Đầu tư ra nước ngoài: VNPT đi hướng khác Viettel
Cho dù đánh giá hình thức đầu tư ra nước ngoài của Viettel là thành công, song lãnh đạo của VNPT cho hay sẽ không đi theo hướng này.
Vài năm gần đây, không chỉ khẳng định sức mạnh ở trong nước, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) nổi lên như một "thế lực" khi liên tiếp đầu tư, thành lập mạng viễn thông tại nước ngoài. Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) dường như chưa thấy... động tĩnh.
Về vấn đề này, ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT, đánh giá hình thức đầu tư của Viettel đến nay là khá thành công nhưng VNPT lại đầu tư ra nước ngoài theo hướng khác.
Thận trọng!
- Thưa ông, khi mà Viettel "tiến quân" rầm rộ ra thị trường nước ngoài, thì VNPT hình như vẫn còn khá chậm?
Ông Phan Hoàng Đức: VNPT định hướng đầu tư ra nước ngoài khác so với các đơn vị khác. Về đầu tư mạng lưới hạ tầng và tổ chức, Viettel đã đi và thành công. Còn VNPT đi theo hướng hợp tác và đầu tư.
Tuy nhiên, môi trường hiện nay có những vấn đề khó khăn nên chúng tôi sẽ phải có những điều chỉnh lại để làm sao các bước đi ra nước ngoài đảm bảo sự bền vững.
- Đánh giá Viettel thành công, tại sao VNPT không lựa chọn cách mà Viettel đã đi?
Ông Phan Hoàng Đức: Mỗi một doanh nghiệp có những bước đi khác nhau, không thể đi cùng như nhau được. Hướng chúng tôi vẫn đang tập trung điều chỉnh lấy thị trường trong nước là thị trường chủ yếu.
- VNPT có tính đến chuyện bắt tay với một doanh nghiệp Việt Nam để cùng đầu tư ra nước ngoài không?
Ông Phan Hoàng Đức: Chúng tôi không ngoại trừ khả năng đó nếu có cơ hội. Song, vấn đề đầu tư phải có tính toán hết sức cụ thể.
- Ông có thể chia sẻ về định hướng mà VNPT thực hiện khi đầu tư ra nước ngoài?
Ông Đức nói, mục tiêu của VNPT là quyết tâm thay đổi để bước mạnh và vững chắc trên thị trường. |
Ông Phan Hoàng Đức: Định hướng của VNPT là đầu tư dài hơi, và theo như thông lệ của thế giới là trên cơ sở của hạ tầng sẽ tham gia góp vốn vào các nhà khai thác có khả năng hợp tác tốt với Việt Nam. Có nghĩa là, chúng tôi sẽ hợp tác với các mạng lớn và hiện VNPT có những đối tác lớn như Orange France Telecom (Pháp), T- Mobile (Mỹ)...
Hiện nay một mô hình đối với VNPT là chúng tôi hợp tác với nước ngoài khai thác kinh doanh vệ tinh, theo hướng kết hợp với các doanh nghiệp quản lý vệ tinh trong khu vực để cho thuê. Mình truyền ra nước ngoài, đối tác truyền về khu vực của VNPT...
Ngoài ra, chúng tôi đang đặt vấn đề hợp tác liên doanh về sản phẩm công nghiệp thiết bị đầu cuối, để làm sao đưa các sản phẩm đó về Việt Nam. VNPT đầu tư hoặc đối tác đưa hệ thống các thiết bị về Việt Nam để sản xuất, rồi bán ra thị trường trong và ngoài nước. Chúng tôi đang hình thành một số công ty liên doanh với Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tiếp theo là đầu tư trên thị trường bằng cách góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác. Cái này là rất cởi mở... Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Không thụt lùi
- Nhắc đến sự phát triển của ngành viễn thông phải kể đến bước tiến của Viettel, và có một số ý kiến cho rằng VNPT đang thụt lùi, thưa ông?
Ông Phan Hoàng Đức: Nếu nói VNPT thụt lùi thì tôi không công nhận.
Năm 2010, sự tăng trưởng của VNPT vẫn là trên 30%, đó là điều rõ ràng bởi đóng ngân sách nhà nước không phải là con số ảo. Viettel cũng đang phát triển, và cả 2 cùng chiến thắng thì là điều tốt cho đất nước.
- Nhưng có vẻ như VNPT bước chậm hơn?
Ông Phan Hoàng Đức: Cái này cũng có phần đúng. VNPT là bước tiến của cả quá trình phát triển 66 năm rồi. Trước đây, trong môi trường độc quyền, VNPT chỉ là một nhà cung cấp. Công ích chưa có, chúng tôi phải đầu tư vào mạng điện thoại cố định, đầu tư cho vùng sâu vùng xa để đảm bảo thông tin liên lạc, bảo đảm trách nhiệm với nhà nước.
Bây giờ, VNPT vẫn đảm trách những dịch vụ đấy, vẫn phải duy trì, vẫn phải giữ và phát triển nó, công nghệ mới vẫn phải đưa vào, vẫn phải duy trì hệ thống cũ mà mạng cố định hiện nay không thể phát triển được.
Trong khi đó, một số mạng di động thành lập sau không phải lựa chọn công nghệ. Ví dụ như công nghệ GSM, VNPT đã thử nghiệm và thành công rồi. Do đó, họ có lợi thế rất lớn là không phải thử lại nữa.
Tôi khẳng định VNPT không bị thụt lùi, vì chúng tôi vẫn là doanh nghiệp đứng thứ hai nộp ngân sách nhà nước. Hai mạng di động của chúng tôi (VinaPhone và MobiFone - PV) lợi nhuận rất lớn nhưng vẫn phải chia ra một phần để giữ lại mạng cố định. Thêm vào đó, đội ngũ lao động của chúng tôi là 9 vạn người, và giải quyết vấn đề lao động cũng rất lớn.
Thêm vào đó, mảng bưu chính dù đã tách ra thành Tổng công ty và chuẩn bị được Nhà nước đầu tư là công ích nhưng hiện nay đang nằm trong VNPT. Bởi thế, mạng bưu chính công ích hiện VNPT vẫn phải đảm nhận.
Nhiều khi người ta đánh giá VNPT thay đổi chậm quá, chúng tôi cũng đồng ý nhưng mục tiêu của VNPT là quyết tâm thay đổi. Kinh nghiệm của thế giới khi họ tái cấu trúc, điều chỉnh để ra định hướng mới không phải là 1-2 năm mà phải mất ít nhất là 5-8 năm.
Xin cảm ơn ông!
Trung Hiền
(Theo Vietnamplus)