Thiết kế hệ thống CNTT theo hướng tích hợp mới của IBM
Hệ thống tích hợp đơn giản và linh hoạt
Chiếc máy tính bảng chính là hiện thân về tính đơn giản. Khi mua một chiếc iPad, người tiêu dùng sẽ có một thiết bị dễ sử dụng, dễ dàng có được các ứng dụng mới và dễ dàng kết nối vào mạng Internet. Đó chính là sự đơn giản.
Ngành công nghiệp máy tính cá nhân (PC) chính là hiện thân của sự linh hoạt. Tùy thuộc vào ngân sách và nhu cầu, mỗi cá nhân người tiêu dùng luôn có thể lựa chọn giữa các thương hiệu máy PC, hệ điều hành, bộ vi xử lý và hàng nghìn ứng dụng phần mềm. Tuy nhiên, nhược điểm ở đây là, chính sự linh hoạt đó lại tạo ra sự phức tạp, sự bất tương thích và những lỗ hổng an ninh làm đau đầu chính những người sử dụng chúng.
Một điều tương tự cũng đang xảy ra trong lĩnh vực điện toán tại các trung tâm dữ liệu. Hiện nay, các nhà lãnh đạo CNTT và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) có thể mua được những thứ gọi là thiết bị điện toán (computing appliances), những sản phẩm được đóng gói sẵn và được cấu hình sẵn để thực hiện rất tốt một số tác vụ hết sức cụ thể và có thể được thiết lập một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, những thiết bị này lại giới hạn các CIO, hoặc họ có thể mua các phần linh kiện cần thiết cho những tác vụ đặc biệt hay điện toán thông thường - máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị lưu trữ, vv... và tự tích hợp các linh kiện đó lại với nhau hoặc họ có thể thuê một ai đó để tích hợp chúng lại với nhau. Cả hai cách này đều vẫn rất phức tạp, tốn cả thời gian và tiền bạc.
Ông Rajnish Arora chia sẻ nghiên cứu của IDC về xu hướng các hệ thống tích hợp |
Ông Rajnish Arora, Phó Chủ tịch, phụ trách mảng Điện toán doanh nghiệp (DN), IDC châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét: “Theo IDC, thách thức lớn nhất mà các DN trên toàn cầu phải đối mặt là họ đã chi tới 70% ngân sách CNTT hoặc thậm chí nhiều hơn nữa vào những hoạt động và công tác bảo trì đơn giản. Do đó chỉ còn lại một phần kinh phí rất nhỏ để đầu tư cho sự đổi mới”.
Cũng theo một nghiên cứu mới đây của IBM, 2/3 các dự án CNTT của các DN bị chậm tiến độ và vượt dự toán. Nghiên cứu này còn cho thấy, trong số năm đơn vị CNTT thì chỉ có một đơn vị có thể dành phần lớn ngân sách CNTT của họ cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Những thách thức này đòi hỏi sự sẵn sàng, linh hoạt nhưng phải đơn giản và tiết kiệm chi phí. Đó là một trong những lý do mà khái niệm về những “hệ thống hội tụ” (hoặc hệ thống tích hợp) đang trở nên phổ biến.
Hệ thống Tích hợp Chuyên gia mới (EIS), với 3 tính năng trong 1. Trước hết, EIS sẽ tiêu chuẩn hóa các thành phần phần cứng để chúng có thể gắn kết lại với nhau giống như các miếng ghép trong trò chơi Lego. Thứ hai, hệ thống cũng đã được tích hợp sẵn các thành phần phần cứng và phần mềm theo một quy chuẩn là cấu hình nào hoạt động tốt nhất cho một tác vụ điện toán nhất định mà IBM gọi đó là các “Patterns”. Thứ ba, EIS còn cung cấp một mức độ linh hoạt để DN có thể mở rộng hay thay đổi khi có nhu cầu. Ý tưởng ở đây là, đầu tiên, các DN sẽ sử dụng các hệ thống mới này với mức độ điều chỉnh ít nhất, cho phép lắp đặt chúng một cách nhanh chóng nhất. Sau đó, họ có thể mở rộng hoặc thay đổi các thành phần một cách dễ dàng theo thời gian và nhu cầu phát sinh trong tương lai.
