Vai trò của CNTT&TT trong nền kinh tế tri thức và trường hợp của Việt Nam
TS. Đặng Thị Việt Đức, TS. Nguyễn Thanh Tuyên
Mở đầu
Từ những năm 50 của thế kỷ 20, các nhà kinh tế học đã phát hiện ra những hiện tượng mới trong nền kinh tế mà các lý thuyết kinh tế cũ không thể giải thích được. Nền kinh tế, thay vì dựa trên việc sử dụng và phân phối các yếu tố vật chất như trước, chuyển sang dựa ngày càng nhiều trên các yếu tố phi vật chất là thông tin, tri thức và sự sáng tạo (Solow 1957, Machlup 1962). Năm 1969, lần đầu tiên khái niệm nền kinh tế tri thức được đưa ra. Sau hơn 50 năm được nghiên cứu, tới nay kinh tế tri thức đã trở thành xu hướng không thể phủ nhận. Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế của cấu trúc kinh tế mới, các quan hệ kinh tế mới phát sinh dựa trên đầu vào cốt lõi mới là thông tin, tri thức. Nền kinh tế tri thức tạo cơ hội cũng như thách thức đối với mọi quốc gia.
Ảnh minh họa: guardian |
Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của nền kinh tế tri thức là sự phát triển và ứng dụng sâu rộng của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) (ICT). Becker G.S. nhà kinh tế nổi tiếng của đại học Chicago và Standford, Mỹ nghiên cứu và kết luận rằng từ năm 1995 tới năm 2000, phần lớn tăng trưởng năng suất lao động ở Mỹ là nhờ việc đầu tư ứng dụng CNTT hoặc nhờ những tiến bộ của các sản phẩm CNTT (Becker 2003). ICT được coi là nhân tố mở đường cho nền kinh tế tri thức. Nhiều học giả nhấn mạnh hơn rằng chính ICT làm xuất hiện hiện tượng kinh tế mới, dẫn tới các lý thuyết về nền kinh tế thông tin, kinh tế mạng, kinh tế số, kinh tế không trọng lượng v.v.
Đối với các nước đang phát triển, việc phát triển ICT còn có ý nghĩa lớn hơn vì ICT sẽ là cầu nối giúp các nước này kế thừa tri thức từ các nước phát triển. Nhiều quốc gia đang phát triển đã và đang đưa ICT trở thành chiến lược trọng tâm cho phát triển kinh tế, tin rằng ICT sẽ tạo ra cơ hội tiên quyết để hòa nhập và đuổi kịp nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, sự thất bại của nhiều dự án đầu tư vào CNTT trong những năm qua đã dấy lên sự hoài nghi về vai trò của ICT trong nền kinh tế mới (Heeks 2005). Các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách nhận ra rằng việc nhìn nhận quả đơn giản về ICT đã dẫn tới những thất bại đó. Câu hỏi về vị trí của ICT trong nền kinh tế hiện đại đã được nêu lên nhiều lần nhưng chưa được giải quyết một cách toàn diện.
Để giúp trả lời câu hỏi trên, bài viết tập trung phân tích các khía cạnh khác nhau về vị trí của ICT trong nền kinh tế tri thức. Trước hết bài viết sẽ hệ thống hóa bốn quan điểm khác nhau về ICT trong nền kinh tế mới bao gồm quan điểm ICT là một công nghệ, một ngành công nghiệp, một bộ phận cấu thành nền kinh tế tri thức và cuối cùng là đòn bẩy thúc đẩy sự ra đời và phát triển của nền kinh tế tri thức. Trong phần hai bài viết sẽ đi sâu hơn vào lý thuyết khuôn mẫu công nghệ (Technological paradigm theory), được tác giả coi là một mô hình có nhiều gợi ý đúng đắn về phát triển ICT trong nền kinh tế. Cuối cùng bài viết đề cập tới các vấn đề phát triển ICT của Việt Nam, xác định những cơ hội và nguy cơ trong phát triển ICT cho phát triển kinh tế.
