Thời sự ICT
Bkav ra mắt phiên bản mới 2012 có tốc độ quét nhanh gấp đôi
Submitted by nadung on Tue, 19/06/2012 - 15:56(ICTPress) - Bkav vừa cho biết, phiên bản mới phần mềm diệt virus của hãng có tốc độ quét được cải thiện đáng kể, nhanh gấp 2 lần so với phiên bản trước.
Trên thực tế, theo kiểm nghiệm trên 2 hệ thống thực được ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Bkav (Bkav R&D) đưa ra, phiên bản Bkav mới có thời gian quét chỉ còn 1/3 tới 1/5 so với bản 2011.
Bkav 2012 có tốc độ nhanh và được nâng cấp nhiều tính năng quan trọng. |
Ông Sơn cũng cho biết, Bkav 2012 được bổ sung tính năng quan trọng, đó là tích hợp sẵn công nghệ Anti Keylogger, giúp chống lại các hành vi theo dõi thao tác bàn phím, chụp màn hình, chèn mã thực thi vào tiến trình đang chạy, lấy cắp thông tin trong clipboard, lấy dữ liệu...
Theo ông Sơn, một giải pháp phòng chống virus không đơn thuần chỉ chống mã độc, mà còn phải chống lại được các hành vi mang tính phá hoại có chủ đích của con người, như cài keylogger để lấy cắp thông tin của đối thủ kinh doanh, theo dõi hoạt động của người khác.
Bên cạnh đó, Bkav cho biết, phiên bản mới được nâng cấp công nghệ SafeRun (Thực thi an toàn), cho phép người sử dụng mở các file tải về từ Internet trong môi trường cách ly. Công nghệ Site Advisor (Giám sát truy cập) giúp người dùng tránh được các website lừa đảo, dựa trên "danh sách đen" được cập nhật từ Tổ chức toàn cầu về chống lừa đảo trên mạng (APWG) mà Bkav là thành viên.
Minh Anh
FPT sẽ phóng vệ tinh tự chế tạo trong tháng 7
Submitted by nadung on Tue, 19/06/2012 - 14:16(ICTPress) - FPT vừa cho biết, vệ tinh F-1 do Tập đoàn này nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008 dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào ngày 21/7 tới đây.
Vệ tinh F-1 do FPT chế tạo. Ảnh: FPT. |
Theo kế hoạch, cuối tháng 6 này, vệ tinh F-1 sẽ được chuyển sang Nhật, cùng với 4 vệ tinh nhỏ khác được lắp ghép lên tàu vận tải HTV-3 và đặt trên tên lửa đẩy HII-B của Cơ quan Không gian Vũ trụ Nhật Bản JAXA để chuẩn bị phóng tại bãi phóng Tanegashima, Nhật Bản.
FPT cho biết, hiện tại, việc đánh giá độ an toàn bay của F-1 đã sắp kết thúc. Nhóm chế tạo vệ tinh của FPT cùng với đối tác đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn bên phía tên lửa đẩy đưa ra.
Tên lửa đẩy HII-B đang được chuẩn bị. Ảnh: FPT. |
Theo FPT, mục tiêu trước tiên của F-1 là phải "sống" được trong không gian và phát tín hiệu về trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và truyền dữ liệu từ vệ tinh về trái đất đạt tốc độ 1.200 bit/giây.
Nếu các yêu cầu này được hoàn thành, vệ tinh sẽ được thử nghiệm các tính năng phức tạp hơn như thử nghiệm cảm biến từ trường 3 trục SDTM, thử nghiệm tính năng trung chuyển tin nhắn SMS và một số tính năng mới của phần mềm điều khiển vệ tinh.
Việc chế tạo vệ tinh đã rất phát triển trên thế giới, nhưng với Việt Nam vẫn là lĩnh vực mới mẻ. Nếu vệ tinh F-1 được phóng thành công, FPT sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong nước chế tạo thành công vệ tinh nhỏ, mở ra hướng phát triển ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.
