Bộ đội cụ Hồ đi chống dịch qua góc nhìn người dân
Đại tá cựu chiến binh Đào Duy Anh ở Quận 12, TP. Hồ Chí Minh nói chuyện với tôi qua điện thoại giọng đầy xúc động: Ba vẫn khỏe con ạ, ngoài đó có ổn không? Ba nghe nói Hà Nội cũng đang căng mình chống dịch…
Đã ở vào tuổi 90 nhưng đại tá Anh vẫn còn minh mẫn lắm. Ông nói rất nhớ đồng chí đồng đội đặc biệt là nhớ tụi lính chúng tôi đã hơn 40 năm xa nhau nhưng tình cảm của người lính vẫn vẹn đầy tình nghĩa. Ngày ấy ông là trưởng phòng Tuyên huấn của Binh chủng Công binh còn bọn chúng tôi là lính tuyên văn, chiếu phim và phụ trách nhà văn hóa… Chúng tôi thường gọi ông là ba vì ông là người con của Quảng Nam tập kết ra Bắc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của người lính ông và gia đình đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh định cư.
Sợ ông mệt, chị Hà con gái của Đại tá đã nói chuyện thay ông. Biết tôi lo lắng băn khoăn cho tình hình dịch bệnh đang bùng phát tại Hồ Chí Minh đặc biệt là lo cho sức khỏe của người thủ trưởng cao tuổi nên chị Hà đã trấn an: Em cứ an tâm trong này chị lo cho ba được. Ba luôn nhắc nhở cả nhà, phải thực hiện nghiêm túc các quy định của thành phố đặt ra, bình tĩnh và có ý thức ủng hộ chính quyền thành phố chống dịch. Mấy hôm nay có thêm bộ đội tăng cường vào giúp dân chống dịch ba và cả nhà phấn khởi lắm,cụ cứ nhắc đi nhắc lại có bộ đội vào là yên tâm rồi con ạ, bộ đội cụ Hồ mà, lúc nào cũng vì nước vì dân.
Tôi hỏi lại chị Hà: Có một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng: Bộ đội và công an vào thành phố Hồ Chí Minh là vì mục đích An ninh Quốc Phòng là trái Hiến pháp, pháp luật.
Tôi chưa nói hết câu đã bị chị Hà ngắt lời: Sao lại có chuyện tầm bậy vậy em? Ba mà nghe em hỏi thế cụ sẽ cho em ăn đòn đấy. Bộ đội và công an vào tâm dịch để giúp đỡ nhân dân lúc này là quá tốt. Bà con mình như tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm lòng tin, yên tâm chống dịch. Nhà mình tuy ít người nhưng mỗi lần ra cửa nhận túi quà chị thấy lòng mình ấm ấp lắm. Nói thật là chị chỉ muốn khóc vì thương các chú ấy quá, đặc biệt là ba cứ nhìn thấy túi quà là mắt cụ lại ánh lên niềm kiêu hãnh. Cả khu phố nơi chị ở bà con nào cũng cảm động trước sự quan tâm của chính quyền thành phố. Họ coi bộ đôi, công an dân quân và những người tình nguyện như người thân của mình. Mỗi mớ rau, cân gạo, quả trứng đến được tay bà con chứa đựng biết bao tình cảm và nỗi vất vả của rất nhiều người…
Em ơi! Ba muốn nói chuyện với em nè, nhớ nói ngắn thôi em nhé, chị sợ ba mệt. Vẫn bằng chất giọng Quảng Nam đầm ấm: Con à! Tuyệt đối không được lung lay tư tưởng con nhé. Con là nhà báo, con phải có trách nhiệm nói rõ cho mọi người hiểu tám từ quan trọng là: Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân. Ba con mình đều từ nhân dân mà ra, Công an cũng vậy đều là con em của nhân dân. Từ trước đến nay Quân đội và Công an có bao giờ không gắn bó với nhân dân từ chống giặc ngoại xâm đến chống thiên tai dịch bệnh… Những công việc khó khăn ấy không Quân đội và Công an thì ai sẽ làm. Đừng vì mấy thông tin xuyên tạc phản động ấy mà chúng ta phải nặng lòng quan tâm, hãy tập trung vào chống dịch Covid 19 đi. Hết dịch, thắng dịch khắc mọi người sẽ hiểu. Các con nhớ giữ gìn sức khỏe nhé.