Các quan điểm về CNTT-TT trong nền kinh tế
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ICT là gì trong nền kinh tế hiện đại, các nhà kinh tế đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, mỗi quan điểm sẽ dẫn tới hệ quả lý luận về chính sách kinh tế khác nhau nhằm phát triển nền kinh tế tri thức. Bài viết phân tích 4 cách nhìn về ICT trong nền kinh tế bao gồm (1) ICT là một công nghệ, (2) ICT là một ngành công nghiệp, (3) ICT là một bộ phận cấu thành và (4) ICT là đòn bẩy của nền kinh tế.
Trong những mô hình giải thích kinh tế tri thức đầu tiên như các mô hình tăng trưởng mới (New growth theory) của Romer (1986), ICT không được đề cập. Lúc này, ICT chỉ đơn giản là một công nghệ trong rất nhiều công nghệ mới được phát triển và ứng dụng trong sản xuất. Công nghệ là biểu hiện của tri thức, tham gia như một yếu tố đầu vào của sản xuất. Sở dĩ tri thức công nghệ có vị trí quan trọng nổi bật hơn các yếu tố đầu vào khác vì tri thức có thể chia sẻ, dồn tích và đóng góp vượt trội cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Có hai điều có thể rút ra từ cách nhìn nhận ICT là một công nghệ. Thứ nhất, do ICT chỉ là một công nghệ như bao công nghệ khác nên trên quan điểm của toàn nền kinh tế sẽ không cần phải đầu tư trọng điểm vào ICT. Thứ hai, vì công nghệ phát triển trên nền tảng khoa học, nên để phát triển CNTT-TT chỉ cần hai yếu tố cơ bản đầu tư cho khoa học gắn kết với sản xuất và đầu tư phát triển ứng dụng thành tựu nghiên cứu vào sản xuất mà thôi.
Quan điểm ICT là một ngành công nghiệp gần gũi với quan điểm ICT là một công nghệ đã trình bày phía trên. Năm 1962, nhà kinh tế học người Mỹ Machlup F. là người đầu tiên đưa ra khái niệm ngành công nghiệp tri thức. Machlup chỉ ra 6 ngành công nghiệp sản xuất tri thức chính gồm (1) Giáo dục), (2) Nghiên cứu và phát triển (R&D), (3) Nghệ thuật, (4) Truyền thông, (5) Dịch vụ thông tin và (6) Thiết bị thông tin (Machlup 1962). Cách tiếp cận này sau đó được tiếp thu bởi nhiều nhà kinh tế và tổ chức kinh tế quốc tế. Khi ICT được coi là ngành một công nghiệp thì mối quan tâm sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động sản xuất và tiêu thụ. Một ngành công nghiệp có thể có quy mô rất lớn, nhưng vẫn bị giới hạn ở các mối quan hệ đầu ra, đầu vào và phụ trợ nhất định, vì vậy mức độ ảnh hưởng sẽ khó lan tỏa để bao trùm toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Năm 1999, Ngân hàng thế giới đưa ra một mô hình tối giản nhất nhằm hướng dẫn các quốc gia xây dựng nền kinh tế tri thức. Theo đó nền kinh tế tri thức phát triển dựa trên 4 trụ cột (Hình 1). Trụ cột đầu tiên Hệ thống thể chế và các kích thích kinh tế nhằm đảo bảo sự lưu chuyển, phân bổ các nguồn lực hiệu quả, kích thích hoạt động sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức. Trụ cột thứ hai Giáo dục và nguồn nhân lực hướng tới việc tạo mới, thu nhận và sử dụng tri thức. Trụ cột thứ ba là một Hệ thống sáng chế hiệu quả của các doanh nghiệp (DN), các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học. Trụ cột thứ tư chính là Hạ tầng thông tin để hỗ trợ truyền và xử lý thông tin nhanh chóng. Trụ cột thứ tư có vị trí đặc biệt quan trọng với các nước đang phát triển vì nó tạo cầu nối, giúp các nước này tận dụng và phát triển các tri thức đã tồn tại sẵn tại các nước phát triển. Mô hình này đưa đến một kết luận rõ ràng là muốn xây dựng và phát triển kinh tế tri thức việc phát triển ICT là một trọng tâm. Tuy nhiên, việc coi ICT là một trong bốn trụ cột của kinh tế tri thức vô hình chung lại làm ICT kém quan trọng hơn. ICT sẽ được phát triển ngang bằng và đồng thời với ba trụ cột khác. Không có trụ cột nào là cốt lõi hay trọng yếu hơn.
