Syndicate content

Chuyện dọc đường

Triển lãm “Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử”

Tóm tắt: 

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ngày 14/12 tới, tại Trung tâm sẽ diễn ra triển lãm mang tên “Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử”.

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ngày 14/12 tới, tại Trung tâm sẽ diễn ra triển lãm mang tên “Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử”. Triển lãm do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Lưu trữ quốc gia Pháp tổ chức.

"Sương trắng trong miền cổ tích" – Nghệ sĩ nhiếp ảnh Giang Sơn Đông. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Triển lãm sẽ giới thiệu tới đông đảo công chúng hơn 100 bản vẽ, tài liệu lưu trữ và hình ảnh về cây cầu từ năm 1898 đến năm 1975, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi.

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày các bức tranh, ảnh và hiện vật của các nhiếp ảnh gia, các cá nhân trong và ngoài nước, những đóng góp của cá nhân trong cộng đồng góp phần vẽ lên một bức tranh đa sắc về cây cầu cho đến ngày nay.

Triển lãm được bố cục theo dòng thời gian thành 3 phần gồm “Cây cầu sinh ra từ ý tưởng điên rồ!”, “Bên cầu Long Biên”, “Ký ức cầu Long Biên trong chúng ta”.

Triển lãm tập trung giới thiệu tài liệu và hình ảnh về việc xây dựng, mở rộng, sửa chữa và đời sống bên cây cầu cũng như ký ức về cây cầu trong suốt chiều dài lịch sử.

 

Riêng phần trưng bày “Ký ức cầu Long Biên trong chúng ta”, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã phát động chương trình hiến tặng, đóng góp hình ảnh, tư liệu cho triển lãm từ tháng 10.

Ban Tổ chức hy vọng triển lãm sẽ cung cấp cho các cơ quan quản lý di sản, người nghiên cứu và đông đảo công chúng những tài liệu có giá trị về cây cầu, đồng thời tạo nên một không gian khám phá di sản ký ức cho xã hội.

Triển lãm diễn ra tại Toà nhà Triển lãm - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, mở cửa tự do cho công chúng tham quan từ ngày 14/12.

https://nhandan.vn/trien-lam-cau-long-bien-chung-nhan-lich-su-post729300.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Triển lãm "Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc"

Tóm tắt: 

Chiều 28/11, triển lãm “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” đã được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chiều 28/11, triển lãm “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” đã được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Triển lãm là hoạt động nối tiếp Cuộc thi viết “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” diễn ra cuối tháng 10/2022 với sự tham gia của 100 sinh viên từ 20 đến 22 tuổi đang theo học tiếng Hàn tại một số trường đại học trong nước.

15 tác phẩm xuất sắc nhất được trao giải từ cuộc thi đã được các nghệ nhân Hàn Quốc thể hiện lại trên bản khắc gỗ.

Triển lãm trưng bày 47 tác phẩm bao gồm những bức thư pháp đạt giải, các bản khắc gỗ, một số bức thư pháp đẹp được lựa chọn từ 100 tác phẩm dự thi, cùng các kiệt tác nghiên mực làm từ đá Nampo.

Các đại biểu nghe giới thiệu về kiệt tác nghiên mực Nampo.

Qua đó, mang đến giá trị mới, sức sống đương đại trên nền tảng di sản văn hóa của cả hai quốc gia, góp phần lan tỏa tinh thần, triết lý sống từ những câu danh ngôn nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: “Có chí thì quyết tìm ra việc và quyết làm được việc”; “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”…

Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định: Sự kiện văn hóa kép thi viết và trưng bày “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” đã cho thấy sự tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia.

Đó là những triết lý, lời nhắn nhủ của các bậc tiền nhân về đạo đức, lý tưởng và lối sống. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng được kế thừa qua nhiều thế hệ để trở thành truyền thống mà ngày nay gọi là di sản.

Các bạn trẻ chiêm ngưỡng những tác phẩm thư pháp thể hiện danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại triển lãm.

“Với chương trình, chúng tôi cũng muốn hướng tới giáo dục thế hệ trẻ bằng sự tôn vinh di sản của cha ông. Thông qua trải nghiệm này, các em học sinh sẽ thấy việc học tập của mình ý nghĩa hơn, tự lập và tự chủ để bước ra thế giới hội nhập", Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30/11/2022.

https://nhandan.vn/trien-lam-danh-ngon-cua-chu-tich-ho-chi-minh-tren-thu-phap-han-quoc-post727272.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Bộ sách về Đế chế La Mã xuất bản tại Việt Nam

Được mệnh danh là “Đế chế không có điểm kết thúc”, Đế chế La Mã sở hữu quy mô lên đến hàng vạn dặm trải dài từ Á sang Âu, với vô số thành tựu ưu việt về cả văn hóa, công nghệ hay quân sự đương thời. Nhưng sau gần 13 thế kỷ, Đế chế này đã đi tới kết cục không thể tránh khỏi mặc cho những gì đã đạt được.

Ra mắt lần đầu vào năm 1776, “Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã” (tên tiếng anh: The decline and fall of the Roman Empire) của Edward Gibbon là một trong những bộ sách tham vọng, đồ sộ và kinh điển nhất về lịch sử văn minh thế giới mà bất kì ai mong muốn tìm hiểu về đề tài này không thể không đọc qua.

Tác phẩm này được coi là thành tựu của thời đại (thế kỷ 18) và được nhiều người coi là tác phẩm vĩ đại nhất của lịch sử từng được viết ra. Nó gây tác động lớn tới các nhà văn, sử gia lẫn chính trị gia cùng thời. Những nhân vật lớn như Isaac Asimov, Winston Churchill hay Virginia Woolf đều thừa nhận rằng mình chịu ảnh hưởng lớn từ tác phẩm lẫn lối viết châm biếm đặc trưng của ông.