Các chiến sĩ bộ đội đem thực phẩm, hàng thiết yếu đến tận nhà trao cho người dân khó khăn do dịch COVID-19 trong những ngày vừa qua tại TPHCM. Ảnh: VGP |
Tôi gọi cho chị Trâm, ở Phường 2 Quận 5, TP. Hồ Chí Minh lại được chị cho biết: Mấy tháng rồi, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam dịch bệnh bùng phát nhanh, vì vậy, buộc phải giãn cách xã hội trên diện rộng. Mọi nguồn tài lực, nhân lực, vật lực đều dồn hết vào việc cứu chữa cho người dân. Điều đó ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên, vấn đề an sinh xã hội và điều trị các ca bệnh tại nhà lúc dịch bệnh mới diễn ra là chưa được tốt. Rất nhanh, Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này qua các lần vào tận nơi thị sát qua đó đã chỉ đạo cho các Bộ ban ngành trong đó có cả lực lượng Quân đội, Công an, bác sĩ… là những lực lượng tiên phong đi đầu vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Thực tế cho thấy từ ngày có các lực lượng này vào giúp dân nhiều vấn đề đã được tháo gỡ, các vùng đỏ được các anh mang thực phẩm thuốc men đến tận nhà, thậm chí nhiều chiến sĩ còn bế, cõng nhiều bệnh nhân từ các con ngõ đi ra xe đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đó là những hình ảnh vô cùng tốt đẹp. Cá nhân tôi cho rằng những ai đang hiểu chưa đúng, hiểu sai vẫn đề này thì cần nghiên cứu lại Hiến pháp của Việt Nam.
“Tuy chưa đến mức tình trạng khẩn cấp nhưng đại dịch Covid-19 đã lan rộng và cướp đi sinh mạng của nhiều người thì bất cứ một lực lượng nào cũng được yêu cầu tham gia chống dịch, việc này quốc gia nào trên thế giới chẳng làm. Vấn đề quan trọng là người dân thành phố đã nhận thấy những thay đổi tích cực từ khi có bộ đội công an và các lực lượng tình nguyện khác vào chống dịch. Tôi không hiểu tại sao lại có những nguồn phát ngôn những thông tin trái chiều như vậy. Tôi thực sự thất vọng với những thông tin sai trái đó. Họ hẳn không có chút lương tâm, đạo đức của người Việt Nam.
Trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch, cả nước đang hướng về Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, hướng về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để chia sẻ giúp đỡ động viên nhau vượt qua cơn khốn khó - cậy mà họ lại cố tình làm ngơ, cố tình xuyên tạc, cố tình bịa đặt ra những thông tin thiếu khách quan, sai sự thật làm ảnh hưởng đến công việc chống dịch của Đảng, nhân dân ta”, chị Trâm chia sẻ.
Ý kiến thẳng thắn và chân thành mang tính xây dựng của chị Trâm đã cho chúng ta thấy nhận thức của nhân dân cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nói riêng là rất trung thực và ghi nhận những cố gắng của Chính phủ và của tất cả các cấp các ngành đã nhanh chóng khắc phục mọi khó khăn tập trung dập dịch bằng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu số người tử vong, từng bước ngăn chặn và khống chế dịch bệnh để sớm đưa sinh hoạt của người dân trở lại bình thường.
