ Trường Sa: Chuyện hy sinh không phải chỉ hôm qua"
Nam Yết - một hòn đảo trù phú, quyến rũ với nhiều cây xanh tươi tốt, với nhiều công trình khang trang hiện đại như nhà văn hóa, đèn hải đăng... nhưng ẩn dưới lùm cây ấy là bốn ngôi mộ của chiến sĩ hải quân, trong đó có liệt sĩ vừa hy sinh năm trước.
Liệt sĩ Đinh Thanh Bình - liệt sĩ trẻ nhất (sinh năm 1992) trong 4 liệt sĩ, nhập ngũ chưa được 7 tháng thì hy sinh (ngày 19/9/2011) |
Sự hy sinh không phải chuyện của hôm qua
Đến đảo Nam Yết vào ngày trời nổi giông gió thất thường. Dù trong mây mù, đảo Nam Yết vẫn đẹp như một thiên đường giữa biển khơi. Hàng phong ba xanh mơn man bao phủ xung quanh đảo. Giữa sóng gió trùng khơi, giữa vị mặn mòi của biển cả, không ai có thể không ngỡ ngàng trước vẻ trù phú của hòn đảo lớn thứ nhì quần đảo Trường Sa này (sau đảo Ba Bình, Đài Loan đang chiếm đóng bất hợp pháp).
Điều làm đoàn công tác và thân nhân chúng tôi xúc động, ấn tượng khó phai là 4 ngôi mộ liệt sĩ mới hy sinh trên đảo. Trên hàng bia viết vội, nét chữ xô nhau không thẳng hàng, chúng tôi đọc được tên tuổi, quê quán của các anh. Những người rất trẻ. Liệt sĩ Đinh Thanh Bình, trú quán: Đa Kai - Đức Linh - Bình Thuận sinh năm 1992, nhập ngũ chưa tròn 7 tháng đã hy sinh (hy sinh ngày 19/9/2011). Ngày hy sinh gần đây nhất, ngày 02/02/2012, đã có 2 liệt sĩ hy sinh cùng ngày này. Đó là, Liệt sĩ Lại Huy Công sinh năm 1980 (Thái Thụy, Thái Bình) và Liệt sĩ Nguyễn Văn Cường sinh năm 1990 (Kim Động- Hưng Yên).
Liệt sĩ Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1990) là một trong 2 liệt sĩ hy sinh gần đây, năm 2012 (Ảnh Hồng Chuyên) |
Cuối cùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Hà, sinh năm 1989 (Quỳnh Lưu - Nghệ An) hy sinh ngày 30/5/2010. Bốn liệt sĩ ấy nằm thẳng hàng trên một khu đất trên đảo Nam Yết. Mỗi ngội mộ đồng đội đều dựng một ban thờ nho nhỏ để đặt di ảnh và đồ thờ cúng các anh.
Trung tá Trần Minh Thuần, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết kể lại sự hi sinh của 2 liệt sĩ Lại Huy Công và Nguyễn Văn Cường: “Cách đây hơn 1 năm (vào ngày 2-2-2012), trong khi làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, xuồng của các đồng chí bị sóng gió ập đến. Đồng chí Cường bị sóng đánh rơi khỏi xuồng. Thấy Cường bị rơi xuống biển, đồng chí Công đã không ngần ngại hiểm nguy lao xuống biển đến cứu đồng đội. Tuy là người bơi lặn giỏi nhất trong tổ tuần tra, nhưng với sức mạnh và sự hung dữ của sóng gió đại dương, cả hai đồng chí đã hy sinh. Cũng trong thời điểm ấy, vợ đồng chí Công ở quê nhà vừa sinh một cô con gái, nhưng anh đã mãi ra đi và không bao giờ được nhìn thấy mặt con của mình”.
Tại đảo Đá Lớn, câu chuyện này tiếp tục được một thành viên tổ công tác Lữ đoàn 146 cho chúng tôi biết thêm: “Ba trong 4 ngôi mộ đặt tại đảo Nam Yết là liệt sĩ hy sinh tại đảo Đá Lớn”
Vì tổ quốc còn khó khăn nên không thể đưa thi hài các anh về ngay với đất mẹ. Các anh nằm lại với đồng đội, nằm lại với cát và nước Trường Sa, mà thời gian nằm lại sẽ lâu gấp 2-3 lần thời gian cải cát trên đất liền.
Vậy là chuyện hy sinh không phải chỉ có chuyện của hôm qua. Ngày hôm nay, dù Nhà nước và Nhân dân luôn hướng về biển đảo nhưng khó khăn, thiếu thốn của người lính đảo xa không phải đã hết. Không chỉ có khó khăn mà còn có cả hy sinh và mất mát. Nhưng cao hơn cả, đó là tấm lòng người lính đảo. Người lính đảo hôm nay luôn chắc tay súng bảo vệ biển đảo tổ quốc cho dù máu của các anh có thể đổ.
Đảo Nam Yết cách bán đảo Cam Ranh 318 hải lý, nằm ở 100 10’ 46’’ vĩ độ Bắc, 1140 22’ 1” kinh độ Đông. Hướng Đông Bắc cách 14 hải lý có đảo Sơn Ca. Đông Bắc cách 19 hải lý có đảo Đá Thị, Đông Nam cách 20 hải lý có bãi đá Ba Đầu. Hướng Nam cách 21 hải lý có đảo Sinh Tồn. Hướng Tây cách 9 hải lý có bãi đá Ga Ven (Trung Quốc đang chiếm giữ bất hợp pháp), là một trong những đảo có vị trí chiến lược quan trọng trên quần đảo Trường Sa, Tây Bắc cách 11 hải lý có đảo Ba Bình (Đài Loan đang chiếm đóng trái phép).