Một tác phẩm ra đời cách đây gần 250 năm

Tác phẩm được xuất bản trong khoảng thời gian 1776-1788 (trong suốt 12 năm), bao gồm 6 quyển; với lịch sử trải dàinhơn 13 thế kỷ (từ năm 98 đến khi Constantinople thất thủ vào năm 1453) và với phạm vi phủ rộng khắp, không chỉ giới hạn tên gọi “La Mã” trong châu Âu thế kỷ 18 và thời hiện đại, mà còn nhắm vào phần phương Đông của toàn bộ tổng thể Đế chế La Mã – tức Đế chế Byzantine (Đông La Mã).

Điều này giúp gợi lên cảm quan về tầm mức vĩ đại phủ khắp của Đế chế La Mã, đồng thời gợi lên một nỗi niềm đầy suy tư: “thay vì tra vấn xem tại sao Đế chế La Mã bị phá hủy, chúng ta đúng ra phải lấy làm ngạc nhiên rằng làm sao nó tồn tại được lâu đến thế.”

Bộ sách đồ sộ và kinh điển về một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại

Bộ sách không chỉ nói về nguyên nhân suy tàn và sụp đổ của La Mã mà còn tái hiện không khí của cả một thời đại. Hơn một ngàn trang sách cũng không phải là quá đáng đối với một công trình bao trọn 13 thế kỷ văn minh La Mã.

Bộ sách kể câu chuyện về số phận của một trong những nền văn minh vĩ đại nhất thế giới, về những thành tựu triết học, văn chương, tôn giáo, ngôn ngữ cho đến pháp luật, và dân tộc chí, về những người cai trị, về chiến tranh và xã hội, và những sự kiện dẫn đến sự sụp đổ thảm khốc của La Mã bất chấp mọi thành tựu quân sự và văn minh mà đế chế này từng kế thừa và đạt được. Đồng thời, tác giả cũng nêu bật rất nhiều sự kiện quan trọng trong câu chuyện vĩ đại về sự sụp đổ của Đế chế La Mã.

Bộ sách này dành cho ai?'

“Nhìn lại về quá khứ, soi vào các đế chế trỗi dậy rồi suy tàn theo dòng chảy lịch sử, và ta có thể thấy trước được tương lai.” - Hoàng đế La Mã - Marcus Marcus Aurelius. “Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã” nhắc đến toàn bộ thế giới cổ đại từng lưu dấu chân của quân đội La Mã: các nền văn hóa ảnh hưởng đến La Mã hoặc chịu ảnh hưởng của La Mã. Đối với những độc giả mong muốn tìm hiểu về nền văn minh La Mã, bộ sách này của tác giả Gibbon chắc chắn sẽ giúp bạn vén mở những chân trời mới lạ.

Đối với đại bộ phận độc giả hiện đại nói chung và giới nghiên cứu nói riêng, bộ sách của Gibbon có vai trò đặc biệt quan trọng khi ngày càng có nhiều người mang tư tưởng bi quan về tương lai của văn minh Tây phương. Từng có ý kiến cho rằng: Những căn nguyên dẫn đến sự suy tàn và sụp đổ của La Mã cũng chính là những gì sẽ dẫn đến sự suy tàn và sụp đổ của nền cộng hòa và văn minh hiện tại của phương Tây.

Do vậy, “Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã” có thể coi là một cuốn cẩm nang giúp thuận tiện
tìm hiểu ngọn nguồn sự suy bại trong các đế chế cũng như các nền văn minh khác.

Về phiên bản Tiếng việt

Bộ sách này của Gibbon đã được dịch lần đầu ở Nhật vào năm 1939-1940. Ở Trung Quốc xuất bản vào năm 1981, rồi 1982, 1997, 2003, 2004, và 2008. Sau đó đã có rất nhiều bản dịch xuất hiện, gần nhất là năm 2020.

Bản Tiếng việt lần đầu tiên được dịch và xuất bản tại Việt Nam do dịch giả Thanh Khê thực hiện trong thời gian rất dài, từ năm 2014. Tổng số tập sách: Được chia thành 3 tập. Tất cả để góp phần tương xứng với tầm quan trọng của một tác phẩm viết về một nền văn minh quá vĩ đại.

Phiên bản Tiếng việt sử dụng là phiên bản rút gọn của NXB Random House in năm 2009, được tin tưởng giao cho Hans-Friedrich Mueller (hiện là Giáo sư Văn học cổ điển; hiện đại tại Đại học Union, New York) biên tập, dựa trên việc rút kinh nghiệm từ những bản rút gọn trước đó, đặc biệt là phần tôn giáo, phần nổi bật và đặc sắc nhất trong tác phẩm của Gibbon; giúp cho tác phẩm đã ra đời cách đây gần 250 năm được cô đọng, dễ đọc và tiện dụng hơn với độc giả thời nay; nhưng vẫn đảm bảo không làm mất đi
những nội dung chính và tinh thần của tác giả và tác phẩm.

Kết thúc 7 năm chuyển dịch bộ sách đồ sộ này, dịch giả Thanh Khê cũng đã bày tỏ: “Nói về một hành trình dài nhường ấy thì biết bao nhiêu cho đủ. Đã đến lúc kết lại bằng mấy lời. Dù bạn có đồng ý đến đâu với "các nguyên nhân" mà Gibbon đúc kết, lợi ích thu được từ tác phẩm này thật rõ ràng. Hơn 1000 trang sách cũng không phải là quá đáng đối với một công trình bao trọn 13 thế kỷ văn minh La Mã, và không chỉ nói về La Mã. Gibbon chủ yếu tập trung ở đế chế phương Tây, dù đúng là ông có lần theo tàn dư của danh xưng La Mã cho đến ngày Constantinople thất thủ lần sau cuối (1453).

