Lấp lánh nụ cười Trường Sa

Ở Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi thiêng liêng của Tổ quốc, những nụ cười trở nên hết sức đặc biệt vì ẩn đằng sau là những câu chuyện cảm động.

Chúng tôi không thể nào quên được những khoảnh khắc gặp mặt của người lính đảo và thân nhân. Họ đã trải qua nhiều tháng trời xa cách, giờ mới được tay bắt mặt mừng giữa hải đảo xa xôi.

Cuộc hội ngộ của vợ chồng chị Vũ Thị Thu (quê Bắc Ninh) trên đảo Song Tử Tây khiến ai cũng xúc động nghẹn ngào. Hiện tại họ đang có với nhau một bé gái 8 tháng. Đó là thành quả một lần anh bị bệnh phải vào đất liền điều trị, rồi từ đó đến nay anh đi làm nhiệm vụ.

Khi ở trên đảo, vợ chồng chị Thu không rời nhau nửa bước, ngay cả khi anh làm lái xe chở quà từ đất liền vào, chị cũng sẵn sàng làm "lơ xe" để được ngồi cạnh anh. Chị kể, thời gian trên đảo, hai vợ chồng đã nhặt rất nhiều vỏ ốc để kết thành món quà cho con gái. Đến lúc trở về tàu, chị đã khóc rất nhiều mỗi khi nhắc đến anh.

Nhiều cặp vợ chồng khác cố nén đi niềm sung sướng gặp mặt. Họ ý tứ nhìn nhau chẳng nói lên lời.

Nụ cười hân hoan hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ giữa đảo xa
Một đôi vợ chồng cười và nhìn nhau rất ý tứ

Đến bây giờ chúng tôi vẫn không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh một chàng binh nhì cất tiếng gọi "ba" khi người ba yêu thương của anh bước từ trên xuồng xuống. Anh không lao vào ôm hôn mà chỉ cất tiếng gọi "ba". Tiếng "ba" ngập ngừng, ngỡ ngàng, sung sướng, phải tinh tế lắm mới nhận ra được bao nhiêu tình cảm chất chứa và dồn nén trong đó. Hình ảnh người con quàng tay vào cổ bố như còn tấm bé đã chạm vào miền cảm xúc bất tận của tình cha con.

Chàng lính đảo mừng vui gặp bố. (Ảnh: Ngọc Tuyến)

Người mẹ có nụ cười hiền hậu dưới đây là cô Phùng Thị Minh (quê Thái Thụy, Thái Bình). Khi gặp con mình trên đảo Đá Thị, cô chia sẻ: "Vượt đường xa từ Thái Bình đến TP. Hồ Chí Minh rồi lênh đênh trên biển gần 3 ngày, lúc đầu cô cũng lo lắm, không biết con mình như thế nào. Đêm tàu neo gần đảo nhưng vẫn chưa được lên, ruột cô cồn cào. Nhưng giờ gặp con rồi, thấy yên tâm lắm".

Nụ cười hiền hậu của người mẹ lam lũ, sự bẽn lẽn của người vợ lính đảo nấp sau lưng, họ rất vui vì sắp được gặp người thân

Những đứa trẻ trên đảo Song Tử Tây ríu rít khi có khách đến thăm đảo. Bé nào cũng háo hức kể chuyện cho cô chú nghe về nhà mình. Những em bé chạy nô đùa trên đảo mang lại cảm giác hình bóng quê nhà gần gũi quanh đây.

Nụ cười vui hạnh phúc của bé gái trên đảo Song Tử Tây.

Nụ cười trộn lẫn nước biển, nước mưa của cô phóng viên trẻ nhất đoàn Vũ Thị Nhung khiến các anh lính đảo khó có thể quên được. Khi phóng viên Infonet chụp bức ảnh này là lúc sóng to gió lớn, đoàn phóng viên đang chòng chành trên chiếc xuồng nhỏ để vào đảo. Gió táp từng hồi, mưa, và nước biển té lên xuồng làm chúng tôi ướt áo quần. Dù gặp cảnh mưa gió như vậy, Nhung vẫn không ngại khó khăn thoăn thoắt lên xuống và nở nụ cười tươi tắn trên môi.

Nụ cười mặn mòi nước biển của cô phóng viên Vũ Thị Nhung khi chiếc xuồng vượt lên đầu sóng để vào đảo

Những nụ cười hạnh phúc của lứa đôi gặp mặt, của cha con tương phùng, nụ cười hồn hậu của người mẹ quê lúa Thái Bình, nụ cười hồn nhiên của em bé, của cô phóng viên trẻ... có được tròn trịa hay không có lẽ đều nhờ nụ cười cương nghị, rắn giỏi của người lính đảo hôm nay.

Đây là nụ cười của Thiếu úy Đỗ Văn Mạnh, đảo Nam Yết. Nụ cười của anh mang trong mình nỗi buồn riêng về tình yêu đôi lứa nhưng vượt lên tất cả anh vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nụ cười nghiêm nghị, rắn giỏi của anh lính đảo Nam Yết

Các chiến sĩ cười vui khi trưởng đoàn công tác nói hài hước, căn dặn anh em không được "làm phiền" các cán bộ chiến sĩ có vợ lên thăm đảo.

Anh lính đảo Sinh Tồn cười vui khi Trưởng đoàn công tác đùa, căn dặn anh em không được "quấy" cán bộ chiến sĩ có vợ ra thăm.

Thiếu úy Tống Văn Tùng, thủy thủ đoàn tàu HQ 996 luôn là người hăm hở, nhiệt tình giúp đỡ thân nhân lên xuống tàu, giúp đỡ thân nhân khi cần thiết. Nụ cười thân thiện của anh đã xua đi cảm giác xa lạ nhớ nhà, nhớ người thân của những người mẹ, người vợ, người cha khi ra thăm đảo.

Thủy thủ, Thiếu úy Tống Văn Tùng thuộc tàu HQ 996

Hòa nhịp với những niềm vui, nhạc sĩ Khánh Tường (hội nhạc sĩ TP. Hồ Chí Minh), thành viên đoàn TNXK TP. Hồ Chí Minh cũng kịp thời sáng tác ngay bài hát "Nụ cười chiến sĩ Trường Sa". Chiếc máy ghi âm của tôi và căn phòng chật hẹp trên tàu đã trở thành phòng thu "dã chiến" ghi lại bài hát đầy ý nghĩa này.

Dưới đây là bài hát "Nụ cười chiến sĩ Trường Sa" sáng tác tại Trường Sa và thu âm tại Trường Sa. Do chính tác giả, nhạc sỹ Khánh Tường và ca sỹ không chuyên Minh Chánh (Đoàn Thanh niên Xung kích TP. HCM) thể hiện, thu âm Hồng Chuyên, kỹ thuật video Trần Văn Trọng.

 

 

Giai điệu giản dị, mộc mạc "yêu biết mấy nụ cười chiến sĩ Trường Sa" cứ ngân dài trong tiếng sóng vỗ mạn thuyền và vang vọng trong ký ức về chuyến đi Trường Sa của chúng tôi.

Tin nổi bật