Hình 1. Mô hình nền kinh tế tri thức của Ngân hàng thế giới (Nguồn: World Bank 1999) |
Các nghiên cứu gần đây đều đồng thuận rằng ICT có vị trí thực tế quan trọng hơn đã từng được ghi nhận. ICT không phải là một công nghệ bình thường như mọi công nghệ khác vì sức ảnh hưởng của nó sâu và rộng khắp các hoạt động kinh tế. ICT có vị trí hơn một ngành kinh tế. Hầu hết các bằng chứng đều chỉ ra rằng tác động của ICT tới phát triển của các ngành kinh tế khác thực sự lớn và quan trọng hơn nhiều chính bản thân đóng góp của ngành sản xuất và kinh doanh ICT đối với tổng giá trị quốc dân. Việc coi ICT là một trong bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức tỏ ra hợp lý hơn hai quan điểm trên. Tuy nhiên, như đã phân tích quan điểm này thực chất chưa nhấn mạnh vai trò của ICT đủ để phản ánh hiện tượng ICT gắn liền với bước chuyển mạnh mẽ sang nền kinh tế tri thức mà các nhà kinh tế đã đồng thuận trước đó.
ICT là công cụ và nhân tố quan trọng trong kiến tạo và truyền bá tri thức do ICT làm chi phí truyền tải và tái tạo tri thức trở nên rẻ chưa từng thấy. Bản thân việc nhận thức vị trí quan trọng của tri thức trong nền kinh tế có sự góp phần quan trọng của sự phát triển và sử dụng rộng rãi ICT. Do việc sử dụng rộng rãi trong nền kinh tế, cũng như khả năng hỗ trợ các công nghệ khác, ICT có thể dẫn tới những thay đổi trong phương thức sản xuất và định hình lại nền kinh tế (Helpman 1998, Shiller 2000, Freeman 2005). Nói cách khác, ICT là đòn bẩy để phát triển kinh tế tri thức.
Do việc tồn tại song song nhiều quan điểm khác nhau về ICT, việc phát triển kinh tế sử dụng ICT có thể dễ dẫn tới sai lầm. Có nghĩa là trong khi các nền kinh tế cố gắng phát triển ICT để phát triển kinh tế tri thức theo quan điểm ICT là đòn bẩy của nền kinh tế tri thức, họ lại sử dụng định nghĩa quá giản đơn về ICT,ví như ICT là một công nghệ hoặc một ngành công nghiệp. Kết quả là nền kinh tế bỏ khoản đầu tư lớn vào ICT trong khi không thu được hiệu quả tương ứng thậm chí còn làm nền kinh tế mất phương hướng. Nhiều nhà kinh tế (Perez 2004, Freeman 2005) chỉ ra rằng tác động của ICT tới nền kinh tế còn phụ thuộc vào những thay đổi tương ứng trong cấu trúc tổ chức, xã hội và thể chế. ICT một mặt thúc đẩy nền kinh tế tri thức, mặt khác, đòi hỏi các chủ thể kinh tế phải nâng cao tri thức của mình để vận dụng nó. Nền kinh tế tri thức chỉ có thể phát triển dựa trên sự phát triển song song của hai khía cạnh này.
