Thăm Trường Sa vào đầu mùa bão tố

Chỉ có vượt qua bão tố mới biết trân trọng lòng dũng cảm, phải có những phút bình yên mới biết cuộc sống cũng nên thơ, phải ngắm nhìn vợ chồng lính đảo ngày gặp mặt mới biết niềm thương và nỗi nhớ. Hành trình 13 ngày trên biển Trường Sa, đoàn nhà báo Thông tin và Truyền thông đã được nếm trải đủ cung bậc ấy. Sự nếm trải ấy đã khiến chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh, cảm nhận được sự anh hùng của người lính đảo Trường Sa hôm nay.

Bình yên ngày lên đường

Theo tinh thần họp đoàn đi thăm quần đảoTrường Sa, tháng 6 năm 2013, đoàn được chia làm 2 đoàn nhỏ đi theo 2 hướng khác nhau. Đoàn thứ nhất đi trên tàu HQ 571 chạy tuyến phía Nam quần đảo Trường Sa.

Đoàn nhà báo Liên chi Hội nhà báo Thông tin Truyền thông của chúng tôi đi tàu HQ 996 tới các điểm đảo phía Bắc mà quân dân ta đang sinh sống và thực thi chủ quyền, bao gồm các đảo như: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Đảo Sơn Ca, Đảo Nam Yết, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn và Đá Lớn.

4h sáng, chưa rõ mặt người, chúng tôi đã í ới gọi nhau dậy chuẩn bị đồ dùng. Cả dãy dài trước khách sạn xếp đầy hàng hóa để đưa ra đảo xa. Ai cũng háo hức chờ đón chuyến đi dài ngày. Cô phóng viên trẻ Vũ Thị Nhung dậy từ lúc nào, gõ cửa khua cả đoàn phóng viên dậy. Chiếc vali to hơn người và hành lý tư trang sẵn sàng. Khi xuống đến sảnh, Nhung bồn chồn đứng ngồi không yên. Cứ như sợ lỡ mất chuyến đi...

Trong đoàn đi lần này có rất nhiều thân nhân của các chiến sĩ, sĩ quan trên đảo. Hầu như đều là những người lần đầu tiên ra nơi người thân của mình đang đóng quân. Với những người vợ mới cưới sắp được gặp chồng, khoảng cách nghìn trùng khiến cho khát vọng được gặp nhau dâng trào mãnh liệt trong ánh mắt. Những người mẹ, những người cha sẵn sàng bỏ công việc của mình ở nhà để ra thăm đứa con thân yêu nơi đảo xa...

Khi những chiếc xe chở thân nhân và đại biểu từ nhà khách đến cảng Cát Lái, mặt trời vừa ló rạng. Bình minh trải nắng trên 2 con tàu lừng lững HQ 996 và HQ 571. Ai cũng cố giữ cho mình những khoảnh khắc đáng nhớ của ngày lên đường.

Bắt đầu hành trình ra Trường Sa

Sáng hôm sau nắng vẫn rực rỡ trên boong tàu. Biển đẹp lặng lẽ, thỉnh thoảng theo gió vài đợt sóng gợn lăn tăn. Mấy cô gái đứng trên boong tàu hiền hòa ngắm nhìn trời biển.

Cũng trong ngày hôm đó, biển nổi sóng lớn hơn, 3 lần chúng tôi được chứng kiến cảnh cá heo đùa giỡn trên sóng nước. Trên cabin, anh thủy thủ tàu HQ 996 Tống Văn Tùng giương ống nhòm nhìn xa và than thở: “Cá heo lên như thế này, chỉ mấy hôm nữa biển sẽ động”. Nghe từ “biển động” trong đầu ai cũng thoáng vẻ lo lắng.

Hội ngộ tại Song Tử Tây, ngày nắng đẹp

Ở vùng giữa Trường Sa và đất liền thường có ít tàu cá đánh bắt. Cảm giác mong ngóng được gặp người thân đang dâng lên trong mỗi người, nhất là những người vợ vừa lấy chồng ít hôm, chồng đã lên đường ra đảo.