Xem Video mô phỏng quá trình phóng vệ tinh F-1 của FPT |
Lê Nguyên
Facebook lại thực hiện một vụ thâu tóm lớn
Submitted by nadung on Tue, 19/06/2012 - 10:03Trên blog của mình, Face.com công bố đã thuộc về quyền sở hữu của Facebook, điều này sẽ giúp công ty có nhiều cơ hội phát triển sản phẩm hơn. Tuy nhiên mức giá của thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ.
Thông tin về cuộc đàm phán của Facebook muốn mua lại Face.com được nhắc đến vào tháng trước, mặc dù thông tin này chưa được Facebook xác nhận. Theo tờ Calcalist, Facebook có thể trả từ 80 - 100 triệu USD để mua lại công ty phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt này.
Sau mua lại Face.com, Facebook sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng các nhà phát triển của công ty. Face.com xác định điện thoại di động hiện được xem như là một phần quan trọng trong cuộc sống người dùng nhưng vẫn chưa tiết lộ chính xác những gì mà công ty sẽ mang lại cho Facebook sau thương vụ.
Sự kết hợp giữa Facebook và Face.com có thể được xem là không có nhiều bất ngờ. Face.com cung cấp giao diện lập trình ứng dụng API cho các nhà phát triển của bên thứ 3 để kết hợp phần mềm nhận dạng khuôn mặt của mình vào các ứng dụng từ phía đối tác. Công ty đã phát hành Photo Tagger trong năm 2009, cho phép người dùng tự động tag ảnh của mọi người trên Facebook. Face.com cũng đã phát hành API nguồn mở trong năm 2010 để giúp các nhà phát triển bên thứ ba có thể nhúng mã vào sản phẩm của mình.
Thông tin về các điều khoản của thỏa thuận hiện vẫn được hai bên giữ kín.
Kiều Trang
(Theo TTCN/CNET, Face.com)
Microsoft trình làng đối thủ "nặng ký" thách thức iPad
Submitted by nadung on Tue, 19/06/2012 - 07:30Cuối cùng thì Microsoft cũng ra mắt chiếc máy tính bảng bí mật mang tên Surface, màn hình HD Gorilla Glass 2 kích thước 10,6 inch, thách thức đối thủ trực tiếp là "bom tấn" iPad của Apple.
Máy tính bảng Surface của Microsoft sẽ chạy trên hệ điều hành Windows RT hoặc Windows 8 Pro sắp được giới thiệu.
Mặc dù Microsoft chưa tiết lộ ngày ra mắt nhưng giới công nghệ dự đoán sản phẩm mới này sẽ được chính thức lên kệ trong mùa hè này. Phiên bản chạy trên nền tảng Windows 8 Pro sẽ ra mắt sau 3 tháng so với phiên bản Windows RT.
Tại sự kiện vừa diễn ra sáng sớm nay tại Las Vegas, Surface được vén màn với màn hình 10,6 inch nhưng có cùng trọng lượng và độ mỏng giống như iPad. Surface được thiết kế kèm 1 giá đỡ để giúp người dùng đặt máy trên bàn hoặc một mặt phẳng khi muốn xem phim. Và, máy tính bảng này có một tấm bảo vệ màn hình có thể tháo rời, và sử dụng như một bộ bàn phím.
Surface có thiết kế mỏng 9,3mm, và thân máy được làm từ chất liệu bạc với vẻ ngoài khá bóng bẩy. Surface được trang bị gian hàng Windows Market, giúp người dùng tải nhạc, tairi phim và nhiều nội dung đa phương tiện khác.
Về kết nối, Surface có cổng HDMI, MicroSD và chỉ có 1 cổng USB 2.0 - đáng tiếc là máy tính bảng của Microsoft không được trang bị cổng USB 3.0. Surface có các dung lượng bộ nhớ 32GB và 64GB.
Với phiên bản Surface chạy trên hệ điều hành Windows 8 Pro dành cho người dùng chuyên nghiệp, Microsoft cho biết máy có thiết kế dày và nặng hơn bản Windows RT, dày khoảng 14mm và được trang bị màn hình ClearType độ phân giải cao.
Tablet này có bộ phận " Perimeter Venting" giúp máy thoát khi để không bị quá nóng. Surface hỗ trợ bút điện tử Pen ink.
