Báo giới quốc tế trước vụ tấn công thảm sát vào tòa soạn tuần báo châm biếm Charlie Hebdo: Sốc & phẫn nộ
Tâm điểm trên xa lộ thông tin toàn cầu suốt gần 10 ngày qua không gì khác là vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ngày 7/1 làm 12 người thiệt mạng, trong đó có Tổng biên tập, 4 họa sỹ biếm họa cùng 3 phóng viên của tờ báo. Công luận và báo giới bàng hoàng trước việc tính mạng người làm báo ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Vụ “11-9 của nước Pháp”
Tờ báo hàng đầu của Pháp Le Monde đã ví vụ tấn công vào tòa soạn tuần báo biếm Charlie Hebdo như một vụ “11-9 của nước Pháp”. Báo giới ở Pháp rất sốc trước vụ tấn công ngay tại tòa soạn báo Charlie Hebdo dù rằng không phải ai cũng đồng tình với các nội dung của tờ tuần báo này. Ở Pháp, Charlie Hebdo là một tờ báo mang tính biểu tượng (cho sự tự do ngôn luận) và việc tấn công vào tờ báo này cũng đe dọa quyền hành nghề của những tờ báo khác.
Ngay sau khi thảm kịch xảy ra, hàng loạt các trang báo trên thế giới đã đổi trang bìa theo phong cách biếm họa để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ tấn công tuần báo trào phúng Charlie Hebdo của Pháp. Với riêng báo chí Pháp, sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ. Tờ Liberation hỗ trợ không gian làm việc, còn Radio France, France Televisions và Le Monde hỗ trợ về nhân lực và trang thiết bị để giúp Charlie Hebdo ra số tiếp theo. Các nhà xuất bản đóng góp gần 300.000 USD và một quỹ truyền thông mới lập có sự hậu thuẫn của Google cũng cho biết tương tự. Tại London, Tập đoàn Truyền thông Guardian tuyên bố sẽ quyên góp hơn 150.000 USD.
![]() |
Lãnh đạo thế giới tuần hành phản đối vụ việc tấn công khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo |
Sau vụ tấn công, sự ủng hộ của dư luận với Charlie Hebdo tăng mạnh, dù những bức tranh và bình luận của tờ tạp chí này trước đây không mấy hút khách. Số lượng phát hành của nó vào năm ngoái giảm xuống còn 30.000 bản, dưới mức hòa vốn. Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo được thành phố Paris trao tư cách công dân danh dự. “Bằng việc trao nó cho Charlie Hebdo, Paris, thành phố của chúng ta, bày tỏ sự tôn trọng với một tờ báo anh hùng như với những người anh hùng”, thị trưởng Paris Anne Hidalgo tuyên bố. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Fleur Pellerin cho hay chính quyền sẵn sàng cấp cho tờ biếm họa 1 triệu euro (gần 1,2 triệu USD) để nó có thể tiếp tục hoạt động.
Nhiều tờ báo trên thế giới đã tái bản các bức tranh của báo Charlie Hebdo, bao gồm cả những hình ảnh gây tranh cãi về nhà tiên tri Mohammed. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ như tờ báo Thụy Điển Jyllands-Posten, nơi gây ra các cuộc biểu tình khắp thế giới với các bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed hồi năm 2005. Kurt Westergaard, người vẽ một trong những bức tranh gây nhiều phản ứng nhất, trong đó có hình ảnh Mohammed đeo bom thay vì khăn quấn đầu, cho biết anh đang rất sợ hãi. Nhiều người đã tỏ ra rất cẩn trọng sau vụ tấn công này. Một số tờ báo đã quyết định không xuất bản các ấn phẩm có nội dung châm biếm thế giới đạo Hồi. Họ cho rằng vào thời điểm hiện nay, việc theo chân Charlie Hebdo sẽ là một việc rất mạo hiểm và có thể ảnh hưởng tới sự an toàn và tính mạng của họ.
Cuộc chiến không bình đẳng giữa người cầm bút và kẻ có súng
Bà Nathalie Lacube, Phó trưởng Ban Quốc tế của báo La Croix, đã gọi các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các nhà báo là cuộc chiến không bình đẳng giữa những người cầm bút và những kẻ được trang bị súng ống.“Thông tin những ngày qua đã thực sự gây sốc đối với chúng tôi ngay cả khi với tư cách là nhà báo, chúng tôi đã quen với nhiều vụ việc có tính chất bạo lực. Nhưng Paris là một thành phố an ninh được đảm bảo, rất ít khi xảy ra những hành động bạo lực và các vụ sát hại đẫm máu đến mức như vậy kể từ cuộc chiến tranh Algeria cách đây nhiều thập kỷ. Chúng tôi đã bị sốc 2 lần vì, trước tiên đây là một hành động bạo lực được thực hiện một cách mù quáng nhằm vào các nhà báo và cảnh sát”- bà Nathalie Lacube chia sẻ.
Bà Nathalie Lacube cho biết: Cái khó trong một tòa soạn báo là luôn có nhiều quan điểm khác nhau. Đối với những quốc gia như nước Pháp và nhiều quốc gia khác nơi có tự do ngôn luận và tự do tư duy, người ta có quyền làm tranh biếm họa kể cả khi nó hông làm hài lòng một số người, nhưng ở Pháp, mọi người đều quen với cách bị chỉ trích và các hình thức tự do ngôn luận.Đôi khi người ta cũng đi hơi quá xa, nhưng thực sự là phải làm quen và chấp nhận việc bị chỉ trích. Cuộc chiến giữa những kẻ được trang bị súng ống và những người chỉ làm việc với bút phớt và bút chì như mọi người thấy thực sự là không bình đẳng. Khi các tòa soạn trở thành mục tiêu tấn công thì tự do ngôn luận bị đe dọa nghiêm trọng.
Nguồn: Hà Trang/congluan.vn