Lý thuyết khuôn mẫu công nghệ (Technological paradigm)
Lý thuyết khuôn mẫu công nghệ được một số học giả như Dosi (1982) và Perez (1983, 2004) đưa ra, ban đầu để giải thích sự vận động có tính chu kỳ của nền kinh tế mà theo họ nguyên nhân cốt lõi của sự vận động ấy nằm ở sự thay đổi công nghệ nền tảng. Về sau, lý thuyết này khi được vận dụng với CNTT-TT đã trở thành lý thuyết hữu hiệu giải thích bản chất của ICT trong nền kinh tế tri thức.
Trung tâm của lý thuyết khuôn mẫu công nghệ là khái niệm “khuôn mẫu công nghệ” (technological paradigm)1. Thuật ngữ “khuôn mẫu công nghệ” được vận dụng từ thuật ngữ “khuôn mẫu khoa học” (science paradigm) của Thomas S. Kuhn trong cuốn The Structure of Scientific Revolutions để ám chỉ một tập các niềm tin, các nguyên lý, các quy tắc, các chuẩn mực mà một “cộng đồng khoa học” cùng chia sẻ và tuân theo. Điều này dẫn họ đến những thành tựu khoa học cũng như sai lầm khoa học thuộc cùng một hệ thống. Khuôn mẫu công nghệ bao gồm một nhóm các công nghệ cơ bản được tạo ra và chi phối bởi những nguyên lý và các quy tắc thực hành nhất định. Nhóm công nghệ cơ bản khi là “khuôn mẫu” phải có ảnh hưởng đột phá, sâu rộng không chỉ trên khía cạnh kỹ thuật mà còn cả cấu trúc tổ chức - quản lý, thực sự tạo nên một cuộc cách mạng thay đổi toàn bộ logic sản xuất và nền kinh tế.
Shiller (2000) và Freeman (2005) gọi tên “khuôn mẫu ICT” tương ứng với nền kinh tế tri thức. ICT đã giúp các nền kinh tế nhìn nhận rõ hơn vị trí trung tâm của tri thức trong sản xuất. ICT buộc các doanh nghiệp phải thay đổi cấu trúc tổ chức, cách thức quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp, cũng như với các đối tác, nhà cung cấp, khách hàng hướng tới không ngừng kiến tạo tri thức để không bị đào thải khỏi thị trường. ICT tác động đến lối sống, thói quen sinh hoạt và làm việc của dân cư… Và cuối cùng chúng ta có được một trật tự kinh tế hoàn toàn mới của nền kinh tế tri thức. Theo cách lý luận đó, ICT là đòn bẩy, mấu chốt mở ra kinh tế tri thức. Mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ của ICT tới các hoạt động kinh tế đã được nhấn mạnh đâu đó, chẳng hạn trong lý thuyết về công nghệ mang mục đích chung (Helpman 1998). Tuy nhiên, chỉ lý thuyết khuôn mẫu công nghệ mới khẳng định chắc chắn rằng sự tác động của ICT là toàn diện trên cả mặt chất và lượng, cả cấu trúc của hệ thống kinh tế- kỹ thuật (techno-economic system) và hệ thống xã hội-thể chế (socio-insitutional system) của nền kinh tế.