Vị trí Nam Yết trong thế chân kiềng vững chãi Sơn Ca- Nam Yết- Đá Thị trên Biển Đông |
Đảo có hình bầu dục, bề ngang nằm theo hướng Đông Tây và thay đổi hình dáng theo mùa do tác động của sóng gió. Đây là đảo nổi có diện tích lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa, độ cao của đảo so với mực nước biển chừng 0,8m, chất đất trên đảo tương đối tốt, trải qua quá trình cải tạo nên đảo có nhiều cây bóng mát như mù u, phong ba, bàng vuông.
Qua thời gian và bàn tay cần mẫn, chăm chỉ lao động của cán bộ, chiến sỹ đã khoác cho đảo một màu xanh của cỏ cây. Các loại như dừa, xoài, đu đủ… và một số giống cây thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, trong đó có cây nhàu, một loại cây thuốc quý, được người lính ở đây đặt tên cho nó là cây cà phê dại.
Đảo Nam Yết nhìn từ trên cao (Ảnh: Quân đội Nhân dân) |
Tuy nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng, khí hậu ở đây không thuận lợi như ở đảo Trường Sa và đảo Song Tử Tây nhưng nhờ ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn Đảo Nam Yết đã tự túc được nhu cầu rau xanh và một phần thực phẩm. Năm 2012 cán bộ, chiến sỹ đảo Nam Yết đã thu được gần 17.092 kg rau xanh; 1.983 kg cá các loại; 2.387 kg thịt gia súc, gia cầm và 1.215 quả trứng gia cầm. Tổng giá trị ước đạt trên 250 triệu đồng. Số tiền trên sau khi được trích đưa vào đầu tư tái sản xuất, số còn lại được đưa vào chi ăn thêm cho bộ đội nhân dịp các ngày lễ, ngày tết truyền thống, ngày kỷ niệm.
Cây phong bà vẫn luôn tươi tốt, nở hoa trên đảo Nam Yết (Ảnh Hồng Chuyên) |
Đảo Nam Yết được đánh giá là đảo đẹp nhất về cảnh quan môi trường của quần đảo Trường Sa. Trên nền cát bỏng, trơ cằn sỏi đá, san hô ngày nào giờ đã xanh xanh những rặng dừa thi gan cùng gió bão, nắng mưa, bám trụ kiên cường với những người lính giữa đảo. Cán bộ luôn làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân Việt Nam và các đối tượng khác bị nạn trên vùng biển quản lý.
Và chuyện gần 40 năm về trước
Cách đây 38 năm trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 lịch sử, sau chiến thắng vang dội của ta ở mặt trận Buôn Mê Thuột, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa và một số tỉnh, thành khác. Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Hải Quân, một bộ phận của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tiến ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa nghiêm trọng. Đảo Nam Yết mặc dù là trung tâm chỉ huy của địch ở quần đảo Trường Sa nhưng chúng vẫn không thể kháng cự được trước khí thế tiến công như vũ bão của quân giải phóng, buộc sở chỉ huy của bọn chúng phải rút chạy.
Chớp thời cơ, lực lượng của ta nhanh chóng tiến công giải phóng đảo. Lúc 10 giờ 30’ ngày 27/4/1975 ta hoàn toàn làm chủ Đảo Nam Yết. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tượng trưng cho ý chí quyết chiến, quyết thắng đã phần phật tung bay trên mốc chủ quyền trong nắng, gió Trường Sa. Và từ đó đến nay lớp lớp cán bộ, chiến sỹ đảo Nam Yết luôn phát huy truyền thống của Lữ đoàn Trường Sa anh hùng, sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Xây dựng đảo ngày càng vững mạnh xứng đáng với niềm tin yêu, sự quan tâm ưu ái mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Lính đảo Nam Yết chuẩn bị đón khách lên đảo (Ảnh Hồng Chuyên) |
Trải qua gần 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ của đảo Nam Yết đã lập được nhiều thành tích tiêu biểu góp phần tô thắm truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của Đoàn Trường Sa anh hùng.
Đảo đã vinh dự được Bác Tôn tặng lẵng hoa năm 1975 và 1979. Năm 1985, đảo vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất. Năm 2003 được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đặc biệt, ngày 22-12-2004, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý đơn vị “Anh hùng LLVTND”.
Hiện nay các công trình quốc phòng và dân sinh được xây dựng khá vững chắc, xung quanh đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng kiên cố, có bến cập xuồng, trên đảo đã có nhà 2 tầng và nhiều nhà kiên cố khác, bảo đảm nơi ăn, ở, làm việc cho cán bộ chiến sỹ, đảo có trạm thu phát tín hiệu truyền hình từ vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch và nhiều phương tiện phục vụ đời sống tinh thần cho bộ đội.
Đến Nam Yết, chúng tôi thật sự mừng vui vì thấy được sức sống của đảo hôm nay, thấy được tinh thần kiên cường của các anh lính đảo. Vượt qua tất cả những khó khăn, hy sinh mất mát rình rập phía trước, người lính đảo luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương. Nhưng, cũng không thể nguôi được những hy sinh mất mát của các anh. Qua bài viết nhỏ này, xin gửi đến các anh, những người đã ngã xuống để giữ gìn biển đảo quê hương một nén tâm hương thành kính.
Hồng Chuyên
Báo Bưu điện