Steve Ballmer, CEO của Microsoft, cho biết máy tính bảng là một nỗ lực dài hơi của Microsoft nhằm thâm nhập vào thị trường phần cứng, cũng giống như chuột máy tính, để trình diễn các sáng tạo mới của các phần mềm của hãng.
"Chúng tôi muốn phát triển một sản phẩm đồng hành cùng với Windows 8", Ballmer phát biểu.
Hiện tại Microsoft chưa cho biết ngày xuất xưởng và giá bán của máy tính bảng này.
Khôi Linh
(Theo Dân trí/Engadget, SlashGear)
Bạc như nghề... lập trình
Submitted by nadung on Mon, 18/06/2012 - 16:26Đam mê, kỳ vọng và cả mơ ước vào nghề lập trình viên, nhưng rồi sau 15 năm hoài bão, nhiều sinh viên CNTT ngày ấy bây giờ đã phải nghĩ khác.
Nghề lập trình viên phần mềm ngày một ít được quan tâm vì lý do thu nhập. |
Bỏ code đi sale
Được biết đến như một trong những 8x thế hệ đầu đam mê coding (lập trình phần mềm), sau vài năm gặp lại, thật bất ngờ khi bỗng dưng thấy Hoàng nhảy sang vai trò kinh doanh thực phẩm - vốn chẳng ăn nhập với những gì anh được học.
Hoàng cho biết: "Những năm 98-99 là thời kỳ bùng nổ Internet và vì thế nghề lập trình cũng lên nhanh, lên cao. Ai cũng nhìn vào Yahoo, Microsoft để định hướng nghề nghiệp cho mình và lao vào học code để mong đổi đời nhờ công nghệ. Nhưng sự thật nào đã hẳn như vậy".
Những người thuộc "thế hệ phần mềm" như Hoàng không phải hiếm bởi thời điểm đó trước hàng loạt cơ hội về việc lập trình, bán phần mềm, xuất khẩu mã nguồn với mức lương vài trăm USD/tháng quả là đáng mơ ước khi mà thu nhập thực lĩnh tại các đơn vị khối nhà nước lúc đó chỉ vài trăm ngàn.
Vậy mà giờ đây, thứ duy nhất Hoàng còn giữ được cho mình sau quãng thời gian làm lập trình viên chính là khả năng tư duy logic để áp dụng vào việc điều phối kinh doanh cửa hàng thực phẩm của gia đình.
Không như Hoàng, Quang Dũng, sinh năm 83 từng có 5 năm tu nghiệp tại Hà Lan, sau khi về nước đã được vào ngay một tập đoàn làm đúng nghề IT, phụ trách lập trình mạng core. Vậy nhưng, chưa đến 2 năm, Dũng đã phải "lướt" khỏi công ty sau khi hoàn thành thêm 1 bằng MBA theo diện liên kết đào tạo trong nước để rồi giờ làm việc cho một công ty chuyên về hoá mỹ phẩm dưới vai trò quản lý marketing.
Dũng chia sẻ: "Cái tuổi 20 vào những năm 2002 nhìn thị trường phần mềm thì màu mỡ lắm. Nào lập trình cho các dự án tin học hoá chính phủ, xuất khẩu phần mềm hay mở các công ty gia công tư nhân là đủ sống. Nhưng thực tế nào phải vậy khi vào công ty nhà nước làm với những tư duy nặng nề khiến rất khó để triển khai một dự án phần mềm nội bộ chứ đừng nói lập trình để đem bán. Thu nhập một tháng của kỹ sư phần mềm cố lắm mới được gần 6-7 triệu, đấy là bao gồm cả làm thêm ngoài thì sống sao nổi".
Học hành chuyên ngành, đào tạo bài bản như Dũng, Hoàng đã khó bám nghề, thì với những tay ngang học lập trình từ các trung tâm đào tạo chứng chỉ lại càng khó khăn hơn.
Duy Anh, học viên một trung tâm đào tạo có tiếng ở Yết Kiêu cho biết: "Ở trung tâm em được đào tạo toàn kiến thức thời thượng, với ngôn ngữ lập trình mới, hệ thống cập nhật. Tuy nhiên thì giữa việc học và việc đem ra ứng dụng lại khác xa nhau và nếu học xong cũng chỉ kiếm được công việc đủ sống bằng nghề code, chứ nếu muốn giàu thì quả là viễn tưởng".