Theo lý thuyết khuôn mẫu công nghệ, một chu kỳ lớn của một nền kinh tế trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn nảy sinh và hình thành một khuôn mẫu công nghệ mới với sự gắn kết giữa nghiên cứu phát triển và sản xuất. Có hai nhóm chủ thể đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn này: (1) các viện nghiên cứu, nơi nghiên cứu phát triển công nghệ mới và (2) các chủ thể kinh tế chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đi đầu ứng dụng những giải pháp kỹ thuật, thương mại mới cho dù các lợi ích tương lai còn chưa rõ ràng. Theo Dosi (1982), các chủ thể chấp nhận rủi ro chỉ có thể là những DN nhỏ tham vọng và chưa có nhiều đề mất, cho dù trước đó công nghệ mới được đầu tư nghiên cứu ở các DN lớn. Ngược lại, Perez (1983) lại nhấn mạnh vai trò của các DN lớn. Perez phân tích hai nhóm DN sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong giai đoạn hình thành khuôn mẫu công nghệ gồm “nhóm mang” (carrier branches) và “nhóm thúc đẩy” (motive branches). Nhóm mang là những khách hành đầu tiên của công nghệ khuôn mẫu mới. Nhóm thúc đẩy chịu trách nhiệm sản xuất ra các sản phẩm công nghệ khuôn mẫu (ngành sản xuất ICT trong trường hợp khuôn mẫu ICT). Theo Perez, chỉ những DN lớn mới có thể là những chủ thể đầu tiên chạm tới giới hạn của khuôn mẫu công nghệ mới, và cũng chỉ những DN này mới đủ tiềm lực để phát triển công nghệ mới.
Trong giai đoạn thứ hai, khi một khuôn mẫu công nghệ đã hình thành bước đầu, những lợi ích của khuôn mẫu công nghệ mới cũng rõ ràng hơn, khuôn mẫu công nghệ sẽ dần dần tác động thay đổi toàn diện nền kinh tế. Đầu tiên, các chủ thể kinh tế - kỹ thuật bắt đầu áp dụng công nghệ mới do nhìn thấy lợi nhuận tiềm năng. Sau đó các yếu tố của hệ thống xã hội-thể chế bắt đầu bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự tác động không đơn giản, tuyến tính một chiều. Trong giai đoạn phát triển của khuôn mẫu công nghệ, người ta thấy sự tương hỗ qua lại, đan xen phức tạp của các yếu tố kinh tế- kỹ thuật và các yếu tố xã hội-thể chế. Một công nghệ mới khi áp dụng đòi hỏi một cách thức tổ chức mới, các quan hệ kinh tế, xã hội, thể chế mới để dung nạp nó. Những thay đổi này lại là tiền đề cho sự trưởng thành hơn của khuôn mẫu công nghệ. Cứ tiếp tục vòng xoáy như vậy cho đến một lúc mọi trật tự của nền kinh tế xã hội được sắp xếp lại và chúng ta có một nền kinh tế hoàn toàn khác. Các học giả của lý thuyết khuôn mẫu công nghệ gọi nền kinh tế xã hội là một hệ tiến hóa gồm 2 hệ con: hệ kinh tế- kỹ thuật và hệ xã hội-thể chế. Sự đồng tiến hóa và tương tác giữa hai hệ con sẽ tạo “khuôn” cho hệ tổng thể. Việc kết thúc một khuôn mẫu công nghệ và chuyển qua một khuôn mẫu khác cũng sẽ là kết quả của quá trình đồng tiến hóa, tương tác này.
Trường hợp của Việt Nam và kết luận
Năm 2000, hội thảo đầu tiên về kinh tế tri thức tại Việt Nam có tên Kinh tế tri thức và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam được Ban Khoa giáo của Đảng, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Trong văn kiện Đại hội lần thứ 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2001, lần đầu tiên thuật ngữ “kinh tế tri thức” xuất hiện. Cuối năm 2000, Bộ Chính trị cũng chính thức ban hành Chỉ thị 58 (58-CT/TW) về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT. Từ thời điểm này, có thể nói kinh tế tri thức và CNTT đã trở thành một phần trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Việc Việt Nam tiếp cận kinh tế tri thức và phát triển ICT hoàn toàn phù hợp với vị thế của mình và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Chỉ thị 58 của Bộ chính trị về CNTT chỉ rõ “CNTT là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, cùng với một số ngành công nghệ cao khác đang làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, vǎn hoá, xã hội của thế giới hiện đại”. “Ứng dụng và phát triển CNTT ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế…” Việc nhấn mạnh về ứng dụng CNTT trong Chỉ thị 58 chứng tỏ quan điểm vĩ mô về ICT khá rõ ràng: ICT vượt qua khỏi giới hạn của một công nghệ và một ngành công nghiệp và trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế tri thức mà chúng ta hướng tới, mặc dù vị trí của ICT vẫn chưa được nhấn mạnh đầy đủ. Chỉ thị 58 cũng chỉ rõ phương hướng để phát triển ICT cho Việt Nam gồm bốn hướng đồng thời: Ứng dụng ICT, Hạ tầng ICT, Giáo dục đào tạo về ICT và Công nghiệp ICT.