Là một trong những người vợ mong mỏi gặp chồng, chị Trần Thị Kiều Hạnh, sinh năm 1987, có vóc dáng nhỏ nhắn hay đứng thơ thẩn nhìn ra biển. Hạnh kể: “Em người Cần Thơ, lấy chồng được gần 2 năm. Lấy nhau được ít ngày thì chồng đi công tác Trường Sa. Từ đó đến nay, chúng em chỉ gặp nhau trên điện thoại”. 

Hai năm lấy chồng, họ vẫn chưa có con, Hạnh vẫn đang sống cùng gia đình chồng. Điểm mặt trên tàu cũng có vài người vợ vừa cưới xong thì chồng đi công tác Trường Sa, họ chưa có đủ thời gian để hoàn thành nghĩa vụ “tuyển quân cho gia đình” (cánh hải quân vẫn đùa khi nói về những người vợ chưa có con ra thăm đảo).

Thể hiện như một người mạnh mẽ nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Thắng, sinh năm 1987, quê Nghệ An, cũng không giấu nổi nỗi nhớ chồng. 

Chị kể bằng giọng trầm buồn: “Nhớ lắm anh ạ, nhất là con bé nhà em, nó nhớ mãi lúc chia tay với bố, nó vẫn khóc đòi em đưa ra cảng để chào bố”. Dường như, người mẹ trẻ đang dùng chuyện của con để nói hộ lòng mình.

Bởi những niềm riêng ấy mà chuyến đi này với những người vợ xa chồng lâu ngày, những người vợ mới cưới, những người mẹ lần đầu tiên xa con... trở nên vô cùng có ý nghĩa. Dường như thấu hiểu những điều đó, hàng năm, Hải quân Việt Nam vẫn tổ chức chuyến đi thăm thân nhân để phần nào chia sẻ những tâm tư của người lính đảo và những người vợ lính đảo vò võ ở nhà. 

Nhưng không phải chuyến đi nào họ cũng có thể sắp xếp được để ra thăm chồng nên thời gian xa nhau cứ thế mà dài hơn...

Đến Song Tử Tây, ở đây, cánh phóng viên chúng tôi được tác nghiệp nhiều nhất nên có thời gian được chứng kiến những cuộc gặp mặt đầy xúc động. Có những cái ôm nồng ấm khát khao sau bao ngày xa cách. Có những cái nhìn đắm đuối cho thỏa nỗi nhớ mong. Có những nụ hôn cháy rát yêu thương. Chỉ có thể là người lính đảo, chỉ có thể là thân nhân của họ mới thấu hiểu sự mong mỏi gặp mặt người thân như thế nào.

Vợ chồng chị Phạm Hồng Liên gặp mặt tại Song Tử Tây

Vừa gặp chồng, chị Phạm Hồng Liên (quê Quảng Ninh) đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc. Chị đã khóc, khóc cùng khuôn mặt tươi tắn, khóc cùng nụ cười sung sướng. Khi lên tàu chị vẫn ngượng nghịu vì không thể giấu được cảm xúc của mình. Chồng chị là thượng tá, sĩ quan nên thời gian công tác trên đảo thường dài, và nỗi nhớ, niềm hạnh phúc phải chăng vì thế mà nhân đôi.

Và những cuộc gặp vội vã ngày biển động

Chỉ sau vài ngày, biển không còn dịu êm như những buổi đầu lên đường. Sóng đánh mạnh vào thân tàu. Con tàu lắc lư. Những cơn mưa bất chợt trên biển dày hơn. Tháng 6, bắt đầu mùa biển động, bắt đầu mùa bão tố. Những cuộc đưa người thân vào đảo chóng vánh, vội vã dần. Có khi vừa nhìn thấy nhau chưa kịp chào, mọi người đã phải vội vã lẩn trốn cơn mưa. Đội phóng viên chúng tôi nhiều lúc không còn cơ hội chứng kiến giây phút xúc động gặp nhau của những người lính đảo gặp thân nhân.