Anh Dương Hoàng Anh, giám đốc một công ty có nhu cầu xây dựng phần mềm website thông tin điện tử cho biết: "Nếu thuê một công ty có tiếng thiết kế từ CMS đến giao diện sẽ tốn chi phí lần đầu cả trăm triệu, thậm chí hơn, và chưa kể phí bảo trì, nâng cấp hàng năm. Trong khi nhu cầu cần đánh nhanh thắng nhanh, và qua khảo giá tôi thấy nhiều nơi rao bán các phần mềm CMS, crawler tin tức tự động chỉ... 10 triệu bao luôn thiết kế giao diện".
Việc phá giá, giành khách của các dân coder phát sinh khá nhiều trong khoảng thời gian 4 năm trở lại đây, nhất là tại các thời điểm suy thoái, lạm phát. Công tác ở các công ty phần mềm khó sống, nhiều lập trình viên "bứng" mã nguồn mình có ra ngoài làm riêng để rồi phá giá thị trường và dẫm lên nhau như tình trạng trên.
Từ đó, tạo nên một bộ mặt khá nhộn nhạo của nghề lập trình viên và lĩnh vực kinh doanh phần mềm nói chung, khiến nhiều doanh nghiệp Việt khi muốn chọn giải pháp lại loay hoay mua của... nước ngoài.
Gỡ mãi không ra
Một điều dễ nhận thấy, các cơ sở đại học trong nước hiện nay khi đào tạo ngành nghề CNTT thường chỉ chung chung và phân mảng với đủ thứ từ coding cho đến cả networking, khiến sinh viên nếu muốn vững nghề phải học thêm tại các trung tâm bên ngoài như Aptech, Cisco, Oracle.
Mặt khác, chính việc đánh giá không đúng vai trò của lập trình viên trong một bộ máy công ty khiến nhiều kỹ sư phần mềm khi ra trường vào làm được vài ba tháng là rơi vào tình trạng bất mãn, chán nghề.
Trung Anh, kỹ sư phần mềm tại một công ty nhà nước cho biết: "Em may mắn gia đình có quan hệ nên gá được vào công ty làm ở phòng IT, vị trí lập trình. Vậy mà đang ngồi code thì bị gọi sang phòng hành chính cài lại Windows, lúc thì bị điều lên phòng kế toán quét virus. Đám lập trình em cứ như chân sai vặt khắp công ty, trong khi dự án về Văn phòng điện tử em đang phát triển thì sếp bảo dừng vì không có kinh phí triển khai".
Trong một diễn biến khác, nhiều công ty phần mềm cũng đang trong tình trạng sống dở, sống khó giữa cơn bão suy thoái mặc dù chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. Từ đó tạo nên một thực trạng yếu kém về cơ chế dành cho các lập trình viên với mức thu nhập thấp, ít đãi ngộ và không tạo điều kiện để đào tạo và nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức mới - vốn là yếu tố tối quan trọng đối với nghề code.
Tại diễn đàn VietNam ICT Summit 2011, khi một câu hỏi từ phía doanh nghiệp đặt ra với các diễn giả về việc các đơn vị phần mềm thì không có vốn, không có tài sản thế chấp, chỉ có chất xám thì khi muốn đầu tư, mở rộng kinh doanh để xuất khẩu phần mềm vay tiền được ở đâu đã thành một câu hỏi khó và không có lời giải.
Từng giành được nhiều giải thưởng lập trình Tin học trẻ cho đến Trí tuệ Việt Nam 2002 từ năm lớp 7, lập trình viên Bùi Xuân Dũng hiện đang công tác ở Nhật cũng cho biết chưa có dự định về Việt Nam bởi để sống với nghề lập trình trong nước là rất khó.
Đối với các lập trình viên trong nước, bên cạnh việc tự học hoặc tham gia vào các khoá đào tạo chứng chỉ thì mục tiêu xin việc tại các công ty phần mềm khá mơ hồ vì lý do thu nhập. Vì vậy, số đông đều chọn giải pháp là vào các công ty phần mềm nước ngoài, chấp nhận mức lương vừa đủ sống và tham gia coding các dự án được giao thay, chấp nhận cày cuốc ngày đêm với những mã lệnh chứ không kỳ vọng gì hơn ở nghề lập trình vốn một thời là nghề "hot".