Một thập kỷ qua kể từ Chỉ thị 58, Việt Nam đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực CNTT-TT. Từ vị trí không có tên trên bản đồ CNTT-TT thế giới những năm 90 của thế kỷ thứ 20, đến nay Việt Nam đã đạt tới mức phát triển trung bình của thế giới và châu Á. Về hạ tầng CNTT, năm 1990, Việt Nam chỉ có tổng cộng khoảng 140,000-150,000 thuê bao điện thoại, tức là khoảng 500 người chung 1 thuê bao. Đến 11/2010, tổng số thuê bao điện thoại cả nước ước đạt xấp xỉ 163,8 triệu thuê bao, tức 2 thuê bao/1 người, tỷ lệ dân số Internet của Việt Nam đã trên 30% cao hơn mức trung bình của thế giới (26,6%). Công nghiệp CNTT-TT tăng trưởng nhanh, đạt mức 20-25%/năm, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT năm 2009 đạt 13 tỷ USD gấp 15 lần năm 2001, đóng góp 6,7% GDP của cả nước. Đã hình thành ngành công nghiệp phần mềm với tốc độ phát triển cao, bình quân 33% năm, với các hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm được ghi nhận trong số 20 nước đứng đầu trên thế giới. Về ứng dụng ICT, trong khu vực quản lý nhà nước từ những năm 1996-1997 ICT đã được đẩy mạnh ứng dụng theo Đề án 112 và vẫn đang tiếp tục. Trong lĩnh vực kinh doanh, hầu hết các DN đều sử dụng ICT để hỗ trợ các hoạt động của mình cho dù mức độ đầu tư cho ICT còn thấp và đơn giản (Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT 2010).
Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi CNTT-TT. Tháng 9/2010, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT (Quyết định 1755/QĐ-TTg). Tháng 12/2010, Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT-TT tổ chức họp tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, trong đề xuất kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước, Ban chỉ đạo nhấn mạnh quan điểm “Ứng dụng và phát triển CNTT-TT trong giai đoạn 2011-2020 là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, tạo sự đột phá chiến lược, là nền tảng và động lực cho hiện đại hóa và tri thức hóa nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Việt Nam phấn đấu tới năm 2020, với sự trợ giúp của ICT làm thay đổi cấu trúc kinh tế, Việt Nam về cơ bản sẽ trở thành một nền kinh tế tri thức (Huyền Chi 2009). Nhưng cùng lúc đó những hoài nghi về vai trò và đường hướng phát triển ICT cũng xuất hiện. Không hiếm các chuyên gia cho rằng mục tiêu của chính phủ không chắc đạt được. Cả ICT cũng như kinh tế tri thức suy cho cùng không có cái quyền năng như đã được khoác lên.
