Các dự án IoT nên lưu ý triển khai IPv6

(ICTPress) - IPv6 và IoT có vai trò quan trọng và mối tương quan mật thiết khi IoT ngày càng được triển khai rộng trên thế giới và tại Việt Nam.

Ngày 5/5/2017, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia tổ chức Hội thảo “IPv6 và Internet of Things”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Trưởng ban Công tác đã tham dự và chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã nhấn mạnh “Với không gian địa chỉ rộng lớn mà IPv6 có thể cung cấp, mỗi công dân trên trái đất này có thể nhận được tới 4000 địa chỉ. Đây là cơ hội thúc đẩy IPv6 tại Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Phan Tâm đã nhấn mạnh: Internet of Things (IoT) không phải là một khái niệm mới trong thế giới công nghệ hiện đại. Những lợi ích to lớn mà IoT mang lại cho sự phát triển kinh tế, phục vụ cuộc sống khiến cho IoT đã, đang và sẽ là xu hướng của công nghệ trong những năm tiếp theo. Với không gian địa chỉ rộng lớn mà IPv6 có thể cung cấp, mỗi công dân trên trái đất này có thể nhận được tới 4.000 địa chỉ. Bên cạnh đó, khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn đem lại lợi thế tất yếu cho IPv6 trong quá trình sử dụng và phát triển IoT. Đây là cơ hội để thúc đẩy IPv6 tại Việt Nam”.

Với những lợi ích như vậy, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần phải định hướng cần phải có vai trò định hướng dẫn dắt chung để định hướng sử dụng hiệu quả nhất, tận dụng hiệu quả đầu tư IoT. Ban công tác thúc đẩy IPv6 cần xem xét làm việc, phối hợp ngay từ đầu với các ban quản lý dự án phát triển IoT đang ngày càng được thành lập nhiều khi xu hướng phát triển IoT mạnh mẽ ở Việt Nam. Các dự án lớn IoT cần sẵn sàng hợp tác để triển khai IPv6.

Theo số liệu thống kê từ Google cho thấy tỷ lệ tăng trưởng IPv6 năm sau tăng gấp đôi so với năm trước (từ 0,5% tại thời điểm 1/2012 đến 16% tại thời điểm 1/2017), hiện tại tỷ lệ sử dụng IPv6 trên thế giới là 20%. Với đà tăng trưởng qua các năm như trên thì dự báo đến năm 2019 tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên thế giới sẽ đạt 100%. Theo các chuyên gia dự báo đến năm 2020 dân số thế giới đạt 7.6 tỷ người, trong khi đó thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối (tỷ lệ ~6.58 thiết bị kết nối/1 người dân). Do đó để có thể kết nối các thiết bị với nhau thì cần có số địa chỉ IP rất lớn. Với không gian địa chỉ rộng lớn (3,4.1038 địa chỉ) cùng các ưu điểm khác như an toàn bảo mật, tự động cấu hình,… khiến IPv6 trở nên quan trọng và cần thiết cho việc phát triển IoT. Hiện tại các tiêu chuẩn IPv6 trong IoT cũng đã được chuẩn hoá bởi Nhóm đặc trách kỹ thuật Internet (IETF), các nhà nghiên cứu, sản xuất các thiết bị, ứng dụng IoT cũng đã sản xuất các sản phẩm ứng dụng IPv6&IoT như hệ thống nhà, tòa nhà thông minh…

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết thế giới đã triển khai IPv6 được 5 năm và có nhiều sự thay đổi. Trên bàn đồ IPv6 thế giới, hiện nay, Bỉ là quốc gia dẫn đầu với thang điểm 10/10, Đức đạt 8 điểm, tiếp theo là Mỹ 7,1, Nhật 6,2, Hàn Quốc 4,2. Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia có số điểm cao nhất là 6,2 điểm, triển khai mạnh mẽ IPv6 trên mạng lõi, di động và các dịch vụ nội dung. Tiếp theo là Thái Lan 4,1 điểm. Việt Nam hiện đứng thứ 3 với 3,5, đứng thứ 5 ở châu Á, cho thấy sự nỗ lực của Việt Nam, theo kịp tiến trình triển khai IPv6 thế giới. Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia từ 2011 và năm 2019 sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang IPv6.

IPv6 và IoT là một chuỗi từ các cảm biến (sensor), truyền tải, lưu trữ đám mây, phân tích, kiểm soát chia sẻ thông tin, truyền tải thông tin. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã tạo nền tảng cho IoT, trên đó các nhà phát triển có thể phát triển các ứng dụng cho nông nghiệp, y tế, giao thông...

Nhìn nhận vai trò của IoT, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban Quản lý phát triển sản phẩm Công ty VNPT-Technology nhận định IoT là hạt nhân của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đã có những dự báo vào năm 2020, 50% dân số thế giới sẽ kết nối Internet, IoT sẽ mang lại cơ hội kinh doanh là 4000 tỷ USD. Một thị trường tiềm năng.

Ông Kiên nhấn mạnh IPv6 có vai trò rất quan trọng trong IoT. Triển khai IPv6 là sự lựa chọn duy nhất để đáp ứng tốc độ phát triển thiết bị, khả năng kết nối và mở rộng mạng lưới dịch vụ của IoT. Triển khai IPv6 trong IoT đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan chức năng, nhà cung cấp hạ tầng mạng, các nhà cung cấp thiết bị cũng như các đơn vị cung cấp giải pháp dịch vụ. Chuyển đổi sang IPv6 và áp dụng trong IoT là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình phát triển rõ ràng cũng như sự phối hợp của các cấp quản lý, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp.

Để thúc đẩy IPv6 và IoT, ông Bùi Bài Cường, Vụ CNTT cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định 13/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ban hành kèm theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển gồm: Công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT); Công nghệ thực tại ảo (Virtual Reality); công nghệ thực tại tăng cường (Augmented Reality); công nghệ vô tuyến thông minh; công nghệ in 3 chiều (3D). Bên cạnh đó, Quyết định cũng bổ sung danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển gồm: Mô-đun, thiết bị, phần mềm, giải pháp tích hợp IoT; phần mềm, thiết bị, giải pháp, dịch vụ ảo hóa và điện toán đám mây…

HM

Tin nổi bật