Xây dựng kho ứng dụng di động: Thị trường nhiều tiềm năng
Khi điện thoại thông minh (Smartphone) ngày càng trở nên phổ biến cùng với mạng 3G phát triển mạnh, các nhà mạng, nhà sản xuất điện thoại đua nhau phát triển phần mềm nội dung số, xây dựng kho ứng dụng cho di động. Theo các doanh nghiệp (DN), đây là "miếng bánh" béo bở siêu lợi nhuận nhưng chưa được tận dụng khai thác.
Người tiêu ngày dùng càng thích sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh: Hải Yên |
Đua nhau xây dựng kho ứng dụng
Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc Trung tâm giải pháp di động TMA (TMA Mobile Solutions), cho biết: Số lượng người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam lớn và tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là ở các dòng điện thoại thông minh. Thêm vào đó, hai năm qua mạng 3G đã trở nên rất phổ biến. Đây là hai điều kiện rất tốt để thúc đẩy các ứng dụng trên điện thoại thông minh phát triển nhanh chóng. Các hãng điện thoại di động trong nước như Viettel, VinaPhone, MobiFone, FPT, Q-Mobile, BlueFone... đã lần lượt công bố tìm đối tác xây dựng kho ứng dụng cho người Việt.
Viettel là đơn vị tiên phong xây dựng kho ứng dụng di động Mstore. Hiện, Mstore có 900 ứng dụng thuộc các nội dung văn phòng, giải trí, tiện ích, kết nối, khuyến mãi miễn phí... Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tiện ích với 35%, giải trí 33%, còn lại là các ứng dụng khác. Cùng với Viettel, MobiFone cũng tung ra thị trường kho ứng dụng Mspace. Đây là cổng cung cấp các ứng dụng trên thiết bị di động cho phép người sử dụng có thể tìm kiếm, lựa chọn những nội dung cơ bản như giải trí, văn phòng, giáo dục sức khỏe, kết nối bạn bè, tải các trò chơi... Giá cước dịch vụ của MobiFone thấp nhất là 3.000 đồng, ngang mức của Viettel.
Trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, FPT chính là người đi tiên phong khi tung ra kho ứng dụng F-Store cho dòng điện thoại FPT F99 vào tháng 5/2010. Hiện F-Store có khoảng 150 ứng dụng, trong đó 140 ứng dụng là trò chơi, còn lại là các ứng dụng như tin tức, lịch âm dương... Trung bình mỗi ngày F-Store có 15.000 lượt tải về. Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng Phòng quan hệ đối tác của Công ty TNHH Nội dung số FPT (FMA) cho biết: Từ nay đến cuối năm, F-Store sẽ xây dựng 1.000 ứng dụng, chạy trên hệ điều hành Android.
Đi cùng với hãng điện thoại trong nước, các hãng di động nước ngoài như Nokia, Samsung và RIM cũng không bỏ lỡ "cuộc chơi", tham gia xây dựng kho ứng dụng. Trong đó, Nokia là hãng duy nhất đầu tư quảng bá cho kho tải Ovi Store của mình tại thị trường Việt Nam. Mới đây, ngày 23/8 Nokia đã hợp tác với 2 trường Đại học, gồm ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Bách khoa TP.HCM xây dựng những trung tâm ứng dụng di động, đồng thời nhằm giúp phát triển hệ cộng sinh di động cho thị trường Việt Nam. Ông Neil Gordon – Phó Chủ tịch bộ phận bán hàng Nokia Đông Dương cho hay: Hiện phần mềm Việt Nam trên Ovi đạt mức 2 triệu lượt tải, nằm trong top những nước truy cập Ovi Store nhiều nhất thế giới.
Chỉ mới tập trung cho ứng dụng giải trí
Mặc dù thị trường nội dung số cho di động đang là mảnh đất béo bở, đầy tiềm năng, nhưng phần lớn các DN chỉ mới tập trung cho các ứng dụng giải trí, còn các ứng dụng thiết thực thì chưa nhiều, đặc biệt là ứng dụng cho doanh nghiệp. Cụ thể như FPT, đầu quý IV năm nay, F-Store sẽ cho ra phiên bản mới. Tuy nhiên, FPT chỉ đưa thêm 14 ứng dụng tiện ích mới, còn lại là ứng dụng chuyên về giải trí với 40.000 bài hát, 1.500 hình nền và 300 video giải trí.
Ông Trần Phúc Hồng thừa nhận: "Thông thường, khi xây dựng ứng dụng di động, các DN thường nhắm đến hai đối tượng là người sử dụng cá nhân và doanh nghiệp. Riêng tại Việt Nam, ứng dụng cho người sử dụng cá nhân đang chiếm số lượng áp đảo, trong khi ứng dụng cho khối doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức". Ngay cả các kho ứng dụng như Appstore của Iphone, Market của hệ điều hành Android cũng chưa tập trung phát triển các ứng dụng dành cho doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát gần đây của IBM với 2.000 chuyên gia công nghệ ở 87 quốc gia cho thấy, ứng dụng doanh nghiệp di động bán trên các kho ứng dụng trực tuyến được hãng Gartner xếp thứ 5 về doanh thu trong năm 2010, sau ứng dụng di động cho game, mua sắm, mạng xã hội và tiện ích.
Chính vì vậy, ông Dany Bolduc - Phó chủ tịch hãng RIM tại Việt Nam, cho biết, RIM tìm cơ hội hợp tác với các nhà lập trình di động địa phương để phát triển ứng dụng di động cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh một cách hữu hiệu hơn. Cũng theo ông Bolduc, chi phí ứng dụng di động cho doanh nghiệp không quá lớn, một doanh nghiệp vừa hay nhỏ cũng có thể sử dụng được.
Theo RIM, các doanh nghiệp phát triển ứng dụng di động Việt Nam nếu có sản phẩm độc đáo cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường thế giới. Và trong tương lai, thị trường ứng dụng di động cho doanh nghiệp mới là mảnh đất màu mỡ đem lại giá trị gia tăng cao, thiết thực cho cộng đồng phát triển ứng dụng di động ở từng địa phương. Vấn đề còn lại là làm sao sáng tạo ra các ứng dụng chuyên sâu cho từng lĩnh vực và phù hợp với nhu cầu thực tế của từng mô hình doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Hải Yên
Theo Tin tức