Võ Trung
(Theo Vietnamnet)
Giá iPad 2012 tại Việt Nam rẻ nhất thế giới
Submitted by nadung on Mon, 18/06/2012 - 12:20Nhiều thời điểm trong tháng 6, giá iPad 2012 tại Việt Nam ngang so với ở thị trường Hong Kong, khởi điểm khoảng 13,3 triệu đồng cho bản 16 GB có 4G.
Có chuyến công tác dài ngày tại Hong Kong, anh Thế Nghĩa (Kim Liên, Hà Nội) ngoài tự mua cho mình một chiếc iPad thế hệ 3 dung lượng 32 GB, 4G còn đặt mua thêm 2 chiếc dung lượng 16 GB với hy vọng kiếm chút ít "lời". Tuy nhiên, khi mang về đến Việt Nam, anh mới "tá hỏa" khi biết rằng giá iPad ở thị trường trong nước không cao hơn nhiều so với tại Apple Store ở Hong Kong. Các cửa hàng trong nước thậm chí còn tặng kèm miếng dán màn hình và cài đặt phần mềm miễn phí. Chính vì vậy, anh Nghĩa đành bán gấp hai chiếc máy của mình với mỗi chiếc lỗ khoảng 200.000 đồng dù đều là hàng mới nguyên hộp.
Giá iPad thế hệ 3 đang rất tốt. |
Giá bán iPad ở thị trường trong nước khoảng một tháng trở lại đây đang xuống rất thấp. Hôm nay, phiên bản iPad 2012 có 4G và Wi-Fi giá khoảng 13,4 triệu đồng cho bản 16 GB, cuối tuần trước, giá thậm chí chỉ còn 13,3 triệu đồng, gần bằng tại Hong Kong (khoảng 13,24 triệu đồng). Trong khi đó, giá bản 32 GB là 15,5 triệu đồng và bản 64 GB là 17,6 triệu đồng. Các model chỉ có kết nối Wi-Fi ít được các cửa hàng nhập về, giá bán trong khoảng từ 11,6 triệu đồng.
Giá trên Apple Store của Hong Kong hiện rẻ nhất trong các hệ thống của "Quả táo" trên thế giới. Đây cũng là nguồn nhập yêu thích của các cửa hàng tại Việt Nam.
Tính cả các khuyến mại như dán màn hình, cài phần mềm thậm chí còn có nơi tặng cả sim 3G, chi phí để sở hữu iPad 2012 bản 4G ở Việt Nam là rẻ nhất thế giới. Chính bởi điều này, trên các mục rao vặt khắp các diễn đàn như 5giay, muare hay tinhte, rất hiếm còn cá nhân nhỏ lẻ tự xách tay mua về bán kiếm lời như các năm trước.
Với hàng chính hãng, giá bán vẫn được giữ nguyên như tháng trước - 11,69 triệu cho bản dung lượng 16 GB chỉ có kết nối Wi-Fi; 13,78 và 16,15 triệu đồng cho các bản dung lượng 32 GB và 64 GB. Các bản có thêm kết nối 4G đắt hơn, khoảng 15,24 triệu cho bản dung lượng 16 GB.
iPad thế hệ 3 có giá bán tốt khiến nhiều người dùng "chịu chi" hơn. |
Một chủ cửa hàng xách tay giấu tên cho biết, nguồn nhập iPad vẫn từ Hong Kong nhưng hầu hết các cửa hàng đều có nguồn với giá bán buôn tốt hơn so với giá bán lẻ trên trang web nên khi về đến Việt Nam, cộng cả chi phí và lãi cũng chỉ cao hơn một chút so thị trường này. Thời điểm nguồn hàng dồi dào như tuần trước, các cửa hàng đồng loạt "xả" nên có giá bán rất tốt trong khi thời điểm này bắt đầu khan hiếm hơn nên giá bị đẩy lên một chút.