Những bối rối trong phát triển ICT đưa chúng ta về những câu hỏi ban đầu: ICT là gì? Tại sao phải phát triển ICT? Cần nhấn mạnh những khía cạnh nào trong phát triển ICT? Ai là người dẫn dắt công cuộc phát triển ICT trong mỗi giai đoạn phát triển?... Như bài viết đã phân tích ở trên, quan điểm đúng đắn phát triển ICT cho phát triển kinh tế nên là quan điểm ICT là đòn bẩy của nền kinh tế, là khung mẫu công nghệ của nền kinh tế. Nhưng cũng như đã phân tích ở trên, quá trình phát triển ICT hướng tới nền kinh tế tri thức dễ bị rơi vào “cái bẫy” mà nguyên nhân chính là sự sai khác giữa nhận thức và hành động. Khi say sưa phát triển ICT, các chủ thể kinh tế dễ vì lợi ích trước mắt chẳng hạn như giá trị đóng góp của ngành ICT hay mức độ hiện đại của ứng dụng ICT mà nhìn nhận về ICT quá đơn giản như là một công nghệ hoặc một ngành công nghiệp. Kết quả là ICT và nền kinh tế có thể bị phát triển chệch hướng và dẫn tới những hoài nghi về con đường đã chọn. Vì vậy, ngay lúc này chính phủ, các tổ chức, DN, các tổ chức nghiên cứu và cộng đồng sử dụng ICT cần xem xét lại và củng cố lại cách nhìn nhận đúng đắn về ICT trong nền kinh tế. Hơn nữa, các chính phủ và chủ thể kinh tế phải xác định rõ được trạng thái phát triển của khung mẫu công nghệ ICT. Việc nhìn nhận và định vị đúng sẽ giúp Việt Nam có những bước đi phù hợp để phát triển ICT cho phát triển nền kinh tế quốc gia.
Tài liệu tham khảo
[1]. Ban chấp hành trung ương Đảng, 2000, Chỉ thị số58-CT/TW: Về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày 17/10/2000.
[2]. Becker, G.S., 2003, “The Productivity Boom is just Warning Up”, BusinessWeek, 20 October, p.16.
[3]. Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, 2010, Tổng kết 10 năm chính phủ thực hiện chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của bộ chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá, tháng 12/2010.
[4]. Freeman, C., 2005, “The ICT Paradigm”, in Mansell, R. et al. (ed.), The Oxford Handbook of Information and Communication Technologies, U.S.: Oxford University Press.
[5]. Dosi, G., 1982, “Technical Paradigms and Technological Trajectories”, Research Policy, 11, pp.147-162.
[6]. Helpman, E. (ed.) , 1998, General Purpose Technologies and Economic Growth, Cambridge, MA: MIT Press.
[7]. Heeks, R., 2005, ICTs and the MDGs: On the Wrong Track? Information for Development Net, retrieved from www.i4donline.net/feb05/perspective.pdf on 20 October 2008.
[8]. Huyền Chi, 2007, “Internet: Nền tảng công nghệ cho xã hội tri thức”, VietnamNet, ngày 15/5, lấy từ http://vietnamnet.vn/cntt/2007/05/695302/ ngày 1/6/2009.
[9]. Machlup, F., 1962, The Production and Distribution of Knowledge in the United States, Princeton: Princeton University Press.
[10]. Perez, C., 1983, “Structural Change and Assimilation of New Technologies in the Economic and Social systems,” Future, October, pp. 357-375.
[11]. Perez, C., 2004, “Technological Revolutions, Paradigm Shifts, and Socio-Institutional Change”, in Erik, R. (ed.), Globalization, Economic Development and Inequality: An Alternative Perspective, Cheltenham, UK, Northampton, MA, USA: Edward Elgar, pp. 217-242.
[12]. Romer, P.M, 1986, “Increasing Returns and Long-run Growth”, Journal of Political Economy, 94(5), pp. 1001-1035,
[13]. Shiller, R., 2000, Irrational Exuberance, New York: Princeton University Press.
[14]. Sollow, R.M., 1957, “Technical Change and the Aggregate Production Function”, Review of Economics and Statistics, 39(1957), pp. 312-320
[15]. World Bank, 1999, Knowledge for Development, World Development Report 1998-1999.
Chú thích:
[1] Nguyên gốc tiếng Anh của từ dịch có khác nhau giữa các tác giả. Dosi (1982) sử dụng thuật ngữ “technological paradigm”, Freeman (1983) là “technological system” và Perez (1983) là “technological style”, tuy nhiên giải thích của các tác giả này đều thống nhất với nhau.