Syndicate content

Chuyển động ngành

VNPT triển khai hạ tầng VT-CNTT thông suốt phục vụ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII đã chính thức diễn ra từ ngày 14-16/12/2022 với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Góp phần vào sự thành công của sự kiện quan trọng này, VNPT đã triển khai hệ thống hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin (VT-CNTT) phục vụ trước, trong và sau Đại hội.

Nhân viên kỹ thuật VNPT luôn sẵn sàng phục vụ Đại hội.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII là sự kiện quan trọng, ngày hội lớn của tuổi trẻ Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của phong trào Đoàn trong cả nước thời gian qua. Với khẩu hiệu hành động "Tuổi trẻ Việt Nam Khát vọng – Tiên phong - Đoàn kết - Bản lĩnh - Sáng tạo". Đại hội biểu thị quyết tâm chính trị của Tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới khát vọng vươn lên, ra sức phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững tâm thế đảm nhận vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, truyền thông cho Đại hội, VNPT đã nhanh chóng triển khai trang bị, lắp đặt hạ tầng VT–CNTT phục vụ Đại hội. Các hạng mục công việc bao gồm lắp đặt hệ thống WifFi cho các phòng họp chính, các phòng họp diễn đàn, khu vực triển lãm, sảnh chính. VNPT cũng đã hoàn tất triển khai các kênh truyền phục vụ báo chí, truyền hình, triển khai các switch cấp mạng LAN, đo kiểm đảm bảo chất lượng phục vụ Đại hội,…

Bên cạnh việc lắp đặt cơ sở hạ tầng, VNPT cũng bố trí nhân sự trực giám sát, đảm bảo an toàn thông tin hệ thống trong suốt thời gian diễn ra.

Nhân viên VNPT kiểm tra hệ thống thông tin phục vụ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Là doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt chuyển đổi số tại Việt Nam, trong những năm qua VNPT đã luôn đồng hành cùng nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Bên cạnh nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, VNPT cũng luôn chú trọng đẩy mạnh các công tác thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

"Đối với Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, VNPT luôn nỗ lực đem đến chất lượng dịch vụ số tốt nhất phục vụ công tác truyền thông nhằm cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất tới người dân. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của chúng tôi trong việc đóng góp vào sự phát triển chung của tuổi trẻ Việt Nam nói chung và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nói riêng. Trong thời gian tới, VNPT và tuổi trẻ VNPT sẽ tiếp tục cống hiến, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập toàn cầu", đại diện VNPT chia sẻ bên lề Đại hội./.

Theo ictvietnam.vn

40 giải pháp công nghệ được vinh danh tại Make in Viet Nam 2022

Các sản phẩm công nghệ của 4 doanh nghiệp (DN) gồm Rynan Technologics Vietnam, Viettel, FPT và MISA nhận giải Vàng Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022".

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long và Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương trao các giải Bạc

ăm nay, ban tổ chức Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022" nhận được 218 hồ sơ. Các vòng được công khai minh bạch, áp dụng công nghệ số trong các khâu từ nhận hồ sơ, chấm giải. Ban tổ chức đánh giá năm nay có nhiều sản phẩm chất lượng.

Cụ thể, Ban tổ chức trao các giải Vàng, Bạc, Đồng lần lượt cho các hạng mục: Sản phẩm số tiềm năng; sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số; sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số và sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số.

Trong đó, giải Vàng đã được trao cho các hạng mục sản phẩm: Sản phẩm số tiềm năng thuộc về giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng hải sản - Công ty Cổ phần Rynan Technologics Vietnam; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số thuộc về nền tảng quản lý tiêm chủng Vaccine phòng COVID-19 quốc gia - Tổng công ty Giải pháp DN Viettel; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số thuộc về nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) FPT Cloud - Công ty FPT Smart Cloud; Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số thuộc về Nền tảng quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov - Công ty CP MISA.

Giải Bạc được trao theo các hạng mục: Sản phẩm số tiềm năng thuộc Metric nền tảng dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) - Công ty CP Khoa học dữ liệu; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số thuộc về giải pháp truyền tải nội dung số trên hạ tầng Internet - Công ty CP VieOn; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số thuộc về nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS - Công ty CP MISA; Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số thuộc về siêu ứng dụng MoMo - Công ty CP dịch vụ di động trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long và Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương trao các giải Bạc

Giải Đồng được trao cho các hạng mục: Sản phẩm số tiềm năng thuộc về hệ sinh thái chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp thông minh Nextfarm của công ty CP NextVision; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số thuộc về thẻ thông minh MK Smart của công ty CP Thông minh MK; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số thuộc về giải pháp nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải SLX của Công ty CP Giải pháp Chuỗi cung ứng SmartLog; Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số thuộc về hệ thống giao thông thông minh Elcom ITS của Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Elcom.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp CNTT-TT Nguyễn Thiện Nghĩa trao các giải Đồng

Ban Tổ chức cũng vinh danh các top 10 theo 4 hạng mục: Sản phẩm số tiềm năng; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số và sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số.