“IDC định nghĩa hệ thống tích hợp là các hệ thống do hãng sản xuất chứng nhận được tích hợp sẵn, trong đó bao gồm tối thiểu nhất là phần cứng máy chủ, phần mềm quản lý và tự động hóa theo cấp độ tài nguyên vật lý đơn thuần, cơ sở hạ tầng mạng và phần mềm quản lý được tối ưu hóa để mang lại các hoạt động hiệu quả cao cũng như triển khai một cách nhanh chóng”, ông Rajnish Arora cho biết.
Tùy theo lựa chọn của nhà sản xuất mà các hệ thống tích hợp sẽ có thêm nhiều cấu phần khác như: các tài nguyên lưu trữ và phần mềm quản lý lưu trữ, hệ điều hành, phần mềm ảo hóa cấp cao, phần mềm quản lý đám mây, phần mềm bảo mật, phần mềm lớp giữa hay các phần mềm ứng dụng khác.
Bằng cách cho phép DN chủ động lên cấu hình, thiết kế, triển khai, quản lý và hỗ trợ các hệ thống phức tạp và các ứng dụng sử dụng một bộ tích hợp duy nhất, các hệ thống này sẽ thực sự hiệu quả trong việc tái sáng tạo ra chu trình vòng đời CNTT cho DN.
Thiết kế tiên tiến và sáng tạo
“Trải nghiệm của những khách hàng đầu tiên sử dụng hệ thống PureSystems của IBM cho thấy các hệ thống tích hợp có thể giúp đơn giản hóa ứng dụng đầu cuối cùng chu trình vòng đời của các hoạt động CNTT bằng cách cắt giảm thời gian, chi phí, và sự phức tạp cho DN”, ông Rajnish Arora nhận xét.
Hệ thống PureSystems là kết quả khoản đầu tư 2 tỷ USD của IBM cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và mua lại các công ty khác trong vòng 4 năm qua.
Đây là những hệ thống đầu tiên được tích hợp sẵn những năng lực dựa trên nhiều thập kỷ kinh nghiệm triển khai các hoạt động công nghệ thông tin (CNTT) của IBM cho hàng chục nghìn khách hàng trên 170 quốc gia. Đây cũng là một bước tiến chưa từng có của IBM trong việc tích hợp tất cả các cấu phần CNTT, bao gồm cả cấu phần vật lý và cấu phần ảo hóa. Dòng sản phẩm hệ thống tích hợp mới này cung cấp một giải pháp thay thế cho mô hình điện toán DN phức tạp hiện nay đòi hỏi tốn thời gian và công sức thiết lập cũng như duy trì những hệ thống tài nguyên lớn.
Thông qua dòng sản phẩm PureSystems, IBM đã công bố 3 tiến bộ quan trọng đánh dấu một kỷ nguyên mới của công nghệ điện toán, điện toán đơn giản hơn với khả năng hạ thấp chi phí và độ phức tạp:
Thiết kế “scale-in” của PureSystems là sự tích hợp máy chủ, thiết bị lưu trữ và thiết bị mạng vào trong một giải pháp tự động, dễ quản lý. Nhờ thiết kế “scale-in” với khả năng đạt được mật độ cao hơn, PureSystems có thể hỗ trợ số lượng ứng dụng lớn gấp đôi so với một số hệ thống khác của IBM và tăng gấp đôi sức mạnh tính toán trên mỗi mét vuông mặt bằng trung tâm dữ liệu. Thiết kế này tích hợp và tối ưu hóa tất cả các cấu phần trọng yếu mà các trung tâm dữ liệu ngày nay đòi hỏi như mạng lưới hệ thống, lưu trữ, điện toán, quản lý, v..v... và đưa ra một hệ thống quản lý đơn nhất giúp DN có thể thiết lập, duy trì và nâng cấp hệ thống một cách trực quan, ít tốn kém cũng như có thể tự động và nhanh chóng mở rộng hay thu hẹp.
