Lòng dân
Tết này, Tết Giáp Ngọ - 2014, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa. Vị tướng huyền thoại đã đi vào lòng dân, mãi mãi trong tâm khảm mọi người, sống mãi cùng non sông đất nước Việt Nam.
Bức ảnh xúc động của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp với cháu nội - Võ Thành Trung. Ảnh: Duy Anh |
Ngày 4 tháng 10 năm 2013 (ngày 30 tháng 8 năm Quý Tỵ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại về cõi vĩnh hằng. Hàng triệu người, mọi tầng lớp, giai tầng xã hội tiếc thương vô hạn Đại tướng. Trời đổ mưa, dòng người đổ lệ. Không ai bảo ai, mọi người đổ về Hà Nội, ngôi nhà số 30, đường Hoàng Diệu; về nhà tang lễ quốc gia; đứng dọc 2 bên đường phố để được thắp nén nhang trầm tiễn biệt Đại tướng. Hơn 60 cây số dọc quốc lộ 1A từ sân bay Đồng Hới đến Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - quê hương Đại tướng, dòng người đứng chật hai bên đường tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Hàng ngàn người đến khu nhà tưởng niệm, nơi Đại tướng cất tiếng khóc chào đời 103 năm trước, làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy để khóc ông. Vô số người xúc động, rơi nước mắt bên màn ảnh nhỏ xem truyền hình trực tiếp lễ tang Đại tướng. Và từ ngày ấy đến nay, đã hơn 100 ngày, không ngày nào ở Vũng Chùa vắng bóng người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng Đại tướng. Mỗi ngày, dòng người đến viếng ông vẫn đông đảo. Mộ ông lúc nào cũng ken dày những bó hoa tươi.
Hình ảnh Đại tướng cao lồng lộng mà rất đỗi bình dị giữa đời thường. Ông tưới cây phong lan cho hoa mau trổ bông; ông ăn chay, ngồi thiền như cụ ông ở khu phố này. Thấy chuyện bất bằng, ông tâm huyết viết bài góp ý kiến, vì dân vì nước, vì an sinh. Ông dành cho cháu nội nụ hôn cứ như ông tiên vậy. Ông là vị tướng tài, lẫy lừng chiến công, lúc nào cũng nghĩ đến cuộc sống của mọi người. Hàng triệu người - không bà con họ hàng, chưa một lần gặp đã khóc ông từ lòng mình, từ chính trái tim. Khóc để nói với những người đang sống, những ông chức cao quyền trọng, sống sao cho phải đạo làm người, đạo làm đầy tớ của dân; sống sao cho dân mến, dân thương, dân kính trọng. Lòng dân là thước đo - tấm lòng, trái tim của muôn dân dành cho ai, hướng về đâu, minh bạch và khách quan lắm, có muốn cũng không được. Ông ra đi mà lòng người cảm thấy chông chênh. Ông là chỗ dựa vững chãi trong cuộc đời.
Giáo sư Vũ Khiêu viết về Đại tướng: “Võ công truyền quốc sử; Văn đức quán nhân tâm”. Vẫn giáo sư Vũ Khiêu: “Bao nhiêu nước mắt khóc Bác Hồ, gần nửa thế kỷ sau bao nhiêu nước mắt lại khóc bác Giáp”. Nhà sử học Dương Trung Quốc gọi ông là Nhân tướng, vị tướng đại dũng, đại đức, đại nhân. Dù nói ra, hay im lặng nhưng không gì là dân không biết. Ai sống ra sao, ai sống vì dân, vì nước, ai sống chỉ lo thu vén cho mình, nhà mình, không gì là dân không biết. Đám tang vị danh tướng - học trò gần gũi, xuất sắc của Bác Hồ, chúng ta chứng kiến những gì đẹp nhất của lòng dân, con Lạc cháu Hồng. Đã lâu rồi, người dân như có chung một nỗi niềm. Đại tướng xa rời trần thế về với thế giới người hiền, tiếng khóc nghẹn lại. Cả dân tộc như có chung một tổn thất chẳng gì bù đắp được, ai ai cũng như xích lại gần nhau, bên nhau, cùng nhau trong niềm đau thương chung. Cả dân tộc nắm tay nhau, thể tất mọi phiền muộn thường ngày, nghiêng mình trước một nhân cách lớn, không bao giờ quỳ gối trước bất cứ thế lực nào, bất cứ kẻ thù nào, dù to lớn - cường quyền, hung hãn đến mấy. Dân đã thờ ai, chẳng bao giờ nhầm. Lòng dân là vậy, mãi mãi như vậy.
Sau khi đánh đuổi được giặc Minh khỏi bờ cõi, cụ Nguyễn Trãi đã tấu trình với vua Lê Lợi khi được hỏi, cái gốc của mọi lễ nhạc là lòng dân, là làm sao cho nơi thôn cùng, xóm vắng không có tiếng kêu than. Tư tưởng đó của cụ Nguyễn Trãi vẫn vẹn nguyên tính thời sự cho đến ngày nay. Từ đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ngẫm ra nhiều điều hệ trọng về lòng Dân, ý nguyện của Nhân dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo đích thực. Ông viết báo, làm báo - lấy báo chí làm vũ khí chiến đấu thực hiện lý tưởng cách mạng cao cả. Ông am tường sâu sắc nghề báo. Lúc sinh thời, ông rất quan tâm đến hoạt động báo chí, dành nhiều tình cảm cho phóng viên trong và ngoài quân đội. Uy tín, tầm ảnh hưởng của ông trong báo giới gần như tuyệt đối. Đám tang của Đại tướng - trước, trong và sau đại tang - hàng ngàn bài viết, tấm ảnh, trang báo, chương trình phát thanh - truyền hình được thực hiện trong nước mắt, với niềm tiếc thương vô hạn Đại tướng - Nhà báo Võ Nguyên Giáp.
Đón Tết Giáp Ngọ - 2014, hơn một trăm ngày Đại tướng về cõi Tiên. Đất nước, non sông, hàng triệu triệu con tim - tấm lòng kính trọng, thương tiếc ông vô hạn, vị nhân tướng huyền thoại của Nhân dân!
Hà Yên
Nguồn: Tạp chí Người làm báo