Top 10 sản phẩm số xuất sắc Chính phủ số gồm: (1) Giải pháp Green Data, Công ty Cổ phần CNTT Toàn cầu Xanh; (2) Hệ thống Giao thông thông minh Elcom ITS, Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom; (3) Nền tảng công nghệ IoT VNPT IoT Platform, Tập đoàn VNPT; (4) Nền tảng Quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov, Công ty CP MISA; (5) Nền tảng Trợ lý ảo Viettel Cyberbot, Trung tâm Không gian mạng Viettel; (6) Phần mềm Quản lý An sinh xã hội VNPT ASXH, Tập đoàn VNPT; (7) Phần mềm quản lý camera tập trung ViewPro, Công ty CP Biển Bạc; (8) Siêu ứng dụng MoMo, Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến; (9) Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC, Tổng công ty Giải pháp DN Viettel; (10) Trusted Archive Giải pháp lưu trữ, quản lý tài liệu điện tử tin cậy, Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS.

Top 10 sản phẩm xuất sắc nhất về kinh tế số: (1) Dịch vụ chữ ký số từ xa FPT.eSign, Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT; (2) Sản phẩm công tơ điện tử CPCEMEC, Tổng công ty Điện lực Miền Trung; (3) Giải pháp ERP Fast Business Online Fast Business Online, Công ty CP Phần mềm quản lý DN; (4) Giải pháp nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải SLX, Công ty CP Giải pháp Chuỗi cung ứng SmartLog; (5) Nền tảng TopCV for business, Công ty CP TopCV Việt Nam; (6) Nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud, FPT Smart Cloud; (7) Nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS, Công ty MISA; (8) Nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch ezCloud, Công ty TNHH Công nghệ ezCloud Toàn cầu; (9) Nền tảng chuyển đổi số dành cho DN SME OneSME, Tập đoàn VNPT; (1) Siêu ứng dụng MoMo, Công ty CP dịch vụ di động trực tuyến.

Top 10 sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số: (1) GapoWork - nền tảng hợp nhất cho giao tiếp và cộng tác trong tổ chức, Công ty CP Công nghệ Gapo; (2) Hệ sinh thái thiết bị đầu cuối viễn thông thế hệ mới, Tập đoàn VNPT; (3) Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S), Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế; (4) Nền tảng giáo dục MISA EMIS, Công ty CP MISA; (5) Nền tảng phi lợi nhuận chống lừa đảo trực tuyến cho người Việt Nam, Công ty TNHH DN xã hội chống lừa đảo; (6) Nền tảng quản lý tiêm chủng vacine phòng COVID-19 quốc gia, Tổng công ty Giải pháp DN Viettel; (7) Nền tảng việc làm chất lượng cao TopCV, Công ty CP TopCV Việt Nam; (8) Thẻ thông minh MK SMART, Công ty CP Thông minh MK; (9) VieOn - Giải pháp truyền tải nội dung số trên hạ tầng Internet, Công ty CP VieOn; (10) Viettel Money - Hệ sinh thái thương mại, tài chính số, Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel.

Top 10 sản phẩm số xuất sắc Chính phủ số, gồm: (1) Giải pháp Green Data, Công ty CP CNTT Toàn cầu Xanh; (2) Hệ thống Giao thông thông minh Elcom ITS, Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Elcom; (3) Nền tảng công nghệ IoT VNPT (IoT Platform), Tập đoàn VNPT; (4) Nền tảng Quản trị tài chính Nhà nước MISA FinGov, Công ty CP MISA; (5) Nền tảng Trợ lý ảo Viettel Cyberbot, Trung tâm Không gian mạng Viettel; (6) Phần mềm Quản lý An sinh xã hội VNPT ASXH, Tập đoàn VNPT; (7) Phần mềm quản lý camera tập trung ViewPro, Công ty CP Biển Bạc; (8) Siêu ứng dụng MoMo, Công ty CP Dịch vụ Di động Trực tuyến; (9) Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC, Tổng công ty Giải pháp DN Viettel; (10) Trusted Archive Giải pháp lưu trữ, quản lý tài liệu điện tử tin cậy, Công ty CP Công nghệ SAVIS.

Ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng đánh giá cao các sản phẩm Make in Viet Nam 2022 và cho biết chất lượng của một số sản phẩm đạt giải có tính cạnh tranh so với các giải pháp của DN nước ngoài đang phục vụ tại Việt Nam.

Bộ TT&TT và Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN hỗ trợ, xúc tiến thương mại, tư vấn thương mại hóa sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia, xây dựng khung pháp lý, kết nối với các nhà đầu tư để các sản phẩm công nghệ số có thị trường rộng lớn hơn và đi xa hơn. Các sản phẩm Make in Viet Nam đạt giải chính là hạt nhân thúc đẩy quá trình CĐS ở Việt Nam, chắp cánh cho khát vọng Việt Nam trở thành một quốc gia số hùng cường, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững./.

Theo ictvietnam.vn

Bưu điện phát hành các ấn phẩm báo Nhân Dân đến đông đảo độc giả cả nước

Ngày 30/11/2022, tại Hà Nội, báo Nhân Dân và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát huy thế mạnh trên các lĩnh vực hoạt động và cùng nhau hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững của hai bên.