Giá bán của iPad thế hệ 3 năm nay được ghi nhận tốt hơn nhiều so với cùng thời điểm này năm ngoái với iPad 2. Phiên bản 2 có kết nối di động năm ngoái vẫn giữ ở mức 13,8 đến 14 triệu đồng cho tới tận hết năm dù cả hai sản phẩm khi ra mắt đều có giá bằng nhau, từ 629 USD.
Theo anh Nguyễn Anh Văn, chủ chuỗi cửa hàng Cellphone S, năm nay iPad thế hệ 3 có doanh số bán cao hơn so với iPad 2 cùng thời điểm này năm ngoái một phần nhờ giá bán tốt hơn nhiều. Trong khi đó, đại diện cửa hàng trên phố Triệu Việt Vương cho hay phải tới gần đây khi giá bán tốt lên mới có nhiều người chọn mua iPad thế hệ 3. Phần lớn trong thời gian đầu đều lưỡng lự do các nâng cấp tuy đáng giá nhưng vẫn khá tốn kém để "lên đời". Ngoài ra, việc iPad 2012 được bảo hành toàn cầu tại Việt Nam ngay cả với máy không mua chính hãng ở trong nước đã khiến nhiều người yên tâm "móc hầu bao" hơn dù trước đó các cửa hàng vẫn bảo hành đủ một năm cho các sản phẩm bán ra.
Tuấn Hưng
(Theo Số hóa)
Cần đánh giá đặc thù từng vùng nông thôn để phát triển băng rộng
Submitted by nlphuong on Fri, 15/06/2012 - 09:40(ICTPress) - Việt Nam có một hệ thống làng xã ở khu vực nông thôn và 76% dân số sống ở nông thôn. Nông thôn Việt Nam có những vùng có kinh tế thị trường, có những vùng nghèo như 62 huyện nghèo. Nhà nước đã đầu tư điện, đường trường, trạm… cho những vùng nghèo.
Ảnh: TH |
Tuy nhiên đầu tư triển khai băng rộng cho nông thôn phải khác và để thực hiện đầu tư này trước tiên phải có những đánh giá vùng, phải phân vùng, ví dụ vùng nông thôn quanh đô thị, vùng trung du, miền núi, hải đảo để có những chính sách đầu tư riêng hiệu quả, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết tại Hội thảo bàn tròn “Chiến lược phát triển mạng băng rộng và các ứng dụng cho nông thôn Việt Nam” được tổ chức mới đây.
Về dự án phát triển băng rộng nông thôn của Ngân hàng thế giới (WB) là rất quý nhưng các doanh nghiệp (DN) viễn thông Việt Nam có thể dùng nhiều nguồn vốn (vốn của DN, nhà nước tài trợ…). Nhưng trước tiên, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, việc xây dựng được chiến lược, chính sách phát triển băng rộng phù hợp với nông thôn Việt Nam thì triển khai mới thành công là cần thiết. Vốn cần nhưng chính sách không đúng thì không thành công.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết thêm đối với Việt Nam ngoài nhận thức lợi ích về băng rộng là quan trọng nhưng phát triển các thiết bị đầu cuối (smartphone, laptop) cũng rất quan trọng. Đầu tư băng rộng cho nông thôn không chỉ là hỗ trợ người dân mà còn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thiết bị cho người dân, cho gói sản xuất thiết bị đầu cuối, ví dụ như 1 triệu máy tính giá rẻ, thì người dân mới có thể tiếp cận. Làm cho người dân nông thôn thôi có được không?
Dự thảo Báo cáo “Việt Nam - Hành động chiến lược: Băng rộng cho nông thôn phục vụ tăng trưởng toàn diện” của WB đề xuất ba hành động (action) ưu tiên chủ đạo, bao gồm: Khuyến khích các dịch vụ và ứng dụng Internet di động cho cộng đồng nông thôn; Mở rộng truy cập băng rộng tới các cộng đồng nông thôn và Nâng cao nhận thức về ICT và kỹ năng đọc viết điện tử cho cộng đồng nông thôn.
