Đã đến thời điểm để Việt Nam phát triển IoT

(ICTPress) - Ông Phạm Mạnh Lâm, chuyên gia về ICT của Việt Nam đã chia sẻ các cơ hội và thách thức để phát triển IoT tại Việt Nam.

Các chuyên gia ICT các nước thành viên ASEAN đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác về IoT (Internet of Things) trong thời gian tới tại Hội thảo "Các tác động của IoT đối với các ứng dụng chính phủ điện tử (CPĐT)" ngày 27/4 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Phạm Mạnh Lâm cho biết hiện nay là thời điểm phù hợp để Việt Nam phát triển IoT như là một giải pháp để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế xã hội.

Theo ông Lâm, IoT (Internet of Things) có rất nhiều định nghĩa nhưng có thể nói ngắn gọn IoT là một cơ hội lớn, được trông đợi sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giải trí.

Theo một cuộc điều tra của Microsoft, giới trẻ Việt Nam hy vọng IoT có tác động lớn nhất tới tương lai của họ. Giới trẻ sẽ tham gia vào 3 viễn cảnh mà IoT có thể mang lại: Nhà thông minh nơi các ứng dụng chính có thể “giao tiếp” với nhau (36%); Các tòa nhà thông minh có thể tối ưu sử dụng năng lượng theo các thay đổi về thời tiết và số người sở hữu (29%); Hệ thống giao thông có thể điều chỉnh thời gian thực để giảm thiểu tình trạng đường xá (23%).

Việt Nam cũng đã có những cuộc thi khởi nghiệp, cộng đồng mở IoT. Đã có nhiều ứng dụng IoT ở Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, giám sát chất lượng nước, giao thông, thực phẩm… Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai trồng trọt rau hữu cơ, làm nông thôn minh. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương tăng giá trị gói tín dụng ưuũ đãi cho các công ty nông nghiệp công nghệ cao…

Theo đó, ông Lâm kiến nghị cần nhận thức được các ý nghĩa của IoT chuyên nghiệp và có điều kiện và thiết lập một lộ trình chiến lược quốc gia để phát triển IoT, chiến lược này có thể bổ sung vào lộ trình ICT quốc gia.

Một điều quan trọng là kế hoạch chi tiết và thực tế, để ưu tiên các nhu cầu của người dùng và nên nhận thức rõ các khả năng không thực tiễn của một số đề xuất “các dự án thông minh”, đặc biệt là các dự án thành phố thông minh cần được chính phủ quan tâm và thiết lập.

Ông Phạm Mạnh Lâm cũng phân tích các thách thức IoT ở Việt Nam là cần đầu tư lớn khi triển khai các hệ thống IoT quy mô (như thành phố thông minh) cần đầu tư lớn về thiết bị, nguồn nhân lực, dữ liệu lớn được thu thập, xử lý, được truyền tải và lưu trữ, hạ tầng băng rộng (4G hay 5G?), cần phải xây dựng các trung tâm dữ liệu mới và lớn hơn. Với lượng lớn dữ liệu được gửi đi trong IoT, vấn đề an ninh cũng rất quan trọng. Bảo vệ sự riêng tư của người sử dụng và kiểm soát, ngăn chặn hoạt động độc hại cần có sự nỗ lực về kỹ thuật và pháp lý.

Ứng dụng IoT để giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng như tắc nghẽn giao thông, giám sát/theo dõi an toàn thực phẩm, giám sát nước thải, một loạt thông tin như điện toán, số liệu và ứng dụng cụ thể… trong khi việc vấn đề cộng tác còn thiếu và giới hạn.

Thực tiễn triển khai IoT tại một số quốc gia ASEAN

Tại Hội thảo, các chuyên gia ICT từ các nước thành viên ASEAN, Hàn Quốc đã chia sẻ các chính sách, thực tiễn triển khai IoT ở nước mình.

Trao đổi thực tiễn triển khai IoT ở Indonesia, đại diện của Bộ Truyền thông và CNTT Indonesia cho biết trong những năm gần đây, IoT ở Indonesia đã có những bước phát triển như một loạt các công ty khởi nghiệp ra đời đã sáng tạo ra các sản phẩm, ứng dụng cho IoT, đặc biệt là các sản phẩm cho nhà thông minh… Việc triển khai IoT không chỉ được các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp thúc đẩy mà IoT còn được ứng dụng ở nhiều chính quyền địa phương như thành phố Jakarta, Bandung, Surabaya và nhiều thành phố khác… Chính quyền địa phương ở các thành phố này đã lập ra một hệ thống như hệ thống thông báo trực tuyến dành cho các công dân thông báo về lũ lụt, tình trạng đường xá, tội phạm, hối lộ và nhiều thông tin khác mà người dân có thể được theo dõi thông qua hệ thống bảng thông tin tổng hợp. Các bên tham gia có trách nhiệm có thể xử lý và giải quyết các vấn đề này.