Đại diện lãnh đạo Báo Nhân dân và BĐVN thực hiện nghi thức ký thỏa thuận hợp tác

Trên cơ sở hiện có về mạng lưới bưu chính công cộng lên tới hơn 3.000 điểm trải rộng đến cấp xã, phường cùng hệ thống phương tiện vận chuyển chuyên dụng, nền tảng phát hành báo chí hiện đại cùng kinh nghiệm gần 70 năm phát hành báo Đảng, BĐVN tiếp tục tổ chức phát hành các ấn phẩm của báo Nhân Dân đến đông đảo bạn đọc trên cả nước. Tổng công ty BĐVN sẽ bố trí địa điểm đọc báo Nhân Dân miễn phí tại các bưu cục, điểm phục vụ phù hợp.

Đặc biệt, báo Nhân dân và BĐVN sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 11- CT/TW, Kết luận 29-KL/TW của Ban Bí thư và Thông báo Kết luận 173-TB/TW của Bộ chính trị về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Đồng thời thường xuyên rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về đối tượng thụ hưởng chính sách, người đọc báo, tạp chí của Đảng để cấp, phát đúng đối tượng theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện đặt mua và đọc báo Nhân dân đến từng chi, đảng bộ và đảng viên.

BĐVN sẽ xây dựng các gói dịch vụ đặt báo đảm bảo sự liên tục của báo ngày (trọn gói báo ngày bao gồm cả thứ 7, chủ nhật) và khuyến khích độc giả đặt các ấn phẩm khác của báo Nhân dân như: Nhân dân Cuối tuần, Nhân dân Hằng tháng, Thời Nay…

Trung bình mỗi năm, BĐVN đã tổ chức phát hành hơn 50 triệu tờ báo in hằng ngày đến tận tay bạn đọc, các chi bộ đảng cơ sở trên cả nước từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo; góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời vận dụng kiến thức vào sản xuất, đời sống; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, sự hợp tác giữa báo Nhân Dân với Tổng công ty BĐVN đã diễn ra từ lâu với những kết quả khá tốt đẹp. Nhiều năm qua, BĐVN đã đảm trách sứ mệnh quan trọng, đưa tờ báo Đảng lan tỏa rộng khắp tới bạn đọc trên cả nước.

Theo ông Lê Quốc Minh, báo in vẫn luôn là ấn phẩm cốt lõi của báo Nhân Dân. Báo Nhân Dân luôn chú trọng đổi mới về nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng tin bài, tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ về khâu phát hành thì những nội dung của các ấn phẩm sẽ không thể đến với độc giả nhanh chóng như hiện nay.

"Mặc dù hai bên đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả, tuy nhiên thỏa thuận hợp tác được ký hôm nay chính là sự kết nối chính thức giúp mối quan hệ của hai bên bền chặt hơn và thúc đẩy lên tầm cao mới", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Tự hào về lịch sử, những cống hiến của ngành Bưu điện trong việc chuyển thư tín, báo chí trong hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, đặc biệt là kinh nghiệm phát hành báo chí gần 70 năm qua, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết, hiện cả nước vẫn còn hàng chục triệu thuê bao di động chưa sử dụng smartphone, nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn. Đây chính là những nơi cần nhiều hơn nữa tiếng nói của Đảng, của Chính phủ thông qua các ấn phẩm của báo Nhân dân. BĐVN sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng phát hành báo Đảng, báo Nhân Dân để đưa thông tin của Đảng đến tận tay người đọc, các chi đảng bộ nhanh chóng, kịp thời nhất.

Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN phát biểu tại buổi lễ

5 năm gần đây dù báo in có xu hướng sụt giảm trước sự phát triển của báo điện tử, mạng xã hội, nhưng sản lượng phát hành báo Nhân Dân qua Bưu điện vẫn tăng trưởng. Đó là nhờ sự nỗ lực của cả hai bên vì một mục tiêu chung hoàn thành nhiệm vụ chính trị  của Đảng và Nhà nước giao phó.

"Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác, BĐVN và báo Nhân Dân sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện có hiện quả Chỉ thị Chỉ thị số 11- CT/TW, Kết luận 29-KL/TW của Ban Bí thư và Thông báo Kết luận 173-TB/TW của Bộ chính trị, việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. BĐVN sẽ tiếp tục tổ chức, phát hành các ấn phẩm báo in, báo điện tử của báo Nhân Dân đến đông đảo độc giả trên cả nước. BĐVN cam kết sẽ chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan xây dựng, phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung thỏa thuận hợp tác, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng bạn đọc. Đặc biệt, BĐVN sẽ tiếp tục cải tiến các phương thức đặt mua báo chí qua mạng, thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu của độc giả", Tổng giám đốc Chu Quang Hào cho biết.

Trước mắt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, báo Nhân Dân và BĐVN sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc phát hành báo Tết - một ấn phẩm quan trọng để truyền đi những thông điệp của năm mới, tương lai mới cũng như những thông tin đặc biệt trong số báo Tết đến với độc giả một cách chính xác, kịp thời trước thềm xuân mới./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Thương hiệu sách Y học hợp tác với HARDI

Thương hiệu sách Y học MedInsights thuộc Alpha Books ký kết hợp tác cùng Viện Đánh giá chất lượng và Phát triển nguồn nhân lực Y tế (HARDI) ngày 24/11/2022.