Cùng với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang oằn mình chống dịch. Người Hà Nội cũng đã trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Cả thành phố khẩn trương bước vào lần chống dịch thứ 4 với quy mô lớn hơn nhanh hơn, cấp bách hơn. Khẩu hiệu trong lúc này của người Hà Nội là mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi Quận Huyện phường xã là một pháo đài, tất cả để chiến thắng dịch bệnh- chiến thắng sẽ thuộc về nhân dân…
Nhiều khu phố, ngõ phố được lập hàng rào ngăn cách, các tổ tuần tra, canh gác làm việc 24/24, nhiều cựu chiến binh cao tuổi vẫn tham gia giữ chốt cùng các lượng công an quân đội dân quân, y tế… Những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 đường phố Hà Nội bình yên và vắng lặng hơn. Người Hà Nội thấu hiểu tầm quan trọng của việc phòng chống dịch bệnh, ai cũng muốn góp sức chung tay, muốn chia sẻ khó khăn để cùng chính quyền thành phố chống dịch thành công.
Ông Phùng Đệ ở ngõ 45 Phố Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: Tôi tham gia vệ út từ năm 1946, ngày ấy Hà Nội của chúng ta đã lập chiến lũy giữa các đường phố để ngăn chặn quân Pháp. Nay tôi đã ngót 90 tuổi, nhìn cảnh Hà Nội chống dịch tôi lại liên tưởng đến những năm tháng không thể nào quên của Quân và dân Hà Nội. Đúng là chống dịch như chống giặc. Tôi tin là chúng ta sẽ chiến thắng. Những ngày gần đây tôi có xem trên truyền hình thấy có thông tin cho rằng bộ đội vào TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ chính quyền và người dân chống dịch là vì vấn đề An ninh Quốc Phòng là trái Hiến pháp của Việt Nam… Đó là những thông tin sai lệch. 75 năm trước tôi 13 tuổi đã tham gia giữ thành Hà Nội trong 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Khi ấy chúng tôi chỉ biết dựa vào nhân dân, được nhân dân đùm bọc. Chúng tôi đã hy sinh rất nhiều để đất nước mới có được như ngày hôm nay. Như vậy có thể nói quan hệ quân dân là quan hệ máu thịt, không thể tách rời…
Chị Nguyễn Hải Vân, ở 19 Lý Nam Đế, Quận Hoàn Kiếm Hà Nội có hoàn cảnh đặc biệt hơn, chồng chị đang công tác ở Sư đoàn Phòng không 361, từ ngày có dịch đến nay anh phải trực ở đơn vị. Chị làm việc ở thư viện Hà Nội bằng hình thức qua mạng, 2 con đi học xa nhà, mẹ chồng già yếu nhưng lúc nào chị cũng lạc quan.
Qua điện thoại chị chia sẻ: Em xác định từ lúc lấy chồng, vợ bộ đội phải chịu vất vả thiệt thòi hơn người khác, khó khăn một chút nhưng biết sắp xếp thì mọi việc vẫn ổn mà anh. Chỉ mong sao cho hết dịch.
Tôi hỏi chị nghĩ gì khi có những thông tin trên mạng cho rằng bộ đội tham gia giúp dân chống dịch là vì mục đích An ninh Quốc phòng là trái Hiến pháp, pháp luật Việt Nam? Chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, chị Vân đó ngay: Đó toàn là những thông tin bịa đặt. Không phải chồng em là bộ đội mà em bênh vực đâu, thử hỏi mọi sự tận tụy phục vụ cống hiến hi sinh vì nước vì dân họ được cái gì ngoài niềm kiêu hãnh tự hào là anh bộ đội cụ Hồ. Những kẻ dựng chuyện phải hiểu rằng phía sau người lính là gia đình ho, vợ con họ. Họ đi chống giặc hay chống dịch là nhiệm vụ, là trách nhiệm với nước với dân trong đó có cả gia đình, vợ con người ta chứ. Em nói thật ba cái thông tin xiên xẹo ấy làm gì có ai tin hơn nữa những người đọc người xem cũng phải biết chắt lọc những thông tin đúng sai chứ…
Tôi biết chị Vân đang bức xúc. Những thông tin mà lẽ ra chúng ta - những người làm báo phải nhanh chóng vào cuộc cùng với nhân dân để kịp thời phản bác, vạch trần những luận điệu sai trái làm tổn hại đến lòng tin của nhân dân, tổn hại đến công tác phòng chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Trần Bình Tám
Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội nhà báo TT&TT