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Travel+Leisure: Ai Cập là một trong những điểm du lịch tốt nhất trong năm 2023

Tóm tắt: 

Trang web du lịch nổi tiếng thế giới Travel+Leisure đã bình chọn Ai Cập nằm trong danh sách “50 địa điểm du lịch tốt nhất trong năm 2023”.

Trang web du lịch nổi tiếng thế giới Travel+Leisure đã bình chọn Ai Cập nằm trong danh sách “50 địa điểm du lịch tốt nhất trong năm 2023”.

Theo các tiêu chí và danh mục do trang web Travel+Leisure đưa ra gồm sự giàu có về văn hóa, ẩm thực, phong cảnh, bãi biển và các yếu tố khác, Ai Cập đứng đầu danh sách các điểm đến trong danh mục các yếu tố khác và là một trong những điểm đến du lịch văn hóa tốt nhất.

Ai Cập là một trong những điểm du lịch tốt nhất trong năm 2023

Travel+Leisure nêu bật những yếu tố nổi bật nhất của Ai Cập, đề cập đến việc sắp khai trương Đại Bảo tàng Ai Cập, nằm gần quần thể Đại kim tự tháp Giza.

Ngoài ra, còn kể tới những ưu điểm của Ai Cập như nhiều kho báu khảo cổ, cũng như các khu vườn ngoài trời và quảng trường rộng rãi, là những nơi du khách có thể tận hưởng trải nghiệm du lịch khác biệt.

Trang web du lịch này cũng nêu bật sự độc đáo và sang trọng của các chuyến du ngoạn trên sông Nile và sự phục hồi nhanh chóng trong lĩnh vực khách sạn, nói thêm rằng nhiều chuỗi khách sạn quốc tế dự kiến sớm được khai trương tại Ai Cập.

Ngoài ra, một trong những điểm đến nổi bật nhất mà du khách có thể ghé thăm hiện nay là Thung lũng của các vị vua ở thành phố Luxor.
Gần đây, một số phương tiện truyền thông nước ngoài đã lựa chọn Ai Cập là một trong những điểm đến du lịch tốt nhất thế giới trong năm 2023.

Trong tháng 11 này, tờ Financial Times của Anh đã đánh giá cao một số tiềm năng về du lịch và khảo cổ học của những điểm đến Ai Cập, thông qua phóng sự ảnh về chuyến thăm đất nước “Kim tự tháp” được thực hiện bởi những cây bút của tờ báo này.

Bài báo cũng cho biết du lịch Ai Cập bắt đầu phục hồi nhờ các sự kiện quan trọng đã góp phần thu hút sự chú ý của thế giới đến với quốc gia Bắc Phi này, bao gồm lễ rước 22 xác ướp 3.000 tuổi được tổ chức quy mô lớn về Bảo tàng Văn minh Quốc gia Ai Cập ở khu Fustat, thủ đô Cairo, vào tháng 4/2021.

Ngoài ra, trang web du lịch nổi tiếng của Mỹ, CNN Travel, cũng vinh danh Ai Cập nằm trong số 12 điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới vào mùa thu năm 2022.

Tương tự, trang web du lịch toàn cầu Lonely Planet đã nêu bật những điểm đến ít được biết đến để có thể tận hưởng khi đến thăm Ai Cập, trong bài viết có tiêu đề “Tìm hiểu sâu hơn về tám điểm đến thay thế này ở Ai Cập”./.

Nguồn: Nguyễn Tùng (P/V TTXVN Tại Cairo)

https://bnews.vn/travel-leisure-ai-cap-la-mot-trong-nhung-diem-du-lich-tot-nhat-trong-nam-2023/269840.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Mộc Châu được vinh danh Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới

Tóm tắt: 

Sau hơn 23 năm hoạt động, World Travel Awards đã mở rộng quy mô trên toàn thế giới và Tạp chí The Wall Street Journal đã ví các giải thưởng do World Travel Awards tổ chức trao tặng có uy tín và tầm ảnh hưởng như Giải Oscar của ngành Công nghiệp du lịch.

Tối 11/11, tại Cung điện Al Bhustan, MuscaT, Oman đã diễn ra Gala chung kết giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 và huyện Mộc Châu của tỉnh Sơn La, Việt Nam tiếp tục được vinh danh là Điểm đến Thiên nhiên Khu vực hàng đầu Thế giới năm 2022.

Đại diện tỉnh Sơn La nhận cúp giải thưởng “Mộc Châu Điểm đến Thiên nhiên hàng đầu Thế giới năm 2022” tại Oman.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu Nguyễn Thị Hoa, cho biết: Đây là danh hiệu cao quý nhất trong ngành du lịch được bình chọn bởi các chuyên gia du lịch, giới truyền thông và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Giải Thưởng Du lịch thế giới do World Travel Awards tổ chức được toàn cầu công nhận là chương trình vinh danh uy tín nhất trong lĩnh vực du lịch và lữ hành toàn cầu.

Trước đó vào tháng 9/2022, sau khi vượt qua các địa danh nổi tiếng trong nước để trở thành điểm đến thiên nhiên hàng đầu Việt Nam, Mộc Châu tiếp tục được đề cử và được vinh danh là điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á vào ngày 7/9. Sau giải thưởng này, Mộc Châu tiếp tục vinh dự được lựa chọn đại diện cho khu vực châu Á tham gia đề cử là Điểm đến Thiên nhiên hàng đầu Thế giới.