Đại diện hai đơn vị ký kết hợp tác

MEDINSIGHTS là thương hiệu sách y học của Công ty CP Sách Alpha. Các sản phẩm của MEDINSIGHTS hiện tập trung vào: sách y học thường thức cho người dân, y học chuyên ngành cho các y bác sĩ, sách tham khảo cho cán bộ y tế và các sản phẩm nội dung số liên quan.

HARDI là tổ chức khoa học và công nghệ có chức năng thực hiện các nghiên cứu và dịch vụ khoa học công nghệ về kinh tế y tế và quản trị bệnh viện. Mục tiêu của HARDI là tăng cường năng lực nghiên cứu, trao đổi thông tin, thúc đẩy sự hiểu biết, phối hợp và liên kết giữa chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và các cá nhân liên quan trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo về kinh tế y tế, bao gồm quản trị hệ thống y tế, quản lý nguồn nhân lực y tế và quản lý chất lượng dịch vụ y tế.

Nằm trong bối cảnh ngành y tế còn tồn tại nhiều vấn đề về quản lý chất lượng dịch vụ y tế cần được giải quyết, đồng thời thiếu các sách và tài liệu hướng dẫn tinh gọn, chuẩn xác, cập nhật, dễ hiểu cho nhân sự trong ngành, MedInsights và HARDI thống nhất ký kết Thỏa thuận hợp tác trong việc triển khai xuất bản và giới thiệu các cuốn sách liên quan đến chủ đề quản trị và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế  với mong muốn giới thiệu kiến thức hữu ích, có giá trị để nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ y tế, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung cho xã hội.

Chia sẻ về việc hợp tác, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HARDI cho biết: “Nhân lực Y tế giữ vai trò quan trọng trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Hiện nay, hệ thống y tế đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ đáp ứng đủ cả về số lượng, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc cũng như quản lý. Với hệ thống cơ sở y tế rộng khắp từ trung ương đến địa phương, đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo ở nhiều trình độ khác nhau, điều kiện làm việc khác nhau thì việc đưa ra các hướng dẫn rất quan trọng nhằm giúp nhân viên y tế có được những chỉ dẫn chính xác, an toàn, đồng bộ và hiệu quả để có thể thực hiện tốt công việc của mình. Vì vậy, việc có thêm những tài liệu tham khảo và hướng dẫn phù hợp ở nhiều cấp độ từ thực hành, đến y học chuyên khảo rất quan trọng.”

Đại diện MedInsights ông Nguyễn Cảnh Bình mong muốn MedInsights và HARDI sẽ sớm cho ra mắt các đầu sách hữu ích cho nhân sự trong ngành y tế. Bởi bên cạnh những đầu sách y học thường thức, MedInsights cũng đặt ra mục tiêu xuất bản sách, tài liệu chuyên ngành không chỉ cho các y bác sĩ mà còn những cuốn sách đặc thù cho những nhà quản lý y tế, vì sự phát triển chung của cả ngành.

ND

Chủ tịch nước và Tổng thống Uganda chứng kiến ký kết hợp tác thông tin truyền thông

Sáng 24/11, tại Phủ Chủ tịch, sau lễ đón chính thức và hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni đã chứng kiến ký kết 5 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước.

Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Ngoại giao Uganda Odongo Jeje Abubakhar và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ký kết.

Hiệp định giữa Chính phủ Uganda và Chính phủ Việt Nam về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ do Bộ trưởng Ngoại giao Uganda Odongo Jeje Abubakhar và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn thay mặt Chính phủ hai nước ký kết. 

Chủ tịch nước và Tổng thống nước Uganda chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Thông tin - Truyền thông.

Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Thông tin - Truyền thông do Bộ trưởng Công nghệ thông tin, truyền thông và hướng dẫn quốc gia Uganda Chris Baryomunsi và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng ký kết. 

Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Ngoại giao Uganda Odongo Jeje Abubakhar thay mặt Bộ Giáo dục và Thể thao Uganda và Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn ký kết. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ.

Bản ghi nhớ về hợp tác Khoa học và Kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ trưởng Nông nghiệp, Công nghiệp chăn nuôi và Thủy sản Uganda Frank Kagyigyi Tumwebeze và Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn ký kết. 

Theo vietnamnet.vn

Người dân có thể gọi tổng đài 156 phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ ngày 1/11

Bắt đầu từ ngày 01/11/2022, thuê bao điện thoại di động có thể phản ánh cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo qua đầu số 156.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì họp báo

Đây là thông tin được Bộ TT&TT thông báo tại buổi họp báo chiều ngày 31/10/2022. Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, thời gian qua tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên, đặc biệt xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo bùng phát trong thời gian gần đây cũng là hiện tượng trên thế giới. Mỹ là quốc gia có số cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cao là 31 cuộc gọi rác/tháng, Brazil là 30, Indonesia 14, Việt Nam là 12.

