Quản lý tần số VTĐ góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên không, trên biển
(ICTPress) - "Bên cạnh đóng góp vào phát triển kinh tế, Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) đã đảm bảo an toàn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia trên không, trên biển" là đánh giá cao của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Nam Thắng về công tác của Cục Tần số VTĐ trong những năm qua và trong 6 tháng đầu năm 2012 hôm nay 6/7 tại Hà Nội.
Năm 2012, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Tần số VTĐ là triển khai cấp phép cho thiết bị phát sóng VTĐ trên tàu cá (Ảnh: phapluattp) |
"Cục đã phối hợp quốc tế để dành quyền sử dụng các quỹ đạo vệ tinh như Vinasat-2 là khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không. Hay việc cấp phép cho thiết bị phát sóng VTĐ trên tàu cá, thực tế an toàn là một phần, một phần ngư dân đi ra khơi xa vẫn liên lạc được với đất liền cũng là khẳng định chủ quyền của chúng ta trên biển. Những việc làm của Cục là chuyên môn nghiệp vụ nhưng với vai trò quản lý của Bộ không chỉ là phục vụ phát triển kinh tế mà góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia", Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm, ngoài việc đã phối hợp vị trí quỹ đạo và hỗ trợ VNPT hoàn thành dự án phóng vệ tinh VINASAT 2, Cục Tần số VTĐ đã thực hiện các công tác đối ngoại như phối hợp tần số biên giới, hoàn thành điều chỉnh công suất và vùng phủ cho các mạng 2G theo kết quả phối hợp với Lào trong tháng 2/2012. Tiến hành phối hợp tần số với Lào từ 16/5 - 18/5/2012, qua đó đã đề xuất về phương pháp đo mạng 3G và lộ trình thực hiện phối hợp cho mạng 3G; Phối hợp tần số với Campuchia hoàn thành việc điều chỉnh công suất và vùng phủ cho các mạng 2G theo kết quả phối hợp với Campuchia.
Tiếp tục thực hiện các công tác đăng ký tần số quỹ đạo, phối hợp đạo cho dự án Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai - VNREDSAT-1 và đã hoàn thành phối hợp với các nước Mỹ, Đức, Canada, Brazil, Arập Saudi, Băng tần X với Pháp, Maroco, Belarus, Libya, Bahrain, Iran. Dự án VNREDSAT-1 được thực hiện trong giai đoạn 2010-2014, có tổng mức đầu tư 55,8 triệu euro từ vốn vay của Pháp và 64,82 tỉ đồng vốn đối ứng của Việt Nam. Khi dự án hoàn thành, sẽ đáp ứng một phần nhu cầu về ảnh vệ tinh viễn thám của Việt Nam trên trường quốc tế. Cục cũng đã hoàn thành đăng ký tần số cho vệ tinh tầm trung (MEO) của FPT.
Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác với các nước ASEAN, Diễn đàn về chính sách tần số (ASEAN Spectrum Policy Forum) đã được thành lập giữa ASEAN và EU, đưa ra được các hoạt động hợp tác và đào tạo của EU hỗ trợ ASEAN; đề xuất thành công thêm 1 dự án sử dụng quỹ ASEAN là dự án “Tái sử dụng tần số băng 2G cho các hệ thống băng rộng”.
Cục Tần số cũng đã tham dự tích cực các Hội nghị WRC-2012, Hội nghị RA, Hội nghị trù bị cho WRC-2015. Đặc biệt, tại Hội nghị WRC-2012, Cục đã có 2 báo cáo đóng góp, tham gia thảo luận về 28 chủ đề và có hơn 40 ý kiến. Nhiều nội dung đề xuất liên quan đến nghiệp vụ vô tuyến, quỹ đạo vệ tinh đã được thông qua.
Về phối hợp và đăng ký tần số quốc tế, Cục đã đăng ký tần số quốc tế cho 50 tần số trên 42 giấy phép Hàng không. Hoàn thành phối hợp cho 65 đài trái đất của Viễn thông quốc tế (VTI). 6 tháng đầu năm, Cục cũng tập trung đăng ký tần số trong băng tần 21.4 - 22 GHz với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) để đạt mục đích bảo vệ viba trong băng tần này. Kết quả, Cục Tần số VTĐ đã đăng ký mới với ITU cho 580 tuyến viba.
Những công tác phối hợp tần số quốc tế được Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định đây là những công việc đóng góp vào đối ngoại của Việt Nam.
HM