“Để thực hiện được các hành động cụ thể cần phải có những con số về tỷ lệ truy cập trên thuê bao là bao nhiêu? Đặc biệt lưu lượng băng rộng trên đó ra sao và dự báo tương lai như thế nào? Những thông số này là cơ bản nhất để dự báo nhu cầu. Phát triển các ứng dụng băng rộng cũng được dựa trên các con số này để từ đó xác định tốc độ, nhu cầu bao nhiêu. Những con số đó phải đưa ra được. Đầu tư công ở đây là dùng vốn vay WB. Để vay phải có những sở cứ nhất định”, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan đóng góp ý kiến của mình.
Về các mô hình băng rộng trên thế giới, theo ông Hoan cũng có những mô hình thành công và cũng có những mô hình thất bại. Ví dụ, Australia bỏ mấy chục tỷ USD xây dựng LTE băng tần 2,3 GHz. Mới đây, khi Việt Nam tiếp xúc với các DN Australia thì được biết là họ gặp nhiều khó khăn.
Ông Hoan chia sẻ tại sao không sang Việt Nam học. Khi cấp phép băng tần cho DN, Việt Nam yêu cầu DN bao phủ vùng sâu vùng xa. Ví dụ, Việt Nam khi cấp phép 3G đã yêu cầu các DN phải có lộ trình phủ sóng 90% các nước, đến nông thôn sau 3 năm.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao những đánh giá bước đầu của WB về băng rộng cho nông thôn Việt Nam. Đây là bước chuẩn bị để trợ giúp thiết kế các dự án. Sau đó, công việc tiếp theo chắc chắn phải làm như góp ý của Cục Tần số VTĐ là phải có các thông số cụ thể tốc độ bao nhiêu, đối tượng băng rộng là ai?. Phải có đánh giá các yếu tố, nguồn lực cụ thể.
Phát triển cơ sở hạ tầng mạng băng rộng và các ứng dụng cho nông thôn trong thời gian tới là một trong các vấn đề trọng tâm trong Quy hoạch Phát triển Viễn thông Quốc gia đến năm 2020 hiện đang được Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ.
Về hạ tầng mạng viễn thông, Internet, có thể nói rằng trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả, trong đó cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet được đầu tư có công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp trên cả nước với dung lượng lớn, cung cấp đa dịch vụ, mạng di động bao phủ sóng rộng khắp bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ đa số người dân, băng thông kết nối quốc tế đạt khoảng 500 Gb/s, đã cung cấp được nhiều loại hình dịch vụ băng rộng như 3G, IPTV, truyền hình theo yêu cầu (VoD)...
HM
Microsoft đàm phán chi hơn 1 tỷ USD mua công ty mạng xã hội Yammer
Submitted by nadung on Thu, 14/06/2012 - 17:31(ICTPress) - Theo một số nguồn tin cho hay, Microsoft đang đàm phán để mua lại công ty mạng xã hội dành cho doanh nghiệp Yammer.
Theo đó, Microsoft có thể sẽ chi trả tới trên 1 tỷ USD, và cuộc đàm phán có thể sẽ kết thúc trong ngày mai.
Việc có thêm Yammer sẽ giúp hãng phần mềm lớn nhất thế giới bổ sung các công cụ mạng xã hội cho nhóm sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Mua lại Yammer cũng giúp Microsoft gia tăng khả năng cạnh tranh. Hồi đầu tháng, hãng phần mềm doanh nghiệp Salesforce cũng bổ sung công cụ marketing mạng xã hội thông qua thương vụ thâu tóm Buddy Media với giá 745 triệu USD. Oracle mới đây cũng mua hai công ty phân tích dữ liệu trên các Website mạng xã hội là Vitrue và Collective Intellect.
Yammer được thành lập năm 2008 bởi David Sacks – nguyên Giám đốc điều hành (COO) của PayPal. Phần mềm mạng xã hội của hãng cung cấp các tính năng tương tự như Facebook nhưng để dùng trong nội bộ doanh nghiệp. Hiện Yammer được trên 200.000 công ty sử dụng, trong đó có các hãng danh tiếng như Ford, EBay,...
Bảo Lê
(Theo Bloomberg)
Facebook tích hợp với nền tảng blog phổ biến nhất WordPress
Submitted by nadung on Thu, 14/06/2012 - 15:12(ICTPress) - Facebook cho biết vừa cung cấp một plugin mới cho phép các chủ blog sử dụng nền tảng WordPress có thể dễ dàng tích hợp các tính năng của Facebook, chẳng hạn như đăng lên Timeline.