9 tháng đầu năm 2022, tổng đài 5656 - tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tin nhắn của Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin quản lý, vận hành) - đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh, trong đó, số lượt phản ánh tin nhắn rác được tiếp nhận 25.476 lượt phản ánh (giảm 10,6 % so với cùng kỳ năm 2021); Số lượt phản ánh cuộc gọi rác là 177.473 (tăng 34,2%). Số tin nhắn rác đã chặn 458,7 triệu tin (tăng 67,2 % so với cùng kỳ năm 2021), trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%.

Từ năm 2020, Bộ TT&TT đã triển khai đầu số 5656 tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo quy định tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, từ ngày 1/11/2022, Bộ TT&TT triển khai thí điểm đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua 02 hình thức thoại và tin nhắn (đầu số 5656 vẫn duy trì hoạt động).

Cục trưởng Nguyễn Hồng Thắng: cuộc gọi rác đang có dấu hiệu bùng phát ở nhiều nước trên thế giới

"Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động", ông Nguyễn Hồng Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo Cục Viễn thông, sau một thời gian khi lưu lượng đến đầu số 5656 giảm thì Bộ TT&TT sẽ sửa lại các quy định để còn lại duy nhất đầu số 156 tiếp nhận các thông tin phản ánh của khách hàng một cách thống nhất và thuận tiện nhất. Theo kế hoạch mà Bộ TT&TT cùng các DN viễn thông thống nhất triển khai, khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua 02 hình thức gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số 156 cụ thể:

Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156 trong đó: 

+ Với tin nhắn rác, người dân soạn tin nhắn với cú pháp: S [số điện thoại - nguồn phát tán][nội dung phản ánh] gửi 156 (hoặc 5656)

+ Với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác: V [Số điện thoại - nguồn phát tán] [Nội dung phản ánh] gửi 156 (hoặc 5656) Hoặc V [nguồn phát tán] [nội dung cuộc gọi rác] gửi 156.

+ Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân soạn tin nhắn với cú pháp: LD [Số điện thoại - Nguồn phát tán] [nội dung phản ánh] gửi 156 (hoặc 5656)

Cách 2: Người dân gọi tới đầu số 156 (các DN viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan;...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng. 

Các DN viễn thông sẽ xác minh thông tin thuê bao của số thuê bao có hành vi phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi dấu hiệu lừa đảo, từ đó yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo tại điểm e Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viên thông 2 chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông). Đồng thời các DN viễn thông sẽ gửi các nội dung phản ánh tới cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ TT&TT để xác minh các dấu hiệu lừa đảo, từ đó xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định tại Bộ Luật Hình sự.

Trước đó vào cuối tháng 8/2022, 7 các nhà mạng gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác cũng như kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.

Buổi họp báo công bố tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh: "Bộ TT&TT nhận thấy rằng, người dân khi bị các cuộc gọi lừa đảo, đe dọa lại không có một kênh nào tiếp nhận các nội dung này. Chính vì vậy, Bộ TT&TT cần có một đầu số, đầu mối tiếp nhận phản ánh của người dân về cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác, tin nhắn rác".

Trước tình hình mới cần thiết phải có một kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh của khách hàng một cách thống nhất và thuận tiện nhất đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, bên cạnh đầu số 5656, Bộ TT&TT cùng các DN viễn thông đã thống nhất triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156./.

Nguồn: ictvietnam.vn

Thúc đẩy chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 29/10, Báo Tiền phong phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam tổ chức hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long”.

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp trình bày nhiều tham luận về chính sách, thể chế thúc đẩy chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long, các lĩnh vực ưu tiên cần chuyển đổi số trong phát triển kinh tế-xã hội vùng…

Hội thảo là dịp để giới thiệu những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong triển khai chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long, từ đó có thể lan tỏa, nhân rộng nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại khu vực.

Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp để phát huy thế mạnh, tiềm năng này thành động lực phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Thông qua chuyển đổi số, người dân, hộ gia đình, cộng đồng xây dựng thương hiệu riêng cho từng sản phẩm để nâng cao giá trị, dễ tiếp cận với đông đảo khách hàng trên môi trường số, giúp tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá tốt.

Bên cạnh đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, trước mắt ưu tiên chuyển đổi số giáo dục đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng. Đại học số không cần nhiều giảng đường, giáo viên, người học có thể tham gia học ở bất cứ nơi đâu, thời gian học linh hoạt, không giới hạn số lượng người học, qua đó khắc phục được việc thiếu nguồn nhân lực số cho phát triển. Các lĩnh vực y tế, khoa học-công nghệ, quản lý tài nguyên, môi trường cũng cần quan tâm trong quá trình chuyển đổi số của vùng…

https://nhandan.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-o-dong-bang-song-cuu-long-post722296.html

Dấu ấn VNPT trong chuyển đổi số nhiều lĩnh vực của nền kinh tế

Trong những năm gần đây, Tập đoàn VNPT đã thể hiện rõ vai trò là Tập đoàn công nghệ hàng đầu của đất nước, tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia, góp phần xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và Xã hội số tại Việt Nam.