Chiến sĩ hải quân dầm mưa trên biển, đưa đón bảo vệ thân nhân ra đảo

Cuộc gặp trên đảo Cô Lin, nơi vẫn còn ghi dấu con tàu HQ 505 trận chiến Gạc Ma 1988, giữa chị Hằng và chồng là một trong cuộc gặp chúng tôi được chứng kiến ngày biển động. Quà chị mang lên thăm chồng là một can nhựa 20 lít chứa toàn cà muối. Chị Hằng chia sẻ sau khi trở về: “Cà ướp này do chính tay chị ướp. Tất cả các anh trên đảo đều rất thích. Nhất là cà muối chấm mắm tôm. Hôm chị ở trên đó, các anh chỉ dám ăn bữa đầu, còn để dành cho bữa sau”.

Chúng tôi còn được nghe câu chuyện xúc động về chị, một người phụ nữ đảm đang nhưng cũng rất cương quyết. Đang ở quê nhà, chị Hằng dắt theo con lên Cam Ranh, ba mẹ con thuê nhà buôn bán lặt vặt để được gần chồng hơn. 

Càng về những ngày cuối biển càng gầm gào hơn. Đến đảo Sinh Tồn Đông sóng lớn, mưa to. Khi đoàn phóng viên đã mặc áo phao chỉnh tề chờ lên xuồng vào đảo, thấy tình hình nguy hiểm, Trưởng đoàn công tác quyết định không đưa phóng viên lên đảo mà chỉ dám đưa thân nhân lên. Chỉ có phóng viên Mạnh Vỹ (Tạp chí Công nghệ Thông tin và Truyền thông) trà trộn vào thân nhân và xuống xuồng vào đảo. Những phóng viên còn lại, đến bây giờ vẫn cảm thấy nuối tiếc vì không vào được đảo nhưng cũng không quên được cảnh lên xuống xuồng hôm đó. Tiếng hò hét chỉ huy, những bước chân lẩy bẩy của thân nhân lần đầu xuống xuồng. Chiến sĩ Hải quân phải bắt chân từng người đặt vào thành xuồng đang liên tục lắc lư vì sóng.

Và cũng từ đó trở đi, biển luôn có sóng lớn, có mưa to. Nhiều lúc con xuồng nhỏ bé chở đoàn công tác bị dội những trận mưa như trút, chúng tôi lên đảo với bộ quần áo ướt sũng. Khi đó cảm giác cô đơn trước sóng, gió, mưa lại len lỏi trong tâm trí mỗi người.

Đến những ngày cuối, con tàu như gã khổng lồ say rượu, luôn lảo đảo lắc lư trên biển. Nằm trên thuyền mà chúng tôi cố nằm trong tư thế “bám đất”, chỉ sợ con tàu sẽ hất chúng tôi ra khỏi giường. Cảm giác say sóng thật khó tả. Nôn nao. Rạo rực. Không muốn ăn gì. Cổ họng luôn luôn trong trạng thái trào ngược. Bụng cứ bảo dạ cố ăn, nhưng không nuốt nổi. Nhiều người đã không thể dậy nổi nằm bẹp trên giường cho đến ngày về đến cảng Cam Ranh.

Là thủy thủ có nhiều kinh nghiệm đưa đón các đoàn ra Trường Sa, Đại úy Trần Văn Quân (thủy thủ tàu HQ 996) chia sẻ: “Sóng như này không ăn thua, tầm cuối năm, mùa biển động thì ngay cả thủy thủ như chúng tôi vẫn bị say sóng. Và tầm đó mùa chuyển quân, anh em còn phải mắc võng trên boong tàu, mưa ướt, gió lại khô, chứ không có giường nằm, và phòng riêng như thế này đâu”.

Ông Nguyễn Văn Khá (quê Bình Dương), bố của chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây kể chuyện: “Con tui, khi ra đảo cũng say sóng dữ lắm. Nó kể, phải có người cõng mới lên được đảo”.

Lòng cảm phục, trân trọng sự dũng cảm, vượt khó của những người lính hải quân tăng lên gấp bội. Họ không phải mình đồng da sắt, tim đá, họ cũng là những con người bình thường giản dị. Họ cũng có một quê hương, có người thân mong ngóng. Họ cũng có nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, vợ con da diết và họ cũng biết say sóng đến mềm rũ người nhưng họ đã vượt qua tất cả để đến đảo xa “nghìn trùng sóng vỗ” canh gác cho tấc đất cha ông không rơi vào tay kẻ thù.

Hồng Chuyên

Báo Bưu điện

Tin nổi bật