Việc trở thành Điểm đến Thiên nhiên hàng đầu Thế giới không chỉ là vinh dự mà còn là dấu mốc quan trọng để Mộc Châu tiếp tục quảng bá, khai thác, phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa của mình. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh Mộc Châu của Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế thông qua các hãng thông tấn báo chí lớn của thế giới.

World Travel Awards là một trong những giải thưởng được biết đến rộng rãi và được rất nhiều khách sạn, resort tại Việt Nam tham gia tranh giải. Tổ chức này được thành lập vào năm 1993 và trong gần 30 năm qua đã được đông đảo cộng đồng người du lịch thế giới đón nhận cũng như theo dõi. 

Sau hơn 23 năm hoạt động, World Travel Awards đã mở rộng quy mô trên toàn thế giới và Tạp chí The Wall Street Journal đã ví các giải thưởng do World Travel Awards tổ chức trao tặng có uy tín và tầm ảnh hưởng như Giải Oscar của ngành Công nghiệp du lịch.

Giải thưởng bao gồm nhiều hạng mục đề cử dành cho các lĩnh vực công nghiệp du lịch, lữ hành bao gồm: Hàng không, Khách sạn, Resort, Công ty lữ hành, Vận chuyển, Du thuyền, Điểm đến du lịch…

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Cuốn sách mang tính tự truyện của một thi sĩ, họa sĩ, hiền giả người gốc Liban

Tóm tắt: 

Cuốn truyện Uyên ương gãy cánh đầy thi vị này sẽ còn nổi tiếng lâu dài vì nhiều yếu tố.

Theo truyền thuyết Á Đông, uyên ương là đôi chim yêu thương nhau thắm thiết, bay đi nơi đâu hay đậu lại chỗ nào cũng phải liền cánh. Khi một trong đôi uyên ương lìa đời, con còn lại cất tiếng kêu thương quạnh quẽ đến mỏi mòn nhỏ hết máu tim mình.

Sự tích này đã được đưa dẫn vào cuốn sách Uyên ương gãy cánh (The Broken Wings) của Kahlil Gibran – tác giả được xếp cùng với Shakespeare, Lão Tử trong nhóm ba nhà thơ có sách bán chạy nhất mọi thời đại.

Tác giả của Uyên ương gãy cánh - Kahlil Gibran – là một thi sĩ, họa sĩ, hiền giả người gốc Liban (Lebanon), một xứ sở nằm bên bờ Địa Trung Hải, trên phía bắc Israel, cạnh Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ông là tác giả được đại chúng đọc nhiều nhất và được thảo luận rộng rãi nhất trong thế kỷ 20. Theo thống kê của giới xuất bản sách, Gibran là thi sĩ có số lượng độc giả đông vào hàng thứ ba, chỉ sau Shakespeare và Lão Tử. Danh tiếng và ảnh hưởng của ông vượt qua thế giới Ả Rập. Về mặt triết học, ông được xem như một triết gia đại chúng và là điểm hội tụ của tư tưởng Đông – Tây. Ký họa và tranh màu của Gibran được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới.

Uyên ương gãy cánh như một khúc hoan ca rạo rực của một tâm hồn mới bắt gặp tình yêu và rồi trở thành tiếng thảm thiết tiếc nuối của một linh hồn vừa đánh mất người yêu, nghe như âm thanh thê lương của loài chim trong đôi bạn trống mái uyên ương khi con chim kia bỗng dưng gãy cánh.

Cuốn sách được xem là tiểu thuyết mang tính tự truyện duy nhất của tác giả Kahlil Gibran, cho thấy cơn thức tỉnh ngây ngất của tuổi xuân, những thị kiến buốt nhói trên con đường thành nhân, cùng những chiêm nghiệm sâu lắng về, tình yêu và sự bất tử.

Trong tác phẩm, tình yêu của Gibran và nữ nhân vật chính Selma Karamy người nữ nhân vật chính, là chân lý, cái đẹp, Thượng đế, là trọn vẹn xác hồn cùng sự sống của đôi lứa, là mọi sự trên trần thế, niềm tưởng tiếc khôn nguôi và lời hẹn hò son sắt tới quá bên kia cái chết. Tình yêu ở đây không hoàn toàn mang tính lý tưởng cao thượng tinh thần hoặc nhuốm mùi nhục cảm tục lụy nhưng nó kết hợp linh hồn, làm biến đổi tâm hồn và thăng hoa tâm linh của hai người yêu nhau.

Cuốn truyện Uyên ương gãy cánh đầy thi vị này sẽ còn nổi tiếng lâu dài vì nhiều yếu tố. Trước hết, là sự nhìn nhận giá trị của người nữ với lòng biết ơn sâu xa và thiện cảm chứa chan được tác giả dành cho thảm trạng của phụ nữ phương Đông. Trên nền tảng đó, xuất hiện nguyên cớ chính đáng để chứng minh vững chắc cho địa vị và tôn trọng triệt để các quyền của nữ giới vì “thân phận của phụ nữ là thân phận của dân tộc.” Bên cạnh đó, chuyện tình bất thành của Gibran và nàng Selma Karamy cũng làm nổi bật ý tưởng rằng giàu có là trở ngại lớn cho hạnh phúc.