Dấu ấn VNPT ngày càng được thể hiện đậm nét qua những dự án CĐS mang tầm cỡ Quốc gia và làm chủ nhiều công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4.

Dịch chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông số

Trong kỷ nguyên số, theo định hướng chiến lược VNPT4.0, VNPT đang dịch chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông số (DSP) với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp hàng đầu về hạ tầng số và dịch vụ số tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành một trung tâm số (digital hub) của khu vực châu Á vào năm 2030. Để hiện thực hoá chiến lược này, VNPT đã và đang xây dựng hạ tầng số, hệ sinh thái dịch vụ số để góp phần thúc đẩy quá trình CĐS tại Việt Nam.

Về phát triển hạ tầng và dịch vụ số,  VNPT đã đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng cáp quang tới từng hộ gia đình. Đến nay, VNPT đã cung cấp Internet băng thông rộng đến 100% các xã trên toàn quốc. Mở rộng mạng băng rộng cố định FTTx tới 10 triệu thuê bao. Sóng Vinaphone 4G của VNPT đã đến với 98% dân cư. VNPT đã thử nghiệm hạ tầng di động 5G và sẵn sàng triển khai. Dự kiến, đến năm 2025, sóng Vinaphone 5G của VNPT sẽ phủ tới 85% dân cư. Song song với việc cung cấp hạ tầng truyền tải, VNPT không ngừng sáng tạo, nghiên cứu và làm chủ các công nghệ mới 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (block chain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) cho phép các DN, người dân chia sẻ, phát triển và sử dụng dịch vụ.

Để góp phần thúc đẩy quá trình CĐS, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam, trong mấy năm qua, VNPT hướng mạnh đến phát triển và cung cấp các hệ sinh thái sản phẩm CNTT đáp ứng đầy đủ cho các nhiệm vụ giải pháp CĐS gồm Hạ tầng, nền tảng công nghệ số;.

Với Chính phủ số, VNPT đã triển khai thành công một số nền tảng số quốc gia như: Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư… làm tiền đề xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đến nay, VNPT cũng đang tích cực tham gia hệ thống CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; CSDL quốc gia về đất đai; CSDL Y tế; CSDL Giáo dục.

Với hệ sinh thái CĐS khối chính quyền, VNPT mang tới giải pháp Trung tâm điều hành Thông minh IOC nhận được sự quan tâm đặc biệt nhờ khả năng giám sát và điều hành thông minh tỉnh/thành phố. Đây là yếu tố cơ bản để xây dựng thành công thành phố thông minh với hạ tầng nền tảng thông minh và thế hệ công dân số thông minh. Đến nay, VNPT IOC đã có mặt tại hơn 30 tỉnh/thành phố lớn và là “bộ não số” không thể thiếu với bất kỳ Chính quyền số nào. VNPT đã triển khai oneGOV tại 58 tỉnh, thành phố và tư vấn, triển khai Đô thị thông minh cho 40 tỉnh, thành phố. Hệ sinh thái chính quyền số của VNPT đã hiện diện tại 63/63 tỉnh thành phố trên cả nước.

Tham gia đóng góp CĐS các lĩnh vực

Không chỉ vậy, VNPT còn là đối tác tin cậy của nhiều Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện CĐS thông qua các Thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT). Trong đó, đối với ngành nông nghiệp, mới đây nhất, VNPT đã triển khai Hệ thống CSDL về chăn nuôi, Hệ thống cấp và quản lý mã số vùng trồng. Đây là những bước đi đầu tiên thực hiện CĐS ngành nông nghiệp, đưa công tác quản lý và phát triển ngành chăn nuôi ngày càng hiện đại hơn, năng suất cao hơn, sức cạnh tranh mạnh hơn.

Để phát triển kinh tế số, VNPT cung cấp bộ giải pháp oneBusiness, oneSME, Nông nghiệp, Logistics, VNPT Money cho các doanh nghiệp (DN) trên toàn quốc. VNPT đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ mới như IoT, Cloud, AI/BigData, hình thành nền tảng công nghệ 4.0 cung cấp cho các tổ chức, DN ICT. Đồng thời ứng dụng trong các sản phẩm giải pháp của VNPT, đem lại dịch vụ tốt nhất đến khách hàng cuối. Đến nay, VNPT đã phát triển thành công các Nền tảng Xác thực định danh điện tử - VNPT eKYC, Quản lý định danh và xác thực sinh trắc học - VNPT BioID, Trợ lý ảo - Callbot, Chatbot, Nền tảng xử lý hình ảnh - Smartvision, nền tảng xử lý âm thanh, giọng nói - Smartvoice, Robot tự động hóa - SmartRPA,…

Song hành với việc ra mắt nền tảng CĐS dành riêng cho DN, VNPT đã nghiên cứu phát triển và khai trương hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm dịch vụ phục vụ DN trong bối cảnh bình thường mới với các sản phẩm dịch vụ dẫn dắt chủ đạo giúp DN có hạ tầng số hiện đại, số hoá mọi giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước, giao dịch với đối tác/khách hàng trên môi trường số và chuyển đổi số hoạt động quản trị DN, như: Ký số từ xa (VNPT SmartCA), Hợp đồng điện tử (VNPT eContract), Quản trị doanh nghiệp toàn diện (VNPT onBusiness); Hóa đơn điện tử (E-Invoice), Kê khai bảo hiểm xã hội (VNPT BHXH), Thẻ tích điểm đa năng Vpoint…

VNPT đã và đang triển khai xây dựng xã hội số, công dân số thông qua việc cung cấp những ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để tiến đến xây dựng xã hội số thông qua việc cung cấp bộ các giải pháp cho Y tế, Giáo dục, An sinh xã hội.

