Trường Đại học ICT đầu tiên nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
(ICTPress) - Đó là niềm vinh dự, tự hào của tập thể CBCNV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (BCVT) Việt Nam (VNPT) nói chung và của Học viện Công nghệ BCVT nói riêng, bởi ngày 7/3/2013, Học viện đã long trọng đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao đông mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho Học viện Công nghệ BCVT (Ảnh: Minh Tú) |
Buổi lễ vinh dự được đón Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện lãnh đạo VNPT và một số ban, ngành Trung ương và địa phương. Sự kiện được kết nối cầu truyền hình trực tiếp giữa hai cơ sở đào tạo của Học viện tại Hà Nội và tại TP. HCM.
Từ tầm nhìn
Vào cuối những năm 90, trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị lần 2 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (năm 1996) đã thí điểm cho phép triển khai mô hình gắn kết giữa Nghiên cứu với Đào tạo và Sản xuất kinh doanh trong một số Tổng công ty lớn của Nhà nước. Tổng công ty BCVT Việt Nam (nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) đã tiên phong, chủ động xây dựng Đề án và trình Chính phủ xin thành lập Học viện Công nghệ BCVT trên cơ sở sáp nhập các đơn vị Nghiên cứu, Đào tạo của Ngành Bưu điện lúc bấy giờ để thực hiện gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh. Học viện trở thành tổ chức Nghiên cứu, Đào tạo đầu tiên được thành lập và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII.
Thực hiện mô hình gắn kết giữa Đào tạo (trường Đại học), Nghiên cứu khoa học (Các Viện nghiên cứu đầu ngành) và Sản xuất kinh doanh (nằm trong mạng lưới của doanh nghiệp), hoạt động nghiên cứu của Học viện được thực hiện bởi các Viện nghiên cứu chuyên ngành hoạt động tự chủ với 100% đề tài đều do doanh nghiệp đặt hàng và các kết quả nghiên cứu đều được áp dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn và luôn theo kịp với các thay đổi của công nghệ, bám sát với thực tiễn mạng lưới. Những năm qua, Học viện đã thực hiện hàng nghìn hợp đồng khoa học và chuyển giao công nghệ với các đơn vị trong và ngoài nước. Đến nay, nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ của Học viện hiện đã đạt gần 30% tổng nguồn thu, vượt 25% chỉ tiêu đề ra của Chính phủ tại Nghị quyết 14/2005/NQ-CP cho các Trường Đại học Việt Nam vào năm 2020.
Vượt qua những khó khăn ban đầu của mô hình thí điểm với hệ thống cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đến nay Học viện đã hoàn toàn tự chủ, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, tự trang trải toàn bộ kinh phí. Việc chuyển nhanh sang tự chủ chính là điểm đột phá cơ bản để Học viện thực hiện chiến lược “Đào tạo và nghiên cứu phải thật sự đáp ứng theo nhu cầu xã hội”, qua đó khẳng định và nâng cao vị thế, thương hiệu, chất lượng giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học trước xã hội.
Đến thương hiệu đào tạo chất lượng cao
Qua 17 năm từ khi thành lập, đến nay, Học viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 4 ngành ở trình độ Tiến sỹ, 5 ngành ở trình độ Thạc sỹ, 8 ngành ở trình độ Đại học và Cao đẳng. Bên cạnh những ngành đào tạo có uy tín như ngành Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin… Học viện đã chủ động mở thêm một số ngành đào tạo như: ngành Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền dữ liệu ở trình độ Sau Đại học; ngành Công nghệ Đa phương tiện, chuyên ngành An toàn Thông tin ở trình độ Đại học nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về an toàn dữ liệu, bảo mật thông tin cho các ngành các tổ chức Chính phủ, doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực cho thời đại thông tin số, thời kỳ hội tụ giữa viễn thông, CNTT, Internet và Phát thanh truyền hình của đất nước trong tương lai.
Học viện đã và đang hợp tác với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu tiên tiến trên thế giới để khai thác có bản quyền các chương trình đào tạo, các dự án nghiên cứu của bạn và tạo điều kiện cho việc trao đổi sinh viên giữa Học viện và các trường ĐH trên thế giới như Ilmenau (Đức), ENSAT (Pháp), CSI (Mỹ)... Đối với một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar, Học viện đã tích cực hợp tác, hỗ trợ đào tạo và có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực cho các cán bộ chủ chốt ngành Bưu chính Viễn thông cho nước bạn, góp phần nâng cao ảnh hưởng của Việt Nam đối với các nước bạn. Hiên, Học viện đang xây dựng đề án trình lên các cấp có thẩm quyền để đầu tư thành lập Trường đại học ICT Việt Lào tại Vientian.
Trong hệ thống Đại học Việt Nam, Học viện Công nghệ BCVT luôn được đánh giá là một trong các Trường Đại học hàng đầu, có sức hút lớn với xã hội. Trong giai đoạn 2002-2011, quy mô đào tạo trình độ sau đại học đã tăng 5,3 lần; quy mô đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy đã tăng gấp gần 3 lần và duy trì được tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi và xuất sắc ở mức từ 55 - 60%… Từ năm 1997 đến nay, đã có 45 tiến sỹ, gần 1.000 thạc sỹ, gần 10.000 kỹ sư, cử nhân đã tốt nghiệp từ Học viện; hơn 250.000 lượt cán bộ đã được bồi dưỡng tại Học viện; tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành được đào tạo đạt 96,8%...
Đến dự và phát biểu tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Học viện Công nghệ BCVT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng và biểu dương những thành tích mà Học viện đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những kết quả nổi bật trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được danh hiệu Anh hùng Lao động thì phải có những thành tích đặc biệt xuất sắc và với Học viện, thành tích đó được hiện qua chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu, cách thức đào tạo. Những kết quả như: có tới 96% sinh viên ra trường có việc làm; từ một đơn vị hoạt động với kinh phí hỗ trợ từ VNPT (30%), đến nay, Học viện đã tự chủ được về tài chính bằng nguồn thu kinh phí từ sản phẩm dịch vụ khoa học, nghiên cứu, học phí dạy cho người học... đã thể hiện rõ nét những thành tích của Học viện. Thành quả đó là nhờ Học viện đã có sự phối hợp tốt mô hình gắn kết giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Theo đó, các viện nghiên cứu trực thuộc trường luôn đi trước về công nghệ và đưa vào đào tạo, giúp cho hoạt động đào tạo gắn với thực tế và bắt nhịp tốt với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực Viễn thông - CNTT.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tích đã đạt được để tiếp tục phát triển hơn nữa. “Học viện hãy cố gắng để xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động, với niềm tin của Đảng và Nhà nước hôm nay đã trao cho Học viện,” Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Tiếp nối truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động của Học viện ngày hôm nay chính là niềm tự hào, là vinh dự, động lực dành cho các thế hệ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, công nhân viên Học viện Công nghệ BCVT qua các thời kỳ và cũng là trách nhiệm to lớn mà Đảng, Nhà nước, Ngành tiếp tục tin tưởng, giao phó cho Học viện trong giai đoạn phát triển mới.
Hiếu Minh