Thêm nữa, Gibran phê phán quyết liệt lòng tham và sức mạnh thế tục của một số chức sắc tôn giáo, từng là tệ trạng kéo dài hàng trăm năm trước đây tại Liban, như một gợi nhớ tới những nơi có người dân đang sống trong mông muội tinh thần và túng thiếu vật chất.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ước, người đã góp một bản dịch hay cho Uyên ương gãy cánh chia sẻ: Với những trang sách chan chứa tình người, tràn ngập hình ảnh thơ mộng, sóng sánh chất thơ và bát ngát hương vị cảm xúc, Uyên ương gãy cánh mang tình yêu xuống chiều sâu thẳm tận đáy hồn người với những lý luận ngọt ngào của trái tim, và nâng tình yêu lên độ cao nhất, bất diệt với thực tại siêu việt. Từ đó, người đang yêu đọc nó và mỗi sớm mai “Được thức dậy lúc rạng đông với con tim chắp cánh, đưa lời cảm tạ vì có thêm một ngày yêu thương nữa.”

Uyên ương gãy cánh nằm trong Tủ sách Triết lý - Tư tưởng, thuộc dự án Tủ sách Đời người của Omega Plus. Phiên bản này có bút tích đề tặng viết tay kèm chữ ký của Gibran bằng tiếng Ả Rập, sử dụng theo bản in đầu tiên bằng tiếng Ả Rập năm 1912. Sử dụng bộ tranh của chính Gibran.

Dự án Tủ sách Đời người đặt mục tiêu tinh tuyển tối thiểu 100 cuốn sách có giá trị trường tồn với các tiêu chí quen thuộc, phổ biến, dễ tiếp nhận đối với đại chúng, được hệ thống hóa nương theo nhu cầu của các thế hệ độc giả. Tủ sách hướng tới trở thành tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Cuốn sách trả lời những câu hỏi về nhạc jazz

Tóm tắt: 

Không phải một bài phỏng vấn tiêu chuẩn mà ta vẫn thường đọc trên báo chí, nội dung cuốn sách như góp nhặt từ những lần ngồi xuống tâm tình, hàn huyên cùng một người bạn đáng tin cậy, để từ chuyện đời mà nghe ra chuyện nhạc, chuyện jazz.

Ở Việt Nam, jazz cũng có rất nhiều câu chuyện riêng, kiến thức “nhập môn” riêng để khám phá, như người Việt chơi jazz ở Việt Nam là ai? Họ học chơi jazz ở đâu, bằng cách nào? Có thật là họ “chơi jazz” không? Nhạc jazz có từng bị cấm không?...

Những câu hỏi ấy sẽ được giải đáp trong “Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội” - cuốn sách kể lại cuộc hành trình jazz ra đời ở Việt Nam, tập trung vào câu chuyện của nghệ sĩ Quyền Văn Minh - người đã tận hiến đời mình cho việc phát triển jazz ở mảnh đất quê hương, để thuật lại sống động cách mà nhạc jazz được nghe, được học và được biểu diễn ở nơi này.

Jazz - một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ cộng đồng người châu Phi ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, đã lan ra khắp thế giới và hiện diện ở mọi nền văn hóa âm nhạc quốc gia. Nhạc jazz mang đậm tính nghệ sĩ, đầy nét đặc trưng và khiến những thính giả khi đã thích rồi sẽ như một kẻ si tình với nó.

Stan BH Tan-TangBau không chỉ là một nhà khoa học tận tuỵ mà còn có một tình yêu nhạc jazz và một tình cảm đặc biệt với người nghệ sĩ tiên phong nhạc jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh. Một lượng lớn những câu chuyện trong cuốn sách “Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội” được tác giả Stan tập hợp lại vào năm 2009 và từ năm 2012 - 2016. Trong quá trình thực hiện dự án này, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã chuyển cho Stan tất cả những bài báo và tạp chí, tài liệu cũ và bất cứ kỷ vật nào ông còn giữ được trong những năm tháng của cuộc đời âm nhạc.

Không phải một bài phỏng vấn tiêu chuẩn mà ta vẫn thường đọc trên báo chí, nội dung cuốn sách như góp nhặt từ những lần ngồi xuống tâm tình, hàn huyên cùng một người bạn đáng tin cậy, để từ chuyện đời mà nghe ra chuyện nhạc, chuyện jazz.

Nguồn tư liệu về nhân học

Mỗi câu chuyện trong sách phản ánh sự giao nhau giữa những trải nghiệm sống của cá nhân cùng âm quyển làm nên trong bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau. Bởi vậy, ngoài khía cạnh âm nhạc, cuốn sách cũng được coi như nguồn tư liệu về chủ đề nhân học, xã hội học rất đáng tham khảo.

Bản nhạc số 1 bắt đầu với tuyên ngôn rằng jazz là một phần chính thức của âm quyển chính thống Việt Nam. Bản nhạc số 2 giới thiệu với độc giả cột trụ trung tâm của jazz ở Hà Nội, Minh’s Jazz Club.

Bản nhạc số 3 mang đến bối cảnh lịch sử mà nghệ sĩ Quyền Văn Minh sinh ra và lớn lên, cụ thể là cuộc Cách mạng Việt Nam và Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.

Bản nhạc số 4 mang đến một ngữ cảnh rộng hơn của jazz ở Đông Âu để giúp đưa ra một sự đánh giá nhạy bén hơn về sự giao nhau giữa văn hóa nghệ thuật và chính trị trong các chế độ xã hội chủ nghĩa suốt thời Chiến tranh Lạnh. Bản nhạc số 5 kể về duyên gặp gỡ thứ hai và thứ ba giữa nghệ sĩ Quyền Văn Minh với nhạc Jazz vào thập niên 1970.

Bản nhạc số 6 kể về sự trở lại của nghệ sĩ Quyền Văn Minh với nền âm nhạc chuyên nghiệp vào cuối thập niên 1970, dẫn đến một chuyến đi định mệnh tới Đông Berlin, điều củng cố quyết tâm chơi Jazz của ông ở Việt Nam.