Đối với lĩnh vực giáo dục, VNPT có mạng giáo dục vnEdu đang là mạng giáo dục số 1 tại Việt Nam về thị phần và đã được triển khai tại 63 tỉnh/thành phố, hiện có hơn 30.000 trường học sử dụng và hơn 8 triệu hồ sơ học sinh, 800.000 tài khoản giáo viên. Hàng ngày có hơn 1,5 triệu học sinh đang học trên nền tảng VNPT E-learning.

VNPT đã triển khai dịch vụ tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước với rất nhiều dòng sản phẩm, từ quản lý bệnh viện, quản lý phòng khám, đến các y tế cơ sở, kết nối thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, đến những sản phẩm phục vụ cá c cá nhân có nhu cầu khám chữa bệnh như VNcare, triển khai giải pháp cho gần 20.000 nhà thuốc, 600 cơ sở y tế có giường bệnh, hơn 1500 cơ sở y tế không giường, 7000 y tế cơ sở sử dụng phần mềm VNPT HMIS và 1000 cơ sở y tế dùng phần mềm VNPT LIS.

VNPT là nhà mạng tiên phong trong phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đóng góp tài chính toàn diện quốc gia và là DN đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ VNPT Money tới khách hàng trên phạm vi cả nước với mục tiêu phát triển trên 10 triệu tài khoản và 650.000 điểm chấp nhận thanh toán. Việc triển khai VNPT Money được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Là một trong các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam, VNPT cam kết, sẵn sàng hợp lực vì quá trình số hóa toàn diện, trong đó bao gồm xây dựng và phát triển hạ tầng số. Với mục tiêu dẫn dắt CĐS Quốc gia, VNPT sẽ tiếp tục dành nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ phục vụ đất nước, DN...

HT


VNPT hỗ trợ khách hàng tại các tỉnh chịu ảnh hưởng bão NORU

Chung tay hỗ trợ đồng bào tại các tỉnh đang chịu ảnh hưởng bởi cơn bão NORU, VNPT đã tăng cường ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cước kịp thời giúp khách hàng đảm bảo thông tin liên lạc.

Theo đó, VNPT sẽ hỗ trợ gói Data với 5GB/ngày, truy cập thoải mái các ứng dụng Youtube, Tiktok, Zalo, MyTV cho khách hàng sử dụng Internet VNPT bị mất liên lạc đến thời điểm ngày 30/09/2022 chưa được khôi phục. Các bộ SIM sẽ được nhân viên VNPT trao tận tay khách hàng, kịp thời giúp người dân có đường truyền thay thế, hạn chế gián đoạn thông tin, phục vụ nhu cầu kết nối cho cả gia đình.  

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ trực tiếp tới các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, VNPT  sẽ thực hiện gia hạn thời hạn nộp cước, không áp dụng khóa 1 chiều/2 chiều cho các thuê bao di động, internet trả sau đến thời hạn nộp cước giúp khách hàng yên tâm duy trì liên lạc, sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhân viên kỹ thuật VNPT khắc phục hậu quả do bão tại Đà Nẵng

Các hoạt động và chính sách hỗ trợ của VNPT sẽ được thực hiện rộng khắp trên địa bàn các tỉnh đang chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 4 Noru: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Bình.

Những ngày qua, VNPT đã gấp rút thực hiện nhiều hoạt động ứng cứu thông tin liên lạc tại các địa phương bị bão Noru tràn qua. VNPT đã phối hợp với các nhà mạng mở Roaming thoại và SMS tại 2 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam đảm bảo dịch vụ phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bão và đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Nhanh chóng triển khai ứng cứu máy phát điện khôi phục liên lạc các trạm BTS; triển khai khắc phục các tuyến cáp quang truyền dẫn, các đường dây thuê bao bị đứt và cho mượn thiết bị nhằm kết nối dịch vụ cho khách hàng.

Đồng thời, VNPT đã thực hiện điều động nhân lực, công cụ/dụng cụ từ các tỉnh thành khác đến hỗ trợ cho địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 4 khắc phục hậu quả bão.

Ngoài ra, tại các tỉnh bị ảnh hưởng cơn bão, VNPT đã điều động nhân viên trực tiếp tới từng hộ gia đình khách hàng để kịp thời động viên, chăm sóc và kiểm tra thiết bị viễn thông tại nhà khách hàng, thực hiện hỗ trợ sửa chữa, nhanh chóng khôi phục mạng lưới viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc cho khách hàng.