Đây cũng là lần đầu tiên, IBM đã tích hợp công nghệ và kiến thức chuyên ngành thông qua một phần mềm mới được gọi là “Patterns of Expertise” (tạm dịch là các các Tập hợp kiến thức chuyên môn) với khả năng cho phép các hệ thống tự động xử lý nhiều tác vụ CNTT và nghiệp vụ phổ biến như các yêu cầu liên quan đến cấu hình, nâng cấp, ứng dụng… Nhờ đó, người dùng có thể cắt giảm thời gian và tài nguyên cần thiết để thực hiện những tác vụ phức tạp. Ví dụ, việc triển khai một chương trình quản lý quan hệ khách hàng trước đây phải mất tới 3 ngày thì giờ đây chỉ mất không đầy 1 giờ. Đây là phương pháp đầu tiên trên thế giới cho phép tích hợp các kỹ năng, kiến thức và chuyên môn thành các cấu phần có thể tải và tái sử dụng nhiều lần. Có ba loại Patterns:
Patterns của IBM: Là tập hợp các kiến thức chuyên ngành của các giám đốc CNTT, kỹ sư và các chuyên gia về công nghệ giỏi nhất của IBM, cho phép DN tự động hóa các tác vụ đã từng tiêu tốn nhiều ngày cho các hoạt động như cấu hình, triển khai và nâng cấp ứng dụng xuống chỉ còn vài giờ.
Patterns của các nhà phát triển phần mềm độc lập ISVs: IBM đã cộng tác với hơn 125 ISVs trên khắp thế giới để đưa ra những ứng dụng được cấp chứng chỉ “PureSystems Ready” (sử dụng cho PureSystems). Ví dụ, một ứng dụng bán lẻ được tối ưu hóa cho PureSystems có thể được tải về và triển khai tại địa điểm của khách hàng, được một đối tác kinh doanh host, hoặc chạy trên một môi trường điện toán đám mây công cộng của IBM. Trước khi có hệ thống IBM PureSystem, đối tác kinh doanh có thể phải phát triển nhiều phiên bản của cùng một ứng dụng cho nhiều môi trường khác nhau. Việc thiết lập và triển khai ứng dụng có thể phức tạp hơn nhiều, làm cho các đối tác kinh doanh phải tốn thêm nhiều thời gian và tiền bạc.
Patterns của khách hàng: các tổ chức CNTT có thể “đóng gói” kiến thức các ứng dụng riêng của họ vào một Pattern. Theo đó, một DN có nhu cầu mở rộng thị trường mới, họ có thể sử dụng các Patterns khi các kỹ năng chưa thực sự sẵn có tại thị trường đó.
Để giúp các tổ chức và DN nhanh chóng tìm kiếm được các mẫu Patterns, IBM cũng thiết lập trang web Trung tâm PureSystems (The PureSystems Centre), bao gồm các ứng dụng và giải pháp DN trực tuyến với hơn 150 ứng dụng phổ thông và ứng dụng chuyên ngành được tối ưu hóa cho IBM PureSystems.
Hệ thống PureSystems được thiết kế sẵn sàng cho điện toán đám mây. Tất cả các sản phẩm của hệ thống PureSystems đều là những hệ thống đầu tiên được phát triển dưới dạng “đóng gói” để sẵn sàng hỗ trợ DN triển khai điện toán đám mây. Nhờ đó, DN có thể chủ động và nhanh chóng thiết lập một môi trường điện toán đám mây riêng chỉ trong vài phút cũng như dễ dàng mở rộng và thu hẹp khi có nhu cầu.
Ông Trần Viết Huân, Giám đốc Công nghệ phòng thí nghiệm Điện toán đám mây của IBM khu vực ASEAN cho biết: “Chính thiết kế “scale-in” và những kiến thức chuyên môn mà chúng tôi gọi là Patterns là những bước tiến quan trọng trong cuộc cải cách của điện toán - điện toán đơn giản hơn - giúp các DN giải phóng đáng kể một khối lượng thời gian và tiền bạc để tập trung cho sự đổi mới sáng tạo.”