Trong khi đó, đại diện của Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan cho biết Thái Lan đang ứng dụng IoT cho nhiều ngành khác nhau. Các ngành chủ chốt đang ứng dụng công nghệ IoT là giao thông, sản xuất, y tế, năng lượng, nông nghiệp và an ninh/quốc phòng. Theo Kế hoạch tổng thể về chính phủ số trong 3 năm từ 2016 - 2018, công nghệ IoT được xác định là 1 trong 9 xu hướng công nghệ quan trọng để xây dựng chính phủ số. Theo đó, năm 2016, dự án mạng lưới IoT chính phủ đã được khởi động nhằm phân bổ tần số vô tuyến hiện tại hiệu quả hơn và hỗ trợ các thiết bị IoT. Năm 2017, Thái Lan đã có kế hoạch thiết lập các kiosk chính phủ thông minh để tăng cường công tác thông tin. Thái Lan đã thành lập quỹ phát triển và nghiên cứu IoT để hỗ trợ cho doanh nhân và nhà nghiên cứu để tập trung cho nghiên cứu, thương mại và sản xuất sản phẩm.

Cho biết về tình hình triển khai IoT tại Malaysia, đại diện Ủy ban Truyền thông và đa phương tiện của Malaysia cho biết Malaysia đã có một lộ trình chiến lược IoT được Bộ Khoa học, Công nghệ và sáng tạo (MOSTI) công bố vào ngày 9/7/2015. Đây là một chiến lược bao gồm nhiều khuyến nghị hành động đề ra các bước phát triển ngành IoT bền vững. Chiến lược cũng khuyến khích các bên từ khu vực công và tư, và đề ra các chiến lược rõ ràng cho hành động về xây dựng một hệ sinh thái thành công cho Malaysia thúc đẩy sáng tạo mở, cộng tác thông minh và phát triển dài hạn.

MOSTI đã giới thiệu khái niệm các cộng đồng thông minh và có dự án triển khai tại 5 khu vực Kemaman, Lundu, Kota Belud, Putrajaya và Langkawi. 7 nguyên tắc quan trọng cho cộng đồng thông minh ở Malaysia là: Bền vững; Quy mô; Cam kết địa phương; Cộng tác với các tổ chức; Chiến lược từ dưới lên; Nâng cấp hạ tầng; Nội dung địa phương/phát triển ứng dụng; Vai trò của cơ quan địa phương.

Các yếu tố thành công của Malaysia trong triển khai IoT là có chương trình và các chiến lược quốc gia rõ ràng để phát triển IoT ở Malaysia. Chính phủ Malaysia dành chi lớn cho hạ tầng để hỗ trợ các kế hoạch cho phát triển hạ tầng truyền thông đáp ứng sự phát triển IoT cho các khu vực nông thôn và đô thị ở Malaysia. Sự thành công của các dự án IoT cần tới sự hợp tác của các bên. Nền tảng di động là lựa chọn chính để tiếp cận các dịch vụ số và MOSTI khởi xướng các công tác về dịch vụ nền tảng dựa trên di động khác nhau ở Malaysia. Sự tham gia của khách hàng vào IoT phụ thuộc vào mức độ tin cậy đảm bảo và bảo vệ xác thực và các giao dịch trên không gian mạng.

Chuyên gia Hàn Quốc trao đổi về phát triển IoT tại Hàn Quốc

Giới thiệu về thành tựu IoT tại Hàn Quốc, ông Lee Won Jae, chuyên gia của Cơ quan thúc đẩy CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA) cho biết ở Hàn Quốc, chính phủ và các công ty hiện đang nỗ lực thúc đẩy IoT bằng cách tập trung vào những đồ vật nhỏ, đặc biệt xây dựng các mạng diện rộng hao nguồn ít, phát triển các nền tảng IoT và sáng tạo các dịch vụ chuyên dành riêng trong các đồ vật nhỏ.

Từ các trao đổi tại Hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT chủ trì Hội thảo đã tổng kết các đề xuất tại Hội thảo bao gồm khởi động một diễn đàn về tiêu chí chọn lựa các công ty, tiêu chuẩn hỗ trợ, các hướng dẫn và thiết lập chính sách để hợp tác IoT giữa các quốc gia ASEAN; Đề ra lộ trình, chiến lược khung IoT ASEAN; Các tiêu chí quản lý chất lượng IoT ASEAN; Nghiên cứu chung về việc hình thành Trung tâm xác thực IoT, trong đó cùng phát triển dịch vụ an ninh xác thực cho nhà sản xuất và người sử dụng nói chung và khai thác trung tâm này; Nghiên cứu chung các công nghệ cốt lõi cho xác thực IoT lẫn nhau và đào tạo về mạng, an ninh và riêng tư thông tin.

Được biết các ý kiến, kiến nghị tại Hội thảo về thúc đẩy IoT cũng sẽ được tổng hợp gửi tới Ban thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN để tham chiếu.

HM

Tin nổi bật