ND

Cơ hội ngày càng lớn của ngành chuyển phát nhanh

Ba tháng cuối năm là thời điểm diễn ra Mega Sales (mùa siêu mua sắm), là giai đoạn bùng nổ cho cuộc chạy đua về đích doanh số của hầu như tất cả các nhãn hàng.

Sự bùng nổ này đã tạo nên hiệu ứng domino cho hàng loạt ngành dịch vụ đi kèm phát triển tăng tốc. Đặc biệt, các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, vốn là ngành then chốt, cánh tay phải giúp thương mại điện tử vững bước trên đường đua doanh số, cũng không nằm ngoài cơn sóng Mega Sales này.

Đối với người dùng trực tuyến hiện nay, một trải nghiệm mua hàng “hoàn hảo” không chỉ đến từ giá cả sản phẩm mà còn là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố khác như quy trình mua sắm, điều kiện vận chuyển. Theo báo cáo mới nhất từ Google, để chinh phục khách hàng trong các chiến dịch marketing cho Mega Sales, “thanh toán linh hoạt” và “giao hàng đảm bảo” chính là yếu tố then chốt.

Trong đó, thanh toán linh hoạt đang dần trở thành nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Để đáp ứng được nhu cầu này, chủ shop online, nhãn hàng và cả đơn vị vận chuyển cần ưu tiên nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đặc biệt là trải nghiệm thanh toán trong giao nhận. Với ứng dụng QR code động vừa ra mắt, hiện J&T Express là đơn vị chuyển phát nhanh tiên phong ứng dụng giải pháp thanh toán này, thương hiệu đã có thể nâng cao trải nghiệm của người dùng bằng một phương thức vừa tiện lợi, dễ sử dụng và vẫn luôn đảm bảo an toàn, bảo mật nhờ ứng dụng công nghệ mới.

Không những vậy, hình thức thanh toán qua mã QR động còn tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình mua - bán - giao - nhận: thời gian giao dịch, thanh toán được rút ngắn; thời gian xử lý vận đơn của nhân viên được giảm đáng kể; tiết kiệm chi phí cho tất cả các bên.

Khảo sát còn cho biết, tỷ lệ người mua thích “giao hàng tận nơi” đã tăng lên khi lượng tìm kiếm từ khoá “giao hàng tận nơi” ở Việt Nam đã tăng 130% trong vòng một năm. Tốc độ và sự thuận tiện của việc giao hàng cũng trở thành một yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe giờ cao điểm, khi số lượng đơn hàng dồn lại ở cùng một thời điểm, tất yếu sẽ xảy ra nhiều bất cập như chậm trễ, thất lạc…

Đây cũng chính là bài toán khó của các doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Thế nhưng với những doanh nghiệp lớn, được đầu tư bài bản và có chiến lược từ đầu, đây là cơ hội để bật lên trong thử thách khi chứng tỏ được năng lực lên kế hoạch, dự đoán lưu lượng và thực thi.

Đơn cử như J&T Express, đơn vị này giữa năm đã ra mắt trung tâm trung chuyển lớn bậc nhất Việt Nam với hàng loạt thiết bị được đầu tư công nghệ tối tân, nằm trong chiến lược phát triển của công ty nhằm đón trước các mùa cao điểm. Chỉ tính riêng trung tâm trung chuyển này, lượng kiện hàng dự kiến có thể xử lý lên đến 2 triệu kiện mỗi ngày. Nhờ áp dụng hệ thống phân loại thông minh DWS với khả năng phân loại hàng hóa chính xác lên đến 99%, hệ thống băng chuyền ma trận tự động, công đoạn phân loại được rút ngắn sẽ giúp đẩy nhanh thời gian vận chuyển đến người dùng cuối  ​​– những người rất hào hứng trong các dịp sale lớn cuối năm và mong chờ hàng hóa sớm đến tay mình.

Hơn nữa, khi vào mùa Mega Sales, tâm lý người mua hàng sẽ có xu hướng thiếu kiên nhẫn hơn. Do đó, chậm trễ, thất lạc cũng là một cơn ác mộng của người tiêu dùng và người bán hàng trực tuyến. Để giải quyết vấn đề này, J&T Express vận hành 365 ngày không nghỉ, kể cả Thứ bảy, Chủ nhật nhằm đảm bảo nhu cầu vận chuyển của thị trường.

Đại diện hãng chuyển phát nhanh J&T Express cho biết: “Là đơn vị chuyển phát nhanh luôn hướng đến trải nghiệm nâng cao của người dùng, J&T Express luôn đặt mục tiêu đảm bảo nhu cầu vận chuyển của thị trường. Khi thị trường thấp điểm, chúng tôi tập trung cải tiến dịch vụ, để mùa cao điểm tất cả cùng căng mình mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và người mua cuối”.

Với những nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ trong khâu cuối vận chuyển và thực lực mình đang sở hữu về công nghệ - trong thanh toán và trong trung tâm trung chuyển được đầu tư công nghệ tối tân, J&T Express hoàn toàn có thể đồng hành cùng các đối tác, nhà bán hàng online tăng sức bật chạy nước rút trong mùa Mega Sales.

ND