Bản nhạc số 7 hé hộ những câu chuyện hậu trường về việc làm thế nào những buổi diễn trước công chúng đầu tiên của Quyền Văn Minh giới thiệu được âm thanh nhạc jazz tại Việt Nam vào năm 1988 và 1989.

Bản nhạc số 8 là một tường thuật chi tiết về buổi hòa nhạc của Quyền Văn Minh ở Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 12/4/1994, nơi công diễn ba sáng tác jazz nguyên bản của chính Quyền Văn Minh, đánh dấu sự khai sinh của jazz Việt.

Bản nhạc số 9 kể câu chuyện của Quyền Văn Minh khi là một giáo viên saxophone và jazz. Bản nhạc số 10 đưa ra một vài motif quen thuộc có thể nhận dạng trong sự phát triển của jazz ở châu Á, và có liên quan đến việc đánh giá đúng về nhạc jazz ở Việt Nam.

Bản nhạc số 11 xem xét những sáng tác jazz của Quyền Văn Minh cũng như những album ông đã thu âm như một nghệ sĩ jazz và một tay kèn saxophone. Bản nhạc số 12 về cơ bản là một độc thoại của Minh về cách ông nhìn nhận jazz club của mình như một nơi chốn để những nhạc công có thể học chơi jazz, bồi đắp sự tự tin để phát triển giọng điệu của riêng mình và đắm mình trong đam mê jazz. Bản nhạc số 13 tạm thời tóm tắt tình trạng nhạc jazz ở Việt Nam trong thế song hành với cuộc đời Quyền Văn Minh.

Tự sự của nghệ sĩ Quyền Văn Minh trong cuốn sách: Tôi tên là Văn Minh, trong “nền văn minh”, và họ tôi là Quyền, trong “quyền lợi”. Cho nên tôi nghĩ rằng tôi “có quyền sống một cuộc sống văn minh”. Tôi có quyền sống một cuộc sống phẩm giá và văn minh bất chấp những gian khó và thách thức trong hành trình chơi jazz của mình… Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ chơi jazz ở Việt Nam. Vì jazz, tôi đã gặp nhiều gian khó. Vì jazz, tôi đã nhận nhiều hạnh phúc và vui thú. Giờ tôi đã nghỉ hưu ở nhạc viện. Đó là công việc của tôi với đất nước. Nhưng công việc của tôi với cây saxophone thì không bao giờ ngừng lại.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Bộ phim về một Hà Nội mến thương

Tóm tắt: 

Với khẩu hiệu “Ðiện ảnh-Nhân văn, Thích ứng và Phát triển”, HANIFF VI đã thu hút sự tham gia của 123 bộ phim đến từ hơn 50 nền điện ảnh trên thế giới, hiện diện ở các hạng mục tranh giải bao gồm 11 phim dài và 20 phim ngắn.

“Hoa nhài”, bộ phim truyện điện ảnh mới nhất của đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh sẽ đại diện điện ảnh Việt Nam dự tranh giải Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI (HANIFF) diễn ra từ ngày 8 đến 12/11 tại Thủ đô Hà Nội. Với khẩu hiệu “Ðiện ảnh-Nhân văn, Thích ứng và Phát triển”, HANIFF VI đã thu hút sự tham gia của 123 bộ phim đến từ hơn 50 nền điện ảnh trên thế giới, hiện diện ở các hạng mục tranh giải bao gồm 11 phim dài và 20 phim ngắn.

Ông giáo già dạy nhạc và cậu bé nông thôn trong phim “Hoa nhài”. (Ảnh Ðoàn phim cung cấp)

Phim “Hoa nhài” có những góc nhìn dung dị về một Hà Nội đời thường với những ngõ phố, những căn nhà giản dị; không hẳn là góc khuất, nhưng là một góc nhìn khác, không hoa lệ nhưng thấm đẫm tình người, sự tử tế, thanh lịch trong cách sống, nhân ái trong mỗi con người của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Những nhân vật trong phim, bằng số phận riêng của mình đã kể lại những câu chuyện đời sống, giản đơn mà nhân nghĩa.

Một cậu bé nông thôn ra Hà Nội đánh giày, được ông bà đồng hương cưu mang, những câu chuyện dở khóc, dở cười trên con đường mưu sinh của cậu bé khi chưa đủ tuổi thành niên. Cậu được bao bọc bởi tình thương của vợ chồng người cắt tóc vỉa hè, của ông giáo già dạy nhạc, của ngôi trường dạy nghề... Mỗi một tấm lòng nhân ái góp phần vun đắp tiếp những tấm lòng nhân ái, người với người sống để thương nhau.

Các nhân vật trong phim dường như quá đỗi bình thường, chẳng có gì nổi bật từ ngoại hình cho đến cách ăn mặc, hòa lẫn với dòng người trên phố đi bộ. Mỗi nhân vật đều gần gũi, như người hàng xóm vẫn gặp ngoài ngõ nhỏ. Diễn viên vào vai nhuần nhị, chỉ đọng lại ánh mắt trong sáng của người trẻ, cái nhìn thầm lặng, ấm áp của người già và một Hà Nội thương mến tình người dành cho nhau.

Phim không khiến người xem phải choáng ngợp hay đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác mà thẩm thấu một cách lặng lẽ, từ tốn, dần đưa người xem gặp lại những mong muốn thầm kín, những điều đã từng muốn làm và bâng khuâng một nỗi niềm nếu làm được thì cũng sẽ làm như một tất yếu nhân văn trong đời sống của tình người.

