Các vấn đề “nóng” về Tần số VTĐ đã được “quản” thành công trong năm 2012
(ICTPress) - Là đơn vị dẫn đầu trong Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về tham mưu cho Bộ hoàn thành các văn bản, cơ chế chính sách quản lý tần số Vô tuyến điện (VTĐ), Hợp tác quốc tế song phương và đa phương đặc biệt các hoạt động với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Asean, các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc; phối hợp chặt chẽ, thực chất với các Bộ Ngành, địa phương đặc biệt với Bộ Quốc phòng, Bộ Công An và các Sở TT&TT trên cả nước và cải cách hành chính và ứng dụng CNTT với 18.938 giấy phép, chiếm 50% giấy phép được cấp điện tử là đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng sáng nay 21/12 về các công tác của Cục Tần số VTĐ, Bộ TT&TT trong năm 2012.
Hai trong số các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong năm 2012 đã được Cục Tần số VTĐ hoàn thành là: Quyết định số 16/2012-TTG quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ được Phó Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 8/3/2012 và Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTTTT-BGTVT được ký giữa hai Bộ TT&TT và Bộ Giao thông Vận tài ký ngày 24/2/2012 hướng dẫn quản lý, sử dụng tần số VTĐ thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ dẫn đường hàng không.
Đánh giá việc xây dựng các văn bản và Quyết định số 16/2012, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết các văn bản của Cục Tần số VTĐ xây dựng đã chuyển hướng sang cơ chế thị trường về quản lý tần số VTĐ góp phần quản lý hiệu quả tần số VTĐ, tài nguyên quý hiếm của quốc gia. Khối lượng văn bản được Cục Tần số VTĐ xây dựng trong năm qua là lớn nhưng tiến độ xây dựng và chất lượng văn bản tốt mà không phải đơn vị nào cũng thực hiện được.
Một trọng tâm công tác “nóng” năm qua của Cục Tần số VTĐ là xử lý thành công 55 vụ việc can nhiễu, trong đó có một số vụ điển hình: Xử lý can nhiễu có hại cho điều hành bay của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam do phát xạ giả của đài phát thanh, truyền thanh không dây không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật; Phát hiện và xử lý 03 đài phát thanh và đài truyền thanh không dây tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ; Xử lý nhiễu có hại cho Truyền hình số của AVG do bức xạ từ các mạng truyền hình cáp Hà Nội và TP. HCM; Xử lý nhiễu có hại cho các mạng di động do sử dụng các thiết bị trái phép tại Hà Nội; Xử lý nhiễu có hại cho mạng 3G Mobifone và phối hợp với Bộ Quốc phòng xử lý can nhiễu có hại hệ thống dẫn đường bay cho các máy bay quân sự, và Bộ Công An về xử lý nhiễu do thiết bị gây nhiễu mạng 2G, 3G…
Về xử lý can nhiễu, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan cho biết việc xử lý cũng nhờ có việc phải định vị đến tận nhà chỉ ra thiết bị gây can nhiễu. Việc này được Cục Tần số VTĐ xử lý nhanh và không đâu nhanh như ở Việt Nam và đòi hỏi khá tốn kém, nhiều công sức.
HM