Việt Nam nên tiên phong nghiên cứu và triển khai IoT
(ICTPress) - Bậc thầy Internet vạn vật (IoT) TS. Timothy Chou: Việt Nam có rất nhiều cơ hội trước IoT và ngành Viễn thông nên tập trung phát triển lĩnh vực này.
Chiều ngày 3/5/2017, tại trụ sở Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã tiếp TS. Timothy Chou - tác giả cuốn sách “Precision: Principles, Practices and Solutions for the Internet of Things”, giảng viên Đại học Standford, Hoa Kỳ, người đã có 35 năm kinh nghiệm trong giảng dạy điện toán.
Bộ trưởng tiếp TS. Timothy Chou |
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao nội dung cuốn sách “Precision: Principles, Practices and Solutions for the Internet of Things”, cách tiếp cận vấn đề của cuốn sách và đánh giá đây là cuốn sách có giá trị đối với người làm kinh doanh và người làm công nghệ tại Việt Nam.
TS. Timothy Chou cho biết ông rất ấn tượng với những ứng dụng và nghiên cứu bước đầu về IoT tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh ba điểm khác biệt lớn giữa vạn vật và con người. Thứ nhất, vạn vật có thể đến những nơi con người không thể đến được. Thứ hai, vạn vật có thể “nói” nhiều hơn con người. Ví dụ, một máy điện gió có đến 500 cảm biến, đo liên tục và gửi dữ liệu liên tục. Thứ ba, vạn vật có thể “nói” liên tục hơn con người nhiều. Chính ba điểm khác biệt này đã ảnh hưởng đến ngành viễn thông rất nhiều.
Cũng theo TS. Chou, hiện nay chúng ta đang có 3G, 4G, LTE. Trong tương lai, sẽ có sự đa dạng hơn rất nhiều, về lưu thông tốc độ đường truyền, về năng lượng, về khoảng cách. Ví dụ, một cơ quan quản lý hệ thống các máy điện gió thường quản lý khoảng 500 máy, mỗi máy có khoảng 500 cảm biến và mỗi năm tạo ra tổng cộng 750 Tetrabytes dữ liệu. Thiết bị IoT sử dụng ít năng lượng nhưng đòi hỏi tốc độ đường truyền cao (60 hoặc 70 Gbps) hơn nhiều so với hiện nay.
TS. Chou nhấn mạnh đến tầm quan trọng của an ninh mạng đối với thiết bị IoT. Hầu như các cuộc tấn công mạng lớn trên thế giới đều tấn công vào máy, chứ không phải qua con người, trong đó vụ tấn công ở lò hạt nhân Iran là một ví dụ.
Tuy nhiên, cách thức bảo mật hiện nay như truy cập bằng mật khẩu (password) lại không ứng dụng được cho tất cả thiết bị IoT vì máy điện gió thì không thể sử dụng mật khẩu để truy cập. Do đó, Tiến sỹ Chou khuyến nghị cần bảo mật bằng cách xác thực. Ngoài ra, các thiết bị IoT tạo ra rất nhiều dữ liệu do đó cần phải có nhiều đám mây, nhiều hệ thống trung tâm dữ liệu để lưu trữ và phân tích các dữ liệu. Nếu các thiết bị IoT được kết nối dữ liệu với nhau thì chúng ta có thể “quản lý, điều hành một cách chính xác hơn” đúng như tựa đề cuốn sách của ông.
TS.Timothy Chou khuyến nghị Việt Nam nên đầu tư vào IoT |
TS. Chou cũng đưa ra khuyến nghị “Tại sao Việt Nam không đầu tư vào IoT, đào tạo kỹ sư phần mềm IoT thay cho chương trình đào tạo 1 triệu kỹ sư gia công phần mềm?”. Lý do là vì IoT là lĩnh vực mới trên thế giới. Tất cả các nước, phát triển hay đang phát triển đều đang ở vạch xuất phát khi bước chân vào lĩnh vực này và đây là cơ hội bình đẳng cho các nước. “Tại sao Việt Nam không trở thành nước dẫn đầu, nước tiên phong về nghiên cứu và triển khai IoT?”
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá “đây là một ý tưởng hay, mạnh mẽ và sáng tạo”. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ đưa vấn đề này vào các chương trình hoạch định chính sách của Bộ TT&TT. Bộ trưởng sẽ nghiên cứu kỹ cuốn sách và coi đây là một cuốn sách quý giá, cẩm nang cho Việt Nam tiến vào lĩnh vực mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bộ trưởng cho biết, đã giao cho Vụ Khoa học công nghệ tổ chức một hội thảo vào tháng 6 với tên gọi vai trò của Viễn thông trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngành TT&TT xác định ngành viễn thông sẽ là ngành khởi động cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn TS. Chou sẽ trở thành cầu nối kết nối các chuyên gia công nghệ IoT trên thế giới với Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của TS. Chou trong những năm tới.
Ở Việt Nam, cuốn sách “Precision: Principles, Practices and Solutions for the Internet of Things” của TS. Timothy Chou đã được Nhà xuất bản Bách khoa Hà Nội dịch ra tiếng Việt với tên gọi Chính xác: Nguyên lý, Thực thi và Giải pháp cho IoT. |
Cũng tại buổi tiếp, ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ TT&TT đã cho biết về ứng dụng IoT tại Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel đang xây dựng nền tảng IoT để từ đó làm nền tảng cho tất cả các lĩnh vực như giao thông, y tế, nông nghiệp… Đặc biệt, Viettel đang tập trung vào giao thông thông minh và đô thị thông minh.
Đồng thời, các hoạt động nghiên cứu và phát triển IoT cũng đang được triển khai tại các khu công nghệ cao. Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc đã xây dựng Phòng lab IoT để hỗ trợ các doanh nghiệp start-up trong lĩnh vực này. Khu Công nghệ cao TPHCM xây dựng vườn ươm công nghệ cao, còn các trường đại học hàng đầu tại Việt Nam cũng đang tập trung nghiên cứu IoT.
Ngoài ra, Việt Nam hiện nay đang sử dụng IoT để giám sát cảnh báo cháy rừng, giám sát môi trường, chất lượng nước trong nuôi trồng hải sản, giám sát trồng sâm Ngọc Linh – một loại sâm quý tại Việt Nam.
Về phía các bộ ngành, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ TT&TT đã triển khai các đề tài khoa học cấp nhà nước nghiên cứu ứng dụng IoT. Riêng đối với Bộ TT&TT – cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông, CNTT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo đẩy mạnh IPv6 và hạ tầng băng rộng, là cơ sở ban đầu để phát triển IoT ở Việt Nam.
HM