Ông giáo già cùng những bài học về âm nhạc đã đánh thức những xúc cảm sâu thẳm của người xem, nhất là đối với “người Hà Nội”. Lời giảng ân cần ông dành cho những học viên khuyết tật: “Nguyễn Ðình Thi là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Mỗi câu mỗi chữ đều có ý nghĩa. Hãy hát từng câu, từng chữ từ trong tim”. Ðây Thăng Long, đây Ðông Ðô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu! Gương mặt ông giáo già say đắm cùng những ngón tay gầy khô điêu luyện trên phím đàn. Hà Nội đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng. Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng. Nhạc sĩ Tôn Thất Triêm vào vai ông giáo dạy nhạc đã hình tượng hóa những gửi gắm giản dị nhưng sâu sắc, bặt thiệp mà tài hoa của tác giả bộ phim. Một cốt cách, một khí chất Hà Nội được thể hiện rất thành công qua người diễn viên cũng rất đặc biệt.

 

Hà Nội trong phim còn những bộn bề ngổn ngang, mỗi nhân vật là một mảnh ghép trong dòng chảy cuộc sống: “Mấy lão già này lạc hậu bỏ mẹ”, “Tao đã chết đâu mà mày đòi chia gia tài”, “Ở nhà quê chẳng biết làm gì ra tiền nữa” hay “Thế thì chúng tôi biết đi đâu?”... Nhưng bên cạnh đó, hương hoa nhài vẫn lặng lẽ ngát thơm, nếp nhà mới xen lẫn nền nếp xưa trong tình thương yêu: “Con trai cũng như con gái”, “Thôi về đi, tôi không muốn mình vất vả”, “Thôi mình cứ giúp người ta, lúc nào họ có người mới thì mình về nhé”. Trong căn nhà thuê của vợ chồng người cắt tóc, những đồ vật cũ kỹ từ thế kỷ trước vẫn luôn có ấm trà pha sẵn nóng hổi của người vợ dành cho chồng, những lời thưa gửi thong thả, ân cần.

Bản nhạc Người Hà Nội vang lên như lời dẫn dắt từ trái tim, như mạch ngầm xuyên suốt, nối liền những mảnh đời khiêm nhường đã góp phần làm nên một Thăng Long-Hà Nội hơn một nghìn năm tuổi. Trường đoạn dàn đồng ca khuyết tật hát trọn vẹn đoạn nhạc: Ðoàn quân Việt Nam đi. Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao. Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề nước. Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà đã làm cảm xúc người xem trào dâng theo từng giai điệu và ca từ lắng đọng, góp phần tạo thêm sức mạnh và ý chí trong tình yêu Hà Nội, tình yêu đất nước, con người.

Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu! Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi. Bộ phim “Hoa nhài” như tiếng lòng của người đạo diễn già, đã đi qua bao năm tháng cuộc đời, gửi lại cho khán giả một tình yêu đặc biệt của ông với điện ảnh, với con người.

Giai điệu bản nhạc “Người Hà Nội” ngân vang trong suốt bộ phim, “Hoa nhài” là một khúc ca sâu lắng của tâm hồn người Hà Nội, có thể coi như lời tạm biệt màn ảnh đầy tình thương mến của đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh khi ông đã bước sang tuổi 84.

https://nhandan.vn/bo-phim-ve-mot-ha-noi-men-thuong-post723513.html

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Giải bóng đá vi mạch Việt Nam mùa 3 nhiều dấu ấn

Tóm tắt: 

Năm nay là năm thứ 3, giải được tổ chức và cũng là năm đầu tiên đánh dấu sự gia tăng về số lượng các đội bóng tham gia với tổng cộng 10 đội bóng.

Ngày 6/11/2022, tại sân bóng Mễ Trì Thượng, đã diễn ra giải bóng đá vi mạch Việt Nam - khu vực miền Bắc. Đây là một hoạt động thường niên được tổ chức bởi Cộng đồng vi mạch nhằm tăng tính gắn kết các thành viên cộng đồng cũng như là dịp biểu dương lực lượng những người làm vi mạch ở khu vực miền Bắc.

Năm nay là năm thứ 3, giải được tổ chức và cũng là năm đầu tiên đánh dấu sự gia tăng về số lượng các đội bóng tham gia với tổng cộng 10 đội bóng, trong đó 9 đội đến từ các công ty: CoAsia, Dolphin, ETA, FPT Semiconductor, HCL, Qorvo, Toshiba, Viettel, Wavelet, và đội khách mời là các thầy cô giáo, nghiên cứu sinh đến từ các trường đại học: Bách khoa Hà Nội, Quốc Gia, Lê Quý Đôn, Giao thông Vận tải và Học viện Bưu chính viễn thông.

Giải đấu diễn ra vào tháng 11 cũng là mong muốn của Ban tổ chức để Cộng đồng vi mạch tri ân các Thầy, Cô giáo. Việt Nam đang đứng trước cơ hội vô cùng lớn để phát triển nhanh đội ngũ kỹ sư thiết kế vi mạch và điều đó sẽ không thể đạt được nếu thiếu công sức của các Thầy, Cô.

Sau 5 lượt đấu vô cùng kịch tính, tổng cộng 21 trận đấu với 32 bàn thắng được ghi và chức vô địch đã thuộc về đội FSEMI Semiconductor. Niềm vui như được nhân lên nhiều lần khi mới đây FPT Semiconductor cũng trình làng con chip thương mại hoá đầu tiên sử dụng trong lĩnh vực y tế./.

Thanh Yên

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường

Tại sao độc giả trên toàn thế giới lại không ngừng yêu thích Ngôn sứ trong gần 1 thế kỷ qua?