Hiệu quả vượt trội
Nghiên cứu gần đây của Forrester Consulting đã cho thấy, các hệ thống tích hợp có thể cắt giảm được rất nhiều thời gian và chi phí cho nhiều dự án CNTT phổ biến. Chẳng hạn như, việc tích hợp sẵn có thể giúp DN triển khai và đưa vào sử dụng các hệ thống điện toán mới trong vòng vài giờ thay vì vài ngày hay vài tuần. Bằng cách xử lý những tác vụ thường xuyên với hiệu quả và hiệu suất cao hơn sẽ giúp các công ty có được nhiều thời gian và tiền bạc hơn để đầu tư cho sáng tạo và đổi mới.
Dễ dàng nhận ra các lợi ích chính mà các hệ thống PureSystems mang lại cho DN. Hệ thống này giúp nâng cao khả năng tối đa hóa các nguồn lực CNTT, hạ thấp tổng chi phí sở hữu, rút ngắn thời gian hoàn vốn; Nâng cao năng lực kinh doanh và khả năng khôi phục sau thảm họa; Cắt giảm chi phí làm mát và chi phí điện, thiết bị cho các trung tâm dữ liệu; Tối ưu hóa nguồn lực cấp phát nền tảng hạ tầng, phần mềm lớp giữa và các ứng dụng nhanh hơn, nhất quán hơn, đáp ứng những yêu cầu ngày một thay đổi trong kinh doanh. Rút ngắn thời gian đưa ứng dụng, dịch vụ mới ra thị trường.
Những lợi ích hàng đầu của các hệ thống tích hợp được người sử dụng hiện nay đánh giá. n = 60 người sử dụng các hệ thống hội tụ hiện tại (Nguồn: Converged Systems: End User-Survey Results (IDC #236966, tháng 9/2012) |
Những thay đổi và quy trình quản lý bản vá được sắp xếp hợp lý, giúp nhân viên CNTT giảm thiểu thời gian cần để hỗ trợ cho những hoạt động này, đồng thời rút ngắn tối đa thời gian cài lại hệ thống mỗi khi vá lỗi hoặc cập nhật không tương tích, hoặc do lỗi con người. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tránh khỏi những sự cố ngừng trệ hệ thống bằng cách cho phép các đội ngũ triển khai, kiểm thử, đánh giá chất lượng và sản xuất triển khai ứng dụng nhanh hơn.
Hệ thống PureSystems còn giúp nâng cao năng lực quản lý các vụ việc và sự cố nhờ khả năng nhận biết, dự báo và phân tích lỗi, kiểm soát thời gian thực, và xác định nguyên nhân gốc rễ vấn đề một cách tốt hơn, bao quát hơn.
Nhận xét về hiệu quả của hệ thống tích hợp này, ông Rajnish Arora đánh giá: “IDC tin tưởng rằng các hệ thống hội tụ như hệ thống PureSystems của IBM sẽ giúp các đội ngũ phát triển ứng dụng và vận hành CNTT thay đổi phương thức đánh giá, lựa chọn hạ tầng CNTT và các giải pháp quản lý, đồng thời nâng cao yêu cầu đối với các hệ thống và các nhà sản xuất hệ thống đối với việc đáp ứng các nhu cầu của một vòng đời CNTT”.
Những hệ thống CNTT tích hợp đang mở ra kỷ nguyên điện toán mới, trong đó tính đơn giản và sự linh hoạt được cân đối với nhau, sẽ là một bước đột phá mới cho các tổ chức và DN. Nó đang được định hướng không chỉ bởi những đột phá lớn về công nghệ mà còn bởi sự tích lũy kinh nghiệm và nhiều mô hình thí điểm theo những cách thức thực hiện mới. Không thể có những con đường đi tắt hoặc một công thức thần kỳ, tất cả đều là kết quả của những nỗ lực và sự đầu tư nghiên cứu lâu dài. Đó cũng chính là cách thức mà chúng ta sẽ tiếp tục giải quyết mọi khó khăn mà điện toán DN gặp phải.
Mạnh Vỹ