Plugin này do các kỹ sư Facebook hợp tác với WordPress cùng phát triển, giúp người dùng đưa thêm các tính năng mạng xã hội vào blog của mình mà không cần phải viết mã. Plugin hoạt động tốt trên cả thiết bị di động và hỗ trợ đa ngôn ngữ.
Nếu đã cài plugin, khi xuất bản nội dung trên WordPress, người dùng có thể đồng thời đăng lên Timeline của Facebook hoặc các Page mà họ quản lý. Blogger cũng có thể nhắc tới tên của Page hoặc bạn bè khi đăng bài nhằm giới thiệu rộng rãi bài viết.
Facebook cho biết, hiện các trang TechCrunch, Buzz Media, và The Next Web đã sử dụng plugin này để kết nối với độc giả, đồng thời cung cấp cho độc giả các trải nghiệm cá nhân hóa. Plugin cũng có sẵn để sử dụng trên tất cả các tài khoản VIP của WordPress.com.
Theo Facebook, WordPress hiện là nền tảng cho 16,6% các Website, trong đó có các trang tên tuổi như Thời báo New York, Tạp chí People. Các Website này đón nhận trên 600 triệu lượt người truy cập mỗi tháng, do đó Facebook đưa ra plugin này nhằm khiến cho việc chia sẻ các nội dung trên WordPress trở nên rộng rãi hơn trong cộng đồng rất lớn này.
Bảo Lê
Huawei và ZTE bị cấm đấu thầu tại Algeria
Submitted by nadung on Thu, 14/06/2012 - 06:34Hai hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc là Huawei và ZTE vừa dính vào một vụ bê bối đưa hối lộ ở Algeria.
Không chỉ ở Algeria, Huawei và ZTE cũng bị “soi” kỹ ở nhiều thị trường nước ngoài khác. |
Báo WantChina Times dẫn thông tin từ báo chí Algeria cho biết, theo phán quyết của tòa, hai "đại gia" trên bị cấm tham gia đấu thầu ở nước này trong vòng 2 năm. Ngoài ra, hai công ty cũng phải nộp phạt nặng.
Hai cựu viên chức trong một công ty viễn thông quốc doanh của Algeria có tên Mohamed Boukhari và Chami Madjdoub đã bị phát hiện nhận hối lộ số tiền 128.000 USD từ Huawei và ZTE trong thời gian từ năm 2003-2006. Hai người này nhận án 18 năm tù giam và nộp phạt 64.000 USD mỗi người.
Hai viên chức của ZTE có tên Dong Tao và Chen Zhibo, cùng một viên chức của Huawei là Xiao Chunda là những người đưa hối lộ trong vụ này. Ba người này lĩnh án 10 năm tù mỗi người.
Thị trường viễn thông đang phát triển với tốc độ nhanh chóng của Algeria đã trở thành "miếng bánh" hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài, trong đó có Huawei và ZTE. Hai công ty Trung Quốc này được phép vận hành cơ sở hạ tầng về GSM, CDMA, truyền dữ liệu và dịch vụ hỗ trợ viễn thông từ các năm 1999-2000. Tính đến cuối năm 2005, hai công ty này đã giành được hợp đồng các dự án GSM và CDMA với tổng trị giá 320 triệu USD.
Không chỉ ở Algeria, Huawei và ZTE cũng bị "soi" kỹ ở nhiều thị trường nước ngoài khác.
Hồi tháng 3 năm nay, Chính phủ Australia vừa quyết định cấm Huawei tham gia đấu thầu để thiết lập một mạng lưới Internet tốc độ cao vì lo ngại vấn đề an ninh mạng.
Theo tin mới nhất từ tờ Wall Street Journal, cũng lo ngại về an ninh mạng, các nhà chức trách Mỹ đang yêu cầu các hãng viễn thông Trung Quốc hoạt động ở thị trường này, bao gồm Huawei và ZTE, phải cung cấp các thông tin về quan hệ của họ với Chính phủ Trung Quốc và một số công ty Mỹ như IBM và PricewaterhouseCoopers.
An Huy
(Theo VnEconomy)