Tóm tắt: 

Tác phẩm này là một kết hợp tuyệt vời của thi ca và truyền thuyết thần bí, đã được đại chúng đón nhận không ngờ.

Kahlil Gibran (1883-1931) là một nghệ sĩ, nhà thơ và nhà văn Liban. Ngôn sứ (1923) là tác phẩm nổi tiếng nhất của Gibran, đại diện cho triết lý tư tưởng, nhân sinh quan và thế giới quan.

Đây là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều người, và đồng thời cũng là lý do chính giúp ông trở thành một trong ba tác giả có tác phẩm bán chạy nhất trong thơ ca thế giới. Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra hơn 40 thứ tiếng, tái bản gần 200 lần, với hơn 100 triệu bản in.

Tại sao độc giả trên toàn thế giới lại không ngừng yêu thích Ngôn sứ trong gần 1 thế kỷ qua? Có lẽ bởi vì trong tất cả chúng ta, từ bản thân mỗi người và trong cuộc hiệp quần với tha nhân đều phát sinh các vấn đề và ai cũng mong mỏi tìm ra những cách giải quyết tối ưu.

Và tác phẩm này đã lần lượt giải quyết các vấn đề đó và đề xuất những “giải pháp” bằng cách biểu đạt thi ca nhuốm đầy tình người ấm áp và hương vị triết lý. Như trong phần mở đầu Ngôn sứ, dịch giả Nguyễn Ước viết rằng: Giữa trần gian, con người chẳng thể sống một mình; từ bản thân mỗi người và trong hiệp quần với tha nhân phát sinh các vấn đề, và chỉ có thể giải quyết đích thực chúng bằng cách sống nhân ái với trọn vẹn thể xác cùng tâm hồn chân chính của mình. Và Almustafa, ngôn sứ hóa thân của Kahlil Gibran trong The Prophet đã phát biểu về các vấn đề đó, theo chiều hướng đó, bằng hai mươi sáu bài thơ văn xuôi nhuốm đầy tình người ấm áp và hương vị triết lý. 

Cuốn sách bao gồm 26 bài giảng về các chủ đề: hôn nhân, con cái, cái đẹp, cái thiện, cái ác... của vị “ngôn sứ” trong khi ông chờ đợi để ra khơi về cố hương sau khi trải qua hàng chục năm lưu vong. Bối cảnh của Ngôn sứ là buổi chiều chia tay của Almustafa với dân thành Orphalese, những người chung sống trong yêu thương ông suốt 12 năm.

Trước khi lên đường trở về hòn đảo sinh thành, vị ngôn sứ ấy trả lời mọi câu hỏi được những kẻ đưa tiễn đặt ra cho ông. Chúng liên quan tới các chủ đề tình yêu và cái chết, lao động và khoái lạc, tự do và của cải, hôn nhân và tình bằng hữu, tôn giáo và lề luật... Và vì mọi đường lối giải quyết đều bắt đầu từ bên trong mỗi người nên Almustafa nói tới đời sống nội tâm, các cảm xúc và các niềm tin của con người sống trên đời, giữa đất trời và với Thượng đế. Tác phẩm này là một kết hợp tuyệt vời của thi ca và truyền thuyết thần bí, đã được đại chúng đón nhận không ngờ.

Theo Gibran, toàn bộ cuốn Ngôn sứ chỉ nói tới một điều duy nhất: Bạn lớn lao, cao cả hơn bạn biết – và Mọi sự đều tốt lành (You are far far greater than you know – and All is well). Dĩ nhiên mọi sự đều tốt lành, kể cả những yếu đuối và xui rủi của con người nếu mỗi người ứng xử trên nền tảng yêu thương trong mối quan hệ của con người với thiên nhiên và Thượng đế; và tình yêu ấy được Almustafa dùng làm yếu tố cốt lõi cho mọi lời giảng của ông. Trong Ngôn sứ, tình yêu là chân lý, thiện hảo và cái đẹp; tình yêu làm thăng hoa con người và tình yêu là chiếc bóng của Thượng đế trong mỗi người. Dịch giả Nguyễn Ước đã dịch.

Ngôn sứ theo nhận định của Gibran, không hẳn là tác phẩm văn học mà đúng hơn, là thông điệp tâm linh và nhân bản ông trao cho con người giữa cuộc đời. Thai nghén Ngôn sứ từ thuở còn là sinh viên ở Liban, Gibran mang hoài bão ấy đi theo ông suốt đời. Ông phác thảo nhiều lần bằng tiếng Ả Rập, và cuối cùng viết ra bằng tiếng Anh. Từ nhan đề dự tính ban đầu là Counsels (Lời khuyên), sau hơn mười năm trau chuốt để “mỗi chữ là một chọn lựa tốt nhất”, nó trở thành The Prophet, hoàn tất năm 1921 và được xuất bản tại Mỹ năm 1923.

Cuốn sách Ngôn sứ nằm trong Tủ sách Triết lý – Tư tưởng, thuộc dự án Tủ sách Đời người của Omega Plus. Sách sử dụng minh họa do chính tác giả vẽ, theo nguyên tác xuất bản lần đầu năm 1923.

Dự án Tủ sách Đời người đặt mục tiêu tinh tuyển tối thiểu 100 cuốn sách có giá trị trường tồn với các tiêu chí quen thuộc, phổ biến, dễ tiếp nhận đối với đại chúng, được hệ thống hóa nương theo nhu cầu của các thế hệ độc giả. Tủ sách hướng tới trở thành tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt.

ND

Ảnh: 
Chuyên mục chính: 
Chuyện dọc đường