Đà Nẵng lần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu ICT Index
Đà Nẵng lần thứ 3 liên tiếp dẫn đầu cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT Index). TP.HCM tiếp tục xếp ở vị trí thứ 2, trong khi Bắc Ninh tiến thêm 24 bậc, xếp thứ 3.
Công viên phần mềm Đà Nẵng - Khu CNTT tập trung đầu tiên của khu vực miền Trung và là thứ hai của cả nước. |
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, tại Hội thảo hợp tác phát triển diễn ra vào sáng 26/8 tại Tiền Giang, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam đã công bố báo cáo tóm tắt kết quả đánh giá chỉ số ICT Index cho khối các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Dẫn đầu bảng khối các tỉnh, thành phố, Đà Nẵng có chỉ số ở các lĩnh vực như sau: hạ tầng kỹ thuật: 0,82; ứng dụng: 0,94; hạ tầng nhân lực: 0,8; sản xuất kinh doanh: 0,41; môi trường tổ chức – chính sách: 1.
Tính chung các chỉ số, Đà Nẵng đạt 0,7547. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu và là lần thứ 6 liên tiếp có mặt trong top 5 về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT trong khối các tỉnh, thành Trung ương.
Trong đó, về xếp hạng theo các lĩnh vực, Đà Nẵng dẫn đầu về xếp hạng hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng. Ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Đà Nẵng đứng thứ 2 sau Bắc Ninh. Ở mảng hạ tầng nhân lực và môi trường tổ chức – chính sách, Đà Nẵng xếp vị thứ 3.
Bắc Ninh tiến bộ nhảy vọt
Trên bảng xếp hạng chung, tiếp sau Đà Nẵng là TPHCM với 0,6739 điểm, 3 năm liền xếp ở vị trí thứ 2. Bắc Ninh nhảy vọt 24 bậc từ vị trí 27 năm 2010 nỗ lực vươn lên vị trí thứ 3 vào năm 2011 với số điểm 0,6571.
Nằm trong top 5 còn có Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Hà Nội xếp từng vị thứ 3 năm 2010 đã “rớt hạng” 4 bậc năm 2011. Bắc Kạn cũng “lội ngược dòng” từ vị trí 40 lên 29, tăng 11 bậc.
Không cải thiện nhiều về điểm số, Hà Giang thay vị trí cuối bảng của Cao Bằng năm ngoái. Nằm trong top 5 các tỉnh thành có ứng dụng CNTT ở mức thấp còn có Đắk Nông, Sơn La, Điện Biên và Cao Bằng.
Các đánh giá về ICT Index năm nay dựa trên 35 chỉ tiêu, tăng 2 chỉ tiêu so với năm ngoài, bao gồm tỷ lệ cán bộ, công nhân viên chức được được tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phần mềm nguồn mở thông dụng và tỷ lệ máy tính trong các cơ quan nhà nước của tỉnh/thành có kết nối với mạng chuyên dùng của tỉnh/thành phố hoặc của Chính phủ (CPNet).
Năm 2011 là năm thứ 6 liên tiếp Hội Tin học Việt Nam phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT thực hiện việc thu thập số liệu, phân tích, đánh giá và đưa ra Báo cáo về về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam.
Theo Hồng Hạnh (Chinhphu.vn)