Khi Apple tới Việt Nam và dòng FDI bắt đầu dịch chuyển

"Người khổng lồ" Apple đang đặt những dấu chân sâu đậm hơn trong việc sản xuất các linh kiện, sản phẩm "made in Vietnam", mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Những ngày gần đây, thông tin Apple sản xuất tai nghe không dây (Airpods) ở Việt Nam khiến nhiều người vui mừng. Đây là kết quả của một hành trình phối hợp dài giữa các cơ quan của Việt Nam và đại gia sản xuất thiết bị thông minh nổi tiếng toàn cầu này.

Apple lên kế hoạch gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng sản xuất linh kiện ở Việt Nam.

Các thông tin về Apple đến Việt Nam xuất hiện nhỏ giọt khiến nhiều người lầm tưởng Apple sẽ đặt nhà máy sản xuất ở Việt Nam như Samsung đã làm. Tuy nhiên, trên thực tế mô hình hoạt động của Apple không giống như Samsung. Apple không trực tiếp quản lý bất kỳ một nhà máy sản xuất nào. Thay vào đó, Apple hợp tác với các nhà cung ứng trên toàn thế giới để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm của Apple. Các nhà cung ứng ấy được gọi với tên các OEM (Original Equipment Manufacturer).

Trên toàn thế giới, Apple có khoảng hơn 1.200 nhà cung ứng, trong đó hầu hết là ở châu Á. Một thông tin đáng ngạc nhiên khác, theo nguồn tin của VietNamNet, hiện ở Việt Nam từ lâu cũng đã có hàng chục nhà cung cấp kiểu đó cho Apple. Trong đó, có thể điểm mặt một số “gương mặt thân quen” như Foxconn, Samsung… Trong đó, nhà máy Samsung Display sản xuất màn hình cho cả Apple.

Vì thế, việc Apple gia tăng hiện diện ở Việt Nam phải hiểu rằng đó là doanh nghiệp này sẽ tăng cường đặt hàng các nhà cung ứng sản xuất các thiết bị “made in Vietnam” hoặc kêu gọi các nhà cung ứng đến Việt Nam mở nhà máy.

Đó cũng chính là lý do tháng 3/2019, Apple đã khai trương văn phòng điều hành để quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Dù với hình thức nào, rõ ràng thông tin Apple quan tâm đến chuỗi cung ứng đến từ Việt Nam là một thông tin đáng mừng, thể hiện được những nỗ lực của Việt Nam trong suốt bao năm qua khi ghi dấu trên bản đồ công nghệ thế giới, trở thành “cứ điểm sản xuất thiết bị điện tử” của nhiều thương hiệu lớn như Samsung, LG, Intel… Đó là thành tựu, là sự chuyển hướng ngoạn mục của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao hơn, dù rằng trên thực tế Việt Nam còn có thể làm tốt hơn nữa, tận dụng tốt hơn nữa giá trị lan tỏa của dòng vốn này.

Nhưng, ít người biết rằng, để Apple đặt những bước chân đậm nét hơn vào thị trường Việt Nam không phải là dễ dàng. Apple cũng có những đắn đo, tính toán và cả những đề nghị đến nhiều cơ quan của Chính phủ Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là vấn đề thủ tục, môi trường đầu tư kinh doanh.

 

Khi các lãnh đạo cấp cao của Apple làm việc với phía Việt Nam, họ cũng bày tỏ quan ngại lớn về thủ tục hải quan khi phải mất nhiều giờ hơn thông lệ quốc tế, phải thực hiện nhiều thủ tục hơn để thông quan hàng hóa, gây tốn kém thời gian và chi phí. Vì lẽ đó, Apple đã đề nghị cho được hưởng chế độ doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt theo chương trình chính thức của Hải quan Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp khác đang được áp dụng. Đây không phải lần đầu Apple đưa ra đề xuất này, trước đó ý kiến này đã bị hải quan từ chối vì nhiều lý do.

Từ câu chuyện của Apple cho thấy, cơ hội để Việt Nam đón nhận những dòng vốn lớn của các tập đoàn đa quốc gia đang ngày càng gần hơn. Trong xu thế dịch chuyển thương mại toàn cầu này, Việt Nam có thể trở thành một mắt xích quan trọng.

Gần đây, 4 nền kinh tế lớn bao gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã chính thức nối lại cuộc đối thoại bốn bên sau 10 năm gián đoạn, nhóm đã nâng cấp thành đối thoại của các ngoại trưởng. Vào ngày 20/3, nhóm “Bộ tứ kim cương” đã mời thêm 3 quốc gia khác gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cùng thảo luận, nhóm mới này được tờ Thời báo Ấn Độ gọi là “bộ tứ mở rộng” (QUAD Plus). Nhóm bộ tứ mở rộng đang làm truyền thông quốc tế dậy sóng với khả năng Mỹ đang đặt ra mục tiêu chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc sớm nhất có thể.

Việt Nam đã được nhắc tên trong “bộ tứ mở rộng”. Cơ hội để Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu đang gần hơn bao giờ hết. Vấn đề là chúng ta có thể thay đổi để nắm bắt cơ hội đó hay không. Điều này cần một sự thay đổi từ tư duy, tâm thế, thay đổi để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và đối tác.

Những băn khoăn của Apple khi đàm thoại với các cơ quan của Việt Nam có lẽ cũng chính là nỗi lòng của nhiều doanh nghiệp khác. Trong các cuộc hội nghị, tọa đàm ở các cấp bao lâu nay, không ít doanh nghiệp, hiệp hội đã kêu gọi điều ấy. Việt Nam cũng đã lắng nghe và thay đổi, nhưng chưa được như kỳ vọng. Có lúc, có nơi còn trì trệ, tư duy hành chính quan liêu còn “ăn sâu” vào không ít người thực thi công vụ.

Việt Nam sẽ còn phải làm rất nhiều việc để có một bước đi dài vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau Samsung, LG, Intel…, việc đón Apple sẽ mở đầu thiết lập một kỷ nguyên mới cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nếu làm được, những tập đoàn lớn cũng sẽ chọn Việt Nam là điểm đến, để từ đó những sản phẩm “made in Vietnam” sẽ rộng đường đi ra thế giới.

Nguồn: Lương Bằng/vietnamnet.vn

Tin nổi bật