Để có công dân điện tử có khó không?
(ICTPress) - “Xây dựng CPĐT sẽ minh bạch hơn nhưng không có công dân điện tử cũng khó. Ở Hậu Giang 80% dân số là nông dân, qua khảo sát 6 tháng vừa qua rất ít người dân quan tâm với các dịch vụ công”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang Nguyễn Văn Ba trao đổi tại Hội thảo Chính phủ điện tử 2012 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Ảnh: tienphong |
Theo ông Ba nguyên nhân là hầu như người dân không biết máy tính và mua máy là một tài sản đối với họ. Vậy cấp vĩ mô có chính sách gì về vấn đề này không? CPĐT làm được nhiều thứ nhưng ít người sử dụng.
Ông Ba cho rằng tuyên truyền về CPĐT, công dân điện tử rồi nhưng cần phải tiến hành phổ cập. Hậu Giang đã làm một số việc nhưng chưa thành công. Hậu Giang đã nghĩ làm cho cán bộ xã rồi nhân ra nhưng không có tiền. Tập hợp cán bộ đi học cũng khó.
Trà Vinh có thuận lợi hơn, theo ông Bùi Chí Hùng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Trà Vinh cho biết Quỹ Bill & Melinda Gates được triển khai tại Trà Vinh có 2 phần nội dung: đào tạo cho 1.800 nông dân sản xuất giỏi và có uy tín ở xóm ấp, có khả năng truyền đạt cho người khác. 6 lớp mỗi lớp 3000 người chủ yếu là sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin bổ ích cho nuôi trồng thủy sản, xây dựng xóm ấp…
Sở TT&TT Trà Vinh cũng có nhiều dự án như dự án nông nghiệp nông thôn, trong đó có 34 điểm máy tính cho các làng xã nuôi thủy sản tập trung, làng nghề truyền thống làm ăn tốt, có các trang thông tin, đào tạo cho các đối tượng nông dân là thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh. Số lượng mới đào tạo xong là hơn 500 người. Một chương trình nữa là kết hợp với chương trình lương thực để trang bị máy tính, đào tạo trồng lúa cho nông dân đã có kết quả làm ăn tương đối.
Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ Nguyễn Trung Nhân thì chia sẻ đang phối hợp với Viettel thực hiện phổ cập tin học cho sinh viên 7 năm qua nhưng giờ phải thử chuyển sang làm 20 xe di động để phổ cập Internet cho phụ nữ, thanh thiếu niên… để đào tạo công dân điện tử.
Cần Thơ cũng đang hỗ trợ người dân điện tử qua các dự án Xây dựng các quy trình hướng dẫn sử dụng dịch vụ công cho các điểm Internet để người dân tiếp cận từng bước. Điều này cũng phụ thuộc vào kinh phí. Bộ TT&TT hỗ trợ làm tiếp rồi nhân rộng.
Chia sẻ về vấn đề đào tạo công dân điện tử, ông Nguyễn Quốc Anh, Bộ Y tế cho rằng đào tạo công dân điện tử giống với việc ngành Y tế thực hiện điều tra dân số và cần những người cán bộ ở cơ sở. Trung ương đào tạo cho cấp tỉnh, tỉnh đào tạo cho huyện, huyện cho xã và đào tạo cơ bản. Trang bị ngay cho cơ sở máy tính đồng bộ là rất khó, Y tế đã hướng dẫn anh em ra “quán” Internet hướng dẫn cho người dân, cán bộ có thói quen sử dụng Internet chỉ với vài nghìn đồng.
Giải quyết vấn đề khó khăn máy tính, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng Việt Nam nên học tập kinh nghiệm Hàn Quốc tận dụng các máy tính cũ, tốc độ truy cập không cao, hoàn thiện, sửa chữa chuyển xuống cơ sở.
Trong khi đó, theo một đại biểu của Bộ TT&TT cho biết Vụ CNTT, Bộ TT&TT đang xây dựng một Chương trình dự định với tên gọi là máy tính tri thức ở cộng đồng để trang bị máy tính cho người dân nông thôn có tài sản để sử dụng. Chương trình này kế thừa kinh nghiệm của các chương trình máy tính trước đây, đó là cung cấp cả máy tính và kho nội dung theo giá thành thấp hơn thị trường thông qua liên kết các đối tượng trên thị trường.
HM